Chùa Hương Tích (xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) - một danh lam cổ tự được xếp hạng di tích cấp quốc gia và là điểm đến du lịch văn hóa tâm linh hấp dẫn. Ảnh: phatgiao.org.vn
1. Khái quát chung về di sản văn hóa Phật giáo ở Hà Tĩnh
Theo thống kê của tác giả Thái Kim Đỉnh (1) trước Cách mạng Tháng Tám, Hà Tĩnh có trên 417 ngôi chùa cổ. 70% các ngôi chùa này đều xây dựng vào thời Lê. Những ngôi chùa ở Hà Tĩnh, cũng như hầu hết các ngôi chùa khác ở Việt Nam, đều là loại chùa có phối thờ với Mẫu, Thần. Tính trung bình ở Hà Tĩnh thì khoảng 1,4 km2 có một ngôi chùa. Đây là một mật độ chùa khá dày đặc, cho thấy vai trò của Phật giáo trong đời sống tâm linh của người Hà Tĩnh. Di sản văn hóa Phật giáo Hà Tĩnh chứa nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, sâu sắc, vừa có nét chung của Phật giáo Việt Nam những cũng có những đặc điểm riêng của vùng miền. Đó là các di tích cấp quốc gia (gồm 7 ngôi chùa) (2), di tích cấp tỉnh (37 ngôi chùa) và số ngôi chùa còn lại chưa được xếp hạng di tích. Hằng trăm ngôi chùa trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh diễn ra các hoạt động văn hóa tôn giáo tín ngưỡng. Điều đó cho thấy sự trỗi dậy mạnh mẽ của nhu cầu văn hóa tâm linh. Thực tế này đòi hỏi cần có sự đầu tư, nghiên cứu, lập quy hoạch, kế hoạch tu bổ, tôn tạo và khai thác các giá trị văn hóa Phật giáo. Đặc biệt cần phải có sự quản lý di sản đảm bảo tính khoa học, tính pháp lý và phù hợp với thực tiễn.
2. Đánh giá về bộ máy quản lý di sản văn hóa Phật giáo Hà Tĩnh
Các chủ thể quản lý đối với di sản văn hóa Phật giáo Hà Tĩnh
Chủ thể quản lý nhà nước đối với các di sản văn hóa Phật giáo Hà Tĩnh bao gồm:
Cấp tỉnh: UBND tỉnh; Sở VHTTDL (Phòng Quản lý văn hóa); Ban Tôn giáo thuộc Sở Nội vụ; Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh; các sở ban ngành khác: Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính… phối hợp giải quyết các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản.
Cấp huyện: UBND huyện (Phòng Văn hóa Thông tin), Ban Quản lý di tích.
Cấp xã: UBND xã; Ban quản lý di tích xã trực tiếp quản lý do Phó Chủ tịch, hoặc Trưởng ban Văn hóa xã làm trưởng ban, thành viên là Trưởng thôn, Bí thư hoặc Trưởng Ban hộ tự.
Chủ thể quản lý là Giáo hội Phật giáo Hà Tĩnh: đại diện hơn 20 nhà sư trụ trì.
Chủ thể quản lý cộng đồng (cộng đồng cư dân nơi có di sản): tham gia vào Ban quản lý di tích xã, Ban bảo vệ, Ban Hộ tự, Ban Hộ trị.
Thành tựu về bộ máy quản lý di sản văn hóa Phật giáo Hà Tĩnh
Về nhân lực: Đội ngũ cán bộ trong thành phần chủ thể quản lý là Nhà nước có tinh thần thái độ, ý thức kỷ luật tốt, tích cực, nghiêm túc trong công việc. Các đại diện trong thành phần chủ thể Giáo hội Phật giáo là nhà sư trụ trì có thế mạnh và có uy tín cao đối với cộng đồng dân cư, phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng tốt, có năng lực quản lý, quy hoạch, kêu gọi tài trợ và tổ chức các hoạt động tín ngưỡng tại di tích tốt. Chủ thể quản lý là cộng đồng, phần lớn là các bậc cao niên, am hiểu khá kỹ về lịch sử di tích. Khi khảo sát thực tế, chúng tôi thu thập thông tin từ họ về lịch sử ngôi chùa, các lần trùng tu, sửa chữa. Họ làm tự nguyện và trách nhiệm rất cao, coi việc tham gia bảo vệ, quản lý, chăm sóc chùa là tích đức cho bản thân, gia đình nên rất công tâm, nhiệt tình. Họ cư trú gần di tích, nên có thể bao quát, chăm sóc di tích thường xuyên, dễ dàng, sâu sát.
