Người Dao Đỏ có hệ thống các nghi lễ phong phú và đa dạng. Đây chính là môi trường hình thành, tồn tại những điệu múa và nhạc cụ truyền thống của dân tộc. Na Hang là huyện có số lượng người Dao Đỏ sinh sống tập trung đông nhất trong tỉnh Tuyên Quang, phân bố tập trung tại các xã Đà Vị, sơn Phú, Thanh Tương, sinh Long, Năng Khả. Do tác động của dự án di dân tái định cư, sự phát triển của kinh tế thị trường và toàn cầu hóa, văn hóa truyền thống của người Dao Đỏ ở Na Hang đã bị biến đổi, mai một, như nhà ở, trang phục, ẩm thực, các phong tục tập quán... Khai thác, phát huy các loại hình múa và nhạc cụ trong nghi lễ phục vụ cho phát triển du lịch là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Múa trong các nghi lễ của người Dao Đỏ
Trong đời sống của người Dao Đỏ tồn tại hệ thống nghi lễ vô cùng đa dạng và phong phú như: lễ cúng tổ tiên, lễ thêm khẩu (thim miền khu), lễ cúng mẹ Hoa (pièng miến), lễ cúng hồn (chang vần), cúng hồn lúa (síp bèo vần), cúng lập xuân (pịa schun), cúng ma ruộng (síp lình miến), cúng thổ công (síp đào tẩy miến/ pụa công), cúng cơm mới (sénh trà phin nhản sènh huây), lễ tẩy uế vào năm mới (trái panh), lễ cởi bỏ ma xấu (stre), cúng Bàn Vương (chấu đàng), lễ cấp sắc (quá tang), đám chay (chấu chây)... Theo quan niệm dân gian của đồng bào, mỗi nghi lễ đều nhằm mục đích bảo vệ phần hồn của con người, trừ tà, xua đuổi ma quỷ khỏi quấy nhiễu ma tổ tiên và hồn của con người đang sống, cầu mong sự che chở, ban phúc lộc của Ngọc Hoàng, các vị thánh thần, ma tổ tiên.
Múa của người Dao Đỏ chủ yếu được dùng trong các nghi lễ như gọi hồn, tẩy uế vào năm mới, stre, cấp sắc, tang ma, cúng Bàn Vương. Múa nghi lễ của người Dao được sử dụng kết hợp với các loại nhạc cụ như trống, thanh la, chũm chọe, chuông… Tuy nhiên, mỗi thể loại múa lại được sử dụng trong những nghi lễ và kết hợp với các đạo cụ nhất định tùy theo môi trường diễn xướng. Một số thể loại múa tiêu biểu như sau:
Múa tay không: Múa tay không thường dùng trong tất cả nghi lễ. Người múa thực hiện động tác tay không kết hợp với chân theo nhịp trống, thanh la, chũm chọe.
Múa lửa (pút tồng): Nhảy lửa thường dùng trong lễ pút tồng và gọi hồn. Những người thực hiện động tác nhảy lửa sẽ rửa chân tay bằng nước sạch trộn với bột hương. Khi tiếng trống, thanh la, chũm chọe vang lên kết hợp với lời khấn của thày cúng, người nhảy lửa rơi vào trạng thái đung đưa, chân tay, toàn thân người rung chuyển như có lực siêu nhiên nào đó điều khiển họ nhảy vào đống lửa đang cháy. Theo người Dao, động tác như vậy là do âm binh nhập vào cơ thể, dẫn họ thực hiện các động tác nhảy và dùng tay bốc than đang cháy tung lên không trung. Mỗi người sẽ thực hiện 1-2 vòng xung quanh đống lửa, sau đó đứng trước bàn thờ để thày cúng thực hiện các bài múa tay không theo lời khấn.
Múa kiếm và múa dao: Kiếm và dao được dùng trong nghi lễ pút tồng hoặc gọi hồn, chủ yếu được thực hiện bởi thày cúng chính. Múa kiếm thể hiện sự chiến đấu của các âm binh hoặc tổ tiên với thế lực xấu ở thế giới âm. Múa dao thể hiện động tác lao động của tổ tiên.
