Trong xã hội cũ, quan niệm nam nữ thụ thụ bất thân chỉ được thực hiện trong giới quý tộc, những người trung thành với giáo lý Khổng Mạnh. Trong dân gian, trên cánh đồng, ở các phiên chợ, trên những con thuyền đầy khách xuôi ngược, thanh niên nam nữ thường gặp gỡ, trò chuyện, hát hò một cách tự nhiên, thoải mái. Đặc biệt, vào các ngày hội xuân, hội thu và những đêm hát ví (có thể diễn ra trong bất cứ ngày nào) là những dịp để các đôi nam nữ trổ tài ứng đối mẫn tiệp. Người hát là họ, người thưởng thức là họ và bà con cô bác yêu thích văn nghệ ở gần nơi diễn ra cuộc hát.
Tại vùng châu thổ sông Hồng, đôi nam nữ hỏi đáp rất bóng bẩy, tế nhị: Bây giờ mận mới hỏi đào/ Vườn hồng đã có ai vào hay chưa?/ Mận hỏi thì đào xin thưa/ Vườn hồng có lối nhưng chưa ai vào.
Ở Thanh Hóa, đôi nam nữ thể hiện nội dung trên một cách mộc mạc, cụ thể: Hỡi cô mặc áo vá vai/ Tay ngắn tay dài đã có chồng chưa?/ Anh hỏi thì em xin thưa/ Vài ba nơi hỏi nhưng chưa nhận trầu.
Cũng ở tỉnh Thanh, trong một cuộc hát, người anh con trai nhằm vào người chị con gái xinh nhất làng mà hát một cách ỡm ờ: Hoa kia tươi tốt rườm rà/ Tuy rằng tươi tốt, khi mà châm ong.
Hai tiếng “châm ong” rất phũ. Tưởng rằng “đánh một đòn chết tươi”, không ngờ chàng trai bị cô gái vặn lại: Anh ở trong đó anh ra/ Cớ sao anh biết vườn hoa chị tàn?
Tất cả những người dự cuộc hát cười ầm lên. Cô gái tiếp luôn: Hoa tàn nhưng nhụy chưa tàn/ Muốn coi chị vén bức màn cho xem!
Thế là anh chàng hoàn toàn bị đo ván. Được cái anh ta cũng biết phục thiện nên sau đó, họ đã nên vợ nên chồng (1).
Cảnh giao lưu hát đối đáp trong phim Đại thi hào Nguyễn Du - Ảnh đoàn làm phim cung cấp
Đất Nghệ Tĩnh có truyền thống hiếu học, có Truyện Kiều bất hủ và quen thuộc với người dân, đã diễn ra không ít những cuộc hò hát, đối đáp thú vị. Cố GS Đặng Thai Mai (1902-1984) kể chuyện ở quê hương ông: “Trong đời sống kinh tế lúc bấy giờ, đò với chợ là chỗ tình duyên thắm thiết. Đó là chú liên lạc dắt duyên cho chợ nọ với chợ kia, cho làng quê với thị thành. Đó là một cửa hàng bách hóa lưu động. Đó cũng là địa điểm “nói trạng” của các chú lái, các cô hàng xén. Và những đêm gió mát, trăng trong, khi mấy chiếc mái chèo từ từ vỗ loe toe trên mặt nước, nhịp nhàng với bàn chân của các trai bạn đạp xuống nơi mấy tấm sạp đầu lái, đầu mũi, thì thỉnh thoảng khách đi thuyền vẫn được thưởng thức những câu nô đùa trong một câu hát “tức cảnh” chứa chan những tình, với tứ… Con thuyền vừa đủng đỉnh xuống khỏi một cái ghềnh. Khúc sông, đoạn này bị kẹp chặt vào giữa hai quả núi: Rú Kia và Rú Đầng. Đầu “trẹm”, nơi bến nước, một cô thiếu nữ, hai vai quảy đôi vò, đang xắn váy đứng chao nước. “Trời trong veo, nước trong veo” như… tâm hồn một cô thiếu nữ làng quê… Một chú chèo đò nhìn thấy cô và cất tiếng gửi ngay hai câu hát tới tận tai cô ả: Rú Kia húc lại rú Đầng/ Chộ (thấy) em to vụ (vú) anh mầng (mừng) cho em. Cả đò dậy lên cười! Cô thiếu nữ, mặt đỏ ửng, đứng ngẩn người, chả biết đối đáp mần răng!” (2).
