Phát huy giá trị văn hóa giữ nước của thanh niên quân đội hiện nay

Văn hóa giữ nước Việt Nam là tổng thể những giá trị vật chất và tinh thần được sáng tạo trong lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc, được kế thừa, phát huy, phát triển từ thế hệ này sang thế hệ khác, là cầu nối gắn kết mỗi người Việt Nam yêu nước, khơi dậy mạch nguồn trí tuệ, tư tưởng, tình cảm và ý chí con người Việt Nam, tạo thành động lực nội sinh của dân tộc trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Đối với mỗi người dân Việt Nam nói chung, thanh niên quân đội nói riêng, văn hóa giữ nước luôn là thành tố quan trọng trong nhân cách, khi được khơi dậy và phát huy thường xuyên sẽ trực tiếp tạo ra động lực tinh thần to lớn thúc đẩy họ sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Canh giữ biển đảo - Ảnh: Hà Hữu Nết

Lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm, giành và giữ độc lập cho thấy, dân tộc Việt Nam đã tạo nên một nền văn hóa giữ nước độc đáo, mang những giá trị, bản sắc riêng. Các giá trị văn hóa giữ nước Việt Nam được biểu hiện dưới dạng thức vật thể và phi vật thể. Giá trị văn hóa giữ nước ở dạng vật thể, được biểu hiện ở cuộc sống và hoạt động rất phong phú, đa dạng, được lưu giữ trong ý thức, tâm thức của dân tộc thông qua các di sản, di tích lịch sử, hiện vật, di vật, bảo vật... Giá trị văn hóa giữ nước ở dạng thức phi vật thể là những sáng tạo biểu hiện ở các di sản lý luận về truyền thống giữ nước độc đáo nhằm bảo vệ nền độc lập dân tộc, giữ vững chủ quyền, chống xâm lược, chống áp bức, bóc lột.

Mỗi khi nhân dân Việt Nam phải tiến hành cuộc đấu tranh chống ngoại xâm thì văn hóa giữ n­ ước Việt Nam được khơi dậy và phát huy mạnh mẽ, trở thành cầu nối gắn kết mỗi người Việt Nam yêu nước, kết thành sức mạnh to lớn nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước. Lòng yêu n­ ước, tinh thần sẵn sàng hy sinh cho sự nghiệp giải phóng và bảo vệ Tổ quốc trở thành lẽ tự nhiên của mỗi con ngư­ ời Việt Nam. Với ngư­ ời Việt Nam, Tổ quốc là điều thiêng liêng nhất trong trái tim mỗi người, có sức mạnh hiệu triệu vô biên. Trước vận mệnh của Tổ quốc, ng­ ười Việt Nam có thể hy sinh tất cả để Tổ quốc đ­ ược độc lập, dân tộc được tự do. Chiến đấu hy sinh vì Tổ quốc là nghĩa vụ đứng trên mọi nghĩa vụ, là vinh dự đứng trên mọi vinh dự. Sức mạnh của văn hóa giữ nước đã biến thành sức mạnh vật chất trong mỗi con ngư­ ời Việt Nam. Nhận thức, tình cảm, ý chí quyết tâm và lòng căm thù giặc đã kết lại thành một thứ năng lượng kỳ diệu và đ­ ược thăng hoa vư­ ợt xa mức bình thường. Chính năng lượng kỳ diệu đó giúp dân tộc ta v­ ượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ, đánh bại những đội quân xâm lược mạnh hơn gấp nhiều lần.

Có thể khẳng định, dân tộc ta không chỉ thắng giặc ngoại xâm về chính trị, quân sự, mà điều có ý nghĩa hết sức quan trọng là còn thắng giặc về văn hóa nói chung, thắng giặc bằng sức mạnh văn hóa giữ nước nói riêng. Một trong những nguồn gốc sâu xa đưa đến thắng lợi của sự nghiệp đấu tranh chống xâm lược của nhân dân ta là ở sức mạnh tinh thần - sức mạnh văn hóa giữ nước. Thực tiễn cách mạng đã chứng minh: “Chủ nghĩa yêu nước, sức mạnh văn hóa của dân tộc đã góp phần có ý nghĩa quyết định giúp nhân dân ta vượt qua mọi thử thách, giữ vững nền độc lập dân tộc. Chúng ta chiến thắng các thế lực xâm lược, đó là sự chiến thắng của văn minh với bạo tàn, ý nghĩ sâu xa là chiến thắng bằng văn hóa” (1).

