Tứ Pháp là tín ngưỡng độc đáo trong đời sống của người Việt vùng đồng bằng Bắc Bộ. Trải qua những bước thăng trầm của lịch sử, tín ngưỡng thờ Tứ Pháp luôn trường tồn với thời gian bởi vai trò và những giá trị riêng. Dựa trên cơ sở lý thuyết chức năng và cấu trúc đời sống văn hóa, tác giả bài viết phân tích, nhìn nhận về sự ảnh hưởng của tín ngưỡng thờ Tứ Pháp trong truyền thống và hiện nay dựa trên sự tác động qua lại với chủ thể văn hóa, hoạt động văn hóa và sản phẩm văn hóa. Qua đó cho thấy quá trình vận động, biến đổi của tín ngưỡng này trong đời sống văn hóa của người Việt.
1. Tín ngưỡng thờ Tứ Pháp và chủ thể văn hóa
Người Việt xưa với nền kinh tế nông nghiệp chủ đạo, vốn chịu ảnh hưởng và phụ thuộc vào tự nhiên, chịu sự tác động lớn của thiên tai, có khi mưa kéo dài gây ngập lụt, vỡ đê, có khi hạn hán nhiều năm, mùa màng thất bát, nên đã tiếp thu, tôn thờ các vị thần Tứ Pháp. Tứ Pháp trở thành vị thần được thờ phụng trong đời sống tâm linh, đáp ứng những nhu cầu, mong muốn của người dân về sự thuận lợi của tự nhiên. Người xưa đã sáng tạo và hình thành nên những câu chuyện, truyền thuyết xung quanh Tứ Pháp, nhằm tạo dựng niềm tin trong cộng đồng.
Có thể thấy, ý nghĩa khởi nguyên của tín ngưỡng này là cầu mưa, cầu “hòa cốc phong đăng”. Tín ngưỡng Tứ Pháp đã thể hiện rõ ước vọng của người Việt: điều hòa nguồn nước. Trong truyền thuyết, thần tích hay lễ hội ở các nơi thờ Tứ Pháp đều nói đến sự linh ứng của các ngài trong việc làm mưa chống hạn. Lần theo những trang sử sách xưa, có thể nhận thấy vai trò của Tứ Pháp không chỉ trong đời sống cộng đồng mà Tứ Pháp còn được các triều đại phong kiến tin tưởng, cầu cúng. Năm Nhâm Ngọ (1942) hạn hán kéo dài, quá ngọ ngày 16-8, người ta tổ chức lễ cầu mưa, lời thỉnh cầu của người dân đã được đáp ứng (1). Trong lịch sử, cũng có những năm mưa nhiều gây úng lụt, người dân lại làm lễ cầu tạnh. “Đời Lý chính sử đã ghi nhận việc rước tượng Pháp Vân để cầu tạnh” (2).
Ngoài ra, con người còn có nhu cầu: cầu sức khỏe bình an, cầu con, cầu đỗ đạt… Điều này có thể thấy ở chùa Đậu - nghĩa là đậu đạt (Thường Tín, Hà Nội). Trước đây, các bậc trí sĩ đến cầu nghiệp lớn, mong được đỗ/ đậu đạt. Người nông dân đến đây cầu sức khỏe, cho cây đơm hoa kết trái, mùa màng bội thu đều được như nguyện. Đặc biệt, chùa Đậu đã từng được các triều đại vua, chúa tới lễ bái, cầu đảo, cầu cho quốc thái dân an đều rất linh ứng (3).
Đặc biệt, tương truyền Tứ Pháp còn cùng dân, giúp dân đánh giặc. Có lần, quân ta rước tượng Pháp Vân lên mạn Thái Nguyên để tăng thêm dũng khí chống lại quân nhà Tống xâm lược. Đó là vào thời nhà Lý, vào năm Chiêu Thắng sơ niên (1076), vài năm sau khi Lý Nhân Tông lên ngôi (4). Như vậy, từ lâu, người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ tin vào sự bảo trợ sinh mệnh, phù trợ sức khỏe, mùa màng tươi tốt cho cư dân nông nghiệp của các vị Tứ Pháp.
