Nét đẹp văn hóa trong lễ hội Đền Hùng xưa

Lễ hội Đền Hùng được hình thành, tồn tại và phát triển từ Khu Di tích lịch sử văn hóa đặc biệt quốc gia Đền Hùng. Đây là lễ hội hàm chứa những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học và có ý nghĩa quan trọng trong đời sống cộng đồng. Đặc biệt, lễ hội Đền Hùng xưa vừa linh thiêng, vừa độc đáo, phản ánh khá tập trung và tiêu biểu truyền thống lịch sử, bản sắc văn hóa, tín ngưỡng tâm linh của cộng đồng dân tộc Việt Nam trong những thời điểm lịch sử đã qua.

Trải qua thời gian và những biến cố thăng trầm của lịch sử, lễ hội Đền Hùng xưa vẫn là một ký ức đẹp đẽ, luôn tỏa sáng những giá trị văn hóa tốt đẹp để trao truyền cho các thế hệ tiếp nối về đạo lý “uống nước nhớ nguồn” và sự thành kính tri ân, báo hiếu với tổ tiên, nguồn cội. Lễ hội Đền Hùng xưa với những lễ nghi trang trọng, linh thiêng là hạt nhân quan trọng góp phần để Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú thọ trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. 

Rước kiệu trong lễ hội Đền Hùng - Ảnh: Đinh Vũ

1. Lễ hội Đền Hùng qua các triều đại phong kiến

Sự hình thành, tồn tại và phát triển của lễ hội Đền Hùng gắn liền với Khu di tích lịch sử văn hóa đặc biệt quốc gia Đền Hùng. Không gian văn hóa đặc biệt này là nơi hình thành Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và hệ thống lễ hội dân gian độc đáo, đặc sắc. Cùng với quá trình tồn tại của các lễ hội ở một số làng xung quanh chân núi Hùng với những trò chơi, trò diễn của các nhóm cộng đồng người quần cư trên một khu vực địa lý, tiêu biểu là lễ hội của các làng Cổ Tích, làng Vi, làng Trẹo… Lễ giỗ Quốc Tổ đã hình thành và phát triển vào thời điểm lịch sử nhất định, đó là thời điểm chính quyền nhà nước và người dân đã có tư tưởng hướng về tổ tiên, cội nguồn dân tộc. Về phía nhà nước cũng là một bước thể chế hóa việc phụng thờ Quốc Tổ.

Những tư liệu hiện còn đến nay và truyền thuyết dân gian cho biết: Từ thời Lê (TK XV-XVII), lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương diễn ra trong 3 ngày. Ngày Giỗ Tổ là ngày kỵ của Vua Hùng thứ VI (tên hiệu Hùng Huy Vương), ngôi mộ của nhà Vua được táng trên đỉnh núi Hùng. Không gian lễ hội diễn ra từ đình làng Cổ Tích lên đến núi Hùng: ngày giỗ chính được tổ chức vào ngày 11-3 âm lịch hằng năm. Bắt đầu từ ngày 9-3 âm lịch, dân làng đã mở cửa đình, rước kiệu từ cửa đình lên đền Thượng làm lễ mở cửa đền, rồi rước sắc từ đền về đình làm lễ cáo tế. Ngày 10-3 âm lịch làm lễ chính ở đình làng, lễ vật là tam sinh (bò, dê, lợn). Ngày 11-3 âm lịch làm lễ tạ ở đình làng xong rồi rước sắc lên đền Thượng làm lễ đóng cửa đền.

Đến triều Lê - Nguyễn không chỉ quan tâm đến việc cúng tế mà còn chú trọng gìn giữ, tôn tạo đền Hùng. Ngày 28-2-1785 (Niên hiệu Cảnh Hưng), nguyên soái tổng quốc chính Đoan Nam Vương (Trịnh Khải) ban lệnh cho phép xã Hy Cương được miễn trừ thuế khóa để chuyên lo đèn nhang tại đền Hùng. Ngày 6-2-1789 (Quang Trung năm thứ hai), triều đình ký đạo sắc phong cho dân Hy Cương làm “trưởng tạo lệ”, miễn trừ thuế khóa để chuyên lo đèn nhang thờ phụng các Vua Hùng (do là dân sở tại nên triều đình giao cho nhiệm vụ trông nom đền miếu và phục vụ ngày Giỗ Tổ, đồng thời được miễn khoản sưu thuế phu phen, ngoài ra còn được cấp thêm chi phí lấy từ thuế điền thổ của hạt Sơn Hùng Tuyên). Dưới thời nhà Nguyễn, triều đình cấp tiền về tu sửa, tôn tạo, mở mang đền Thượng, các đền Hạ, đền Trung, đền Giếng, chùa và gác chuông chùa Thiên Quang giao cho dân sở tại tu sửa. Các vua nhà Nguyễn theo lệ, cứ 5 năm (vào những năm chẵn 5, chẵn 10), nhà nước đứng ra tổ chức lễ hội Giỗ Tổ (Quốc lễ) tại đền Hùng, những năm lẻ địa phương đăng cai tổ chức. Lễ hội được tổ chức trong 3 ngày, khuôn viên của lễ hội là những vùng xung quanh núi Hùng.

Từ năm Khải Định thứ II (1917), Quan tuần phủ Lê Trung Ngọc xin bộ lễ ấn định ngày Quốc lễ vào ngày mồng 10-3 âm lịch (trước ngày húy của Vua Hùng một ngày), ngày 11-3 âm lịch để dân sở tại làm lễ, thời gian tổ chức lễ hội giỗ Tổ Hùng Vương bắt đầu từ ngày mồng 8 đến 10-3 âm lịch hằng năm, sau hội, vào chiều ngày mồng 10-3 thường có một trận mưa lớn, tục truyền rằng đó là trận mưa rửa đền, đến ngày nay vẫn còn truyền tụng trong dân gian về tục “mưa rửa đền”.

