Văn hóa nhà thờ họ ở Bắc Ninh cũng như nhiều địa phương khác nước ta có cội nguồn từ tục thờ cúng tổ tiên đã tồn tại hàng trăm năm. Trên cơ sở thu thập tư liệu nghiên cứu từ 127 nhà thờ họ ở tỉnh Bắc Ninh còn tồn tại, chúng tôi đề cập đến sự biến đổi của nhà thờ họ trong lịch sử, nhất là từ giai đoạn đất nước bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Từ đó đề ra một số giải pháp để phát triển loại hình di tích tín ngưỡng độc đáo này.
1. Đặt vấn đề
Nhà thờ họ mang đặc điểm tổ chức không gian sinh hoạt chung của gia đình, dòng tộc, lớn hơn là của cộng đồng làng xã truyền thống. Đây vừa là nơi ở của một hoặc nhiều thế hệ trong gia đình, dòng tộc có cùng huyết thống, vừa là nơi thờ cúng tổ tiên, dòng họ. Dòng họ lớn, dòng họ khoa bảng thường xây dựng nhà thờ riêng biệt làm nơi thờ cúng tổ tiên, những dòng họ khác sử dụng không gian ở kết hợp với thờ cúng.
Văn hóa dòng họ và lịch sử hình thành loại hình di tích nhà thờ họ đã chung đúc những giá trị lớn về vật chất và tinh thần. Dựa trên nền tảng là cơ cấu tổ chức của ngôi làng, nhà thờ họ hòa lẫn trong không gian văn hóa của nhà ở dân gian truyền thống, sự phân bố và vị trí xây dựng của nhà thờ họ phần lớn dựa vào cấu trúc của làng. Trong không gian ấy, nhà thờ họ được ví như “bảo tàng sống” lưu giữ những giá trị của truyền thống gia đình, dòng tộc như: gia phả, tộc phả, hiện vật, đồ thờ, các kiến trúc cổ và không gian tâm linh.
Theo số liệu điều tra của nhóm kiến trúc sư Đại học Nữ Chiêu Hòa (Nhật Bản), đến nay ở Việt Nam có khoảng 10 ngôi nhà trên 300 tuổi, trong đó có 6 ngôi nhà đại diện cho gần 4.000 ngôi nhà cổ ở Việt Nam được trao tặng giải thưởng Công trạng (Award of Merit) cho dự án Bảo tồn các kiến trúc nhà cổ truyền thống của Việt Nam. 6 ngôi nhà được dự án trùng tu là: nhà thờ dòng họ Nguyễn Thạc (Đình Bảng, Bắc Ninh); nhà thờ họ Trương (Hội An, Quảng Nam); nhà thờ họ Đặng Xuân (Nam Định); nhà ông Trần Ngọc Du (Biên Hòa, Đồng Nai); nhà ông Phạm Ngọc Tựng (Vĩnh Tiến, Thanh Hóa) và nhà ông Trần Văn Bình (Đông Hòa Hiệp, Tiền Giang). Trong đó, nhà thờ họ Nguyễn Thạc đã được các chuyên gia Nhật và Việt Nam tiến hành theo phương pháp bảo tồn nguyên gốc. Các chuyên gia cũng mong muốn, qua việc bảo tồn nhà thờ Nguyễn Thạc, sẽ còn nhiều nhà thờ họ ở Bắc Ninh cũng được bảo tồn với phương pháp tương tự.
Hiện nay, sự phát triển của kinh tế thị trường, cùng tốc độ đô thị hóa nhanh chóng đã ảnh hưởng rất nhiều đến vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, trong đó nảy sinh những vấn đề mới, đòi hỏi phải có giải pháp để quản lý, phát triển các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của ông cha. Đối với loại hình di tích nhà thờ họ, cần có những hướng đi phù hợp để tăng cường tính đoàn kết trong và ngoài dòng tộc, củng cố nền tảng các truyền thống ngàn đời của dân tộc quanh hạt nhân gia đình, dòng họ, tránh những biểu hiện tiêu cực mới nảy sinh.
