Làng nghề nước mắm Nam Ô - một trong số ít làng nghề nước mắm truyền thống còn tồn tại trên cả nước có lịch sử hình thành trên 400 năm. Nước mắm Nam Ô là sản phẩm văn hóa tinh thần đặc sắc, thể hiện bản sắc của cộng đồng địa phương gắn với văn hóa biển, phản ánh sự đa dạng văn hóa của vùng đất có nhiều dấu ấn văn hóa Việt - Chăm, sự sáng tạo của con người trong bí quyết làm mắm, được kế tục qua nhiều thế hệ. Bài viết hướng tới phân tích và làm rõ những giá trị văn hóa của làng nghề nước mắm Nam Ô - di sản văn hóa độc đáo của xứ Quảng.
Làng nghề nước mắm Nam Ô nằm trên địa bàn phường Hiệp Hòa, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng. Trải qua bao biến cố, thăng trầm của lịch sử, nước mắm Nam Ô vẫn giữ gìn nguyên vẹn hương vị đặc trưng và tiếng vang của làng nghề truyền thống hàng trăm năm tuổi. Năm 2019, làng nghề nước mắm Nam Ô được đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây vừa là niềm tự hào, vừa là trách nhiệm của mỗi người dân làng nghề nói riêng và thành phố Đà Nẵng nói chung trong bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống này. Sản phẩm của làng nghề không chỉ là gia vị trong bữa ăn hằng ngày của người dân Đà Nẵng mà còn là biểu tượng văn hóa, với những giá trị văn hóa độc đáo, riêng có, thể hiện bản sắc văn hóa của cộng đồng địa phương.
Giá trị cố kết cộng đồng
Sự tồn tại của làng nghề tác động tích cực đến cơ cấu xã hội của làng. Đó là yếu tố nghề được duy trì theo kiểu cha truyền con nối, thợ cũ truyền dạy cho thợ mới trong làng, góp phần làm tăng tính cố kết gia đình, cố kết cộng đồng vững chắc, là động lực và là nền tảng cho truyền thống đạo đức của dân tộc.
Giá trị cố kết cộng đồng được hình thành và thể hiện từ trong hiện thực của nhu cầu lao động, hoạt động sản xuất, trong sinh hoạt hằng ngày và các yếu tố tinh thần của cộng đồng. Với đặc điểm là làng chài ven biển, việc cố kết cộng đồng tạo nên sức mạnh trong đánh bắt thủy hải sản, kéo chài lưới và hỗ trợ khi gặp các biến cố về thời tiết trên biển…; trong hoạt động sản xuất, việc chia sẻ về nguyên liệu đầu vào, hỗ trợ kỹ thuật sản xuất, vốn, tiêu thụ sản phẩm… là cần thiết cho quá trình sản xuất và hoạt động sống, góp phần tăng thêm tình làng nghĩa xóm, tinh thần tương trợ, cách ứng xử của những người cùng chung làng.
Giá trị cố kết cộng đồng còn thể hiện trong tín ngưỡng thờ cá Ông và lễ hội lăng Ông (diễn ra vào ngày 16-2 âm lịch hằng năm) cũng như các lễ hội khác tại làng Nam Ô (lễ tế âm linh tại miếu Âm Linh diễn ra vào rằm tháng Giêng, lễ vía bà Liễu Hạnh vào ngày 20-2 âm lịch hằng năm…). Việc tổ chức lễ hội và các hoạt động gắn với lăng/ miếu…đều mang tính cộng đồng, thể hiện trách nhiệm của cả làng với việc làng, việc nước thông qua sự chung tay, góp sức của từng gia đình. Đó vừa là trách nhiệm, vừa là tinh thần đoàn kết trên cơ sở tín ngưỡng chung của làng. Các hoạt động từ phần lễ tới phần hội của lễ hội đều đề cao tính cộng đồng (phân chia công việc làng giữa các ban, thành phần, các hội cho đến sinh hoạt cộng đồng như hội đua thuyền, cả làng cùng hát… thể hiện sự gắn bó, liên kết chặt chẽ giữa các thành viên trong cộng đồng hướng tới giáo dục con người lòng biết ơn đối với tiền nhân).
