Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với chất lượng người lao động Việt Nam, trong đó sinh viên là nguồn nhân lực cho thị trường lao động không chỉ cần có kỹ năng, trình độ chuyên môn, mà còn phải có văn hóa nghề nghiệp. Do đó, việc phát triển văn hóa nghề nghiệp cho sinh viên có ý nghĩa cấp thiết, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong điều kiện CMCN 4.0 và hội nhập quốc tế hiện nay
Văn hóa là một thuật ngữ đa nghĩa, có nội hàm rất rộng, tùy theo mục đích nghiên cứu, mà có rất nhiều cách tiếp cận khác nhau. Văn hóa nghề nghiệp là một cách tiếp cận văn hóa ở một phạm vi hẹp, tương tự như các thuật ngữ hay được dùng hiện nay như: văn hóa công vụ, văn hóa tổ chức, văn hóa doanh nghiệp… Để phát triển nguồn nhân lực trong bối cảnh sự tác động ngày càng lớn của cuộc CMCN 4.0 hiện nay, đòi hỏi đội ngũ người lao động không chỉ có kỹ năng, trình độ chuyên môn đơn thuần, mà còn phải biết làm việc một cách có văn hóa, tinh thần trách nhiệm, và đạo đức nghề nghiệp. Điều đó cũng có nghĩa là họ phải có một trình độ văn hóa nghề nghiệp biểu hiện ở nhận thức về nghề, ở những chuẩn mực, giá trị của người lao động, lòng yêu nghề và khả năng sáng tạo tích cực, góp phần tạo ra những nhân tố mới đem lại hiệu suất lao động cao. Người lao động “có tri thức, có ý thức kỷ luật, yêu lao động sáng tạo, có văn hóa nghề nghiệp cao, được tổ chức chặt chẽ là “linh hồn” của sự phát triển công nghệ và kỹ thuật”, đáp ứng được yêu cầu phát triển và hội nhập kinh tế đất nước.
Sinh viên là nguồn nhân lực chủ yếu và trực tiếp cho xã hội trong tương lai, vì vậy, đòi hỏi họ phải đáp ứng với yêu cầu ngày càng cao của thực tiễn phát triển đất nước không chỉ về kiến thức, kỹ năng, mà còn là văn hóa nghề nghiệp. Theo đó, văn hóa nghề nghiệp của sinh viên là toàn bộ các yếu tố về kiến thức (kiến thức chuyên môn nghề nghiệp, kiến thức pháp luật, kiến thức xã hội), kỹ năng (kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng cá nhân, kỹ năng xã hội), thái độ, bản lĩnh, đạo đức và tác phong nghề nghiệp trong quá trình học tập tại trường nhằm hướng đến sự thích nghi với môi trường nghề nghiệp cụ thể. Văn hóa nghề nghiệp của sinh viên biểu hiện ở sự tiếp cận các cơ hội học nghề, lựa chọn nghề và vun đắp giá trị nghề nghiệp cho tương lai.
Văn hóa nghề nghiệp là thước đo trình độ nhận thức của sinh viên đối với nghề nghiệp. Nó đòi hỏi mỗi sinh viên phải nhận thức được đầy đủ về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của nghề đó đối với xã hội, đồng thời, phải có hiểu biết về hành vi nghề nghiệp, các quy chuẩn, nguyên tắc trong nghề. Trên cơ sở đó, văn hóa nghề nghiệp góp phần điều chỉnh hành vi nghề nghiệp của sinh viên trong quá trình học tập tại trường, cũng như tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của công việc trong quá trình lao động sau này. Qua đó, đào tạo nên nguồn nhân lực có chất lượng cao, có tinh thần kỷ luật, có óc sáng tạo trong làm việc. Văn hóa nghề nghiệp giúp sinh viên xây dựng và thực hiện những nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp, tuân thủ những chuẩn mực trong ứng xử nghề nghiệp, gìn giữ sự đoàn kết, gắn bó trong tập thể, đặt lợi ích tập thể lên trên lợi ích cá nhân. Trong đó mức độ ứng xử có văn hóa trong lao động nghề nghiệp phụ thuộc vào những hành vi của mỗi sinh viên trong chính hoạt động đó.
