“Xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa là cần thiết và quan trọng để định hình và thúc đẩy sự phát triển toàn diện của quốc gia. Chương trình giúp chúng ta có được một nguồn lực đầy đủ, với những đầu tư mang tính trọng tâm, trọng điểm, mang tính định hướng, khơi nguồn cho các đầu tư xã hội cho văn hóa” - PGS, TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhấn mạnh đến vấn đề này khi chia sẻ với phóng viên Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật.
Phóng viên: Thưa ông, hiện nay Bộ VHTTDL đang xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa trình cấp có thẩm quyền ban hành góp phần chấn hưng văn hóa, ý kiến của ông về vấn đề này?
PGS, TS Bùi Hoài Sơn: Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến sự nghiệp phát triển văn hóa. Ngay từ trước khi giành được độc lập, tự do cho dân tộc, Đảng ta đã ban hành Đề cương về văn hóa Việt Nam như một cương lĩnh chính trị về văn hóa để khẳng định sức mạnh của giá trị văn hóa trong phát triển đất nước. Từ những nhận thức quan trọng và hành động đúng đắn, văn hóa Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng, giúp chúng ta vượt qua mọi khó khăn, chiến thắng mọi kẻ thù bằng sức mạnh nội sinh của dân tộc - Văn hóa.
Đứng trước bối cảnh mới, những bài học kinh nghiệm quý giá từ lịch sử càng thôi thúc chúng ta có thêm quyết tâm phát triển văn hóa, ở đó, văn hóa không chỉ đại diện cho giá trị truyền thống và bản sắc dân tộc, tạo ra sự tự tin và bản lĩnh văn hóa để hội nhập quốc tế, mà còn mang trong mình sức mạnh thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Chúng ta đang ở trong một thời điểm hết sức quan trọng trong phát triển văn hóa, ở đó đan xen cả những thuận lợi và khó khăn, thời cơ cũng như thách thức. Ở điểm thuận lợi và thời cơ, có thể nói, chưa bao giờ văn hóa nhận được nhiều sự quan tâm như hiện nay, đặc biệt từ Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021. Sự vào cuộc kịp thời của các cơ quan Đảng, Nhà nước, ở cả trung ương và địa phương, thể hiện ở các hội thảo như Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam do Ban Tuyên giáo chủ trì tổ chức, Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa do Quốc hội chủ trì tổ chức, hay gần đây là chuỗi các sự kiện kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam, cũng như các hội nghị văn hóa toàn tỉnh của Bắc Ninh, Hà Tĩnh,... nghị quyết riêng cho văn hóa, công nghiệp văn hóa của Bắc Ninh hay Hà Nội,... với những đề án, kế hoạch, nguồn lực ưu tiên dành cho văn hóa là những tín hiệu tích cực cho phát triển văn hóa. Không chỉ là những chuyển biến từ phía Nhà nước, các thành phần xã hội cũng thể hiện sự năng động, nhiệt huyết đối với lĩnh vực văn hóa. Các tuần lễ sáng tạo ở Hà Nội và một số thành phố lớn, sự hình thành của Nhà hát Đó ở Nha Trang, những bộ phim ăn khách của khối tư nhân như: Nhà bà Nữ; Chị chị, em em 2; Lật mặt: tấm vé định mệnh... những ca khúc Việt Nam mang hơi thở mới chinh phục không chỉ khán giả trong nước mà cả khán giả quốc tế, và rất nhiều các ví dụ khác cho thấy chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước đã bắt nhịp cho sự sôi động của thị trường văn hóa, để văn hóa đóng góp nhiều hơn cho quá trình phát triển đất nước. Giờ đây, nhiều người bắt đầu nói về một công cuộc phục hưng, đổi mới cho lĩnh vực văn hóa.