Về cơ chế quản lý: Cơ bản đã có quy định khá rõ ràng chức năng, nhiệm vụ của từng chủ thể trong bộ máy quản lý. Mỗi thành phần chủ thể đều có ý thức phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau trong quản lý di tích. Chủ thể quản lý nhà nước, hoặc là trực tiếp quản lý, hoặc là chỉ giám sát, luôn tạo điều kiện cho các sư trụ trì và cộng đồng tín đồ tham gia thực hiện các nhiệm vụ. Các sư trụ trì, về cơ bản đã thực hiện việc báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của ban quản lý di tích. Cộng đồng tín đồ luôn tuân thủ quy định của ban quản lý di tích và luôn hỗ trợ sư trụ trì chùa (nếu có).
Về mô hình quản lý, cả ba mô hình quản lý cụ thể đều có những thành công nhất định:
Mô hình chủ thể quản lý nhà nước trực tiếp: tiêu biểu cho việc áp dụng mô hình này là chùa Hương Tích (di tích cấp quốc gia), Ban quản lý khu du lịch chùa Hương Tích hiện nay làm khá tốt công tác quản lý các dịch vụ du lịch tâm linh tại ngôi chùa này. Đồng thời công tác trùng tu, tôn tạo chùa cũng được đặc biệt quan tâm.
Mô hình chủ thể Nhà nước chỉ giám sát, cộng đồng dân cư (chủ yếu là tín đồ) chịu trách nhiệm chính. Tiêu biểu cho sự thành công của mô hình cộng đồng dân cư chịu trách nhiệm chính có thể kể đến chùa Yên Lạc, chùa Hang. Đối với chùa Yên Lạc, cộng đồng dân cư tại cơ sở (xã) thành lập ban quản lý chùa, trực thuộc ban quản lý di tích xã. Ban quản lý này chịu trách nhiệm toàn bộ việc theo dõi, chăm sóc, giữ gìn nguyên trạng di tích, phát hiện hư hỏng để báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết, khi được phép sẽ tiến hành tu bổ, sửa chữa. Ban quản lý có quyền kêu gọi đóng góp tài trợ, công đức cho việc tu bổ, bảo quản chùa.
Việc quản lý tiền công đức do ban quản lý đảm nhiệm dưới sự giám sát của ban quản lý di tích xã và các đoàn thể địa phương. Tiền công đức được phép dùng cho các mục đích cụ thể sau đây: xây dựng, bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; tổ chức các hoạt động lễ hội, quản lý, tôn tạo di tích; các hoạt động liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo và tổ chức quyên góp, cúng tiến, tiếp nhận, quản lý tiền công đức; hỗ trợ mức sống bình th ường đối với sư trụ trì (hiện chưa có); hỗ trợ cho ban quản lý, bảo vệ và phục vụ nghi lễ. Mọi hoạt động của ban quản lý này có quy chế được quy định rõ trong quy chế (3). Hiện nay, mô hình này hoạt động khá hiệu quả, cảnh quan chùa được gìn giữ sạch đẹp, hoạt động nghi lễ được tiến hành trật tự, nghiêm trang. Việc tu bổ, bảo quản chùa được làm hiệu quả, giữ gìn được nguyên trạng của chùa cổ. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí huy động được hạn hẹp, nên các công trình phụ trợ không được cải thiện nhiều.
