Tiểu thuyết là một thể loại đặc biệt trong văn học. Nhà phê bình Nga vĩ đại V.G Belinski đã từng nhận định “Tiểu thuyết đã giết chết tất cả, đã thu hút tất cả” (1). Ông nhìn thấy khả năng rộng lớn của tiểu thuyết và nêu lên những dấu hiệu chung nhất của tiểu thuyết: “Anh hùng ca của thời đại chúng ta là tiểu thuyết” (2). Tiểu thuyết phổ biến ở mọi nền văn học trên thế giới. Tiểu thuyết hiện đại ra đời ở một nền văn học là dấu mốc, là tiêu chí đầu tiên xác định nền văn học đó chuyển sang thời kỳ hiện đại. Tiểu thuyết theo nghĩa hiện đại, trong văn học các nước Đông Nam Á nói chung, Indonesia nói riêng, đều ra đời vào những thập niên đầu thế kỷ XX và trở thành thể loại chủ chốt của văn học nghệ thuật mỗi nước.
Trong văn học Indonesia cũng như trong văn học Đông Nam Á, nơi xuất phát điểm ra đời của tiểu thuyết là thành thị. Thành thị không chỉ là trung tâm hành chính mà còn trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa trong xã hội thuộc địa nửa phong kiến, ở giai đoạn giao thời cuối TK XIX đầu TK XX ở Indonesia. Với chính sách khai thác thuộc địa của thực dân Hà Lan, ở Indonesia đã hình thành nên các trung tâm đô thị mới, một quan hệ sản xuất mới, bên cạnh quan hệ sản xuất phong kiến, là quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa, môi trường tốt tạo tiền đề trực tiếp cho sự phát triển văn học hiện đại, đặc biệt là tiểu thuyết hiện đại hình thành.
Cuối TK XIX, ở Indonesia, văn học thành phố ra đời chứa đựng những thay đổi căn bản. Đó là sự chuyển hướng: sáng tác ngày càng có mối liên hệ mật thiết với cuộc sống thực tại. Những tác phẩm văn học ra đời phản ánh cuộc sống đương thời của đất nước. Cuộc sống của những người thị dân dần dần đi vào văn học làm nảy sinh những tư tưởng của chủ nghĩa nhân đạo, dân chủ và độc lập dân tộc. Văn học thành phố ở Indonesia là mảng văn học viết bằng tiếng Mã Lai thấp kém. Việc sử dụng tiếng Mã Lai trong sáng tác văn chương làm cho ngôn ngữ này dần dần trở thành ngôn ngữ văn học, phản ánh toàn bộ cuộc sống tâm hồn của các dân tộc Indonesia. Tính chất dân chủ là một khuynh hướng chủ yếu bao trùm của văn học thành phố ở Indonesia. Những đại biểu của tầng lớp thị dân khá giả là những người lập nên mảng văn học này. Các cây bút văn chương phần lớn xuất thân từ tầng lớp trí thức, tiểu tư sản thành thị, các viên chức cao cấp của bộ máy nhà nước. Văn học thành phố vừa mang tính chất văn học giao thời, vừa thể hiện sự chuyển hướng văn học. Cả hai đều xuất phát từ những ảnh hưởng của văn hóa, văn học phương Tây, thông qua Hà Lan, diễn ra ở thành phố. Dưới tác động ảnh hưởng văn hóa văn học phương Tây, sự chuyển hướng của văn học Indonesia bắt đầu bằng việc thay đổi vị trí của văn học cung đình so với thành thị tư bản chủ nghĩa. Văn học bác học trung đại và những người đẻ ra nó mất sinh khí, mất đất sống và tàn lụi. Còn ở thành thị ngày càng đông đảo những con người mới, có những nhu cầu văn học khác trước.
