Văn hóa làng bao gồm tổng thể các giá trị (vật chất và tinh thần) do cộng đồng dân cư ở các làng quê sáng tạo ra trong quá trình tồn tại và phát triển. Đó là kiểu hình văn hóa đặc trưng, văn hóa “gốc” của nền văn hóa Việt Nam cổ truyền với những sinh hoạt văn hóa, thiết chế và liên kết xã hội hết sức chặt chẽ. Cùng với những biến đổi mạnh mẽ của đời sống kinh tế - xã hội ở khu vực nông thôn trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bức tranh văn hóa làng cũng có sự biến đổi đa dạng, phức tạp, từ diện mạo, cảnh quan đến lối sống, các phong tục, tập quán, quan hệ xã hội, cách thức tiếp cận thông tin và giải trí. Một quá trình chuyển đổi cơ cấu văn hóa tinh thần đang diễn ra do những biến đổi sâu sắc của đời sống kinh tế - xã hội, chứa đựng sự pha trộn, đan xen giữa các yếu tố truyền thống và hiện đại, nông nghiệp và công nghiệp, nông thôn và đô thị… cũng như làm nảy sinh nhiều vấn đề cần quan tâm.
1. Văn hóa làng
Văn hóa làng là hình thái văn hóa đặc biệt, gắn liền với các làng tụ cư cổ truyền ở nông thôn của người Việt, bao gồm tổng thể các giá trị vật chất và tinh thần (phong tục, tập quán, lối sống, các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo… ) do cộng đồng dân cư ở các làng quê sáng tạo ra, được biểu hiện trong xóm làng hay được đặc trưng bằng kết cấu xóm làng (1). Theo học giả Trần Quốc Vượng: “Văn hóa Việt Nam cổ truyền về bản chất là một nền văn hóa xóm làng” (2). Còn nhà nghiên cứu Phan Đại Doãn nhấn mạnh: “Văn hóa làng có nội dung cực kỳ phong phú. Nhiều khi làng đã giải thể nhưng văn hóa làng thì vẫn tiếp tục tồn tại lâu dài” (3). Thực tế, các yếu tố, bộ phận trong văn hóa làng không tồn tại riêng biệt mà hòa quyện vào nhau tạo nên bản sắc, đặc trưng của cộng đồng làng; đồng thời văn hóa làng luôn vận động và phát triển, các thế hệ kế tiếp luôn có ý thức sáng tạo, phát huy vốn văn hóa cổ truyền để phù hợp với cuộc sống hiện đại.
Biến đổi văn hóa làng có thể được hiểu là những sự vận động, thay đổi của bức tranh văn hóa làng nói chung cũng như sự biến đổi của các thành tố, phương diện trong chỉnh thể đời sống văn hóa của cộng đồng dân làng. Quá trình này diễn ra có thể do những tác động của các nhân tố như kinh tế, chính trị, xã hội… hoặc/và là kết quả của vận động tự thân của văn hóa. Trong bối cảnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa ngày càng sâu rộng, nhanh chóng như hiện nay, khi một phần đáng kể diện tích đất canh tác nông nghiệp ở nhiều vùng nông thôn chuyển sang phục vụ cho việc xây dựng các nhà máy, xí nghiệp, khu đô thị, khu dân cư mới… những biến đổi trong bức tranh văn hóa của cộng đồng làng diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Đó là sự thay đổi từ lối sống, cách sinh hoạt, sáng tạo văn hóa, đến cách tư duy, nếp nghĩ, hệ giá trị, các phong tục tập quán… Một quá trình chuyển đổi cơ cấu văn hóa tinh thần đang diễn ra do những biến đổi sâu sắc của đời sống kinh tế, xã hội, với xu hướng tiếp biến, đan xen giữa các yếu tố cũ và mới, nông nghiệp và công nghiệp, truyền thống và hiện đại…
Biến đổi văn hóa làng do tác động và ảnh hưởng của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa là xu hướng mang tính quy luật trong sự vận động, phát triển của văn hóa. Quá trình này diễn ra khi có sự tác động của môi trường sống thay đổi, dẫn đến ý thức văn hóa tộc người cũng dần biến đổi cho phù hợp với cuộc sống hiện hữu. Đó là kết quả của sự tiếp biến văn hóa một cách tự nguyện, tự giác do vai trò tự điều chỉnh văn hóa của mỗi cá nhân, mỗi nhóm người trong cuộc sống cộng cư của họ để cùng thích ứng với xã hội hiện hữu.
