Tác động của công nghiệp văn hóa với xây dựng ý tưởng khởi nghiệp của sinh viên ngành Văn hóa Nghệ thuật

Tại các quốc gia phát triển, công nghiệp văn hóa (CNVH) đã có hướng tiếp cận kinh doanh khai thác sản phẩm của nhiều ngành nghệ thuật - ngành mà trong chương trình đào tạo tại khối các trường văn hóa nghệ thuật (VHNT) ở nước ta vẫn luôn chú trọng đến việc trau dồi kiến thức, hiểu biết các giá trị truyền thống và phát triển năng lực chuyên môn. Bối cảnh hội nhập và phát triển kinh tế tri thức rất cần đến nguồn nhân lực chất lượng có tài năng đặc thù của chuyên ngành nghệ thuật, nhưng cũng có sự tiếp cận đa dạng nhằm chủ động nắm bắt quy trình sáng tạo và phân phối các sản phẩm dịch vụ của ngành. Để khai thác hiệu quả các nguồn vốn sẵn có như giá trị văn hóa, tài năng trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật rất cần sự quan tâm liên kết của công tác giáo dục và đào tạo. Trong quá trình học tập, những hoạt động liên quan đến việc xây dựng ý tưởng và khởi nghiệp sáng tạo tiếp cận kiến thức, mở rộng nội dung thực hành cần được nhuần nhuyễn cho đối tượng là các sinh viên từ ngay trên ghế giảng đường. Định hướng phát triển nền kinh tế tri thức, hệ thống giáo dục sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng nền tảng phát triển, cũng như quá trình hoàn thiện hệ thống nhận diện các ngành CNVH có tính kết nối.

1. Hoạt động khởi nghiệp trong sinh viên các trường văn hóa nghệ thuật

Cùng với tài năng chuyên môn trong nghệ thuật, hiện nay việc phát huy tinh thần khởi nghiệp đang rất cần đối với sinh viên khối ngành VHNT. Sau khi ra trường, sinh viên sẽ hình thành năng lực và thói quen phát triển ý tưởng của mình và tìm cách áp dụng những sáng tạo trong nghệ thuật thành sản phẩm dịch vụ. Khi mà tác phẩm nghệ thuật được coi như một sản phẩm hàng hóa và hướng tập trung khai thác nó như nguyên liệu của một ngành công nghiệp thì hoạt động sáng tạo nghệ thuật luôn gắn liền với rất nhiều sự hỗ trợ từ các ngành công nghiệp liên quan. Tư duy khởi nghiệp được coi như giá trị tiền đề để từng bước phát triển trong nền kinh tế tri thức. Mục đích để có thể biến những giá trị phi vật thể và những ý tưởng tài năng trong nghệ thuật thành những sản phẩm và dịch vụ văn hóa hiện hữu, đáp ứng nhu cầu thưởng thức của xã hội cũng như thành công trên thị trường. Để tăng cường nguồn nhân lực chất lượng, phù hợp xu thế phát triển ngành VHNT trong giai đoạn hiện nay, các hoạt động liên quan đến xây dựng ý tưởng cũng như khởi nghiệp mà sinh viên cần hướng tới là: việc đào tạo hướng đến phát triển nhân lực cho các ngành CNVH; chấp nhận sự đa dạng và mở rộng tính kết nối đối với các ngành học đặc thù; quản lý các hoạt động sáng tạo trong việc hoàn thiện và mở rộng các kỹ năng cần thiết; thiết lập quy trình khai thác hiệu quả, cùng kết nối với các tổ chức doanh nghiệp văn hóa; tạo sản phẩm dịch vụ chất lượng đáp ứng thị hiếu, định hướng thị trường.

 Từ những định hướng trên khẳng định công tác đào tạo nhân lực được xác định ngay khâu phát triển ý tưởng coi “tài năng, kỹ năng và sự sáng tạo trong nghệ thuật được coi là nguồn nguyên liệu đầu vào then chốt” (1) đối với sự phát triển của một ngành công nghiệp. Các nhà nghiên cứu kinh tế cho rằng: “mỗi một loại hình nghệ thuật có thể coi là một ngành CNVH” (2). Vậy nên để có một nguồn cung chất lượng, đáp ứng nhân lực cho các ngành CNVH và sáng tạo, bắt kịp xu thế hội nhập thì việc thay đổi tư duy trong đào tạo các chuyên ngành khối trường VHNT là rất quan trọng. Giá trị mục tiêu không nằm ở mỗi chuyên ngành hay từng môn học cũng như chương trình đào tạo hướng tới không chỉ là việc tích lũy thật nhiều kiến thức đơn lẻ, mà ở đó sức mạnh phải được tạo nên từ một quá trình của sự liên kết. Quan tâm đến hoạt động xây dựng ý tưởng và tư duy khởi nghiệp sẽ giúp sinh viên thực sự sáng tạo và có được sự tự tin vững bước trên con đường lập nghiệp của bản thân mình.

