TÁC ĐỘNG CỦA YẾU TỐ DÂN CƯ, DÂN TỘC ĐẾN SINH KẾ NGƯỜI MƯỜNG Ở THANH HÓA

Phương thức mưu sinh của một tộc người, một cộng đồng cư dân phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó, hai yếu tố có ảnh hưởng sâu đậm nhất là điều kiện tự nhiên và dân cư. Điều kiện dân cư gồm các yếu tố: tộc người, dân số và mật độ dân số, lịch sử tụ cư và sinh sống. Cùng điều kiện môi trường, nhưng các nhóm cư dân có những cách ứng xử khác nhau, phụ thuộc trước hết vào truyền thống tộc người. Bên cạnh đó, các yếu tố về phương thức tụ cư, mật độ dân số của vùng đất cũng ảnh hưởng lớn đến cách thức ứng xử với môi trường, nhất là khi có những tác động của các yếu tố khách quan. Bài viết tập trung làm rõ ảnh hưởng của các yếu tố dân cư và dân tộc đối với hoạt động mưu sinh của người Mường ở xã Cẩm Lương, Cẩm Thủy, Thanh Hóa.

1. Các tộc người

Trước đây, trừ một số ít người Việt đã Mường hóa do cộng cư lâu đời với người Mường, trên địa bàn xã Cẩm Lương hầu như không có người Việt. Năm 1963, theo chủ trương của Chính phủ, một bộ phận cư dân ở xã Hoằng Xuyên (Hoằng Hóa) lên lập nghiệp ở xóm Xủ, khi đó chỉ có một số ít hộ người Mường. Xóm này sau đó đổi gọi là Xủ Xuyên, lấy tên quê mới và tên quê cũ ghép thành. Một số hộ khác lập cư ở thôn Kim Mẫm.

Từ đồng bằng lên lập nghiệp tại một vùng đất đầy hoang hóa, ban đêm vẫn có hổ báo về rình mò, người Việt nỗ lực khai phá đất đai, cần cù lao động, tính toán trong làm ăn, chi tiêu, xây dựng thành thôn Xủ Xuyên đông đúc với 136 hộ (108 hộ người Việt, 27 hộ người Mường và 1 hộ người Thái); đời sống ổn định, làng xóm trù phú và đẹp đẽ. Người Việt cùng người Mường chia ngọt sẻ bùi, chung sức xây dựng quê hương mới.

Trong xã Cẩm Lương còn có 29 khẩu là người các dân tộc khác, gồm 1 hộ với 8 khẩu người Thái ở thôn Xủ Xuyên, 21 khẩu còn lại là người thuộc các tộc: Tày, Nùng, Dao, Thổ, Khơme về làm dâu, làm rể ở các thôn.

Người Mường ở xã Cẩm Lương có nguồn gốc từ ba nhóm chính:

Nhóm thứ nhất là người Mường sở tại, có mặt tại xã từ rất lâu đời, song không rõ thời gian cụ thể, được gọi người Mường trong. Theo lưu truyền dân gian, nhóm này sinh sống chủ yếu ở thôn Lương Ngọc. Tuy nhiên, qua thời gian, các luồng dân cư di chuyển liên tục nên đến nay không thể xác định cụ thể thuộc dòng họ nào.

Nhóm thứ hai là từ các tỉnh miền núi phía Bắc di cư vào, chủ yếu là Mường Hòa Bình, tập trung ở Mường Bi (Tân Lạc), gọi là người Mường ngoài. Có một số hộ từ vùng huyện Yên Thủy, Hòa Bình chuyển lên được ba đời nay, như một nhánh họ Bùi của ông Bùi Văn Lợi ở thôn Lương Ngọc. Các cuộc di cư này có thể do: những biến thiên lịch sử, bị loạn lạc phải chạy đi tìm nơi cư trú mới, thiếu đất để sinh cư lập nghiệp nên đi tìm đất mới và cuối cùng là do hôn nhân.

