Phục dựng lễ hội đèn Quảng Chiếu phát triển du lịch Hoàng thành Thăng Long

Lễ hội Áo dài tại Di tích Hoàng thành Thăng Long thu hút đông đảo công chúng - Ảnh: Doãn Khánh

Văn hóa là một trong những tài nguyên quan trọng và phong phú nhất để phát triển du lịch. Quần thể di tích Hoàng thành Thăng Long với những giá trị nổi bật như giá trị lịch sử, giá trị văn hóa, giá trị nghệ thuật, kiến trúc… là kho tài nguyên đồ sộ cho phát triển du lịch của Hà Nội và cả nước. Hoạt động du lịch tại Hoàng thành Thăng Long đã và đang từng bước đi vào quy củ với nhiều hoạt động đa dạng khác nhau như giáo dục di sản cho học sinh, sinh viên, tour du lịch đêm Giải mã Hoàng thành, studio ngoài trời cho học sinh, sinh viên chụp ảnh tốt nghiệp, lịch trình tham quan các cổ vật Thăng Long, các chương trình cho học sinh ở cấp 1, cấp 2 trong khuôn khổ đào tạo… Nhưng, một trong những tài nguyên văn hóa đã và đang được khai thác ở rất nhiều điểm du lịch là lễ hội, thì tại Hoàng thành Thăng Long, hoạt động này cần phải được tăng cường nghiên cứu, bảo tồn và phát huy. Chính vì vậy, trong khuôn khổ bài viết này, tác giả mong muốn đưa ra một số lý thuyết cơ bản về mối quan hệ giữa lễ hội với du lịch, nghiên cứu những nhân tố tác động tới sản phẩm du lịch này và đề xuất ý tưởng phục dựng lễ hội đèn Quảng Chiếu - một trong những lễ hội lâu đời với ý nghĩa lớn lao của kinh thành Thăng Long xưa.

