SỰ CHUYỂN ĐỔI PHƯƠNG THỨC PHÁT TRIỂN VĂN HÓA TRUNG QUỐC

1. Các bước chuyển đổi phương thức phát triển văn hóa của Trung Quốc từ năm 2012 đến nay

Đẩy mạnh tiêu dùng, đầu tư sáng tạo và xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp văn hóa

Các nỗ lực cải cách thể chế văn hóa của Trung Quốc trong 10 năm đầu TK XXI đã giúp ngành công nghiệp văn hóa giải phóng sức sản xuất, tăng trưởng nhanh, mở rộng quy mô ngành nghề. Tuy nhiên, việc sử dụng phương thức phát triển nhanh trên quy mô rộng đã khiến cho ba lĩnh vực then chốt của công nghiệp văn hóa Trung Quốc là đầu tư sáng tạo, tiêu dùng, xuất khẩu bị xem nhẹ. Hệ quả là công nghiệp văn hóa Trung Quốc dù tăng trưởng nhanh, cơ cấu nhóm ngành nghề phong phú, song vẫn bị lép vế ngay tại thị trường nội địa, khó tạo được lợi thế cạnh tranh khi xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Để giải quyết tình trạng trên, Trung Quốc cần phải chuyển đổi phương thức phát triển công nghiệp văn hóa từ coi trọng hình thức, bề nổi sang tập trung phát triển chiều sâu, hiệu quả thực tế.

Đẩy mạnh tiêu dùng văn hóa: Hiện nay, mức tiêu dùng văn hóa của người dân Trung Quốc đang rất thấp. Hơn 50% số người được hỏi cho biết bình quân tiêu dùng văn hóa hàng năm của họ khoảng 2.000 NDT, chiếm khoảng 12% tổng thu chi. Ngoài ra, thời gian tiêu dùng cho văn hóa mỗi ngày của người Trung Quốc chỉ từ 1 - 3 giờ chiếm hơn 50% (số người được hỏi), từ 1 - 2 giờ chiếm 33% và từ 2 - 3 giờ chiếm 21% (1). Chính vì vậy, đẩy mạnh tiêu dùng văn hóa đã trở thành điểm trọng tâm của quá trình chuyển đổi phương thức phát triển công nghiệp văn hóa. Về cơ bản, biện pháp đẩy mạnh tiêu dùng sản phẩm công nghiệp văn hóa là tạo những hình thức thương mại mới, mở rộng thị trường tiêu dùng văn hóa đại chúng, dịch vụ văn hóa, bồi dưỡng các điểm tăng trưởng tiêu dùng mới. Thúc đẩy các ngành xuất bản, biểu diễn, điện ảnh, mạng internet phát triển bằng việc đưa ra nhiều ưu đãi hơn nữa cho người tiêu dùng, trợ cấp thích đáng để hỗ trợ tiêu dùng văn hóa đối với người dân khó khăn và tầng lớp công nhân, nông dân. Tích cực phát triển du lịch văn hóa, thúc đẩy kết hợp giữa du lịch và truyền bá các di sản văn hóa phi vật thể, phát huy vai trò xúc tiến tiêu dùng văn hóa của du lịch.

Đầu tư sáng tạo, tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật: Trước đây, công nghiệp văn hóa Trung Quốc thường dựa vào sức lao động giá rẻ, khai thác nguồn lực sẵn có để sản xuất các sản phẩm văn hóa đại trà mà chưa chú ý nhiều đến khả năng liên kết, tỷ lệ đóng góp của khoa học kỹ thuật vào quy trình sản xuất. Do vậy, tỷ lệ sáng tạo của Trung Quốc tương đối thấp, chiếm khoảng 3/10.000 sản phẩm. Có khoảng 90% sản phẩm của Trung Quốc mang thương hiệu nước ngoài, trong khi sản phẩm văn hóa mang thương hiệu Trung Quốc chiếm tỷ lệ rất thấp (2). Để khắc phục tình trạng công xưởng gia công, bản sao cứng của thế giới về văn hóa (3), Trung Quốc đã thúc đẩy năng lực tự chủ, sáng tạo văn hóa và ứng dụng khoa học kỹ thuật trong ngành công nghiệp văn hóa bằng nhiều giải pháp. Đó là phát huy tác dụng hỗ trợ lẫn nhau giữa văn hóa và khoa học kỹ thuật, lấy kỹ thuật tiên tiến hỗ trợ văn hóa về mặt nghiên cứu chế tạo thiết bị, phần mềm, hệ thống, phát triển năng lực tự chủ, tăng cường chuyển hóa thành quả sáng tạo khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao trình độ trang thiết bị kỹ thuật trên các lĩnh vực xuất bản, in ấn, truyền thông, điện ảnh, biểu diễn nghệ thuật, internet, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của nhóm ngành công nghiệp văn hóa trung tâm.

Đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm văn hóa: Để thúc đẩy xuất khẩu văn hóa, Trung Quốc phải giải quyết tình trạng thiếu thương hiệu mạnh và các sản phẩm văn hóa độc đáo. Việc nhân vật Hoa Mộc Lan trong sử thi dân gian Trung Quốc trở thành hình ảnh độc quyền thể hiện giá trị tinh thần của chủ nghĩa anh hùng cá nhân Mỹ trong phim hoạt hình Mộc Lan của hãng Walt Disney với doanh thu đạt 120 triệu USD (tại Mỹ), 10 triệu USD (tại Trung Quốc), hay trường hợp Kungfu Panda của điện ảnh Mỹ tiếp tục sử dụng ý tưởng, chất liệu của văn hóa truyền thống Trung Hoa đã trở thành bài học đắt giá. Nguyên nhân là do Trung Quốc đã xem nhẹ việc xây dựng thương hiệu văn hóa mang bản sắc dân tộc trong việc sản xuất, kinh doanh các sản phẩm công nghiệp văn hóa. Vì vậy, Trung Quốc đã xác định mở rộng xuất khẩu, tiếp cận thị trường văn hóa quốc tế thông qua việc đầu tư phát triển các thương hiệu văn hóa mạnh…

Điều chỉnh chính sách ngoại giao văn hóa

Đa nguyên hóa chủ thể ngoại giao văn hóa: Trong một thời gian dài, ngoại giao văn hóa của Trung Quốc hoàn toàn do Chính phủ quyết định. Sau cải cách mở cửa, nhất là sau khi gia nhập WTO, Chính phủ nước này đã đổi mới hoạt động ngoại giao thông qua việc triển khai chính sách đa nguyên hóa chủ thể ngoại giao nhằm thúc đẩy sự tham gia của các cá nhân, tổ chức quần chúng, đoàn thể xã hội vào hoạt động giao lưu văn hóa. Tuy nhiên, do sự can thiệp quá sâu của Chính phủ nên trong nhiều trường hợp, hiệu ứng tiếp nhận các hoạt động giao lưu văn hóa giữa Chính phủ và các tổ chức xã hội Trung Quốc với nước sở tại, đặc biệt là các quốc gia láng giềng có liên quan tới các xung đột trên biển trong những năm gần đây, đang cho thấy những biểu hiện tiêu cực, phức tạp. Trước thực tế trên, chính sách đa nguyên hóa chủ thể ngoại giao đã được giới lãnh đạo Trung Quốc điều chỉnh theo hướng chủ động tăng cường sự liên kết, hợp tác hài hòa giữa các chủ thể ngoại giao, nhằm tạo hiệu ứng tích cực hơn qua các kênh giao lưu văn hóa chính phủ và giao lưu văn hóa dân gian tại nước sở tại (4).