Mô hình chủ thể Nhà nước chủ yếu giám sát (chùa Hang): theo mô hình này, mỗi chùa có một thủ từ mà cộng đồng tín đồ gọi là Thày, không phải nhà sư. Tuy nhiên, những thủ từ này đã tạo ra cả một bộ máy giúp việc quản lý ngôi chùa rất hiệu quả. Ban quản lý của chùa được chia thành các tiểu ban như: tiểu ban xây dựng, tiểu ban lễ tân, tiểu ban tài chính, tiểu ban hậu cần… Các thành viên trong các tiểu ban đều là các tín đồ và hoạt động có tính công ích. Họ làm việc thiện nguyện rất tích cực dưới sự chỉ đạo của Thày. Ban quản lý di tích xã chỉ giám sát. Chính vì vậy, từ một ngôi chùa nhỏ nằm trong một cái hang có diện tích không quá 30m2, hiện nay chùa Hang đã là một khu du lịch được quy hoạch rất đẹp trên diện tích vài hecta, nằm trong một môi trường sinh thái trong lành. Hằng năm thu hút hàng ngàn khách thập phương đến tham quan, chữa bệnh và làm công đức. Điều đáng lưu ý là chùa cổ (nằm trong hang) vẫn được giữ nguyên. Tín đồ địa phương cũng coi việc lên chùa làm việc mỗi tuần vài ngày là việc tích đức cho con cháu và gia đình. Đội quân tình nguyện làm việc tại chùa mỗi ngày có vài chục người. Họ được ban hậu cần phục vụ bữa ăn trưa chu đáo tại chùa. Toàn bộ kinh phí để mở rộng, tôn tạo chùa đều từ nguồn xã hội hóa.
Mô hình giáo hội Phật giáo (sư trụ trì) phối hợp với cộng đồng tín đồ trực tiếp quản lý. Tiêu biểu cho sự áp dụng thành công mô hình quản lý này là mô hình quản lý tại chùa Diên Quang (di tích cấp quốc gia) (4). Trong mô hình này, sư trụ trì có vai trò quan trọng, cộng đồng tín đồ đóng vai trò hỗ trợ. Sư trụ trì chùa đã có một bộ máy hỗ trợ rất đắc lực từ cộng đồng, nên việc chăm sóc, bảo quản, tu bổ chùa làm khá tốt. Chùa cũng huy động được nguồn kinh phí không nhỏ cho việc tôn tạo, bảo quản, tu bổ, nhờ đó, một số chùa cổ hiện còn giữ gìn được nguyên trạng. Sư trụ trì chùa Thiên Tượng, đồng thời còn trụ trì thêm chùa Long Đàm và Đà Liễu. Ông có thế mạnh kêu gọi được nguồn kinh phí xã hội hóa tốt, có tầm chiến lược về sử dụng di tích cho phát triển du lịch. Vì vậy, thay vì đầu tư vào các công trình xây dựng trong khuôn viên chùa, ông đầu tư vào việc làm đường giao thông để tín đồ khách thập phương dễ dàng tới thăm ngôi chùa trên núi cao, cảnh quan rất đẹp. Các sư trụ trì ở một số chùa khác có vai trò rất lớn trong việc huy động nguồn kinh phí xã hội hóa cho việc tôn tạo, tu bổ, phục hồi chùa (chùa Phổ Độ, Giai Lam, Thanh Lương).
Những hạn chế về bộ máy quản lý di sản văn hóa Phật giáo hiện nay trên địa bàn Hà Tĩnh
Nhân sự trong thành phần là chủ thể quản lý nhà nước còn mỏng và kiến thức quản lý di sản văn hóa Phật giáo chưa thực sự chuyên sâu. Họ phải kiêm nhiệm nhiều mảng công việc khác nhau; chưa có nhiều thời gian cho việc nghiên cứu, học hỏi để hiểu về hệ thống di sản văn hóa nói chung, di sản văn hóa Phật giáo nói riêng. Vì vậy, bộ máy quản lý về di sản văn hóa Phật giáo trên địa bàn chưa thực sự phát huy được vai trò của mình. Điều này ảnh hưởng đến việc tư vấn cho cấp trên các giải pháp để quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị của các ngôi chùa trong phạm vi quản lý của họ.
Đội ngũ nhà sư trụ trì mới có 60 vị trên tổng số gần 200 ngôi chùa (5). Các nhà sư hầu hết đều được chuyển từ các tỉnh khác tới, chưa thật sự am hiểu về phong tục, tập quán của địa phương. Một số nhà sư mới trụ trì chưa hiểu biết rõ về lịch sử của ngôi chùa họ trụ trì.