Chùa Thái Lạc (Hưng Yên), ngoài thờ Phật, còn là nơi thờ thần Pháp Vân
Ảnh: doingoaihungyen.vn
Ngày nay, những thay đổi trong đường lối, chính sách cùng những biến đổi về đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội ở nước ta đã tác động tới đời sống của người Việt nói chung và người dân các vùng thờ Tứ Pháp nói riêng. Không gian văn hóa ở các làng thờ Tứ Pháp ngày càng trở thành không gian động và mở với sự đa dạng của nhiều thành phần dân cư đến từ các vùng miền khác nhau. Cơ cấu ngành nghề có sự chuyển đổi sâu sắc do tác động của quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa. Đó là sự chuyển dần từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp, phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ, tạo ra sự phân hóa thành nhiều nhóm ngành nghề khác nhau: cư dân nông nghiệp, cư dân công nghiệp, cư dân chuyên về kinh doanh, buôn bán hàng hóa, các dịch vụ hàng tiêu dùng, nhu yếu phẩm, dịch vụ vui chơi, giải trí...
Trong bối cảnh xã hội mới, hoạt động nông nghiệp được hỗ trợ nhiều bởi thành tựu khoa học tiên tiến, khiến cho nhu cầu về “cầu nước”, “cầu mưa” không còn trở thành vấn đề quá bức thiết. Ý nguyện cầu phúc, cầu lộc, cầu bình an, trở nên nổi trội, trong hoạt động tín ngưỡng thờ Tứ Pháp. Ngoài niềm tin vào sự linh thiêng của các vị thần, sự tích cực tham gia vào các lễ hội của người dân còn cho thấy mong muốn được giải tỏa, thư giãn, tìm kiếm sự an ủi, chia sẻ và sự an định tinh thần.
Cùng với đó, niềm tin tâm linh của cộng đồng đã bồi đắp và củng cố tín ngưỡng thờ Tứ Pháp. Có thể nhận thấy điều này qua việc con người luôn sáng tạo, bồi đắp thêm các câu chuyện, truyền thuyết/ huyền thoại về Tứ Pháp; trùng tu, tôn tạo, mở rộng không gian thờ tự, đưa thêm các đồ thờ tự, phối thờ với các tín ngưỡng theo nhu cầu niềm tin của nhân dân; không ngừng sáng tạo, tạo nên những khác biệt trong các nghi lễ, góp phần tạo nên sự phong phú, đa dạng cho lễ hội thờ Tứ Pháp, thu hút sự chú ý tham gia của đông đảo người dân trong và ngoài vùng. Có thể thấy, chủ thể văn hóa đã tác động trở lại tín ngưỡng ở một số phương diện, đó chính là cơ sở để tín ngưỡng tồn tại như một thực thể văn hóa.
2. Tín ngường thờ Tứ Pháp và các hoạt động văn hóa
Người dân đã sáng tạo ra nhiều hoạt động văn hóa khác nhau xung quanh tín ngưỡng thờ Tứ Pháp và không ngừng sáng tạo, duy trì, nuôi dưỡng nó trong đời sống cộng đồng. Các hoạt động bao gồm: sáng tạo và tái sáng tạo sức sống di sản (như mở rộng, tôn tạo không gian di tích và điện thờ, những thực hành tín ngưỡng thờ Tứ Pháp), hoạt động hưởng thụ văn hóa, hoạt động bảo tồn văn hóa, hoạt động giáo dục và truyền bá văn hóa, hoạt động giao lưu và gắn kết cộng đồng... Ví dụ, trong các ngôi chùa thờ Tứ Pháp, hoạt động văn hóa diễn ra điển hình nhất, đó là việc tổ chức lễ hội. Từ lâu, ngày 8-4 (âm lịch) đã được chọn làm ngày tổ chức lễ hội cầu mưa ở các ngôi chùa. Câu thơ trong dân gian đã minh chứng cho tính hợp lý, sự thông minh, khoa học của các thế hệ xưa trong việc lựa chọn thời điểm: “Mồng tám tháng Tư không mưa/ Vất vả cày bừa mà lấp ruộng đi” (5). Chuẩn bị cho vụ mùa, đất đã được phơi ải, chỉ cần có nguồn nước để cấy lúa với người nông dân, đó là nhu cầu rất cần thiết. Hay như: “Tháng Chạp là tháng trồng khoai/ Tháng Giêng trồng đậu, tháng Hai trồng cà/ Tháng Ba cày vỡ ruộng ra/ Tháng tư gieo mạ mưa sa đầy đồng…”.
Bên cạnh đó, ngày 8-4 âm lịch cũng là ngày diễn lễ Phật Đản, các chùa Tứ Pháp tổ chức 2 sự kiện lớn, rất long trọng và cũng rất đời thường. Đây là một sinh hoạt văn hóa, trong đó thể hiện các lớp văn hóa Phật giáo, lớp văn hóa tín ngưỡng Tứ Pháp, sự dung hợp giữa Phật giáo và Đạo Mẫu. Lễ tán hạ kết thúc vào dịp 15-7 (âm lịch), là ngày xá tội vong nhân, mùa báo hiếu của con cháu với ông bà, tổ tiên.