“Khác hẳn với lễ hội của làng xã chỉ tiến hành với dân cư trong làng xã, lễ hội đền Hùng được tiến hành với sự tham gia của nhân dân cả nước, nhưng về chủ thể việc cúng giỗ Vua Hùng do 3 cấp tiến hành của nhà nước phong kiến, của các làng xã sở tại và của từng người.

Nhà nước phong kiến tiến hành tế lễ (Quốc tế) vào ngày 10-3 âm lịch là ngày Giỗ Vua Hùng thứ nhất (Kinh Dương Vương). Lệ này cứ 5 năm một lần vào năm chẵn (ví dụ 1920-1925) gọi là hội chính. Năm ấy, ngay từ tháng Giêng, người ta đã treo lá cờ thần trên đỉnh núi Nòn báo cho đồng bào xa gần biết. Từ thời Sơn Tây về trước, phẩm vật tế lễ do dân Trung Nghĩa (thuộc xã Hy Cương) phải lo, gọi là dân Trưởng tạo lệ. Vì Hy Cương là dân sở tại nên triều đình giao cho nhiệm vụ trông nom đền miếu và lo liệu ngày Giỗ Tổ. Bù lại, nhà nước miễn cho khoản sưu thuế phu phen. Ngoài ra còn được cấp thêm chi phí lấy từ thuế điền thổ của hạt Sơn Hùng Tuyên. Đến thời nhà Nguyễn đã bác bỏ lệ ấy, mà tậu 25 mẫu ruộng làm ruộng điền, phát canh lấy hoa lợi. Đến kỳ Giỗ Tổ thì cấp thêm 100 đồng tiền và Bộ Lễ cử quan về trông nom công việc. Giao cho tuần phủ Phú Thọ làm chủ tế. Sau khi đã tiến hành Quốc tế thì đến lượt các làng xã xung quanh đền Hùng tế lễ. Đó là những nơi thờ Vua Hùng và vợ con của các Vua” (1).

Các thủ tục dâng lễ tấu sớ được tuân thủ theo các quy định nghiêm ngặt của lễ giáo phong kiến. Phần lễ được diễn ra trang nghiêm trong các ngôi đền, chùa trên núi Hùng, phần hội được diễn ra xung quanh khu vực đền và dưới chân núi. Vào ngày Giỗ Tổ, nhiều địa phương trong tỉnh rước kiệu về tham gia Giỗ Tổ, nếu chấm giải, kiệu nào thật đẹp, cỗ bày hậu mới được rước lên núi Hùng, những cỗ còn lại chỉ được rước tới chân núi. Trong phần hội có nhiều trò diễn dân gian như: đu quay, đấu vật, chọi gà, cờ tướng, thổi cơm thi…

Những tư liệu còn lại cho biết, phần nghi lễ trong lễ hội Đền Hùng xưa được tổ chức long trọng: vào năm hội chính, nhân dân làng sở tại treo lá cờ Thần trên đỉnh núi Nòn báo cho đồng bào từ tháng Giêng. Ngoài việc quan triều đình và quan hàng tỉnh đứng tế, các làng xã có đình thờ Vua Hùng, hoàng hậu, công chúa hoặc tướng lĩnh thời Hùng Vương còn rước kiệu đến chầu tại Đền Hùng. Trên địa bàn Phú Thọ có hơn 600 nơi thờ tự nhưng “Về rước kiệu, Quan Tuần phủ Phú Thọ thông sức cho 40 làng quanh núi thờ Vua Hùng, vợ con và tướng lĩnh của Vua rước kiệu về chầu” (2). Đây chính là nét đặc trưng riêng, độc đáo, ảnh hưởng cộng đồng rộng lớn mà chỉ có ở lễ hội tưởng niệm các Vua Hùng mới có. Không gian lễ hội đền Hùng xưa ảnh hưởng tới 40 làng cùng tổ chức rước kiệu, ngoài ra các làng còn trình diễn các trò chơi, trò diễn đặc sắc của làng mình để lễ hội đền Hùng là nơi hội tụ và tỏa sáng các giá trị văn hóa dân gian đặc sắc, mang đậm nét văn hóa thời đại Hùng Vương. Nghi lễ được tiến hành trang nghiêm bằng lễ rước kiệu, hầu kiệu có những người che lọng, vác cờ, bát bửu, tấu nhạc bát âm, đánh chiêng trống, phường chèo đóng đường (tốp chèo vừa đi vừa diễn trong đám rước hội làng), làng ở xa phải rước 2, 3 ngày mới đến đền.

