Đặc trưng tạo dáng trang phục của người Mông Đen và Mông Hoa ở Lào Cai

Trang phục là hiện vật sống động trong tổng thể nền văn hóa, nghệ thuật của cộng đồng dân tộc Mông. Trang phục của người Mông ở Lào Cai chứa đựng nhiều giá trị tạo hình độc đáo, đặc sắc nhưng chưa được nghiên cứu một cách cụ thể, đầy đủ và toàn diện. Dưới góc độ mỹ thuật học, nghiên cứu tạo dáng trang phục của người Mông ở Lào Cai vẫn là mảnh đất trống mà cho tới thời điểm hiện tại gần như chưa được khai phá. Đồng thời, một số thuộc tính mỹ thuật học, đặc trưng tạo dáng trang phục cần được nhìn nhận khách quan, bổ sung những nhận định khoa học có tính mới, góp thêm nguồn tư liệu cho nghệ thuật dân gian của đồng bào Mông.

 

Một bộ trang phục truyền thống hay hiện đại đều là những tác phẩm sống động của thị giác. Phân tích mỗi bộ trang phục, cho thấy vẻ đẹp ấy được tạo ra từ các yếu tố mỹ thuật, liên kết với nhau một cách có dụng ý, được tính toán cân nhắc kỹ lưỡng theo những nguyên tắc nhất định, được sắp đặt theo những hình thức bố cục khác nhau, làm nên tác phẩm đạt tính mỹ thuật, kỹ thuật cao. Dưới các góc độ văn hóa, dân tộc, lịch sử…, bộ trang phục truyền thống của người Mông được khảo tả một cách chân thực. Tuy nhiên, để phân tích tạo dáng trang phục truyền thống này dưới góc nhìn mỹ thuật học còn là khoảng trống cần được bổ khuyết. Những nghiên cứu dưới đây của tác giả có thể đúng hoặc đang trong quá trình khẳng định; tuy nhiên, đó cũng là những thông tin để các nhà nghiên cứu tiếp theo suy ngẫm.

1. Phân tích kết cấu đặc trưng trang phục của người Mông

Trang phục nam

Nam phục của người Mông (cả Mông Đen và Mông Hoa) bao gồm áo và quần: Nam thường mặc áo cánh ngắn ngang hoặc dưới thắt lưng, thân hẹp, ống tay hơi rộng. Áo nam có hai loại: năm thân và bốn thân. Quần nam giới là loại chân què ống rất rộng so với các tộc trong khu vực. Đầu thường chít khăn, có nhóm đội mũ xung quanh, có đính những hình tròn bạc chạm khắc hoa văn, có khi mang vòng bạc cổ, có khi không mang.

Loại áo ngắn của nam giới: Áo này được may bằng vải lanh nhuộm chàm. Áo xẻ đằng trước hoặc ở sườn phải và gài khuy vải, ống tay dài nhỏ dần về phía cổ tay, khi mặc chỉ chùm qua cạp quần. Tay áo có thêu hoa văn bằng sợi tơ tằm hoặc có nhiều đường viền vải xanh bao quanh phần cổ tay hoặc đến khuỷu tay.

Quần nam giới là loại quần chân què ống rất rộng so với các tộc trong khu vực, với hình khối là hình thang xuôi. Hai hình khối này được phối với nhau trên tổng thể nam phục người Mông. Trang phục nam thường sử dụng các hình khối là hình chữ nhật, hình vuông nhiều hơn các dạng hình khối khác. Tuy nhiên, đối với nam phục người Mông, họ lại sử dụng hình thang xuôi. Đây là hai hình khối trang phục ở tư thế tĩnh. Điều dễ nhận thấy là trên trang phục của cả nam và nữ người Mông, hầu như không dùng hình khối tròn hoặc oval, một dạng hình khối động. Dạng hình thang gợi sự liên tưởng tới không gian rừng núi trùng trùng điệp điệp. Phải chăng cuộc sống của họ gắn liền với núi rừng, dáng dấp những ngọn núi vững chãi, cứng cáp đã in sâu vào tiềm thức của họ và từ đó, các biểu hiện trong cuộc sống cũng mang những hơi hướng nỗi niềm của người Mông.