Nhóm thứ ba là những người Việt (Kinh) vì nhiều lý do, chuyển cư lẻ tẻ đến địa phương vào các thời điểm khác nhau, sống xen kẽ với người Mường, lâu ngày trở thành người Mường. Nhóm này gồm người thuộc các huyết thống mang họ Phạm.

2. Một số yếu tố xã hội người Mường Cẩm Lương

Gia đình và dòng họ

Gia đình của người Mường là tiểu gia đình phụ quyền, gia trưởng cao, trọng con trai để có người phụng dưỡng và thờ cúng. Khi một cặp vợ chồng không có con trai, thường giải quyết theo các hướng: nhận con nuôi (là cháu của anh em ruột hoặc người ngoài), người con này về sau có quyền lợi và nghĩa vụ như con đẻ; bắt rể: người con rể đến ở hẳn nhà vợ, phải đổi họ theo họ của bố vợ (gọi là rể đổi họ), có trách nhiệm nuôi bố mẹ vợ khi về già và được thừa kế hương hỏa khi bố mẹ vợ qua đời (gọi là rể đời hay rể hương hỏa), trường hợp đang chung sống, người con gái chẳng may bị chết, bố mẹ vợ phải cưới vợ khác cho con rể. Người Mường Cẩm Lương cũng có tục ở rể tạm: khi chị gái đến tuổi lấy chồng mà em trai còn bé, bố mẹ cô gái tìm người con trai chấp thuận đến ở rể, đến khi em trai đủ sức lo toan được việc gia đình, vợ chồng chị gái ra ở riêng và được bố mẹ dựng nhà cửa, chia cho lương thực, đồ dùng thiết yếu (gọi là rể nuôi em). Ngày nay, quan niệm về bình đẳng giới đã in đậm trong đời sống người Mường nên tục ở rể không còn tồn tại.

Trong gia đình của người Mường, quan hệ bố mẹ - con cái và anh chị em rất hòa thuận. Khi về già, bố mẹ thường ở với con cả hoặc con út và người con đó được hưởng ngôi nhà, đất đai và các tài sản có giá trị khác; song người này phải chịu trách nhiệm chính trong việc lo tang khi bố mẹ chết; những anh em khác chỉ góp một phần theo khả năng, không phân bổ, tính toán. Ngày nay, nếu trong đám tang có nhiều phong bì phúng viếng, tất cả số tiền đó đều thuộc quyền quản lý của người con sống với bố mẹ, dù số tiền đó rất lớn và có được do những người con khác có địa vị xã hội cao, quan hệ xã hội rộng; còn người con sống với bố mẹ chỉ là nông dân bình thường, không có nhiều mối quan hệ để có nhiều người đến phúng viếng. Con gái nếu đi lấy chồng mà khó khăn về chỗ ở cũng được bố mẹ chia đất, cho tiền dựng nhà.

Người Mường Cẩm Lương có các dòng họ: Bùi, Phạm, Trương, Cao. Tại thôn Lương Ngọc, họ Phạm có ba dòng. Một dòng cư trú từ rất lâu đời (có ý kiến, dòng này vốn là người Việt từ đồng bằng chuyển lên, đổi thành người Mường). Một dòng từ Hòa Bình, vốn là họ Quách, tương truyền do bị vạ voi (1) mà phải bỏ quê chuyển vào đây, làm con rể họ Phạm, sau đổi theo họ nhà vợ; lúc đầu kiêng thịt chó, sau khi đổi họ thì không kiêng nữa. Dòng thứ ba từ xã Cẩm Liên chuyển lên, kiêng kỳ đà. Đây là dấu vết của tô tem dòng họ.