1. Giới thiệu về lễ hội đèn Quảng Chiếu

Lễ hội đèn Quảng Chiếu là một trong những lễ hội có từ lâu đời được tổ chức trong Hoàng thành Thăng Long. Theo PGS, TS Tống Trung Tín, nguyên Viện trưởng Viện Khảo cổ học và nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa khác, lễ hội này được tổ chức vào thời Lý. Sử sách có ghi chép, trong những năm Vua Lý Nhân Tông trị vì (1072-1127) đã cho tổ chức lễ hội đèn Quảng Chiếu 4 lần vào các năm 1110, 1120, 1126 (năm 1126 tổ chức hai lần vào mùa xuân và mùa thu). Sau này, mãi đến năm 1195, lễ hội đèn Quảng Chiếu mới được tổ chức lại. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, có thể có những năm lễ hội vẫn được tổ chức nhưng sử sách không ghi bởi không phải sách sử ghi tất cả các sự kiện diễn ra trong năm?! Nhìn chung, sử liệu ghi chép về lễ hội đèn Quảng Chiếu không nhiều, khó có thể hình dung lễ hội được tổ chức như thế nào. Căn cứ quan trọng nhất mà nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử dựa vào là bia Sùng Thiện Diên Linh được dựng vào năm 1121 (Tân Sửu, năm Thiên Phù Duệ Vũ thứ 2, đời Vua Lý Nhân Tông) tại chùa Đọi, tức Duyên Ứng tự, xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Các nhà nghiên cứu căn cứ vào bia Sùng Thiện Diên Linh là có cơ sở: Thứ nhất, bia được dựng vào thời Lý Nhân Tông, người đầu tiên cho mở hội đèn Quảng Chiếu; Thứ hai, bia được dựng vào năm 1121 nghĩa là chỉ sau 1 năm tổ chức lễ hội đèn Quảng Chiếu lần thứ 2 (1120), điều đó cho phép người nghiên cứu tin rằng: nội dung, hình thức, mục đích, ý nghĩa… lễ hội này được phản ảnh đầy đủ trên bia. Qua các lần hội thảo, nhiều nhà nghiên cứu căn cứ vào nội dung bia Sùng Thiện Diên Linh như cứ liệu lịch sử chủ yếu để thảo luận các nội dung liên quan đến lễ hội đèn Quảng Chiếu. Tuy nhiên, có đọc thật kỹ bản dịch bia Sùng Thiện Diên Linh cũng khó hình dung lễ hội diễn ra như thế nào ngoài mấy chi tiết về chiều cao của đèn và chi tiết mô tả về hình ảnh trên đèn kéo quân. Điều đó khẳng định việc phục dựng lễ hội đèn Quảng Chiếu theo đúng nghĩa “phục dựng” là không thể! Nhưng cũng có những ý kiến cho rằng, không nên câu nệ chữ “phục dựng” bởi các lễ hội tổ chức thường niên nhưng mỗi năm vẫn có sự thay đổi cả về nội dung và hình thức, miễn sao hồn cốt của lễ hội, mục đích và điều mong muốn, ước nguyện của cộng đồng được thể hiện sinh động, có ý nghĩa, được cả cộng đồng chấp thuận. Vấn đề đặt ra là tổ chức lễ hội đèn Quảng Chiếu tại Hoàng thành bây giờ với mục đích gì, có đạt được mục đích bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hoàng thành không? Về du lịch, chúng tôi cho rằng tổ chức lễ hội đèn Quảng Chiếu chắc chắn sẽ thu hút sự quan tâm của khách du lịch trong và ngoài nước. Bài học từ Đà Nẵng có thể cho ta nhiều kinh nghiệm bổ ích. Một thực tế là, Đà Nẵng không có lễ hội ánh sáng truyền thống, nhưng nhiều năm nay đã tổ chức thành công lễ hội pháo hoa quốc tế. Ở Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến, việc giữ gìn bản sắc văn hóa là quan trọng bậc nhất, nhưng không vì thế mà không có sự sáng tạo cần thiết của con người thời đại 4.0. Chúng tôi đồng tình quan điểm, ngôn từ “dựng lại”, “phục dựng” hay “tái hiện” không quan trọng bằng hiệu quả đích thực của lễ hội vì sự bảo tồn và phát huy giá trị di sản, vì đời sống của nhân dân, vì Quốc thái - Dân an như nghiên cứu gần đây của Trung tâm Bảo tồn di sản Hoàng Thành.

Vấn đề quan trong nhất cần quan tâm hiện nay là mục đích và cách thức tổ chức lễ hội đèn Quảng Chiếu. Hầu hết các nhà nghiên cứu đều khẳng định, cần dựng lại lễ hội này vì nó có ý nghĩa lịch sử, văn hóa và phù hợp với đời sống đương đại. Chúng tôi đồng tình với quan điểm này. Thứ nhất, lễ hội đèn Quảng Chiếu được tổ chức vào thời Lý Nhân Tông, thời thịnh vượng của một triều đại phong kiến Việt Nam. Thứ hai, lễ hội được tổ chức nhiều lần, được ghi chép trong Đại Việt sử ký toàn thư như một sự kiện quan trọng. Thứ ba, lễ hội ánh sáng là lễ hội các nước theo Phật giáo thường tổ chức. Ở Ấn Độ, Thái Lan đều có lễ hội ánh sáng truyền thống mà ngày nay vẫn được tổ chức hằng năm, như là một hoạt động văn hóa có sức hút du khách trong nước và ngoài nước. Với Hoàng thành Thăng Long - di sản văn hóa được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa thế giới, phục dựng được lễ hội đèn Quảng Chiếu cách đây gần ngàn năm chắc chắn sẽ là một hoạt động giàu ý nghĩa văn hóa, lịch sử và có sức hút lớn cộng đồng trong nước và quốc tế.