Trang phục nữ

Nữ phục Mông Đen bao gồm: áo trong dài tay yao tooxx hâur có hình khối là hình chữ nhật và áo khoác ngoài cộc tay yao khôl là hình vuông. Quần của phụ nữ Mông Đen được may bằng vải lanh nhuộm chàm đen, kiểu quần chân què giống quần của nam giới. Quần tris có hình khối là hình thang xuôi. Các phụ kiện trang phục kèm theo là thắt lưng nữ với hình khối là hình chữ nhật và xà cạp nrôngz cũng là hình chữ nhật; túi đeo nangz khuav tav hình vuông, quai túi là bản dài hình chữ nhật. Phụ nữ Mông thường mặc áo bốn thân, xẻ ngực không cài nút, gấu áo không khâu hoặc cho vào trong váy. Váy là loại váy kín, nhiều nếp gấp, rộng, khi xòe ra có hình tròn. Váy được mang trên người với chiếc thắt lưng vải được thêu trang trí ở đoạn giữa. Khi mặc váy thường mang theo tạp dề. Tạp dề mang trước bụng phủ xuống chân là giao thoa giữa miếng vải hình tam giác và chữ nhật; phần trang trí hoa văn là miếng vải hình tam giác cân phía trên, miếng hình chữ nhật là màu chàm đen, kích thước tùy từng bộ phận người Mông.

Nữ phục người Mông Đen - Ảnh: tác giả cung cấp

Phụ nữ thường để tóc dài quấn quanh đầu, có một số nhóm đội khăn quấn thành khối cao trên đầu. Đồ trang sức bao gồm khuyên tai, vòng cổ, vòng tay, vòng chân, nhẫn. Vòng cổ bằng bạc, là loại vòng tròn không khép kín hoàn toàn. Có hai loại vòng cổ: vòng thuần túy trang sức và vòng bảo mệnh. Vòng cổ thuần túy chỉ mang tính chất trang trí cho đẹp. Còn vòng bảo mệnh theo quan niệm của đồng bào được đeo để ngăn cản ma quỷ xâm nhập vào cơ thể, làm hại con người và phòng bệnh tật. Trên chiếc vòng có khắc chữ bảo mệnh. Vòng tay có những nét hoa văn trang trí, như hình hoa, hình con bướm cách điệu. Vào dịp hội hè, lễ Tết, khi đi chợ chơi, nhiều chị em đeo đến 5, 6 vòng trên một cổ tay.

Áo nữ giới có hai loại: áo dài tay và áo khoác cộc tay. Áo dài tay là loại áo được may 2 lớp, lớp ngoài là vải lanh nhuộm chàm thẫm, lớp trong màu chàm nhạt, không cổ, có số đo rộng nách bằng rộng tay, áo xẻ giữa, nẹp áo không có khuy, khi mặc thì vắt chéo tà áo trái qua phải trước rồi vắt tà phải chồng chéo lên, dùng thắt lưng bằng lanh cuốn nhiều vòng quanh eo để giữ chặt tà áo. Áo dài tay của phụ nữ Mông Đen có hình dáng là hình chữ nhật, suông thẳng không lượn eo. Vì vậy, đường ráp phần tay áo vào nách áo của thân trước và thân sau là những đường may thẳng. Xuôi vai của thân trước và thân sau có kích thước bằng nhau. Chiều dài của thân áo được tính từ ngang vai đến giữa đùi dao động từ 75,5cm- 80cm tùy chiều cao của từng người. Phụ nữ Mông Đen mặc áo phông cao cổ bên trong, rồi mới mặc áo dài tay để không bị hở ngực, ngoài cùng khoác áo cộc tay. Áo khoác cộc tay là loại áo có các thông số kỹ thuật về chiều dài, xuôi vai, vòng cổ giống với áo dài tay. Có điểm khác nhau giữa áo dài tay và áo cộc tay là chiều cao của cổ áo: cao cổ áo dài tay khoảng 6 cm còn cao cổ áo khoác cộc tay là 12-15cm. Cổ áo có lớp trên để trơn vải lanh nhuộm chàm, lật cổ áo lên thì lớp cổ phía dưới được trang trí họa tiết dày đặc với kỹ thuật chủ yếu là thêu hoặc in sáp ong. Loại áo cộc tay này được dùng cho cả nam giới và nữ giới người Mông trong hoạt động thường ngày.

