Tín ngưỡng thờ đá của người Mông ở Cao nguyên đá Đồng Văn

Trong đời sống tín ngưỡng tâm linh Việt Nam, thờ đá được phổ biến như một loại hình tín ngưỡng cổ truyền, một biểu hiện rõ nét cho tâm thức vạn vật hữu linh, sùng bái các yếu tố tự nhiên. Tuy vậy, biểu hiện của tín ngưỡng này lại rất đa dạng, có khác biệt tùy theo từng tộc người và địa phương cụ thể. Trong đó, người Mông sống ở khu vực cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang cũng duy trì một phương thức thờ đá riêng, rất độc đáo.

Từ hàng trăm năm trước, trên mảnh đất cao nguyên đá cằn cỗi, khô hạn nơi địa đầu Tổ quốc, dân tộc Mông đã đến định cư. Họ tồn sinh và tạo lập nên một nền văn hóa đặc sắc với sự gắn kết, quấn quyện giữa đá và người, một cộng đồng người bao đời nay đã “sống trên đá, chết vùi trong đá”.

Sống ở xứ sở có hơn 80% địa hình bị bao phủ bởi đá, không có gì khó hiểu khi đá chiếm vai trò chủ đạo trong đời sống vật chất và đời sống tinh thần của con người nơi đây. Đá gắn bó, bao bọc và chở che người Mông ở Đồng Văn qua bao thế hệ. Từ đá núi lạnh lùng, thô cứng, qua bàn tay người Mông, trở thành hàng rào đá đẹp mà kiên cố, chở che những nếp nhà nhỏ. Đá còn được đẽo gọt làm vật dụng sinh hoạt: cối đá, chậu tắm. Đá giữ cho nương ngô vững vàng trước gió mưa. Những hốc đá nhỏ là nơi người Mông tận dụng để trồng ngô và các loại hoa màu, mỗi hốc chỉ một vài cây ngô, tạo nên loại hình “thổ canh hốc đá” vô cùng độc đáo, chỉ có thể thấy ở Đồng Văn.

Hơn thế nữa, từ cuộc sống thực tiễn, đá được thiêng hóa, thăng hoa và trở thành một phần đời sống tín ngưỡng tâm linh của người Mông. Đá dung dưỡng con người trong đời sống vật chất và cũng chính linh hồn đá, thần đá chở che, an ủi con người trong thế giới tinh thần, giúp người Mông vượt qua được những khắc nghiệt, khó khăn, để duy tồn và phát triển. Cứ như vậy, tín ngưỡng thờ đá ở vùng cao nguyên đá này tồn tại như một lẽ đương nhiên, được biểu hiện đa dạng, là minh chứng cho mối quan hệ văn hóa sinh thái chặt chẽ giữa con người và môi trường tự nhiên.

Nhà ở và hàng rào đá của người Mông - Ảnh: Ngọc Minh

Trong tâm thức của người Mông, đá cũng tuân theo quy luật vòng đời giống như con người: sinh ra - trưởng thành - tiêu vong. Tập hợp các biệt ngữ, được sử dụng trong cộng đồng người Mông ở đây, là minh chứng cho tâm thức này. Theo đó, đá được phân loại theo cách gọi dân gian thành: “đá sinh” (sống) và “đá chết”. Đá sinh ra đời từ đá cha mẹ, dần lớn lên, thậm chí còn có thể rơi nước mắt, chảy mồ hôi. Khi đá sinh bị tách rời khỏi đá cha mẹ, sẽ trở thành đá chết. Theo cách giải thích của người dân địa phương, đá sinh là những tảng đá xuất lộ trên bề mặt, gắn chặt vào đá gốc (đá cha mẹ) hoặc có chân ăn sâu vào lòng đất. Do nước mưa dần bóc đi những lớp đất mặt bám xung quanh đá sinh khiến tảng đá ngày càng xuất lộ. Người dân địa phương thấy tảng đá ngày càng trở nên lớn hơn nên họ cho là “đá biết lớn”. Nước mắt của đá hay mồ hôi của đá là những giọt nước trên bề mặt tảng đá hình thành do độ ẩm, sương hay do nước mưa. Và cuối cùng, khi đá sinh bị tách rời khỏi đá gốc, nó trở thành đá chết. Đá như đang sống với đầy đủ những trạng thái, cảm xúc của con người. Đá có linh, có hồn và ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của con người. Sinh tồn trong địa bàn với điều kiện sống khắc nghiệt như vậy nhưng người Mông ở cao nguyên đá không mảy may có ý niệm căm ghét hay chối bỏ đá; ngược lại, họ tin rằng, đá là nguồn sống mà họ có thể dựa vào và vượt qua mọi khó khăn ngoại cảnh.