Các cứ liệu lịch sử chỉ cho ta khả năng cao nhất là hình dung khái quát về lễ hội đèn Quảng Chiếu đã diễn ra trong lịch sử, từ đó dựng lễ hội trong điều kiện hiện nay trên tinh thần giữ gìn cái hồn của lễ hội xưa, đồng thời sáng tạo làm cho cái hồn cốt ấy được sáng rõ hơn, sâu rộng hơn, có ý nghĩa thiết thực hơn trong thời đại ngày nay. Như vậy, tổ chức lễ hội đèn Quảng Chiếu tại Hoàng thành trong điều kiện hiện nay không đồng nghĩa với việc sao chép lễ hội đèn Quảng Chiếu xưa, càng không phải là sự bó hẹp trong tư tưởng “cúng thí ma đói” hay cầu trường thọ, mà phải làm rõ tư tưởng bao trùm: Quốc thái - Dân an. Qua các lần hội thảo, tọa đàm khoa học, một loạt các vấn đề cần làm rõ đã dần dần hé lộ. Những ý tưởng được tổng kết trong nghiên cứu gần đây về lễ hội này do TS Nguyễn Viết Chức chủ trì được nhiều nhà nghiên cứu tán đồng. Chúng tôi xin viện dẫn và phân tích dưới góc nhìn phát triển du lịch.

Các nhà khoa học có những kiến giải khác nhau nhưng đều tập trung vào hai thành tố: đèn quảng chiếu. Có người cho rằng, chỉ cần chữ quảng chiếu vì đèn chỉ là công cụ tạo ra ánh sáng để quảng chiếu, hơn nữa nếu gọi đúng sự vật phải là nến (lạp) đã dùng trong lễ hội trước đây. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng không thể bỏ đèn (được hiểu là các loại đèn truyền thống và hiện đại, không loại trừ đèn led hoặc các loại ánh sáng khác). Dưới góc nhìn du lịch, chúng tôi thiên về ý kiến thứ hai, nghĩa là giữ chữ đèn và còn mở rộng nó với các loại đèn hiện đại để lễ hội hấp dẫn và nó đúng quy luật của sự phát triển với quan điểm bảo tồn không phải ôm giữ khư khư cái cũ. Cái quan trong bậc nhất là giữ được ý nghĩa sâu xa của chữ quảng chiếu nó là hồn cốt tạo nên sức hấp dẫn của lễ hội. Căn cứ vào cứ liệu lịch sử và các ý kiến trao đổi tại các cuộc hội thảo khoa học, chúng tôi đồng tình với tên gọi: lễ hội đèn Quảng Chiếu.

2. Mối quan hệ giữa lễ hội và phát triển du lịch

Lễ hội là một thành tố văn hóa đặc biệt có giá trị du lịch rất lớn, bởi lễ hội được coi như một bảo tàng “sống” về văn hóa dân gian, chứa đựng, lưu giữ nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa từ nhiều đời. Bên cạnh đó, lễ hội mang những bản sắc riêng, những truyền thống đặc trưng cho mỗi dân tộc, đại diện một phần nào đó cho vùng miền, truyền tải những thông điệp vô cùng ý nghĩa, tái hiện lại những nét đẹp văn hóa truyền thống, tín ngưỡng, tôn giáo và những đặc trưng chỉ có ở nơi phát tích lễ hội. Cũng chính vì lý do đó, du khách đến với lễ hội không phải chỉ để tham quan, mà quan trọng hơn, đó chính là trải nghiệm trực tiếp vào các hoạt động của lễ hội, hòa mình chung trong không khí lễ hội. Thông thường, khi nhắc tới lễ hội, người ta sẽ nhắc tới hai phần “lễ” và phần “hội”, khách du lịch ngoài việc tham gia vào phần lễ, các hoạt động cộng đồng hay còn gọi là phần “hội” cũng được du khách rất quan tâm, hào hứng tham gia, đặc biệt là các trò chơi dân gian địa phương, hoạt động diễn xướng trong không gian mở…