Phụ nữ Mông Đen tỉ mỉ tới cả việc thắt lưng, họ quấn sao cho cân hai đầu thắt lưng và hai đầu dây quay ra phía trước bụng, mảng hoa văn quay về phía sau lưng. Khi mặc trang phục, người Mông Đen thường mặc quần trước rồi mới tới áo, thắt dây lưng, quấn xà cạp và cuối cùng là quấn khăn đội đầu.

Đối với nữ phục Mông Hoa, về cơ bản không khác nữ phục mông Đen. Cấu tạo trang phục bao gồm: áo tay dài và áo tay ngắn, thắt lưng, xà cạp, tạp dề, khăn đội đầu. Điểm khác trên nữ phục của người Mông Hoa là chiếc váy. Chiếc váy của người Mông Hoa là loại váy mở, xếp nếp dày đặc và có hình khối là hình thang xuôi. Áo của phụ nữ Mông Hoa cũng chia làm hai loại: dài tay và ngắn tay, đều không có khuy áo. Hai tà áo vắt chéo lên nhau và được cột lại bằng thắt lưng như phụ nữ Mông Đen. Áo dài tay của phụ nữ Mông Hoa lại chia tiếp làm hai loại: loại trang trí hoa văn và loại không trang trí hoa văn.

Cả phụ nữ Mông Đen và Mông Hoa đều có kết cấu váy giống nhau. Là loại váy mở xòe rộng, được xếp nếp dày đặc, kết cấu gồm 3 phần: cạp váy, thân váy và gấu váy. Phần cạp váy có chiều cao cạp khoảng 3-5cm, vòng bụng khoảng 88-90cm, chiều dài 2 dây nối liền 2 đầu cạp váy khoảng 96cm. Phần thân được chia làm hai kết cấu cắt rời: phần thân sát cạp váy có chiều cao khoảng 20cm, phần thân sát gấu váy có chiều cao khoảng 30-40cm. Gấu váy cao khoảng 4cm và được phối với chất liệu nhung đen hoặc đỏ từng từng ngành Mông.

Về kết cấu của váy, cả người Mông Đen và Mông Hoa có kết cấu giống nhau. Tuy nhiên, để nhận diện được từng ngành Mông thì thông qua cách tạo tác và màu sắc trang trí hoa văn trên trang phục. Ví dụ, đối với chiếc váy của người Mông Đen chủ yếu được trang trí bằng kỹ thuật in sáp ong và thêu hoa văn. Còn người Mông Hoa chủ yếu thêu và ghép hoa văn trên vải. Ngày nay, phụ nữ Mông Đen ít mặc váy trong sinh hoạt thường ngày, mà chuyển sang mặc quần nhung đen giống kiểu quần nam giới để thuận tiện đi lại. Váy được mặc vào dịp lễ Tết hoặc các đám hay có công việc cần thiết.

Qua những phân tích trên, tác giả rút ra những nhận định về tạo dáng trang phục người Mông như sau: trang phục của nam nữ Mông đều sử dụng trang phục có tạo dáng là hình chữ nhật và hình thang. Kết hợp với quá trình khảo sát điền dã, tác giả phỏng vấn cụ Vàng Thị Mái, 83 tuổi, thôn Y Lìn Hồ 2, xã San Sả Hồ, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai về việc sử dụng trang phục thì: “Trước đây, tộc mình cũng có mặc váy, sau do phải sinh sống trên vùng núi cao thời tiết lạnh, lại phải khai phá đất đai làm ruộng nên bắt chước đàn ông mặc quần. Mặc quần áo rộng rãi lên nương rẫy cho nhanh, cho tiện ấy mà”. Vì vậy, trang phục của người Mông Đen hay cả người Mông Hoa theo phom rộng để thích nghi với môi trường sống và khí hậu khắc nghiệt.

