Quan niệm thẩm mỹ trong tạo hình trang phục nữ truyền thống của dân tộc Pà Thẻn

Quan niệm thẩm mỹ trong trang phục nữ truyền thống của dân tộc Pà Thẻn giúp cho việc tạo hình sản phẩm có định hướng, thủ pháp và những cảm xúc ngay từ ban đầu, là cơ sở trong nhìn nhận cái đẹp trang phục truyền thống của tộc người. Điều làm cho tạo hình trang phục nữ truyền thống của dân tộc Pà Thẻn không chỉ đơn giản là tư duy nhất quán trong quá trình thực hiện mà nó lặng lẽ lưu truyền một cách nguyên mẫu, biểu tượng nhận diện tộc người.

 

1. Khái niệm quan niệm thẩm mỹ

Quan niệm về cái đẹp là một hình thức phát triển cao của cơ cấu giá trị trong nền văn hóa của mỗi dân tộc. Nó trở thành hệ giá trị thẩm mỹ độc đáo trong nghệ thuật, nhân tố quan trọng tạo nên nét độc đáo, làm giàu thêm văn hóa của đất nước.

Tchernychepski, nhà mỹ học Nga ở thế kỷ trước từng phát biểu: “Một tồn tại được gọi là đẹp là một tồn tại trong đó chúng ta nhìn thấy cuộc sống đúng như quan niệm”. Cézanne quan niệm mọi sự vật đều có nguồn gốc từ những hình khối cơ bản là hình nón, hình lập phương và hình trụ. Việc tìm cách khám phá, xử lý và cấu trúc hình vẽ trong tự nhiên trên cơ sở hình học này sẽ có sức thuyết phục.

Quan niệm về cái đẹp cũng rất phong phú, cái đẹp ở sự hòa điệu, tính thiện, có quan niệm đi tìm cái đẹp từ thế giới siêu tự nhiên, ý niệm, tinh thần ở bên ngoài con người. Tuy vậy, các quan niệm về cái đẹp đều hướng đến những giá trị chung nhất để con người phấn đấu làm giàu thêm tư tưởng thẩm mỹ của mình. Quan niệm về cái đẹp nó như là tuyên ngôn trong nghệ thuật, mọi sáng tạo trong đó chỉ làm cho nó trở nên điển hình.

Quan niệm thẩm mỹ tạo hình trang phục nữ truyền thống của dân tộc Pà Thẻn xuất phát từ nhận thức riêng về hình khối, màu sắc, kỹ thuật về trang phục truyền thống và có những gắn kết với cội nguồn tộc người. Quan niệm này tồn tại trong đời sống văn hóa tinh thần, vật chất, tín ngưỡng, đạo đức, ứng xử, những khát vọng cùng lý tưởng sống của tộc người. Ý thức này biểu hiện quan niệm của cả cộng đồng hơn là của mỗi cá nhân. Bằng cách nào đó quan niệm thẩm mỹ trong tạo hình trang phục đã đi vào mỗi người từ khi còn bé, hình thành nhận thức, hiểu biết về nét đẹp của trang phục và trở thành những quy tắc, cảm xúc khi tạo hình trang phục.

Ảnh: Nguyễn Thanh Hà

2. Trang phục truyền thống nữ dân tộc Pà Thẻn

Trang phục truyền thống nữ dân tộc Pà Thẻn thông dụng cho cả bốn mùa trong năm, bao gồm: áo, là loại áo dài kiểu tứ thân, mở giữa, không cổ, khi mặc vắt chéo hai thân trước chồng lên nhau tạo thành hình chữ V trước ngực, khi mặc phần hở chữ V là sự kết hợp với cổ áo sơmi bên trong; váy, là loại váy mở (quấn), dài đến bắp chân, phần cạp được xếp nếp (ly); khăn đội đầu quấn nhiều lớp quanh đầu tạo thành vành dày khoảng 10cm; khăn vấn tóc có tác dụng bọc tóc; khăn quàng, hình vuông có cạnh 80-100cm, có tua dài 5cm quanh viền; khăn cài thắt lưng; yếm, gồm 2 loại, yếm bạc, yếm dài đeo trước ngực; thắt lưng, gồm 2 loại, loại dây trơn và loại có 8 tua. Kết hợp với trang sức như: khuyên tai, vòng cổ, vòng tay, nhẫn. Phụ kiện đi kèm là túi đựng đồ và túi khoác vai.

