SỰ PHA TẠP SẮC MÀU NGÔN NGỮ TRONG TIỂU THUYẾT HẬU HIỆN ĐẠI

Câu chữ trong tiểu thuyết có yếu tố hậu hiện đại là những phương tiện, công cụ mang chở câu chuyện, kết nối tình tiết, xây dựng nhân vật, truyền tải những thông điệp cuối cùng mà nhà văn muốn gửi gắm. “Bản thân câu chữ đã trở thành đối tượng chiêm ngắm và đích đến của các nhà văn, để họ lục lọi, cân đo, xoay sở, nhào nặn chúng trong một trò chơi đầy khoái cảm: trò chơi ngôn ngữ. Ngôn ngữ sống dậy và nổi loạn trên trang viết” (1). Khái niệm trò chơi ngôn ngữ không mang nghĩa giải trí mà mang đậm chất trí tuệ. Vì thế, ngôn ngữ trở nên biến hóa, đa âm, đa trị với nhiều sắc độ, giọng điệu, ngữ âm khác nhau. Trò chơi ngôn ngữ là một phạm trù khá rộng, ở đây, chúng tôi xin đi vào một khía cạnh nổi bật về trò chơi ngôn ngữ như một mê lộ ngôn từ trong những cuốn tiểu thuyết có yếu tố hậu hiện đại Việt Nam, đó chính là: tính chất pha tạp và dung nạp các sắc màu ngôn ngữ.

Trò chơi ngôn ngữ được triết gia Ludwig Wittgenstein thiết lập như một khái niệm then chốt, đặc biệt phức tạp. Ông cho rằng các trò chơi ngôn ngữ không có quy tắc mà được cấu tạo nên từ sự thỏa thuận mặc nhiên hay minh nhiên giữa những người tham gia cuộc chơi. Với việc ví trò chơi ngôn ngữ như một trận cờ, Lyotard còn cho rằng: “Không nhất thiết người ta chơi là phải thắng. Người ta có thể đi một nước cờ chỉ để thỏa thú vui nghĩ ra được nó. Việc liên tục nghĩ ra các cách nói, từ ngữ và ý nghĩa ở cấp độ lời nói (parole) giúp cho ngôn ngữ (langue) phát triển, đem lại những niềm vui lớn” (2).

Tuy Lyotard là người kế thừa khái niệm trò chơi ngôn ngữ của Wittgenstein nhưng ông lại vượt xa hơn một bước. Theo ông, trò chơi ngôn ngữ liên quan đến một khái niệm khác là tiểu tự sự, nhằm chống lại những định kiến về đại tự sự đã tồn tại, bành trướng, thị uy quyền lực từ rất lâu cả trong triết học lẫn văn học. Vì thế, đối với văn học, việc tìm tòi hình thức, những nỗ lực phá vỡ quy tắc thể loại, ngữ pháp, ngữ nghĩa… trong văn chương hậu hiện đại thực chất chính là sự nỗ lực tạo hình cho các tiểu tự sự, kháng cự nguy cơ bị đồng hóa, bị hòa tan tiếng nói vào trong các đại tự sự.

Tính chất pha tạp các sắc màu ngôn ngữ của báo chí, chính trị, nghiên cứu… xuất hiện khá nhiều trong sáng tác của các nhà văn. Dường như ngôn ngữ tiểu thuyết trở thành một mê lộ khổng lồ mà bất kỳ ngôn ngữ của ngành nghề, lĩnh vực, thể loại nào cũng có thể ném vào mê lộ đó để trộn lẫn, hòa tan. Điều này được thể hiện khá rõ trong các tiểu thuyết của Hồ Anh Thái. Từ pha tạp ngôn ngữ nghiên cứu văn học đến sự dung nạp đa dạng màu sắc ngôn ngữ nghiên cứu văn hóa, lịch sử (liên quan đến Phật giáo), chính trị (xã hội Ấn Độ), khảo cổ học. Nổi bật nhất là ngôn ngữ Phật giáo vì nhiều đoạn trích dẫn toàn bộ nội dung giáo lý của nhà Phật đan xen vào giọng kể của người kể chuyện là đức Phật. Những đoạn ngôn ngữ chỉ những người am hiểu về Phật giáo mới hiểu, lặp đi lặp lại nhiều lần trong cuốn tiểu thuyết khai thác mảng đề tài Phật này (3).