Múa kết hợp với các dụng cụ lao động sản xuất như chày, sàng, nia: Để thực hiện động tác này, thày cúng cầm từng loại đạo cụ trên bước đi theo nhịp nhạc của trống, thanh la, chũm chọe, thể hiện các động tác trong lao động sản xuất. Điệu múa này được sử dụng chủ yếu trong nghi lễ pút tồng, gọi hồn, cấp sắc với người cấp sắc Hành Sư.
Múa gậy (sờ nhần cuốn): Sử dụng thanh gậy của thày cúng, thực hiện các động tác: cầm gậy vắt chéo trước người, vác gậy trên vai, xoay gậy trên đầu và xoay gậy trên đầu gối. Thày cúng lần lượt thực hiện các động tác, đi lại từ bàn thờ lối ra cửa chính hoặc đi vòng tròn, sau mỗi động tác, thày cúng lấy tro từ ngoài cửa để vào bát hương trên bàn thờ âm binh. Múa gậy thường sử dụng trong lễ cấp sắc, cúng Bàn Vương, tang ma, lễ stre.
Múa chũm chọe: Tay cầm 2 núm trống đập vào nhau cùng theo nhịp chân và lời cúng, đi vòng quanh mâm lễ ở gian giữa nhà và theo trục dọc từ bàn thờ ra cửa chính giữa khu vực trung tâm của không gian nghi lễ.
Múa chuông: Thày cúng cầm chuông thực hiện các động tác tiến lùi, xoay vòng, nửa vòng theo tiếng trống, thanh la.
Múa bắt ba ba (péo tổ): Trong nghề thày cúng, ba ba là con vật linh thiêng, giúp đỡ thày tổ của họ trong hành trình đi học trở thành thày cúng. Động tác múa bắt ba ba được dùng trong lễ cấp sắc. Bài múa này được thực hiện bởi tất cả thày cúng và người được cấp sắc. Họ cầm chuông, chũm chọe đi vòng quanh mô hình (tượng trưng nơi giam cầm ba ba), vừa đi vừa múa xoay vòng, nửa vòng, động tác lạy theo nhịp nhạc của trống, chũm chọe, thanh la, kèn. Kèm theo đó, họ thực hiện các động tác tượng trưng cho các hành động: lùa, trêu ngươi, vây bắt, mổ, chia thịt ba ba cho những người tham dự. Kết thúc, họ hành lễ lạy hồn ba ba, đọc lời thề: “từ nay trở đi không ăn thịt ba ba”. Trình tự các động tác được thực hiện lặp đi, lặp lại đến khi hết bài cúng của thày dẫn chính.
Các loại nhạc cụ trong nghi lễ người Dao Đỏ
Các loại nhạc cụ người Dao phổ biến là nhạc cụ dùng trong các nghi lễ và có những kiêng kỵ nghiêm ngặt. Các loại nhạc cụ này chỉ được sử dụng khi thày cúng làm lễ xin phép người sở hữu (thế giới âm), nếu tự ý lấy ra sử dụng có thể sẽ gây hậu quả nghiêm trọng như ốm đau, hoạn nạn. Theo người Dao Đỏ, nhạc cụ chính là dụng cụ dùng để kêu gọi âm binh, khi tiếng nhạc vang càng to thì bước đi của người thực hiện nghi lễ càng nhanh, mạnh. Nhạc cụ của người Dao gồm:
Sừng trâu (ngùng chong): Sừng trâu được dùng trong các nghi lễ lớn như cúng Bàn Vương, cấp sắc và một số nghi lễ nhỏ như giải hạn, gọi hồn. Thày cúng dùng để thổi với mục đích gọi Ngọc Hoàng chứng giám cho việc thực hiện nghi lễ. Loại nhạc cụ này chỉ có thày trải qua lễ cấp sắc 7 đèn mới được phép sử dụng.