Thông qua việc ký kết các hiệp định hợp tác văn hóa với hầu hết các nước trên thế giới, Trung Quốc đã hình thành cơ chế hợp tác nhân văn song phương và đa phương như: Trung - Nga, Trung - Mỹ, Trung - Anh…; tiếp tục tổ chức những hoạt động giao lưu văn hóa lớn với nhiều nước như Năm quốc gia, Năm văn hóa, Năm ngôn ngữ, Tết văn hóa, Tết nghệ thuật. Từ sau Đại hội XVIII đến nay, Trung Quốc đã tiến hành cải cách phương thức giao lưu văn hóa theo hướng chú trọng chất lượng, đa dạng hóa quy mô hợp tác nhằm khích lệ các cá nhân, tổ chức xã hội cùng tham gia. Trong đó, Tuần văn hóa, Tháng văn hóaNăm văn hóa Trung Quốc ở các nước Pháp, Mỹ, Ai Cập, Nga, Ấn Độ, Phần Lan… được coi là trọng điểm triển khai chính sách.

Tăng cường giao lưu văn hóa dân gian với các nước trên thế giới là một phần quan trọng trong chính sách ngoại giao văn hóa của Trung Quốc. Xét từ nhiều phương diện, việc sáng tạo, truyền bá văn hóa thông qua con đường ngoại giao nhân dân chính là thước đo khách quan nhất về hiệu quả của hoạt động ngoại giao văn hóa. Đặc biệt là với Trung Quốc, một đất nước thường bị dư luận quốc tế thể hiện mối quan ngại về sự can thiệp quá sâu của Chính phủ trong các hoạt động giao lưu hợp tác văn hóa. Chính vì vậy, gần đây, Trung Quốc đã tích cực khuyến khích người dân tham gia vào hoạt động giao lưu dân gian với các nước.

Trong những năm gần đây, hợp tác giáo dục giữa các nước phát triển nhanh chóng trở thành một phương thức mới, mạnh mẽ của chính sách ngoại giao văn hóa (5). Trong bối cảnh đó, Trung Quốc cũng biến trao đổi giáo dục thành một kênh kết hợp giữa hợp tác Chính phủ và dân gian nhằm thu hút những tổ chức, cá nhân ở các quốc gia sở tại tham gia. Quốc gia này đã tiến hành hợp tác giáo dục với 189 quốc gia và khu vực trên thế giới (6). Bên cạnh việc mở rộng phạm vi triển khai hoạt động giao lưu, hợp tác văn hóa đa dạng của các chủ thể ngoại giao trên toàn thế giới, Trung Quốc còn coi khu vực Đông Á là địa bàn quan trọng để triển khai hoạt động tái thiết Vành đai văn hóa Đông Á, từ đó mở rộng phạm vi ảnh hưởng văn hóa ra thế giới.

Thông qua con đường chính thức, Trung Quốc đã ký với Việt Nam nhiều hiệp định hợp tác văn hóa. Trong những năm qua, ngành giáo dục của cả hai bên cũng tiến hành hội đàm và ký kết các văn bản thỏa thuận về giao lưu, hợp tác giáo dục. Trung Quốc còn sử dụng nhiều kênh hợp tác văn hóa với các địa phương, nhất là đối với những tỉnh biên giới, trường đại học, viện nghiên cứu,… để tăng cường khả năng chuyển tải mục tiêu chiến lược của Chính phủ nước này vào nhận thức của giới trí thức Việt Nam (7). Nhìn bề ngoài các kênh giao lưu, hợp tác này hướng đến tăng cường hiểu biết văn hóa giữa nhân dân hai nước. Song, về thực chất, toàn bộ các thông điệp văn hóa đều cho thấy, Trung Quốc đang muốn dựng lại một vành đai văn hóa nước lớn mới tại Việt Nam thông qua sức lôi cuốn của những giá trị cổ xưa và sự xâm nhập để ràng buộc về ý thức hệ dưới hình thức tài trợ, hỗ trợ, giáo dục.