Sau khi đã tiến hành Quốc tế là đến lượt các làng xung quanh đền Hùng tế lễ. Chính các cuộc hành lễ của làng xã đã tạo nên sự xúc động tâm linh mạnh mẽ hướng về cội nguồn. Quan phủ cho phép khoảng trên 40 làng ở xung quanh khu vực núi thờ Vua Hùng, vợ con và tướng lĩnh của Vua được rước kiệu từ đình làng mình tới chầu, tất cả kiệu đều đặt ở chân núi để chấm giải: kiệu nào nhất thì được Vua ban cho một bức trướng nhỏ và được rước lên đền Thượng để thay mặt cả đoàn kiệu đứng tế Tổ. Lễ tế diễn ra tại đền Thượng, chủ tế là Quan tuần phủ đứng đầu tỉnh do nhà vua ủy nhiệm, bồi tế là các quan lại của tỉnh, huyện trong địa hạt Phú Thọ. Đây là một hoạt động tín ngưỡng rất tôn nghiêm và vui vẻ, đám rước được tổ chức công phu gồm 3 cỗ kiệu đi liền nhau. Kiệu được sơn son thiếp vàng đục chạm rất tinh vi: thân kiệu là hai con rồng dài gần 4m do 16 người khiêng, cỗ đi đầu bày hương hoa đèn nến, trầu cau, bình nước và nậm rượu; cỗ thứ hai rước nhang án bài vị Thánh có lọng che; cỗ thứ ba rước đầy bánh chưng (hoặc xôi), thịt lợn luộc (hoặc cả con). Đi đầu là viên quan dịch cầm loa quả bầu báo cho nhân dân hai bên đường và khách bộ hành biết cỗ kiệu sắp tới, để họ nghênh xem hoặc thu xếp trước những gì trở ngại khiếm nhã. Tiếp theo là phường chèo vừa đi vừa hát gọi là phường chèo dẫn đường, sau đó là tiếng trống theo nhịp “tùng boong” hoặc “tùng tùng boong boong”. Dịch loa, phường chèo và chiêng trống có thể xem là một ê kíp tiền trạm. Ê kíp chính của đám rước gồm người vác lá cờ thần dẫn đầu, 8 người vác cờ đuôi nheo, 8 người vác bát bửu. Ông chủ tế mặc áo hoàng bào thụng kiểu nhà vua đi trước, các quan viên chức chia nhau hộ giá trước và sau kiệu. Riêng kiệu nhang án có phường bát âm tấu nhạc hầu thánh đi hai bên. Trừ phường bát âm mặc thường phục cổ điển (quần trắng, áo the khăn xếp), còn các quan viên rước kiệu đều ăn mặc theo lối quan văn võ trong triều, những làng ở xa phải rước hai, ba ngày mới tới đền. Bởi vậy có thể xem đội quân hậu cần là ê kíp thứ ba. Hằng ngày họ phải đem cơm nắm, thức ăn, nước uống từ nhà đến cho đám rước, đi đi về về rậm dịch (3). Rước kiệu là một hoạt động tín ngưỡng hết sức nghiêm trang và vui vẻ. Các thủ tục dâng lễ tấu sớ được tuân thủ theo các quy định nghiêm ngặt của lễ giáo phong kiến. Phần lễ được diễn ra trang nghiêm trong các ngôi đền, chùa trên núi Hùng (thuộc xã Hy Cương, thành phố Việt Trì ngày nay).

Từ xưa việc phân công hương khói ở đây đã được lưu ý và trở thành trách nhiệm đối với dân sở tại. Theo Hùng đồ thập bát diệp thánh vương ngọc phả cổ truyền soạn năm 1470 thời Lê: “Phụng ban hương Trung Nghĩa (Cổ Tích) làm dân Trưởng tạo lệ, cấp 500 mẫu ruộng tại xã Hy Cương, lại cho thu thuế ruộng của một vùng trên từ Tuyên Quang, Hưng Hóa, phía dưới đến Việt Trì đều đem nộp cho dân trưởng tạo lệ làm hương hỏa phụng thờ Thập bát diệp Hùng đồ”. Vào ngày giỗ Tổ, năm nào cũng vậy, viên quan cao nhất của tỉnh Phú Thọ đứng làm chủ tế. Nếu năm nào có quan chức của triều đình về thì người đó sẽ làm chủ tế (4). Năm 1470, vua Lê Thánh Tông (niên hiệu Hồng Đức 1470- 1497) đã cho Hàn lâm viện Trực học sĩ Nguyễn Cố lập Ngọc phả Hùng Vương với tên gọi đầy đủ là “Ngọc phả cổ truyền về 18 chi đời Thánh Vương triều Hùng” (Hùng đồ thập bát diệp thánh vương Ngọc phả cổ truyền). Với sự ra đời của bản ngọc phả này, Hùng Vương đã được chính thức hóa trong tòa chính sử Việt Nam và từ đây vua Hùng đã có tông phả ở giữa thế gian. Cũng nhờ có tông phả đó mà triều đình Hậu Lê mới có đủ điều kiện để làm lễ “tế giao” như các vua phương Bắc, để xác nhận quyền độc lập quốc gia và quyền lực chuyên chế của vua nước Đại Việt.

Cùng với biên soạn Ngọc phả Hùng Vương, triều đình đã có chủ trương xây khu vực thờ tự các Vua Hùng tại đất Nghĩa Lĩnh, làng Cả mang danh là Cổ Tích, đứng ra lập đền Thượng và xây Lăng, Chùa; làng Trẹo đứng ra xây lập đền Trung và làng Vi được phân công đứng ra xây lập đền Hạ cùng đền Giếng. Từ đấy về sau, chỉ có 3 làng này mới được cắt cử 3 người hằng năm lên núi Nghĩa Lĩnh làm thủ nhang cho 3 đền thờ Vua Hùng.

Tác giả Trần Lâm Biền khi nghiên cứu về tục thờ Hùng Vương và tín ngưỡng thờ tổ tiên đã đặt ra giả thuyết: “Theo chúng tôi, Tổ Hùng Vương có thể được ra đời từ cuối thời nguyên thủy, sau đó được lịch sử đắp da đắp thịt bằng những huyền thoại, rồi như định hình vào khoảng thế kỷ XIII-XIV, từ đó trở thành vị thủy tổ của dân tộc” (5). Tác giả Nguyễn Chí Bền khẳng định: “Phải có tiền đề lịch sử ấy, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương mới có thể hình thành và phát triển qua thời gian” (6). Trong lịch sử dân tộc “Hùng Vương đã vượt qua bao thác ghềnh của lịch sử và xã hội để trở thành một ngọn đèn cho người Việt dựng nước và giữ nước” (7).

Thông qua những tư liệu trên cho thấy, vào thời điểm nhà Lê, lễ hội đền Hùng đã được định hình và được sự quan tâm của thể chế quân chủ bằng việc cho biên soạn ngọc phả, xây dựng đền Hùng… đánh dấu hệ ý thức trưởng thành về nòi giống, về một tổ tiên chung. Tín ngưỡng này đã phản ánh chân thực đời sống của cư dân nông nghiệp và thể hiện trình độ phát triển cộng đồng cao.