Trang phục truyền thống nữ dân tộc Pà Thẻn nhìn tổng thể là sắc nóng đỏ rực rỡ, ấn tượng trên nền xanh của núi rừng. Cấu trúc các bộ phận của trang phục tương đối đơn giản nhưng các lớp vải, mảnh chắp kết nối với nhau khá phức tạp. Hình khối, màu sắc, hoa văn trang trí của trang phục có những nét độc đáo riêng. Tất cả đều được phụ nữ Pà Thẻn tạo nên bằng bàn tay, khối óc và đặc biệt bằng quan niệm thẩm mỹ trang phục của tộc người.

Nghiên cứu về thẩm mỹ Pà Thẻn có bài Thẩm mỹ Pà Thẻn (tiếp cận từ trang phục) của PGS,TS Cao Xuân Phổ, in trong Hội thảo Khôi phục và phát triển nghề dệt thủ công truyền thống của phụ nữ dân tộc Pà Thẻn ở Bắc Quang - Hà Giang. Bài viết nêu các khâu chính để tạo trang phục, nội dung tập trung trình bày các kỹ thuật batik, ikat và một vài dẫn chứng về họa tiết hoa văn. Với hướng tiếp cận từ kỹ thuật, bài viết nhận định đó không chỉ là kỹ thuật, mà là biểu hiện tâm thức thẩm mỹ của tộc người. Có thể nói, trang phục của người Pà Thẻn là một công trình nghệ thuật có sáng tạo và tính chủ quan của tộc người.

Công trình Trang phục của người Pà Thẻn ở tỉnh Hà Giang (2015) của Nguyễn Thị Huyền Nhung, tiếp cận ở góc nhìn nhân học, trong phần giá trị của trang phục, tác giả trình bày, trang phục phản ánh quan niệm thẩm mỹ dân gian qua hình dáng trang phục và nghệ thuật trang trí. Nghệ thuật trang trí trang phục qua hoa văn, ghép vải, màu sắc. Tác giả đi từ những quan sát các yếu tố tạo hình của trang phục để thấy được quan niệm thẩm mỹ trong đời sống của tộc người.

Trang phục tồn tại trong mối quan hệ giữa chiều cạnh sinh học với các chiều cạnh sinh thái, kinh tế, văn hóa, xã hội, nghệ thuật, pháp luật, sức khỏe… Việc nghiên cứu, nhìn nhận, phân tích quan điểm thẩm mỹ trang phục mang tính chỉ đường trong nghệ thuật tạo hình trang phục từ những câu chuyện, truyền thuyết lưu truyền trong dân gian, đến thực tiễn hiện vật và ý kiến từ các nghệ nhân dân gian để thấy được sự thống nhất từ quan niệm đến sản phẩm trong tạo hình trang phục thì vẫn chưa được nghiên cứu.

3. Một số biểu hiện quan niệm thẩm mỹ về trang phục truyền thống nữ dân tộc Pà Thẻn

Người Pà Thẻn quan niệm màu sắc trang phục qua truyền thuyết: “Vào những năm đói kém, người Pà Thẻn cùng người Dao áo đỏ, người Tày và người Mông cùng nhau lên trời xin Ngọc Hoàng cứu giúp. Người Pà Thẻn đến đầu tiên, được Ngọc Hoàng cho ba miếng vải màu đỏ, đen, xanh để may quần áo. Người Dao áo đỏ được Ngọc Hoàng cho hai miếng vải màu đỏ, đen. Người đi sau, Ngọc Hoàng chỉ còn một miếng vải đen. Người Mông lên tới nơi thì Ngọc Hoàng không còn miếng vải nào chỉ có một bông hoa, Ngọc Hoàng thương tình cho bông hoa” (1). Câu chuyện có liên quan đến lịch sử, nguồn gốc của trang phục có tính chất hư cấu được lưu truyền trong dân gian. Tuy nhiên, nội dung câu chuyện có yếu tố hiện thực, màu sắc trang phục của các dân tộc kể trên rất cụ thể, sát với thực tế. Như là những lời giải thích hiện thực, thể hiện mong muốn, quan điểm của tộc người về màu sắc trang phục.

