Múa dân gian dân tộc Việt Nam có lịch sử lâu đời với nhiều giá trị tuyệt vời, có sức sống bền vững theo thời gian. Những điệu múa truyền thống qua bao thế hệ nâng niu, truyền nối, được coi là cội nguồn của nghệ thuật múa, là chất liệu quý giá và trở thành nguồn cảm hứng vô tận đối với các biên đạo múa hiện nay.
Tiết mục múa Sợi duyên tìm bạn
Mảnh đất Lào Cai có 25 dân tộc sinh sống, mỗi dân tộc có một điệu múa truyền thống riêng: Người Xa Phó có múa khăn, múa kéo sợi; người Giáy có múa quạt; người Mông có múa khèn; người Dao đỏ ở Tả Phìn có 54 điệu múa (từ điệu múa chào đón các vị thần đến các điệu nhảy xuất binh, ra tướng, múa còn, múa gà, múa cờ…). Người dân Lào Cai coi đây là món ăn tinh thần không thể thiếu trong các sinh hoạt văn hóa cộng đồng, đặc biệt là các dịp lễ, Tết.
Biên đạo múa Xuân Hạnh, người con của núi rừng Tây Bắc, người nghệ sĩ luôn say đắm với điệu múa của các dân tộc tỉnh Lào Cai. Tình yêu ấy, men say ấy đã tạo nên mạch nguồn sáng tạo để anh cho ra đời rất nhiều tác phẩm ghi dấu ấn trong lòng khán giả và giành được những giải thưởng cao. Từ tác phẩm đầu tay Nhớ, cho đến Sính lễ rước dâu (dân tộc Phù Lá), Thắng cố (dân tộc Mông), Sợi duyên tìm bạn, Hoa đỗ quyên (dân tộc Hà Nhì) cho thấy một Xuân Hạnh nặng lòng với múa dân tộc. Xem những tác phẩm của anh, người ta thấy nét văn hóa đặc trưng của từng tộc người, trong trẻo, thuần khiết và rất “tình”.
Xuân Hạnh chia sẻ: Anh yêu cái hồn cốt dân tộc trong âm nhạc và các điệu múa nơi anh sinh sống, nơi anh đi qua và trải nghiệm. Múa dân gian dân tộc được coi là linh hồn trong các tác phẩm biểu diễn chuyên nghiệp của Đoàn Nghệ thuật dân tộc tỉnh Lào Cai, tạo nên nét đặc trưng riêng có và cũng là thế mạnh của đơn vị mỗi khi tham gia các liên hoan, hội diễn trên khắp mọi miền đất nước.
Trong Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc năm 2021 được tổ chức vào tháng 11 tại Hải Phòng, Đoàn Nghệ thuật dân tộc tỉnh Lào Cai đã mang đến cho khán giả chương trình nghệ thuật Lào Cai bồng bềnh miền sương mây với 10 tiết mục được đầu tư công phu về nội dung tư tưởng, chủ đề, tính nghệ thuật và trình diễn đặc sắc. Các nghệ sĩ Đoàn Nghệ thuật dân tộc Lào Cai đã xuất sắc giành được 3 huy chương Vàng, 3 huy chương Bạc và 2 huy chương Đồng. Trong đó, 3 HCV thuộc về các tiết mục: múa Sợi duyên tìm bạn (dân tộc Hà Nhì); hòa tấu Cái duyên và huy chương Vàng giành cho chương trình Lào Cai bồng bềnh sương mây; 3 HCB thuộc về các tiết mục: múa Màu Nùng Dín, thơ múa Ném Pao trao tình và tốp ca Trai vùng cao; 2 HCĐ thuộc về các tiết mục: Mashup: Tiếng rừng, Lào Cai thành phố trên mây, Người Hti Mông và đơn ca Về đồi non. Ngoài ra, Đoàn cũng nhận được Bằng khen của Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam vì thành tích tham gia hiệu quả trong liên hoan.
Xem múa Sợi duyên tìm bạn, Màu Nùng Dín, Ném Pao trao tình người ta thấy cả một không gian rộng lớn, đa sắc, dẫn dắt khán giả đến với nét văn hóa độc đáo của dân tộc Hà Nhì, dân tộc Nùng Dín, dân tộc Mông qua những chiếc khăn, cái nón, những quả Pao,…. và những chàng trai, cô gái tuổi 18, đôi mươi tràn đầy sức sống, đắm say men tình, mang đến suối nguồn sinh khí, vũ điệu trên mây.
