Phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong tín ngưỡng thờ Thành Hoàng làng

Trong tín ngưỡng dân gian của người Việt, thờ Thành Hoàng làng (THL) là “tín ngưỡng phổ biến nhất từ Bắc chí Nam” (1) và một trong những tín ngưỡng truyền thống phổ biến có vị trí quan trọng, có ảnh hưởng phong phú trong đời sống tinh thần của người dân Việt Nam. Tín ngưỡng thờ THL thể hiện niềm tin của cộng đồng vào sự che chở của một vị thần linh trấn giữ tại một khu vực nào đó, “thần THL là biểu tượng thiêng liêng nhất của cả làng” (2) và niềm tin đó được thực hiện thông qua các hoạt động thực hành nghi lễ, lễ hội nhất định được tổ chức hằng năm, thu hút đông đảo người dân tham gia. THL được người dân thờ phụng rất đa dạng và phong phú. Phần lớn những người được tôn vinh THL là “những người có công với nước, với làng. Đầu tiên là các anh hùng cứu nước được nhân dân sùng bái, như Hai Bà Trưng, các tướng lĩnh của hai Bà, những người cầm đầu các cuộc khởi nghĩa chống ngoại xâm. Sau đến những vị quan có tài có đức, những người tổ sư các nghề. Cuối cùng có THL là thần gắp phân, thần ăn mày, tuy không có công lao với nước nhưng biểu hiện một việc làm phổ biến của một địa phương” (3).

Văn hóa Việt Nam truyền thống xét về bản chất là một nền văn hóa xóm làng (4). Văn hóa làng có nội dung đa dạng, phong phú và lưu giữ, phản ánh những đặc trưng của cộng đồng làng với nhiều loại hình tín ngưỡng truyền thống, “nhiều khi làng đã giải thể nhưng văn hóa làng thì vẫn tiếp tục tồn tại lâu dài” (5). Thờ cúng THL là tín ngưỡng truyền thống rất phổ biến ở các làng xã người Việt và đối tượng thờ cúng thường không có quan hệ huyết thống với những người thực hành thờ cúng. Đối tượng được nhân dân thờ cúng có thể là một nhân vật có thật trong lịch sử hoặc có thể là một nhân vật huyền thoại được hư cấu theo trí tưởng tượng của người dân. Đối với người dân ở cộng đồng làng xã, những vị THL là những người phi thường, từ sức mạnh, năng lực cho đến hình hài... “Với người dân ở cộng đồng làng xã, vị thần THL được coi như một vị thánh. Mỗi làng quê có một vị thánh của mình: trống làng nào làng ấy đánh, thánh làng nào làng ấy thờ. Với các vương triều, THL được xem như một “viên chức” thay mặt triều đình, nhà vua coi sóc, chăm nom một làng quê cụ thể, bởi “viên chức” này do nhà vua đưa về các làng quê bằng một quyết định cụ thể: sắc phong (còn gọi là sắc thần). Các vương triều khác nhau sẽ có các sắc phong thần khác nhau. Một vị THL có thể có nhiều sắc phong khác nhau của các triều đại khác nhau. Ngay một triều đại cũng có thể phong sắc nhiều lần cho một vị thần, nhưng số mỹ tự thì lần sau bao giờ cũng gia tăng hơn lần trước” (6). Những vị THL dù là một nhân vật có thật hay là nhân vật được người dân hư cấu thì THL được người dân thờ phụng luôn là sự kết hợp cả hai yếu tố thật và hư ảo, vừa mang những đặc điểm của cộng đồng dân cư, vừa thể hiện mong ước, khát vọng của cộng đồng về những điều cao cả, tốt đẹp cần vươn tới. Sự kết hợp giữa yếu tố hiện thực và yếu tố hư cấu đã làm cho tín ngưỡng thờ cúng các vị THL trở nên “linh thiêng” hơn, uy lực hơn và “hiển linh” hơn, “thần tích - bản sáng tạo này của dân gian được nhào nặn dưới ánh sáng của tư tưởng Nho giáo. Văn bản cố định này được đưa về các làng quê lưu giữ trong đình làng. Và một lần nữa thần tích lại được sinh thành trong dân gian, bằng lời kể và trí tưởng tượng của dân gian nhưng khởi phát của quá trình sinh thành này lại bắt đầu từ các nhà nho - nhân vật sáng tạo văn hóa ở các làng quê” (7).