Văn hóa giữ nước Việt Nam chứa đựng trong đó những giá trị cốt lõi của sức mạnh văn hóa tinh thần Việt Nam, trong đó “Lòng yêu nước nồng nàn, ý thức cộng đồng, cố kết dân tộc, tinh thần nhân văn cao cả và nghệ thuật đánh giặc độc đáo là các giá trị cơ bản, cốt lõi, tiêu biểu nhất của văn hóa giữ nước Việt Nam” (2). Những giá trị đó chính là “chìa khóa” để giải mã sức sống trường tồn của dân tộc ta, là động lực tinh thần to lớn thôi thúc mỗi người dân Việt Nam luôn phát huy cao độ trí tuệ, sức lực của mình đóng góp vào công cuộc giữ nước. Tuy nhiên, giá trị và sức mạnh của văn hóa giữ nước Việt Nam đến đâu còn phụ thuộc rất lớn vào khả năng khơi dậy và phát huy của các thế hệ.

Là một bộ phận của thế hệ trẻ cả nước, đã và đang đảm nhiệm những công việc khó khăn, vất vả, đầy gian khổ, hy sinh để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thanh niên quân đội là lực lượng đông đảo, xung kích, sáng tạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của Quân đội nhân dân Việt Nam và là nguồn nhân lực chủ yếu trong sức mạnh chiến đấu của quân đội. Thanh niên quân đội chiếm tỷ lệ khá cao của thanh niên cả nước và là lực lượng chủ yếu của quân đội (chiếm gần 50% tổng quân số trong quân đội), được biên chế ở các đơn vị cơ sở trong toàn quân. Ở các đơn vị huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu, thanh niên quân đội chiếm trên 80% quân số, ở cấp đại đội hầu hết cán bộ, chiến sĩ ở độ tuổi thanh niên. Đây là lực lượng cơ bản, nòng cốt, chủ yếu, trực tiếp thực hiện nhiệm vụ ở đơn vị cơ sở trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong chiến tranh giải phóng dân tộc, các thế hệ thanh niên quân đội đã nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, kế thừa, phát huy cao độ giá trị văn hóa giữ nước Việt Nam, chiến đấu anh dũng, lập nên những chiến công oanh liệt, góp phần làm rạng rỡ lịch sử dân tộc ta. Ngày nay, phát huy giá trị văn hóa giữ nước Việt Nam của thanh niên quân đội vẫn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và cấp thiết, trực tiếp tạo thành “chất keo” kết dính, là mẫu số chung quy định tính tích cực và tự giác, quy tụ nguồn sức mạnh trí lực và thể lực của thanh niên quân đội, tạo ra động lực tinh thần to lớn và mạnh mẽ thúc đẩy thanh niên quân đội không ngừng vươn lên vượt qua mọi khó khăn, thử thách, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Nhận thức sâu sắc vai trò, sức mạnh to lớn của văn hóa giữ nước Việt Nam, trong những năm qua, lãnh đạo, chỉ huy, chính ủy, chính trị viên và cơ quan chức năng các cấp trong quân đội luôn quan tâm đến quá trình phát huy giá trị văn hóa giữ nước Việt Nam của thanh niên quân đội. Do đó, phần lớn thanh niên quân đội có nhận thức đúng đắn, có động cơ, ý chí quyết tâm cao, lan tỏa mạnh mẽ giá trị văn hóa giữ nước Việt Nam trong thực hiện các nhiệm vụ. Trong mọi tình huống khó khăn, gian khổ và sự biến động phức tạp của tình hình, thanh niên quân đội luôn chủ động khắc phục mọi khó khăn, thử thách, sẵn sàng chấp nhận hy sinh quyền lợi và tính mạng của mình để bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, vùng trời, vùng biển, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc. Đặc biệt, với truyền thống tốt đẹp của quân đội, thời gian qua, thanh niên quân đội đã cùng hệ thống chính trị còn làm tốt vai trò, chức năng của mình trong phòng chống đại dịch COVID-19 và khắc phục hậu quả thiên tai, tạo được tình cảm, niềm tin yêu của nhân dân, “dù ở lĩnh vực, nhiệm vụ nào, khó khăn, hiểm nguy đến đâu, thậm chí phải hy sinh xương máu, tính mạng, thanh niên quân đội đều có mặt kịp thời và luôn luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Có biết bao cán bộ, đoàn viên, thanh niên đã không quản hiểm nguy trong đấu tranh phòng chống tội phạm, cứu giúp đồng bào, đồng đội. Màu áo xanh quân phục hòa với màu áo xanh tình nguyện đã xuất hiện trên khắp mọi nẻo đường, làng bản, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa của Tổ quốc” (3).