Kết hợp giao lưu văn hóa với thương mại văn hóa: Hoạt động giao lưu văn hóa thường được các quốc gia kết hợp triển khai với hợp tác thương mại giữa những doanh nghiệp nhằm tăng cường hiểu biết văn hóa, khai thác lợi ích thương mại song phương. Chính phủ Trung Quốc đã coi giao lưu văn hóa kết hợp với tăng cường thương mại văn hóa (xuất nhập khẩu sản phẩm và dịch vụ văn hóa) là hai chính sách quan trọng cần được tiến hành song song. Trong đó, chính sách tăng cường thương mại trong hoạt động ngoại giao văn hóa đã được Quốc vụ viện Trung Quốc đưa vào Kế hoạch 5 năm lần thứ XII giai đoạn 2011-2015 và Quy hoạch chấn hưng ngành công nghiệp văn hóa. Về cơ bản, chính sách này tập trung vào phát triển công nghiệp văn hóa thông qua bồi dưỡng sự phát triển của các doanh nghiệp văn hóa, ủng hộ xuất khẩu sản phẩm và dịch vụ văn hóa (8).

Điều chỉnh phương thức triển khai Học viện Khổng Tử: Để giảm thiểu phản ứng hoài nghi của dư luận, Trung Quốc đã tiến hành một số điều chỉnh chính sách đối với việc triển khai Học viện Khổng Tử. Cụ thể là tăng cường các hỗ trợ thiết thực hơn đối với đại học nước sở tại và người tham gia; giảm thiểu sắc thái chính trị trong hoạt động truyền bá văn hóa, ngôn ngữ (9); gỡ bỏ nhiệm vụ tuân thủ theo chính sách một Trung Quốc trên trang web và các văn bản của Học viện Khổng Tử. Đây là một thay đổi nhỏ về mặt ngữ nghĩa nhưng lại là ví dụ sinh động cho việc Trung Quốc đã có những điều chỉnh cụ thể để giảm đi sắc thái chính trị trong công tác tuyên truyền các quyết sách ngoại giao đối với đối tác nước ngoài, đặc biệt là ở phương Tây.

2. Tác động của quá trình chuyển đổi phương thức phát triển văn hóa Trung Quốc đối với thế giới, khu vực và Việt Nam

Tác động tích cực

Công nghiệp văn hóa Trung Quốc đang xâm lấn thị trường quốc tế: Việc triển khai chính sách hỗ trợ có trọng điểm đối với những doanh nghiệp có tiềm năng cạnh tranh quốc tế, hỗ trợ thuế, đẩy mạnh dịch vụ tài chính, kiện toàn thủ tục hải quan, chuyển đổi cơ chế vận hành đối với các đoàn nghệ thuật đã tạo điều kiện thuận lợi để Trung Quốc vừa xâm lấn thị trường văn hóa quốc tế, vừa thu hút khả năng đầu tư, hợp tác, liên doanh với doanh nghiệp, tập đoàn văn hóa nước ngoài. Từ chưa có tên trên bản đồ ngành công nghiệp văn hóa Đông Á vào những năm 90 của TK XX, bước sang thập niên thứ hai của TK XXI, Trung Quốc đã đứng trong top 5 quốc gia xuất nhập khẩu văn hóa lớn nhất thế giới. Nếu như, năm 2010, xuất khẩu công nghiệp văn hóa Trung Quốc đạt 11,67 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2009, xuất siêu đạt 8,95 tỷ USD, thì đến năm 2012, đạt 25,9 tỷ USD, tăng 38,5% so với cùng kỳ năm 2011, xuất siêu đạt 24,345 tỷ USD (10). Năm 2013, nguồn vốn đầu tư cho nhóm ngành công nghiệp văn hóa trọng điểm đạt 4,8 tỷ USD, tăng 41,18% so với năm 2012, kim ngạch xuất khẩu công nghiệp văn hóa đạt 25,13 tỷ USD, tăng 2,6 lần so với năm 2006 (11). Năm 2015, Bộ Tài chính Trung Quốc đã phê chuẩn 5 tỷ NDT cho Quỹ Phát triển công nghiệp văn hóa năm 2015, tổng hạng mục hỗ trợ gồm 850, tăng 6,25% so với năm 2014. Tính đến nay, Quỹ Phát triển công nghiệp văn hóa của nước này đã lên tới 24,2 tỷ NDT, hỗ trợ cho hơn 4.100 hạng mục văn hóa (12). Sự hỗ trợ mạnh mẽ đối với những ngành công nghiệp trọng điểm, đặc biệt là doanh nghiệp có tiềm lực cạnh tranh quốc tế đã tạo điều kiện thuận lợi cho công nghiệp văn hóa Trung Quốc xâm nhập vào thị trường văn hóa của các nước có nhu cầu tiêu dùng văn hóa cao (13).