Dấu về gió xóa là sự dung nạp với ngôn ngữ nghiên cứu văn hóa, vì người kể chuyện là nhà nghiên cứu văn hóa nên nhiều đoạn có sự xâm nhập của ngôn ngữ này. Văn hóa Hindu giáo xuất hiện trong đoạn kể về những kiến thức văn hóa Ấn Độ: “Các đền thờ Hindu giáo đều thờ tượng dương vật của thần Shiva, biểu tượng của sự sáng tạo lại thế giới. Một giáo phái Hindu còn thờ cùng biểu tượng hòa hợp thể xác, coi lạc thú nhục dục và tu luyện yoga là hai con đường cùng dẫn đến giải thuyết khỏi kiếp luân hồi” (4). Thỉnh thoảng có sự đan xen với ngôn ngữ quân sự, chính trị trở đi trở lại nhiều lần khi người kể chuyện gợi lại câu chuyện tổng thống Mỹ Kennedy bị ám sát là một tổn thương của thanh niên Mỹ lúc bấy giờ: “Nhiều người sau này tình nguyện sang chiến tranh Việt Nam cũng vì thần tượng Kennedy. Khi Kennedy bị ám sát, cả thế hệ Kennedy bị tổn thương. Thanh niên bơ vơ, ngơ ngác, tâm thần chấn động nhiều năm giời” (5).

Sáng tác của Nguyễn Bình Phương là sự pha tạp giữa ngôn ngữ tiểu thuyết với ngôn ngữ thơ ca, kịch… Người đi vắng là sự pha tạp giữa ngôn ngữ tiểu thuyết và ngôn ngữ thơ. Có những bài thơ vô danh được trích dẫn trọn vẹn (trang 39). Thoạt kì thủy là cuốn tiểu thuyết ngắn hơi nhất của anh (167 trang) cũng có sự hòa trộn đa dạng các sắc màu ngôn ngữ, nổi bật nhất là ngôn ngữ kịch khi ngay phần mở đầu, người kể chuyện đưa ra những thông tin cụ thể, ngắn gọn về các nhân vật sẽ tham gia vào trong truyện (ở phần A: Tiểu sử). Vì pha tạp ngôn ngữ khảo cứu lịch sử nên những tiểu thuyết này thường đan xen những yếu tố lịch sử: “Cách đây đúng năm trăm bảy mươi chín năm, Quý Sửu (1433) tháng Tám nhuận có sao chổi mọc ở phương Tây thì ngày hăm hai vua Lê Thái Tổ húy là Lợi băng ở cung Vạn Thọ ngay sát điện Kính Thiên…” (6); hay những đoạn ngược về trước đó gần 30 năm: “Đêm mồng chín tháng Chạp năm Bính Tuất 1406, quân Minh đánh úp quân nhà Hồ ở bãi sống Mộc Hoàn…” (7).

Trí nhớ suy tàn của Nguyễn Bình Phương được coi là cuốn tiểu thuyết có nhiều đổi mới về phương diện thi pháp. Với tác phẩm này, giới nghiên cứu cho rằng Nguyễn Bình Phương đã thể hiện một bút pháp là lạ. Đặc điểm nổi bật của tác phẩm, đó chính là: cốt truyện không phức tạp, kịch tính không nhiều, nhân vật ít, thường không có tên gọi; yếu tố kể trong truyện cũng ít hơn, làm cho tác phẩm có tính chất écriture minimal (cách viết tối thiểu); tác giả phát huy tối đa bút pháp trắng theo nguyên lý tảng băng trôi của E.Hemingway. Tuy nhiên, cuốn tiểu thuyết này có sự dung nạp ngôn ngữ điện ảnh được thể hiện rõ qua thủ pháp dán ghép điện ảnh (trải dài trong dòng độc thoại nội tâm bất tận từ đầu đến cuối của nhân vật “em”) với sự kết hợp nhuần nhuyễn thủ pháp đồng hiện thời gian. Đứng về góc độ tâm lý học, Trí nhớ suy tàn chịu ảnh hưởng sâu sắc từ phân tâm học Freud và tâm lý học trực giác Bergson.

