Lâm Đồng có 3 dân tộc thiểu số (DTTS) bản địa đó là: Kơ Ho, Mạ và Churu. Trong 3 tộc người này, Churu có dân số ít nhất (khoảng 2% dân số của tỉnh). Tuy nhiên, điều đáng nói là hiện nay, người Churu vẫn còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa độc đáo mang tính bản địa, đó là các nghề truyền thống, những vật dụng trong lao động, sinh hoạt văn hóa tinh thần… Đặc biệt là các điệu dân ca, dân vũ, chuyện cổ Churu…
1. Văn hóa Chu ru
Tộc người Chu ru ở Lâm Đồng sống tập trung chủ yếu ở huyện Đơn Dương, nơi tiếp giáp với Ninh Thuận - địa phương có tỷ lệ người Chăm sinh sống khá đông. Theo tập quán, tộc người Chu ru quen sống tập trung trong các làng (plei), hay thôn, có tính bền vững cao. Một làng có nhiều dòng họ người Chu ru, hoặc cũng có làng có các dân tộc khác cùng cộng cư khá hòa thuận. Ví như làng Diom A (xã Lạc Xuân) có hai dòng họ: Touneh và B’nahria; làng Diom B (xã Lạc Xuân) có 3 dòng họ: Đơlơng, K’bao B’nuh và D’nơng Sang; làng B’kău (xã Tu Tra) có 3 dòng họ: Crugiang, B’nahria và M’hỏi. Hiện nay, trong cả 3 làng này đều có người Cơ ho, người Raglai và người Kinh cùng cư trú. Với người Chu ru ở huyện Đơn Dương, Touneh được xem là họ giàu có và quyền quý nhất (được xếp về đẳng cấp cao nhất) và được cộng đồng người Chu ru thừa nhận.
Các già làng kể lại, người Chu ru xưa thường sống quần tụ theo từng dòng họ; nhưng đến nay, cuộc sống có nhiều thay đổi, nhất là quá trình di dân, lập làng và việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính, đã làm thay đổi tư duy về nơi sinh sống, cư trú. Ngày nay, người Chu ru đã có sự giao lưu với các dân tộc khác, nên nhiều gia đình đã sống đan xen với các tộc người khác trên một địa bàn. Do vậy, hiện nay, ngoài huyện Đơn Dương, người Chu ru còn định cư rải rác ở một số huyện phía Nam của tỉnh như huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh và Cát Tiên.
Nhiều nghiên cứu dân tộc học về nguồn gốc cho rằng, người Chu ru rất giống với người Chăm nên đã làm nhiều người nhầm lẫn người Chu ru là người Chăm sống ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ. Ngôn ngữ Chu ru theo ngữ hệ Mã Lai - Nam Đảo. Song, do cư trú xen kẽ với người Cơ ho và quá trình giao thoa văn hóa, nên một bộ phận người Chu ru nói tiếng Cơ ho, thuộc ngữ hệ Môn-Khmer.