2. Giá trị văn hóa nhà thờ họ ở Bắc Ninh - những vấn đề đặt ra
Vấn đề tổ chức quản lý họ tộc
Họ tộc với bộ máy quản lý từ xưa đến nay có sự phát triển tự phát, vì thế có những mặt tích cực và mặt tiêu cực, nhất là trong thời điểm kinh tế thị trường hiện nay, mặt tiêu cực đã bộc lộ rõ nét hơn.
Về mặt tích cực, để quản lý dòng tộc, các dòng họ thường tự xây dựng một bộ máy tổ chức riêng. Bộ máy tổ chức này thường được gọi là Hội đồng họ tộc. Hiện nay, một số họ danh gia vọng tộc đang có xu hướng kết nối các chi, nhánh trên toàn quốc để thành lập một Hội đồng họ tộc rất quy mô, bề thế. Nhân sự của Hội đồng họ tộc thường bao gồm: các vị trưởng tộc, trưởng chi, trưởng ngành… Nhiều dòng tộc còn đề nghị những cá nhân tuy không giữ vị trí trưởng nhưng có tri thức, kỹ năng quản lý hoặc cá nhân đang nắm giữ những cương vị trọng yếu trong các cơ quan hành chính sự nghiệp nhà nước, doanh nhân thành đạt… cùng tham gia Hội đồng họ tộc. Hội đồng này có nhiệm vụ tự quản lý tông tộc mình trên các phương diện: tự giải quyết mâu thuẫn để giữ gìn sự đoàn kết trong nội tộc; đề xuất phương thức xây dựng và phát triển dòng tộc; tổ chức các sinh hoạt phong tục: quan, hôn, tang, tế… của các gia đình thành viên; định hướng và giáo dục nhân cách con cháu hướng tới các giá trị văn hóa chân - thiện - mỹ…
Các dòng họ thường có tộc ước. Đó là những văn bản truyền miệng hoặc thành văn thường được soạn thảo bởi Hội đồng họ tộc, trong đó có nhiều điều khoản quy định rõ ràng về quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ của các thành viên. Bản tộc ước này được các thành viên của dòng tộc thông qua và nhất trí tự nguyện thi hành, tự hình thành một bộ máy tổ chức, tự xây dựng một hệ thống tộc quy riêng để quản lý dòng họ.
Với phương thức tự quản, dòng họ đã tự giải quyết mâu thuẫn nội tộc theo phương châm “một giọt máu đào, hơn ao nước lã”. Cách hóa giải mâu thuẫn độc đáo này khiến dòng họ vừa khơi dậy được tinh thần đoàn kết nội tộc, duy trì bền vững lối ứng xử tình nghĩa của cư dân nông nghiệp lúa nước cổ truyền, vừa góp phần đảm bảo trị an nơi thôn xóm.
Tuy vận hành tương đối độc lập với hệ thống luật pháp của quốc gia, song nhiều khi chính dòng họ giúp cho việc thực thi pháp luật của nhà nước ở làng xã - nơi mà thói quen hành xử bởi “lệ làng”, được tốt hơn. Nhiều chủ trương, chính sách đúng đắn của Chính phủ đã ban hành nhưng việc thực thi trong dân chúng lại đạt hiệu quả rất thấp, trong khi đó nếu biết phát huy vai trò tự quản của dòng họ thì sẽ đạt được kết quả đáng mong đợi.
Về mặt tiêu cực, phương thức tự quản của dòng họ đôi khi nảy sinh sự ganh đua, phát sinh mâu thuẫn. Như vậy, lợi dụng phương thức tự quản, một số dòng họ đã thao túng quyền lực trong nội tộc. Trong trường hợp này, sự phát triển của quan hệ họ hàng đã làm nhòe mờ các quan hệ luật pháp của nhà nước, gây rối ren về chính trị, tác động xấu tới trị an của quốc gia. Thực tế đó đặt ra vấn đề về sự điều hành việc họ nên theo một cơ cấu, phương thức ra sao cho phù hợp với giai đoạn lịch sử mới?