Quá trình biến đổi văn hóa ở các làng quê là sản phẩm tất yếu của tiến trình hiện đại hóa nên nhìn chung nó có tác động tích cực, đem lại sự tiến bộ trong đời sống xã hội nói chung cũng như với phát triển văn hóa ở khu vực nông thôn nói riêng. Tuy nhiên, quá trình này cho thấy nhiều vấn đề phức tạp nảy sinh, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội và văn hóa của cộng đồng làng: lối sống thực dụng, đôi khi đề cao thái quá các giá trị vật chất, nguy cơ mai một những giá trị truyền thống tốt đẹp, nạn ô nhiễm môi trường, an ninh trật tự… cần được quan tâm.
2. Những biến đổi cơ bản của văn hóa làng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa
Quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta trong đó có việc chuyển một phần đáng kể diện tích đất canh tác sang phục vụ các mục tiêu phi nông nghiệp đã đưa tới những biến đổi mạnh mẽ trong cơ cấu nghề nghiệp ở nhiều vùng nông thôn. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính trong giai đoạn 2009-2019, tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng số lao động xã hội ở nước ta giảm từ 53,9% xuống còn 35,3% (4). Công nghiệp hóa, hiện đại hóa cũng đưa đến những biến đổi căn bản trong đời sống xã hội nhiều làng quê khi một bộ phận người dân không còn đủ đất canh tác, phải tìm đến các khu công nghiệp, khu đô thị để kiếm việc làm; ngược lại, ở những nơi có khu công nghiệp hay cận khu công nghiệp… do nhu cầu lao động nên ngoài dân gốc của làng đã xuất hiện thêm nhiều thành phần dân cư khác khiến cho cơ cấu dân cư của làng biến đổi theo hướng linh hoạt, mở hơn chứ không mang tính cố định, đóng kín như trước kia (5).
Những biến đổi trong cơ cấu kinh tế và đời sống xã hội của người dân ở các làng quê là tiền đề đưa tới những thay đổi trong đời sống văn hóa của cộng đồng làng. Điều này thể hiện ở thu nhập và mức sống của người nông dân được nâng lên, đi cùng với điều kiện hạ tầng ngày càng được cải thiện đã phá vỡ tính khép kín của các làng, đồng thời thúc đẩy sự giao lưu, tiếp biến về văn hóa. Mặt khác, thể hiện ở xu hướng đa dạng hóa các thành phần, tầng lớp dân cư tạo thành chất xúc tác giúp mở rộng, nâng cao trình độ dân trí, cơ hội giáo dục và tiếp cận thông tin… cho người dân ở vùng nông thôn. Tuy nhiên, bên cạnh tác động và ảnh hưởng tích cực, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa cũng cho thấy những hiệu ứng không mong muốn đối với đời sống xã hội và văn hóa của cộng đồng dân cư ở các làng quê hiện nay: việc sử dụng đất nông nghiệp tùy tiện, lãng phí ở nhiều nơi dẫn tới tình trạng dư thừa lao động, gây khó khăn cho sản xuất và đời sống của một bộ phận người dân; tình trạng san lấp, lấn chiếm các ao, hồ, mương máng cùng sự yếu kém trong xử lý nước thải, rác thải... đang làm cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến cảnh quan nông thôn và đời sống, sức khỏe của nông dân (6). Ngoài ra, có thể thấy, ở nhiều làng quê, mặc dù bắt nhịp được với quá trình chuyển đổi, nhưng với sự xuất hiện của nhiều thành phần, tầng lớp dân cư trong làng đã nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp liên quan đến an ninh trật tự, an toàn xã hội...