Ngoại giao văn hóa kích thích nhu cầu tìm hiểu văn hóa và ngôn ngữ Trung Quốc: Những năm gần đây, người dân một số nước trên thế giới vẫn tiếp tục gia tăng nhu cầu tìm hiểu văn hóa và ngôn ngữ Trung Quốc. Ngày nay, việc học tiếng Hán đã trở thành trào lưu phổ biến ở Thái Lan. Thậm chí tiếng Trung đã vượt qua tiếng Anh, trở thành ngôn ngữ thứ hai sau tiếng Thái. Hiện trên toàn Thái Lan có hơn 1.000 trường học dạy môn tiếng Hán, với khoảng 400.000 học sinh theo học.

 Theo thông báo của Hán biện, năm 2015, tổng số các học viện và lớp học Khổng Tử trên thế giới đã lên đến con số 1.500 (gồm 500 học viện, 1.000 lớp học) tại 134 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó, châu Mỹ có 531 học viện, châu á có 144 (14); tổng số lượng học viên của các học viện và lớp học Khổng Tử đã đạt tới con số gần 2 triệu (15). Điều này cho thấy, những điều chỉnh chính sách liên quan đến phương thức hoạt động của học viện Khổng Tử đã mang lại hiệu ứng tích cực ở nước sở tại, qua đó gia tăng lượng học sinh muốn tìm hiểu văn hóa và học tiếng Trung trên toàn cầu.

Tác động tiêu cực

Không tự nguyện tiếp nhận hình thái ý thức, hệ giá trị Trung Quốc: Nếu hệ giá trị phương Tây hiện đại đã định hình nên những giá trị được phần đông cộng đồng thế giới, trong đó có các nước Đông Á đón nhận như tự do, dân chủ, dân quyền, thì dường như hệ giá trị hạt nhân của mô hình Bắc Kinh giống như một hỗn hợp điện tử, gồm có chủ nghĩa Mác - Lênin, chủ nghĩa chuyên chế châu Á, chủ nghĩa Khổng giáo truyền thống. Sự đặc thù của hệ thống giá trị chưa hoàn thiện này khó có khả năng thuyết phục các quốc gia khác tự nguyện mô phỏng (16). Một trong những chỉ dấu cho thấy, sự điều chỉnh phương thức phát triển công nghiệp văn hóa Trung Quốc theo hướng bền vững với việc chú trọng đặc biệt tới xuất khẩu sản phẩm văn hóa đã có những tác động đáng kể. Tuy nhiên, khó có sức thuyết phục thực sự về thay đổi nhận thức giá trị đối với những nước phát triển, thể hiện ở việc người dân thế giới vẫn không quá hào hứng với các sản phẩm văn hóa đại chúng made in China. Vấn đề của Trung Quốc là các sản phẩm văn hóa của họ đều thiếu sự hấp dẫn mang tính phổ quát.