Trang phục sử dụng chủ yếu màu đỏ, đen, xanh và có sự phân biệt rất rõ giữa màu sắc trang phục người Pà Thẻn với trang phục các dân tộc cùng hệ ngôn ngữ là Dao áo đỏ, Mông và Tày. Câu chuyện phát đi một hình ảnh trực giác, về số lượng màu sắc rõ ràng, tiết lộ một cái gì đó cốt lõi trong trải nghiệm, mối tương quan trang phục của các dân tộc. Tất nhiên chỉ những màu nêu trên chưa đủ để làm nên nét độc đáo của trang phục, bởi nó thuần túy là những màu cơ bản. Song, nếu thiếu nó nghệ thuật dùng màu của mỗi dân tộc sẽ mất phương hướng. Trên thực tế nghiên cứu, tác giả bài viết có cùng quan điểm với nhà nghiên cứu Ngô Đức Thịnh, rằng 3 màu chính trên trang phục nữ truyền thống của dân tộc Pà Thẻn là màu đỏ, trắng và đen. Đây là những màu chiếm tỷ lệ lớn trong tổng lượng màu trên trang phục.

Người Pà Thẻn thích hòa sắc nóng rực, màu đỏ tươi là màu chủ đạo trên trang phục nữ truyền thống bởi nó là sắc màu của lửa, có ý niệm từ lễ hội nhảy lửa truyền thống của tộc người. Quan niệm cái đẹp từ thế giới siêu tự nhiên, ý niệm, tinh thần ở bên ngoài con người, về những vị thần. Họ cho rằng, sắc đỏ rực của trang phục là màu sắc của thần lửa, vị thần thiêng bảo hộ cho mùa màng, sức khỏe của tộc người. Coi màu đỏ tươi là màu của ánh sáng, sức mạnh và may mắn. Màu sắc nổi bật trước thiên nhiên, chế ngự thiên nhiên, núi rừng hùng vĩ và chiến thắng các thế lực tà ma. Quan điểm về hòa sắc nóng rực của trang phục cũng là mong muốn về cái đẹp hướng thiện. Gắn tín ngưỡng, truyền thống dân gian với cái rực rỡ của màu sắc. Kết nối hình thức màu sắc với nội dung tinh thần, gắn cái đẹp của màu sắc với niềm vui, sự ấm no, hạnh phúc của dân tộc.

Truyền thuyết về kỹ thuật chắp vải ở trang phục nữ truyền thống của người Pà Thẻn được kể: Vào thời xa xưa, trời đất gần nhau, vạn vật dưới đất và vạn vật trên trời cùng chung sống. Khi đó, người Pà Thẻn không có quần áo của riêng dân tộc mình. Con rồng trên trời thấy vậy liền vẽ ra các mẫu hình thù, rồi nhờ phù thủy dạy người Pà Thẻn dệt bộ trang phục. Dạy xong, phù thủy ném bộ quần áo qua dòng sông nước nóng cho người Pà Thẻn, nhưng bà ta lại làm rơi vào đống lửa. Bộ quần áo không cháy trụi mà cháy nham nhở. Người Pà Thẻn với đức tính tiết kiệm, chăm chỉ và sáng tạo đã lấy những miếng vải lành lặn vá vào những chỗ rách cho kín lại. Từ đó, bộ quần áo của người Pà Thẻn có cách chắp vải như ngày nay (2). Cũng như câu chuyện nguồn gốc của trang phục, câu chuyện này có tính chất hư cấu, được lưu truyền trong dân gian. Song, nội dung chuyện phản ánh thủ pháp tạo hình trang phục từ các mảnh vải vá của dân tộc đúng với nguyên mẫu tạo hình trang phục. Tuy vậy, khi quan sát trang phục, hoàn toàn không có cảm giác của việc tạo nên từ những chắp vá, mà nó được kết cấu chặt chẽ, có tổ chức như một thủ pháp tạo hình đặc biệt. Câu chuyện là một cách giải thích hiện thực và có thể xuất phát từ thế giới quan, tín ngưỡng dân gian, thị hiếu thẩm mỹ của tộc người. Hay mong muốn người phụ nữ chăm chỉ làm việc ở trong gia đình lúc nông nhàn mà người Pà Thẻn có quan điểm về cách tạo hình trang phục một cách khác lạ như vậy.