Có thể nói, lễ hội đóng góp giá trị rất lớn trong cuộc sống của người dân không chỉ từ ngàn xưa, mà còn tới tận ngày nay. Những giá trị đó vẫn trường tồn mặc dù cách thức thể hiện, phương tiện biểu diễn cũng như một số hình thức đã có sự thay đổi cho phù hợp với hoàn cảnh và thời thế. Trong khuôn khổ bài viết này, một số giá trị của lễ hội cần phải được lưu tâm, đặc biệt vì sự liên quan mật thiết với du lịch:

Giá trị kinh tế: Giá trị kinh tế của lễ hội trong thời hiện đại được thể hiện rất rõ thông qua các con số thống kê về doanh thu. Ví dụ: theo Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT), lễ hội Songkran của Thái Lan ước tính năm 2023 có thể đạt tới con số 13,5 tỷ Baht (tương đương 400 triệu USD), vượt mức 11,6 tỷ Baht năm 2019 (tương đương 340 triệu USD) (1); hay ở Việt Nam, trong năm 2017 lễ hội pháo hoa Đà Nẵng khởi động đã tạo ra doanh thu 9.500 tỷ Việt Nam đồng (khoảng gần 400 triệu USD)… (2). Có thể nói, lễ hội là “mỏ vàng” mà những nhà kinh doanh du lịch, cũng như cộng đồng địa phương phải quan tâm, đầu tư có bài bản, cẩn trọng. Không chỉ là giá trị kinh tế, mà lễ hội còn đóng một vai trò rất lớn trong việc giới thiệu, quảng bá, truyền bá những nét đặc sắc về văn hóa bản địa, truyền tải những thông điệp mang tính nhân văn tới mọi người.

Giá trị văn hóa tâm linh: Lễ hội đa phần xuất phát từ nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân, thông qua các hoạt động thực hành nghi lễ mà cộng đồng dân cư thể hiện lòng thành kính, sự sùng bái đối với các vị thần, thánh, với đức tin của mình. Hơn thế, giá trị văn hóa tâm linh của lễ hội còn được thể hiện rõ nét qua sự biết ơn, nhân sinh quan, thế giới quan, thể hiện khát vọng chinh phục tự nhiên của con người. Trong suốt quá trình lao động sáng tạo, con người tác động tới tự nhiên, cải tạo tự nhiên, tạo ra những sản phẩm vừa đáp ứng nhu cầu cơ bản trong cuộc sống, mà cũng vừa tạo ra những sản phẩm tinh thần, sản phẩm văn hóa dù là hữu tình hay vô ý. Ví dụ: việc người nông dân phải nhờ tới sự che chở của thiên nhiên, cầu mong sự phù hộ của tổ tiên, thần linh, trời đất… để mong cho mưa thuận gió hòa. Nhà nghiên cứu Ngô Đức Thịnh đã khẳng định: “Đó là trạng thái thăng hoa từ cuộc sống tới hiện thực, vượt lên trên đời sống hiện thực” (3).

Giá trị bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc: Những hoạt động trong lễ hội như tế lễ, rước kiệu, rước thần, các trò diễn sinh động, hoạt động ca múa nhạc… chủ yếu là hoạt động mô phỏng hình thức, tái hiện quá khứ, thậm chí một số lễ hội còn là “phục dựng” lại. Các hoạt động trong lễ hội tái hiện một phần cuộc sống sinh hoạt của cộng đồng dân cư, thêm vào đó góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa. Hơn thế nữa, lễ hội và những giá trị của nó được truyền từ đời này qua đời khác thông qua truyền miệng là chủ yếu, hoặc có chăng là thông qua các ghi chép mang tính dân gian, hiếm khi có những tài liệu chính thống ghi chép về lễ hội. Mặc dù vậy, cách thức truyền miệng này lại có tác dụng rất lớn và có tính lan toả rất cao. Cũng chính vì vậy, lễ hội góp phần to lớn vào công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc và gìn giữ những nét đẹp văn hóa ngay trong chính cộng đồng.

