Thời gian gần đây, có những sản phẩm văn hóa, nghệ thuật xuất hiện hình ảnh bản đồ “đường lưỡi bò” phi pháp gây bất bình trong dư luận xã hội. Biện pháp nào để ngăn chặn hữu hiệu tình trạng đó? Phóng viên Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật đã ghi nhận ý kiến của cơ quan quản lý, chuyên gia, nhà nghiên cứu, người làm công tác điện ảnh về vấn đề này.
Đã có nhiều bộ phim như: Gửi thời thanh xuân ấm áp của chúng ta (Put your head on my shoulder); Thợ săn cổ vật (Uncharted); Abominable (Everest: Người tuyết bé nhỏ) có xuất hiện hình ảnh bản đồ “đường lưỡi bò” bị cơ quan chức năng Việt Nam xử lý. Gần đây nhất là bộ phim Barbie đã bị Cục Điện ảnh từ chối cấp phép phổ biến vì có hình ảnh “đường lưỡi bò” phi pháp lặp lại nhiều lần, hay bộ phim truyền hình Hướng gió mà đi (Flight to you) phổ biến rộng rãi tại Việt Nam xuất hiện “đường lưỡi bò” phi pháp trên nền tảng Netflix, Cục Điện ảnh đã ban hành văn bản yêu cầu Công ty Netflix, Công ty CP Viễn thông FPT gỡ bỏ bộ phim này. Hình ảnh bản đồ “đường lưỡi bò” đã xuất hiện ở trong nhiều tập phim Hướng gió mà đi, thậm chí còn có cảnh kèm lời thoại ngang ngược: “Rồi sẽ có ngày tấm bản đồ này đi đến rất nhiều nơi trên thế giới”.
Bộ phim "Barbie" đã bị Cục Điện ảnh từ chối cấp phép phổ biến vì có hình ảnh “đường lưỡi bò” phi pháp lặp lại nhiều lần
Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh Đỗ Quốc Việt: Giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo, xây dựng phần mềm, công cụ thông minh để hỗ trợ việc kiểm soát phim phổ biến trên không gian mạng
Chia sẻ về vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh Đỗ Quốc Việt cho biết: Luật Điện ảnh 2022 quy định hậu kiểm đối với phim phổ biến trên không gian mạng. Trường hợp phim phổ biến trên không gian mạng có vi phạm pháp luật, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức (sau đây gọi tắt là chủ thể) phổ biến phim sẽ bị xử lý hành vi vi phạm theo quy định pháp luật. Nghị định 128/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết, cụ thể các hình thức, mức độ tùy theo hành vi, tính chất vi phạm; từ xử phạt hành chính đến đình chỉ hoạt động của chủ thể phổ biến phim.
“Trong thời gian qua, một số chủ thể phổ biến trên không gian mạng, trong đó có cả chủ thể phổ biến phim xuyên biên giới và chủ thể phổ biến phim có trụ sở tại Việt Nam còn có phim vi phạm quy định Điều 9 Luật Điện ảnh, phim chưa thực hiện việc phân loại phim đúng quy định trước khi phổ biến đến người xem. Tuy nhiên về cơ bản, các chủ thể phổ biến phim trên không gian mạng một cách hợp pháp đến với người xem ở Việt Nam theo quy định của Luật Điện ảnh, đều có nhận thức và xác định sẽ nghiêm túc tuân thủ quy định của pháp luật trong việc phổ biến phim ở Việt Nam và thực hiện việc gỡ bỏ phim ngay khi nhận được văn bản yêu cầu gỡ bỏ từ phía cơ quan quản lý. Cùng với Luật Điện ảnh 2022, Nghị định 131/2022/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định chi tiết một số điều của Luật Điện ảnh, có hiệu lực từ 1-1-2023, và các Thông tư hướng dẫn chi tiết việc thực hiện đang dần hoàn thiện và ban hành, tạo hành lang pháp lý để cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện quản lý có hiệu quả hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng và các chủ thể phổ biến phim cũng như người xem phim cùng khai thác được ích lợi thiết thực từ hoạt động này” – Phó Cục trưởng Đỗ Quốc Việt nhấn mạnh.
Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh Đỗ Quốc Việt
Đưa ra các giải pháp về phổ biến phim, Phó Cục trưởng Đỗ Quốc Việt cho biết: Bộ VHTTDL đã ra quyết định thành lập Tổ công tác quản lý hoạt động phim trên không gian mạng, do đồng chí Cục trưởng Cục Điện ảnh làm Tổ trưởng, đồng chí Phó Cục trưởng Đỗ Quốc Việt làm Phó Tổ trưởng thường trực. Để quản lý tốt hoạt động này, trong thời gian tới, Cục Điện ảnh sẽ tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, gửi thông báo đến các chủ thể phổ biến phim, nhắc nhở, chủ động rà soát, kiểm tra phim theo quy trình nghiệp vụ chuyên môn đồng thời phối hợp giúp đỡ để tạo điều kiện cho các chủ thể phổ biến phim thực hiện hoạt động phổ biến phim đúng với quy định pháp luật, đem nhiều tác phẩm điện ảnh tốt đến với người xem phim trên không gian mạng. Với những phim đang được phổ biến, có trong kho phim của chủ thể phổ biến phim trước khi có Luật Điện ảnh năm 2022, Cục Điện ảnh đã có văn bản đề nghị các chủ thể phổ biến phim trên không gian mạng chủ động rà soát, báo cáo danh sách bằng văn bản và thực hiện việc tự phân loại theo đúng quy định. Trong trường hợp chủ thể phổ biến phim trên không gian mạng chưa được Cục Điện ảnh công nhận đủ điều kiện thành lập được hội đồng để tự thực hiện việc phân loại, chủ thể đó gửi văn bản đến Cục Điện ảnh đề nghị hỗ trợ giúp phân loại phim trước khi phổ biến đúng theo quy định của pháp luật.
Về các website, nền tảng truyền thông vi phạm pháp luật về hoạt động phổ biến phim, Cục Điện ảnh đã và sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan, tiếp nhận thông tin phản ánh vi phạm từ nhiều nguồn để thực hiện việc truy quét, ngăn chặn, gỡ bỏ các phim vi phạm pháp luật, hạn chế tối đa những tác động không tích cực đến xã hội.
Phó Cục trưởng Đỗ Quốc Việt cho biết thêm: Là Phó Tổ trưởng thường trực Tổ công tác, tôi cùng các cán công chức chuyên trách, tất cả đều làm việc theo chế độ kiêm nhiệm phân chia lịch một cách khoa học, hợp lý để các thành viên của Tổ có thể thực hiện rà soát phim, kiểm tra phim của các chủ thể phổ biến phim hợp pháp tại Việt Nam cũng như xuyên biên giới vào Việt Nam hằng ngày. Với số lượng phim khổng lồ do các chủ thể phổ biến phim trên không gian mạng cung cấp đến người xem, Cục Điện ảnh đã và đang đề xuất giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo, xây dựng phần mềm, công cụ thông minh để hỗ trợ việc kiểm soát phim phổ biến trên không gian mạng nói riêng cũng như với phim được phổ biến tới người xem ở Việt Nam nói chung. Tuy nhiên, theo tôi, trong thời gian trước mắt, công nghệ gì đi nữa vẫn sẽ chỉ là công nghệ và công nghệ sẽ chỉ là yếu tố hỗ trợ, con người vẫn là yếu tố cốt lõi trong việc kiểm soát phim, phân loại phim một cách hiệu quả nhất trước khi phim được phổ biến đến người xem.
PGS, TS Bùi Hoài Sơn- Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Các cơ quan chức năng cần tăng cường thực thi các quy định pháp luật liên quan đến nội dung văn hóa và truyền thông
Nêu quan điểm về vấn đề này, PGS, TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhấn mạnh: Việc lan truyền rộng rãi sản phẩm văn hóa, nghệ thuật chứa bản đồ hình đường lưỡi bò phi pháp vào Việt Nam có thể gây ra những hậu quả tiêu cực về uy tín chính trị của quốc gia, các tổ chức đứng sau sản phẩm này, thể hiện sự thiếu tôn trọng chủ quyền quốc gia của Việt Nam, tinh thần yêu nước và giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam.
PGS, TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội
Để có sự kiểm soát tốt hơn về sản phẩm văn hóa chứa bản đồ đường lưỡi bò phi pháp, PGS, TS Bùi Hoài Sơn nêu ra một số giải pháp:
Thứ nhất, triển khai thực hiện nghiêm Luật Điện ảnh (sửa đổi), ở đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường thực thi các quy định pháp luật liên quan đến nội dung văn hóa và truyền thông, đặc biệt là hậu kiểm với phim chiếu trên không gian mạng;
Thứ hai, các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ VHTTDL, Bộ TTTT, cơ quan văn hóa và truyền thông ở các địa phương, cần nắm vững vai trò và trách nhiệm của mình trong việc quản lý và kiểm soát nội dung văn hóa có liên quan đến chính trị nói chung và chủ quyền quốc gia nói riêng. Cần tập trung và tăng cường nguồn lực để thực hiện công tác này một cách hiệu quả;
Thứ ba, tăng cường hợp tác giữa các cơ quan quản lý và kiểm soát. Các cơ quan quản lý nhà nước cần cùng nhau làm việc để tạo ra một hệ thống kiểm soát chặt chẽ và hiệu quả. Thông qua việc chia sẻ thông tin, tăng cường sự tương tác và hợp tác, các cơ quan có thể cùng nhau phát hiện và ngăn chặn sự lan truyền của các sản phẩm văn hóa vi phạm;
Thứ tư, tạo ra môi trường tác động tích cực từ phía công chúng bằng cách mỗi cá nhân trong xã hội cần nhận thức được vai trò quan trọng của mình trong việc giữ gìn và bảo vệ chủ quyền văn hóa, lãnh thổ của đất nước từ sớm, từ xa. Cần tăng cường việc tạo ra một môi trường tác động tích cực từ cộng đồng;
Thứ năm là tăng cường nhận thức và giáo dục cho công chúng: Để ngăn chặn sự lan truyền của các sản phẩm văn hóa vi phạm, cần tăng cường công tác giáo dục và nâng cao nhận thức cho công chúng về tác động của những sản phẩm văn hóa. Một công chúng có nhận thức cao sẽ đưa ra những quyết định thông minh và có ý thức khi tiếp xúc với sản phẩm văn hóa không phù hợp.