Quan niệm thẩm mỹ của người Pà Thẻn về trang phục không chỉ nằm ở những câu chuyện dân gian về trang phục mà còn thể hiện trong những câu chuyện nguồn gốc tộc người, phong tục tập quán… Những câu chuyện dân gian được giải thích và thể hiện quan niệm tạo hình trên mỗi hình hoa văn, mảnh chắp vải trang trí ở cổ tay áo, cánh tay áo, tâm áo nữ giới như lời kể về lý do chỗ ghép là những hoa văn đơn giản là vì trang phục bị cháy nên phải vá, mà cô gái mới chỉ tập dệt được những hoa văn đơn giản. Hoa văn con ốc biển trên váy áo như lời nhắc nhở về lịch sử vượt biển của tộc người Pà Thẻn đến nơi cư trú hiện nay. Hoa văn hình con chó, bàn chân chó là những câu chuyện cảm động về lòng thủy chung, nhân hậu, tình yêu thương giữa người Pà Thẻn với con chó và cũng là lý do mà người Pà Thẻn ngày nay không ăn thịt chó.

Câu chuyện chiếc thắt lưng có tám tua màu trắng đều nhau là câu chuyện về nguồn gốc tộc người Pà Thẻn khi di cư đến Việt Nam. Màu trắng là màu thể hiện sự trong trắng nên chỉ những thiếu nữ chưa chồng được dùng để thắt lưng, mang trên mình câu chuyện của nguồn gốc các họ của tộc người. Câu chuyện về hình trang trí mắt cua được tạo nên từ miếng vải 1cm2 màu đỏ ghép ở giữa 4 cạnh các ô vuông lớn màu trắng, xanh trang trí trên cạp váy, thể hiện sự tươi sáng, hướng đến mặt trời và sự tốt lành trong cuộc sống. Hoa văn hình lược bí có hình giống chiếc lược gắn với câu chuyện đấu tranh sinh tồn của tộc người...

Câu chuyện trong dân gian là những ý tưởng/ ước định ban đầu về cấu trúc, hình dáng, màu sắc trang phục của con người. Trong nhận thức của tộc người, có lẽ câu chuyện hay trang phục có trước đều không quan trọng bằng việc nó được lưu truyền, làm xuất hiện, tạo nên một hình ảnh trang phục với những đặc điểm tạo hình rõ nét trong tâm trí của mỗi người dân. Nó là ý tưởng cũng là quan niệm, xác lập hình thức về cái đẹp của trang phục. Nó phản ánh những mong muốn, suy nghĩ, thế giới quan của tộc người. Những câu chuyện, quan niệm thẩm mỹ này tồn tại mãi trong tạo hình trang phục, bộc lộ gián tiếp qua hình tượng nghệ thuật và các hiện tượng thẩm mỹ do con người xây dựng nên là hình khối, màu sắc, chất liệu, hoa văn trang trí… Đó là nếp nghĩ, nếp sống, nếp hành động dài lâu của tộc người.

Trong lịch sử mỹ thuật thế giới cũng vậy, mỗi giai đoạn lịch sử, dân tộc đều có những quan điểm thẩm mỹ nhất định. Quan điểm đó dẫn lối, chỉ đạo quá trình tạo hình, góp phần tạo nên nét độc đáo, đặc điểm trong nghệ thuật mà ta vẫn gọi là xu hướng, trường phái. Nghệ thuật tạo hình độc đáo trong tranh của danh họa Paul Cézanne được xem là xuất phát từ quan niệm nghệ thuật của ông: mọi vật trong đời sống đều có nguồn gốc từ những hình khối cơ bản. Điều đó cho phép ông đưa các hiện tượng sự vật như cây cối, hoa lá… về dạng hình khối cơ bản mà không quan tâm tới hình dáng bên ngoài của nó. Hay cách vẽ nhiều chân trong một di chuyển lên xuống cầu thang của một nhân vật được cho là cách để thể hiện sự chuyển động trong bức tranh nghệ thuật hai chiều, tĩnh...