Trong tiểu thuyết của Thuận cũng dung nạp đa dạng nhiều thể loại ngôn ngữ, trong đó chủ yếu là ngôn ngữ đậm phong cách báo chí và chính trị. Cuốn tiểu thuyết Paris 11 tháng 8 có sự đan cài nhuần nhuyễn giữa ngôn ngữ tiểu thuyết và ngôn ngữ báo chí, bởi có 22 chương trong cuốn tiểu thuyết này thì đoạn mở đầu của cả 22 chương (phần in nghiêng) đều là trích đoạn từ những bài báo có thật về trận nắng nóng kỷ lục cuối mùa hè năm 2003 ở nước Pháp (từ báo Le Figaro, RTL, Yahoo Actualites đến báo Les Rchos, IFRAP…). Mỗi đoạn đều hướng đến một nội dung khác nhau nhưng đều xoay quanh hệ quả từ trận nắng nóng kinh hoàng như: thống kê thiệt hại từ trận nóng (đầu chương 1, 2), thông tin về gia súc, gia cầm (chương 5), chính phủ hạ lương những người cao tuổi từ vụ việc trận nắng nóng (chương 9)… Ở chương 14, tác giả còn pha trộn với ngôn ngữ văn bản nhật dụng khi trích dẫn hoàn toàn bài tổng kết nghiên cứu có nhan đề: Phụ nữ Việt Nam: hôn nhân và gia đình (bài viết được thuyết trình ở nước ngoài nên có cả phần phụ chú cụ thể ở chân trang (trang 181)”. Chỉ riêng phần đầu chương 22 là sự pha trộn, dung nạp ngôn ngữ nghiên cứu ngành khoa học sinh học của một vài loại cây có khả năng chống chọi với trận nắng nóng kỷ lục của nước Pháp năm 2003. T mất tích lại mang đậm ngôn ngữ của thể loại truyện trinh thám. Ngay từ tên nhan đề đã ít nhiều gợi cho người đọc đoán định tiểu thuyết này có hơi hướng truyện trinh thám khi người chồng tìm mọi cách, phân tích, phán đoán như thám tử Selochome. Bên cạnh đó, cuốn tiểu thuyết này có sự dung nạp, pha tạp với nhiều ngôn ngữ thống kê xã hội học. Những thông số cụ thể như đoạn kể về lý do đàn ông bị phụ nữ bỏ rơi: “theo thống kê, 69% lần qua đêm đầu tiên xảy ra ở nhà phụ nữ” (8); “đàn bà châu Á thích giấu chồng mở tài khoản riêng, ở Nhật 46% phụ nữ có quỹ đen với số tiền trung bình là hơn 24 triệu yên, tương đương gần 200.000 euro” (9)...

Cuốn tiểu thuyết mới nhất của Thuận Chỉ còn 4 ngày là hết tháng Tư cũng có sự xâm lấn mạnh mẽ từ ngôn ngữ thống kê xã hội học khi tất cả các sự vật, sự việc, vấn đề đều được quy về con số liên quan đến số 4. Theo số liệu thống kê của chúng tôi, trong 174 trang văn bản, có đến 1.717 lần xuất hiện con số 4 (tương ứng mỗi trang xuất hiện bình quân khoảng 10 lần con số 4).