Kết cấu của khăn gồm một tấm vải lanh nhuộm chàm đậm, chiều dài mỗi đoạn khăn tầm 69cm, được gấp làm tư nên tổng chiều dài khăn khoảng 2,76m và chiều cao của khăn khoảng 9cm với bản to 36-40cm cũng được gập làm tư, đường kính vòng đầu tùy thuộc từng người, nhưng thường có kích thước từ 18-20cm. Khi đội khăn, phụ nữ Mông búi tóc cao, rồi dùng khăn đã cuốn đội lên đầu. Loại khăn này khá nặng nên hiện nay, các cô gái ít dùng, mà mua khăn len kẻ sọc có sẵn ngoài chợ để đội đầu; còn những phụ nữ cao tuổi thì vẫn dùng cách cuộn khăn truyền thống này để sử dụng. Ngày nay, ở Tây Bắc, phụ nữ đội khăn, để tóc dài và quấn vòng quanh đầu. Nam giới thường để một chỏm tóc dài ở trên đỉnh đầu và đội khăn trắng - loại khăn mặt tổ ong.

Thắt lưng làm bằng lanh là một dải vải rộng khoảng 8-10cm, dài khoảng 80-100cm. Chỉ ở đoạn giữa của thắt lưng với chiều dài khoảng 40cm là được thêu hoa văn các màu. Dây lưng do phụ nữ Mông làm dùng để giữ váy hoặc quần. Loại dây lưng thêu hoa văn của người Mông Hoa được dùng quấn phủ ra bên ngoài dây lưng loại thường, chủ yếu có tác dụng trang trí thêm cho bộ trang phục trong các dịp lễ hội, tôn vẻ đẹp gọn gàng, đàng hoàng của người phụ nữ.

Tạp dề có hai hình chữ nhật, gồm hai lớp vải lanh màu đen, không trang trí hoa văn. Người Mông ở Sa Pa ngày nay không mặc tạp dề nữa. Người Mông ở Mường Khương, Si Ma Cai (Lào Cai) mặc 2 chiếc tạp dề, một chiếc phía trước, một chiếc phía sau. Riêng người Mông Đen khâu đáp thêm mảnh vải thêu hoa văn lên tạp dề của họ. Tạp dề cũng được thêu hoa văn, ghép vải các màu đỏ, vàng, tím, xanh rất sắc sỡ. Tạp dề to hay nhỏ là tùy vào cỡ, tạng người. Điều căn bản là làm sao khi đeo hai miếng tạp dề đủ ôm lấy hông người. Chiều dài của tạp dề thường dài hơn váy một chút. Người Mông quan niệm, đeo tạp dề và quấn xà cạp là ý tứ, kín đáo của phụ nữ Mông.

Phụ nữ Mông hay dùng xà cạp, nam giới trước kia cũng dùng, nhưng nay phần lớn không dùng. Xà cạp được làm bằng những miếng vải đen hay xanh, cắt chéo hình tam giác, với chiều rộng khoảng 20cm và chiều dài khoảng 100cm. Xà cạp được quấn từ mắt cá chân lên đến sát đầu gối. Bắt đầu quấn từ đầu to và quấn từ dưới lên. Xà cạp chỉ dùng ban ngày, sau khi đi làm về họ tháo ra. Riêng mùa rét, họ quấn cả ban đêm khi ngủ.

2. Nhận diện giá trị tạo dáng trang phục của người Mông

Trang phục của người Mông Hoa và Mông Đen cũng như trang phục của các dân tộc khác, việc sử dụng trang phục phải phù hợp với nhu cầu cuộc sống, tiện dụng trong lao động sản xuất, lên nương xuống bản, thuận lợi khi tham gia các hoạt động văn hóa xã hội, lại vừa có tính thẩm mỹ. Trang phục người Mông Hoa và Mông Đen ở Lào Cai có những đặc điểm tạo dáng độc đáo hơn các nhóm trong cùng ngành Mông như Mông Xanh hay Mông Trắng. Kết cấu trang phục cũng phức tạp hơn những dân tộc cùng ngữ hệ như người Dao. Đã có nhiều dấu hỏi đặt ra cho quá trình tạo ra trang phục của người Mông: căn cứ vào đâu để người Mông có hình dáng trang phục như vậy? Liệu những hình khối trang phục hiện nay của người Mông có mối giao cảm gì với quá khứ đầy bi thương mà tộc người này đã từng trải qua. Thông qua nghệ thuật về hình khối trang phục, chúng ta cùng giải mã những ý nghĩa trang phục người Mông Đen và Mông Hoa.