Trong môi trường thành phố, các tầng lớp, các giai cấp xã hội thành thị như tư sản, công nhân, công chức, viên chức, trí thức tây học, ký giả… tuy khác nhau về mức sống, về thái độ đối với chế độ đương thời nhưng vẫn gần nhau về những nét tâm lý, thị hiếu. Họ đều khát khao cái mới lạ, luôn thay đổi, muốn sống và giải trí trong môi trường sôi động. Người dân thành thị cần xem truyện có những tình tiết cụ thể, ly kỳ, hấp dẫn, gây xúc động. Họ sống cạnh tranh, thực tế nên cần hiểu rõ, hiểu kỹ cuộc sống với các tình tiết đủ đầy, những chi tiết cụ thể gây được cảm giác, thỏa mãn được trí tò mò. Vì vậy người dân thành thị cần sống với những cảnh ngộ, những số phận của tiểu thuyết, số phận của những con người cụ thể, trong cuộc sống bình thường, không còn thỏa mãn với những lời giáo huấn về đạo lý, cương thường xưa cũ trong văn học. Nền văn học mới, đặc biệt là nền văn xuôi mới đã ra đời, chuyển hướng sáng tác, đáp ứng những nhu cầu đòi hỏi đó của bạn đọc, chủ yếu là bạn đọc thị dân.
Người sáng tác văn học cũng phải thay đổi về quan niệm văn học, tư tưởng thẩm mỹ, đưa văn học vào quĩ đạo chung của văn học thế giới. Đó là sự tồn tại một tầng lớp trí thức biết tiếng Hà Lan, biết văn học Hà Lan và từ đó biết văn học, văn hóa phương Tây. Họ làm quen với nền văn học Phục hưng, với các sáng tác của chủ nghĩa cổ điển, chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa tự nhiên, chủ nghĩa hiện thực… Họ làm quen với các nhà văn những năm 80 TK XIX của Hà Lan như Jak Perk, Vilem, Kloss, các nhà văn phương Tây khác như Xervantes, Môlie, Cornây, Vích to Huy gô, Rimbo, Đôđê, Anđrê Git, Banzắc, Bác buýt… Đồng thời cũng học hỏi ở những nhà văn này kinh nghiệm sáng tác, tập dượt sáng tác theo hệ thống thể loại, qui thức của văn học phương Tây nhằm xây dựng nền văn học mới. Hình thành đội ngũ các cây bút, du nhập các thể loại của văn học phương Tây để chúng thay thế các thể loại có tính chất chức năng của văn học cũ. Thể loại mới được ưa chuộng nhất chính là tiểu thuyết, đi liền với nhu cầu phản ánh hiện thực đời sống thường ngày, thay thế cho ngôn ngữ bác học giáo huấn, điển tích để mô tả.
Trong thành phố, việc in ấn tạp chí được tăng cường. Tờ báo đầu tiên bằng tiếng Mã Lai là Selomprét Melayu ra đời ở Semarang năm 1860. Cho đến năm 1885, ở Indonesia có khoảng 12 tờ báo như thế. Ảnh hưởng to lớn tới sự phát triển của văn học thành phố là các tác phẩm dịch từ châu Âu. Chủ yếu là những cuốn tiểu thuyết với cốt truyện gây sự chú ý mạnh mẽ như Hầu tước Monte Kristo, Ba chàng lính ngự lâm pháo thủ của Đuy ma; Rôbinsơn Kruso của Đepho và nhiều tác phẩm của các nhà văn châu Âu khác. Riêng tiểu thuyết Rôbinsơn Kruso đã tái bản tới 5 lần vào đầu TK XX. Bạn đọc Indonesia thích thú đón nhận những sách dịch này vì trong những tác phẩm ấy đã ca ngợi tinh thần lao động không mệt mỏi của con người, nhất quyết không từ bỏ ý chí của mình trong những điều kiện khó khăn, nặng nề và nhân vật luôn tin vào sức mạnh của bản thân mình. Ở Indonesia cũng như ở Việt Nam, sự tiếp xúc và làm quen với văn học phương Tây đóng vai trò quan trọng trong sự hình thành thể loại tiểu thuyết hiện đại. Văn học phương Tây ảnh hưởng mạnh mẽ tới các sáng tác của các nhà văn Indonesia. Đây là bước đi đầu tiên để tiến tới sự ra đời của tiểu thuyết hiện đại Indonesia.
Cuối TK XIX, trong văn học thành phố xuất hiện những tác phẩm hiện thực được phê phán từ lập trường tiến bộ như chống lại bất bình đẳng xã hội, phê phán thế lực đồng tiền. Cuối TK XIX, ý thức tự chủ của người Indonesia chưa hẳn được thức tỉnh. Lớp trí thức mới, mà từ đó có thể xuất hiện những nhà tư tưởng của dân tộc còn chưa được sinh ra. Bởi vậy, trong văn học thành phố thời gian này còn vắng bóng những cảm hứng vệ quốc, những cảm hứng này trở thành đặc trưng của văn học Indonesia bắt đầu ở những năm 20 của TK XX. Văn học thành phố cuối TK XIX bằng tiếng Mã Lai thấp kém đã đặt cơ sở, tiền đề cho sự hình thành nền văn học chung Indonesia mới. Về nguyên tắc, khác hẳn với văn học các dân tộc riêng biệt trên quần đảo Indonesia.
