Mối quan hệ giữa vốn văn hóa và công nghiệp văn hóa

1. Khái niệm văn hóa

Văn hóa là khái niệm có nội hàm rất rộng. Cho đến nay, đã có hàng trăm định nghĩa, quan niệm khác nhau về văn hóa. Tùy theo góc độ tiếp cận và mục đích sử dụng mà người ta đưa ra định nghĩa phù hợp. Tuy nhiên, dù tiếp cận theo cách nào thì giá trị phổ quát chung của văn hóa mà cả nhân loại hướng tới là chân - thiện - mỹ. Cái đẹp trong văn hóa phải dựa trên cái đúng, cái tốt. Như vậy, chỉ những hoạt động do con người sáng tạo ra hướng tới chân - thiện - mỹ mới là hoạt động văn hóa. Bàn về văn hóa và vốn văn hóa, trong phạm vi đề tài, nhóm nghiên cứu chỉ đề cập đến một số khái niệm phổ biến hiện nay.

Trước tiên, khái niệm văn hóa được tiếp cận từ quan điểm nhân học của E.B Tylor (người Anh), đại biểu của thuyết tiến hóa văn hóa, trong cuốn Văn hóa nguyên thủy, ra đời năm 1871, ông cho rằng: “Văn hóa theo nghĩa rộng nhất của nó là toàn bộ phức thể bao gồm hiểu biết, tín ngưỡng, nghệ thuật, đạo đức, pháp luật, phong tục cùng với những khả năng và tập quán khác mà con người có được với tư cách là một thành viên của xã hội” (1). Theo cách định nghĩa này, văn hóa đồng nghĩa với văn minh, văn hóa bao gồm tất cả những lĩnh vực liên quan đến đời sống con người từ tri thức, tín ngưỡng, nghệ thuật, đạo đức, pháp luật… trong đó tri thức và tư tưởng đóng vai trò quan trọng nhất, quy định hành vi ứng xử của con người.

Nghệ thuật truyền thống cần được bảo tồn và phát huy - Ảnh: Nguyễn Thanh Hà

Năm 1943, ở trang cuối tập Nhật ký trong tù, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra định nghĩa về văn hóa: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích sống, loài người mới sáng tạo ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về ăn, mặc, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa. Văn hóa là tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn” (2). Định nghĩa này của Bác nhấn mạnh hai điểm: Một là tính mục đích, bởi văn hóa bao giờ cũng là hoạt động có mục đích, có ý thức của con người; Hai là phương thức sử dụng, có thể khái quát văn hóa chính là phương thức tồn tại và phát triển của xã hội loài người. Đây là lý do tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ I diễn ra ở Hà Nội vào ngày 24-11-1946, khi chúng ta mới dành được chính quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Điều đó cho thấy Đảng, Bác Hồ rất coi trọng vai trò định hướng, dẫn dắt của văn hóa đối với sự phát triển của dân tộc và sự nghiệp cách mạng. Với ý nghĩa đó văn hóa vừa là tiền đề, điều kiện, vừa là mục đích, động lực phát triển con người và xã hội.

Cuối TK XX, Federico Mayor - Tổng thư ký của UNESCO đưa ra quan niệm: “Văn hóa là tổng thể sống động các hoạt động sáng tạo (của các cá nhân và các cộng đồng) trong quá khứ và trong hiện tại. Qua các thế kỷ, hoạt động sáng tạo ấy đã hình thành nên hệ thống các giá trị, các truyền thống và các thị hiếu - những yếu tố xác định đặc tính riêng của từng dân tộc” (3). Năm 2002, UNESCO lại tiếp tục bổ sung định nghĩa về văn hóa: “Văn hóa nên được đề cập như là một tập hợp của những đặc trưng về tâm hồn, vật chất, tri thức, xúc cảm của một xã hội hay một nhóm người trong xã hội và nó chứa đựng, ngoài văn học và nghệ thuật, cả cách sống, phương thức chung sống, hệ thống giá trị, truyền thống, đức tin…”. Quan niệm của UNESCO đã chỉ ra được nguồn gốc và bản chất của văn hóa giống như Mác và Hồ Chí Minh, đồng thời nêu ra các đặc trưng của văn hóa là tính nhân sinh, tính lịch sử, tính hệ thống, tính giá trị và tính dân tộc. Chỉ những sự vật, hiện tượng nào do con người tạo ra, có ý nghĩa với con người, được tích lũy, bồi đắp trong quá trình lịch sử thì mới là văn hóa.