Thực tiễn cho thấy, quá trình biến đổi văn hóa làng diễn ra tập trung ở một số phương diện cơ bản sau:
Biến đổi không gian làng
Làng quê xưa, nhất là các làng ở vùng châu thổ Bắc Bộ, với đặc trưng không gian tương đối khép kín, lũy tre làng bao quanh được xem như ranh giới giữa không gian cư trú và không gian sản xuất của làng. Hiện nay, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cùng với sự thu hẹp đáng kể của diện tích đất nông nghiệp đã làm không gian cảnh quan ở các làng quê biến đổi rõ rệt. Bên cạnh không gian cư trú truyền thống được định vị theo các xóm, ngõ là những những hình thức tập trung dân cư mới theo nghề nghiệp: những xóm mới, phố - làng mới… khiến cho không gian cư trú và không gian sản xuất ở các làng hiện nay gắn bó chặt chẽ với nhau, không phân biệt rõ ràng như trước kia. Những ao, hồ, mương máng có vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người nông dân xưa hiện cũng bị san lấp, thu hẹp đáng kể do sức ép của sự gia tăng dân số cũng như nhu cầu sản xuất, kinh doanh. Các công trình như trường học, nhà văn hóa, sân chơi, thư viện, chợ… được xây dựng, mở mang cùng hệ thống đường giao thông quy hoạch rộng rãi khiến cho làng quê mang dáng dấp của các đô thị. Nhìn chung, không gian cảnh quan ở các làng quê hiện đại đã không còn khép kín mà ngày càng trở nên mở, linh hoạt hơn…
Biến đổi quan hệ gia đình, họ hàng, làng xã
Gia đình, họ hàng, làng xã là những thiết chế xã hội - văn hóa đặc trưng ở các làng quê, thể hiện tập trung và tiêu biểu những đặc tính trong đời sống xã hội của cộng đồng làng. Cùng với những tác động và ảnh hưởng của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thiết chế gia đình, họ hàng, làng xã và những mối quan hệ xã hội liên quan ở các làng quê hiện nay cũng đang chứng kiến những đổi thay rõ nét.
Nhiều kết quả nghiên cứu đã chỉ ra, sợi dây gắn kết giữa các thế hệ, thành viên trong gia đình nông thôn hiện nay đang có chiều hướng suy giảm. Sự đa dạng hóa và khác biệt về lao động, việc làm cùng những mối quan tâm, ưu tiên riêng của các thành viên khiến cho những hoạt động chung của các thành viên trong gia đình ngày càng ít đi (7). Bên cạnh sự gắn kết gia đình, mối quan hệ họ hàng, làng xã - mạng lưới liên kết đặc trưng cho lối sống cộng đồng, cũng đang chứng kiến sự suy giảm đáng kể do tác động và ảnh hưởng của những biến đổi trong đời sống kinh tế - xã hội. Sự gắn bó, tương trợ lẫn nhau giữa các thành viên, gia đình trong họ tộc, hàng xóm láng giềng, nhất là mỗi khi có công việc quan trọng như tang ma, cưới xin… tuy vẫn được coi trọng, duy trì nhưng không còn đóng vai trò là nhân tố thiết yếu như trước đây.