Mỗi làng quê Việt Nam đều thờ thần THL và có sự đa dạng trong điện thờ thần THL. Các vị thần THL có thể có nguồn gốc khác nhau nhưng chủ yếu là phúc thần, phản ánh vai trò đoàn kết, tương thân tương ái đùm bọc lẫn nhau trong quá trình lao động sản xuất và đánh giặc giữ n­ ước, bảo vệ xóm làng của nhân dân qua các thời đại. THL được quần chúng tôn vinh, thờ phụng có thể là những vị vua hoặc những tướng lĩnh có công đánh giặc cứu nước, giúp người dân khai hoang, lập làng, lập ấp và vượt qua khó khăn trong đấu tranh chống lại thiên tai, địch họa để giữ làng ở các thời đại lịch sử. “Có các vương triều hoặc người dân ở các làng quê đều đưa các nhân vật lịch sử - văn hóa vào làm THL. Nói cách khác, các nhân vật lịch sử - văn hóa của dân tộc có sự hóa thân vào các THL” (8). Trong các THL được nhân dân thờ phụng, có rất nhiều các nhân vật lịch sử - văn hóa như Hùng Vương, Lý Thái Tổ, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo… “Cư dân các xã thuộc hai huyện Tiền Hải (Thái Bình) và Hải Hậu (Nam Định) tôn thờ Nguyễn Công Trứ vì ông đã có công chiêu mộ dân cư, tổ chức khai hoang lập ấp, xây dựng nên các làng quê ven biển vào TK XIX” (9). Tại đình Đá (Tiên Phong, Duy Tiên, Hà Nam) người dân thờ thần THL là một nữ tướng của Hai Bà Trưng… Bên cạnh đó, người dân còn thờ những vị thần THL có nguồn gốc nhân thần là những danh nhân văn hóa, tổ sư, tổ nghề; có những vị là người có công khai phá, lập làng hoặc những vị là người hiền sĩ có công mở mang dân trí hoặc có những THL là người ngoại bang và có những THL là người chết vào giờ thiêng (10). Đồng thời, người dân thờ phụng các vị thần THL có vị có nguồn gốc thiên thần như Thần Hào Quang được thờ ở thôn Đông Khê, Pháp Thượng, Thụy Ứng, Đan Phượng (Hà Nội), Thần Mây, Mưa, Sấm, Sét (Tứ pháp) được thờ ở nhiều làng ven sông Hồng, thờ Ngọc Hoàng (Nam Phong, Nam Trực, Nam Định); thờ Nam Tào, Bắc Đẩu (An Điền, Đan Phượng, Hà Nội), thờ các vị Tiên, thần linh trong Đạo giáo, thờ các vị thánh Mẫu… Ngoài ra, người dân cũng thờ thần THL có nguồn gốc Nhiên thần như Sơn thần, Thủy thần, Thổ thần, thần cây (Cây Bao Đại Vương, Mộc Thụ Đại Vương)… Trong điện thờ thần THL ở một số địa phương ở vùng đồng bằng sông Hồng có sự đa dạng trong điện thờ, rất ít làng chỉ thờ một vị thần THL mà người dân tại các làng th­ ường thờ từ hai, ba, đến năm vị thần. Trong số các vị thần đ­ ược thờ làm thần THL có nhân thần, nhiên thần, có cả nữ thần, tà thần, thần có nguồn gốc Trung Quốc... THL là nữ thần Sao Sa (thôn Duyên Lăng, Trực Ninh, Nam Định)… Một số THL được lịch sử hóa như ở làng Trúc Đồng, xã Đồng Trúc, huyện Thạch Thất (Hà Nội) vốn là Thổ thần, theo Hai Bà Trưng đi đánh giặc Đông Hán, nên sau đó mang sắc phong Giám Sát Đại Vương (11)… Các vị thần THL được người dân thờ phụng dù có nguồn gốc xã hội khác nhau là thiên thần, nhiên thần hay nhân thần nhưng đều được người dân tin tưởng là những người từng có công lao to lớn với cộng đồng và hiện tại vẫn “luôn là các vị thần bảo vệ, che chở cho cộng đồng” (12). Hiện nay, người dân ở một số làng quê vẫn còn thờ phụng các thần THL vốn là những người bình thường gắn một nghề nào đó, những người thấp hèn (người ăn mày, người hót phân…) hoặc là các nhân vật phản diện (thời phong kiến triều đình gọi là tà thần như ăn trộm, ăn cướp...) chết vào giờ thiêng, linh ứng và được thờ làm THL như thờ người ăn mày ở Xuân Ái (Bắc Ninh)… thờ THL là người lái lợn xưa vì đuổi lợn mà rơi xuống ao bị chết ở làng Ngô Xá (Hà Nội)… thờ THL là thần ăn trộm, ăn cướp ở một số làng Cộng Khê (Thái Bình), Khắc Niệm (Bắc Ninh)…