Nữ phục người Mông Hoa - Ảnh: tác giả cung cấp

Như đã phân tích, về cách tạo dáng trang phục của nhóm Mông Đen và Mông Hoa chủ yếu là hình thang xuôi và hình chữ nhật. Phối hợp với các hình khối đó là khối hình trụ. Về cơ bản, hình thang có nguồn gốc là hình tam giác, khi che đi phần chóp của hình tam giác ta có hình thang xuôi. Hướng chuyển động của hình thang theo hướng đi lên, xét trên trang phục của phụ nữ Mông Hoa và Mông Đen cho thấy, tạo dáng trang phục gồm hai hình thang, hình thang xuôi nhỏ là khối của áo và hình thang xuôi lớn là khối của váy. Đây có lẽ là một trong các dấu tích vẫn còn đọng lại trong quá trình di cư. Cuộc sống của người Mông trải qua nhiều biến cố, thăng trầm. Họ luôn mong mỏi sự ổn định, bình yên. Trong quá khứ, người Mông luôn khát khao tìm cho tộc mình mảnh đất hứa, có những nơi họ đặt chân tới là miền núi cao hay vùng trung du trù phú, nơi mà báo hiệu cho sự sinh sôi nảy nở ngập tràn. Họ bắt đầu cuộc sống mới chưa được bao lâu thì hết cuộc xâm chiếm này tới sự áp bức nọ lấn tới tộc người; họ đang hy vọng vào tương lai tươi sáng, hy vọng sự hòa bình trải dài trên mảnh đất vừa mới kiếm tìm thì bất ngờ sự đàn áp cắt đi những tia sáng sống ấy. Gợi lên sự liên tưởng tới hình tam giác theo hướng vận động đi lên ở thế tiến triển nhưng đột ngột bị chặn lại hoặc bị cắt cụt và biến tấu thành hình thang. Từ điển biểu tượngvăn hóa thế giới cho rằng: “Hình thang là một lời kêu gọi vận động”. Sự vận động với người Mông là sự di cư, vượt sông vượt biển, vượt ngàn núi cao hiểm sâu, lại đi tìm miền đất hứa cho tộc người. Điều này phần nào lý giải cho việc tạo khối trang phục của người Mông, là minh chứng cho sự cố gắng tự khẳng định mình bằng cách tạo dấu ấn trên trang phục. Thành công trong tạo hình khối trang phục của người Mông là việc chuyển tải đến người xem và ghi dấu ấn cho những sự vật, hiện tượng vốn dĩ tồn tại trong quá khứ những góc nhìn riêng biệt, độc đáo bằng những phương thức truyền biểu đạt giản dị. Hay chăng tạo hình khối trên trang phục của người Mông đã đạt đến những thành công nhất định khi đã đưa đến cho người xem sự cảm nhận đầy đủ của các giác quan thông qua đường dẫn thị giác.

Khi người Mông tạo dáng trang phục, không biết vì vô tình hay hữu ý mà họ sử dụng hình thang là hình khối chính cho trang phục dân tộc. Nhưng dù đó là sự cố tình sắp xếp nhiều hình thang trên tổng thể trang phục thì họ đã thành công trong việc gói ghém thông tin trong việc thể hiện ước nguyện của tộc người. Bằng trực giác tinh tế của mình, người Mông tiếp nhận những sự chuyển biến đột ngột và lâu dần, họ chấp nhận sự di chuyển; đồng thời tư duy về bản chất của các hiện tượng đó. Họ đã khái quát được ý nghĩa của các sự vật, hiện tượng và nâng lên thành biểu tượng, biểu đạt một cách cụ thể thông qua trang phục. Những hình khối được thể hiện trên trang phục là kết quả tất yếu từ sự cảm nhận, quá trình tư duy của họ. Tạo hình khối trên trang phục là minh chứng cho sự sáng tạo độc đáo trên trang phục của người Mông.