GS, TS Trần Thanh Hiệp – Chủ tịch Hội đồng Thẩm định và phân loại phim truyện, phim kết hợp nhiều loại hình: Trách nhiệm chung của tất cả mọi người dân Việt Nam
Đường lưỡi bò dù được cài cắm tinh vi trong một số sản phẩm văn hóa nhưng vẫn bị phát hiện và dư luận xã hội đồng lòng lên án dữ dội. Tại sao vậy? “Việc cài cắm đường lưỡi bò trên biển là sự xuyên tạc lịch sử, xuyên tạc chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Việt Nam, xúc phạm văn hóa Việt Nam. Người Việt Nam suốt chiều dài lịch sử không bao giờ chấp nhận điều đó” – GS, TS Trần Thanh Hiệp nhấn mạnh.
Có thể thấy sự thâm độc trong âm mưu cài cắm đường lưỡi bò trong một số sản phẩm văn hóa khác nhau, đặc biệt trong các bộ phim, kể cả phim về đề tài trẻ em và cả trong phim xuất xứ từ những nước không có tranh chấp chủ quyền trên biển. Câu chuyện trong phim không nói về Biển Đông, càng không phải câu chuyện gay cấn về chủ quyền, nhân vật sống với riêng tư của mình, chỉ có điều trong không gian sinh tồn của nhân vật do một lý do nào đó, do một tác động nào đó, sẽ có sự xuất hiện tấm bản đồ hoặc quả địa cầu trên đó Biển Đông được diễn tả có đường lưỡi bò chín đoạn. Chi tiết nhỏ, rất nhỏ trong phim đã kéo bộ phim vào quỹ đạo tuyên truyền cho tham vọng xuyên tạc và khẳng định chủ quyền trên biển.
GS, TS Trần Thanh Hiệp
Theo GS, TS Trần Thanh Hiệp: Chúng ta nhận thấy được mưu đồ thâm độc, nhận biết mục đích xuyên tạc, thủ đoạn tinh vi tuyên truyền quốc tế tưởng như vu vơ thực chất muốn biến không thành có, cho thấy cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trong các tác phẩm điện ảnh là cuộc đấu tranh lâu dài, phức tạp - trong bối cảnh hiện nay nhận thức được điều đó rất quan trọng.
Để ngăn chặn các sản phẩm văn hóa trong đó có sản phẩm điện ảnh được cài cắm đường lưỡi bò, GS, TS Trần Thanh Hiệp nhấn mạnh: tại Điều 9 của Luật Điện ảnh (năm 2022) nêu rõ, nghiêm cấm các hoạt động điện ảnh có nội dung thể hiện không đúng, xuyên tạc chủ quyền quốc gia. Đó chính là cơ sở pháp lý để ngăn chặn các bộ phim bị cài cắm đường lưỡi bò.
Bên cạnh đó, việc ngăn chặn các bộ phim thể hiện không đúng, xuyên tạc chủ quyền quốc gia là công việc không chỉ riêng của các cơ quan quản lý điện ảnh mà phải là nhận thức chung, là công việc chung của tất cả những người làm điện ảnh, trong đó có những người đang kinh doanh phổ biến, phát hành phim ở Việt Nam. Hơn thế đó là trách nhiệm chung của tất cả mọi người dân Việt Nam. Trong việc ngăn chặn những bộ phim xuyên tạc chủ quyền trên biển, người xem Việt Nam, dư luận xã hội, sự thể hiện thái độ dứt khoát rất quan trọng.