Không tin tưởng, thiếu thiện chí, phản cảm với hình ảnh và cách hành xử Trung Quốc: Từ năm 2012, Bắc Kinh đã tập trung nhiều nguồn lực vào công cuộc tự thiết kế lại hình ảnh quốc gia thông qua hoạt động ngoại giao văn hóa, quảng bá truyền thông và tổ chức các sự kiện tầm cỡ thế giới. Thế nhưng, việc hành xử “không bao giờ hy sinh lợi ích cốt lõi quốc gia bất chấp hoàn cảnh nào” (17) dù phải xâm phạm chủ quyền lãnh thổ các quốc gia khác đã khiến ngoại giao văn hóa Trung Quốc mất đi hầu hết mọi nỗ lực duy trì hình ảnh một quốc gia trỗi dậy hòa bình, thân thiện trên thế giới nói chung và với các nước láng giềng Đông Á nói riêng. Năm 2013, một khảo sát được BBC World Service tiến hành tại 17 quốc gia cũng chỉ ra, hình ảnh quốc tế của Trung Quốc đang giảm xuống mức thấp nhất kể từ cuộc thăm dò tầm ảnh hưởng của các quốc gia khác nhau bắt đầu vào năm 2005. Các phản ứng của Nhật Bản được coi là tiêu cực nhất trong số các nước được khảo sát, chỉ 5% quan điểm tích cực, trong khi đó có 64% người được hỏi giữ quan điểm tiêu cực với Trung Quốc. Trong cuộc khảo sát này, khi so sánh thái độ của người dân các nước, quan điểm tích cực về Trung Quốc giảm 8 điểm so với năm 2013 và quan điểm tiêu cực tăng 8 điểm, rơi vào tình trạng thấp nhất kể từ cuộc thăm dò năm 2005. Tại Đông Nam Á, việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam tháng 5 - 2014 đã gây mất lòng tin đối với các nước láng giềng và cộng đồng thế giới, đồng thời làm hỏng nỗ lực xây dựng hình ảnh thân thiện, hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế.

Hoài nghi về sự can thiệp của bàn tay Chính phủ Trung Quốc và mối quan ngại một cuộc xâm lăng văn hóa mới: Về cơ bản, hầu hết mọi hoạt động ngoại giao văn hóa của Trung Quốc hiện nay đều do Chính phủ hoặc cơ quan chính phủ chủ trì hoặc trực tiếp chỉ đạo với nguồn kinh phí rất lớn, kèm theo các khẩu hiệu văn minh Trung Hoa trỗi dậy, phục hưng đậm màu sắc chính trị, phục vụ cho cái gọi là cụ thể hóa khái niệm sự trỗi dậy của văn hóa Trung Quốc. Cách làm thiếu tinh tế, khoa trương, cứng nhắc này rõ ràng sẽ khó lòng nhận được thiện cảm hay thái độ sẵn sàng tiếp nhận tại các nước bản địa. Thậm chí, điều này còn khiến cho người dân các nước trên thế giới, đặc biệt là những quốc gia láng giềng nghi ngờ về tính khách quan, chân thực của các hoạt động ngoại giao văn hóa.

Mối lo ngại về sự can thiệp từ bàn tay Chính phủ Trung Quốc còn hướng vào hoạt động của các học viện Khổng Tử. Hiện nay, có không ít ý kiến cho rằng, học viện Khổng Tử có mặt tại các cơ sở đào tạo nước sở tại như những tổ chức đem đến nguy cơ xâm lược văn hóa và tuyên truyền hệ tư tưởng của Nhà nước Trung Quốc. Đặc biệt, năm 2014 - 2015, tại Mỹ, Canada, Úc đã xuất hiện những nỗ lực cảnh báo về nguy cơ mở rộng của học viện và lớp học Khổng Tử tại các cơ sở giáo dục, kể cả trường công lẫn trường tư (18).

3. Một số gợi mở

Quá trình nghiên cứu cho thấy, đã có sự liên quan chặt chẽ của việc chuyển đổi phương thức phát triển văn hóa với tham vọng muốn chi phối trật tự thế giới và khu vực Đông Á của các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Trong bối cảnh đó, Việt Nam cần thể hiện được sự chủ động, thận trọng, nhưng cũng phải hết sức tỉnh táo, linh hoạt, mềm dẻo trong định hướng chính sách ứng phó, cũng như tham khảo học tập các kinh nghiệm có ý nghĩa gợi mở từ quá trình triển khai điều chỉnh chiến lược và chuyển đổi phương thức phát triển văn hóa của Trung Quốc.