Về thời gian xuất hiện, lễ hội đền Hùng gắn liền với tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng. Các kết quả nghiên cứu của các học giả cùng với các văn bản quy định của triều đình phong kiến cho thấy: Lễ hội đền Hùng ra đời vào khoảng TK XV là có cơ sở. Khi cộng đồng ý thức về cội nguồn dân tộc, về một vị Quốc Tổ, họ tiến hành xây dựng những ngôi đền trên đỉnh núi Hùng, rồi cộng đồng tổ chức lễ Giỗ Tổ hằng năm. Thực tế lịch sử trước đó, người dân các làng Vi, Trẹo đã tổ chức lễ hội nhưng quy mô chỉ là hội làng không phải là lễ hội Đền Hùng, đây chính là lôgíc của vấn đề và thực chất cũng là thể hiện sự biến đổi. Vào thời điểm này, đền Hùng đã trở thành đền thờ Quốc Tổ và lễ hội đền Hùng mang tính chất là Quốc Giỗ.

Từ những nghiên cứu trên, xét cho cùng, bản chất của lễ hội đền Hùng chính là đạo lý “tri ân”, trong đó đạo hiếu là hạt nhân cốt lõi. Hành trình đi đến thể hiện đạo hiếu vượt qua “thác ghềnh của lịch sử”, trải nghiệm qua thời gian, đạo hiếu thể hiện nhuần nhị trong từng lớp văn hóa, thuở ban đầu là thờ cúng các vị thần núi, thần sông, thần lúa… sau đó vận hành chuyển hóa thành thờ cúng tổ tiên. Thuở ban đầu là thờ thần trên núi Nghĩa Lĩnh rồi đến việc xây dựng đền, chùa, thờ cúng, tổ chức lễ giỗ mà lúc đầu chỉ là hội làng rồi dần dần chuyển hóa thành hội nước và Quốc lễ cùng với sự đoàn kết gắn bó của cả cộng đồng dân tộc. Giỗ Tổ Hùng Vương và lễ hội đền Hùng là đỉnh cao của truyền thống “đền ơn đáp nghĩa”, “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. “Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương là một hiện tượng lịch sử độc đáo hiếm có so với nhiều Quốc gia dân tộc trên thế giới” (8). Bản chất của lễ hội đền Hùng thể hiện 4 nội dung cơ bản đó là: Đạo hiếu; Đạo lý uống nước nhớ nguồn; Ý thức hệ về cội nguồn dân tộc; Thể hiện một nét riêng của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt.

2. Nhận diện và phác thảo về lễ hội đền Hùng xưa

Từ nghiên cứu, mô tả lễ hội đền Hùng xưa đã cho thấy lễ hội đền Hùng từ thời Lê đến trước năm 1945-1954, căn cứ vào một số tư liệu biên chép còn lại có thể đưa ra một số nét phác thảo về “lễ hội đền Hùng xưa” như sau:

Về thời gian tổ chức hội đền Hùng: trước thời Lê chưa có quy mô tầm vóc vượt xa ngoài địa phương, chưa có lễ hội vượt ra ngoài quy mô làng xã, mà chỉ có mở hội ở ba làng riêng rẽ. Làng Vi và làng Trẹo mở hội cùng ngày vào tháng Giêng và tháng Tám (vì hai làng này đều có chung nhau một ngôi đình Cả), còn làng Cổ Tích tổ chức hội vào các ngày từ mồng 8 tới 12-3 âm lịch, chính tế vào ngày 11-3 âm lịch. Tới thời Lê Thánh Tông, hội đền Hùng được “gia ban Quốc tế”, việc mở hội và tế lễ do nhà nước chủ trì, ủy quyền cho quan đầu trấn thay mặt triều đình tổ chức (9).

Thời nhà Nguyễn, triều Minh Mạng, Đền Hùng không có lễ hội lớn, Quốc Lễ có từ thời Hồng Đức cũng bãi bỏ vì theo như sách Đại Nam nhất thống chí chép “Miếu Hùng Vương ở trên núi xã Hy Cương, huyện Sơn Vi… Bản triều năm Minh Mạng thứ 4 (1823) rước bài vị thờ ở miếu Lịch Đại Đế Vương (do triều Nguyễn lập đế ở kinh đô Huế), còn dân sở tại cấp sắc để phụ thờ” (10). Như vậy, vào thời Vua Minh Mạng vì đã rước bài vị về thờ tại Kinh đô Huế, nên tại đền Hùng không tổ chức Giỗ Tổ/Quốc Lễ, mà chỉ cấp sắc cho người dân địa phương có trách nhiệm thờ phụ. 

Theo văn bia, tới triều Tự Đức, hội Đền Hùng mới lấy lại được ý nghĩa tôn nghiêm, quy mô mang tính toàn quốc. Từ Tự Đức, nhà Nguyễn chú ý việc trùng tu “nâng cấp” Đền Hùng và phục hồi lại hình thức Quốc tế… Hình thức này kéo dài đến những năm trước Cách mạng tháng Tám 1945 (11). Ngày lễ hội đền Hùng cũng không phải ngày 10-3 âm lịch là chính hội mà theo văn bia Bảo Đại năm thứ 15 cho biết: “Trước kia hàng năm có lệ quốc tế vào mùa thu. Đến năm Khải Định thứ hai (1917) tuần phủ Phú Thọ Lê Trung Ngọc tự xin bộ Lễ ấn định hàng năm lấy ngày 10-3 âm lịch làm ngày lễ Quốc tế, tức là trước ngày Giỗ Vua Hùng thứ 18 một ngày, còn giỗ chính là ngày 11-3 do dân sở tại làm lễ giỗ Tổ” (12). Nhân dân Cổ Tích được làm Trưởng tạo lệ từ thời Lê Mạc, Quốc tế hay địa phương tổ chức lễ hội từ thời điểm đó cũng tổ chức từ ngày mồng 8 tới 12-3 âm lịch, mà chính tế là ngày 11. Từ năm 1917, mới có hướng lấy ngày mồng 10-3 âm lịch là ngày Quốc tế, còn chính tế là ngày 11-3 giao lại cho địa phương (13).