Chủ thể quản lý đại diện cho cộng đồng không được trang bị kiến thức về quản lý vĩ mô, không am hiểu về quy hoạchvà các thủ tục hành chính; làm việc chủ yếu chỉ theo kinh nghiệm, nên thiếu những kiến thức cơ bản về bảo tồn di sản.
Về cơ chế hoạt động còn chưa thật sự “linh hoạt”, chưa có một cơ chế thống nhất và chặt chẽ. Chẳng hạn, đối với di tích cấp quốc gia, chùa thì giao cho cấp huyện quản lý (chùa Hương Tích), chùa giao cho cấp xã quản lý (Chân Tiên, Yên Lạc, Diên Quang, Tượng Sơn). Việc bổ nhiệm các sư về trụ trì cũng hoàn toàn phụ thuộc vào sự đề xuất của Giáo hội Phật giáo, chưa chủ động đề xuất để Giáo hội tìm nhân sự, dẫn đến tình trạng nhiều ngôi chùa đã được xếp hạng di tích vẫn chưa có sư trụ trì. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả quản lý di sản. Việc quản lý tiền công đức cũng chưa có quy định chặt chẽ, thống nhất cho các chùa, có chùa do ban quản lý di tích quản lý, có chùa lại do sư trụ trì quản lý.
Về mô hình quản lý: cả ba mô hình quản lý nêu trên, khi vận dụng cụ thể ở nhiều chùa đều có những bất cập:
Ở mô hình chủ thể Nhà nước trực tiếp quản lý tại chùa Hương Tích, đang có sự chồng chéo trong việc phân định trách nhiệm quản lý đối với di sản. Hiện nay, có 7 đơn vị tham gia quản lý chùa Hương Tích gồm: Ban quản lý khu du lịch chùa Hương Tích, Ban quản lý rừng phòng hộ Hồng Lĩnh, Công ty TNHH một thành viên thủy lợi Bắc Hà Tĩnh, xã Thiên Lộc, xã Thuần Thiện, Ban đại diện Phật giáo và Công ty cổ phần đầu tư phát triển du lịch Hồng Lĩnh (cáp treo). Việc quản lý này có nhiều điểm chồng chéo, gây khó khăn cho việc đưa ra các quyết định quản lý. Ví dụ, Ban quản lý khu du lịch chùa Hương Tích không thể xử lý vi phạm về vệ sinh môi trường, mất trật tự an ninh khi các đối tượng nhận chăm sóc, bảo vệ rừng thường lấn chiếm hành lang, dựng hàng quán buôn bán gây ra. Bởi vì họ làm trên đất rừng do Ban quản lý rừng phòng hộ Hồng Lĩnh giao, không thuộc phạm vi quản lý của Ban quản lý khu du lịch chùa Hương Tích. Khi ra các quyết định về điều chỉnh đường sá, cảnh quan của khu du lịch chùa Hương Tích đều khó khăn, vì các hoạt động này diễn ra trong diện tích rừng do Ban quản lý rừng phòng hộ Hồng Lĩnh quản lý và diện tích mặt nước hồ Nhà Đường do Công ty Thủy nông quản lý.