Của cải nằm trên đá

Lao động vất vả đem lại ấm no

                    (Tục ngữ Mông) (1)

Nhiều quan điểm thú vị về vai trò của đá được hé lộ trong truyện cổ tích của người Mông, trong đó, hình ảnh đá gắn liền với sự bền vững là khá phổ biến. Như trong truyện Ông Trày, Bà Trày: người Mông tin rằng, thuở ban đầu, trái đất chỉ là một khối bùn đất lõng bõng. Hai vị thần khổng lồ là ông Trày, bà Trày tạo ra đá và làm quả đất trở nên cứng cáp, bền vững. Bên cạnh đó, chính đá đem lại lửa chiếu sáng, sưởi ấm và làm chín thức ăn cho con người, đem lại hạt ngô mà sau này trở thành cây trồng quan trọng bậc nhất của người Mông (2). Đặc biệt, hình ảnh những hang đá chứa đầy của cải, tượng trưng cho sự thịnh vượng, là một minh chứng sinh động cho niềm tin độc đáo của người Mông Đồng Văn vào giá trị của đá. Trong kho tàng truyện cổ tích Mông ở Hà Giang (3), có truyện Cú và Câu, nói về một cậu bé Mông trợ giúp cho một con rồng và được con rồng chỉ đường đến hang đá, nơi có tích trữ rất nhiều của cải. Truyện Người bà và hai người cháu kể về một hang đá trên núi có cất giấu thức ăn và đồ uống. Một số truyện khác có môtip tương tự như Mồ côi và chị gái hay Ở hiền gặp lành. Những câu ca dao, truyện cổ tích Mông kể trên đều chứng minh cho niềm tin độc nhất của người Mông vào giá trị của đá như là nguồn của sự sống và vai trò thực tế của đá trong đời sống của người Mông Đồng Văn đã cho thấy rõ điều này.

Trong quan niệm dân gian của người Mông, đá có linh, có hồn và tác động trực tiếp đến cuộc sống của con người, thậm chí là theo những chiều hướng tiêu cực: Tôi làm việc tận dưới nương/ Bị mắc phải con ma đá/ Tôi làm mùa tận dưới thung/ Bị vướng phải con ma rừng/ Đau nhức nhói khắp cả thân/ Bước vội về tới nhà/ Cơn đau cũng không tha (4). Hay: Gầu li dâu (5) biết ốm không biết khỏi?/ Vì Gầu li dâu/ Đi làm việc ở khe xa/ Vướng phải con ma đá, ma cà (6).

Tín ngưỡng thờ đá của người Mông Đồng Văn gắn liền với sự sùng kính, e sợ linh hồn đá. Người Mông luôn cẩn trọng và có những điều kiêng kỵ nhất định, nhằm chung sống hài hòa với linh hồn đá. Họ đặc biệt rất lo ngại việc vô tình xâm phạm đến không gian riêng của đá. Họ chia sẻ với nhau kinh nghiệm về việc tránh xa những vách đá cao và dốc có những tảng đá lung lay trong những ngày mưa hoặc gió mạnh, vì lo sợ “ma đá” (theo như quan niệm dân gian) sẽ lăn đá lớn xuống phá hoại mùa màng, nhà cửa và cả tính mạng. Phải tránh cả việc đốt lửa gần những tảng đá lớn hay những vách đá nếu không muốn linh hồn đá bị xâm phạm, sẽ lật đá đè chết người và vật nuôi. Đặc biệt, trong việc xây dựng nhà cửa, người Mông cũng hiếm khi ở gần khe, vách, hay những hang đá, do họ tin rằng địa điểm như vậy giống như miệng của những con thú (cóc, hổ…), sẽ nuốt hết vận may của gia đình, sẽ bị làm ăn thất bát và thường mắc bệnh tật.