Giá trị giáo dục truyền thống: Không chỉ mang lại giá trị kinh tế và giá trị văn hóa tâm linh, lễ hội còn mang ý nghĩa sâu sắc về giáo dục truyền thống. Nhà nghiên cứu Ngô Đức Thịnh cũng khẳng định rằng, giá trị giáo dục của lễ hội được thể hiện trong tính hướng về cội nguồn, đây cũng là tâm thức con người Việt Nam, gần như không có người Việt Nam nào không nhớ đến, không thành kính với tổ tiên, nguồn cội của mình dù họ có theo tôn giáo nào đi nữa (4). Cũng chính lễ hội là dịp các bậc cao niên, già làng, trưởng bản, các bậc tiền bối giáo dục, trao truyền, kể lại cho thế hệ sau về những bài học đạo lý, về truyền thống của cha ông, về lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất quê hương, về lịch sử dân tộc. Hơn thế nữa, lễ hội cũng là một trong những dịp người dân thể hiện lòng thành kính với tổ tiên, sự sùng bái với thần thánh để mong được chở che, được phù hộ.

Thông qua những giá trị nói trên, chúng ta có thể thấy rằng, những giá trị của lễ hội chính là tài nguyên vô giá cho phát triển du lịch. Một trong những động cơ để du khách tìm tới những điểm đến thông qua lễ hội đó chính là ý nghĩa, giá trị của lễ hội, qua đó tạo sự thích thú, khơi dậy khao khát khám phá, mong muốn tìm hiểu về văn hóa của du khách. Mối quan hệ giữa lễ hội và du lịch là mối quan hệ hữu cơ, tương hỗ cho nhau rất mật thiết và còn là động lực thúc đẩy cho nhau cùng phát triển.

3. Tư tưởng chủ đạo của lễ hội: Quốc thái - Dân an

Các nhà khoa học đã phân tích từ nhiều góc độ khác nhau để chỉ ra tư tưởng của lễ hội đã diễn ra trong lịch sử. Có ý kiến cho rằng, lễ hội đèn Quảng Chiếu xưa có yếu tố Mật tông của Phật giáo. Bởi thế, việc cúng thí các “ma đói” là việc cần làm. Tuy nhiên, ý nghĩa của đèn quảng chiếu không chỉ như vậy, “mà còn là và trước tiên là một nghi lễ liên quan đến việc cầu quốc thái, dân an và cầu trường thọ”. PGS, TS Tống Trung Tín còn viện dẫn văn bia Sùng Thiện Diên Linh: “Dồn hòa vui của thiên hạ, đêm trở thành ngày, thỏa tâm mục của thế gian, già nay trẻ lại” (5) và Việt Nam sử lược (6) có ghi đầy đủ tên đèn quảng chiếu là đèn quảng chiếu Diên Mệnh, đèn Diên Mệnh đều có nghĩa là đèn trường thọ. Căn cứ vào sự phân tích như vậy, nhiều người cho rằng, trong lễ hội cần có lễ thức Phật giáo liên quan tới các ý nghĩa trên. Các nghi lễ Phật giáo ngoài những ý nghĩa trên còn khuyến khích sự hướng thiện, bài trừ điều ác, tụng ca đức nhân từ… Suy cho cùng, tất cả ý nghĩa đều có thể tựu trung vào Quốc thái - Dân an. Đó là ý nguyện, là mong ước muôn đời của người dân đất Việt ở bất kỳ thời đại nào. Đèn quảng chiếu phải được hiểu với ý nghĩa rộng lớn và đầy đủ: Quảng chiếu không gian - Quảng chiếu thời gian - Quảng chiếu nhân gian! Đó cũng chính là kế thừa tư tưởng quảng chiếu của ông cha ta xưa và phát huy tinh thần quảng chiếu trong thời đại mới. Với ý nghĩa như vậy, chắc sẽ thu hút sự quan tâm của nhiều giới, nhiều người theo lứa tuổi, sở thích và nhu cầu khác nhau khi đi du lịch.