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, việc phát huy giá trị văn hóa giữ nước Việt Nam của thanh niên quân đội hiện nay vẫn tồn tại những hạn chế, bất cập nhất định. Nhận thức của một số chủ thể về phát huy giá trị văn hóa giữ nước Việt Nam của thanh niên quân đội hiện nay còn chưa thật sâu sắc; cách thức, biện pháp phát huy còn chưa sáng tạo, hiệu quả; thái độ, động cơ, ý chí quyết tâm của một bộ phận thanh niên quân đội trong phát huy giá trị văn hóa giữ nước Việt Nam hiện nay còn chưa cao, một số “giá trị lịch sử, truyền thống văn hóa của dân tộc và con người Việt Nam chưa được phát huy đầy đủ” (4). Những hạn chế đó do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng nguyên nhân cơ bản và chủ yếu nhất là do việc nghiên cứu chuyên sâu về phát huy giá trị văn hóa giữ nước Việt Nam của thanh niên quân đội hiện nay chưa được quan tâm đúng mức, chưa có giải pháp tối ưu để khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên.

Sự nghiệp xây dựng quân đội và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới đang đặt ra những yêu cầu mới, đòi hỏi thanh niên quân đội không chỉ vững vàng về bản lĩnh chính trị, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ quân sự mà còn phải tinh thông về văn hóa, tích cực giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa giữ nước của dân tộc, góp phần làm cho “Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc” (5). Tình hình trên đã và đang đặt ra sự cần thiết phải nghiên cứu phát huy giá trị văn hóa giữ nước Việt Nam của thanh niên quân đội hiện nay một cách cơ bản, hệ thống nhằm tạo ra động lực tinh thần để thanh niên quân đội có ý chí, quyết tâm cao, khắc phục mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.

Phát huy giá trị văn hóa giữ nước Việt Nam của thanh niên quân đội là quá trình các chủ thể sử dụng tổng hợp các cách thức, biện pháp làm cho giá trị văn hóa giữ nước Việt Nam được kết tinh, bồi đắp, nảy nở, lan tỏa và vận dụng sáng tạo vào thực tiễn thực hiện nhiệm vụ của thanh niên quân đội, tạo ra động lực tinh thần to lớn thúc đẩy họ sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Mục tiêu cao nhất, xuyên suốt của quá trình phát huy giá trị văn hóa giữ nước Việt Nam của thanh niên quân đội là không ngừng lan tỏa giá trị, gia tăng vai trò giá trị văn hóa giữ nước vào ý thức bảo vệ Tổ quốc, từ đó làm gia tăng động lực tinh thần to lớn và mạnh mẽ trong thanh niên quân đội, thúc đẩy họ vượt qua mọi khó khăn, trở ngại, sẵn sàng nhận và kiên quyết hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Đây là quá trình kép, thống nhất biện chứng của quá trình giữ gìn, kế thừa và phát triển các giá trị văn hóa giữ nước của dân tộc và quá trình phát huy vai trò, tác dụng của các giá trị đó vào ý thức bảo vệ Tổ quốc của thanh niên quân đội. Xây dựng ý thức bảo vệ Tổ quốc của thanh niên quân đội phải sử dụng tổng hợp nhiều yếu tố mà trong đó giá trị văn hóa giữ nước của dân tộc là một yếu tố hết sức quan trọng.

Nội dung phát huy giá trị văn hóa giữ nước Việt Nam của thanh niên quân đội là toàn bộ những nhận thức và hành động hay từng việc làm cụ thể của chủ thể trong suốt quá trình phát huy. Đó là sự nhận thức về giá trị văn hóa giữ nước của dân tộc, về xây dựng ý thức bảo vệ Tổ quốc của thanh niên quân đội; là nhận thức và hành động trong khai thác, kế thừa và phát triển những giá trị văn hóa giữ nước của dân tộc hướng tới đích xây dựng ý thức bảo vệ Tổ quốc của thanh niên quân đội. Mỗi nội dung của quá trình phát huy này lại bao chứa các nội dung cụ thể, trong đó việc xác định phát huy nội dung gì của giá trị văn hóa giữ nước vào nội dung nào trong bảo vệ Tổ quốc của thanh niên quân đội, có ý nghĩa quan trọng là cơ sở, tiền đề để tiến hành các nội dung khác của quá trình phát huy.