Trong cuốn Cơ sở văn hóa Việt Nam, Trần Ngọc Thêm cho rằng “Văn hóa là một hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo và tích lũy qua quá trình hoạt động thực tiễn, trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên và xã hội” (4).

Từ các định nghĩa ở trên, có thể thấy nội hàm của văn hóa gồm 2 phần:

Thứ nhất, văn hóa chứa đựng yếu tố vật thể. Những yếu tố vật thể bao gồm các công trình kiến trúc, cảnh quan, di sản văn hóa, các sản phẩm văn hóa mà chúng ta có thể khai thác để tạo ra những giá trị mới, đặc biệt là giá trị thặng dư cho nền kinh tế thông qua việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa (CNVH).

Thứ hai, văn hóa chứa đựng yếu tố phi vật thể. Các yếu tố phi vật thể của văn hóa phản ánh niềm tin của con người đối với xã hội và hệ giá trị văn hóa hình thành nên các chuẩn mực, đạo đức, lối sống, phong tục, tập quán, tín ngưỡng của con người trong xã hội. Trong bối cảnh phát triển thị trường văn hóa hiện nay, văn hóa phi vật thể trở thành nguồn vốn văn hóa, sức mạnh nội sinh quan trọng thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế, xã hội đồng thời tham gia vào quy trình sáng tạo, sản xuất, bảo quản, phân phối tiêu dùng sản phẩm văn hóa.

2. Khái niệm vốn văn hóa

Trên thực tế, vốn văn hóa là một khái niệm trừu tượng với nhiều cách tiếp cận khác nhau. Cho đến nay, các học giả nghiên cứu về vấn đề này vẫn chưa thống nhất được cách hiểu chung về nó. Vốn văn hóa (cultural capital) lần đầu tiên được nhà xã hội học người Pháp - Bourdieu đề cập trong quá trình nghiên cứu về xã hội học giáo dục (từ những năm 1960). Ông xem vốn văn hóa là hệ thống các thành tố văn hóa có thể luân chuyển và tạo ra những giá trị trao đổi trong quá trình phát triển, là một hình thức tư bản văn hóa. Với cách hiểu này, rất khó để đưa ra nội hàm cụ thể cho khái niệm vốn văn hóa. Tuy nhiên, Bourdieu cho rằng, vốn văn hóa có thể tồn tại dựa trên ba hình thức chủ yếu là: Trạng thái thể hiện, là các yếu tố văn hóa được thể hiện qua chủ thể văn hóa, tức là tiềm lực văn hóa của con người và năng lực vận dụng các yếu tố văn hóa để tạo ra giá trị trong quá trình phát triển; Trạng thái khách quan, là hệ thống các yếu tố văn hóa tồn tại dưới dạng vật chất và tinh thần, nó là sản phẩm của cá nhân hay cộng đồng được hiện hữu và có thể sử dụng để trao đổi, luân chuyển nhằm tạo ra giá trị; Trạng thái thể chế, là hệ thống các nguyên tắc, thể chế quy định tổ chức và hoạt động của các yếu tố văn hóa khác, đó là những giá trị chuẩn mực được xã hội, cộng đồng chấp nhận và tuân thủ. Ba hình thức tồn tại này của vốn văn hóa được biểu hiện thông qua vốn văn hóa cá nhân và vốn văn hóa cộng đồng.

Trong quá trình nghiên cứu, Bourdieu không chỉ đề cập đến vốn văn hóa mà còn nhiều loại vốn khác như: kinh tế, xã hội, biểu tượng. Cách tiếp cận vốn văn hóa của ông chủ yếu dưới góc độ kinh tế và xã hội. Xuất phát từ ý tưởng có một nền kinh tế hàng hóa văn hóa, ông cho rằng không phải cái gì của văn hóa cũng là hàng hóa, mà chỉ những yếu tố văn hóa nào trở thành tư bản chuyển nhượng, tạo ra giá trị thặng dư được mới gọi là vốn văn hóa và ông coi nó như một nguồn có thể thu lợi nhuận.