Trước đây, họ tộc có ruộng hương hỏa để điều hành mọi sinh hoạt của dòng họ. Nhiều họ đã có chúc thư, có phần hương hỏa dành cho con trưởng. Nếu trưởng không có con trai nối dõi hay đi xa quê làm ăn thì con thứ lên thay. Hằng năm, lấy tiền hoa lợi từ thóc tô để làm lễ giỗ, lễ Tết, vì thế mà không bao giờ dứt hương khói trong nhà thờ họ. Ngày nay, ở nhiều dòng họ, vai trò của tộc trưởng đang là một vấn đề đáng quan ngại, thể hiện ở những trường hợp như sau:
Tộc trưởng và nhiều các trưởng chi trong họ đều ở nhà, nhưng chỉ là hàng con cháu lại không có khả năng điều hành công việc của họ tộc, nên việc họ được tiến hành không suôn sẻ.
Tộc trưởng có điều kiện kinh tế khó khăn, con cái lam lũ, thỉnh thoảng đi làm ăn xa nên ít có điều kiện quan tâm đến việc họ.
Tộc trưởng nhiệt tình nhưng nghèo và già yếu, ít quan tâm đến việc họ.
Trong họ có nhiều cụ cao tuổi, việc gì cũng phải do các cụ bàn bạc quyết định, con cháu chỉ biết tuân theo. Nhưng bàn cãi nhiều, không đưa đến thống nhất.
Nhiều họ khá đông người, nhưng kinh tế rất khó khăn, ít người có kinh tế khá giả, tộc trưởng già yếu nên không có người đứng ra cáng đáng công việc của họ. Vì thế, người nọ nhìn người kia, không ai làm, thậm chí có năm quên cả hương khói ngày giỗ Tổ.
Tộc trưởng làm ăn phương xa, đã mất, gia đình có kinh tế khá giả nhưng không quan tâm đến họ hàng, coi như không còn tộc trưởng trong họ, gia phả, từ đường cũng không còn, mồ mả tổ tiên bị thất lạc. Vì thế, việc phục hồi việc họ rất khó khăn và có khi là không thể.
Một số người thành đạt trong họ, có chức vị trong các cơ quan trung ương, một số doanh nhân giàu có, nhưng vì đã hai, ba đời xa quê không còn gốc, ở quê lại thiếu người có khả năng tập hợp tổ chức những người này lại để cùng lo việc họ.
Vai trò tộc trưởng quan trọng trong việc phục hồi, xây dựng họ, duy trì lễ nghi, cúng tế. Tuy nhiên, trong quá trình phục hồi, duy trì việc họ, có nhiều việc phải làm như viết gia phả, xây nhà thờ họ, cúng lễ, phần mộ... phải cần có một tổ chức điều hành, ví dụ như một dạng Hội đồng tộc biểu, Ban lễ nghi, Ban xây dựng... phải là những người nhiệt tình, có uy tín, có kinh nghiệm để điều hành, chứ không nên dồn trách nhiệm cho tộc trưởng.
Về vấn đề xác định dòng họ gốc
Trong thời kỳ đổi mới, việc viết lại gia phả, điều chủ chốt nhất là xác định Thủy tổ. Nếu quan niệm vị Thủy tổ là người đầu tiên của dòng họ thì đây là điều không bao giờ xác định được. Vì vậy, thông thường, Thủy tổ là người đầu tiên mà gia phả có ghi hoặc người đang sống còn nhớ. Trên thực tế, những người cùng mang tên một họ, nhưng có các vị Thủy tổ khác nhau. Thường người ta hay ngộ nhận có cùng vị Thủy tổ (thường là tiến sĩ, đỗ đạt khoa bảng hoặc làm quan). Họ kéo về nơi thờ Thủy tổ để tri ân với tiên tổ. Nếu vị Thủy tổ này chưa có nơi thờ cúng hay mồ mả còn sơ sài, họ sẵn sàng công đức, đóng góp xây dựng và để có tên trong bảng vàng công đức. Trong việc họ, kỵ nhất là thấy kẻ sang bắt quàng làm họ, cúng nhầm tổ tiên và nhận nhầm mộ tổ.