Trong bối cảnh đời sống hiện nay, một mặt, nhiều hoạt động vẫn được duy trì theo nền nếp xưa, nhưng mặt khác, cũng có nhiều biến đổi để phù hợp với đời sống văn hóa của con người hiện nay. Đối với tín ngưỡng thờ Tứ Pháp, thay đổi lớn nhất trong các hoạt động văn hóa chính là thời gian, không gian và quy mô tổ chức lễ hội. Bên cạnh đó, còn có những thay đổi trong công tác chuẩn bị, diễn trình lễ hội, cơ cấu tổ chức, quản lý hoạt động tín ngưỡng, bổ sung nhiều hoạt động mới… Vào dịp lễ hội, các gia đình cũng làm cỗ để cúng ông bà, tổ tiên (báo hiếu), thể hiện một thực hành tín ngưỡng thờ tổ tiên gắn với lớp văn hóa Phật giáo. Có thể nói, thời điểm thiêng thực hành các nghi thức, nghi lễ trong một không gian thiêng, đã tạo ra một hoạt động văn hóa có tính đặc thù với một tinh thần tình nguyện và chủ động của chủ thể văn hóa.
Mức độ thực hành tín ngưỡng của cư dân có xu hướng tăng lên. Các hoạt động cúng lễ được thực hiện thường xuyên vào các dịp sóc vọng hằng tháng, vào dịp đầu năm, cuối năm hay khi gia đình có việc quan trọng (cưới xin, thi cử, mở cửa hàng...) và đặc biệt là các dịp lễ hội, những ngày kỷ niệm liên quan đến Tứ Pháp. Người đi lễ mua sắm lễ vật cầu kỳ, phong phú, đa dạng hơn, cho thấy đời sống vật chất dư dả, sung túc hơn so với trước kia. Theo sư trụ trì chùa Đậu và nhân dân trong vùng: “Hiện nay, không cứ phải đến ngày lễ hội, ngày liên quan đến đức Phật, Tứ Pháp chùa mới đông mà bất kể ngày nào trong năm. Các ngày cuối tuần, rằm, mồng một, chùa luôn nhộn nhịp người đến lễ. Vì vậy, nhà chùa đã phải lên phương án xây dựng mở rộng khu vực đất chùa để phục vụ nhu cầu của bà con” (6).
Lễ hội nói chung và lễ hội Tứ Pháp ngày nay không còn là việc riêng của mỗi cộng đồng làng mà là sự kết hợp của chính quyền địa phương và nhân dân. Nếu như trước đây, lễ hội là sự tập hợp của các giáp, dòng họ trong các làng, chịu sự chi phối của làng, sự phân công, quy định của các chức dịch địa phương, thì nay đã có sự tham gia của chính quyền trong vai trò người định hướng, chỉ đạo, giám sát và quản lý góp phần tạo nên tính toàn diện cho lễ hội.
Có thể nói, hoạt động văn hóa tại các cơ sở tín ngưỡng đã làm cho tín ngưỡng thờ Tứ Pháp luôn tồn tại sống động, góp phần lan tỏa những giá trị tốt đẹp đến với cộng động, thu hút sự quan tâm, tham gia của đông đảo người dân và du khách thập phương. Các hoạt động này đã minh chứng cho sự trường tồn của tín ngưỡng Tứ Pháp, mặc dù quá trình đó cần có những chính sách, đường lối của Đảng và Nhà nước về tôn giáo - tín ngưỡng và về cơ bản tín ngưỡng này luôn được cư dân vùng phụng thờ chấp nhận và bảo tồn.
3. Tín ngưỡng thờ Tứ Pháp và các sản phẩm văn hóa
Người dân vùng đồng bằng Bắc Bộ đã sáng tạo nên các sản phẩm văn hóa để gửi gắm ước vọng của mình vào tín ngưỡng thờ Tứ pháp và tạo ra môi trường sinh hoạt văn hóa cho cộng đồng. Đồng thời, đây là nội dung quan trọng, chứng minh cho sự ảnh hưởng của tín ngưỡng thờ Tứ Pháp đến đời sống văn hóa của cư dân Việt ở đồng bằng Bắc Bộ trên cả hai phương diện vật thể và phi vật thể.