Chất liệu dân gian được biên đạo khai thác triệt với những động tác, tạo hình, sự chuyển động đặc trưng của dân tộc, kết hợp khéo léo với yếu tố hiện đại tạo thành một chỉnh thể hài hoà, mang đến nhiều dư vị trong lòng khán giả về mảnh đất và con người Lào Cai hồn hậu, trẻ trung và nên thơ. Những biên đạo nặng lòng với văn hóa cội nguồn dân tộc luôn biết cách để đưa các điệu múa truyền thống đan xen vào yếu tố hiện đại, tạo nên sự gần gũi, vừa gìn giữ, vừa phát triển, giúp các điệu múa dân gian các dân tộc có vị trí bền vững trước dòng chảy nghệ thuật đương thời.
Nhiều người nói rằng đề tài thể hiện thế giới quan và năng lực nghệ thuật của người biên đạo, còn cách sắp xếp, tổ chức các thành tố đề tài, nội dung, bố cục, kết cấu trong tác phẩm thể hiện tư duy khoa học của người biên đạo. Ở Sợi duyên tìm bạn, Màu Nùng Dín, Ném Pao trao tình ngôn ngữ múa không bị tác giả ôm đồm, khoe kĩ xảo, kĩ thuật trong thể hiện mà có sự tiết chế hợp lý, biến chuyển đội hình, tuyến chuyển động một cách linh hoạt. Cùng với cách xử lý tài tình mối quan hệ giữa trang phục, đạo cụ, bài trí và âm nhạc đã tạo nên một tổng thể hài hoà, dễ chịu, giúp khán giả thưởng thức và cảm nhận một cách trọn vẹn.
Nói về những thuận lợi và khó khăn khi biên đạo tác phẩm về đề tài miền núi, biên đạo múa Xuân Hạnh cho biết: “Ở miền núi có rất nhiều dân tộc với những nét văn hóa phong phú, đặc sắc, mỗi tộc người lại có những sinh hoạt, phong tục tập quán khác nhau. Bên cạnh đó không gian rộng lớn, nhiều thanh âm, sắc màu, cảnh vật điệp trùng, mây núi ẩn hiện khiến người biên đạo có nhiều cảm xúc, ý tưởng để dàn dựng. Tuy vậy, cũng có những khó khăn nhất định bởi biên đạo tác phẩm múa về chủ đề miền núi cần rõ ràng trong phong cách, nét văn hóa, nét sinh hoạt của dân tộc mình định làm. Tuyệt đối không được lẫn lộn giữa màu sắc văn hóa dân tộc này với dân tộc khác. Những năm gần đây nhiều biên đạo đã khai thác về đề tài này, bởi vậy chất liệu, ý tưởng cũng dần ít đi. Người biên đạo cần sáng tạo mỗi ngày để làm sao tránh lặp lại người khác và chính bản thân mình.”
Tiết mục múa Thắng cố
Một tác phẩm múa có chất lượng nghệ thuật cao đồng nghĩa với những giá trị mà tác phẩm để lại, đó là những giá trị cho cộng đồng, khán giả, giá trị cho sự phát triển nghề nghiệp, giá trị trong quá trình giao lưu và tiếp biến văn hóa và đương nhiên cũng là bài học cho chính tác giả biên đạo trong hành trình tiếp theo. Biên đạo Xuân Hạnh chia sẻ: “Trong xu hướng hội nhập và phát triển, cá nhân tôi nói riêng và Đoàn Nghệ thuật dân tộc tỉnh Lào Cai sẽ cố gắng để làm sao bắt kịp xu hướng múa của thế giới, kết hợp giữa dân tộc và hiện đại để tạo nên sự mới mẻ, sức hấp dẫn, song sẽ dựa trên cơ sở ngôn ngữ và văn hoá của người đồng bào miền núi là chủ đạo. Chúng tôi quyết tâm giữ nét đẹp nguyên sơ, thuần khiết của các tộc người để đưa vào tác phẩm múa. Hằng năm Đoàn sẽ tổ chức các đợt đi sưu tầm, tìm hiểu cuộc sống, sinh hoạt văn hóa của các dân tộc tỉnh Lào Cai để làm chất liệu dàn dựng”.
Việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa, đặc biệt là những điệu múa dân gian dân tộc vẫn còn rất nhiều khó khăn. Song khi nào vẫn còn những người nghệ sĩ nặng lòng với nghệ thuật dân tộc như biên đạo múa Xuân Hạnh thì tôi tin là dẫu có đi qua bao thăng trầm của thời cuộc với những biến động của văn hóa, xã hội, múa dân tộc vẫn phát triển và có chỗ đứng nhất định trong lòng khán giả.
PHƯƠNG LAN
Ảnh: THANH HOA
Nguồn: Tạp chí VHNT số 490, tháng 2-2022