2. Vai trò của giáo dục đào tạo với sự phát triển công nghiệp văn hóa

Việc đưa những hiểu biết về giáo dục sáng tạo và phát triển năng lực một cách hệ thống và bài bản sẽ giúp các trường khối VHNT phát triển hơn năng lực sáng tạo và khởi nghiệp cho sinh viên. Nghị sĩ Mỹ William Fisrt cho rằng: “Khi mà phát minh đang trở thành vấn đề số một trên thế giới thì kỹ năng sáng tạo là vô cùng quan trọng”. CNVH cũng sẽ tác động đồng bộ đến suy nghĩ của các cán bộ quản lý giáo dục, giảng viên, các nhà hoạch định chính sách và các nhà nghiên cứu về giáo dục. Tất cả có thể nhận thức được tiềm năng phát triển các ngành CNVH, những cách thức để định hướng phát triển trường của mình thành một không gian sáng tạo. Tăng cường việc hiểu biết, cũng như áp dụng nội dung và phương pháp dạy học đối với giảng viên nhằm tăng cường hoạt động phát triển ý tưởng và khởi nghiệp cho sinh viên. Đây không phải là hoạt động gì đó cao siêu mà là những công việc rất tự nhiên thường ngày với nhiều hoạt động tinh tế và đầy thú vị. Bản chất sinh viên sẽ rất hào hứng khi được chủ động khám phá kiến thức và bộc lộ quan điểm của bản thân, việc “tư duy đổi mới sáng tạo - một nhân tố cốt lõi để khởi nghiệp không phải do di truyền hay có sẵn mà là một quá trình rèn luyện của mỗi người” (3).

Khi ý tưởng được hiện thực hóa để trở thành một sản phẩm văn hóa thích ứng với thị trường bên cạnh những thành công sẽ tồn tại những điểm hạn chế rất cần được lưu tâm giải quyết. Điều quan trọng là ngay khâu phát triển ý tưởng, mỗi chúng ta có nhận thấy được vấn đề để tìm cách giải quyết hay không. Câu hỏi: “Tại sao?” sẽ luôn là cách để cho mỗi người khơi gợi khả năng sáng tạo rồi biến những ý tưởng nghệ thuật thành sản phẩm thích ứng với thực tế cuộc sống. Phát huy sức sáng tạo tập thể, tăng cường khả năng làm việc nhóm trong sinh viên các trường VHNT, mỗi sinh viên nên chủ động thiết lập cho mình các mối quan hệ công việc với những cá nhân tổ chức doanh nghiệp văn hóa trong và ngoài trường. Hoạt động sáng tạo nghệ thuật cũng như nghiên cứu khoa học trong nhà trường giúp cho sinh viên gắn kết, hợp tác, cộng hưởng và phát triển các ý tưởng tiềm ẩn.

 TK XXI sáng tạo/ sáng nghiệp là những năng lực cơ bản xuyên suốt thông qua các kiến thức ngành nghề đào tạo cho sinh viên, “tất cả mọi người đều có tiềm năng sáng tạo, sự tiến bộ và thịnh vượng của tương lai phụ thuộc không chỉ dựa trên sự cố gắng của một nhóm người tri thức tinh hoa mà nó còn phụ thuộc vào việc chúng ta có thể khai phá tiềm năng sáng tạo của mỗi một người như thế nào” (4). Viện nghiên cứu Sự thịnh vượng (thuộc Trường Đại học Toronto - Canada) khẳng định: “kỹ năng và mỗi cá nhân tài năng là những lực lượng chính dẫn dắt sự phát triển kinh tế và tích lũy sự thịnh vượng”. Cũng theo như tổng kết số liệu “thì ở châu Âu và khu vực Bắc Mỹ, nhiều công ty vẫn thường hợp tác và đầu tư cho ý tưởng sáng tạo của sinh viên trong các trường đại học” (5).

Giai đoạn đầu tiên của quy trình sáng tạo và phân phối của các ngành CNVH/ phát triển ý tưởng đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành sản phẩm chất lượng. Giáo dục/ đào tạo sẽ có mối gắn kết đặc biệt với các ngành nghệ thuật ngay từ khâu này. Giáo dục sẽ khuyến khích sự sáng tạo, giúp con người trong việc hình thành ý tưởng. Thế giới phát triển và hội nhập sẽ làm nhiều quốc gia quan tâm và có những cải tổ mạnh mẽ đến nền giáo dục của mình. Nền giáo dục mới là phải hướng tạo điều kiện để mỗi cá nhân có thể phát huy được tiềm năng sáng tạo của bản thân mình rồi từ đó mới có thể nghĩ đến việc tác động nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội.