3. Công nghiệp văn hóa

CNVH manh nha xuất hiện từ những năm 1930 bởi lý luận gia người Đức - Theodor Adorno. Dưới thời Đức Quốc xã, người Đức cho rằng CNVH là sản phẩm được sản xuất hàng loạt phục vụ cho số đông. Đó là tầng lớp bình dân, nghèo khổ trong xã hội. CNVH gắn với nền văn hóa đại chúng. Lúc đầu có không ít ý kiến phản bác CNVH, cho nó là một thứ tiêu cực, rằng CNVH chỉ là cái vỏ bọc của nhà máy sản xuất các sản phẩm văn hóa được sản xuất hàng loạt. Sự tiêu dùng dễ dàng của các sản phẩm văn hóa đại chúng có thể làm cho con người trở nên ngoan ngoãn và quên đi những vất vả, tình trạng kinh tế khó khăn của mình. Văn hóa đại chúng là thứ nguy hại đối với nghệ thuật đỉnh cao về trí tuệ.

Năm 1947, thuật ngữ CNVH lần đầu xuất hiện trong cuốn Biện chứng và khai sáng của hai nhà nghiên cứu thuộc trường phái Frankfurt người Đức là Adorno và Horkheimer. Hai ông cho rằng, “CNVH làm cho văn hóa bác học và văn hóa bình dân gặp gỡ; đồng thời, phản bác quan điểm văn hóa tự nảy sinh từ đại chúng” (5). Vì theo họ, các sản phẩm văn hóa đã được tính toán kỹ cho nhu cầu của đại chúng, do đó, chúng ít nhiều được sản xuất theo kế hoạch. Chữ “công nghiệp” không nhằm chỉ quá trình sản xuất mà chỉ sự tiêu chuẩn hóa các sản phẩm, cũng như hợp lý hóa kỹ thuật liên quan đến việc cung ứng, phân phối sản phẩm văn hóa. Tuy nhiên, hai ông có ý phê phán sự khai thác có tính thương mại, tính sáng tạo của con người.

Trên thực tế, với sự dẫn dắt của thị trường và lợi nhuận, CNVH đã có bước đi riêng. Đặc biệt, những thập niên cuối TK XX, khi nền văn hóa đại chúng xuất hiện ở nhiều nước trên thế giới, thì CNVH được nhận thức ngày càng đầy đủ hơn từ lý thuyết đến thực tiễn. Tại Hội nghị Thượng đỉnh về hoạt động văn hóa được tổ chức tại Stockholm (Thụy Điển) vào tháng 4-1998, thuật ngữ CNVH chính thức được công bố và thông qua bởi đại biểu của gần 200 quốc gia.

CNVH đã diễn ra thành công ở nhiều quốc gia trên thế giới. Điển hình như ở Mỹ, Canada, Anh... ngành CNVH đóng góp từ 5-10% GDP cho ngân sách quốc gia. Khu vực châu Á, các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc những năm gần đây cũng rất thành công với lĩnh vực CNVH. Ở Nhật Bản, một đất nước có ngành CNVH tầm cỡ, chỉ riêng việc khai thác hình ảnh chú mèo máy Đô rê mon đã đem lại doanh thu lên đến 2 tỷ USD. Ở Hàn Quốc, làn sóng văn hóa Hàn Quốc (Hallyu) đã và đang len lỏi khắp thế giới thông qua các bộ phim truyền hình, các ban nhạc K-Pop đình đám, các món ăn truyền thống, mỹ phẩm, trang phục truyền thống… Hàn Quốc cũng đã trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn đông đảo du khách các nước, trong đó có Việt Nam.

Mặc dù CNVH là một ngành hái ra tiền ở nhiều quốc gia trên thế giới từ giữa TK XX. Nhưng ở nước ta, CNVH khá mới mẻ, chỉ manh nha trong lĩnh vực điện ảnh và biểu diễn nghệ thuật, du lịch văn hóa nhưng hiệu quả còn thấp. Sự phát triển mạnh mẽ của các ngành CNVH đã thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu. Hàng loạt khái niệm về CNVH xuất hiện, tiêu biểu như sau:

CNVH có thể định nghĩa đơn giản là “các ngành công nghiệp sản xuất hàng hóa văn hóa”. Năm 2007, UNESCO đưa ra quan niệm: “CNVH là một thuật ngữ chỉ các ngành công nghiệp mà có sự kết nối giữa sáng tạo, sản xuất và thương mại hóa các sản phẩm văn hóa (vật thể và phi vật thể), và các nội dung sáng tạo được bảo vệ bản quyền. Khái niệm công nghiệp liên quan đến sản phẩm hàng hóa còn khái niệm văn hóa thường diễn đạt ý niệm trừu tượng về giá trị” (6). Trong khái niệm này, UNESCO đã nhấn mạnh tính hai mặt của các ngành CNVH là tính sáng tạo và tính thương mại. Các ngành CNVH mang bản chất của sự gắn kết chặt chẽ giữa kinh tế và văn hóa, chính đặc thù này đòi hỏi những chính sách, cách vận hành riêng.