PGS, TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, chúng ta cũng thấy những biểu hiện khó khăn, thách thức và vô cùng phức tạp đối với sự phát triển văn hóa. Chúng ta không chỉ đối mặt với những vấn đề thách thức an ninh phi truyền thống, mà còn cả thách thức văn hóa phi truyền thống; không chỉ những vấn đề của xã hội số, kinh tế số, công dân số mà còn cả những vấn đề của văn hóa số. Sự phát triển của nền kinh tế thị trường đã để lại một số hệ lụy về văn hóa khi những lợi ích vật chất, ích kỷ cá nhân đã len lỏi vào mọi tế bào của xã hội, trong đó có văn hóa. Sự trục lợi đã trở thành một vấn đề nghiêm trọng, làm méo mó cả những hoạt động mang đậm chất tinh thần như văn hóa. Trục lợi tâm linh là một ví dụ như vậy! Bên cạnh đó, do thị trường giải trí cạnh tranh khốc liệt, khiến những chiêu trò để xây dựng tên tuổi, lôi kéo sự quan tâm của công chúng cũng để lại những hậu quả tai hại bởi những câu nói bốc đồng, hành vi lệch chuẩn, chia sẻ thiếu tôn trọng... đã làm vẩn đục môi trường văn hóa của xã hội. Quá trình hội nhập quốc tế giúp chúng ta tiếp thu nhiều tinh hoa văn hóa thế giới, nhưng cũng có cả những hiện tượng không phù hợp với văn hóa dân tộc. Nhiều thứ lấp lánh, hào nhoáng bên ngoài đã cuốn hút được sự quan tâm của giới trẻ nhưng lại khiến họ lãng quên văn hóa dân tộc. Sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, nhất là mạng xã hội, đã tạo ra không gian mới, thách thức mới cho quá trình quản lý văn hóa khi nhiều người thể hiện cái tôi thái quá, vi phạm những nguyên tắc đạo đức cộng đồng... Tốc độ xã hội trở nên quá nhanh khiến con người mất tập trung vào những mục tiêu dài hạn, chỉ chú tâm vào những điều trước mắt, ngắn hạn. Tất cả trở thành những nguyên nhân cho rất nhiều những biểu hiện tiêu cực, lai căng, lệch chuẩn, vi phạm đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc trong thời gian vừa qua.
Để khắc phục tất cả những vấn đề trên, việc xây dựng một chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa là cần thiết và quan trọng để định hình và thúc đẩy sự phát triển toàn diện của quốc gia. Chương trình giúp chúng ta có được một nguồn lực đầy đủ, với những đầu tư mang tính trọng tâm, trọng điểm, mang tính định hướng, khơi nguồn cho các đầu tư xã hội cho văn hóa.
Điều đáng mừng là, chúng ta đã có cơ sở pháp lý để xây dựng Chương trình này khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vào ngày 16-6-2022, trong đó, một trong các giải pháp chủ yếu là “Xây dựng gia đình hạnh phúc, cộng đồng dân cư vững mạnh, tham gia quản lý xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội”, “Nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa, thể thao cho nông dân và cư dân nông thôn”, “Triển khai hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia”; Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII cũng nhấn mạnh: “Thống nhất cao về sự cần thiết phải ban hành và tổ chức thực hiện thật tốt Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045”, trong đó, nội dung nghiên cứu, xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa cũng là một trong nhóm giải pháp được chú trọng. Đối với Quốc hội, cơ quan thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia, để cụ thể hóa Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, ngày 10-11-2022, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển Kinh tế - Xã hội năm 2023. Theo đó, Nghị quyết giao Chính phủ chủ trì nhiệm vụ: “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa. Triển khai Chương trình quốc gia phát triển văn hóa giai đoạn 2022-2030; Khẩn trương nghiên cứu, xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa”.