Dòng họ của người Mường Cẩm Lương có sự cố kết khá bền chặt, chủ yếu trong vòng 5 đời - phạm vi mà những người cùng huyết thống không thể lấy được nhau (trước đây, do giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội hạn chế, nên sau 5 đời, con cháu cùng một gốc có thể kết hôn với nhau). Trong họ cũng phân ra ngành trưởng, ngành thứ. Hàng năm, dòng họ có cuộc họp họ và liên hoan vào dịp thu hoạch xong lúa mùa. Ngày nay, thường tổ chức vào dịp tết Nguyên đán, để những người đi làm ăn ở xa, làm trong các cơ quan Nhà nước có thể về gặp mặt. Ngày gặp mặt liên hoan này, các gia đình trong họ góp gạo, gà, rượu, do trước đây dòng họ không có quỹ. Ngày nay, một số dòng họ đã lập quỹ họ. Chẳng hạn, họ Phạm của ông Phạm Văn Ninh ở làng Lương Ngọc mỗi năm mỗi gia đình (bếp) góp 100.000 đồng. Số tiền này chỉ dùng để khuyến học (khen thưởng học sinh giỏi, học sinh đỗ đại học, cao đẳng và học sinh nghèo vượt khó); còn thường ngày để cho người trong họ vay để phát triển kinh tế, lãi suất theo lãi suất tiết kiệm. Người được vay phải nói rõ mục đích sản xuất, kinh doanh để vay tiền và phải được dòng họ chấp thuận. Thời hạn vay là một năm. Khi trong họ có người gặp khó khăn lớn, hoặc ốm đau nặng, tai nạn, được cả họ đến chăm nom. Khi có người qua đời, mỗi gia đình góp 10 kg thóc (số thóc này mấy năm gần đây được quy thành tiền theo thời giá) và 50.000 đồng để hỗ trợ; đồng thời cả họ đến lo tang.

Làng và mường

Thiết chế xã hội truyền thống trước Cách mạng Tháng Tám 1945 của người Mường Cẩm Lươngmường. Các thôn Kim Mẫm, Lương Hòa, Lương Ngọc, Lương Thuận ngày nay khi đó gọi là làng, nằm trong một mường gọi là mường Vẫm. Điều đặc biệt là mường này không có lang (lang đạo) như một mường ở Hòa Bình hoặc hầu hết các vùng mường ở Thanh Hóa, mà đến nay không giải thích được. Cả mường có một trùm mường lo việc cúng bái ở đình chung của mường (tọa lạc tại thôn Kim Mẫm 1, khu vực có công sở xã Cẩm Lương ngày nay). Mỗi làng có một trùm làng lo việc cúng tế ở đình làng. Để làm được trùm làng, phải qua 6 năm làm trai làng, 3 năm làm ông vá hay phó trùm (chọn từ người cao tuổi nhất trong các trai làng và có điều kiện kinh tế, thân thể không khuyết tật). Sau 3 năm làm trùm làng được lên quan viên làng, để được dự các sinh hoạt tại đình chung của mường. Người nào có điều kiện kinh tế thì bỏ tiền khao làng một bữa để lên thẳng quan viên làng, không phải làm trùm và phó trùm. Quan viên làng có bốn bàn, mỗi bàn bốn người: bàn nhất, mỗi người có một trai làng phục vụ; bàn nhì và bàn ba cứ hai quan viên có một trai đinh, còn bàn tư có một trai đinh phục vụ cả bốn quan viên.

Bộ máy quản lý hành chính trong mường Vẫm được thiết lập vào năm Minh Mệnh thứ 16 (Ất Mùi, 1835) (2). Cả mường Vẫm là một xã, có lý trưởng và phó lý đứng đầu. Trên xã là cấp tổng, theo các bậc cao niên, người làng Lương Ngọc thường giữ được chức danh này (và cả chức danh lý trưởng, phó lý). Dưới lý trưởng có chức xã chòm, như trưởng làng về mặt hành chính, thường do những người giàu có nắm.