Trong ba cuốn tiểu thuyết đã xuất bản của Nguyễn Việt Hà, Cơ hội của chúa có sự pha tạp đậm đặc nhất các màu sắc ngôn ngữ khác nhau, rõ nhất là sự pha trộn với ngôn ngữ kịch nói khi đoạn mở đầu chương 5 là trọn vẹn vở kịch ngắn (gần 9 trang văn bản, được in nghiêng) về hai nhân vật chàng và nàng. Bên cạnh đó, sự dung nạp ngôn ngữ của lịch sử và tôn giáo qua truyện ngắn của Hoàng với cái nhìn về lịch sử hàng nghìn năm thời Trang Chu, Đông Quách cùng những sắc màu tôn giáo của thời đại lúc bây giờ (truyện ngắn này được trích trọn vẹn trong phần 1, chương 6). Hơn nữa, Cơ hội của chúa là cuốn tiểu thuyết có chủ đề văn hóa tôn giáo nhưng không có sự độc tôn của một tôn giáo nào. Những tôn giáo lớn được xem xét từ những giá trị bền vững, chúng đóng góp cho kho tàng văn hóa nhân loại. Vì vậy, tiểu thuyết này ít nhiều có sự hòa trộn, xâm lấn của ngôn ngữ thuộc về lĩnh vực nghiên cứu văn hóa tôn giáo của nhân loại. Tiểu thuyết Khải huyền muộn cũng có sự pha trộn, dung nạp các sắc màu ngôn ngữ của các thể loại, lĩnh vực khác. Sự hòa trộn với ngôn ngữ của tạp văn, phóng sự khi người kể chuyện đang tiếp nối mạch kể về Chúa Sãi ngâm người trong bồn gỗ táu với loại nước được nấu từ lá cây Hồng Mai thì có phần chú thích: “tên một loại lá dại rất hiếm mà hơn ba trăm bảy mươi năm sau nhà văn Bảo Ninh đã tìm thấy nó ở cánh rừng hoang vu đại ngàn Tây Nguyên khi ông còn đang là một gã binh nhất cồn cào đói lang thang đi đào sắn trộm” (10). Hay có đoạn là sự trộn lẫn với ngôn ngữ thuộc liên ngành nghiên cứu văn học: trong đoạn nhân vật Bạch và Cẩm My trao đổi về các nhà văn lớn trên thế giới: “Những nhà văn lớn thì thường thành thực. Rất nhiều người nói khi viết Anna KareniaPhục sinh thì Tônxtôi phải cố. Cố ở đây là cố gắng thành thực. Người phụ nữ của Tônxtôi vốn không quá phức tạp bởi quan niệm của ông về đàn bà là tương đối rõ ràng” (11). Bên cạnh đó, cuốn tiểu thuyết này cũng ít nhiều mang đề tài tôn giáo nên cũng có sự pha trộn với ngôn ngữ tôn giáo, nhất là ở phần cuối truyện, các ký ức tôn giáo lan tỏa mạnh mẽ, dẫn đến một câu chuyện chiếm cả một tiết trong chương 4 được gọi là bản thảo của linh mục Đức. Câu chuyện kể về cuộc phưu lưu truyền giáo ở Việt Nam vào TK XVII của linh mục Alexandre de Rhodes, người được coi đã tạo ra chữ quốc ngữ Việt Nam.