GS, TS Trần Thanh Hiệp cho rằng, rất cần nhiều hơn nữa những bộ phim về Hoàng Sa, Trường Sa, về Biển đảo của chúng ta. Nên chăng có sự khuyến khích đi thực tiễn sáng tác ở Trường Sa và các vùng biển đảo của sinh viên các trường đào tạo nghệ thuật. Những chuyến đi thực tiễn sáng tác ra vùng biển đảo không chỉ là dịp bồi đắp tình yêu quê hương đất nước mà còn là sự ươm mầm cho những sáng tác về biển đảo quê hương của thế hệ trẻ. Sinh viên Trường Đại học SKĐA Hà Nội từng có triển lãm ảnh rất xúc động về Trường Sa. Hy vọng sẽ đến một ngày nào đó Trường Đại học SKĐA Hà Nội và Trường Đại học SKĐA TP.HCM có thể sẽ cùng tổ chức một LHP về biển đảo quê hương trong đó có đề tài Trường Sa.
“Chống lại âm mưu xuyên tạc chủ quyền lãnh thổ ẩn chứa trong một số bộ phim không gì tốt bằng chủ động làm những bộ phim, trong đó người Việt Nam sống, lao động, yêu thương, khẳng định quyền sống và quyền hạnh phúc trên biển đảo của mình” – GS, TS Trần Thanh Hiệp nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Văn Tân – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Điện ảnh Việt Nam: Bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ là nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi công dân Việt Nam
Theo ông Nguyễn Văn Tân: Bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ, cương vực biên giới, biển đảo Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi công dân Việt Nam trong đó có người làm công tác văn hóa, văn học nghệ thuật.
Trong thời đại bùng nổ của công nghệ truyền thông với nhiều những cách thức phổ biến, truyền dẫn mới cực kỳ nhanh chóng và hiệu quả; văn hóa càng chứng tỏ sức mạnh “mềm” lợi hại của nó. Việc có nước ngoài đang sử dụng mọi con đường, cách thức và gần đây là qua các sản phẩm văn hóa hòng áp đặt “đường lưỡi bò”, tức chủ quyền phi pháp của họ trên Biển Đông là một thực tế ta phải đối mặt và cần hết sức kiên trì đấu tranh để vô hiệu nó.
Ông Nguyễn Văn Tân – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Điện ảnh Việt Nam
Để góp phần “chặt đứt” đường lưỡi bò ngang ngược này trên các sản phẩm văn hóa, ông Nguyễn Văn Tân cho rằng: trước hết cần đẩy mạnh hơn nữa việc thông tin, tuyên truyền để người công tác trong lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước trong việc kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển và từ đó không ngừng nâng cao cảnh giác trước mọi biểu hiện dù là tinh vi nhất của “đường lưỡi bò”.
Đối với người trực tiếp làm công tác kiểm định văn hóa, phim ảnh… cần có sự tập trung cao độ khi thực hiện nhiệm vụ. Cũng cần áp dụng hình thức kiểm tra lẫn nhau, kiểm tra chéo để khẳng định không bỏ lọt dù một ly hình ảnh đường lưỡi bò trên những ấn phẩm, sản phẩm văn hóa liên quan.
Mặt khác, khi phát hiện tổ chức, cá nhân để lọt hình ảnh đường lưỡi bò trên các sản phẩm mình, có nhiệm vụ kiểm tra, giám sát phải áp dụng chế tài xử phạt thật nặng và thông báo rộng rãi vụ việc trên các phương tiện thông tin đại chúng để cùng kịp thời rút kinh nghiệm. Nếu vụ việc do các đối tác nước ngoài cố ý gài bẫy, khi phát hiện cần kiên quyết đấu tranh để họ phải nhanh chóng gỡ bỏ những hình ảnh vi phạm, đồng thời, phía ta cũng sẵn sàng tạm dừng hợp tác để cảnh báo, răn đe…
Về phía cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa, điện ảnh; cần nhanh chóng thiết lập các trung tâm kỹ thuật với thiết bị công nghệ cao và nhân lực tinh thông để kịp thời phát hiện và xử lý những vi phạm liên quan đến đường lưỡi bò trên các sản phẩm nghe nhìn phổ biến trên không gian mạng theo quy định của Luật Điện ảnh hiện hành và pháp luật. Rất cần có đường dây nóng, số điện thoại tổng đài chuyên, riêng để cơ quan chức năng nhanh chóng tiếp nhận và xử lý tin báo từ nhân dân về các trường hợp đường lưỡi bò mới bị phát hiện...
Các hội quần chúng, tổ chức nghề nghiệp cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho hội viên, nghệ sĩ về nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biên giới, biển đảo khi tác nghiệp. Cần tranh thủ mọi diễn đàn, không gian hợp tác để thông tin, tuyên truyền cho bạn bè, đồng nghiệp quốc tế biết, hiểu về cái gọi là “đường lưỡi bò” từ đó ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của chúng ta vì sự toàn vẹn biên giới, biển đảo quốc gia.
NGỌC BÍCH ghi