Với nghề làm nước mắm Nam Ô, giá trị cố kết cộng đồng thể hiện ở việc gắn kết các hộ gia đình làm mắm vào Hội làng nghề nước mắm Nam Ô để cùng sinh hoạt, chia sẻ kinh nghiệm, khó khăn, hỗ trợ trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và hơn hết là truyền dạy nghề cho các thế hệ kế cận. Đây là điều kiện cần thiết cho việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa làng nghề. Hơn nữa, tính cố kết cộng đồng trong nghề làm mắm còn thể hiện ở sự phân chia trách nhiệm, phần công việc trong từng khâu của quá trình làm mắm như đàn ông, thanh niên thì kéo chài, đi biển, đàn bà lựa cá, chọn muối, muối cá, phụ nữ chiết mắm, đóng chai… cho thấy công việc được chia sẻ với từng thành viên phù hợp với độ tuổi, sức khỏe và hơn hết tạo sự liên kết với các thành viên, tính kế thừa và tiếp cận với nghề truyền thống đảm bảo sự trao truyền nghề, tạo dựng niềm đam mê, gắn bó với nghề trong các thế hệ của một gia đình nói riêng, một cộng đồng làng nghề nói chung.
Như vậy, làng nghề, ngoài phạm vi là đơn vị sản xuất và khái niệm đơn vị hành chính còn có đặc trưng riêng biệt là tính cộng đồng cư trú, cộng đồng lợi ích và cộng cảm rất cao thể hiện cho sức mạnh cộng đồng trong quá trình tồn tại và phát triển.
Bảo lưu giá trị văn hóa đặc sắc của người Chăm
Nghề làm nước mắm Nam Ô đã được gìn giữ và trao truyền qua nhiều thế hệ, trong đó sản phẩm làng nghề không chỉ lưu giữ những giá trị văn hóa biển, tinh hoa văn hóa dân tộc trong những tri thức, kinh nghiệm bản địa mà còn thể hiện ở sự tiếp biến, giao thoa về văn hóa của nghề, làng nghề. Đó là sự giao thoa văn hóa Việt - Chăm thể hiện trong nền văn hóa biển đa dạng và độc đáo. Kể từ khi những lưu dân người Việt từ đồng bằng Bắc Bộ trên bước đường Nam tiến đã vào đây định cư, họ “gặp” những cư dân thuộc nhóm ngôn ngữ Mã Lai - Đa Đảo (Malayo - Polynésien) là người Chăm - một dân tộc nổi tiếng trong lịch sử với nghề buôn bán, khai thác, đánh bắt thủy hải sản trên biển. Trong quá trình chung sống, người Việt đã giao lưu học hỏi cách làm thuyền buồm, cách chế tác ngư cụ để đánh bắt xa bờ của người Chăm, dần dần họ trở thành chủ nhân của vùng đất mới. Kỹ thuật sản xuất nước mắm tại làng Nam Ô ngày nay mang đậm dấu ấn giao thoa văn hóa Việt - Chăm qua kỹ thuật ủ chượp độc đáo, công thức muối mắm 3 muối 1 cá và cách thức tạo ra các loại mắm: mắm nước, mắm nêm, mắm cá cơm… Từ những giá trị văn hóa biển độc đáo của người Chăm, được kế thừa và phát triển, cải tiến, sáng tạo nghề phù hợp với nhu cầu, hoàn cảnh và thực tế cuộc sống tạo nên bản sắc văn hóa riêng có của cư dân làng biển nói chung và làng Nam Ô nói riêng trong tiến trình bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc.
Tục thờ cúng cá Ông tại Làng Nam Ô và lễ hội Cầu ngư cũng mang những dấu ấn giao thoa văn hóa vốn được xem là tín ngưỡng của cư dân Chăm pa mà những lưu dân người Việt trên bước đường Nam tiến đã tiếp thu được trong quá trình giao lưu văn hóa giữa hai tộc người.
Trong sinh hoạt hằng ngày, dấu ấn giao thoa văn hóa Chăm pa vẫn còn thể hiện rõ nét thông qua việc thờ cúng Bô Bô phu nhân - Bà Chúa Động người Chăm với thờ Thành hoàng Bổn xứ tại làng Nam Ô trong ngôi miếu cổ; di tích giếng vuông còn lại tại làng Nam Ô (người dân nơi đây vẫn sử dụng giếng vuông với đế lót gỗ trong sinh hoạt, ăn uống hằng ngày, đặc biệt ngư dân ra khơi thường lấy nước ngọt từ Giếng Lăng mang theo).
Những dấu ấn lịch sử, văn hóa, tri thức dân gian…thể hiện đậm nét cốt cách, đặc trưng văn hóa vùng miền, dấu ấn văn hóa riêng có của cư dân địa phương cùng với sự tiếp biến, giao thoa văn hóa Việt - Chăm tạo nên bức tranh văn hóa đặc sắc với những gam màu độc đáo trong bức tranh toàn cảnh của Đà Nẵng.