Vậy ai là người đứng ra tổ chức lễ hội? Trong giai đoạn thử nghiệm, UBND thành phố Hà Nội nên chủ trì cùng sự phối hợp của các tổ chức, cơ quan hữu quan trên cơ sở vận động xã hội hóa hoạt động văn hóa. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, lễ hội đèn Quảng Chiếu xưa do Vua chủ trì, nay phải do Trung ương chủ trì. Nhà nghiên cứu văn hóa Bùi Thiết khẳng định, lễ hội đèn Quảng Chiếu xưa là lễ hội cung đình, chủ thể tổ chức lễ hội là nhà vua, người đứng đầu Nhà nước phong kiến (7). Thành phần tham gia có các nhà sư và phật tử cùng đông đảo quần chúng nhân dân. Như vậy, có thể thấy, lễ hội có tính Nhà nước, tính Phật giáo (chứ không phải tôn giáo nói chung) và tính nhân dân. Trong điều kiện ngày nay, để giữ đúng thể thức truyền thống có vận dụng vào điều kiện cụ thể theo từng năm mà thành phố Hà Nội hoặc Trung ương chủ trì nên việc khẳng định lễ hội có tính Nhà nước là hợp lý. Phật giáo tham gia với các nghi lễ phù hợp với tư tưởng chủ đạo của lễ hội. Mặt khác, các nghi lễ cầu siêu cho các liệt sĩ đã hy sinh cho Tổ quốc qua các thời đại cũng là việc đã làm và có thể làm trong lễ hội đèn Quảng Chiếu. Và đương nhiên trong truyền thống lễ hội, tính nhân dân luôn luôn được đề cao.

Vấn đề quan trọng là phải xác định mục đích rõ ràng. Mục đích tổ chức lễ hội đèn Quảng Chiếu không chỉ nhằm lưu giữ một hoạt động văn hóa truyền thống từ lâu đời trong Hoàng thành mà còn nhằm tôn vinh giá trị văn hoá tư tưởng Việt Nam: Độc lập - Tự cường, Quốc thái - Dân an; đồng thời phát huy giá trị di sản Hoàng thành Thăng Long được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa Thế giới, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân.

Để đạt mục đích như vậy, phải bám sát tư tưởng chủ đạo; khai thác hợp lý các yếu tố truyền thống và hiện đại; kết hợp hài hòa giữa nghi lễ Phật giáo và các loại hình nghệ thuật ánh sáng, âm thanh, múa, rước đèn truyền thống và các loại hình hát xướng dân gian. Trang nghiêm - hoành tráng - hấp dẫn - thiết thực là yêu cầu và cũng là tôn chỉ của lễ hội.

Lễ hội đèn Quảng Chiếu đã được nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử nghiên cứu trong nhiều năm. Chúng tôi căn cứ vào các tài liệu đó, với góc nhìn của người làm du lịch trong điều kiện Việt Nam mở cửa, hội nhập ngày càng sâu rộng mà thấy rằng: việc mở lễ hội đèn Quảng Chiếu là thiết thực là có hiệu quả và ý nghĩa nhiều mặt. Nhiều địa phương đã xây dựng được lễ hội đặc trưng cho địa phương mình, thu hút nhiều du khách, quảng bá hình ảnh địa phương, đồng thời thúc đẩy du lịch phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của cộng đồng. Festival Huế, Lễ hội Trăng rằm ở Tuyên Quang, Lễ hội hoa Đà Lạt… Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến có lễ hội đèn Quảng Chiếu góp phần thúc đẩy Việt Nam hội nhập ngày càng thiết thực và hiệu quả, phải chăng là việc nên làm!