Những năm qua, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp trong nước đã có những bước phát triển về quy mô, từng bước đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động trước tác động của cuộc CMCN 4.0. Chất lượng đào tạo nghề đã có những chuyển biến tích cực và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trên cơ sở đánh giá nhu cầu của thị trường lao động hiện nay, nhiều trường đại học, cao đẳng, trung cấp ngoài đào tạo chuyên môn đã chú ý tới việc phát triển văn hóa nghề nghiệp cho sinh viên, góp phần nâng cao chất lượng nguồn lực lao động cho xã hội.
Tọa đàm Tư vấn hướng nghiệp của Trường Đại học Văn hóa Hà Nội - Ảnh: Cổng TTĐT Bộ VHTTDL
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, đứng trước yêu cầu của chuyển đổi số, nhu cầu thị trường lao động thay đổi nhanh chóng trong điều kiện hội nhập quốc tế, văn hóa nghề nghiệp của sinh viên Việt Nam còn tồn tại những mặt hạn chế, bất cập. Một bộ phận sinh viên có nhận thức chưa đầy đủ về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa nghề nghiệp. Việc lựa chọn nghề của sinh viên mang tính trào lưu, thực dụng như: dễ xin việc, có thu nhập cao… thiếu nguyện vọng thật sự trên cơ sở quan tâm đến ý nghĩa và giá trị xã hội của nghề nghiệp. Điều này dẫn đến tình trạng một số sinh viên không thỏa mãn với sự lựa chọn nghề nên không hứng thú, thiếu tích cực học tập, nhất là thiếu rèn luyện kỹ năng nghề. Hơn nữa, xây dựng nội dung, chương trình và phương thức đào tạo ở một số trường vẫn còn chưa sát với nhu cầu thực tế, vẫn thiên về kiến thức lý thuyết, ít chú trọng đến việc trang bị kỹ năng nghề, nhất là kỹ năng hợp tác và làm việc theo nhóm cho sinh viên chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển văn hóa nghề nghiệp của sinh viên trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0.
Ngoài ra, do hạn chế về nhận thức, thiếu bản lĩnh nghề nghiệp nên một bộ phận không nhỏ sinh viên mất phương hướng, giảm sút niềm tin, sống không có hoài bão, lý tưởng… một bộ phận khác còn thờ ơ, thiếu tâm huyết với nghề nghiệp đang học, không có thái độ đúng đắn trong học tập, kết quả học tập không cao, khi ra trường không đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng... Tình trạng đó có thể khiến họ thất nghiệp hoặc buộc phải làm trái ngành nghề, ảnh hưởng tiêu cực tới bản thân và sự phát triển của đất nước.
Bên cạnh đó, trước xu hướng hội nhập quốc tế trong thời đại công nghiệp 4.0 đang gia tăng về tốc độ, trình độ, quy mô trên mọi mặt đời sống xã hội hiện nay thì sự xâm nhập văn hóa công nghiệp hiện đại vừa tạo ra cơ hội nhưng cũng đi kèm với những nguy cơ tác động lớn đến phát triển văn hóa nghề nghiệp của sinh viên.
Như vậy, phát triển văn hóa nghề nghiệp của sinh viên trong điều kiện cuộc CMCN 4.0 hiện nay là vấn đề cấp thiết, đòi hỏi phải nhận thức và giải quyết tốt những vấn đề bất cập nêu trên góp phần định hướng nghề đúng đắn để họ trở thành người lao động có văn hóa, tạo nền tảng quan trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho đất nước.
Để phát triển văn hóa nghề nghiệp cho sinh viên ở nước ta thích ứng linh hoạt trước sự tác động của cuộc CMCN 4.0 hiện nay, cần thực hiện đồng bộ một số nội dung biện pháp như sau:
Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm nghề nghiệp cho sinh viên.