Điều rất đáng quan tâm trong nghiên cứu là từ năm 1917, cộng đồng dân cư ba làng: Vi (Vi Cương), Trẹo (Triệu Phú) và Cổ Tích luôn được coi là lực lượng nòng cốt cho các cuộc tế tự, rước sách trong ngày tổ chức lễ giỗ Vua Hùng ở tầm Quốc lễ, sự kết hợp và hòa đồng trong tâm thức cũng như diễn trình lễ hội giữa triều chính xưa cũng như nhà nước cách mạng sau này, tinh thần của cộng đồng dân cư thể hiện đỉnh điểm trong ngày lễ giỗ các Vua Hùng chính là sự hợp nhất đồng lòng của ý thức dân tộc/quốc gia, niềm tự hào về cội nguồn mang giá trị truyền thống của cộng đồng quốc gia đa dân tộc Việt Nam. Thời gian tổ chức lễ hội đền Hùng được ấn định vào ngày mồng 10-3 âm lịch kể từ năm 1917 và lịch lễ hội này được duy trì cho đến ngày nay. Như vậy, lễ hội đền Hùng đã có sự thay đổi về thời gian, nếu như trước đây, từ thời Lê (Lê Thánh Tông), thời gian lễ hội được tổ chức vào mùa thu tháng Tám âm lịch, sang đến thời Nguyễn (1917), thời gian tổ chức lễ hội chuyển sang mùa xuân (tháng Ba âm lịch). Thời gian tổ chức lễ hội đền Hùng nằm trọn trong khoảng thời gian tổ chức lễ hội của làng Cổ Tích như đã nói ở trên (lễ hội làng He xưa) và đó là vấn đề có thể lý giải tại sao các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa lại cho rằng, khi tìm hiểu về lễ hội đền Hùng, nhất thiết phải nghiên cứu lễ hội của làng He xưa kia.

Về quy mô và nội dung lễ hội: Theo quy định của nhà nước phong kiến, chính hội 5 năm một lần, vào các năm này chủ tế là quan Thượng Thư Bộ Lễ phải về đền Hùng tổ chức lễ hội. Các năm hội lệ, tuần phủ Phú Thọ vừa làm chủ trì và đồng thời có trách nhiệm làm chủ tế. Lễ được cử hành vào sáng mồng 10, về dự có tri huyện Lâm Thao, Phù Ninh làm bồi tế và các chức dịch tổng lý các xã về tham dự. Rõ ràng, lễ hội đền Hùng chính thức được tổ chức vào ngày mồng 10-3 âm lịch, bởi vậy, trong dân gian xuất hiện và lưu truyền câu ca dao nhắc nhở mọi người nhớ về ngày Lễ hội đền Hùng - Giỗ Tổ Hùng Vương:

Dù ai đi ngược về xuôi,

Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng Ba.

Bên cạnh thời gian tổ chức, quy mô của lễ hội Đền Hùng cũng có sự thay đổi từ trước và sau thời Lê (Lê Thánh Tông). Trước thời Lê, ở khu vực đền Hùng chỉ tồn tại lễ giỗ Tổ Vua Hùng, còn thực chất hội lại tập trung ở các làng cổ quanh chân núi Nghĩa Lĩnh. Lúc này, lễ giỗ Tổ Vua Hùng chính là tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt, còn hội ở các làng cổ mang đậm tính chất dân gian và những tín ngưỡng cổ xưa - đặc điểm của làng xã cổ truyền. Đến triều đại Lê, Mạc và hậu Lê, tư tưởng Nho giáo định hình và phát triển mạnh mẽ, lễ hội Đền Hùng đã được chính quyền phong kiến tập quyền đặc biệt quan tâm, được thể hiện qua việc triều đình cho phép viết Ngọc phả Hùng Vương, xây dựng công trình thờ tự, đặt ra các điển chế tế tự, cử quan lại các cấp chủ trì lễ hội tùy theo từng năm (năm chẵn và năm lẻ)… Thời điểm này, lễ hội tại các làng cổ quanh núi Hùng vẫn bảo lưu và phát triển mạnh, những yếu tố của lễ hội làng xã đã đan xen và hòa trộn vào lễ giỗ Tổ vua Hùng. Lễ hội Đền Hùng thực sự đã có sự thay đổi lớn cả về hình thức cũng như nội dung. Về mặt hình thức, lúc đầu chỉ là lễ giỗ Tổ tiên đến nay đã được nâng lên thành lễ hội tôn vinh và tưởng nhớ các Vua Hùng mang tầm vóc quốc gia. Về mặt nội dung, so với trước lễ giỗ có phần giản tiện, khi thể chế quân chủ quan tâm, lễ hội đền Hùng đã mang đầy đủ những nội dung từ nghi thức, nghi lễ mang tính quốc gia và các trò chơi, trò diễn mang đậm màu sắc văn hóa dân gian cổ truyền.

Bước sang đến thời nhà Nguyễn, lễ hội đền Hùng đã có sự thay đổi so với các triều đại trước đây. Điều này được thể hiện rất rõ nét, đó là: Nhà Nguyễn rước bài vị các Vua Hùng chuyển về thờ tại miếu ở Kinh đô Huế và tổ chức các nghi thức nghi lễ ở đó, còn tại đền Hùng, lễ hội được giao cho tỉnh Phú Thọ tổ chức. Song song với việc tổ chức lễ hội ở đền Hùng, các hội làng ở các làng cổ xung quanh đền Hùng vẫn được duy trì. Điều đáng lưu ý ở giai đoạn này là việc phụng thờ các Vua Hùng cùng các nghi thức, nghi lễ đã có sự biến đổi về mặt không gian, từ phạm vi làng, xã đã ảnh hưởng, lan tỏa sang phạm vi vùng, miền và hướng tới phạm vi quốc gia, dân tộc. Như vậy, có thể nhận thấy rằng, tại vùng đất này luôn diễn ra sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng: một bên là lễ giỗ Tổ do quan chức đại diện nhà nước thực hiện và một bên là lễ hội của các làng xã. Hai nét sinh hoạt văn hóa này đã hòa trộn, đan quện với nhau, tạo ra quy mô, tầm cỡ lớn hơn nhiều so với hội của các làng cổ xưa kia. Song đó cũng chính là điều cần phải duy trì và khuyến khích cộng đồng cư dân các làng xã vùng Đất Tổ khôi phục các lễ hội, trò chơi, trò diễn... của làng mình để góp phần làm cho lễ hội đền Hùng thêm phần đa dạng và giàu bản sắc.