Tính chất pha tạp và dung nạp các thể loại ngôn ngữ ở nhiều lĩnh vực khác nhau không còn là đặc quyền của bất kỳ nhà văn nào mà trở thành một đặc điểm phổ biến trong văn học hậu hiện đại. Với Đặng Thân, nhà tiểu thuyết hậu hiện đại Việt Nam, rõ nét nhất trong cuốn tiểu thuyết đầu tay: 3.3.3.9.  Những mảnh hồn trần là sự pha tạp, dung nạp ngôn ngữ để trở thành các phần tử cấu thành nên văn bản của tác phẩm này. Xuyên suốt chiều dài gần 700 trang truyện, người đọc không chỉ thấy dạng ngôn ngữ văn học kể, trần thuật đơn thuần mà trộn lẫn với dạng ngôn ngữ báo chí, lịch sử, ngôn ngữ nghiên cứu văn hóa, thậm chí cả ngôn ngữ chat, bình luận qua mạng (comment) của người kể chuyện (Đặng Thân) với độc giả cũng được trộn lẫn một cách hài hòa. Ở đây, Đặng Thân chủ ý dùng ngôn ngữ mạng để mô hình hóa thế giới với đầy thứ ngôn ngữ đặc trưng của các netizen như: ngôn ngữ chat (uh, rùi, ko, mừ, hehe…); ngôn ngữ ký hiệu tin nhắn (@, ;)), //), những icon cảm xúc (J; L…); từ ngữ sai chính tả (Chời ơi, Dep-chai-nai-Phap…) cùng với nhiều tiếng lóng của giới trẻ. Ngay từ trang đầu, những câu danh ngôn nổi tiếng được viết cả bằng tiếng Việt, tiếng Trung và tiếng Anh. Cuốn tiểu thuyết này của Đặng Thân rất đa dạng, trước hết bởi sự dung nạp với ngôn ngữ báo chí. Nếu như ở nhà văn Thuận, màu sắc ngôn ngữ báo chí được xuất hiện tách bạch, riêng rẽ (được in nghiêng) ở đầu mỗi chương thì ngôn ngữ báo chí trong tiểu thuyết của Đặng Thân lại đan cài bất kỳ vào đoạn kể nào của người kể chuyện. Đang hòa vào mạch kể, dù là kể theo hình thức lộ diện hay hàm ẩn cũng có thể trích dẫn bất kỳ thông tin nào từ báo chí, thậm chí nhà văn còn trích cả đường link chính xác để độc giả có thể kiểm chứng thông tin đó. Đoạn kể về việc đầu thai ở một số trường hợp, người kể chuyện đưa ra hàng loạt đường link ở những trang báo khác nhau để chứng thực (trang 17). Có lúc còn copy toàn bộ bài báo có cả nội dung, ảnh minh họa, ngày giờ đăng bài báo, tên của tờ báo (đăng bài báo Chết rồi vẫn còn “sex” trên báo mạng Thời cuộc, tr.108). Hơn nữa, tác phẩm này còn có sự pha tạp giữa ngôn ngữ trần thuật của tiểu thuyết với ngôn ngữ thơ ca khi cuối bất kỳ một chương đoạn nào, sau phần bình luận của các netizen cũng là những câu thơ liên quan đến lời bình luận chốt. Ngoài ra, còn trích dẫn những bài thơ của Đặng Thân ngoài đời và thơ của các thi nhân khác trên thế giới (trích dẫn toàn bộ bài thơ của Khalil Gibran - tr.102). Tiểu thuyết của Đặng Thân có sự dung nạp, pha tạp ngôn ngữ ở nhiều thể loại khác một cách rõ nét nhất, khiến cho những tiểu thuyết sau này như   Factum [a] cave hay Những kênh bão người (Channels of the Homo Storms) bị nhòe mờ ranh giới thể loại, có thể gọi chúng là tiểu thuyết, cũng có thể cho đó là những tác phẩm phi thể loại.

Sự pha tạp, dung nạp các sắc màu ngôn ngữ của các thể loại, ngành nghề và lĩnh vực khác nhau trở thành một đặc điểm nổi bật ở những tiểu thuyết này, bởi ở bất kỳ cuốn tiểu thuyết nào cũng thấy xuất hiện sự xâm lấn, trà trộn không biên giới, khiến ngôn ngữ tiểu thuyết không còn mang đặc thù chuyên biệt. Tuy sự pha tạp, dung nạp các sắc màu ngôn ngữ này không phải lúc nào cũng đạt hiệu quả nghệ thuật vì ở một số tác phẩm, sự kết hợp đó có phần khiên cưỡng, làm loãng tan mạch ngầm của truyện, nhưng đây cũng được coi là một trong những nét đặc sắc về mặt ngôn ngữ trong tiểu thuyết của các nhà văn này.

_______________

1, 8, 9. Thuận, T mất tích, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội, 2006, tr.221, 107, 176.

2. Lyotard, Hoàn cảnh hậu hiện đại, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội, 2000, tr.82.

3. Hồ Anh Thái, Đức Phật, nàng Savitri và tôi, Nxb Trẻ, TP.HCM, 2006, tr.378.

4, 5. Hồ Anh Thái, Dấu về gió xóa, Nxb Trẻ, TP.HCM, 2012, tr.73, 116.

6, 7. Nguyễn Việt Hà, Ba ngôi của người, Nxb Trẻ, TP.HCM, 2014, tr.75, 81.

10, 11. Nguyễn Việt Hà, Khải huyền muộn, Nxb Trẻ, TP.HCM, 2005, tr.288, 326.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 388, tháng 10-2016

Tác giả : ĐÀO CƯ PHÚ

;