Nhưng không phải bao giờ phái yếu cũng thua. Một hôm, cô bán vải từ trên mui thuyền bước chân xuống đầu lái, chẳng may tà váy mắc ngay vào cái cọc. Một thày đồ trẻ nhanh mắt trông thấy và ngâm ngay tức khắc: Rõ ràng trong ngọc trắng ngà/ Sẵn đây ta đúc một tòa thiên nhiên. Cô gái đã có đủ thời gian để nhỏm dậy, ngồi xuống và nghe đủ cả hai câu. Cô sửa cái vành khăn và “Kiều” lại: Mười lăm năm em mới một lần/ Hé gương cho khách hồng trần thử soi.
Cố GS Đặng Thai Mai còn kể giai thoại Phan Bội Châu (1867-1940) đi hát phường vải. Trước câu thách đố hóc búa của bên nữ: Thiếp đưa chàng một nạm (nắm) ngô rang/ Chàng đúc nơi mô mà mọc thiếp theo chàng từ đây. Phan Bội Châu đã nhanh trí trả lời: Chỗ nào nắng mãi không khô/ Mưa lâu không ướt đúc vô mọc liền.
Kể chuyện, kể vè, ca hát, nói vãn... những hoạt động văn nghệ này không hề xa lạ đối với hàng vạn, hàng triệu người dân: Chợ nào chợ chẳng có quà/ Người nào chẳng thuộc một và bốn câu/ Chợ nào chợ chẳng có cau/ Người nào chẳng biết vài câu huê tình (Hát ví châu thổ Bắc Bộ).
Trong số đông đảo quần chúng, ở mỗi vùng, mỗi tỉnh nổi bật lên một số ít người mà ngày nay giới nghiên cứu gọi họ là nghệ nhân dân gian. Họ có năng khiếu văn nghệ, có người vừa biết hát, vừa biết sử dụng nhạc cụ. Họ có trí nhớ tốt, có thể lưu giữ được “những câu ví vặt chất ba gian đình”. Họ có giọng hát hay, có tài ứng đối linh hoạt và có đạo đức. Cụ Phạm Văn Thà vốn là anh Ba Thà, nổi tiếng trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 về hát quan họ, cho biết: “Quan họ chúng tôi có đạo đức, tư cách như thế cho nên ngay các chức dịch, lý phó trưởng ngày xưa cũng phải nể và đối xử kính trọng chúng tôi. Dân thì rất quý quan họ rồi” (3).
Ở các nghệ nhân, đạo đức cao nhất, đẹp nhất là yêu nước, thương dân, gắn bó với dân. Đầu TK XV, giặc Minh xâm lược, đàn áp dân ta. Nữ nghệ nhân Đào Thị Huệ khi bị giặc bắt, đã biết dùng thanh sắc và mưu trí tiêu diệt giặc ngay tại sào huyệt của chúng. Bọn giặc có thói quen ngủ trong túi gai để tránh muỗi. Mỗi tên một túi, cứ tối đến, sau khi chui vào, chúng lại sai nàng thắt túi cho chúng. Sau khi thắt chặt những chiếc túi ấy, lợi dụng lúc sơ hở, cứ mỗi đêm, người ca nữ họ Đào lại lẻn ra mở cổng trại, đón trai làng ném những túi gai đó xuống sông Cái. Trong vòng một tháng, số giặc mất tích lên quá 700 tên. Giặc Minh vừa sợ vừa tức, phải nuốt hận rút khỏi đất Đào Đặng. Sau khi nàng mất, dân chúng Đào Đặng lập đền thờ và gọi thôn nàng ở là làng thôn Ả Đào (4).
Trong sinh hoạt văn nghệ dân gian, vai trò của người phụ nữ được đề cao: Nam phải tòng nữ chàng ơi/ Nam không tòng nữ, chúng tôi ra về (Hát ví châu thổ Bắc Bộ). Đêm nay mây trắng trời xanh/ Mời em lên giọng trước, để anh xin đáp lời (Hát ghẹo Thanh Lâm, Nghệ Tĩnh).
Phần lớn những người đi hát là trai chưa vợ, gái chưa chồng. Cũng có một bộ phận đáng kể người hát đã lập gia đình. Vì vậy mới có lời: Ai có chồng nói chồng đừng sợ/ Ai có vợ nói vợ đừng ghen/ Tới đây hò hát cho quen/ Rạng ngày mai ai về nhà nấy, há dễ ngọn đèn hai tim. Có khi ngồi sau mỗi bên nam nữ còn có một nhà nho cao tuổi, am hiểu chữ nghĩa và giỏi ứng đối để mách cho cách ra khỏi thế bí. Vì thế, bên nam đã từng hát: Đố em, đố cả người bày/ Sao sa xuống đất mấy ngày sao lên?