Quan niệm thẩm mỹ về trang phục nữ truyền thống của dân tộc Pà Thẻn từ những câu chuyện lưu truyền trong dân gian, song nó cũng như quan điểm sáng tạo của mỗi nghệ sĩ, như những tuyên ngôn của các xu hướng nghệ thuật hiện đại… Graham Collier nói chỉ cần nói ra được mình vẽ gì, tại sao và như thế nào thì đó chính là lý thuyết. Ở đây không đặt vấn đề lý thuyết nghệ thuật như Graham Collier nhận định mà qua đó có thể thấy trang phục nữ truyền thống của dân tộc Pà Thẻn hoàn toàn có những quan niệm về cái đẹp, ý tưởng tạo hình rõ nét trong việc tạo nên trang phục truyền thống của dân tộc mình.

Quan niệm về cái đẹp đôi khi nó mang lại cảm xúc nhiều hơn cả những mảng hình, màu sắc, hoa văn được thể hiện. Quan niệm này chắt lọc qua thời gian trở thành truyền thống của dân tộc Pà Thẻn cũng như mỗi dân tộc khác, để tạo nên một nét riêng trong màu sắc trang phục của 54 dân tộc anh em Việt Nam.

4. Một số ý kiến của nghệ nhân dân gian về thẩm mỹ trang phục nữ của dân tộc Pà Thẻn

Theo nghệ nhân Ván Thị Chi, sinh năm 1969, ở thôn Mác Thượng, xã Tân Trịnh, trang phục đẹp phải là trang phục có đường may đều, chuẩn xác, các mảng vải phải vuông đều, không xô lệch, khi mặc trang phục không bị vặn, phẳng đều. Những khoảng trống, khe hở giữa các mảng vải ghép trang trí phải đều, hợp lý, không quá rộng. Theo chị, trang phục truyền thống của dân tộc được ông, bà truyền từ đời này sang đời khác, đã có quy cách theo khuôn mẫu, nó là biểu tượng, niềm tự hào của mỗi người dân.

Theo nghệ nhân Xìn Thị Giang, sinh năm 1966, ở thôn My Bắc, xã Tân Bắc, trang phục đẹp phải có những hình họa tiết hoa văn khó như hoa văn con chó. Các hoa văn trang trí phải được dệt đầy đủ chi tiết như trong bản mẫu (kemepơ), không được thiếu hoặc lược bớt chi tiết, bởi việc dệt đúng và đủ là rất khó. Hình họa tiết hoa văn dệt không bị lỗi hay chỉ không đều sẽ làm xấu trang phục. Chị nói rằng, việc dệt họa tiết hoa văn bây giờ ở dân tộc Pà Thẻn chủ yếu là người già, việc dệt đúng hoa văn rất khó nên phụ nữ trẻ ít người dệt được. Chị Giang đã từng tham gia lớp dạy dệt hoa văn trang trí trên áo cho chị em phụ nữ dân tộc Pà Thẻn tại xã Hồng Quang, tỉnh Tuyên Quang. Ở đó rất ít chị em dệt được những hình họa tiết hoa văn khó. Phần lớn họ chỉ biết dệt những hình đơn giản. Với chị, việc dệt được đúng những hình hoa văn khó là một nét đẹp ở cả trang phục và người dệt ra nó.

Chủ tịch Hội Nghệ nhân dân gian xã Tân Bắc, ông Xìn Văn Tu, sinh năm 1959, ở thôn My Bắc, xã Tân Bắc cũng là nghệ nhân cúng các nghi lễ dân gian cho rằng, trước trang phục của người Pà Thẻn không có hoa văn, từ khi học được từ bà phù thủy, trang phục mới có hoa văn và bản mẫu như ngày nay. Hoa văn trang trí thể hiện nét đẹp riêng của trang phục truyền thống dân tộc, trang phục đẹp, hoa văn sẽ có nét hơn. Màu đỏ của trang phục là màu của lửa, của lễ hội nhảy lửa, lễ xua đuổi tà ma, cầu mong sức khỏe, bình an.