Trống (dzô): Trống là nhạc cụ chính dùng trong các nghi lễ lớn kêu gọi âm binh. Trống chỉ được dùng vào ngày Tết, đặc biệt là các nghi lễ lớn của người Dao. Hai mặt trống được làm bằng da trâu. Tang trống được bọc bằng các thanh gỗ và nhiều loại dây da; dùi trống làm bằng cây, bọc vải ở đầu đánh vào mặt trống. Nhịp gõ 1, 2, 3. Trong đó, 2 nhịp đầu gõ vào mặt trống, nhịp 3 gõ cạnh trống, kết hợp nhịp thanh la tạo thành tiếng nhạc thúc giục, dồn dập cho người thực hiện các động tác nhảy múa.
Thanh la (lù lò): Thanh la được làm bằng sắt, mặt bằng, không núm, buộc dây treo để cầm tay. Khác với dùi trống, dùi thanh la làm bằng thanh gỗ nhưng không bọc vải để thành vào mặt thanh la cho vang, chắc. Thanh la được sử dụng kèm với trống.
Chũm chọe (nà phò): Chũm chọe làm bằng đồng, hình tròn, có 2 mặt (một mặt phẳng và lõm ở giữa, một mặt có núm và lỗ buộc dây giữa núm để tay cầm khi sử dụng). Khi múa, người ta đập 2 mặt phẳng vào nhau tạo tiếng kêu. Chũm chọe dùng kết hợp trống, thanh la, chuông hoặc dùng riêng cho các động tác múa của thày cúng.
Chuông (lình): Chuông dùng chủ yếu vào các động tác múa của thày cúng, sử dụng trong nghi lễ cấp sắc, pút tồng, cúng Bàn Vương, lễ stre…
Kèn pí lè (phò tị hay phằn tỵ): Kèn pí lè được dùng nhiều nhất trong nghi lễ cưới, lễ cấp sắc. Đây là nhạc cụ vừa dùng trong nghi lễ tâm linh, vừa dùng trong sinh hoạt văn hóa dân gian nên không có sự kiêng kỵ nghiêm ngặt như trống, thanh la, chũm chọe, chuông. Hiện nay còn rất ít người biết thổi kèn và giữ loại nhạc cụ này của người Dao.
Ngoài ra, trong sinh hoạt văn hóa dân gian người Dao Đỏ trước đây, họ còn các loại nhạc cụ như sáo, kèn lá nhưng hiện nay không còn phổ biến và không ai biết chơi loại nhạc cụ này.
Khai thác, phát huy các loại hình múa và nhạc cụ nghi lễ phục vụ cho phát triển du lịch cộng đồng
Trong vài năm trở lại đây, Na Hang đã và đang đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng, hình thành các điểm, sản phẩm, tour, tuyến du lịch, dịch vụ lưu trú, vận chuyển... Các hoạt động du lịch được khai thác chủ yếu tập trung ở sản phẩm du lịch sinh thái rừng, vùng lòng hồ; du lịch tâm linh; du lịch cộng đồng tại các làng bản của người Tày (xã Năng Khả) và người Dao Tiền (xã Hồng Thái). Hoạt động biểu diễn phục vụ du lịch của các loại hình ca, múa, nhạc cụ dân tộc còn hạn chế. Múa và nhạc cụ nghi lễ của người Dao Đỏ đã được địa phương khai thác trong các hoạt động biểu diễn phục vụ cho những sự kiện văn hóa, chính trị, du lịch ở địa phương, như trình diễn trích đoạn lễ cấp sắc, pút tồng sử dụng một số điệu múa, nhạc cụ nghi lễ. Tuy nhiên, trong cộng đồng người Dao Đỏ ở Na Hang còn nhiều giá trị văn hóa truyền thống độc đáo mang bản sắc đặc trưng riêng, nhiều loại hình múa và nhạc cụ truyền thống của dân tộc chưa được khai thác có hệ thống, bài bản. Các làng bản người Dao Đỏ chưa có điểm du lịch cộng đồng, homestay hay các dịch vụ phục vụ cho hoạt động du lịch. Do vậy, để khai thác múa và nhạc cụ nghi lễ nói riêng hay các giá trị văn hóa người Dao Đỏ nói chung cần có sự vào cuộc của nhiều cấp, ban ngành, đoàn thể, doanh nghiệp, đặc biệt là cộng đồng người Dao Đỏ. Dưới đây là một số đề xuất về việc khai thác các loại hình múa và nhạc cụ nghi lễ của người Dao Đỏ phục vụ phát triển du lịch cộng đồng huyện Na Hang:
Cần phát huy nguồn lực từ các chủ thể văn hóa, có chính sách thu hút, khuyến khích sự tham gia của nghệ nhân, thành viên trong cộng đồng, đặc biệt là lực lượng thày cúng - kho tàng tri thức dân gian, nghệ nhân trình diễn múa và nhạc cụ trong các nghi lễ. Có nhìn nhận đúng, khách quan về vị thế và vai trò của thày cúng đối với cộng đồng; vận động, khuyến khích và có chính sách, cơ chế hỗ trợ để họ phát huy thế mạnh trong các hoạt động sưu tầm, trình diễn văn hóa, cụ thể là múa và nhạc cụ nghi lễ thông qua các câu lạc bộ, hoạt động bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa từ cấp thôn bản đến cấp tỉnh.
