Phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Đặt vấn đề

Phát triển các hệ sinh thái đổi mới sáng tạo (ĐMST) đang là mối quan tâm hàng đầu của mọi quốc gia vì đó là một trong những điều kiện thiết yếu thúc đẩy sự tăng trưởng mạnh mẽ và bền vững trên mọi phương diện kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 được ban hành kèm theo Quyết định số 569/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 11-5-2022 đã khẳng định quan điểm, mục tiêu, định hướng và nhiệm vụ, giải pháp phát triển khoa học, công nghệ và ĐMST ở Việt Nam, trong đó nội dung quan trọng là phát triển hệ sinh thái ĐMST quốc gia và các hệ sinh thái ĐMST ngành, vùng.

Đối với ngành VHTTDL, phát triển hệ sinh thái ĐMST sẽ là khâu đột phá để thực hiện thành công những nhiệm vụ then chốt của ngành như: nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về văn hóa; thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa; xây dựng văn hóa ĐMST, văn hóa số phục vụ công cuộc phát triển đất nước; xây dựng con người Việt Nam thời đại mới đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa theo hướng hiện đại và hội nhập quốc tế.

Các trường đại học là một thành tố quan trọng trong hệ sinh thái ĐMST. Nhà trường có vai trò đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao, có tinh thần và năng lực khởi nghiệp ĐMST. Đồng thời, nhà trường cũng là trung tâm nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, là nguồn cung tri thức cho các hoạt động ĐMST. Chính vì vậy, hoạt động nghiên cứu khoa học trong trường đại học cần được đổi mới và nâng cao chất lượng để nhà trường có thể trở thành các chủ thể nghiên cứu mạnh, tham gia và đóng góp tích cực cho sự phát triển hệ sinh thái ĐMST quốc gia nói chung và hệ sinh thái ĐMST của ngành Văn hóa nói riêng.

1. Tính cấp thiết của việc phát triển hệ sinh thái ĐMST ngành Văn hóa

Đổi mới sáng tạo

Theo Luật Khoa học và Công nghệ (2013), “ĐMST là việc tạo ra, ứng dụng thành tựu, giải pháp kỹ thuật, công nghệ, giải pháp quản lý để nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa” (1).

Như vậy, có thể hiểu ĐMST là việc tìm tòi, phát hiện, biến chuyển, ứng dụng ý tưởng, tri thức của con người để có được kết quả cụ thể, tạo ra các giá trị mới, mang lại lợi ích cho xã hội. ĐMST được thể hiện dưới hình thức sản phẩm, dịch vụ, quá trình, mô hình, phương pháp và có mặt trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội. Được xem là “khuôn khổ cho sự thay đổi”, một quốc gia không có ĐMST thì không thể vận động và phát triển được.

Hệ sinh thái ĐMST

Các hoạt động ĐMST không thể vận hành trong khoảng chân không mà cần một hệ sinh thái ĐMST (innovation ecosystem) - một mạng lưới gồm các đối tác và các mối quan hệ qua lại, tương tự như hệ sinh thái tự nhiên.

Khái niệm hệ sinh thái ĐMST được xuất hiện lần đầu trong bài viết của Ron Adner (2006) trên Tạp chí Harvard Business Review: “Một hệ sinh thái ĐMST là những mối quan hệ hợp tác, thông qua đó, các công ty kết hợp với các đối tác liên quan để tạo ra một giải pháp mạch lạc, hướng tới khách hàng” (2).

Khái niệm hệ sinh thái ĐMST gắn bó chặt chẽ với khái niệm hệ sinh thái khởi nghiệp, hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST vì khởi nghiệp là phương thức quan trọng để hiện thực hóa và thương mại hóa các ý tưởng ĐMST. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) định nghĩa hệ sinh thái khởi nghiệp là: “Tổng hợp các mối liên kết chính thức và phi chính thức giữa các chủ thể khởi nghiệp (tiềm năng hoặc hiện tại), tổ chức khởi nghiệp (công ty, nhà đầu tư mạo hiểm, nhà đầu tư thiên thần, hệ thống ngân hàng...), các cơ quan liên quan (trường đại học, cơ quan nhà nước, quỹ đầu tư công...) và tiến trình khởi nghiệp (tỷ lệ thành lập doanh nghiệp, số lượng doanh nghiệp có tỷ lệ tăng trưởng tốt, số lượng các nhà khởi nghiệp tác động trực tiếp đến môi trường khởi nghiệp tại địa phương” (Báo cáo Khởi nghiệp 2014) (3).