Lưu giữ di sản văn hóa phi vật thể: bí quyết sản xuất, kinh nghiệm của nghệ nhân, tập quán, tín ngưỡng, lễ hội
Thông qua sản phẩm nước mắm Nam Ô, những tri thức bản địa (kho tàng kinh nghiệm, kỹ thuật, bí quyết nghề nghiệp, sử dụng nguyên vật liệu…) từ khâu chọn nguyên liệu cá, muối, kỹ thuật thêm bớt muối, cá tùy theo mùa, kỹ thuật khuấy, đảo mắm… cho đến những kiêng kỵ trong lúc muối cá… được lưu giữ để cho ra đời những chai mắm đẹp về màu sắc, ngon về chất lượng, cho thấy đó là phần tồn tại vô hình cần được bảo tồn của làng nghề và sản phẩm của làng nghề.
Tuy làng nghề không có tổ nghề nhưng trong tâm thức người dân làng Nam Ô, biển cả và cá Ông luôn che chở, độ trì cho dân làng được mùa, ấm no, cá về đầy khoang để làm mắm, cho ra những hũ mắm mang hương hồn biển cả. Vì vậy, ngoài các hình thức thờ cúng tổ tiên, tiền hiền, nhân thần, thiên thần… thì tục thờ cá Ông được đặc biệt chú trọng và lễ hội Cầu ngư tại làng Nam Ô (diễn ra từ 14 đến 16-2 âm lịch hằng năm) thể hiện sự biết ơn của dân làng đối với cá Ông và cầu mong một mùa biển bình an, tôm cá đầy khoang, mắm cá tươi ngon. Gắn với nghi thức thờ cá Ông là phần hội cũng chứa đựng những yếu tố mang đậm dấu ấn văn hóa biển, thể hiện màu sắc văn hóa dân gian, nét độc đáo của địa phương tạo nên đặc trưng riêng biệt về tính cộng đồng cư trú, cộng đồng lợi ích và cộng cảm rất cao. Hội đua thuyền ngay trên biển Nam Ô nhằm khuấy động thủy cung, cầu mưa cho mùa màng tươi tốt; hội hát bội - hình thức trả lễ, tạ ơn cho lực lượng siêu nhiên cũng được tổ chức ở sân lăng Ông để nhân dân đến xem… là những sinh hoạt cộng đồng, một bộ phận văn hóa tạo nên bức tranh đầy đủ về làng nghề.
Làng nghề nước mắm Nam Ô cũng có những quy ước, luật lệ để giữ gìn bí quyết nghề nghiệp và bảo tồn nghề truyền thống của cộng đồng. Việc giữ bí quyết nghề ở làng Nam Ô không chỉ mang tính giữ nghề, mà còn chi phối các quan hệ xã hội khác trong cộng đồng. Vì vậy, truyền nghề tại làng nghề nước mắm Nam Ô, ngoài những kỹ thuật cơ bản có thể trao truyền rộng rãi cho cộng đồng thì “bí quyết riêng” chỉ được trao truyền trong gia đình theo kiểu cha truyền con nối và cho đến nay, tất cả các bí quyết nghề nghiệp đó vẫn duy trì trong từng gia đình theo kiểu truyền miệng.
Ở làng còn có những người dân, mặc dù chưa được công nhận là nghệ nhân nhưng với tuổi đời, tuổi nghề trên 50 năm luôn được xem là tài sản vô giá của cộng đồng, đóng vai trò quan trọng trong việc giữ gìn, trao truyền và phát huy giá trị văn hóa làng nghề thông qua việc truyền dạy cho các thế hệ con cháu. Mỗi gia đình, mỗi nghệ nhân đều có những bí quyết nghề nghiệp riêng vì thế sản phẩm làm ra sẽ khác nhau về màu sắc, mùi vị cũng như chất lượng sản phẩm. Những “báu vật sống” này đã và đang nắm giữ các di sản văn hóa phi vật thể, góp phần gìn giữ giá trị văn hóa, tiếp tục duy trì, truyền dạy, lan tỏa nghề cho các lớp kế cận.