Trong bối cảnh kinh tế - xã hội chuyển đổi, sự đa dạng của các hoạt động nghề nghiệp, việc làm khiến cho nhiều người trở nên bận rộn với công việc riêng, ít thời gian rảnh rỗi để qua lại, thăm hỏi nhau như trước kia… Bên cạnh đó, khi đời sống vật chất không ngừng được nâng lên, sự xuất hiện của những ngôi nhà kiên cố, “kín cổng cao tường” ngày càng phổ biến, khiến cho hoạt động gặp gỡ, trò chuyện giữa những người hàng xóm láng giềng bị hạn chế. Điều đó góp phần làm cho nhiều người dân, hộ gia đình vốn gần gũi, thân tình trước kia, nay dần trở nên xa cách hơn. Ngoài ra, lối sống và thói quen tiêu dùng đô thị với mạng lưới dịch vụ ngày càng được mở rộng, phát triển ở các làng quê hiện nay khiến cho nhiều người có thói quen sử dụng các dịch vụ, tiện ích có sẵn mỗi khi có công việc thay vì tìm kiếm sự giúp đỡ và hỗ trợ từ họ hàng, láng giềng như trước kia. Điều đó khiến cho mức độ phụ thuộc, ràng buộc của các thành viên, gia đình trong họ tộc cũng như giữa những người hàng xóm láng giềng có xu hướng suy giảm.
Biến đổi di tích, tín ngưỡng, lễ hội và các phong tục tập quán
Đời sống kinh tế ngày càng khởi sắc, người dân ở các làng quê có điều kiện quan tâm hơn đến việc bảo tồn, giữ gìn các di tích cũng như phục dựng các lễ tiết, lễ hội của làng. Các di tích được đầu tư nhiều tiền của, công sức tu bổ, làm mới, được đưa trở lại với ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh của cộng đồng. Các sinh hoạt văn hóa truyền thống, nhất là lễ hội cổ truyền được tiếp nối, duy trì, ngày càng trở nên đặc sắc hơn với nguồn kinh phí tổ chức và nhân lực tham gia không ngừng được tăng cường, xã hội hóa. Bên cạnh các nghi lễ, trò vui truyền thống, lễ hội làng cũng được bổ sung nhiều hoạt động mới mang hơi thở cuộc sống đương đại, các trò chơi giải trí, hoạt động thể dục thể thao, văn nghệ đặc sắc. Cùng với nỗ lực tiếp nối và bảo lưu giá trị, ý nghĩa của lễ hội làng, người dân ở các làng quê cũng đang ngày càng có xu hướng trở lại với những thực hành tín ngưỡng truyền thống khi điều kiện kinh tế, đời sống vật chất có bước tiến đáng kể so với trước đây (8).
Các phong tục tập quán, lối sống của người dân ở làng quê có sự biến đổi rõ nét khi tỷ lệ lao động trong lĩnh vực nông nghiệp ngày càng giảm và cùng với đó là xu hướng đa dạng hóa trong cơ cấu nghề nghiệp, việc làm. Một bộ phận dân cư đã chuyển hẳn sang các hoạt động kinh doanh, buôn bán, làm dịch vụ, làm công nhân trong các khu công nghiệp… khiến cho nhịp sống, lối sống của dân làng cũng trở nên sôi động, khẩn trương hơn; việc tuân thủ giờ giấc được chú trọng với tác phong nhanh nhẹn, năng động. Cùng với sự mở rộng, phát triển của mạng lưới dịch vụ, người dân ở các làng quê ngày càng trở nên quen thuộc với kiểu tư duy cần gì là có thể mua chứ không phải chạy sang hàng xóm vay, mượn như trước kia; và đi cùng với đó là lối sống gắn với sự nhanh nhạy và bình đẳng của thị trường. Chính vì lẽ đó, bên cạnh lối sống nghĩa tình vẫn được duy trì, xuất hiện lối ứng xử, lối sống theo kiểu dịch vụ, thị trường, coi trọng sự minh bạch, sòng phẳng. Nhìn chung bức tranh lối sống ở nhiều làng quê hiện nay có sự pha trộn, đan xen giữa nông nghiệp và công nghiệp, truyền thống và hiện đại, nông thôn và đô thị.