Đây là biện pháp đặc biệt quan trọng đối với quá trình phát triển văn hóa nghề nghiệp của sinh viên. Bởi vì, chỉ có nhận thức đầy đủ về nghề nghiệp thì sinh viên mới có sự lựa chọn ngành nghề phù hợp với bản thân, từ đó xác định được trách nhiệm, thái độ đúng đắn, kỹ năng và bản lĩnh nghề nghiệp, tạo cơ sở hình thành đạo đức nghề nghiệp, kích thích sự say mê trong học tập và công việc sau khi ra trường. Việc nhận thức và định hướng tốt nghề nghiệp giúp sinh viên xây dựng kế hoạch hoạt động phù hợp nhằm trau dồi kiến thức chuyên môn, rèn luyện kỹ năng, tay nghề trong công việc. Chính vì vậy, mỗi nhà trường cần quan tâm đến công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức nghề nghiệp, định hướng nghề nghiệp thông qua các diễn đàn nghề nghiệp để họ có cơ hội giao lưu, trao đổi, học hỏi; hoặc tìm hiểu thông tin trên thư viện, internet về các lĩnh vực nghề nghiệp mà mình quan tâm… từ đó, tích lũy kiến thức, rèn luyện kỹ năng và thái độ cần thiết. Tập trung xây dựng những chuẩn mực, định hướng giá trị để sinh viên chuẩn bị tâm thế cho một môi trường chuyển đổi số, với nhận thức và hành động theo phong cách của người lao động công nghiệp 4.0. Cung cấp thông tin, dự báo về thị trường lao động, xu hướng phát triển các ngành, nghề trong tương lai có liên quan trực tiếp đến sinh viên. Ngoài ra, các tổ chức Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên ở các trường cần tăng cường nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của sinh viên, chủ động thiết kế chương trình hoạt động với hình thức phù hợp, thu hút sự tham gia của họ với các kỹ năng nghề nghiệp cần thiết.
Bên cạnh đó, mỗi sinh viên cần tích cực tham quan thực tế nghề nghiệp; mạnh dạn trong tiếp cận và trao đổi với một số người thành đạt trong nghề để có cách nhìn nhận toàn diện về môi trường làm việc, cũng như những khó khăn, thách thức và thuận lợi trong nghề… Mặt khác, sinh viên cần tránh chọn nghề theo “tâm lý số đông”, không phù hợp với năng lực, sở thích hay theo tính may rủi, theo “mác”, theo phong trào… Không những vậy cần đẩy lùi bệnh quan liêu, bè phái, mất đoàn kết, chủ nghĩa cơ hội và thực dụng nảy sinh trong suy nghĩ nghề nghiệp của sinh viên.
Hai là, đổi mới nội dung, chương trình và phương thức đào tạo theo hướng phát triển văn hóa nghề nghiệp cho sinh viên.
Các trường cần xây dựng khung chương trình đào tạo cho phù hợp với đặc thù ngành nghề sau này của sinh viên, lồng ghép việc giáo dục văn hóa nghề nghiệp vào trong các chương trình học, nhất là đưa nội dung văn hóa nghề nghiệp vào chương trình chính khóa cùng với các môn học cần thiết khác như đạo đức học, mỹ học... Các trường cũng cần có phương hướng biên soạn nội dung chương trình môn học văn hóa nghề phù hợp với đặc thù ngành học. Bên cạnh đó, chương trình khung cần tăng cường dạy các kỹ năng mềm cho sinh viên như: kỹ năng giải quyết vấn đề, giao tiếp, ứng xử, giải quyết tình huống nghề... và lồng ghép thêm các bài học về văn hóa nghề nghiệp như: ý thức sống và làm việc đúng pháp luật, tính kỷ luật, đạo đức nghề nghiệp.
Việc giáo dục văn hóa nghề nghiệp không chỉ bằng lý thuyết, mà còn bằng hành động có văn hóa của mỗi giảng viên chuyên ngành - những tấm gương về lòng yêu nghề để sinh viên học tập và noi theo, góp phần định hình và phát triển văn hóa nghề nghiệp cho sinh viên. Do đó, mỗi giảng viên cần linh hoạt trong đổi mới phương pháp dạy học trên cơ sở tăng tính thực tiễn nghề nghiệp của sinh viên thông qua thực hành, thực tập nghề nghiệp; qua các phương pháp trò chơi, đóng vai; phương pháp tình huống...