Hệ sinh thái hỗ trợ các nghệ sĩ - Ảnh: Culture.ec.europa.eu

Các hệ sinh thái ĐMST được phân ra nhiều loại, theo quy mô và tính chất của chúng như: hệ sinh thái ĐMST quốc gia, hệ sinh thái ĐMST thành phố/ địa phương/ vùng, hệ sinh thái ĐMST ngành/ lĩnh vực, hệ sinh thái ĐMST của doanh nghiệp...

Hệ sinh thái ĐMST ngành Văn hóa

Từ các khái niệm trên, có thể hiểu hệ sinh thái ĐMST ngành Văn hóa là tổng thể các mối liên kết giữa các chủ thể ĐMST, các chủ thể/ tổ chức khởi nghiệp và các cơ quan, thể chế liên quan nhằm thúc đẩy các sản phẩm, dịch vụ và quy trình sáng tạo trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật hướng tới mục tiêu tăng trưởng và phát triển bền vững.

Tầm quan trọng của phát triển hệ sinh thái ĐMST ngành Văn hóa

Các hệ sinh thái ĐMST nói chung và hệ sinh thái ĐMST ngành Văn hóa nói riêng đóng vai trò quan trọng trong việc đạt được các mục tiêu tăng trưởng quốc gia; là nhân tố quyết định nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia, của ngành Văn hóa, các ngành và lĩnh vực kinh tế, xã hội của địa phương và doanh nghiệp; là nền tảng để thực hiện chuyển đổi số quốc gia.

Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và ĐMST đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh nhiệm vụ, giải pháp phát triển hệ sinh thái ĐMST quốc gia liên kết chặt chẽ với khu vực và thế giới, phát triển các hệ sinh thái ĐMST trong các ngành gắn với chuỗi giá trị nội địa và toàn cầu, các cụm liên kết ngành để đạt được mục tiêu đưa khoa học, công nghệ và ĐMST “thực sự trở thành động lực tăng trưởng, góp phần quyết định đưa Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; góp phần phát triển toàn diện văn hóa, xã hội, con người; đảm bảo quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường và phát triển bền vững; nâng cao vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam” (4).

Như vậy, có thể nhận thấy, phát triển hệ sinh thái ĐMST ngành VHTTDL là xu hướng tất yếu, là nhu cầu cấp thiết và tiền đề quan trọng cho sự tăng trưởng và phát triển của sự nghiệp văn hóa và thị trường văn hóa, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu phát triển văn hóa Việt Nam như: “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam toàn diện, phù hợp với xu thế thời đại”; “xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, không ngừng nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân”; “hoàn thiện cơ chế thị trường trong lĩnh vực văn hóa gắn với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp văn hóa có tiềm năng, lợi thế” (5). Đây cũng có thể coi là khâu đột phá để thực hiện thành công các chiến lược lớn của ngành VHTTDL như: Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Chiến lược phát triển Điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Chiến lược phát triển thương hiệu Du lịch Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam giai đoạn 2022-2026...

2. Đổi mới hoạt động nghiên cứu khoa học của Trường Đại học Văn hóa Hà Nội nhằm phát triển hệ sinh thái ĐMST ngành VHTTDL

Vai trò của trường đại học trong phát triển hệ sinh thái ĐMST ngành VHTTDL

Các trường đại học là một yếu tố cấu thành, một yếu tố không thể thiếu của hệ sinh thái ĐMST, hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của bất cứ ngành hay lĩnh vực nào.

Dựa trên mô hình 5 thành phần của một hệ sinh thái ĐMST theo quan điểm của Von Leipzig và Dimitrov (2015) (6), có thể thấy các thành phần cơ bản của hệ sinh thái ĐMST ngành Văn hóa gồm: các loại hình tổ chức, doanh nghiệp văn hóa, nghệ thuật - đây là bộ phận trung tâm, là thành phần chính của hệ sinh thái; các trường đại học, viện nghiên cứu, trung tâm chuyển giao công nghệ (hệ thống giáo dục đào tạo, hàn lâm); các nhà hoạch định chính sách và cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa và các lĩnh vực liên quan ở trung ương và địa phương (các cơ quan chính phủ); các ngân hàng, nhà đầu tư, quỹ đầu tư (các tổ chức tài chính); các chủ thể khác như các cơ quan trung gian, truyền thông, hiệp hội nghề nghiệp, các mạng lưới chính thức và phi chính thức...