Dù vậy, xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia nói chung, về văn hóa nói riêng không phải là một công việc dễ dàng. Thứ nhất, việc xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa cần bám sát vào quan điểm và chủ trương của Đảng và Nhà nước. Từ Nghị quyết 33-NQ/TW đến Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030, Đảng và Nhà nước đã đề ra những quan điểm chỉ đạo, mục tiêu cụ thể để xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa sẽ là công cụ hỗ trợ cho việc triển khai hiệu quả các mục tiêu này, đồng thời đảm bảo sự nhất quán và liên kết giữa các chương trình, dự án văn hóa trên toàn quốc.
Thứ hai, dù mang tính bao quát để tạo ra tính tổng thể cho sự phát triển văn hóa nhưng chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa vẫn cần nhấn mạnh vào một số điểm nhấn, mang tính đột phá như tập trung vào bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc. Việt Nam là một quốc gia có nền văn hóa đa dạng và phong phú, với 54 dân tộc anh em, chung sống với nhau qua hàng ngàn năm lịch sử. Tuy nhiên, nhiều giá trị văn hóa truyền thống đang đối mặt với nguy cơ mai một và biến mất. Chương trình mục tiêu quốc gia cần đặt trọng tâm vào việc bảo tồn, nghiên cứu và phát huy giá trị này thông qua việc khôi phục, tôn vinh và truyền bá các di sản văn hóa truyền thống, để từ đó không chỉ giúp chúng ta hiểu biết và tự hào về truyền thống lịch sử, mà còn giúp chúng ta có hành trang kiến thức và sự tự tin văn hóa, để chúng ta bước đi vững chắc vào tương lai mà không sợ bị hòa tan trong dòng chảy toàn cầu hóa.
Phóng viên: Vậy theo ông, chúng ta cần chú trọng và tháo gỡ những vấn đề gì để văn hóa phát triển trong thời gian tới?
PGS, TS Bùi Hoài Sơn: Như chúng ta đã biết, năm 2022, Quốc hội đã tổ chức hội thảo về thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa tạo diễn đàn để các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan có liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý trong và ngoài nước báo cáo, trao đổi, thảo luận làm rõ các căn cứ lý luận, thực tiễn, làm cơ sở kiến nghị, đề xuất các cơ quan có thẩm quyền về thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa. Tại Hội thảo, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có bài phát biểu bế mạc Hội thảo nêu rõ 9 nhóm chính sách lớn, quan trọng cần được tập trung nghiên cứu, thể chế hóa để tháo gỡ các điểm nghẽn, tạo sự phát triển đột phá cho phát triển văn hóa. Những chỉ đạo trên, đặt ra nhiệm vụ tiếp tục rà soát, nghiên cứu hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển văn hóa để kịp thời thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Hiến pháp năm 2013, vừa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.
Để tháo gỡ những điểm nghẽn về thể chế, sắp tới, Quốc hội dự kiến đưa Dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, Dự án Luật Quảng cáo (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, đưa Dự án Luật Báo chí (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, đưa Luật về nghệ thuật biểu diễn vào định hướng chương trình xây dựng luật, pháp lệnh giai đoạn 2026-2031, đưa Luật về hoạt động văn học vào định hướng chương trình xây dựng luật, pháp lệnh giai đoạn 2026-2031. Đồng thời tiếp tục nghiên cứu căn cứ lý luận, thực tiễn về đề xuất ban hành một số luật chuyên ngành như: Luật Mỹ thuật; Luật Nhiếp ảnh; Luật Tài trợ, hiến tặng, Luật về tự do sáng tạo trong khoa học và văn hóa, văn học, nghệ thuật; Luật Bản quyền tác giả (tách nội dung từ Luật sở hữu trí tuệ)... Cùng với đó nghiên cứu, đề xuất xây dựng chính sách, pháp luật, cơ chế quản lý để tạo lập các thiết chế văn hóa phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Không chỉ những luật trực tiếp liên quan đến văn hóa, nghệ thuật, Quốc hội sẽ nghiên cứu, xem xét sửa đổi, bổ sung một số luật chuyên ngành như: Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP), Luật Đất đai, các luật về thuế, đặc biệt là Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Trong đó, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (Luật PPP) dự kiến cho áp dụng thí điểm tại TP.HCM và một số tỉnh, thành phố (là trung tâm văn hóa, di sản và có đề xuất) về việc cho phép hợp tác đầu tư công - tư trong lĩnh vực văn hóa. Sau khi tổng kết thí điểm sẽ đề xuất việc sửa đổi Luật để áp dụng rộng rãi; Nghiên cứu, rà soát, đề xuất bổ sung quy định trong các luật thuế (Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt) về phần thu nhập không chia của cơ sở thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa, thể thao để lại đầu tư phát triển cơ sở là phần thu nhập được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp; Bổ sung khoản chi được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế là khoản tài trợ cho văn hóa, thể thao; Bổ sung quy định khoản chi hỗ trợ cho văn hóa, thể thao được trừ khi tính thu nhập chịu thuế...