Đối với nhóm giải pháp ứng phó

Thứ nhất, có các bước điều chỉnh chiến lược về phát triển công nghiệp văn hóa nhằm tăng cường nội lực, tạo lợi thế chủ động trong việc cạnh tranh đối với những sản phẩm công nghiệp văn hóa Trung Quốc ngay tại chính thị trường trong nước. Thứ hai, tiếp nhận chủ động và có kiểm soát tác động tích cực của chính sách ngoại giao văn hóa trong quan hệ với sức mạnh tổng thể quốc gia của Trung Quốc. Thứ ba, đối với một quốc gia có truyền thống hành xử bất nhất như Trung Quốc, Việt Nam cần thể hiện sức mạnh thuyết phục cộng đồng thế giới bằng sự nhất quán trong phát ngôn và hành động. Thứ tư, cần xác định học viện Khổng Tử thiết lập ở Việt Nam là phù hợp với nhu cầu chính trị ngoại giao, dạy và học tiếng Trung Quốc. Do đó, cần coi trọng việc quản lý để không biến học viện thành trung tâm truyền bá tư tưởng, ý thức hệ, hoặc các nội dung văn hóa về giá trị Trung Quốc. Thứ năm, tăng cường đa dạng hóa hợp tác quốc tế về văn hóa. Chú trọng tăng cường hợp tác văn hóa với các quốc gia có nền văn hóa gần gũi như Hàn Quốc, Nhật Bản, phân tán sức ép của văn hóa Trung Quốc.

Đối với nhóm kinh nghiệm tham khảo

Thứ nhất, nhận thức đúng và sâu về quan hệ văn hóa với kinh tế, làm cho văn hóa thực sự thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển nhằm tạo nguồn lực nội sinh. Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đồng thời còn là một ngành sản xuất (công nghiệp văn hóa) có đóng góp to lớn đối với nền kinh tế. Thứ hai, kết hợp thương mại văn hóa với ngoại giao văn hóa.

Tuy nhiên, việc đánh giá tác động của công nghiệp văn hóa Trung Quốc đối với thị trường quốc tế, cũng như hiệu ứng chính sách ngoại giao văn hóa thông qua xem xét khả năng định hình nhận thức, phản ứng của những quốc gia trên thế giới, đặc biệt là tại khu vực Đông Á đã cho thấy, sự hiện diện của văn hóa Trung Quốc ở nhiều phương diện chưa đạt được mục tiêu và mang lại thứ quyền lực như các nhà lãnh đạo nước này mong muốn. Những chỉ số ấn tượng cũng đã xuất hiện như trở thành cường quốc lớn về công nghiệp văn hóa, tần số xuất hiện của hoạt động giao lưu văn hóa, số lượng học viên học tiếng Trung tăng vọt, hay thái độ quan tâm tìm hiểu văn hóa và ngôn ngữ tiếng Trung của người dân thế giới. Tuy nhiên, về cơ bản, đây là thành công ở lớp vỏ bề ngoài của các bước chuyển đổi phương thức phát triển văn hóa Trung Quốc hơn là chỉ số có khả năng chuyển đổi nhận thức, thay đổi hành vi mang tính tự nguyện tại quốc gia tiếp nhận. Một trở ngại lớn khiến cho văn hóa Trung Quốc không có khả năng thâm nhập, chuyển hóa sâu vào trong đời sống xã hội những quốc gia phát triển trên thế giới, hay các nước Đông Á là do sự thiếu hoàn chỉnh của một hệ giá trị đương đại mang tính bền vững và các chỉ số thể hiện vị thế nội lực, khả năng cạnh tranh, lan tỏa văn hóa. Chính điều này đã khiến văn hóa Trung Quốc khó có khả năng nâng lên ngang hàng với vị thế của văn hóa Mỹ, Anh, Đức ở việc tạo hiệu ứng tích cực trên phạm vi toàn cầu hay ngay tại khu vực Đông Á. Lý do tiếp theo khiến cộng đồng quốc tế, đặc biệt là người dân Đông Á mất thiện cảm, thậm chí hoài nghi đối với sự điều chỉnh chính sách ngoại giao văn hóa Trung Quốc chính là do cách quốc gia này sử dụng các kênh ngoại giao văn hóa mang đậm tính chính trị dưới sự kiểm soát, can thiệp quá sâu của Chính phủ.