4. Một số đề xuất

Để có thể phục dựng lại được lễ hội đèn Quảng Chiếu với quy mô và hấp dẫn lớn lao cần lưu ý những nhân tố ảnh hưởng như sau:

Thứ nhất, nguồn nhân lực để thực hiện, triển khai và quản lý lễ hội. Năng lực thực thi là một trong những nhân tố quyết định việc thành công hay thất bại của bất kỳ sự kiện nào, đặc biệt, với sự kiện lớn, nguồn nhân lực mang tính quyết định. Nhân lực thực thi, triển khai và quản lý lễ hội phải đảm bảo vừa am hiểu về lịch sử, văn hóa, vừa phải có năng lực lập kế hoạch, điều phối nhân sự, sử dụng các nguồn lực một cách tối ưu để đảm bảo hiệu quả cao nhất.

Thứ hai, quảng bá hình ảnh điểm đến cũng như truyền tải thông điệp của lễ hội đèn Quảng Chiếu đến đông đảo người dân Hà Nội, người dân Việt Nam và du khách quốc tế. Việc ứng dụng công nghệ mới trong việc phục dựng lễ hội cần được chú trọng hơn nữa, nhằm giảm thiểu đáng kể chi phí và tăng hiệu ứng lan tỏa, hiệu quả sử dụng các nguồn lực tài chính phục vụ lễ hội cũng như quản lý, vận hành.

Thứ ba, giáo dục di sản và giá trị của di sản văn hóa cho các bên liên quan để từ đó nâng cao ý thức của người tham gia lễ hội, vừa để đảm bảo lễ hội được diễn ra, không vướng mắc vừa đảm bảo đạt được những mục tiêu đã đề ra như: thu hút khách du lịch, đảm bảo vệ sinh môi trường, lan tỏa thông điệp ý nghĩa của lễ hội sâu rộng tới quần chúng nhân dân cũng như bạn bè, du khách quốc tế.

5. Kết luận

Việc phục dựng lễ hội đèn Quảng Chiếu đã được đưa vào trong các hoạt động nghiên cứu chuyên sâu và bảo tồn khu di sản được Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội chú trọng triển khai. Tuy nhiên còn rất nhiều vấn đề đang được thảo luận, thậm chí tranh luận với nhiều quan điểm và cách tiếp cận khác nhau. Thông qua bài viết, tác giả mong muốn làm rõ mối quan hệ giữa lễ hội và du lịch cũng như chỉ ra thêm lợi ích của loại hình du lịch lễ hội, du lịch văn hóa trong tổng thể bức tranh của Hoàng thành Thăng Long với tư cách là một điểm đến du lịch đặc biệt, có những giá trị nổi bật không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới. Trên góc nhìn phát triển du lịch, việc phục dựng lễ hội không chỉ tạo ra một sản phẩm du lịch có tính hấp dẫn đặc biệt mà còn tạo tiền đề cho việc bảo tồn và phát huy giá trị của một di sản mang tầm quốc tế. Việc phục dựng lễ hội góp phần nâng cao nhận thức về lịch sử văn hóa quốc gia nói chung và của Hà Nội nói riêng, truyền tải những thông điệp tốt đẹp tới người dân địa phương cũng như bạn bè, du khách từ mọi miền đất nước và quốc tế.

________________

1. Nam Đông, Du lịch Thái Lan kỳ vọng sẽ bội thu trong dịp Tết Songkran, nhandan.vn, 5-4-2023.

2. Doãn Phong, Đưa lễ hội trở thành sản phẩm du lịch chủ lực - tại sao không?, vietnamnet.vn, 13-11-2019.

3. Ngô Đức Thịnh, Những giá trị của lễ hội cổ truyền trong đời sống xã hội hiện nay, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 3-2001, tr.8.

4. Ngô Đức Thịnh, Về tín ngưỡng và lễ hội cổ truyền, Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 2007, tr.343.

5. Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Khảo cứu nội dung văn bia Sùng Thiện Diên Linh, Thông báo Hán Nôm học, 2003.

6. Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 2003.

7. Trung tâm bảo tồn khu di tích Cổ Loa - Thành cổ Hà Nội, Hội thảo khoa học Phục dựng lễ hội đèn Quảng Chiếu, Hà Nội, 22-11-2008.

Ths NGUYỄN ĐỨC TRỌNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 545, tháng 9-2023

;