Về sở hữu ruộng đất, khác với các vùng mường ở Hòa Bình và nhiều vùng mường ở Thanh Hóa, ruộng đất đều thuộc công hữu, ở mường Vẫm lại thuộc sở hữu tư nhân, do các chánh - phó tổng, lý - phó trưởng nắm giữ, cho nông dân phát canh thu tô, thu theo kiểu “tô rẽ đôi”: đến mùa thu hoạch, chủ ruộng lấy dây vạch (hoặc dùng chân gạt) 2 đường chéo từ 4 góc, chia ruộng thành 4 ô, chủ ruộng được 2 ô, người phát canh được 2 ô. Do đa số các thửa ruộng không vuông vức hay ngang bằng, sắc cạnh, nên 4 ô thường không đều nhau. Chủ ruộng thường nhận trước, hoặc nhận chổ lúa tốt, nếu lúa đều cây và hạt như nhau, chủ ruộng thường nhận các ô rộng hơn.

Tuy xã hội đã phân hóa rõ nét thành “quan viên - bạch đinh”, địa chủ và người lĩnh canh như ở người Việt, nhưng trong làng, người Mường vẫn sống gắn bó, tính cộng đồng, tương trợ rất cao, nhất là trong các dịp cưới xin, tang ma, vào lúc mùa vụ, các dịp có lễ nghi của làng, mường. Câu thành ngữ Trâu chết cùng pha, ma chết cùng chôn nói lên tính cộng đồng đó. Tính cộng đồng tương trợ đó xuất phát từ việc mỗi làng xưa kia chỉ trên 30 gia đình, nền kinh tế thấp kém, lại phải sống trên một vùng đất tương đối cách biệt với các mường bên cạnh, gần như bị cô lập vào mùa mưa; điều kiện thiên nhiên rất khắc nghiệt với nhiều yếu tố bất ngờ, bất lợi luôn xảy ra, cách đây gần 60 năm còn đầy thú dữ. Con người phải đoàn kết, gắn bó, tương trợ lẫn nhau để vượt qua những khó khăn, thử thách đó.

3. Một số yếu tố văn hóa người Mường ở Cẩm Lương

Văn hóa vật chất

Văn hóa vật chất truyền thống của người Mường xã Cẩm Lương cũng được đúc kết bằng câu ngạn ngữ Cơm đồ, nước vác, nhà gác, lợn thui, trâu đeo mõ, chó leo thang, áo một gang, quần một ống. Tuy nhiên, ngày nay, các yếu tố này đang biến đổi sâu sắc.

Cơm đồ: ngày nay, diện tích trồng lúa nếp của các hộ gia đình người Mường rất ít, nên cơm đồ (xôi) chỉ có trong các dịp quan trọng của gia đình (ngày lễ, có sự kiện quan trọng, có khách quý…).

Nước vác: khoảng hơn 20 năm trước, người Mường đã đi dép, kết hợp với việc nguồn nước được đưa về tận nhà, bếp (đã tách khỏi nhà), nên mỗi buổi sáng, các gia đình không phải mang ống nước ra suối vác nước về, đặt tại cạnh cầu thang, nơi có bể nước nhỏ để rửa chân trước khi lên nhà và đưa vào bếp để nấu ăn.

Nhà gác (nhà sàn): từ đầu thập niên 1980, nguồn gỗ làm khung nhà và nguồn cỏ tranh để lợp nhà suy giảm nghiêm trọng, nên đa số các gia đình trong xã không thể duy trì được nhà sàn, phải chuyển xuống nhà đất. Đến năm 2008, thôn Lương Ngọc chỉ còn 4 ngôi nhà sàn cũ, nát. Ngành văn hóa tỉnh đã thực hiện đề án khôi phục lại các ngôi nhà sàn này, đồng thời dựng một ngôi nhà sàn chung của thôn ở ngã ba đường suối cá để phục vụ phát triển du lịch.

Lợn thui: lợn sau khi được cạo lông sạch phải thui qua rơm cho vàng và thơm thịt. Ngày nay hầu như không mấy người dùng kỹ thuật này.

Áo một gang, quần một ống: chỉ bộ nữ phục, gồm váy và chiếc áo ngắn. Ngày nay, người phụ nữ Mường xã Cẩm Lương chỉ mặc bộ trang phục truyền thống này vào các ngày lễ tết, các cuộc họp mang tính sinh hoạt chính trị, dịp cưới xin.