Năm 2015, trong cuốn Công nghiệp văn hóa ở Việt Nam - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn, hai tác giả Nguyễn Ngọc Hà và Nguyễn Viết Lộc đã đưa ra quan niệm về CNVH với nội hàm khá rộng: “CNVH là ngành công nghiệp sáng tạo, sản xuất, tái sản xuất, phổ biến, tiêu dùng các sản phẩm và các dịch vụ văn hóa bằng phương thức công nghiệp hóa, tin học hóa, thương phẩm hóa, nhằm đáp ứng nhu cầu văn hóa đa dạng của xã hội, các hoạt động đó được bảo vệ bởi bản quyền” (7). Các tác giả tập trung phân tích 4 đặc trưng của CNVH đó là: sản phẩm sáng tạo - hàng hóa - phương thức sản xuất - bản quyền. Với khái niệm này, CNVH phải đồng thời hướng tới 2 mục tiêu là kinh tế và văn hóa.

Năm 2016, Chiến lược phát triển các ngành Công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong chiến lược có đưa ra khái niệm: “CNVH là sự ứng dụng của những tiến bộ khoa học kỹ thuật và kỹ năng kinh doanh, sử dụng năng lực sáng tạo, nguồn vốn văn hóa để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ văn hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, hưởng thụ văn hóa của người dân”.

Ngoài định nghĩa về CNVH nói trên, hiện nay có nhiều quốc gia gọi CNVH là công nghiệp sáng tạo, công nghiệp nội dung, công nghiệp dựa trên bản quyền...

Thứ nhất, là khái niệm các ngành CNVH được UNESCO và nhiều nước như: Phần Lan, Tây Ban Nha, Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc... sử dụng. Theo quan điểm của UNESCO, thuật ngữ các ngành CNVH được áp dụng cho “các ngành công nghiệp kết hợp sự sáng tạo, sản xuất và khai thác các nội dung có bản chất phi vật thể và văn hoá. Các nội dung này thường được bảo vệ bởi luật bản quyền và thể hiện dưới dạng sản phẩm hay dịch vụ”.

Thứ hai, khái niệm các ngành công nghiệp sáng tạo được Anh, Úc, New Zealand, Singgapore sử dụng. Công nghiệp sáng tạo bắt nguồn từ sự sáng tạo, kỹ năng và năng khiếu của cá nhân, có tiềm năng tạo ra của cải qua quá trình khai thác quyền sở hữu trí tuệ. Với quan điểm này, ngành công nghiệp sáng tạo đã trở thành một phần của chính sách kinh tế.

Thứ ba, khái niệm các ngành CNVH và sáng tạo được Anh và Úc sử dụng. Theo quan điểm này, ngành CNVH không thể thiếu yếu tố sáng tạo vì sáng tạo là bản chất của văn hóa nghệ thuật. Nếu văn hóa nghệ thuật không có tìm tòi, đổi mới, không có thể nghiệm thì không thể tồn tại. Mặt khác, mọi sự sáng tạo của con người có ý nghĩa xã hội và nhân văn đều có tính văn hóa. Hai mặt sáng tạovăn hóa là hai phạm trù có tính chất nhân quả và được gắn kết chặt chẽ.

Thứ tư, khái niệm các ngành công nghiệp nghệ thuật được một số học giả Canada và Mỹ đưa ra. Công nghiệp nghệ thuật là các ngành sử dụng và sáng tạo ra sản phẩm nghệ thuật. Quan điểm này có điểm chung nhưng cũng có sự khác biệt với quan niệm CNVH và công nghiệp sáng tạo. Công nghiệp nghệ thuật bao gồm các doanh nghiệp: sử dụng một hoặc nhiều loại hình nghệ thuật như một yếu tố cơ bản của sản xuất (quảng cáo, thời trang, thiết kế,...); dựa trên một hoặc nhiều loại hình nghệ thuật như các hàng hóa gắn kết trong tiêu thụ (phần cứng và phần mềm giải trí gia đình); sản xuất các sản phẩm thuộc một hoặc nhiều loại hình nghệ thuật như những sản phẩm cuối cùng.