Mỗi làng quê của người Việt có thể thờ rất nhiều thần nhưng thần THL được người dân phụng thờ trong đình làng, nghè hay miếu làng tùy theo cách gọi của mỗi địa phương. Đình làng là biểu tượng văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng quan trọng trong đời sống làng xã của người Việt. Đình làng “được mọi người nhìn nhận với tính chất đặc biệt đa dụng cả về tôn giáo lẫn xã hội, hành pháp, tư pháp, lập pháp, du hý, kinh tế, quan hôn, tang tế... chỉ Việt Nam mới có” (13). Trong tâm thức người dân ở làng quê Việt Nam, thần THL là vị chỉ huy tối linh của làng xã không chỉ về mặt tinh thần mà còn một phần về mặt đời sống sinh hoạt vật chất của dân làng. THL là vị thần linh thiêng có thể bao quát toàn bộ đời sống của dân làng và luôn bảo vệ, phù hộ cho dân làng làm ăn phát đạt, khỏe mạnh. “Đối với người dân, THL là chỗ dựa tinh thần, nơi gửi gắm niềm tin cho họ, giúp họ vượt qua những khó khăn của cuộc đời đầy sóng gió” (14). Cho nên sự thờ phụng thờ thần THL xét cho cùng là sự thờ phụng luật lệ làng xã, lề thói gia phong của làng và sự thờ phụng này là sợi dây liên lạc vô hình, giúp dân làng đoàn kết, nếp sống cộng cảm hòa đồng, “đất lề quê thói” được bảo tồn. Do đó, các hương chức cũng như các gia đình trong làng, mỗi khi muốn mở hội, tổ chức lễ tế thần hoặc tổ chức các công việc quan trọng của gia đình và của làng đều phải chuẩn bị lễ vật dâng cúng THL để xin phép trước. Việc thờ phụng thần THL được diễn ra thường xuyên mỗi ngày với việc thắp hương và đèn tại nơi thờ tự. Vào những ngày lễ tết, ngày sinh hoặc ngày mất của thần THL, dân làng tổ chức lễ tế thần rất lớn để tưởng nhớ. “Tế thần là cuộc giễu lễ, dâng lễ vật, đọc chúc văn tỏ kính ý biết ơn thần, cầu xin thần ban tốt lành mới. Tế thần là sự giao cảm giữa người và thần là hoạt động thiêng liêng nhất mở đầu lễ hội” (15). Bên cạnh đó, khi các gia đình trong làng có các công việc quan trọng như tang ma, cưới hỏi, dựng nhà, người đỗ đạt… “dân làng vẫn ra đình cúng lễ để báo cáo, tạ ơn hay kêu cầu sự che chở của THL cho cuộc sống của cá nhân, gia đình và cả làng được bình yên và phồn thịnh” (16).

Ngày tưởng nhớ công ơn vị thánh của làng, người dân tổ chức lễ hội làng và được coi là ngày giỗ của cả làng, “THL như một thanh nam châm hút tất cả các sinh hoạt văn hóa ở các làng quê để trình diễn trong một ngày hay vài ngày tùy theo diễn trình ngày hội” (17). Nghi lễ tế thần THL được quy định và ghi chép rất rõ ràng, cụ thể, chặt chẽ và tỉ mỉ trong điển lễ của làng về từng khâu thực hành nghi lễ như chọn người chủ tế, bồi tế, người xướng, y phục của những người tham gia thực hành nghi lễ… “các động tác cũng được quy định rõ ràng trong điển lễ của làng và người thực hiện lễ tế phải thực hiện các động tác đúng như quy định” (18). Trong lễ tế thần THL, người dân tổ chức các nghi lễ cúng tế, các cuộc rước THL và diễn lại những công trạng của THL đã làm đối với làng. Sau nghi lễ tế và rước THL, người dân tổ chức phần hội với các cuộc thi, trò diễn, trò chơi dân gian, hội thi nấu ăn... Nội dung của những hoạt động trong cuộc thi và trò chơi dân gian trong lễ hội luôn gắn với lịch sử của làng, mô tả lại sự tích hay chiến tích của THL, ca ngợi vẻ đẹp của làng…