Văn hóa tinh thần

Văn hóa tinh thần của người Mường xã Cẩm Lương trước đây cũng khá phong phú. Về tín ngưỡng, người Mường coi trọng việc thờ tổ tiên và thờ thổ công. Tổ tiên là những người đã khuất trong phạm vi năm đời còn nhớ được. Cúng tổ tiên vào ba dịp chính: tết Nguyên đán, tập trung vào ngày mồng một tết. Lễ vật chủ yếu là thịt lợn, xôi và các loại bánh; mồng 5-5, lễ vật ngoài thịt lợn, xôi, bắt buộc phải có cá đồ (cá sông hoặc cá suối), chè nếp; tết Cơm mới, khi bắt đầu có lúa chín. Lễ vật giống như tết mồng 5-5.

Người Mường không làm giỗ người chết, không thắp hương tổ tiên vào các ngày rằm, mồng một, song khoảng 10 năm trở lại đây, đã học theo người Việt, tiến hành các nghi thức và lễ thức này.

Về tín ngưỡng cộng đồng, người Mường xã Cẩm Lương cũng có thờ Thành hoàng làng, tín ngưỡng nông nghiệp. Do ở vùng có sông và suối gắn với dải núi Trường Sinh, nên thành hoàng chung của cả vùng là thần Rắn, thần Cá và Cao Sơn đại vương. Ngôi đình thờ các vị thần trước đây ở đầu suối Cá. Trong thời kỳ chống mê tín dị đoan, đình bị phá bỏ. Năm Đinh Hợi (2007), một số người ở Hà Nội và Hải Phòng, đứng đầu là bà Lê Thị Thanh ở phường Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy, Hà Nội) và bà Nguyễn Thị Kim ở phố Trần Phú (quận Ngô Quyền, Hải Phòng) xin công đức dựng ngôi đền Long Vương phủ trên nền đình cũ. Tháng 9 khởi công, đến tháng 9 năm sau (Mậu Tý, 2008) hoàn thành. Đền có cấu trúc chữ nhị, mỗi tòa đều có ba gian (gian giữa rộng, hai gian bên hẹp). Tòa tiền tế xây theo kiểu chồng diêm (hai tầng mái). Bên trong tòa lại bày đặt các tượng mẫu. Bên trái đền có am thờ thần Rắn, bên phải có am thờ thần Cá.

Trước đây, các lễ thức của tín ngưỡng nông nghiệp và thờ thành hoàng được kết hợp với nhau. Trong một năm trước đây, trong làng và trong mường có các lễ thức sau đây: tháng giêng, lễ khai hạ, mở đầu năm mới, tổ chức tế lễ cầu cho một năm được hanh thông; tháng hai, lễ cầu yên, cầu cho làng mường được yên ổn, mùa màng, gia súc không bị dịch bệnh; tháng tư, lễ xuống mùa, giống như lễ hạ điền (xuống đồng) của người Việt, mở đầu vụ cày cấy; tháng bảy, lễ rửa cày bừa, kết thúc vụ gieo cấy, giống như lễ thượng điền (lên đồng) của người Việt; tháng chín, lễ cơm mới, khi có lúa chín.

Các lễ thức trên được tiến hành tại đình của làng. Mỗi gia đình góp một con gà, một ống gạo và một chai rượu (riêng lễ cơm mới phải có cá) để cùng sửa lễ cúng thần, sau đó cùng ăn uống, chia sẻ.

Người Mường Cẩm Lương cũng có kho tàng về ngữ văn dân gian gồm các thể loại: truyện kể dân gian, các câu thành ngữ, tục ngữ về các khía cạnh cuộc sống.

Về nghệ thuật diễn xướng, có sắc bùa, cồng chiêng, hát đối. Các trò chơi có đánh cù (thường ngày), ném còn (chủ yếu trong dịp hội).