Hát đối đáp giao duyên quan họ Bắc Ninh - Ảnh: dantri.com.vn
Ở các làng ví giặm Nghệ Tĩnh, trong các cuộc hát đối đáp với nam giới, phụ nữ thường là người thắng cuộc: dì Tương thắng sĩ Đường, Tiu Hào làm bại trận cả hai cha con sĩ Đường và Đường con, Tiu Hào hạ xã Tam, o Sĩ thắng nhiêu Xuân...
Có nhiều cặp hát ví nên duyên vợ chồng ấm êm, nhưng cũng không ít cặp chỉ để lại cho nhau những nỗi khổ đau, thương nhớ cả đời như nghệ nhân Bùi Văn Tiện và o Sâm. O Sâm sinh khoảng năm 1920, ở làng Phú Nghĩa, nay thuộc xã Thạch Bằng, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. O buôn nước mắm lên bán ở chợ Lù. O ví hay, giọng rất trong, ấm và không ví chua, ví ngoa bao giờ. Hôm đầu tiên gặp nhau, anh Tiện ví hỏi o quê ở đâu? O hát trả lời bằng cách chiết tự: Giằng đầu nhất khẩu chữ điền/ Thảo đầu, vương ngã là miền quê em.
Anh Tiện biết đó là chữ Phú Nghĩa (富義) nhưng chưa vận được vào câu ví nên hát ngay một đoạn vè chọc tức: Em nói quê em là làng Phú Nghĩa/ Ở gần cạnh Kim Đôi/ Nam thì vào lộng ra khơi/ Họ băng biển vượt vời/ Bủa chài lưới mọi nơi/ Nữ cũng băng biển vượt vời/ Buồn cho bạn, bạn ơi/ Chỉ đầu thạng (thùng gỗ) đầu nồi/ Lên Lù chợ bạn ngồi/ Tay rót với miệng mời/ Mắm ngon lắm bà ơi!/Mua về kho thịt lợn/ Mua về xào thịt lợn.
Những người nghe hát reo ầm lên. Nhưng o Sâm vẫn bình tĩnh, không tỏ ra giận dỗi, cất lên tiếng hát trong và ấm: Khách tình ơi! Chợ Lù một tháng mười lăm phiên/ Trước thì em buôn nước mắm, sau nữa để kiếm bạn hiền kết đôi/ Hôm nay gặp được anh rồi/ Muốn đàn câu tình nghĩa, muốn gửi lời ái ân! Anh Tiện đáp: Đi đây có bạn có phường/ Việc giao ngôn với bạn, tôi hãy nhường hai anh/ Đêm sau trăng tỏ trời thanh/ Muốn đàn câu tình nghĩa, em với anh sẽ bàn! Giọng o Sâm tha thiết hơn: Đèn tàn thấp thoáng bóng trăng/ Ai đưa người ngọc thung thăng chốn này?/ Đêm nay, thì biết đêm nay/ Đêm sau chưa dễ anh còn đến nơi này nữa không? Khi ấy những người đi hát và bà con nghe ví bèn bàn với anh Các, anh Đệ là những người nhiều tuổi hơn đã nhóm lên cuộc ví, nhường đêm ví cho anh Tiện và o Sâm. Anh Các lên tiếng: Chữ rằng thiên tải nhất thì/ Nhường hai em ít tuổi, hát với đôi dì cho vui/ Anh em tôi trở gót quy hồi/ Ra về xin gửi một lời chào chung.
Khi hát, bên nam cũng như bên nữ đều cần người đỡ giọng cho câu hát dài hơi, mượt mà. Vì vậy, anh Các mới hát “hai em ít tuổi, hát với đôi dì”. Từ lúc đó cho đến gần sáng, cuộc hát của anh Tiện, o Sâm đậm đà tình nghĩa, khiến người nghe cảm động, thích thú.