THL là vị thần có công lao với dân làng và bảo trợ, phù hộ cho cả cộng đồng làng xã. Ở mỗi cộng đồng làng xã, đối tượng thờ cúng của tín ngưỡng này thường gắn với một địa danh, một sự kiện và dù là các nhân vật lịch sử xuất thân từ hiện thực hay là những nhân vật được hư cấu từ trí tưởng tượng của dân gian cũng đều được người dân dành tình cảm tôn kính và thờ phụng chu đáo, phản ảnh đặc điểm chung của cộng đồng làng, thể hiện khát vọng chung của cộng đồng về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Vì vậy, tín ngưỡng thờ THL ngoài việc thể hiện nhu cầu tâm linh còn mang chứa giá trị đạo đức uống nước nhớ nguồn, biết ơn những người có công tạo dựng làng xã. “Người dân trong làng cùng nhau tự phong, tự thờ vị THL riêng của mình như vị thần bản mệnh, chủ yếu đảm bảo mưa thuận gió hòa, đem lại sự bình yên cho cộng đồng” (19). Trong lễ hội làng, người dân tiến hành những nghi thức tế tự, cúng bái rất long trọng và các điển tích về vị THL được tái diễn gắn với quá trình hình thành và phát triển của cộng đồng làng đã góp phần to lớn trong việc hun đúc tình yêu của con người đối với làng mạc, xứ sở.

Tại những làng nghề thủ công khác nhau, nhân dân thờ cúng THL là các tổ sư, tổ nghề, danh nhân văn hóa đã có công sáng tạo, truyền bá nghề và giúp nhân dân phát triển nghề, có vị là bậc học giả tiêu biểu như Tuệ Tĩnh, Hải Thượng Lãn Ông được tôn vinh là tổ sư nghề Y học Việt Nam… đã thể hiện đạo Hiếu, sự biết ơn của thế hệ sau đối với thế hệ trước, tôn vinh tinh thần tôn sư trọng đạo và tinh thần lao động cần cù, sáng tạo của cha ông. Trong thực hành nghi lễ cúng tế THL, người dân thường tổ chức dâng cúng những sản vật là kết quả của nghề do các thế hệ sản xuất ra lên bàn thờ tổ sư và tái hiện những hành động của các tổ nghề bằng các tục hèm, hoạt cảnh… Vì vậy, tín ngưỡng thờ cúng tổ sư nghề ngoài ý nghĩa tâm linh, còn chứa đựng những giá trị đạo đức, đó là tôn vinh tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, “tôn sư trọng đạo”, là ý thức học hỏi và trau dồi nghề nghiệp. Đồng thời, tín ngưỡng thờ cúng THL là những anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa, tổ nghề… cũng có ảnh hưởng mạnh mẽ đến những hành động đền ơn đáp nghĩa, thể hiện lòng biết ơn của người dân đối với những người có công với cộng đồng, với quốc gia, dân tộc (20). Bên cạnh đó, tín ngưỡng thờ cúng THL thường gắn với hương ước, quy ước của làng nên tín ngưỡng này quy định rất nhiều hành vi ứng xử của con người đối với cộng đồng và có ảnh hưởng lớn đến ứng xử của các cá nhân đối với cộng đồng làng. Do đó, thờ phụng thần THL là sợi dây cố kết cộng đồng làng xã và tôn vinh THL thực chất là sự tôn vinh luật lệ, lề thói, phong tục của cộng đồng làng, “sự thờ phụng THL xét cho cùng là sự thờ phụng luật lệ làng xã, lề thói gia phong của làng” (21).