Để đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động, của quá trình hội nhập quốc tế, thích ứng trước những tác động của cuộc CMCN 4.0 hiện nay, đòi hỏi các nhà trường khi xây dựng nội dung, chương trình đào tạo cần có những đổi mới căn bản, toàn diện, dự báo được xu hướng phát triển nghề nghiệp. Trong đó, xác định và phân tích nhu cầu, mục tiêu đào tạo, lựa chọn và sắp xếp nội dung đào tạo, phương thức và hình thức đào tạo, kiểm tra, đánh giá kết quả và việc sử dụng các công nghệ, thiết bị hiện đại phục vụ cho mục tiêu đào tạo theo hướng phát triển văn hóa nghề nghiệp cho sinh viên. Các trường cần xây dựng môi trường giáo dục thuận lợi nhằm trang bị những kiến thức nền tảng để mỗi sinh viên rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp, xây dựng tác phong nghề nghiệp phù hợp. Đồng thời, quán triệt và thực hiện nghiêm quyền lợi, trách nhiệm cùng các hành vi văn hóa nghề nghiệp cần thiết để sinh viên thực hiện, nhất là ý thức được các nguyên tắc, kỷ luật nghề nghiệp trong việc ứng dụng các công nghệ hiện đại của CMCN 4.0 trong lao động sản xuất sau này.
Ngoài ra, các trường cần tăng cường giáo dục văn hóa nghề nghiệp trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là trên internet; mạng xã hội. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo, quản lý và phối hợp thực hiện có hiệu quả hoạt động kiến tập, thực tập của sinh viên. Quá trình đó là môi trường tốt để việc giáo dục văn hóa nghề nghiệp, cũng như giúp sinh viên nắm bắt được những yêu cầu của thực tế công việc trong tương lai về kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ và những tiêu chuẩn văn hóa nghề nghiệp, đồng thời tự đánh giá được triển vọng nghề nghiệp của mình. Trên cơ sở hoạt động đó tạo động lực cho họ trong quá trình học tập tại trường. Vì vậy, chương trình đào tạo cần xác định, lựa chọn địa điểm kiến tập, thực tập có môi trường văn hóa nghề nghiệp, tính chuyên nghiệp cao để sinh viên nhìn nhận đúng đắn về nghề nghiệp, tự điều chỉnh thái độ, hành vi trong học tập, rèn luyện. Từ đó, xây dựng những chuẩn mực và định hướng giá trị văn hóa trong xã hội, đổi mới tư duy và hành động theo phong cách của người lao động hiện đại trong bối cảnh mới.
Ba là, phát huy tính tích cực của sinh viên trong rèn luyện thái độ, kỹ năng, bản lĩnh, đạo đức và tác phong nghề nghiệp.
Thái độ nghề nghiệp là sự thể hiện tình cảm như: yêu thích, say mê, hoặc chán ghét, thờ ơ... đối với nghề. Vì vậy, rèn luyện thái độ nghề nghiệp đúng đắn cho sinh viên trong quá trình học tập tại trường có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong phát triển văn hóa nghề nghiệp của họ hiện nay. Theo đó, các nhà trường cần tiến hành giáo dục thái độ nghề nghiệp cho sinh viên ngay từ những năm đầu khóa học hướng vào những giá trị của nghề, hình thành niềm tin, sự yêu mến nghề, có thái độ đúng đắn và tôn trọng ngành nghề đã lựa chọn, tích cực học tập nâng cao trình độ tay nghề, hình thành phẩm chất, nhân cách cần thiết đáp ứng yêu cầu thực tiễn xã hội. Đối với mỗi sinh viên cần có thái độ nghề nghiệp tích cực, chủ động chuẩn bị hành trang kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp phù hợp với công việc sau này.