Vào đầu TK XX, ở Indonesia phổ biến tư tưởng tiến bộ và ý thức tự cường dân tộc, khuynh hướng thống nhất các dân tộc vào một dân tộc chung Indonesia. Trước sự chuyển biến đó của lịch sử xã hội, văn học Indonesia, đặc biệt là tiểu thuyết đã tiếp thu kinh nghiệm tiên tiến của văn học Tây Âu, thông qua trí thức dân tộc làm thay đổi đời sống văn học. Nhiều tờ báo, tạp chí ra đời, phát triển văn chính luận, tăng số lượng của tác phẩm nghệ thuật. Những cuốn sách, tạp chí được nhà xuất bản Balai Pustaka in bằng tiếng Indonesia và Hà Lan. Trong số những sách in này có những tác phẩm gọi là Saduran, những truyện phóng tác theo các tác phẩm của nước ngoài, cải biên lại hành động để tác phẩm được Indonesia hóa. Mẫu mực của những tác phẩm kiểu này là truyện Giôhan và Giamin của Merari Sirega. Giôhan và Giamin dựa theo tác phẩm Ian Smit của văn sĩ Van Maurích- người Hà Lan. Sau đó Merari Sirega đã viết cuốn tiểu thuyết nguyên tác đầu tiên là Bất hạnh và đau khổ năm 1920.
Tiểu thuyết Bất hạnh và đau khổ ra đời, mở đầu cho một loạt những cuốn tiểu thuyết khác cùng đề tài, mang tính chất sinh hoạt gia đình, chống lại lễ giáo phong kiến, chống lại những tập tục cổ hủ lỗi thời cản trở hôn nhân tự do của nam nữ thanh niên. Xung đột của loại tiểu thuyết này là cuộc đấu tranh giữa cha mẹ với con cái, giữa cái mới với những tàn tích phong kiến trong phạm vi hôn nhân gia đình. Cốt truyện của tiểu thuyết Bất hạnh và đau khổ là câu chuyện tình yêu bất hạnh của đôi nam nữ thanh niên có tên là Aminuđin và Mariamin. Hai người có quan hệ với nhau từ khi còn ngồi ghế nhà trường, lớn lên, hai người yêu nhau. Thôi học ở trường, Aminuđin đi Međan làm việc. Chẳng bao lâu anh ta báo tin cho cha mẹ biết công việc của mình đã trôi chảy và đòi kết hôn với Mariamin. Đồng thời anh cũng viết thư báo cho Mariamin để cô chuẩn bị. Trong khi đó hoàn cảnh đã thay đổi. Gia đình Mariamin gặp tai biến, bị phá sản, bố chết. Gia đình Aminuđin chọn cho anh một người khác làm vợ. Sau đó, cha anh dẫn nàng dâu tương lai đi Međan, buộc Aminuđin phải lấy với lý do Mariamin đã lấy chồng. Mariamin được gia đình gả cho Kasibun, một người mà cô không quen biết, cũng làm việc ở Međan. Kasibun đã đứng tuổi, bị bệnh hoa liễu, hay ghen tuông và hành hạ người vợ trẻ đủ điều, thậm chí còn đánh đập vợ một cách tàn nhẫn. Mariamin sống trong hoàn cảnh hoàn toàn bị giày vò và đau khổ. Không chịu nổi cảnh sống đày đọa về tinh thần và thể xác, Mariamin bỏ chồng, về nhà mẹ đẻ ở Sipirốc, chịu tiếng xấu với dân làng. Vì buồn phiền nghĩ ngợi nhiều, Mariamin sinh bệnh rồi chết.