Thứ năm, các ngành công nghiệp bản quyền, khái niệm phổ biến ở Mỹ, Hồng Kông (Trung Quốc). Với cách tiếp cận ở góc độ sở hữu trí tuệ, trong đó nhấn mạnh trọng tâm là các nội dung bản quyền - kiểu mẫu - nhãn hiệu thương mại - thiết kế, việc phân loại các lĩnh vực thuộc ngành công nghiệp bản quyền gần với cách phân loại theo khái niệm công nghiệp sáng tạo. Theo đó, nó bao gồm các lĩnh vực: quảng cáo, thiết kế, nhiếp ảnh, điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, âm nhạc, xuất bản, truyền hình, trò chơi điện tử.

Từ việc hệ thống lại lịch sử khái niệm ngành CNVH trên thế giới, cũng như căn cứ thực tiễn phát triển văn hóa tại Việt Nam, nhóm nghiên cứu sử dụng khái niệm CNVH do Bộ VHTTDL đưa ra làm khái niệm công cụ để triển khai đề tài, đó là: “CNVH là các ngành sáng tạo dựa trên nguồn lực văn hóa, ứng dụng những tiến bộ của khoa học, kỹ thuật và công nghệ để sản xuất ra những sản phẩm và dịch vụ văn hóa bằng phương thức sản xuất công nghiệp, được phân phối, trao đổi, tiêu dùng trên thị trường”.

4. Mối quan hệ giữa vốn văn hóa với công nghiệp văn hóa

Vốn văn hóa được đề cập trong bài viết chủ yếu là vốn văn hóa cộng đồng bao gồm vốn văn hóa vật thể và phi vật thể do cộng đồng sáng tạo ra trong quá trình lịch sử. Nguồn vốn văn hóa này có thể luân chuyển và tạo ra những giá trị trao đổi trong quá trình phát triển, là một hình thức tư bản văn hóa.

Mối quan hệ giữa vốn văn hóa với CNVH trong bối cảnh hội nhập quốc tế là mối quan hệ nguyên nhân - kết quả, có ảnh hưởng, tác động qua lại lẫn nhau. Bởi lẽ, trong quá trình sáng tạo, sản xuất, phân phối và tiêu dùng sản phẩm văn hóa thì vốn văn hóa đóng vai trò đầu vào tạo ra các sản phẩm, dịch vụ văn hóa.

Trước hết là ảnh hưởng của vốn văn hóa đối với CNVH trong việc tạo ra sản phẩm văn hóa. Với bề dày lịch sử mấy ngàn năm văn hiến đã tạo nên nguồn vốn văn hóa phong phú đa dạng của dân tộc Việt Nam. Nguồn vốn văn hóa này đã hình thành nên tính độc đáo, đặc sắc, hấp dẫn của các sản phẩm CNVH. Khi sản phẩm CNVH tạo được sự khác biệt, có đặc trưng, bản sắc riêng, có chất lượng thì nó chính là điều kiện tiên quyết để chinh phục thị trường, đưa hàng hóa văn hóa Việt Nam không chỉ phục vụ thị trường trong nước mà còn xuất khẩu, mang lại giá trị kinh tế đồng thời quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới.

Nguồn vốn văn hóa thông qua các tài nguyên văn hóa vật thể như công trình kiến trúc, cảnh quan văn hóa, di tích lịch sử... cùng tài nguyên văn hóa phi vật thể như phong tục, tập quán, lễ hội, ngành nghề truyền thống… là chất liệu đầu vào, là nguồn sáng tạo và đồng thời là cơ sở vật chất kỹ thuật cho các ngành CNVH như điện ảnh, du lịch văn hóa, nghệ thuật biểu diễn, thủ công mỹ nghệ, mỹ thuật, quảng cáo... khai thác sử dụng. Những tài nguyên này không chỉ tạo ra sản phẩm mà còn tạo ra môi trường và điều kiện cho ngành CNVH phát sinh và phát triển.

Thứ hai, nguồn vốn văn hóa còn biểu hiện trong việc kinh doanh sản phẩm CNVH thông qua các chủ thể văn hóa. Đó chính là hành vi ứng xử, cung cách phục vụ, cách thức kinh doanh giữa các tổ chức văn hóa nghệ thuật, doanh nghiệp, giới văn nghệ sỹ, nghệ nhân và quần chúng nhân dân với khách hàng và du khách trong và ngoài nước.