Một mặt, họ tương tác với linh hồn đá trong ý thức kính sợ, mặt khác, họ mong muốn nhận được sự bảo trợ từ linh hồn đá. Trước khi người Mông khai thác đá trên núi hay canh tác trên nương đá, họ không quên cầu nguyện cho sự chấp thuận của linh hồn đá và thần núi với niềm tin rằng công việc sẽ hoàn thành suôn sẻ, không có những tai nạn như đá kéo chân hay cạnh đá sắc cắt chân, tay, gây chảy máu. Khi băng qua những những hẻm núi hay vách đá cao, nếu tự nhiên thấy chân mỏi mệt, họ ngay lập tức tin rằng, ở đó có linh hồn đá cư ngụ; họ bẻ một cành cây khô, làm gậy chống vào đó, xem như mượn sức mạnh của đá làm giảm nhẹ đi gánh nặng trên đôi chân, đôi vai của mình.

 Đá còn trở thành cha mẹ nuôi, bảo trợ cho những đứa trẻ ốm yếu, bệnh tật. Phong tục thờ cha mẹ đá của người Mông bắt nguồn từ niềm tin mãnh liệt vào sức mạnh của linh hồn đá cũng như sự cứng rắn vĩnh cửu của đá, tượng trưng cho sự khỏe mạnh. Khi một gia đình Mông có đứa trẻ ốm yếu, họ sẽ đến các ngã ba, ngã tư đường và tìm một hòn đá sinh lớn, có dáng cao, đứng thẳng như một người sống. Họ gọi đây là bố mẹ đá của đứa trẻ và làm một nghi lễ buộc những sợi chỉ đỏ quanh bố mẹ đá, để linh hồn đá truyền sức mạnh vào đó. Sau nghi lễ, sợi chỉ đỏ này sẽ được cột vào cổ tay của đứa trẻ với lời dặn dò: “Đây là sợi chỉ đỏ mà bố mẹ đá dành cho con. Nó sẽ giúp con khỏe mạnh và may mắn dài lâu”.

Tín ngưỡng thờ đá cũng được thể hiện rõ nét trong các nghi thức tang ma của người Mông. Ở cao nguyên đá Đồng Văn, lớp đất bề mặt tương đối mỏng nên người Mông đã duy trì truyền thống xây dựng những ngôi mộ đá để bảo vệ thi hài người chết, quan trọng hơn, họ ước mong linh hồn người đã khuất sẽ được linh hồn đá chở che và sưởi ấm. Theo quan niệm dân gian của người Mông, sau khi ngôi mộ đá được hoàn thành, linh hồn người chết sẽ ở lại trần gian khoảng vài ngày và người sống phải thăm nuôi. Họ thường đặt nước, cơm và thịt trong 3 ống tre, treo ở những tảng đá lớn hay những vách đá mà theo người Mông, là nơi cư ngụ tạm thời của linh hồn người chết. Lại là linh hồn đá tiễn đưa con người trên chặng đường cuối cùng về thế giới bên kia. Cũng vì quan niệm linh hồn người chết cư ngụ trên những tảng đá, người Mông thường không đốt những di vật của người chết mà thường đặt lên đá để những di vật này dần phân hủy, một cách gửi đến người chết để họ tiếp tục sử dụng ở thế giới bên kia. Đặc biệt, người Mông rất kiêng kỵ treo đồ của người chết trên cây vì họ cho rằng, nếu treo như vậy, gia đình người còn sống sẽ lụn bại.