3. Bàn luận về cách tạo dáng trang phục của người Mông hiện nay

Trong xu thế phát triển của xã hội hiện đại, mọi lĩnh vực đều có sự thay đổi một cách rõ nét. Sự biến đổi diễn ra từ những vùng gần khu du lịch đến các bản làng vùng sâu với những cấp độ khác nhau. Môi trường giao tiếp văn hóa được mở rộng, giao thông đã tương đối thuận tiện, đẩy lùi tính khép kín làng bản của người Mông. Những nhân tố trên tác động mạnh mẽ đến đời sống văn hóa tinh thần người Mông, làm nảy sinh những yếu tố văn hóa mới trên cơ tầng cổ truyền của văn hóa Mông. Quá trình hội nhập kinh tế, văn hóa, sự thay đổi và phát triển về cơ sở hạ tầng đã tạo ra những tác động không nhỏ đến mọi mặt trong đời sống của người Mông ở Lào Cai. Vì thế, nghệ thuật tạo hình dân gian trong đó có tạo dáng trang phục của người Mông Hoa và Mông Đen ít nhiều cũng có sự biến đổi nhất định.

Trước đây, đồng bào người Mông rất coi trọng đồ dùng sinh hoạt truyền thống nói chung và đồ dùng bằng vải nói riêng, đặc biệt là các bộ trang phục truyền thống, họ chỉ sử dụng trang phục của dân tộc mình và nhất định không sử dụng trang phục của các dân tộc khác. Trong những ngày lễ trọng đại, người Mông thường dùng những sản phẩm đồ vải đẹp nhất, mới nhất và thêu nhiều mô típ hoa văn gắn với tộc người. Những trang phục cũ hơn thì để dùng trong sinh hoạt lao động sản xuất thường ngày. Vì vậy, trang phục gắn liền với cuộc sống thường nhật của họ, đó là sự hiện diện của họ - như một thông điệp khẳng định vị trí của họ là ai trong cộng đồng các dân tộc sinh sống tại vùng núi cao Tây Bắc.

Trong quá trình khảo sát thực địa, chúng tôi nhận thấy thực trạng tạo dáng trang phục của người Mông Hoa và Mông Đen ở Lào Cai có sự thay đổi nhất định. Nếu như trước đây, trang phục của người Mông Đen và Mông Hoa làm ra chỉ đảm bảo nhu cầu mặc của các thành viên trong gia đình thì nay đã trở thành hàng hóa, có mặt trên thị trường, đem lại nguồn lợi kinh tế không nhỏ cho cuộc sống của người dân. Trong quá khứ, người phụ nữ Mông dành cả tháng, cả năm thậm chí cả đời chỉ để se lanh, khâu áo, thêu hoa văn, làm ra một bộ áo quần thật đẹp và chỉ mặc duy nhất một lần là khi về với tổ tiên. Thì ngày nay, người phụ nữ nhanh nhẹn bắt kịp với xu thế thị trường, mua những tấm vải lanh có sẵn, nguyên phụ liệu thêu vá phong phú về màu sắc và chất liệu; kết hợp với các công cụ sản xuất hiện đại như máy may, máy thêu, máy đính cúc để làm ra những sản phẩm đồ vải vừa có nét truyền thống pha lẫn với hiện đại. Điều quan trọng là thời gian để làm ra những sản phẩm ấy rút ngắn rất nhiều, nếu như trước kia để cắt, khâu và trang trí hoa văn phải thực hiện hàng tháng, có những bộ trang phục có hoa văn cầu kỳ thì phải mất tới cả năm. Nay, với các phương tiện sản xuất hiện đại, việc may một bộ trang phục trở nên nhanh chóng và dễ dàng: thời gian cắt, may một bộ trang phục khoảng 1-2 ngày, thêu bằng máy chỉ mất 3-4 ngày. Một sản phẩm hoàn thiện trong 1 tuần và như vậy họ có thể sản xuất hàng loạt sản phẩm đồ vải vừa đáp ứng nhu cầu sử dụng, vừa làm kinh tế nâng cao đời sống.

