Quán triệt quan điểm Hội nghị trung ương 4 khóa XIII của Đảng về kiểm soát quyền lực của người đứng đầu trong công tác cán bộ hiện nay

Quyền lực không được kiểm soát sẽ dẫn đến lạm quyền cho mục đích tư lợi, tinh vi hoặc công khai gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước. Nhận thức sâu sắc vấn đề trên, trong những năm qua, Đảng ta đã có nhiều chủ trương, nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tăng cường kiểm soát việc thực thi quyền lực, đấu tranh ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm, tư duy nhiệm kỳ, bệnh độc đoán, chuyên quyền đối với người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức kinh tế của Nhà nước. Đại hội XII của Đảng khẳng định phải: “Hoàn thiện và thực hiện nghiêm cơ chế kiểm soát quyền lực, ngăn ngừa sự lạm quyền, vi phạm kỷ luật, kỷ cương” (1). Đại hội XIII của Đảng xác định phải: “Xây dựng quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ; thực hiện tốt quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền...” (2) và Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 4 khóa XIII cụ thể hóa thêm một bước: “Tăng cường kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ một cách thực chất và hiệu quả... khẩn trương hoàn thiện các cơ chế về phân cấp quản lý cán bộ, tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục, hồ sơ nhân sự; đánh giá, lấy phiếu tín nhiệm, quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, tuyển dụng công chức, viên chức theo hướng dân chủ, công khai, minh bạch” (3).

Quán triệt thực hiện quan điểm trên, các cấp có thẩm quyền đã cụ thể hóa chủ trương kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ của Đảng bằng các quy chế, quy định khá cụ thể và tổ chức thực hiện nghiêm túc, trong đó chú trọng cụ thể hóa nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách phù hợp tình hình thực tế, xác định quyền và trách nhiệm của tập thể và cá nhân người đứng đầu. Tăng cường phân cấp, phân quyền theo hướng tăng thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu, đồng thời từng bước có cơ chế, chế tài cụ thể xác định, xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi có khuyết điểm, vi phạm. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân, một số người đứng đầu vẫn mắc sai lầm, khuyết điểm trong thực hiện thẩm quyền, trách nhiệm được giao, gây hậu quả khôn lường. Thực tế cho thấy, do không đủ công cụ kiểm soát nên quyền lực bị lợi dụng, tha hóa, cán bộ biến quyền lực thành của mình để ban phát, xin cho; trong một số quy định, việc trao quyền không phù hợp với trách nhiệm dẫn đến người đứng đầu ỷ lại, dựa vào tập thể, thiếu năng động, sáng tạo, không dám nghĩ, dám làm, thu mình để được bình an, làm cho công tác cán bộ còn nhiều yếu kém, công tác xây dựng Đảng còn nhiều hạn chế, kinh tế, xã hội không phát triển... Một số bộ phận cán bộ đã lạm quyền, lộng quyền, làm trái, bất chấp nguyên tắc, quy chế, quy trình, nhất là trong công tác cán bộ. Khi tập thể nể nang, ngại va chạm hoặc bị người đứng đầu thao túng sẽ không có sự kiểm tra, giám sát thường xuyên, hữu hiệu của cấp trên dẫn đến không những chỉ người đứng đầu mà cả tập thể cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị mắc khuyết điểm, vi phạm bị xem xét, xử lý kỷ luật. Kết luận Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII chỉ rõ: “Cơ chế kiểm soát quyền lực và chế tài xử lý vi phạm ở nhiều lĩnh vực chưa có hoặc có nhưng chưa cụ thể, hiệu quả thực thi thấp. Hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên chưa hiệu quả” (4). Đã đến lúc cần phải có các giải pháp tổng thể, không chỉ dựa vào giáo dục đạo đức, tự phê bình, phê bình và kêu gọi về sự tự giác thuần túy mà phải kết hợp chặt chẽ với việc xây dựng, hoàn thiện, thực hiện đồng bộ hệ thống cơ chế kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ để ngăn ngừa sự lạm quyền, vi phạm kỷ luật, kỷ cương của những người được trao quyền, nhất là người đứng đầu.

Trước hết, cần tăng cường đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, tạo sự chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, công chức, viên chức và quần chúng nhân dân trong quản lý, thực thi và kiểm soát việc thực thi quyền lực trong công tác cán bộ của người được ủy quyền, nhất là người đứng đầu.

Cần giáo dục, tuyên truyền cho các tổ chức, lực lượng và mọi tầng lớp nhân dân sự cần thiết, ý nghĩa, tầm quan trọng, quan điểm, mục tiêu, cơ chế, giải pháp kiểm soát quyền lực cũng như những thuận lợi, khó khăn trong quá trình tổ chức kiểm soát quyền lực làm cơ sở để thống nhất nhận thức và hành động trong Đảng, cơ quan nhà nước, các tổ chức của hệ thống chính trị và toàn xã hội. Phải làm cho các tổ chức, lực lượng, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội vào cuộc quyết liệt, hiệu quả, thường xuyên, liên tục, có trọng tâm, trọng điểm, có bước đi phù hợp vững chắc với tính chất, đặc điểm, nhiệm vụ, phạm vi quyền hạn của từng loại hình cơ quan, đơn vị. Người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị phải: “đề cao trách nhiệm nêu gương, ý thức tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu các cấp; thực hiện nghiêm các quy định nêu gương của Đảng, quy định của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm, cán bộ giữ cương vị càng cao càng phải tiên phong, gương mẫu” (5).