Anh Tiện mê giọng hát, mê cái tình trong câu ví của o Sâm nên khao khát muốn biết mặt người con gái đang bày tỏ tâm tình. Tiếc thay, đêm đó trăng mờ, người ví lại ngồi dưới mái đình chợ, nên mờ mờ ảo ảo. Anh Tiện còn nghe nói o Sâm đẹp lắm. Ngay sáng hôm sau, anh Tiện rủ người anh họ là Bùi Tiên lên chợ Lù xem mặt o Sâm. Nhận ra nhau, họ hẹn đêm hôm sau hát tiếp. Khoảng bảy giờ tối, anh Tiện và người bạn hát đến chỗ hẹn, đã thấy hai thanh niên ở Kẻ Eo đang ví cùng bên o Sâm. Do không trả lời được câu “Tên cha Kim Trọng, mẹ Thúy Kiều là chi?”, hai anh Kẻ Eo bực mình bỏ đi. Các o vui vẻ mời anh Tiện và bạn hát vào nhà bà Vơn, nơi các o trọ, xơi trầu, nói chuyện. Vừa ngồi xuống, nói được vài câu thì cả chủ và khách đã nghe nhiều tiếng quát nạt: “Chúng bay có ví cho chúng tao nghe không, chỉ trò chuyện với nhau, chúng tao cho ăn đất, ăn đá đây này!”. Liền đó nghe đất đá ném vào vách, bà Vơn vội lao ra, kêu vội vã: “Xin anh em, bà con, có... có ví. Xin đừng xán (ném)!”. Bà con đến nghe ví, vì quá thích nghe nên họ ép anh Tiện và o Sâm phải ví. Các nam thanh nữ tú phải bỏ dở câu chuyện, chia nhau người ở trong sân, người ngoài quán chợ (nhà bà Vơn ở sát chợ), hò hát để chiều lòng bà con. Lúc trước đã “khảo” hai anh Kẻ Eo về Truyện Kiều, lúc này o Sâm tiếp tục “khảo” anh Tiện và người bạn hát về thi phẩm của cụ Nguyễn Du: Nghe tin anh thuộc sách Kiều nhi/ Hỏi anh coi thử bốn câu chi một tiền.
Mới nghe, anh Tiện cũng bối rối vì Truyện Kiều không có câu nào nói đến một tiền, lại là bốn câu một tiền là thế nào? May thay, anh Tiện nghĩ ra một tiền bằng 60 đồng kẽm. Thế là anh đáp: Mười lăm năm bấy nhiêu lần/ Làm gương cho khách hồng trần thử soi/ Kể từ lưu lạc quê người/ Bèo trôi sóng vỗ chốc mười lăm năm/ Những là rày ước mai ao/ Mười lăm năm ấy biết bao nhiêu tình/ Những từ sen ngó đào tơ/ Mười lăm năm ấy bây giờ là đây!/...Một tiền tính đủ trao tay/ Trầu cau, sắp lễ cho ngày vấn danh.
O Sâm khen anh Tiện và “khảo” thêm gay go hơn: Truyện Kiều anh đã rất sành/ Cho em xin được hỏi anh vài điều/ Thương nhau sinh tử cũng liều/ “Trăm năm”: Xin kể Truyện Kiều mười câu?
Câu này đối với anh Tiện không khó vì anh thuộc Truyện Kiều như cháo. Cái khó là phải sử dụng câu chữ của Truyện Kiều mà nói được cái tình, cái cảnh của mình, lại phải sắp xếp sao cho câu trên, câu dưới ăn vần với nhau thì mới lọt tai người nghe. Trước thử thách này, anh Tiện chỉ tạm vượt qua vì câu dưới không vần với câu trên: Chở che đùm bọc thiếu gì/ Trăm năm danh tiết cũng vì đêm nay/ Đã nguyền hai chữ đồng tâm/ Trăm năm thề chẳng ôm cầm thuyền ai.
O Sâm bao giờ cũng nhẹ nhàng, nhún nhường, nhưng ví với o không dễ. Có một lần sau khi anh Các, anh Đệ ví tình, ví nghĩa với o, o quay ra thách đố sự học hành, hiểu biết: Hôm nay gió mát trăng thanh/ Gặp đây xin hỏi quý anh mấy lời/Ai người hay chữ nhất đời/ Ba ngàn sĩ tử bảy mươi học trò/ Ấy là em hỏi nghề Nho/ Còn đây nghề thuốc nói cho em tường: Ai tìm bách diệp, linh đơn/ Chế thuốc để cứu thế nhơn khổ tình?/ Ai mà biết số thiên đình/ Kẻ hơn người kém, số mình số ta?/ Ai hay hướng cửa, hướng nhà/ Tróc long, phục hổ ai là chính tông/ Mấy lời anh giảng cho thông/ Em xin kết nghĩa vợ chồng trăm năm!