Mô hình chủ thể Nhà nước giám sát với sư trụ trì đóng vai trò chủ đạo: tại một số chùa có nhiều bất cập, ví dụ chùa Thiên Tượng, chùa Long Đàm, chùa Hạ Phúc... những ngôi chùa này, các sư trụ trì chưa thực sự quan tâm đến việc bảo tồn tính nguyên trạng của di tích, một phần vì do chưa hiểu rõ về Luật Di sản văn hóa, về lịch sử của chùa, một phần vì chỉ mong muốn xây dựng chùa thật khang trang để thu hút tín đồ và khách du lịch tới tham quan. Vì vậy, trong công tác quy hoạch, tu bổ chùa, các sư ở một số ngôi chùa trên làm đúng nguyên tắc tôn trọng nguyên trạng khu vực bảo vệ 1, việc xây mới các công trình làm khá tùy tiện. Ví dụ chùa Long Đàm là chùa được xếp hạng di tích cấp tỉnh, nằm lưng chừng ngọn núi Thiên Tượng. Cảnh quan của chùa đẹp. Trong quy hoạch tổng thể đã không tính toán kỹ không gian bố trí các hạng mục công trình cho hợp với địa hình núi dốc, nên khi nhà đại điện được xây mới, ngay trước mặt chùa cũ, đã xây mái chạm vào sát bậc thang lên, bịt kín lối lên chùa cũ. Điều này làm cho tổng thể kiến trúc ngôi chùa bị cắt đoạn, thiếu độ thông thoáng. Khách thập phương và phật tử muốn lên thắp hương bàn thờ Tam bảo ở chùa cũ phải đi vòng sang bên cạnh, vì các bậc đá ở lối đi thẳng đã bị mái của đại điện mới bịt kín (6).
Tại chùa Hạ Phúc (Hương Khê), đường cắt qua khuôn viên, tách ao chùa ra khỏi khuôn viên chùa, làm hẹp diện tích ngôi chùa. Chùa Bụt Sơn (Nghi Xuân), khi bảo tồn, tôn tạo lại chùa, đã tùy tiện đổi hướng ngôi chùa khi mở rộng. Chùa Đà Liễu (Nghi Xuân) khi làm nhà xung quanh, lại làm nền cao hơn chùa, điều tối kỵ trong việc tôn tạo và bảo tồn cảnh quan cho các công trình cổ. Tại một số chùa chưa xếp hạng, các sư vận động được kinh phí, thậm chí còn xây mới hoàn toàn, không lưu lại bất cứ dấu vết gì của ngôi chùa cổ (Giai Lam, Phổ Độ, Thanh Lương) (7).
Mô hình chủ thể Nhà nước giám sát với vai trò quản lý trực tiếp chính là cộng đồng tín đồ: nhiều chùa áp dụng mô hình này cũng nảy sinh nhiều bất cập. Chùa không có kinh phí để tôn tạo, tu bổ, dẫn đến tình trạng hư hại, xuống cấp nặng. Một số chùa phục hồi trên thực tế là xây mới hoàn toàn, không quan tâm đến việc lưu giữ dấu tích lịch sử của chùa cổ. Một số chùa xây lại theo phong cách rất lạ, khung sắt, mái tôn như chùa Phúc Linh (Hương Khê), chùa Khang Quý, chùa Phổ Độ (Lộc Hà)… (8).
3. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả của bộ máy quản lý
Giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong bộ máy quản lý
Hiện nay ở Hà Tĩnh, mỗi phòng văn hóa thông tin cấp huyện và tương đương chỉ có biên chế 4-5 người (9), họ lại phải đảm nhiệm nhiều mảng công tác khác nhau nên không có người chuyên trách đảm nhiệm mảng quản lý di sản văn hóa. Mặt khác, các cán bộ phòng văn hóa, thông tin cũng chủ yếu học các chuyên ngành khoa học cơ bản thuộc khoa học xã hội và nhân văn, chưa có kiến thức nền về quản lý di sản văn hóa Phật giáo. Do đó, vai trò của họ cũng không thực sự được phát huy. Những hoạt động cần kíp như thông tin, tuyên truyền, kiểm tra giám sát phong trào xây dựng nông thôn mới, phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa cơ sở... đã chiếm hầu hết thời gian của họ, nên mảng di sản văn hóa chưa thực sự được quan tâm.
Chính vì vậy, cần có chiến lược bổ sung và sách lược đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ chủ thể quản lý nhà nước. Chiến lược này cần tập trung vào một số điểm sau đây: Cần nhanh chóng bố trí đủ chỉ tiêu biên chế cho cấp tỉnh là 5-6 người theo quy hoạch (hiện đang chờ điều chuyển từ nơi khác về trong xu hướng tinh giản biên chế của tỉnh). Những cán bộ điều chuyển về cần cân nhắc cho đúng hoặc gần chuyên môn quản lý di sản văn hóa. Cấp huyện nên có cán bộ chuyên trách theo dõi mảng di sản nói chung, nên tuyển chọn những nhân lực được đào tạo đúng chuyên ngành về quản lý văn hóa hoặc quản lý di sản văn hóa, sao cho dần dần phổ cập 100% cán bộ có chuyên môn về quản lý di sản ở cấp huyện.