Sau phần nghi lễ linh thiêng, hội đền Hùng xưa mang những nét văn hóa truyền thống của hội làng, đó là việc trình diễn các trò chơi, trò diễn tưng bừng như: kéo co, chọi gà, đấu vật, cờ người, cờ tướng, thổi cơm thi, bách nghệ khôi hài, hát xoan, rước chúa gái… Hầu hết các trò chơi, trò diễn trong lễ hội đền Hùng phản ánh cuộc sống sinh hoạt của con người, cũng như sự tiến bộ vượt bậc trong quá trình chinh phục và cải tạo thiên nhiên của con người. Mỗi trò chơi, trò diễn phản ánh những hình thái sinh hoạt tín ngưỡng, những phong tục tập quán, cùng với những giá trị tinh thần toát lên từ đời sống tâm linh sâu sắc của cộng đồng. Các trò chơi, trò diễn chứa đựng các lớp văn hóa, các giá trị văn hóa do cộng đồng sáng tạo ra, phản ánh quá trình lao động, đấu tranh chống lại thiên tai địch họa, giặc xâm lăng để tồn tại và phát triển. Đồng thởi gửi gắm khát vọng sống, con người muốn cải tạo, chinh phục thiên nhiên. “Văn hóa Việt thuở các Vua Hùng dựng nước thể hiện những nội dung phong phú và qua những hình thức đa dạng, là văn hóa dân gian mang tính toàn dân” (14). Đây là tín ngưỡng phồn thực của cư dân trồng lúa nước được nhân dân tái hiện, phản ánh cuộc sống sinh hoạt với những lễ thức được hình thành từ đời sống lao động của cộng đồng và phục vụ lại cộng đồng, bởi vậy các tín ngưỡng này có sức sống trong cộng đồng và lan tỏa được bảo tồn cho đến ngày nay. Qua những hình thức sinh hoạt văn hóa tinh thần ấy đã phản ánh một quá trình phát triển liên tục của vòng sản xuất kinh tế trong đời sống xã hội từ săn bắt đến trồng trọt và chăn nuôi, trong những mối quan hệ giữa con người với con người, con người với thiên nhiên. Trong đó, dấu ấn sâu đậm hơn cả chính là các nghi lễ nông nghiệp, những giá trị văn hóa đang tồn tại đã cho chúng ta một bức tranh khá toàn diện về hoạt động trồng trọt và những quy trình khép kín từ khi bắt đầu gieo trồng đến khi có kết quả của con người Việt cổ thời Hùng Vương.

Về thành phần tham gia lễ hội, như đã nghiên cứu và mô tả trên đây, lễ hội Đền Hùng thời phong kiến đã có tính ổn định về nghi lễ. Song, thành phần tham gia lễ hội chủ yếu là cộng đồng cư dân Phú Thọ, những cộng đồng từ các làng Vi, làng Trẹo và các cộng đồng cư trú vùng lân cận khu vực Đền Hùng: nội dung phần lễ đã có tới 40 làng rước kiệu về chầu Tổ, nhưng 40 làng này đều thuộc các cộng đồng của cư dân Phú Thọ.

Trong nội dung phần lễ và phần hội, sinh hoạt văn hóa cộng đồng thể hiện phong phú qua các nghi thức rước, tế, các trò chơi trò diễn dân gian nhưng chủ thể cộng đồng lễ hội đền Hùng giai đoạn này đã có sự biến đổi, từ cộng đồng của các làng đến nay đã là cộng đồng của vùng khu vực đền Hùng. Mặc dù lễ hội đã nâng lên Quốc lễ, nhưng cộng đồng cư dân Phú Thọ vẫn giữ vai trò chủ đạo thực hành nghi lễ và tham gia tổ chức các hoạt động văn hóa dân gian trong không gian hội, không gian văn hóa cộng đồng của lễ hội đền Hùng.

3. Giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa lễ hội đền Hùng 

Lễ hội đền Hùng thuộc loại hình lễ hội dân gian được hình thành từ trong quá khứ lịch sử, trải qua thời gian đã có những biến đổi, do đó cần có giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa lễ hội đền Hùng xưa làm nền tảng để duy trì lễ hội đền Hùng trong đời sống cộng đồng hiện nay. Mục tiêu chung về công tác bảo tồn và phát huy cần đạt được là: Bảo tồn và kế thừa có chọn lọc các di sản văn hóa trong sinh hoạt lễ hội, tiếp thu có chọn lọc các giá trị văn hóa của lễ hội dân gian để phát huy lễ hội đền Hùng trong đời sống xã hội hiện nay. Xác định rõ các đặc trưng tiêu biểu của lễ hội, từng bước hình thành mạng lưới văn hóa lễ hội phục vụ du lịch văn hóa tâm linh. Để thực hiện tốt mục tiêu bảo tồn và phát huy lễ hội đền Hùng xưa cần thiết phải thực hiện một số nội dung như sau:

Một là, bảo tồn, ghi chép, chụp ảnh, phục chế văn hóa vật thể nếu cần lưu giữ, làm sáng tỏ và phong phú thêm các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của Khu di tích lịch sử Đền Hùng và lễ hội Đền Hùng

Nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết các vùng bảo tồn, nhằm bảo vệ cơ sở vật chất lễ hội, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể.