Tổ chức viết sách về dòng họ, thu quỹ dòng họ và nguy cơ để trục lợi
Nhiều dòng họ tổ chức viết sách về lịch sử dòng họ. Trước khi làm, họ kêu gọi huy động tài trợ của bà con trong họ. Thay vì để tên Ban liên lạc, lại lấy tên cá nhân, sách in xong kêu gọi bà con trong họ mua để hiểu rõ sự tích dòng họ. Điều này dễ nảy sinh tiêu cực. Không có cơ chế kiểm soát tiền viết sách và bán sách vào quỹ dòng họ hay vào túi cá nhân.
Bên cạnh đó, có không ít dòng họ (thực chất là những người mang danh một họ) rất đông, thậm chí chỉ thu mỗi người 10 nghìn đồng, quỹ đã có hàng chục tỷ đồng. Rất khó để có cơ chế quản lý chi tiêu đối với một tổ chức rộng như vậy.
Tranh luận về việc xây nhà thờ họ toàn quốc
Trong những năm gần đây, nước ta có phong trào xây nhà thờ họ cấp nhà nước, tức là hội tụ tất cả người có cùng danh xưng một họ để xây dựng nhà thờ họ chung. Đây cũng là vấn đề còn nhiều tranh luận trong giới khoa học về tính chính xác về quan hệ huyết thống của những người cùng danh xưng một họ. Nhà thờ họ cấp quốc gia thường do Hội đồng họ tộc quản lý và được đóng góp bởi những người trong dòng họ. Hiện nay đã có nhiều nhà thờ họ cấp quốc gia được xây dựng.
Xu hướng của sự phát triển nhà thờ họ
Một là, xu hướng “cải gia vi từ”. Có những nhà thờ Đại Khoa của một họ tộc, dần dần được dân làng thờ đã biến đổi trở thành ngôi đền chung của làng (trường hợp của nhà thờ hay còn gọi là đền Nguyễn Phúc Xuyên ở thành phố Bắc Ninh). Trong lúc các chi trưởng, chi hai, chi ba là con trai của cụ lại xây nhà thờ riêng cho từng nhà. Đến ngày giỗ, ngoài giỗ của các chi họ, mọi người trong họ còn đến thắp hương cho ngôi đền (nhà thờ) chính thờ cụ nữa.
Hai là, xu hướng hội tụ và phân ly. Có những nhà thờ họ được giao cho một người trong họ trông nom, dần dần qua các đời nay biến thành nhà riêng. Có trường hợp nhà thờ sau nhiều đời lại xảy ra tranh chấp về quyền sở hữu của người trong họ. Có trường hợp các họ đi lập làng ở nơi khác, vẫn nhớ ngày giỗ họ để tụ tập, tưởng nhớ đến tiền nhân. Đó là trường hợp ba làng Việt tộc đã di cư sang vùng ven biển Trung Quốc.
Xu hướng di dân cả dòng họ cũng xảy ra ở Bắc Ninh. Tuy nhiên, những cuộc di dân một nhánh của dòng họ thường xảy ra từ quê gốc Bắc Ninh đến vùng đất mới (trong phạm vi Việt Nam).
Có trường hợp, người từ Hàn Quốc cũng về Việt Nam nhận họ Lý (trường hợp điển hình là ông Lý Xương Căn (trở về Việt Nam năm 2010 và đã được cấp quốc tịch Việt Nam), ông Ban Ki Moon (Tổng thư ký Liên Hợp Quốc) đã đến thắp hương nhà thờ họ ở Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội và đền Lý Bát Đế, thờ các vua nhà Lý ở Bắc Ninh.
Thứ ba, xu hướng hỗn dung tín ngưỡng, tâm linh trong các di tích nhà thờ họ. Thể hiện ở sự thần hóa, thánh hóa, Phật hóa (hoạt Phật) trong hoạt động thờ cúng. Điển hình như nhà thờ Nguyễn Phúc Xuyên, đưa Mẫu vào nhà thờ họ và còn trở thành “y gia” - nơi bốc thuốc trị bệnh cho dân...