Trong hệ sinh thái ĐMST ngành VHTTDL, các trường đại học đóng vai trò hỗ trợ đắc lực cho doanh nghiệp và toàn thể hệ sinh thái trên những phương diện cơ bản sau: cung cấp nguồn nhân lực văn hóa nghệ thuật, nguồn nhân lực quản lý chất lượng cao, có năng lực đổi mới sáng tạo, năng lực khởi nghiệp; cung cấp nguồn thông tin, tri thức học thuật, nguồn bản quyền tác giả/ sở hữu trí tuệ, tư vấn bí quyết chuyên môn, nghề nghiệp thông qua các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển và chuyển giao công nghệ của nhà trường; cung cấp nguồn đối tác về nghiên cứu và thí điểm, triển khai, nhân rộng mô hình cho các dự án đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp văn hóa và các thành tố khác trong hệ sinh thái.

Để có thể thực hiện tốt vai trò tham gia kiến tạo và thúc đẩy hệ sinh thái ĐMST của ngành VHTTDL nói trên, các trường đại học cần tích cực đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, tăng cường đổi mới và sáng tạo trong giảng dạy, nghiên cứu và khởi nghiệp, gắn kết chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp, thị trường cũng như với khu vực nhà nước.

Nhiều quan điểm cho rằng: phát triển hệ sinh thái ĐMST, gắn kết nhà trường với thị trường trên nền tảng đại học thông minh là xu hướng mới của giáo dục đại học trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 đồng thời là hướng đi bền vững cho các trường đại học tự chủ (7).

Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và ĐMST đến năm 2030 đã khẳng định: “Phát triển hệ thống ĐMST quốc gia và các hệ thống ĐMST ngành, vùng, trong đó lấy doanh nghiệp làm trung tâm, viện nghiên cứu và trường đại học là chủ thể nghiên cứu mạnh”, “triển khai các chính sách, giải pháp để đại học thực sự trở thành các trung tâm nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, là nguồn cung tri thức cho các hoạt động ĐMST” (8).

Đổi mới hoạt động nghiên cứu khoa học của Trường Đại học Văn hóa Hà Nội

Trường Đại học Văn hóa Hà Nội là cơ sở giáo dục đào tạo lớn nhất của Bộ VHTTDL, đồng thời là một trong những trường đại học trọng điểm về văn hóa của cả nước. Nhà trường theo đuổi tầm nhìn phấn đấu “đến năm 2030 là trường đại học hàng đầu tại Việt Nam trong đào tạo văn hóa và du lịch, có năng lực hội nhập cao với hệ thống giáo dục đại học trong khu vực”. Đặc biệt, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội đã coi “sáng tạo” là một trong các giá trị cốt lõi và “nâng tầm sáng tạo” là một nội dung quan trọng trong triết lý giáo dục của Nhà trường (9). Có thể nói, những chiến lược này đã đón đầu xu hướng và trở thành tiền đề quan trọng cho việc đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và ĐMST trong Nhà trường.

Mục tiêu của trường là hướng tới việc tham gia và đóng góp tích cực vào hệ sinh thái ĐMST ngành VHTTDL cũng như hệ sinh thái ĐMST quốc gia, để “phát triển khoa học và công nghệ thực sự trở thành động lực phát triển của ngành VHTTDL, gắn liền với nhiệm vụ quản lý nhà nước, phát triển sự nghiệp và hoạt động sản xuất kinh doanh trên các lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch” (10). Mục tiêu này là phù hợp và góp phần thực hiện Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và ĐMST đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ, cũng như Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ ngành VHTTDL giai đoạn 2013-2020, tầm nhìn 2030 của Bộ VHTTDL.