Tạo điều kiện, khuyến khích thày cúng cũng như cộng đồng thực hành các nghi lễ trong đời sống thông qua việc tuyên truyền, giáo dục về ý thức bảo tồn văn hóa truyền thống, niềm tự hào dân tộc trong cộng đồng dân cư; xóa bỏ các hoạt động trục lợi tâm linh. Loại bỏ những yếu tố rườm rà, các thủ tục phức tạp, tốn kém chi phí, rút gọn thời gian thực hành nghi lễ nhưng vẫn đảm bảo đủ nghi thức, ý nghĩa.
Tiếp tục tổ chức sưu tầm các loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống, trong đó có múa và nhạc cụ nghi lễ. Người Dao Đỏ ở Na Hang còn nhiều giá trị văn hóa truyền thống cần tiếp tục được sưu tầm, khai thác, tạo nên điểm nhấn trong thiết kế các sản phẩm du lịch. Các làn điệu, điệu múa, trò diễn cần được sưu tầm, biên tập thành tài liệu để lưu truyền qua các thế hệ và phổ rộng cho cộng đồng người Dao Đỏ. Công tác này cần có sự tham gia của chính quyền địa phương, các nhà nghiên cứu, nhà quản lý văn hóa, đặc biệt là từ cộng đồng người Dao Đỏ - những người am hiểu về văn hóa, hiểu thông thạo tiếng dân tộc, có thể sưu tầm, sao chép bằng song ngữ.
Hoạt động truyền dạy, đào tạo, bồi dưỡng cần tích cực hơn, như: hoạt động truyền dạy chữ Nôm Dao, người tham gia thực hành các nghi lễ để tích cực tiếp nối các điệu múa và nhạc cụ sử dụng trong tín ngưỡng, sinh hoạt văn hóa của dân tộc. Đào tạo, bồi dưỡng những thành viên trong cộng đồng có năng khiếu ở các lớp, khóa, đào tạo chuyên nghiệp về múa, hát, nhạc cụ dân tộc. Các khóa đào tạo về du lịch gắn với phát triển văn hóa vùng dân tộc thiểu số tại các trường trung cấp, cao đẳng, đại học chuyên nghiệp sẽ trang bị khung lý thuyết, kỹ năng thực hành để vận dụng lý luận vào thực tiễn, phục vụ cho hoạt động sưu tầm, khai thác, dàn dựng biểu diễn các loại hình nghệ thuật biểu diễn, đặc biệt là sân khấu hóa việc trình diễn các điệu múa, nhạc cụ nghi lễ phục vụ cho hoạt động biểu diễn du lịch cộng đồng.