3. Những giải pháp phát triển văn hóa họ tộc
Trước những thay đổi của văn hóa làng xã, văn hóa họ tộc, các cấp quản lý văn hóa cần có những giải pháp cụ thể:
Tăng cường tuyên truyền, giáo dục và xây dựng ý thức cộng đồng trong nhân dân. Đẩy mạnh giáo dục và nâng cao ý thức tự giác của người dân trong việc bảo vệ những di sản văn hóa truyền thống (trong đó có bảo vệ di tích nhà thờ họ).
Một khía cạnh tích cực của sự biến đổi văn hóa dòng họ là hoạt động công đức đa dạng và phát triển tại các làng quê nói chung, giúp cho dân làng có điều kiện để phục hồi mạnh mẽ hơn nữa văn hóa truyền thống, sau một thời gian dài chịu ảnh hưởng từ chiến tranh, nghèo khó. Sự phục hồi đó được thể hiện trong việc đầu tư vào hệ thống di tích, các hoạt động văn hóa tâm linh và hoạt động cộng đồng của làng nhằm mục đích bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, cũng như tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững trong quá trình đô thị hóa hiện nay.
Một trong những xu thế để phục dựng văn hóa truyền thống là tu sửa di tích lịch sử, tôn tạo nhà thờ họ, hội làng được tổ chức hằng năm, đời sống tâm linh của người dân ngày một đa dạng và hướng về nguồn cội...
Tỉnh Bắc Ninh đã có chính sách thu hút khách du lịch, tạo ra nhiều loại hình du lịch hấp dẫn, trong đó có du lịch nhà thờ họ (tham quan đền thờ Nguyễn Phúc Xuyên, khu lưu niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, đền thờ dòng họ Lý ở Đền Đô...).
Việc dịch gia phả, quy tập xây cất, tu bổ từ đường và mồ mả ông bà tổ tiên, tìm gốc tích thủy tổ và các chi ngành họ hàng lưu lạc, rồi lập hòm công đức, lập quỹ khuyến học… đã trở thành hoạt động được nhiều dòng họ coi trọng. Ðặc biệt, từ năm 2009, Bộ VHTTDL đã có văn bản đồng ý việc nghiên cứu, thiết kế, xây dựng thí điểm và chuẩn hóa mô hình Tủ sách dòng họ ở vùng nông thôn Việt Nam, trong đó có nông thôn tỉnh Bắc Ninh.
_______________
Tài liệu tham khảo
1. Toan Ánh, Phong tục thờ cúng tổ tiên trong gia đình Việt Nam, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2001.
2. Trần Lâm Biền, Trịnh Sinh, Thế giới biểu tượng trong di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội, Nxb Hà Nội, 2011.
3. Nguyễn Thị Phương Châm, Biến đổi văn hóa ở các làng quê hiện nay, Nxb Văn hóa Thông tin và Viện Văn hóa, Hà Nội, 2009.
4. Hà Chí Cường, Biến đổi của văn hóa quan họ Bắc Ninh trong thời kỳ hiện nay, Luận án Tiến sĩ văn hóa học, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, 2018.
5. Mai Văn Hai, Phan Đại Doãn, Quan hệ dòng họ ở châu thổ sông Hồng, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2000.
6. Tô Duy Hợp (chủ biên), Sự biến đổi của làng xã Việt Nam ngày nay ở đồng bằng sông Hồng, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2000.
7. Nguyễn Đức Nghinh, Làng xã cổ truyền Việt Nam ở Bắc Bộ trên đường chuyển biến, trong Làng ở vùng châu thổ sông Hồng: vấn đề còn bỏ ngỏ, Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia xuất bản, Hà Nội, 2002.
8. Đinh Công Tuấn, Biến đổi văn hóa làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, Luận án Tiến sĩ văn hóa học, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, 2017.
PHẠM LÊ TRUNG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 497, tháng 5-2022