Thứ hai, cần đổi mới mạnh mẽ, toàn diện công tác cán bộ theo hướng công khai, minh bạch trong môi trường thật sự tự do, tôn trọng ứng cử và đề cử của các tổ chức chính trị - xã hội; lựa chọn cán bộ cần phải qua thi tuyển, thực chất và nghiêm túc, khách quan, vừa mở rộng dân chủ, vừa tăng trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ.

Đây là cách thức hiệu quả để nhân dân và đông đảo cán bộ, đảng viên tham gia giám sát quyền lực trong việc giao quyền lực cho cán bộ. Người đứng đầu có nhân phẩm tốt sẽ biết quản lý và thực thi quyền lực được giao vào những mục đích phục vụ lợi ích của nhân dân, của Đảng. Kết luận Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII chỉ rõ: “Thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy dân chủ gắn với tăng cường trách nhiệm của cấp ủy và người đứng đầu trong công tác cán bộ. Tăng cường kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ một cách thực chất và hiệu quả; bảo đảm đúng quy định, quy trình, công tâm, khách quan, chặt chẽ, thận trọng trong từng khâu của công tác cán bộ...” (6). Cần khắc phục cách làm công tác cán bộ chủ yếu là sắp đặt theo ý chí và cách tư duy còn nhiều chủ quan của người lãnh đạo, hiện tượng sắp xếp cán bộ theo quan hệ, hậu duệ, “lợi ích nhóm”...

Thứ ba, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các quy chế, quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cấp ủy, cơ quan nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, chức trách, nhiệm vụ, phạm vi quyền hạn của từng chức danh cán bộ và cơ chế, nguyên tắc hoạt động làm cơ sở pháp lý để kiểm soát việc quản lý và thực thi quyền lực được giao của người đứng đầu.

Hoàn thiện và thực hiện nghiêm quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu các cấp; tăng cường kiểm tra, sàng lọc, xử lý, thay thế, miễn nhiệm, cho từ chức người đứng đầu yếu kém về phẩm chất đạo đức, tín nhiệm thấp, năng lực lãnh đạo thực tiễn hạn chế, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình, quy chế làm việc trong chỉ đạo, điều hành công việc. Đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý dứt điểm các vụ vi phạm thực thi quyền lực trong công tác cán bộ gây bức xúc dư luận, kể cả đang đương chức và đã nghỉ chế độ. Nghiên cứu tăng thẩm quyền và chế tài xử lý trách nhiệm của ủy ban kiểm tra các cấp trong việc kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng đối với tổ chức đảng và đảng viên, nhất là đối với người đứng đầu. Hoàn thiện các quy định về xử lý kỷ luật, bảo đảm thống nhất đồng bộ giữa kỷ luật của Đảng với kỷ luật hành chính của Nhà nước đối với người đứng đầu. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng; có hình thức xử lý kịp thời, chính xác, bảo đảm công khai, minh bạch, không có vùng cấm, ngoại lệ đối với cán bộ, đảng viên, người đứng đầu các cấp vi phạm trong việc thực thi quyền lực được giao. “Nghiên cứu, ban hành các cơ chế về thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ; xử lý tập thể, cá nhân suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; cơ chế bảo vệ, khuyến khích nhân dân phản ánh, tố giác cán bộ, đảng viên tham nhũng, tiêu cực” (7).

Thứ tư, các cấp ủy, tổ chức đảng phải thực sự làm nòng cốt trong kiểm soát quyền lực của người đứng đầu trong công tác cán bộ.

Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng, đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, tệ tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, chủ nghĩa thân hữu; tăng cường quản lý, giám sát, kiểm soát việc trao và thực thi quyền lực của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt ở các cấp, nhất là đối với người đứng đầu. Các cấp ủy, tổ chức đảng phải tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng để mỗi cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp phải thật sự gương mẫu, nêu cao đức tính cần kiệm liêm chính, khắc phục biểu hiện độc đoán, gia trưởng, lạm quyền. Mỗi cán bộ, đảng viên cần khắc phục sự nể nang, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh với người đứng đầu về các hành vi việc làm sai trái. Thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, quy chế làm việc của cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị; thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức, chức trách nhiệm vụ, quyền hạn của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị. Các cấp ủy, tổ chức đảng, tổ chức nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức kinh tế của Nhà nước kịp thời rà soát sửa đổi, bổ sung quy chế làm việc cho phù hợp và thực hiện nghiêm túc, trong đó phân định rõ ràng, cụ thể thẩm quyền, trách nhiệm, mối quan hệ công tác của tập thể, cá nhân, nhất là thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu với tập thể cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị nhằm kiểm soát chặt chẽ việc thực thi quyền lực của người đứng đầu, nhất là trong công tác cán bộ... Các cấp ủy, tổ chức đảng phải tập trung lãnh đạo và làm nòng cốt trong kiểm soát quyền lực, thực hành dân chủ rộng rãi và phát huy vai trò các tổ chức, các lực lượng trong việc kiểm soát quyền lực của người đứng đầu, phải bảo đảm cho người đứng đầu quản lý và thực thi quyền lực vì những mục tiêu tốt đẹp, vì quyền lợi và hạnh phúc của những người đã ủy quyền cho mình.

______________________

1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, tr.203.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.187-188.

3, 4, 5, 6, 7. Kết luận Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

TS NGUYỄN DUY TỊNH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 497, tháng 5-2022

;