Tổ chức nhiều hoạt động biểu diễn tạo môi trường để kích thích sự sáng tạo, khơi dậy tinh thần yêu thích văn nghệ, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống cũng như rèn luyện, bồi dưỡng nhân tài. Có 3 loại hình hoạt động biểu diễn phục vụ cho khách du lịch. Một là, tái hiện các điệu múa, nhạc cụ trong nghi lễ thông qua những trích đoạn tại các điểm du lịch trong và ngoài cộng đồng người Dao Đỏ. Hai là, tổ chức nhiều chương trình giao lưu văn nghệ tại các homestay, kết hợp sử dụng những chất liệu của các dân tộc đang sinh sống trên địa bàn như hát then cổ, then mới, múa nón, múa đàn, quạt, múa chén của người Tày; hát Páo Dung, các điệu múa, nhạc cụ của người Dao; múa khèn, ô của người Mông; các hoạt động tập thể như nhảy sạp, đốt lửa trại... Các tiết mục vẫn dựa trên cơ sở lấy ý tưởng trong đời sống sinh hoạt, trích đoạn, điệu múa, nhạc cụ nghi lễ được biên đạo và dàn dựng công phu hơn. Đặc biệt, cần sáng tạo các điệu múa tạo thành tiết mục múa cộng đồng để du khách được tham gia trải nghiệm trong quá trình tham quan, lưu trú. Ba là, hình thành những chương trình hoặc địa điểm biểu diễn chuyên nghiệp đặt trong các tour. Ở đó phải được trang bị về cơ sở vật chất, đào tạo tuyển chọn diễn viên đảm bảo cho hoạt động biểu diễn thường kỳ. Các tiết mục biểu diễn phải được biên đạo, dàn dựng công phu dựa trên chất liệu truyền thống của dân tộc. Chủ đề chương trình phải truyền tải được những giá trị văn hóa đặc trưng của tộc người, đặc biệt là các tích về các vị thánh, thần như Ngọc Hoàng, Tam Thanh, Bàn Vương... các câu chuyện liên quan đến các nghi lễ phản ánh nguồn gốc, lịch sử hình thành, đến đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của đồng bào tạo thành chương trình biểu diễn phát triển từ múa và nhạc cụ nghi lễ có chủ đề... mang giá trị thẩm mỹ, có tính nghệ thuật cao.
Tăng cường tổ chức các hoạt động văn nghệ quần chúng. Đây là một trong những yếu tố nhằm tạo ra sân chơi bổ ích và rèn luyện kỹ năng biểu diễn cho các nghệ nhân, diễn viên quần chúng, để tuyển chọn, chọn lựa ra các đội văn nghệ có chất lượng phục vụ cho du khách cũng như kích thích tinh thần say mê, sáng tạo trong hoạt động biểu diễn, niềm tự hào về văn hóa dân tộc.
Tăng cường quảng bá du lịch cộng đồng và bản sắc văn hóa của các dân tộc trên các trang web, mạng xã hội, thông qua các tổ chức, công ty du lịch lữ hành, du khách. Tổ chức các cuộc thi thiết kế sản phẩm truyền thông du lịch phục vụ cho phát triển du lịch cộng đồng của huyện. Với phương châm lấy mỗi người dân là một kênh truyền thông, huyện có chính sách thu hút và khuyến khích mỗi cá nhân tích cực phổ biến, tuyên truyền về du lịch Na Hang và những giá trị văn hóa của dân tộc thông qua mạng lưới quan hệ xã hội của các thành viên trong cộng đồng.
_____________
Tài liệu tham khảo
1. Lê Ngọc Canh, Giá trị văn hóa của âm nhạc và múa của người Dao, trong Kỷ yếu hội thảo quốc tế Sự phát triển văn hóa xã hội của người Dao: Hiện tại và tương lai, tổ chức tại Thái Nguyên tháng 10-1995, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1998.
2. Trịnh Quốc Minh, Múa trong lễ Tết nhảy của người Dao ở Việt Nam, Tạp chí Văn hóa dân gian, số 2, 2004, tr.14-16.
3. Trịnh Quốc Minh, Múa trong Lễ cấp sắc của người Dao ở Việt Nam, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 4, 2004, tr.67-70.
Ths TRIỆU THỊ NHẤT
Nguồn: Tạp chí VHNT số 500, tháng 6-2022