Do vị trí địa chính trị đặc biệt quan trọng, Việt Nam luôn là đối tượng đầu tiên trong các bước đi mang tính chiến lược của Trung Quốc. Trong bối cảnh đó, Việt Nam cần có các bước điều chỉnh chiến lược về phát triển công nghiệp văn hóa nhằm tăng cường nội lực, tạo lợi thế chủ động trong việc cạnh tranh đối với các sản phẩm công nghiệp văn hóa Trung Quốc ngay tại thị trường trong nước. Tiếp nhận một cách chủ động và có kiểm soát các tác động tích cực của chính sách ngoại giao văn hóa trong quan hệ với sức mạnh tổng thể quốc gia của Trung Quốc. Thể hiện sức mạnh thuyết phục cộng đồng thế giới bằng sự nhất quán trong phát ngôn và hành động. Chủ động trong việc quản lý học viện Khổng Tử. Tăng cường đa dạng hóa hợp tác quốc tế về văn hóa. Nhận thức đúng và sâu về quan hệ văn hóa với kinh tế. Kết hợp ngoại giao văn hóa với thương mại văn hóa.

______________

1. Trần Thị Thủy, Bức tranh văn hóa Trung Quốc năm 2013 - Triển vọng năm 2014, Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc, số 4 - 2014.

2. Nguyễn Kim Bảo, Sự trỗi dậy về kinh tế của Trung Quốc và những vấn đề đặt ra cho Việt Nam, Nxb Từ điển bách khoa, 2013, tr.99.

 3. Borokh O.N, Vai trò của công nghiệp văn hóa trong việc gia tăng tiềm năng sức mạnh mềm của Trung Quốc, Viện Viễn Đông - Viện Hàn lâm Khoa học Nga, 2012.

4. 刘清才 曲文娜, 中国文化外交的基本理念与放格局, 吉林大学社会科学学, 53 5 , 2013 9 .

5. Philip H.Coombs, The Fouth Dimension of Foreign Policy: Education and Cutural Affairs, Harper and Row, 1964, p.1-2.

6, 7. Nguyễn Thị Thu Phương (chủ biên), Sự trỗi dậy về sức mạnh mềm của Trung Quốc và những vấn đề đặt ra cho Việt Nam, Nxb Từ điển bách khoa, 2013, tr.185-187.

8. Trần Thị Thủy, Chính sách xuất khẩu công nghiệp văn hóa Trung Quốc - Một số gợi mở cho Việt Nam, Đề tài khoa học cấp viện, Viện Nghiên cứu Trung Quốc, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, 2014.

9. Liu Yandong, Remarks at the First Global Confucius Institute Day, hanban.org, 2014.

10. Kungfu truyền kỳ - hình ảnh một Trung Quốc hiện đại, 360doc.com, 2011.

11. Năm 2013, Bộ Tài chính đã phân bố 4,8 tỷ NDT cho Quỹ Phát triển công nghiệp văn hóa, gov.cn

12. Bộ Tài chính Trung Quốc phê duyệt 5 tỷ NDT cho Quỹ Phát triển công nghiệp văn hóa, news.xinhuanet.com.

13. Trần Thị Thủy, Công nghiệp văn hóa Trung Quốc năm 2014 - dự báo năm 2015, trích Báo cáo thường niên tình hình Trung Quốc năm 2014, Viện Nghiên cứu Trung Quốc, 2014.

14. Tổng hợp số liệu từ trang web của học viện Khổng Tử, chinese.cn.

15. shangbao.com.ph

16. David Shambaugh, The Illusion of Chinese Power, The National Interest, 25 - 6 - 2014.

17. chinadaily.com.cn

18. William A. Callahan, Identity and Security in China: The Negative Soft Power of the China Dream, 2015.  

Nguồn : Tạp chí VHNT số 387, tháng 9-2016

Tác giả : NGUYỄN THỊ THU PHƯƠNG

;