Ngoài việc học những kiến thức chuyên môn ở trường, sinh viên cần được trang bị những kỹ năng nghề nghiệp cần thiết để tìm kiếm việc làm một cách thuận lợi, cũng như bổ trợ cho công việc tương lai. Để làm được điều đó, mỗi sinh viên cần nỗ lực học tập, thực hành nghề. Đồng thời, các trường cần quan tâm, tạo điều kiện và một môi trường học tập để hình thành và nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, nhất là những kỹ năng làm chủ công nghệ khoa học kỹ thuật hiện đại cho sinh viên, trên cơ sở đó giúp họ hoàn thiện những kỹ năng làm việc cần thiết sau này.
Các trường cần tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa và ý thức kỷ luật để hình thành cho sinh viên những phẩm chất đạo đức nghề nghiệp tốt đẹp, có bản lĩnh nghề nghiệp tốt và quyết tâm cao; nắm được tâm tư nguyện vọng và những khó khăn của họ trên cơ sở đó xây dựng chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục phù hợp, thiết thực. Đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động của tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, phát huy ảnh hưởng tích cực của Đoàn, của Hội một cách sâu rộng và mạnh mẽ để giáo dục, rèn luyện sinh viên trong môi trường văn hóa lành mạnh. Sinh viên cần phải tự rèn luyện bản lĩnh nghề nghiệp, kiên định, vững vàng quyết tâm phấn đấu theo nghề đã chọn.
Ngoài vốn kiến thức, sinh viên cần rèn luyện tác phong sao cho phù hợp với ngành nghề đó. Mỗi sinh viên cần tìm hiểu thật kỹ về ngành nghề, xác định và tạo lập tác phong chuẩn mực, phù hợp với ngành nghề. Khi có tác phong nghề nghiệp, sinh viên sẽ tự tin hơn trong học tập và cuộc sống. Theo đó, các trường cũng cần xây dựng môi trường công tác lành mạnh, tạo điều kiện về mọi mặt, đội ngũ giảng viên chuẩn mực và trang bị những kiến thức nền tảng để mỗi sinh viên rèn luyện tác phong nghề nghiệp phù hợp. Đặc biệt, cần rèn luyện tác phong chuyên nghiệp, hiện đại cho sinh viên đáp ứng yêu cầu mới của bối cảnh chuyển đổi số, công nghệ 4.0 thông qua các thực hành, thực tập nghề nghiệp, hoặc các diễn đàn nghề nghiệp...
Xây dựng và phát triển văn hóa nghề nghiệp cho sinh viên Việt Nam hiện nay là một vấn đề có tính cấp thiết về cả lý luận và thực tiễn. Nó được xem như là “chìa khóa” để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Chỉ khi nào sinh viên có văn hóa nghề nghiệp trong quá trình học tập tại trường, khi đó mới tạo nền tảng phục vụ nghề nghiệp tương lai với hiệu quả cao, góp phần đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước trước những tác động của cuộc CMCN 4.0 và hội nhập quốc tế hiện nay.
_____________
Tài liệu tham khảo
1. Đặng Cảnh Khanh, Văn hóa nghề và nâng cao văn hóa nghề cho thanh thiếu niên hiện nay, Tạp chí Cộng sản, số 810, 2010, tr.67-71.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021.
3. Nguyễn Long Giao, Văn hóa nghề - yếu tố quan trọng trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Tạp chí Phát triển nhân lực, số 5, 2011, tr.35-39.
4. Nguyễn Thị Dung, Nguyễn Thị Minh Hạnh, Nguyễn Thị Phương Hoa, Chu Thị Ngân, Phát triển văn hóa nghề của học sinh, sinh viên các trường cao đẳng công nghiệp hiện nay, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021.
5. Trần Thị Lê, Vài nét về phát triển văn hóa nghề cho sinh viên hiện nay, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 393, 2017, tr.109-111.
6. Phan Văn Nhân, Giáo dục nghề nghiệp trong nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội, 2009.
TRẦN THỊ MỴ
Nguồn: Tạp chí VHNT số 521, tháng 1-2023