Phong tục cưới xin xưa kia phải qua nhiều bước, mỗi bước cách nhau một thời gian, từ khi ăn hỏi đến khi cưới phải ba năm. Lễ vật cưới rất nặng nề, nhất là với nhà giàu: phải có một con trâu, có khi thay bằng hai con bò (một con cho nhà bên nội cô gái, một con cho nhà bên ngoại), một chiếc xanh (nồi) đồng, 2 thúng gạo (nếu là bò thì phải thêm một thúng), bánh chưng. Tuy nhiên, con gái về nhà chồng cũng phải có đủ quà (chăn, đệm, gối) cho bố mẹ, chú bác nhà chồng. Ngày nay, đám cưới tiến hành bình đẳng, cộng đồng trách nhiệm giữa hai bên.

Tang ma xưa kia rất phiền phức, phải làm mo từ 6 đến 12 đêm, đọc mo đưa người chết qua các chặng đường để sang thế giới bên kia. Ngày nay, theo quy định không để linh cữu trong nhà quá 48 tiếng đồng hồ nên chỉ làm mo một đêm.

Trên nền cảnh quan thung lũng chân núi, cư dân Mường xã Cẩm Lương duy trì nền kinh tế nông nghiệp ruộng nước, kết hợp làm nương rẫy, khai thác các sản vật tự nhiên. Trên cơ sở đó, hình thành thiết chế xã hội với các yếu tố gia đình, dòng họ, làng - mường khá chặt chẽ; các yếu tố văn hóa vật chất và tinh thần vừa mang những nét chung của văn hóa Mường, vừa mang những yếu tố riêng do đặc thù địa phương. Những yếu tố trên đã tác động mạnh mẽ đến sinh kế của người Mường xưa và ngày nay.

_____________

1. Vạ voi là môtip truyện khá phổ biến ở nhiều làng quê Việt vùng châu thổ Bắc Bộ và đồng bằng Bắc Trung Bộ. Nội dung chủ đạo của môtip truyện nói về sự ly tán của một nhóm (hay cộng đồng cư dân) vì nhiều nguyên nhân khác nhau, được khoác lớp vỏ là voi của vua (hay chúa) đi qua làng bị chết, làng (hoặc các làng khác có liên đới) phải đền, bằng cách phải đổ vàng, bạc hoặc tiền vào con voi đan tre, to như voi thật. Xóm (hoặc giáp) nào trong làng, hoặc làng nào gắp phải phần nào của con voi thì phải đổ đầy vàng, tiền vào đó. Có xóm (giáp) hoặc làng gắp phải phận bụng voi nên không thể đền được, phải bỏ làng ra đi. Trong trường hợp đang bàn, chuyện vạ voi gắn với quan lang, có thể do người Mường mượn típ chuyện của người Việt, song có thể do người họ Phạm gốc là người Việt từ đồng bằng cũng bị vạ voi phải chuyển lên, lâu dần thành dòng họ có thế lực ở vùng Mường đã gán vào cho nhóm người Mường họ Quách từ Hòa Bình chuyển vào, làm rể họ mình.

2. Vương Anh, Tiếp cận với văn hóa bản Mường (Nghiên cứu, tiểu luận), Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội, 2001.

3. Vương Anh, Mo dân tộc Mường (Sử thi và thần thoại), Nxb Văn hóa dân tộc. Hà Nội, 2007.

4. Nguyễn Từ Chi, Góp phần nghiên cứu văn hóa tộc người, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2003.

5. Nhiều tác giả, Sưu tầm, nghiên cứu và đề xuất các giải pháp bảo tồn, khôi phục và phát huy văn hóa phi vật thể người Mường Thanh Hóa (Kỷ yếu hội thảo), Sở VHTT Thanh Hóa, Ban chủ nhiệm đề tài khoa học, Thanh Hóa, tháng 10-2007.

6. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, tập 2, Nxb Thuận Hóa, Huế.         

7. Suối cá thần Cẩm Lương, Wikipedia, 20-12- 2017.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 406, tháng 4 - 2018

Tác giả : NGUYỄN THẾ ANH

;