Xây dựng đội ngũ cán bộ nghiên cứu di sản văn hóa nói chung và di sản văn hóa Phật giáo nói riêng, để có đủ nhân lực nghiên cứu sâu sắc các giá trị văn hóa hàm chứa trong các di tích lịch sử này, nhằm tuyên truyền, giới thiệu với cộng đồng dân cư và tập huấn kiến thức về lịch sử văn hóa, giá trị di sản cho đội ngũ quản lý di sản địa phương.
Cơ quan chức năng thường xuyên mở các lớp tập huấn ngắn hạn về quản lý, bảo tồn phát huy các giá trị của di sản văn hóa để cung cấp các kỹ năng nghiệp vụ quản lý nhà nước và kỹ năng tác nghiệp, như: lập kế hoạch, nghiên cứu Luật Di sản văn hóa, thống kê di sản địa phương, lập hồ sơ khoa học cho các di sản, các hình thức khai thác. Phát huy giá trị di sản, xây dựng các dự án, đưa di sản địa phương vào quỹ đạo của ngành Du lịch... Nội dung các lớp học này cần phải bám sát với tình hình thực tế, để mang lại những hiệu quả thiết thực; chủ động đề xuất với Giáo hội Phật giáo cử sư trụ trì về các chùa, đặc biệt là những ngôi chùa đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh.
Giải pháp về hoàn thiện cơ chế quản lý
Cần giảm tải trách nhiệm quản lý di sản văn hóa Phật giáo cho cấp xã. Vì cấp xã đảm nhiệm phần lớn công tác quản lý từ các di tích cấp quốc gia cho đến di tích chưa xếp hạng là chưa hợp lý. Điều này hạn chế rất lớn đến việc bảo tồn, khai thác và phát huy các di tích đã được xếp hạng. Chúng tôi cho rằng: cần chuyển các chùa thuộc diện di tích cấp quốc gia, như chùa Chân Tiên, chùa Diên Quang, chùa Yên Lạc cho cấp huyện trực tiếp quản lý. Vẫn nên duy trì mô hình quản lý nhà nước giám sát cộng đồng chịu trách nhiệm chính, khuyến khích doanh nghiệp quản lý khai thác theo hướng xã hội hóa nhưng để cấp huyện trực tiếp giám sát sẽ có nhiều khả năng tập trung nguồn lực hơn.
Tăng cường tuyên truyền, tập huấn các kiến thức về pháp luật di sản văn hóa, quản lý nhà nước cho cán bộ văn hóa xã và ban quản lý di tích xã có các ngôi chùa đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn của chủ thể quản lý nhà nước cho các chủ thể khác từ giáo hội và cộng đồng để vừa phát huy được vai trò và thế mạnh của các chủ thể đó, vừa đảm bảo việc quản lý, bảo tồn di sản theo đúng quy định của pháp luật.
Giải pháp xã hội hóa công tác quản lý di sản liên quan đến Phật giáo
Để việc quản lý di sản văn hóa Phật giáo có hiệu quả cần phải có cơ chế huy động, phát huy vai trò của các tổ chức xã hội, như Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên tại cơ sở, với sự phân chia trách nhiệm rõ ràng. Việc huy động này cần phải kết hợp với việc giáo dục, bồi dưỡng kiến thức về bảo tồn và phát huy di sản. Tỉnh Hà Tĩnh cần xây dựng quy chế phối hợp, phân nhiệm cụ thể của các tổ chức tham gia vào việc bảo vệ tôn tạo di tích và tổ chức các hoạt động tín ngưỡng, văn hóa tại di tích.
Nên thành lập các Chi hội di sản ở địa phương để có thể quy tụ được nhân dân tham gia tu bổ di tích. Hoạt động của các hội này sẽ tham gia vào việc chống vi phạm di tích, đấu tranh với các đối tượng vi phạm đất đai, hội sẽ quy tụ quần chúng nhân dân phối hợp với chính quyền và ngành Văn hóa giải quyết những vấn đề lớn hơn ở các di tích sẽ mang lại hiệu quả đáng kể.