Hiệu quả quá trình phát huy giá trị văn hóa giữ nước Việt Nam của thanh niên quân đội không chỉ phụ thuộc vào việc xác định rõ mục tiêu, lựa chọn nội dung chính xác, cụ thể mà còn phụ thuộc một phần rất quan trọng vào việc sử dụng các phương thức phát huy giá trị văn hóa giữ nước. Đây là quá trình tích cực, tự giác bao hàm cơ chế vận hành và con đường chuyển hóa rất sâu sắc. Logic của quá trình đi từ khai thác, chuyển hóa các giá trị văn hóa giữ nước của dân tộc vào nhận thức của các chủ thể, từ nhận thức chuyển hóa thành thái độ, động cơ, ý chí đến hành vi trong bảo vệ Tổ quốc của thanh niên quân đội. Để thực hiện được mục đích và chuyển tải nội dung của quá trình phát huy giá trị văn hóa giữ nước Việt Nam trong bảo vệ Tổ quốc của thanh niên quân đội, các chủ thể cần thường xuyên đổi mới và đa dạng hóa các phương thức phát huy. Theo đó, quá trình phát huy có thể được thực hiện thông qua hoạt động giáo dục, bồi dưỡng các giá trị văn hóa giữ nước, trong đó thường xuyên và chủ yếu nhất là thông qua công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho thanh niên quân đội, lồng ghép với nội dung các bài giảng chính trị, các chương trình bồi dưỡng chính thức, các buổi sinh hoạt đảng, các buổi nói chuyện thời sự, tham quan các di tích lịch sử, văn hóa, các cuộc thi tìm hiểu truyền thống… Bên cạnh đó, phát huy giá trị văn hóa giữ nước Việt Nam của thanh niên quân đội có thể được thực hiện thông qua thực tiễn, các nhiệm vụ của họ ở đơn vị cơ sở và sự tham gia vào các phong trào hành động cách mạng chung của tuổi trẻ đất nước, hay thông qua phương thức tạo động lực từ việc giải quyết hài hòa các quan hệ lợi ích của thanh niên quân đội.

Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường như hiện nay, bên cạnh những vận hội và thời cơ mới, đất nước ta cũng đang phải đối mặt với những nguy cơ, những thách thức mới. Nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc ngày càng phải toàn diện hơn. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, nền văn hóa và lợi ích quốc gia - dân tộc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, an ninh con người, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh để phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa” (6). Nhiệm vụ đó đã và đang đặt ra cho quá trình phát huy giá trị văn hóa giữ nước Việt Nam của thanh niên quân đội hiện nay những yêu cầu mới. Bên cạnh đó, phải xác định đúng và phân tích một cách sâu sắc những vấn đề có tính quy luật, quy định, quá trình phát huy giá trị văn hóa giữ nước Việt Nam của thanh niên quân đội hiện nay cần được đánh giá một cách khách quan, khoa học thực trạng, dự báo và nhận diện đúng những nhân tố tác động, nhất là những nhân tố mới xuất hiện để đề xuất các giải pháp thích hợp nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả quá trình phát huy. Theo đó, để quá trình phát huy giá trị văn hóa giữ nước Việt Nam của thanh niên quân đội hiện nay có hiệu quả thiết thực, các chủ thể cần quán triệt tốt một số yêu cầu cơ bản đó là: phát huy giá trị văn hóa giữ nước Việt Nam của thanh niên quân đội hiện nay cần quán triệt và thực hiện tốt quan điểm toàn diện; bám sát thực tiễn thực hiện nhiệm vụ và phẩm chất, năng lực của thanh niên quân đội ở đơn vị cơ sở; cần huy động sức mạnh tổng hợp của mọi tổ chức, mọi lực lượng trong phát huy giá trị văn hóa giữ nước Việt Nam của thanh niên quân đội hiện nay. Quá trình phát huy giá trị văn hóa giữ nước Việt Nam của thanh niên quân đội hiện nay cần tiến hành thường xuyên, đồng thời, thống nhất và chặt chẽ một số giải pháp cơ bản, chủ yếu như: đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục, bồi dưỡng giá trị văn hóa giữ nước Việt Nam; tổ chức tốt hoạt động thực tiễn quân sự; tích cực hóa nhân tố chủ quan của thanh niên quân đội. Các giải pháp đó là một chỉnh thể thống nhất, vừa có tính độc lập tương đối, vừa có quan hệ chặt chẽ với nhau. Do vậy, tùy theo đặc điểm, tình hình nhiệm vụ cụ thể của từng đơn vị, các chủ thể cần có quan điểm đồng bộ, toàn diện, lịch sử cụ thể để vận dụng các giải pháp cơ bản trên cho phù hợp, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả quá trình phát huy giá trị văn hóa giữ nước Việt Nam của thanh niên quân đội hiện nay.

___________________________

1. Học viện Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Tư tưởng Hồ Chí Minh về dựng và giữ nước, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2000, tr.51.

2. Viện Khoa học xã hội và Nhân văn Quân sự, Tìm hiểu văn hóa giữ nước Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2002, tr.324.

3. Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh Quân đội lần thứ IX (2017-2022), Hà Nội, 2018, tr.34.

 4, 6. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.32, 156.

5. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ 9 Ban chấp hành Trung ương khóa XI, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2014, tr.47.

Tài liệu tham khảo

1. Vũ Như Khôi, Văn hóa giữ nước Việt Nam - Những giá trị đặc trưng, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011.

2. Lê Minh Vụ, Nguyễn Bá Dương, Xây dựng ý thức bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa cho người dân Việt Nam định hướng và giải pháp, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2011.

TS LÊ HUY TUYNH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 500, tháng 6-2022

;