Định hướng hoạt động nghiên cứu khoa học của Nhà trường có thể tập trung theo những định hướng sau: Gắn kết với nhu cầu của các tổ chức, doanh nghiệp văn hóa, của thị trường văn hóa thành phố Hà Nội và các địa phương; Tăng cường hoạt động nghiên cứu ứng dụng, phục vụ thiết thực các nhiệm vụ phát triển sự nghiệp văn hóa, quản lý văn hóa, quản trị doanh nghiệp văn hóa, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; Đẩy mạnh nghiên cứu và triển khai về khởi nghiệp ĐMST trong lĩnh vực văn hóa, hoàn thiện hệ thống lý luận và đúc kết những bài học từ thực tiễn; Chủ động, tích cực tiếp cận và tận dụng những cơ hội và thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 của công cuộc chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa và các lĩnh vực kinh tế, xã hội.

Nhà trường nên có cơ chế khuyến khích cán bộ, giảng viên, nghiên cứu viên chủ động đề xuất các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học cấp Trường, cấp Bộ, Nhà nước về các vấn đề khởi nghiệp ĐMST trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, du lịch, gia đình...; Xây dựng và hỗ trợ các nhóm nghiên cứu mạnh trong các khoa và nhà trường đi tiên phong trong việc đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu khoa học; Gắn kết đào tạo sau đại học (đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ) với các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học, thu hút lực lượng học viên cao học và nghiên cứu sinh tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học của các khoa và Nhà trường; Tăng cường hợp tác nghiên cứu khoa học với các trường đại học khác, các trường văn hóa nghệ thuật, viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu, Sở VHTTDL của các tỉnh, thành phố... Đặc biệt, đẩy mạnh việc gắn kết với doanh nghiệp trong nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, chuyển giao tri thức và hợp tác quốc tế trong nghiên cứu và công bố các công trình nghiên cứu khoa học; Khuyến khích cán bộ, giảng viên, sinh viên tham gia khởi nghiệp, thành lập doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST trong lĩnh vực văn hóa từ các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ như các công ty tổ chức sự kiện, biểu diễn nghệ thuật, gallery, trung tâm dịch vụ mỹ thuật ứng dụng, công ty du lịch và lữ hành...

Kết luận

Phát triển hệ sinh thái ĐMST ngành VHTTDL đang là nhu cầu thiết yếu và nhiệm vụ cấp bách trong chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và ĐMST quốc gia cũng như chiến lược phát triển của ngành VHTTDL. Các trường đại học nói chung và Trường Đại học Văn hóa Hà Nội nói riêng cần phát huy tiềm năng và vai trò quan trọng của mình trong việc tham gia và thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái này. Thông qua việc đổi mới và tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học, Nhà trường có thể trở thành các trung tâm nghiên cứu mạnh, không chỉ góp phần kiến tạo hệ sinh thái ĐMST ngành Văn hóa lành mạnh, năng động, tạo bước phát triển đột phá cho các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo ở Việt Nam mà còn giúp bản thân Nhà trường phát triển mạnh mẽ và bền vững trong bối cảnh tự chủ giáo dục đại học, giúp Nhà trường thực hiện được sứ mệnh, tầm nhìn của mình, ngày càng phát huy ảnh hưởng trong đời sống kinh tế, xã hội của đất nước.

_____________

1, 8. Quốc hội, Luật Khoa học và Công nghệ - Điều 3: Giải thích từ ngữ, Luật số 29/2013/QH13, ngày 18-6-2013.

2. Chi bộ TTNCUD, Xây dựng Hệ sinh thái và hình thành văn hóa Đổi mới sáng tạo trong TCT (kỳ 5), spirit.vietnamairlines.com, 30-11-2021.

3, 6. Ngô Thị Thanh Huệ, Một số giải pháp nâng cao vai trò của trường đại học trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam, Tạp chí Khoa học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, số 77, 2022, tr.71-80.

4. Thủ tướng Chính phủ, Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030, Quyết định số 569/QĐ-TTg, ngày 11-5-2022.

5. Thủ tướng Chính phủ, Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, Quyết định số 1909/QĐ-TTg, ngày 12-11-2021.

7. P.A.T (tổng hợp), Phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo liên kết với thị trường trong các trường đại học tại Việt Nam, vista.gov.vn, 28-3-2022.

9. Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, Sứ mệnh, tầm nhìn, giá trị cốt lõi, triết lý giáo dục của Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, huc.edu.vn, 14-1-2022.

10. Bộ trưởng Bộ VHTTDL, Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch giai đoạn 2013-2020, tầm nhìn 2030, Quyết định số 4227/QĐ-BVHTTDL, ngày 29-11-2013

PGS, TS PHẠM BÍCH HUYỀN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 500, tháng 6-2022

;