Xác định “giáo dục và đào tạo có vai trò quan trọng trong phát triển ý tưởng sáng tạo; Giáo dục và đào tạo sẽ tạo nền móng cung cấp phương pháp luận và kỹ năng cần thiết để nghệ sĩ phát huy, phát triển tài năng sáng tạo” (6). CNVH không chỉ là câu chuyện về các quốc gia phát triển, hay những bản thảo thường được đề ra trong chính sách, nó sẽ phải nằm trong chính những nội dung đào tạo, liên quan đến các kiến thức trong chuyên ngành và được coi như tài sản của các trường VHNT. Việc tạo điều kiện để mỗi cá nhân có thể phát huy tiềm năng sáng tạo của bản thân, phát triển ý tưởng sử dụng tài năng kiến thức chuyên môn là nguồn nguyên liệu thực sự giúp thúc đẩy sự phát triển kinh tế và xã hội.

3. Công tác đào tạo và nguồn cung nhân lực cho các ngành công nghiệp văn hóa

 Như trong nội dung tại Hội nghị lần thứ 7 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII khẳng định: “Đầu tư xây dựng đội ngũ cán bộ là đầu tư cho phát triển lâu dài, bền vững. Trong thời gian qua, công tác xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ quản lý và nghệ sĩ đạt những thành tích đáng kể”. Hướng tới nền kinh tế tri thức và để phát triển hơn nữa đội ngũ cán bộ VHNT cho tương lai, Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm và phê duyệt nhiều đề án như: “Xây dựng đội ngũ trí thức ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đến năm 2020, tầm nhìn 2030”; “Đào tạo tài năng VHNT giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn đến năm 2030”; “Đào tạo, bồi dưỡng nhân lực VHNT ở nước ngoài đến năm 2030” (7).

Thông qua việc thực hiện các đề án, dự án, công tác đào tạo nhân lực VHNT đã có nhiều chuyển biến tích cực. Quy mô tuyển sinh hằng năm đạt khoảng hơn 7.000 học sinh, sinh viên. Phần lớn sinh viên tốt nghiệp ra trường tìm được việc làm đúng ngành đào tạo. Nhiều sinh viên đạt giải quốc gia, khu vực và quốc tế trong các cuộc thi, liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp. Công tác đào tạo, bồi dưỡng được tăng cường. Thông qua các hội thảo, tập huấn, trại sáng tác, nhân lực VHNT được bồi dưỡng kỹ năng và nghiệp vụ, kiến thức chuyên ngành. Các cơ sở đào tạo VHNT đã liên kết với các nhà hát, đoàn nghệ thuật, cơ quan, tổ chức để đào tạo. Hiện nay, trên cả nước có 108 cơ sở tham gia đào tạo VHNT (với 33 đại học, 1 viện, 47 cao đẳng, 27 trung cấp). Cơ sở đào tạo nhân lực VHNT đã phủ kín hầu hết các tỉnh/ thành phố, phần lớn tập trung ở các đô thị, địa bàn đông dân cư, tạo thuận lợi cho người học, gắn với nhu cầu sử dụng nhân lực, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội và thưởng thức nghệ thuật của công chúng. Công tác đào tạo VHNT đang được Đảng và Nhà nước ta quan tâm chú trọng, có bước phát triển cả về quy mô, mạng lưới, loại hình, số lượng và trình độ, đã bao quát được hầu hết các ngành nghề cần thiết cho hoạt động văn hóa, sáng tạo, biểu diễn, lý luận và phê bình văn nghệ. Tăng cường đa dạng nguồn đầu tư, hỗ trợ của nhà nước và các nguồn lực xã hội vào việc nâng cấp, xây mới cơ sở hạ tầng, các thiết chế văn hóa từ trung ương đến địa phương, từ đó thu hút nguồn nhân lực, kêu gọi sự ủng hộ, đầu tư, tài trợ của các tổ chức phi chính phủ hoạt động trong các lĩnh vực VHNT.