Nghệ nhân cúng các nghi lễ dân gian Phù Minh Thành, sinh năm 1964, ở thôn My Bắc, xã Tân Bắc nói về phong tục mặc nhiều váy của cô dâu trong ngày cưới. Ông cho biết, tục lệ ngày xưa, trước khi vào nhà chồng, cô dâu có bao nhiêu váy, áo đẹp thì mặc hết lên người, khi vào trong nhà, cô dâu mới cởi bỏ bớt để tiện sinh hoạt. Có những cô có 4-5 bộ trang phục. Điều đó thể hiện sự chăm chỉ và khéo tay của người phụ nữ Pà Thẻn. Ngày nay, phong tục này không còn duy trì, thực tế các cô gái trẻ giờ chỉ có 1-2 bộ trang phục truyền thống, có cô còn mượn trang phục để mặc trong những ngày lễ cưới, lễ hội, của tộc người. Có thể do ít mặc, không mặc trong ngày thường chỉ mặc trong những ngày lễ hội mà trang phục nữ truyền thống của những cô gái trẻ ngày càng ít.

Thông qua những ý kiến của một số nghệ nhân dân gian, có thể thấy, quan niệm thẩm mỹ về trang phục nữ truyền thống hiện lên một cách thống nhất với những câu chuyện, truyền thuyết lưu truyền trong dân gian. Họ tuân thủ, sáng tạo trong những khuôn mẫu mà cha ông đã truyền lại và rất có thể chính đó cũng là một nét văn hóa đẹp trong đời sống của tộc người.

5. Kết luận

Quan niệm thẩm mỹ về trang phục nữ truyền thống của dân tộc Pà Thẻn được biểu hiện đầy đủ, sinh động trong đời sống của tộc người. Về hình thức, số màu chính có trên trang phục, tinh thần hòa sắc nóng rực, trọng tâm là màu đỏ của lửa, của sức mạnh các vị thần bảo trợ. Yếu tố hình khối, trang trí như một phần không thể thiếu cùng kỹ thuật chắp vải để tạo hình trang phục. Quan niệm thẩm mỹ còn thể hiện ở việc phối màu khăn, thắt lưng hay mang nhiều lớp váy trong những sinh hoạt của tộc người. Quan niệm thẩm mỹ còn thể hiện ở sự so sánh, phân biệt rõ sự khác nhau về số lượng màu của trang phục trong tương quan màu sắc của những dân tộc cùng ngữ hệ. Hơn hết, quan niệm này thống nhất xuyên suốt trong đời sống cũng như trong việc tạo hình trang phục của tộc người.

Nhận thức được quan niệm thẩm mỹ tạo hình trang phục truyền thống của dân tộc là cách chạm gần vẻ đẹp của trang phục, những sáng tạo độc đáo trong thủ pháp tạo hình trang phục. Chính quan niệm đó lặng lẽ lưu truyền một cách nguyên mẫu và làm cho trang phục trở thành biểu tượng trong nhận diện tộc người.

___________________

1, 2. Nguyễn Thị Huyền Nhung, Trang phục của người Pà Thẻn ở tỉnh Hà Giang, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016.

Tài liệu tham khảo

1. Lê Hường, Quan niệm của người Việt về cái đẹp qua ca dao, Tạp chí Triết học, số 5, 2015, tr.22-28.

2. Graham Collier (Trịnh Lữ dịch), Nghệ thuật và tâm thức sáng tạo, Nxb Dân trí, 2019.

3. Đặng Thị Quang (chủ biên), Văn hóa dân gian dân tộc Pà Thẻn ở Việt Nam, quyển 2, Nxb Văn hóa Thông tin, 2014.

4. Hoàng Văn Kiên - Vũ Diệu Trung (chủ biên), Người Pà Thẻn huyện Quang Bình tỉnh Hà Giang, Nxb Lao động, 2014.

5. Tạ Văn Thành, Nhập môn mỹ học, Nxb Trường Đại học Tổng hợp TP.HCM, 1995.

6. Ngô Đức Thịnh, Tạo hình và trang trí dân gian trên trang phục các dân tộc nước ta, Tạp chí Văn hóa dân gian, số 3, 1986, tr.51-57.

7. Thái Bá Vân, Tiếp xúc với nghệ thuật, Viện Mỹ thuật, Hà Nội, 1998.

NGUYỄN PHƯƠNG VIỆT

Nguồn: Tạp chí VHNT số 494, tháng 4-2022

;