Đối với những vấn đề lớn về văn hóa, trong các kỳ họp, những ý kiến tâm huyết cho phát triển văn hóa đang ngày càng thể hiện rõ ràng hơn. Những lo ngại về đầu tư cho văn hóa chưa xứng tầm, sự xuống cấp đạo đức trong xã hội, vấn đề sự trong sáng của tiếng Việt, hay di sản văn hóa... từ các đại biểu Quốc hội, là nguyện vọng lớn của cử tri cả nước đối với việc cần tạo điều kiện cho phát triển văn hóa. Trên cơ sở này, Nghị quyết số 572/NQ-UBTVQH15 về hoạt động chất vấn tại phiên họp thứ 14, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV đề cập đến những nhiệm vụ trọng tâm của ngành văn hóa như: Tập trung triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030, Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030, rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về văn hóa. Khẩn trương xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2022-2030 trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Nghiên cứu, đề xuất các công trình, tác phẩm văn hóa, nghệ thuật xứng tầm, hướng tới kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng vào năm 2030 và 100 năm thành lập nước vào năm 2045. Nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách để huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho văn hóa, công nghiệp văn hóa. Đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa. Tăng cường hợp tác, giao lưu về văn hóa; quảng bá văn hóa, văn học, nghệ thuật tiêu biểu của Việt Nam ra nước ngoài. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, thực hiện tốt công tác kiểm kê, xếp hạng, ghi danh, quy hoạch, bảo quản, tu bổ, phục hồi, bảo vệ và phát huy giá trị di sản, di tích. Triển khai các biện pháp bảo tồn, phát huy hiệu quả giá trị di sản văn hóa phi vật thể, đặc biệt là di sản văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số. Quan tâm bố trí đầy đủ, kịp thời ngân sách và có chính sách xã hội hóa hợp lý, thu hút đầu tư cho hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, phối hợp với các địa phương trong công tác bảo vệ, phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp xây dựng môi trường văn hóa, nếp sống văn hóa, giáo dục đạo đức, lối sống, gắn với bài trừ mê tín, dị đoan, hủ tục lạc hậu, nhất là cho thế hệ trẻ; ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức xã hội và văn hóa ứng xử. Xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện tốt các bộ quy tắc ứng xử trong cơ quan, tổ chức, cộng đồng, địa bàn dân cư. Bảo đảm đủ nguồn lực thực hiện có hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục về đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử, đặc biệt là trên không gian mạng. Phát huy trách nhiệm, tính chuẩn mực và sức ảnh hưởng của văn nghệ sĩ đối với xã hội. Củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy; thực hiện tốt chế độ đãi ngộ, bồi dưỡng, chính sách phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ, nghệ nhân trong lĩnh vực văn hóa... Thông qua hoạt động chất vấn, các Bộ, ngành cũng đã chủ động và nâng cao trách nhiệm, tạo sự chuyển biến rõ nét trong thực thi pháp luật nói chung, pháp luật về xây dựng văn hóa, con người nói riêng.
NGỌC BÍCH thực hiện