Trong những năm gần đây, tín ngưỡng thờ thần THL ở các làng quê Việt Nam được quan tâm phục hồi và phát triển. Bên cạnh những vị thần THL đã tồn tại gắn với sự phát triển của cộng đồng làng, ở một số địa phương còn tôn vinh các danh nhân thời hiện đại trở thành thần THL như tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh làm vị đức thánh tối thượng, tôn vinh các anh hùng liệt sĩ... Nhiều ngôi đình, nghè ở các làng quê được Nhà nước công nhận, xếp hạng di tích và được các địa phương đã tiến hành trùng tu, tôn tạo, nhiều lễ hội được phục hồi và tổ chức với quy mô lớn hơn. Tùy theo từng địa phương với những đặc trưng riêng trong sinh hoạt văn hóa, tâm linh nên việc thực hành thờ cúng thần THL cũng có những b­ ước thực hiện chặt chẽ với các lễ tục, nghi thức, mang đậm nét văn hóa dân gian. Nghi thức tế lễ THL đ­ ược thực hiện trang trọng cùng các lễ hội bao gồm các hoạt động văn hóa nghệ thuật dân gian nh­ ư đánh đu, thi vật, chọi gà, thi hát, thi nấu cơm… Thờ phụng thần THL là nét văn hóa đặc trưng trong sinh hoạt văn hóa làng, là sợi dây gắn kết cộng đồng, góp phần gìn giữ những phong tục tập quán, luật lệ tốt đẹp của mỗi làng và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Tín ngưỡng dân gian phản ánh sinh động nhân sinh quan của người Việt, phản ánh những giá trị tinh thần cốt lõi, điển hình của con người và dân tộc Việt Nam, là một trong những thành tố góp phần tạo nên bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Thờ phụng thần THL là tín ngưỡng rất phổ biến và có vai trò quan trọng trong hệ thống tín ngưỡng ở các làng xã người Việt. Tín ngưỡng thờ thần THL là chỗ dựa thần vững chắc cho cư dân làng xã. “Dường như sự ngưỡng mộ THL của người dân không kém gì sự ngưỡng mộ đối với tổ tiên của họ, ở cấp độ cao hơn tổ nhà, tổ họ vì đây là tổ làng” (22). Tín ngưỡng thờ THL đã thể hiện đạo hiếu, sự biết ơn những người có công với cộng đồng làng xã, liên kết và gắn bó cộng đồng dân cư làng xã, góp phần không nhỏ trong việc hình thành và nâng cao nhận thức cho cư dân về văn hóa làng, về truyền thống và phong tục của cộng đồng làng xã, góp phần hình thành, bảo tồn và phát triển hệ giá trị văn hóa giàu bản sắc dân tộc. Trong quá trình hội nhập và phát triển, “phát huy các nhân tố tích cực, nhân văn trong các tôn giáo, tín ngưỡng” (23) và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp trong tín ngưỡng thờ THL góp phần tạo nên “sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam” (24) để “thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc” (25).

____________

1, 3. Phan Ngọc, Bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb Văn học, Hà Nội, 2002, tr.48,49.

2, 15. Đại Việt sử ký toàn thư, tập 4 (bản dịch Viện Sử học), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1968, tr.97, 239.

4. Trần Quốc Vượng, Văn hóa Việt Nam - Tìm tòi và suy ngẫm, Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 2003, tr.18.

5. Phan Đại Doãn, Làng Việt Nam - một số vấn đề kinh tế - xã hội - văn hóa, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2001, tr.19.

6, 7, 8, 14, 17 Trần Quốc Vượng (chủ biên), Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, 2014, tr.98, 99, 99, 100, 100.

9. Phạm Ngọc Trung, Giáo trình Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb Hà Nội, Hà Nội, tr.145.

10, 12. Ngô Đức Thịnh (chủ biên), Tín ngưỡng và văn hóa tín ngưỡng ở Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2001, tr.91-111, 113.

11, 20. Hoàng Lan, Tín ngưỡng dân gian trong đời sống tinh thần của người dân vùng đồng bằng sông Hồng hiện nay, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội, 2015.

13, 19. Trần Đăng Sinh (chủ biên), Đạo lý uống nước nhớ nguồn - cơ sở triết học và giá trị trong lịch sử dân tộc, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2017, tr.239, 60.

16, 18. Trần Đăng Sinh, Nguyễn Thị Phương Hà, Giá trị trong tín ngưỡng thờ Thành hoàng của người Việt ở Đồng bằng Bắc Bộ, mattran.org.vn, 26-3-2019.

21, 22. Nguyễn Thị Thọ (chủ biên), Bản thể luận xã hội về đạo Hiếu ở Việt Nam hiện nay, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2017, tr.95, 95.

23, 24, 25. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.144, 145, 116.

PGS, TS LÊ VĂN LỢI

Nguồn: Tạp chí VHNT số 500, tháng 6-2022

;