Giải pháp tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, khen thưởng, xử lý vi phạm
Hằng năm, Hà Tĩnh cần tổ chức ít nhất hai đợt thanh tra định kỳ về công tác quản lý di sản, nhằm kiểm tra trên thực tế toàn bộ hoạt động bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, trong đó có di sản văn hóa Phật giáo. Nên xây dựng mạng lưới cung cấp thông tin tại các cơ sở để kịp thời nắm bắt thông tin về hoạt động quản lý tại các di tích cụ thể. Nhanh chóng tổ chức công tác thanh tra, kiểm tra khi có thông tin tiêu cực về hoạt động này.
Bên cạnh đó, cũng cần đẩy mạnh công tác thi đua khen thưởng liên quan đến hoạt động quản lý di sản để khuyến khích, động viên kịp thời các hành vi tích cực, trong đó bao gồm: tài trợ cho việc bảo tồn, phát huy giá trị của di sản; tích cực tham gia quản lý, bảo vệ di sản, có hành vi dũng cảm để bảo vệ di sản. Cần xử lý nghiêm túc các vi phạm về việc tu bổ, sửa chữa, quy hoạch... di sản để có tác dụng răn đe, ngăn chặn các vi phạm tương tự.
4. Kết luận
Như vậy, công tác quản lý di sản văn hóa nói chung và quản lý di sản văn hóa Phật giáo trên toàn tỉnh Hà Tĩnh nói riêng đã hình thành một bộ máy đầy đủ, hoàn chỉnh từ tỉnh đến cơ sở, đảm nhiệm việc quản lý các di sản văn hóa Phật giáo. Các chủ thể quản lý có tinh thần trách nhiệm, nghiêm túc trong công việc. Các chủ thể quản lý nhà nước, cộng đồng, Giáo hội Phật giáo có sự phối hợp trong quản lý di sản văn hóa Phật giáo, mỗi chủ thể có vai trò, vị trí nhất định trong công tác quản lý di sản văn hóa Phật giáo nói chung và trong mỗi di sản nói riêng. Tuy nhiên, hoạt động của bộ máy quản lý theo mô hình ba chủ thể chung với ba mô hình cụ thể hiện nay còn chưa thật sự hiệu quả. Nguyên nhân chính nằm ở chất lượng nhân sự và cơ chế phối hợp. Để nâng cao hiệu lực của bộ máy này cần thiết phải thực hiện đồng bộ những giải pháp cụ thể trên.
________________
1. Thái Kim Đỉnh, Chùa cổ Hà Tĩnh, Nghệ An, Nxb Đại học Vinh, 2017.
2. Bảo tàng Hà Tĩnh, Hà Tĩnh - Di tích quốc gia và Di tích quốc gia đặc biệt, Nxb Đại học Vinh, 2014.
3. UBND huyện Cẩm Xuyên, Quản lý và tổ chức hoạt động tại chùa Yên Lạc, xã Cẩm Nhượng, tỉnh Hà Tĩnh, 2014.
4. Phỏng vấn bà Nguyễn Thị Hiền - Đại diện Giáo hội Phật giáo về hoạt động quản lý chùa của các nhà sư trụ trì, Hà Tĩnh, 2018.
5. Ban Tôn giáo tỉnh Hà Tĩnh, Báo cáo trao đổi công tác quản lý nhà nước về Phật giáo trên địa bàn Hà Tĩnh các năm 2018, 2019, 2020, 2021.
6, 7, 8. Tác giả khảo sát thực tế một số ngôi chùa trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh năm 2018.
9. Phỏng vấn TS Nguyễn Tùng Lĩnh - Trưởng phòng Quản lý Văn hóa, Sở VHTTDL tỉnh Hà Tĩnh về nhân sự làm công tác văn hóa ở Hà Tĩnh năm 2022.
TS TRẦN THỊ DIỆU THÚY
Nguồn: Tạp chí VHNT số 536, tháng 6-2023