Tiểu thuyết này chia nhân vật thành hai phía, chính diện và phía phản diện, chứa đựng nhiều chi tiết răn dạy về tính ác, lòng tham, tính ghen tuông, về lợi ích của sự qui thuận, về số phận bất hạnh của cô gái bị ép duyên… Tiểu thuyết có kết cấu bằng hai tuyến nhân vật đối lập nhau rõ ràng, rành mạch. Tiểu thuyết có những trang mô tả cảnh đẹp thiên nhiên, sử dụng thủ pháp ẩn dụ, tục ngữ thành ngữ, so sánh… Diễn biến của truyện bị gián đoạn bởi những lời giáo huấn, răn dạy lồng vào. Nhịp độ kể chuyện chậm rãi, độc thoại của các nhân vật bị kéo dài. Về đại thể, tiểu thuyết kết cấu theo trình tự thời gian và sử dụng ngôn ngữ Mã Lai cao cấp. Tuy còn ảnh hưởng lối viết truyền thống của văn học Mã Lai cổ điển, có những chỗ, mô tả không tự nhiên, tiểu thuyết mở đầu cho một thể loại mới trong văn xuôi hiện đại Indonesia đã ra đời.
Tiểu thuyết Bất hạnh và đau khổ của Merari Sirega ra đời, mở đầu cho một loạt những cuốn tiểu thuyết khác cùng mang nội dung phê phán tập tục cổ hủ, những tư tưởng phong kiến lỗi thời cản trở bước tiến của xã hội Indonesia. Những cuốn tiểu thuyết khác như Sitti Nurbai (1922) của Mara Rusli; Thanh niên trẻ (1922) của M.Kasim; Tôi biết làm gì vì tôi là phụ nữ (1923), Chọn nhầm (1928); Vì cha mẹ (1932) của N. Iskanđa; Cắt đứt trong nỗi bất hạnh (1929); Ngọn lửa không tắt (1932) của S. Lisabana; Dòng máu trẻ (1928) của Ađinegônô; Nếu không hạnh phúc (1932) của Selasi; Không nghi ngờ (1932) của T.S. Sati… đều có chung một đề tài, một xung đột là đấu tranh giữa thế hệ già với thế hệ trẻ, giữa bố mẹ với con cái trong lĩnh vực hôn nhân gia đình. Cốt truyện thường là đôi nam nữ yêu nhau, bị lễ giáo ngăn cản và họ đấu tranh chống lại. Tác phẩm xuất sắc nhất của loại tiểu thuyết này là cuốn Sitti Nurbai của Mara Rusli. Người Indonesia gọi những cuốn tiểu thuyết loại này là tiểu thuyết tập tục.
Những cuốn tiểu thuyết trên làm chúng ta liên tưởng đến những cuốn tiểu thuyết mở đầu trong văn học Việt Nam cùng giai đoạn như Tố Tâm (1925) của Hoàng Ngọc Phách và một số tác phẩm của Hồ Biểu Chánh và dễ dàng nhận thấy sự tương đồng giữa chúng.
Sự ra đời của tiểu thuyết Indonesia còn được ghi nhận bởi tác phẩm Nền giáo dục sai lầm của A.Muis (3), tương tự như Ông Tây An Nam của Nam Xương trong văn học Việt Nam. Đây là tác phẩm gối đầu giường của người Indonesia, tác phẩm mẫu mực của nghệ thuật văn xuôi ở trường học. Người ta gọi A.Muis là bậc thầy của ngôn từ, một cây bút già dặn trong làng tiểu thuyết hiện đại Indonesia.
Đó là những năm 20 của TK XX, tiểu thuyết hiện đại Indonesia ra đời. Từ đó về sau, sáng tác tiểu thuyết ở Indonesia càng phong phú, đa dạng về đề tài, về phạm vi phản ánh, số lượng các tác phẩm có chaastl ượng ngày càng nhiều. Tính đến những năm 90 của thế kỷ trước, Indonesia đã cho ra đời khoảng 350 cuốn tiểu thuyết với đủ các trào lưu, phong cách sáng tác như đã từng có của văn học thế giới (4).
_______________
1. V.G. Belinski, Toàn tập, tập 1, Moskva, 1953, tr.261.
2. V.G. Belinski, Toàn tập, tập 5, Moskva, 1953, tr.39.
3. A. Muis, Nền giáo dục sai lầm, Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1961.
4. Bài viết được sự tài trợ của Quỹ phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) trong mã số VII.1.2-2012.09.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 375, tháng 9-2015
Tác giả : NGUYỄN ĐỨC NINH