Điều thú vị là trang phục của người Chu ru rất giống trang phục của người Chăm. Các cô gái Chu ru với chiếc khăn màu trắng quấn từ trước ngực ra sau lưng, vòng qua vai, tạo thành chiếc áo với những đường chỉ màu óng ánh rủ xuống 2 ống tay. Dải hoa văn được dệt bằng chỉ đỏ, chạy dọc mép khăn làm cho chiếc áo, dù không có một đường may vẫn nổi bật trên chiếc váy màu đen. Trang phục của nam giới Chu ru đơn giản hơn, người nam thường choàng một tấm khăn chéo qua người, hoặc mặc áo dài màu đen, váy trắng, đầu quấn khăn trắng khi tham dự các lễ hội của buôn làng, hay vào các ngày lễ, Tết…
Về hôn nhân, gia đình của người Chu ru giống người Cơ ho bản địa là theo chế độ mẫu hệ; phụ nữ có vai trò quan trọng, quyết định toàn bộ cuộc sống trong gia đình. Khi thiếu nữ Chu ru đủ tuổi kết hôn, họ tự đi bắt chồng về chung sống và con cái lấy họ mẹ…
Hiện nay, trước thực trạng văn hóa bản địa của các DTTS dần bị mai một, người Chu ru vẫn còn lưu giữ khá nhiều sản phẩm văn hóa độc đáo, phản ánh đời sống văn hóa tinh thần của người Chu ru xưa. Đó là các nghề truyền thống lâu đời như: làm gốm, đúc nhẫn bạc, các vật dụng phục vụ trong lao động, sản xuất, sinh hoạt trong các lễ hội văn hóa cộng đồng như: cồng chiêng, kèn (Rơke), trống, đồng la (Sar), R’tông, Kwao, Tenia… là những nhạc cụ truyền thống độc đáo của người Chu ru. Tuy nhiên, trên thực tế, một số nghề và nhiều giá trị văn hóa của người Chu ru truyền thống cũng đang dần biến mất. Ví như, tại xã Tu Tra (huyện Đơn Dương) từng là làng nghề đúc nhẫn bạc nổi tiếng, đã đem lại sự sung túc, giàu có và là niềm tự hào một thời của tộc người Chu ru. Thế nhưng, hiện tại, chỉ còn duy nhất một gia đình giữ nghề truyền thống của tổ tiên, đó là nghệ nhân Ya Tuất, người cuối cùng còn lưu giữ nghề đúc nhẫn bạc… Trò chuyện với chúng tôi, nghệ nhân Ya Tuất không giấu được nỗi buồn, chia sẻ: “Nghề này có lịch sử lâu lắm, nghe đâu có từ thời bà tổ, bà cố (mẫu hệ)… truyền lại. Ở làng này từng có mấy chục nhà làm nghề và có nhiều nghệ nhân giỏi. Khi đó, nhẫn bạc được người ta mua nhiều, có cả người ở các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận… tìm mua. Nhưng giờ, rất ít người đặt hàng. Mình cứ làm để đó, có ai thích mua thì bán…”. Ya Tuất trầm ngâm: “Mình làm để nhớ nghề thôi!”. Chúng tôi hiểu, đằng sau câu nói bỏ lửng ấy là cả niềm tâm huyết của người đàn ông Chu ru đã sống gần 70 mùa rẫy này, muốn níu giữ hồn cốt tổ tiên - nét văn hóa đặc sắc và hết sức độc đáo, óc thẩm mỹ và khả năng nghệ thuật từ xa xưa của tộc người Chu ru, so với cộng đồng các DTTS trên vùng đất Nam Tây Nguyên hùng vĩ.
2. Nhầm lẫn người Chu ru với người Chăm
Ngoài sự nhầm lẫn giữa người Chu ru với người Chăm, một thực tế cũng khá thú vị nữa là trong cộng đồng người Chu ru trước nay không tồn tại nghề dệt thổ cẩm (đây là điều tế nhị và khác biệt so với cộng đồng các DTTS ở Việt Nam). Bởi không có nghề dệt thổ cẩm, nên tất cả trang phục của người Chu ru ở Lâm Đồng đều phải đặt mua của người Chăm. Đây cũng là lý do để các nhà nghiên cứu có lý giải thích: Vì sao trang phục của người Chu ru rất giống trang phục của người Chăm. Và người ta cũng có lý để… nhầm lẫn người Chu ru là người Chăm. Ngoài ra, cũng do sống gần gũi với các dân tộc khác và có tư tưởng hướng ngoại, nên trang phục của người Chu ru còn giống trang phục của người Cơ ho, Mạ…
Cũng như các tộc người DTTS khác, trước nay, người Chu ru sống dựa vào nông nghiệp (trồng lúa, cà phê, hoa màu, chăn nuôi gia súc, gia cầm) và đánh bắt cá trên các suối, sông, ven đập thủy lợi Đa Nhim… Do đó, người Chu ru có tín ngưỡng đa thần và có hệ thống lễ nghi nông nghiệp khá phong phú. Đặc biệt, tộc người Chu ru rất khéo tay được thể hiện qua nghề làm gốm, đúc nhẫn bạc. Những làng nghề như: Bkăn, Krang gõ, Krang chớ... (xã Tu Tra) từng nổi tiếng với nghề làm gốm và đúc nhẫn bạc trước đây.