Bên cạnh những ảnh hưởng của vốn văn hóa với CNVH thì CNVH cũng có tác động trở lại với nền văn hóa dân tộc. Thông qua con đường trao đổi, mua bán, xuất khẩu các sản phẩm CNVH, đặc biệt là lĩnh vực điện ảnh, ca nhạc và du lịch văn hóa, nền văn hóa đặc sắc của dân tộc Việt Nam được quảng bá ra thế giới đồng thời chúng ta tiếp thu các trào lưu, xu thế văn hóa mới của các nước để làm phong phú thêm vốn văn hóa dân tộc. Mặt khác, thông qua việc khai thác các nguồn tài nguyên văn hóa bản địa kết hợp với yếu tố công nghệ và kỹ năng kinh doanh của các nước phát triển, ngành CNVH ở Việt Nam đã đem lại nguồn thu đáng kể. Nguồn thu này được sử dụng một phần để bảo tồn và duy tu các công trình văn hóa hiện có, xây dựng mới các công trình văn hóa, tài trợ cho các hoạt động văn hóa, từ đó quay trở lại góp phần phát triển CNVH.

CNVH góp phần phát huy khôi phục giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể như các công trình kiến trúc văn hóa cổ, các loại hình văn hóa nghệ thuật truyền thống, các hoạt động sinh hoạt vật chất cổ xưa mang bản sắc địa phương. CNVH cũng góp phần tích cực vào sự đa dạng của văn hóa, mang các nét văn hóa của du khách đến với nền văn hóa bản địa, du nhập những giá trị tốt đẹp từ các nền văn hóa bên ngoài và tôn vinh văn hóa bản địa trên phương diện vừa kế thừa, vừa đổi mới.

_______________________

1. Đoàn Văn Chúc, Xã hội học văn hóa, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 1997, tr.202.

2. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 3, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.458.

3. Thập kỷ thế giới phát triển văn hóa, Bộ Văn hóa, Thông tin và Thể thao, Hà Nội, 1992, tr.23.

4. Trần Ngọc Thêm, Cơ sở văn hóa Việt Nam, tái bản lần 2, Nxb Giáo dục, 1999, tr.10.

5. Vũ Đức Thanh, Hoàng Khắc Lịch, Công nghiệp văn hóa, lyluanchinhtri.vn, 16-3-2017.

6. UNESCO, Culture, trade and globalization: Questions and answers (Hỏi đáp về văn hóa, thương mại và toàn cầu hóa), en.unesco.org, 2000.

7. Nguyễn Ngọc Hà, Nguyễn Viết Lộc (chủ biên), Công nghiệp văn hóa ở Việt Nam - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2015, tr.30.

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Duy Bắc (đồng chủ biên), Phát triển văn hóa Việt Nam trong thời kỳ đổi mới hiện nay, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2009.

2. Hoàng Chí Bảo, Công nghiệp văn hóa đối với sự phát triển đất nước, Tạp chí Lý luận chính trị, số 12, 2016.

3. Đinh Xuân Dũng, Nguồn lực văn hóa - Tài nguyên hiếm cho sự phát triển của thủ đô, Tham luận Hội thảo Nguồn lực văn hóa trong chiến lược phát triển thành phố sáng tạo của thủ đô Hà Nội do Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội và Tạp chí Cộng sản tổ chức, 2020.

4. Tô Văn Động, Thực trạng phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn thủ đô Hà Nội hiện nay và những kiến nghị, đề xuất, Kỷ yếu Hội thảo Nguồn lực văn hóa trong chiến lược phát triển thành phố sáng tạo của thủ đô Hà Nội, Thành ủy Hà Nội, 2020.

5. Bùi Minh Hảo, Vốn văn hóa và tiếp cận vốn văn hóa trong nghiên cứu phát triển, Tạp chí Từ điển học và Bách khoa thư, số 1 (69), 2021, tr.136.

6. Phạm Bích Huyền, Đặng Hoài Thu, Giáo trình các ngành Công nghiệp văn hóa, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2009.

7. Lê Thị Minh Lý, Công nghiệp văn hóa Hà Nội - phát triển từ vốn di sản, Tọa đàm Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn thủ đô, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2030, tầm nhìn đến 2045 do Ban chỉ đạo Chương trình số 06-CTr/TU, Thành ủy Hà Nội tổ chức, 2021.

 

PGS, TS PHAN VĂN TÚ

Nguồn: Tạp chí VHNT số 491, tháng 3-2022

;