Cùng với sự hình thành tín ngưỡng thờ Tứ Pháp là quá trình xây dựng các ngôi chùa thờ Phật và Tứ Pháp. Kiến trúc chùa tháp được xây dựng theo kỹ năng truyền thống của người Việt, từ việc lựa chọn thế đất, thiết kế/ bố trí các đơn nguyên kiến trúc theo nhiều kiểu khác nhau từ chữ nhất, chữ nhị, chữ công, chữ tam, nội công ngoại quốc. Tính đa dạng của bố cục đã tạo nên những ngôi chùa có quy mô khác nhau. Chùa Dâu (Bắc Ninh), chùa Thái Lạc (Hưng Yên), chùa Đậu (Hà Nội) đều là những ngôi chùa được xây dựng với quy mô lớn, bề thế, có vị trí phù hợp. Kết cấu kiến trúc ở những ngôi chùa này thường theo dạng truyền thống, khung gỗ liên kết qua hệ thống mộng có thể gia công, lắp ghép lại với nhau và cũng có thể dỡ ra để thay thế các chi tiết đã hư hỏng. Các cấu kiện gỗ được trang trí rất đẹp. Tiêu biểu là các mảng trang trí gỗ ở chùa Thái Lạc với phong cách mỹ thuật thời Trần, trang trí trên tam quan kiêm gác chuông chùa Đậu, kiến trúc thượng điện chùa Dâu. Kiến trúc tháp ở chùa Dâu rất nổi tiếng và hiếm có, loại tháp 4 cửa thông gió giữa các cửa được gọi là tháp Hòa Phong. Tác giả Nguyễn Duy Hinh nhận định, đây là loại tháp đặc biệt (một loại riêng biệt trong cách phân chia các loại tháp), thể hiện bản sắc của người Việt với số lượng còn lại không nhiều (7).
Ngoài kiến trúc, không thể không nhắc tới nghệ thuật tạo tác tượng Tứ Pháp - một sáng tạo của chủ thể văn hóa. Hầu hết tượng Tứ Pháp được làm bằng gỗ. Buổi đầu, để có được sự hợp lý, cư dân Việt đã tạo ra sự tích cây dung thụ/ cây dâu qua hình tượng sư Khâu Đà La đã cho bé gái vào thân của cây rồi đến năm nước to cây trôi về vùng Phật tích, rồi việc Bà Man Nương đã trợ giúp huyền diệu đưa cây lên bờ, người dân đã chặt làm 4 khúc để tạo 4 tượng Tứ Pháp. Nơi mà trước đây đặt bé gái vào lại trở thành một viên đá phát sáng - lấy ra để thờ ở chùa. Các cành dung thụ được các làng khác đến xin về làm tượng thờ, điều đó đã tạo ra một liên kết văn hóa giữa các trung tâm Tứ Pháp mà cội nguồn ở Thuận Thành, Bắc Ninh.
Tượng Tứ Pháp có đặc trưng rất riêng, thể hiện ở hình thức và màu sắc. Về phương diện tạo tác, thể hiện gương mặt nữ tính, hiền hậu giống gương mặt của các cô thôn nữ, dáng cao, thon, ngực nhỏ vừa phải. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, ở đây hình ảnh nữ được ẩn đi trong sự hòa nhập với Phật giáo. Dường như, hình ảnh các Bà hiện ra trong các vị Phật. Điều này cho thấy, tín ngưỡng Tứ Pháp thể hiện sự kết hợp giữa 2 nền văn hóa giữa Đại Việt và Ấn Độ xưa và ngay trong tượng Tứ Pháp cũng thể hiện sự giao thoa ấy. Sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa phong cách tượng Phật và tư duy về hình tượng Mẫu cho thấy Phật giáo khi vào nước ta đã được Việt hóa tạo nên hình tượng Phật Mẫu trong tâm thức người Việt. “Hầu hết các tượng Tứ Pháp không chỉ ngự trên tòa sen như các tượng Phật thông thường mà còn được ngồi trên ngai đặt trong khám, hiện tượng này như càng nhấn mạnh đến nguồn gốc thần của các ngài hay là biểu hiện cho sự kết hợp giữa Phật giáo và tín ngưỡng dân gian một cách rõ nét” (8).
Về phương diện sản phẩm văn hóa phi vật thể, có thể kể đến một nghi thức, nghi lễ khá nổi tiếng, đó là lễ hội cầu mưa tổ chức ở các ngôi chùa Tứ Pháp ngày 8-4 (âm lịch). Vào những ngày lễ hội, các nghi thức, nghi lễ được thực hiện rất bài bản trong một không gian liên kết khá rộng giữa các ngôi chùa thờ Tứ Pháp. Có thể dẫn trường hợp chùa Dâu trong câu ca: Dù ai đi đâu về đâu/ Hễ trông thấy tháp chùa Dâu thì về/ Dù ai buôn bán trăm nghề/ Nhớ ngày mồng 8 thì về hội Dâu.