Việc phát triển chính sách và những chương trình hỗ trợ sẽ định hướng cho đào tạo, các chuyên ngành cụ thể, hệ thống môn học gắn liền với những vấn đề liên quan, kết nối thực tiễn gần gũi nắm bắt sản phẩm dịch vụ văn hóa, định hướng quan tâm cụ thể đến các chương trình giảng dạy. Hướng cốt lõi của mục tiêu là phát triển khám phá năng lực, khuyến khích sự sáng tạo. Để hướng đến một quy trình để khai thác đạt hiệu quả, trong chương trình đào tạo hướng nghiệp cho sinh viên tại các trường VHNT mong muốn được lưu tâm đến một số điểm cơ bản sau:

Một là, CNVH đã tác động đến giáo dục đào tạo thì công tác xây dựng ý tưởng và khởi nghiệp trong sinh viên sẽ luôn được coi là phương châm, giá trị cốt lõi nền tảng giúp định hướng phát triển nền kinh tế tri thức.

Hai là, tuổi trẻ là giai đoạn ẩn chứa những tiềm năng sáng tạo và định hướng đến tính tự lập của bản thân, vậy nên lứa tuổi đối này với sinh viên sẽ là thời điểm vàng nên nhận được sự quan tâm và tạo điều kiện để hoàn thiện mọi kỹ năng và phát huy năng lực.

Ba là, các trường VHNT sẽ có tầm ảnh hưởng đến các doanh nghiệp nghệ thuật ở quy trình sáng tạo và phân phối sản phẩm dịch vụ sẽ thúc đẩy mạnh tư duy xây dựng ý tưởng cũng như khởi nghiệp sáng tạo của sinh viên.

Bốn là, công tác xây dựng ý tưởng và khởi nghiệp sáng tạo của sinh viên cũng rất phù hợp và dễ thực hiện tại các trường khối VHNT, việc thực hiện không cần đến những cải cách mang tính quy mô và phức tạp.

Năm là, việc xây dựng ý tưởng và khởi nghiệp sáng tạo trong sinh viên khối trường VHNT hiện nay thường hạn chế bởi trang bị cho cơ sở vật chất, môi trường kết nối còn yếu cũng như kết quả thẩm định thu được cũng khó kiểm soát và định lượng.

Xây dựng ý tưởng và tư duy khởi nghiệp được hình thành và mang đến từ những cá nhân đơn lẻ nhưng có thể được thực hiện và chắp nối mọi vấn đề - kết quả của sự tập trung vận dụng sức mạnh tập thể. Vai trò của nhóm khởi nghiệp sẽ là tập hợp tài năng thế mạnh của mọi người, phát huy sức sáng tạo của từng cá nhân nhằm xây dựng ý tưởng thành một sản phẩm văn hóa mà ở đó hội tụ những “tinh hoa” trong sáng tạo nghệ thuật. Không đơn thuần chỉ là môn học phát triển kỹ năng, cấu trúc chương trình với sự tham gia của nhiều môn học mà nó sẽ tích hợp rất nhiều hoạt động nhằm phát triển năng lực thực sự cần đối với mỗi sinh viên khi lập nghiệp. Mong rằng những quan điểm được đề cập trong bài viết sẽ đóng góp thêm cho những mong muốn thay đổi, bổ sung làm mới đến nguồn nhân lực VHNT thực sự tài năng và sáng tạo. Kinh tế tri thức với những định hướng đúng đắn, đủ sức hội nhập và xác định rõ mục tiêu phát triển nhằm đưa vị thế kinh tế và văn hóa của đất nước Việt Nam ngày càng văn minh và thịnh vượng.

______________

1. Hội nghị cấp cao về nền kinh tế và công nghiệp sáng tạo cho phát triển, Hội nghị Thương mại và Phát triển Liên hiệp quốc - UNCTAD, ngày 14-1-2008, unctad.org.

2. Throsby, David, Economics and Culture (Kinh tế học và Văn hóa), Nxb Trường Đại học Cambridge, 2003.

3. Nguyễn Ngọc Dũng, Tư duy đổi mới sáng tạo: Nhân tố cốt lõi để khởi nghiệp, doanhnghiephoinhap.vn, 12-6-2018.

4. Các chỉ số kinh tế của thành phố Toronto-2021, Martin Prosperity Institute/MPI, 2011.

5. Lidstone, Gerald, Các ngành công nghiệp sáng tạo - Tài liệu giảng dạy và tư vấn cho Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, tháng 7- 2008.

6. Phạm Bích Huyền, Đặng Hoài Thu, Các ngành Công nghiệp văn hóa, Nxb Lao động, 2012.

7. Nguyễn Ngọc Thiện, Chú trọng phát triển nguồn nhân lực văn hóa, nghệ thuật, Báo Quân đội Nhân dân, 27-8-2019.

Ths NGUYỄN VĂN TRUNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 491, tháng 3-2022

;