Một cách chung nhất, thông qua sản phẩm làng nghề nước mắm Nam Ô với các giá trị văn hóa phi vật thể, chúng ta có thể nhận dạng được làng nghề nước mắm Nam Ô từ nguồn gốc lịch sử, địa lý, nhân văn, đặc trưng xã hội, quy mô, cơ cấu… tạo nên những giá trị văn hóa riêng có của làng nghề.
Lưu giữ di sản văn hóa vật thể: dụng cụ sản xuất, di tích gắn với nghề
Từ những sản phẩm nước mắm, chúng ta dễ dàng nhận thấy gốc tích nông nghiệp trong từng công đoạn, thể hiện qua các khâu của quá trình làm nghề: đó là dụng cụ sản xuất nước mắm, giá trị sử dụng, tính chuyên dụng và sinh hoạt cộng đồng của cư dân trên những sản phẩm của làng. Cụ thể: dụng cụ để muối cá ngon nhất phải là lu sành - nét đặc trưng văn hóa nông nghiệp, chứa đựng những yếu tố truyền thống, triết lý âm dương và giá trị sử dụng giúp mắm không bị biến chất và đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người sử dụng; các sản phẩm từ nông nghiệp như vỉ tre để gài nén, phễu tre và vải mịn để lọc mắm không chỉ thể hiện sự hài hòa, linh hoạt trong ứng xử với thiên nhiên mà những vật dụng truyền thống đó còn giúp cho sản phẩm được tối ưu dưỡng chất và mùi vị. Cho đến ngày nay, kỹ thuật sản xuất hiện đại đã được thay thế ở một số khâu của quá trình, nhưng các vật dụng truyền thống trong sản xuất nước mắm vẫn được làng Nam Ô gìn giữ và duy trì để tạo nên hương vị riêng biệt của mắm Nam Ô cùng với những khác biệt khác trong kỹ thuật chọn cá, con nước, nguồn muối…
Làng nghề nước mắm Nam Ô với những đặc trưng của văn hóa làng nghề truyền thống, những yếu tố cấu thành về văn hóa vật thể gắn với nghề, tín ngưỡng thờ tổ nghề mà tiêu biểu là các di tích lịch sử gắn với quá trình hình thành và phát triển của làng nghề. Nổi bật tại làng nghề nước mắm Nam Ô là Cụm di tích Nam Ô, mang dấu, giá trị văn hóa lịch sử và sự giao thoa văn hóa Việt - Chăm của làng nghề nước mắm Nam Ô trong tiến trình lịch sử lập làng, mở đất, hình thành và phát triển nghề mắm như hiện nay. Cụm di tích này bao gồm đình làng Nam Ô (nơi thờ thần thành hoàng lập làng), lăng Ông (thờ cá Ông gắn với nghề biển và cũng được xem là tổ nghề mắm), dinh Âm Linh, nghĩa trủng Nam Ô, miếu bà Liễu Hạnh, miếu bà Bô Bô, giếng Lăng. Đây là những di tích gắn với không gian văn hóa làng nghề và sự phát triển của nghề làm nước mắm Nam Ô. Việc công nhận Cụm di tích này là di tích cấp thành phố là sự tôn vinh, khẳng định giá trị văn hóa, lịch sử, sự ghi nhận của chính quyền với việc bảo tồn và phát huy giá trị Cụm di tích. Thêm vào đó, trong thời gian tới, hướng phát triển du lịch làng nghề Nam Ô với việc xây dựng điểm đến để quảng bá, giới thiệu về các di tích làng Nam Ô sẽ góp phần bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa vật thể làng nghề một cách bền vững.
____________
Tài liệu tham khảo
1. Nguyễn Thanh Lợi, Giao lưu văn hóa Việt - Chăm, nhìn từ tục thờ cá Ông, Tạp chí Văn hóa dân gian, số 2, 2003.
2. Lê Thị Minh Lý, Làng nghề và việc bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể, Tạp chí Di sản văn hóa, số 4, 2003.
3. Nguyễn Tiến Đông, Đôi điều về nước sạch của người Chăm pa xưa qua hệ thống giếng cổ dọc bờ biển miền Trung Việt Nam, baotanglichsu.vn, 30-3-2018.
4. Đặng Dùng, Hồ sơ di tích làng Nam Ô, phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng, Hội người cao tuổi làng Nam Ô chỉ đạo thực hiện, 2011.
5. Võ Văn Hòe, Văn hóa dân gian Đà Nẵng, cổ truyền và đương đại, Nxb Hà Nội, 2016.
LÊ THỊ QUỲNH CHÂU
Nguồn: Tạp chí VHNT số 494, tháng 4-2022