Thực tế, việc tổ chức lễ hội ở các chùa Tứ Pháp cũng có sự linh hoạt. Các chùa Tứ Pháp ở Hưng Yên tổ chức vào ngày 17 tháng Giêng là ngày hóa của Phật Mẫu Man Nương hoặc ngày 8-4 (âm lịch). Chùa Đậu (Thường Tín, Hà Nội) tổ chức vào đầu xuân từ mồng 8 đến mồng 10 tháng Giêng. Chùa Nành Xã (Ninh Hiệp, Hà Nội) tổ chức từ ngày mồng 4 đến mồng 6 tháng Hai (âm lịch). Về cơ bản, ngày 8-4 vẫn là ngày chính để các chùa tùy theo đó mà lựa chọn thời gian phù hợp. Đối với lễ hội Tứ Pháp ở xã Lạc Hồng (Hưng Yên), việc tổ chức lễ hội không cố định, theo các cụ cao niên cho biết, xưa kia, cứ mỗi khi hạn hán, nhân dân tổng Khương Thượng xưa gồm 12 làng (Lũy Khê, Thanh Trương, Thanh Hoài, Khương Tự, Đại Tự, Mãn Xá, Đông Cốc, Công Hà, Trà Lâm, Tứ Thế, Văn Quan, Phương Quan) làm lễ cầu đảo. Trong một số lễ hội còn có các trò chơi, trò diễn tiêu biểu gắn với tín ngưỡng như trò thi cướp nước (chùa Dâu), trò đánh trăng/ giăng trong lễ hội Tứ Pháp ở xã Lạc Hồng. Tục cắt và cướp thùng kiệu, chạy ngựa thi trong lễ hội chùa Keo Gia Lâm (Hà Nội). Ngoài lễ hội cầu mưa, ở các chùa Tứ Pháp còn tổ chức các nghi lễ gắn với Phật giáo, cụ thể lễ thượng nguyên, trung nguyên, tất niên, lễ Phật Đản, lễ tán hạ, lễ vía các đức Phật Di Lặc, Thích Ca… Tất cả tạo nên một sự sống động, một giá trị văn hóa phi vật thể kết nối giữa các cộng đồng cư dân với nhau trong một cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng ngôi chùa Tứ Pháp.
Có thể nói, tín ngưỡng thờ Tứ Pháp có ảnh hưởng lớn đến đời sống văn hóa của cư dân Việt vùng đồng bằng Bắc Bộ. Sự ảnh hưởng này được đặt trong mối quan hệ đa chiều, để hiện nên một nhận định rằng, người Việt đã sáng tạo ra tín ngưỡng, tín ngưỡng tác động trở lại với chủ thể văn hóa, các giá trị văn hóa trên cả phương diện vật thể và phi vật thể, đủ tiêu chí trở thành di sản văn hóa của dân tộc.
________________
1. Nguyễn Văn Huyên, Chống hạn trong tập quán Việt Nam góp phần nghiên cứu văn hóa Việt Nam, tập II, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1996.
2. Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Đại Việt sử ký toàn thư, dịch theo bản khắc năm Chính Hòa thứ 18 - 1697, tập I, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1998.
3, 6. Theo lời kể của sư trụ trì chùa Đậu, ngày 7-5-2016.
4. Trần Lâm Biền, Đào Hùng, Diễn biến kiến trúc truyền thống, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2005, tr.36.
5. Hà Văn Tấn, Chùa Việt, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1993, tr.69.
7. Nguyễn Duy Hinh, Tín ngưỡng Thành hoàng Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1996.
8. Võ Hoàng Lan, Về tục thờ Tứ Pháp của người Việt, Tạp chí Di sản văn hóa, số 2 - 2012, tr.34-38.
Tài liệu tham khảo
1. Cổ Châu Phật bản hạnh, bản diễn nôm lưu tại chùa Phúc Nghiêm (Mãn Xá).
2. Cổ Châu Pháp Vân Phật bản hạnh ngữ lục, tư liệu Viện Hán Nôm, ký hiệu A.819, 1752.
3. Nguyễn Thị Ba Liễu, Tục thờ Tứ Pháp ở vùng Luy Lâu, Thuận Thành (Bắc Ninh) và một số vùng phụ cận, Khóa luận tốt nghiệp chuyên ngành Dân tộc học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, 2001.
THS NGUYỄN THỊ THANH MAI
Nguồn: Tạp chí VHNT số 473, tháng 9-2021