Cuối cùng, với người Mông, đá hóa thân trở thành đá tổ tiên, đá ông bà, vị thần bảo hộ cho mỗi gia đình người Mông ở cao nguyên đá Đồng Văn. Trên thực tế, tín ngưỡng thờ đá tổ tiên được thực hành với nhiều sắc thái đa dạng. Có gia đình chọn đá tổ tiên ở ngoài nương ngô, vì họ mong muốn đá tổ tiên sẽ bảo vệ mùa màng khỏi thú hoang và phù hộ cho vụ mùa bội thu. Trong khi đó, phần lớn lại chọn đá tổ tiên ở gần nhà ở và nhờ vậy, đá tổ tiên bảo vệ con người, nhà cửa, vườn tược và vật nuôi. Đá được chọn phải là đá sống, có hình dáng đẹp, dáng cao và đứng vững vàng trên mặt đất, tượng trưng cho sự bền vững và thịnh vượng dài lâu. Đá tổ tiên mang tính cha truyền con nối và sẽ được các thế hệ trong gia đình người Mông thờ phụng. Nghi lễ thờ đá tổ tiên thường được tổ chức vào dịp đầu xuân với sự tham gia của đầy đủ các thành viên trong gia đình. Vào ngày tổ chức nghi lễ, họ tập trung chuẩn bị một mâm đồ lễ đơn giản với rượu, thịt, đậu phụ và cơm, đôi khi cả món mèn mén truyền thống, đốt hương dâng lên đá tổ tiên và cả gia đình tập trung cầu nguyện. Đồ lễ sau đó sẽ được chia sẻ giữa tất cả thành viên của gia đình.

Tựu trung lại, tín ngưỡng thờ đá đóng một vai trò nổi bật trong đời sống văn hóa của người Mông trên cao nguyên đá Đồng Văn. Ở một góc nhìn sâu sắc hơn, có thể thấy chính việc sống trên đá đã góp phần hình thành, duy trì tập hợp những nghi lễ và truyền thống gắn với đá, nguồn tài nguyên quan trọng nhất ở xứ sở này. Mặt khác, gạt bỏ những yếu tố có thể dẫn đến các hiện tượng mê tín dị đoan cần loại trừ, việc thực hành những tín ngưỡng và truyền thống này hằng năm đã giúp những tri thức sinh thái được kết tinh và chạm vào tâm khảm ý thức của mỗi người. Ở đây, thờ đá không đơn thuần chỉ là một loại hình tín ngưỡng hay một thực hành văn hóa tinh thần mà có thể được xem là một hệ quả tất yếu của mối quan hệ văn hóa - sinh thái, cụ thể là quá trình thích nghi lâu đời với một hệ thống những tri thức dân gian gắn môi trường cao nguyên đá của người Mông bản địa qua hàng thế hệ (7).

_________________________

1. Lê Trung Vũ, Tục ngữ và câu đố Mông, Sở Văn hóa Thông tin, Hà Giang, 1994, tr.23.

2. Lê Trung Vũ, Truyện cổ dân tộc Mông, Nxb Đồng Nai, Đồng Nai, 2010, tr.31-32.

3. Dương Thị Phương, Hạng Thị Vân Thanh, Giàng Thị Sến, Gầu Nao, Truyện cổ dân tộc Mông Hà Giang, Hội Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Hà Giang, 2014.

4, 6. Hùng Đình Quý, Những bài khèn của người Mông ở Hà Giang, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2005, tr.146, 153.

5. Gầu li dâu, tiếng Mông, có nghĩa là “người chết”.

7. Bài viết thuộc đề tài CS.2020.10. Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Tài liệu tham khảo

1. Lê Duy Đại, Triệu Đức Thanh, Các dân tộc ở Hà Giang, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2004.

2. Nguyễn Anh Ngọc, Cây ngô với cuộc sống của người Mông vùng cao núi đá Hà Tuyên, Tạp chí Dân tộc học, số 4, 1980.

3. Trường Lưu, Hùng Đình Quý, Văn hóa dân tộc Mông Hà Giang, Sở Văn hóa và Thông tin Hà Giang, 1996.

4. Nguyễn Mạnh Tiến, Những đỉnh núi du ca - Một lối tìm về cá tính Mông, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2014.

TS NGUYỄN NGỌC MINH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 476, tháng 10-2021

;