Về nhiệm vụ bảo tồn: Để bảo tồn lễ hội đền Hùng trong đời sống văn hóa cộng đồng, phải tiến hành tổng kiểm kê, rà soát, xác định thứ tự ưu tiên đối với từng nội dung hoạt động của lễ hội, trên cơ sở đó tính toán các nguồn lực, năng lực quản lý và điều hành hoạt động lễ hội của Khu Di tích lịch sử văn hóa đặc biệt Quốc gia đền Hùng. Khai thác, kế thừa các tri thức dân gian của cộng đồng dân cư để nghiên cứu tư liệu hóa, phục dựng lại các lễ nghi, các trò chơi, trò diễn dân gian trong lễ hội. Đánh giá lại các giá trị di sản văn hóa còn lưu giữ được để bảo tồn phát huy. Nghiên cứu xây dựng hồ sơ di sản văn hóa (vật thể và phi vật thể) đối với từng loại hình trò chơi, trò diễn, tục hèm, nghi lễ. Tiến hành điều tra, sưu tầm, thu thập bằng văn tự, băng ảnh, phim ảnh làm cơ sở để phục hồi những hình thức sinh hoạt lễ hội đã bị mai một, những nghi thức, trình thức đã bị thất truyền và có nguy cơ thất truyền… Hướng tới các chủ thể văn hóa và cộng đồng có trách nhiệm cùng tham gia bảo tồn.

Đối với phần lễ: Nghiên cứu kỹ tài liệu thư tịch, kế thừa kết quả nghiên cứu đã có của các cơ quan nghiên cứu, khai thác các giá trị truyền thống, phong tục, tập quán và tri thức dân gian khác có tính đặc thù của lễ hội đền Hùng xưa để giới thiệu, thu hút khách du lịch và phát huy giá trị văn hóa trong lễ hội. Xác định các nghi thức tế lễ, trang phục, nghi trình rước, lễ vật, xây dựng và huấn luyện đội tế, rước đảm bảo có những đặc trưng cần bảo tồn.

Đối với phần hội: Xác định, phục dựng các trò chơi dân gian, nghệ thuật diễn xướng dân gian (hát Xoan, đánh trống đồng, đu tiên, đâm đuống, biểu diễn trình nghề…). Định hướng rõ đâu là yếu tố mới bổ sung, đâu là di sản cần bảo tồn, phát huy. Kế thừa những yếu tố tốt đẹp từ xưa đến nay, đó là những nghi thức, nghi lễ, trò chơi, trò diễn của các lễ hội diễn ra trong không gian của các làng cổ quanh chân núi Nghĩa Lĩnh cho đến các nội dung mang đầy tính nhân văn đang tồn tại hiện hữu trong lễ hội đền Hùng hiện nay. Đồng thời, đẩy lùi và từng bước loại bỏ những yếu tố có nội dung không phù hợp, đi ngược lại với các giá trị truyền thống không phù hợp với xu hướng tích cực của lễ hội đền Hùng.

Hai là, bảo tồn không gian thiêng của lễ hội Đền Hùng

Như đã nghiên cứu trên đây, lễ hội đền Hùng được hình thành và phát triển từ lễ hội làng của các làng Vi, làng Trẹo, làng Cổ Tích (xã Hy Cương, Lâm Thao), nay là thị trấn Hùng Sơn, Thành phố Việt Trì, hiện còn nhiều làng xã khu vực cận đền Hùng lưu giữ các nghi lễ của lễ hội đền Hùng xưa. Đồng thời, lễ hội đền Hùng xưa được thực hiện trong không gian thiêng đền Hùng, do đó bảo tồn không gian thiêng của lễ hội đền Hùng cần đạt được các mục tiêu:

Bảo tồn không gian thiêng tại Khu Di tích lịch sử văn hóa đặc biệt Quốc gia Đền Hùng: Bảo tồn các cơ sở tín ngưỡng thờ tự Hùng Vương và các tướng lĩnh của Hùng Vương. Các công trình này chính là nơi được coi là không gian thiêng diễn ra lễ hội. Nếu không có các kiến trúc đó, không có các đồ thờ trong các di tích kiến trúc thì việc bảo tồn lễ hội đền Hùng cùng với các nghi thức, nghi lễ của nó là không khả thi và thậm chí còn ảnh hưởng đến sự tồn tại của lễ hội.

Bảo tồn không gian lễ hội của các làng Vi Cương, làng Triệu Phú, làng Cổ Tích và các làng lân cận Khu Di tích lịch sử đền Hùng. Việc bảo tồn hai không gian này cần được tiến hành hài hòa và đồng bộ. Nếu chỉ chú trọng đầu tư, nâng cấp, cải tạo Khu Di tích lịch sử văn hóa đặc biệt quốc gia đền Hùng, không tôn tạo các di tích của các làng này, ký ức về lễ hội đền Hùng xưa sẽ dần dần mất đi. Do đó cần được bảo tồn cả 2 không gian, xây dựng lại các di tích vật thể và sưu tầm các giá trị văn hóa phi vật thể để cộng đồng lưu giữ và thực hành trong mỗi dịp lễ hội đền Hùng.

Để đảm bảo toàn diện về công tác tổ chức và quản lý lễ hội, cơ sở vật chất cùng với phương thức phục vụ cũng là một yếu tố quan trọng quyết định sự thành công. Lễ hội, lễ Giỗ Tổ Hùng Vương được thực hiện trong không gian thiêng đền Hùng, vì vậy để lễ hội được tổ chức tốt đạt hiệu quả cần phải có kế hoạch bảo tồn, tôn tạo Khu Di tích lịch sử văn hóa đặc biệt quốc gia đền Hùng và các di tích hạt nhân cận khu vực đền Hùng. Trên cơ sở quy hoạch tổng thể Khu Di tích lịch sử văn hóa đặc biệt quốc gia đền Hùng để quy hoạch không gian thiêng hành lễ, không gian hội, không gian sinh thái, xây dựng các khu vui chơi giải trí hợp lý. Đầu tư nâng cấp cải tạo mở rộng quần thể Khu Di tích tương xứng tầm vóc với vị thế của lễ hội đền Hùng, đưa khu di tích này trở thành Công viên lịch sử Quốc gia, song song với việc này, phải chú trọng tu bổ và tôn tạo các di tích hạt nhân xung quanh khu vực đền Hùng. Đặc biệt chú trọng giữ gìn không gian thiêng của khu vực hành lễ, cải tạo nhưng không làm biến dạng những công trình hiện có, phục dựng những công trình mang dấu ấn của văn hóa Hùng Vương có quy mô tương xứng, hài hòa với vị trí đặc biệt của Khu Di tích lịch sử văn hóa đặc biệt quốc gia đền Hùng.