Vì không được học, anh Đệ và anh Các liền cầu cứu anh Tiện. Anh Tiện biết đó là Khổng Tử, Biển Thước, Trần Đoàn, Tả Ao nên đáp lại dễ dàng: Hội này gió mát trăng thanh/ Bạn anh không đối thì anh đỡ lời/ Đức Khổng Tử hay chữ nhất đời/ Ba ngàn sĩ tử bảy mươi học trò... Ví trả lời xong, anh Tiện lại nhường anh Các, anh Đệ tiếp tục cuộc vui. Được một hồi, anh Dương Bình ở xóm Thượng Phú cất tiếng ví nhạo, phá đám: Các anh ơi, ta về tắm rửa cho thơm tho/ Kẻo ngấm mùi nước mắm trở của hai o mà hết hồn!
Nghe câu ví ngộ nghĩnh, người ta reo cười ầm ĩ. O Sâm lặng đi một lúc rồi buồn bã ví: Ới bạn tình ơi!/ Thôi đành nghỉ ví đêm nay/ Kẻo bạn phường chế nhạo, đắng cay nặng nề/ Tạ từ quay gót trở về/ Chưa trao câu hẹn, dạ trăm bề ngổn ngang.
O Sâm xinh đẹp, thông tuệ, dịu dàng và chứa chan tình cảm như vậy, nên anh Tiện say o và o cũng mê anh lắm. Khi anh dẫn ông chú đến nhà o, nhà o giàu lắm, kẻ làm thuê làm mướn rầm rập trong ngoài. Ông chú lắc đầu bảo anh: “Nhà người ta như thế, nhà cháu mẹ góa con côi, lấy người ta về, làm khổ người ta và người ta cũng khinh mình đi. Thôi đành phận nghèo thôi cháu ạ!”. Anh Tiện cũng nghĩ thế, từ bấy anh trốn biệt, không dám ví với o Sâm và cũng không dám gặp o nữa. Ít lâu sau, anh nhận được hai bài thơ của o Sâm do một bạn ví chuyển hộ. Một bài viết khi tình cảm hai người sôi nổi, thiết tha; một bài viết khi anh đã “co giò bỏ chạy”. O gửi cả hai bài với cái ý là “Tôi yêu anh đến thế mà anh nỡ phụ tôi đến thế” (5).
Qua lời kể của cố GS Đặng Thai Mai và dõi theo các cuộc hát của hai nhân vật trung tâm là o Sâm và anh Tiện, chúng ta thấy được môi trường, khung cảnh ca hát, sự nhường nhịn, giúp đỡ nhau giữa các bạn hát, sự phá đám của người đi hát không có thiện chí, phản ứng lịch sự của người nghệ nhân khi bị xúc phạm, tài trí mẫn tiệp của các nghệ nhân dân gian và sự say mê thưởng thức của đông đảo bà con. Tình yêu trong cuộc hát đối đáp nhiều khi dẫn đến những lứa đôi hòa hợp trong cuộc đời thực, nhưng cũng có khi chỉ để lại nỗi niềm đau đáu khôn nguôi như trường hợp o Sâm, anh Tiện năm nào.
_______________
1. Xuân Diệu, Các nhà thơ học những gì ở ca dao, Tạp chí Văn học, Hà Nội, số 1, 1967.
2. Đặng Thai Mai, Văn thơ Phan Bội Châu, Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1958. Được in lại trong: Đặng Thai Mai, Tác phẩm được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2003, tr.196-197.
3. Nhiều tác giả, Một số vấn đề về dân ca quan họ, Ty Văn hóa Hà Bắc xuất bản, 1972, tr.272.
4. Nhiều tác giả, Hát cửa đình Lỗ Khê, mục “Tiếng thơm ả đào”, Sở Văn hóa - Thông tin và Hội Văn nghệ Hà Nội, 1980.
5. Các cuộc hát và câu chuyện về anh Tiện, o Sâm dựa theo bài viết Cố nhân Bùi Văn Tiện kể chuyện ví với o Sâm của tác giả Bùi Văn Cường, Tạp chí Nguồn sáng dân gian, Hà Nội, số 4, 2010, tr.94-98.
GS, TS NGUYỄN XUÂN KÍNH
Nguồn: Tạp chí VHNT số 488, tháng 2-2022