Theo già làng Ya Loan (80 tuổi, hiện sống ở xã Tu Tra), khoảng 20 năm trở lại đây, sản phẩm các nghề truyền thống của người Chu ru (gốm, nhẫn bạc) bà con làm ra không bán được, không ai chịu trao đổi (đổi lúa, gạo, trâu, bò, chum, chóe, vải vóc…), vì rất ít người còn có nhu cầu sử dụng nên bà con bỏ dần, mất dần…
Cần nói thêm, nghề gốm của người Chu ru, cũng có ý kiến cho rằng, có nguồn gốc xa xưa từ vùng người Chăm. Bởi 2 dân tộc này sống gần nhau, đã trải qua quá trình buôn bán, giao lưu, đã truyền nghề cho nhau. Bất luận đúng, sai, chỉ biết rằng, thêm một lần nữa, người ta có lý khi đề cập về nét giống nhau giữa người Chu ru và người Chăm không phải là không có cơ sở.
3. Di sản văn hóa của người Chu ru hiện nay
Bao đời nay, người Chu ru sống gắn bó với thiên nhiên, đã rèn cho họ ý thức đoàn kết để đấu tranh sinh tồn. Trong di sản văn hóa của người Chu ru, hiện nay còn lưu giữ được vốn ca dao, tục ngữ khá phong phú, nổi bật là những bài hát, dân ca, dân vũ, kể chuyện cổ… ca ngợi vai trò người phụ nữ trong xã hội Chu ru. Trong đó, nhiều truyện cổ phản ánh cuộc đấu tranh của con người với thiên nhiên, thú dữ để bảo vệ cuộc sống dân làng.
Ngày nay, cộng đồng người Chu ru còn lưu truyền một số trường ca, truyện cổ mà các già làng thường kể lại cho con cháu nghe bên bếp lửa mỗi khi nông nhàn, hay trong các lễ hội. Trong đó, Ơ khan Tơ rơ can là những câu chuyện rất cổ; nội dung mỗi câu chuyện ẩn chứa tư tưởng, tình cảm, khát vọng, ý thức dân tộc, nhắc nhớ về nguồn cội, giáo dục thế hệ con cháu phải biết sống, ứng xử xứng đáng với tổ tiên của người Chu ru. Mỗi câu chuyện kể ấy còn là những thông điệp truyền dạy thế hệ sau phải biết phấn đấu vươn lên để làm rạng danh dòng họ và dân tộc của mình...
Trong các dịp lễ hội mừng lúa mới, mừng được mùa, cúng các vị thần nông nghiệp: thần nước, thần lửa, thần lúa, thần mặt trời, đặc biệt lễ cúng thần Bơmung… thường biểu diễn cồng chiêng, tấu điệu Tam-ga, đây là vũ điệu mang tính cộng đồng rất cao. Tại buổi lễ, các già làng Chu ru kể chuyện cổ để giáo dục, tư tưởng, tình cảm, ý thức dân tộc cho con cháu… Lĩnh vực văn hóa dân gian của tộc người Churu không chỉ có giá trị về mặt nghệ thuật, mà còn là nguồn tài liệu, dữ liệu lịch sử dân tộc học hết sức quý giá, rất cần được gìn giữ, bảo tồn và phát huy trong dòng chảy của cuộc sống đương đại.
THANH DƯƠNG HỒNG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 488, tháng 2-2022