Ba là, nghiên cứu khoa học gắn với việc tư liệu hóa, phát hành các ấn phẩm về Đền Hùng và Lễ hội đền Hùng xưa

Lễ hội đền Hùng có đặc thù riêng, độc đáo, gắn với thời đại các Vua Hùng dựng nước, nơi khởi nguồn cội nguồn dân tộc, “khai sáng quốc gia”, nội dung này cần được tiến hành thường xuyên. Hiện tại, Khu di tích lịch sử văn hóa đặc biệt quốc gia đền Hùng đã xây dựng đề án bảo tồn tư liệu về lễ hội đền Hùng, nhưng để bổ sung nguồn tư liệu này, công tác nghiên cứu khoa học và sưu tầm tư liệu phải được tiến hành thường xuyên, liên tục. Sưu tra những tư liệu quý hiếm liên quan lễ hội đền Hùng hiện đang còn nằm trong đời sống nhân dân các dân tộc và đang đứng trước nguy cơ mai một, thất truyền cần được bảo tồn. Khi nghiên cứu về lễ hội Đền Hùng, trong diễn trình lịch sử được tổ chức như thế nào (quy mô, nghi thức, nghi lễ…), những tư liệu còn lại hiện nay còn quá ít. Vì vậy, cần tập trung nghiên cứu sưu tầm thêm các tư liệu trên nhiều lĩnh vực để làm rõ hơn về diện mạo của lễ hội đền Hùng xưa và những vấn đề có liên quan. Ví dụ như, câu chuyện về việc thờ hạt lúa trên đền Thượng, có tư liệu cho rằng, hạt thóc được làm bằng gỗ giống hình chiếc thuyền nhỏ, song lại có tư liệu lại cho rằng, hạt thóc làm bằng chất liệu đá và có kích thước bằng 0,6m và còn nhiều vấn đề khác…

Bốn là, duy trì các hoạt động văn hóa dân gian mang ký ức của lễ hội đền Hùng xưa trong lễ hội đền Hùng nay

Nội dung phần hội đền Hùng ngày nay, phải đặc biệt ưu tiên các hoạt động hội của lễ hội đền Hùng ngày xưa, những hoạt động dân gian phải giữ vai trò chủ đạo, là linh hồn trong không gian thiêng của hội: các lễ thức hát xoan, rước chúa gái, trò bách nghệ khôi hài, các tục cổ, trò cổ, trình diễn văn hóa dân gian phải đặc biệt chú trọng khôi phục, bảo tồn và cần nâng cao chất lượng thể hiện trong trang phục, ngôn ngữ, điệu bộ bởi các hoạt động này chính là linh hồn trong không gian hội đền Hùng. Tựu trung lại, nghi lễ quốc gia và các lễ thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng phải được chú trọng, cân đối hài hòa, đảm bảo lợi ích nhà nước và cộng đồng. Đẩy mạnh và tăng cường xã hội hóa hoạt động lễ hội để phát huy các giá trị văn hóa lễ hội và khai thác mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt lễ hội của nhân dân. Phải để lễ hội đền Hùng có sức sống và tỏa sáng từ chính cộng đồng đã sản sinh, nuôi dưỡng và bảo tồn từ xưa đến nay.

TS TRẦN THỊ TUYẾT MAI

Viện Văn hóa, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội

_____________________

1, 3. Vũ Kim Biên, Giới thiệu khu Di tích lịch sử quốc gia Đền Hùng, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Thọ, 2010, tr.97, 98.

2. 40 làng gồm các làng: Hạ Giáp, Dữu Lâu, Việt Trì, Thọ Sơn, Phú Sơn, Thanh Miếu, Minh Nông, Tiên Cát, Cao Xá, Cẩm Đội, Tề Lễ, Khang Phụ, Hậu Lộc, Mai Đình, Thanh Sơn, Vy Cương, Lâm Nghĩa, Cao Mại, Sơn Vi, Canh Phú, Khải Xuân, Nậu Phú, An Ninh Hạ, An Ninh Thượng, Ngọc Tháp, Hy Cương, Hy Sơn, Sơn Tường, Tiên Cương, Văn Luông, Gia Thanh, Phú Lộc, Phú Nham, Tử Đà, Phù Ninh, Bình Bộ, An Đạo, Kim Đức, Phượng Lâu, Phú Lang, An Lão  -  Nguồn: Vũ Kim Biên, Giới thiệu khu Di tích lịch sử quốc gia Đền Hùng, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Thọ, 2010, tr.133-134.

4. Lê Lựu (Chủ biên), Đền Hùng nơi hội tụ văn hoá tâm linh, Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 2005.

5, 7. Trần Lâm, Tục thờ Hùng Vương và tín ngưỡng thờ tổ tiên, Tạp chí Di sản văn hóa, tháng 2-2011 (35), tr.42.

6. Nguyễn Chí Bền, Bảo tồn Di sản văn hoá phi vật thể ở nước ta hiện nay, Tạp chí Cộng sản điện tử, số 7 (127), 2007, tr.36.

8, 12, 13. Sở Văn hóa - Thông tin và Thể thao Phú Thọ, Di tích và Danh thắng vùng Đất Tổ, Phú Thọ, 1998, tr.34, 54.

9, 10, 11. Sở Văn hóa - Thông tin Phú Thọ, Hội Văn nghệ dân gian Phú Thọ, Lễ hội truyền thống vùng Đất Tổ, Phú Thọ, 2006, tr.53, 53-54, 54.

14. Ngô Quang Nam, Xuân Thiêm (Chủ biên), Địa chí Vĩnh Phú - Văn hóa dân gian vùng Đất Tổ, Sở Văn hóa - Thông tin Vĩnh Phú xuất bản, Vĩnh Phú, 1986, tr.13.

 

;