Chúng tôi có dịp tham dự lễ cưới của cô gái Mông Đen tại xã Tả Van, huyện Sa Pa, nhận thấy: những bộ trang phục truyền thống đang thưa dần. Trong lễ đón dâu, cô dâu và chú rể vẫn mặc bộ trang phục truyền thống đẹp, hoa văn được thêu tỉ mỉ, mũ đội đầu, khăn được may bằng vải lanh. Nhưng sau khi đưa rước dâu xong, tới lúc mời cỗ, cả cô dâu và chú rể đều thay trang phục âu hóa, chú rể mặc comple, cô dâu mặc váy cưới thuê ngoài cửa hiệu, bên cạnh đó đeo trang sức bằng dây chuyền, nhẫn, kiềng tròn bằng vàng Tây… Qua tìm hiểu một số thanh niên ở đây, họ đưa ra lý do như: Họ thấy cách tạo dáng quần áo người Kinh văn minh, thuận tiện trong giao tiếp còn kết cấu trang phục của đồng bào rườm rà, nặng, cầu kỳ trong trang phục gây khó khăn, vướng víu trong công việc; ngoài ra, họ ngại mặc trang phục truyền thống vì khó hòa nhập.

Hiện nay, trang phục truyền thống của người Mông đang gặp nhiều trở ngại trong đời sống thực tế, có nhiều cải tiến, phá cách từ sự kết hợp giữa tạo dáng trang phục truyền thống lẫn hiện đại. Do cường độ, phạm vi của quá trình giao lưu diễn ra mạnh mẽ và rộng lớn nên một số yếu tố văn hóa truyền thống chưa đủ sức bảo tồn hoặc không còn thích ứng cao với sự biến đổi của xã hội đang ngày càng mất đi, thay vào đó là sự xâm nhập của cấc yếu tố văn hóa của dân tộc khác. Điều đó có nghĩa là cái truyền thống chưa hoàn toàn mất đi mà đã hòa nhập vào yếu tố hiện đại, tạo nên sự lai tạp không thuần nhất trong đời sống văn hóa tộc người.

Trang phục là sợi dây liên kết, chỉ đường dẫn lối cho người chết được trở về với tổ tiên. Người Mông quan niệm chết không phải là hết, chỉ là kết thúc ở cuộc sống hiện tại và mở ra một cuộc sống mới - cuộc sống ở thế giới tổ tiên. Trang phục của người Mông không chỉ hữu dụng trong đời sống mà còn phản ánh tư duy mỹ thuật dân gian, khẳng định trình độ thẩm mỹ và sự sáng tạo phong phú. Trang phục của người Mông khi càng đi sâu nghiên cứu, càng thấy ngỡ ngàng trước sự tạo tác độc đáo, từ chỗ chi tiết cụ thể đến trừu tượng và cách điệu hóa hình tượng. Điều đó phản ánh đúng quy luật phát triển của tư duy con người, từ tư duy cụ thể đến tư duy trừu tượng khoa học. Quá trình nhận thức đó đi từ thấp đến cao và phản ánh một sự phát triển liên tục từ giai đoạn thấp đến giai đoạn cao của lưu truyền nghệ thuật trang trí dân gian, chứ không phải sự vay mượn hay tiếp thu sau này. Đây là kết quả lao động trí óc đầy sáng tạo và tâm huyết trong cả một quá trình lâu dài, liên tục của người Mông trong một văn hóa nhất định. Họ ý thức được việc lưu truyền vốn nghệ thuật của từng ngành Mông, tạo dấu ấn rõ nét và không lẫn với các ngành khác trong cùng tộc người và có những đột phá về kỹ thuật tạo tác mà các dân tộc khác không có.

Tác giả: Nguyễn Thị Minh Ngọc

Nguồn: Tạp chí VHNT số 467, tháng 7-2021

 

 

;