Các phong tục tập quán là những yếu tố vốn có tính ổn định, bền vững, tuy nhiên cũng đang có nhiều biến đổi do tác động của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nhìn chung các phong tục tập quán truyền thống như ma chay, cưới xin, giỗ chạp… vẫn được coi trọng, tiếp nối truyền thống, nhưng đã có sự cải biến theo hướng hiện đại, giản tiện hơn về thời gian cũng như những nghi lễ phức tạp, rườm rà để phù hợp với nhịp sống, lối sống công nghiệp, đô thị (9). Việc lựa chọn, sử dụng các loại hình dịch vụ thay vì trông cậy vào sự trợ giúp của họ hàng, xóm giềng của người dân và các hộ gia đình mỗi khi có công việc cũng có xu hướng gia tăng. Những sự thay đổi đó dựa trên nền tảng đời sống kinh tế ngày càng sung túc, dồi dào hơn, cũng như sự gần gũi, giao thoa của các làng quê với khu vực đô thị, làm nên tính chất đan xen văn hóa làng - phố rất đặc trưng ở nhiều làng quê Việt Nam hiện nay.
Những biến đổi trong hoạt động tiếp cận thông tin và giải trí
Đi cùng những đổi thay mạnh mẽ và sâu sắc của đời sống kinh tế - xã hội, nhu cầu và các hoạt động, phương thức trao đổi thông tin, giải trí của người dân ở làng quê cũng không ngừng được mở rộng, đa dạng hóa. Bên cạnh các hoạt động văn hóa quần chúng, hệ thống đài truyền thanh cũng được phủ sóng đến từng thôn xóm, hệ thống thư viện, phòng đọc đáp ứng nhu cầu thông tin, tri thức đa dạng của người dân, hệ thống tiếp cận thông tin trong các gia đình cũng ngày càng được mở rộng, hiện đại hóa với những phương tiện nghe nhìn hiện đại: tivi, radio, điện thoại, máy vi tính có kết nối internet... Nhiều kết quả khảo sát cho thấy, tỷ lệ người tiêu dùng nông thôn sử dụng các sản phẩm công nghệ và dịch vụ kỹ thuật số có kết nối internet đạt trên 90% và vẫn đang có xu hướng gia tăng (10). Bên cạnh các hoạt động giải trí, việc chăm sóc sức khỏe, hưởng thụ cuộc sống của người dân cũng ngày càng được quan tâm hơn. Nhiều hoạt động, loại hình câu lạc bộ, hội nhóm văn nghệ, thể dục thể thao xuất hiện, thu hút sự tham gia đông đảo của người dân tùy theo sự phù hợp về sở thích, nghề nghiệp, lứa tuổi...; mức độ tin tưởng và tham gia của người dân vào các tổ chức, hội nhóm không ngừng tăng lên (11). Bên cạnh đó, những hình thức giải trí, sử dụng thời gian nhàn rỗi vốn thường thấy ở các cư dân đô thị như mua sắm, tham quan, du lịch… cũng xuất hiện và ngày càng phổ biến trong đời sống của cộng đồng dân cư ở các làng quê.
Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nông thôn diễn ra ngày càng mạnh mẽ, kéo theo nhiều thay đổi trong đời sống văn hóa của người dân khu vực này. Trong thời gian tới, sự vận động, biến đổi này diễn ra ngày càng phức tạp, đòi hỏi cần có hệ thống chính sách can thiệp phù hợp, nhằm phát huy những ảnh hưởng, xu hướng biến đổi tích cực, đồng thời hạn chế những tác động tiêu cực, hướng đến sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo giữ gìn và phát triển những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của cộng đồng làng trong bối cảnh chuyển đổi.
________________
1. Hà Văn Tấn, Đến với lịch sử văn hóa Việt Nam, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2005, tr.35.
2. Trần Quốc Vượng, Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2007, tr.80.
3. Phan Đại Doãn, Làng Việt Nam - một số vấn đề kinh tế - xã hội - văn hóa, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2001, tr.19.
4. Tổng cục Thống kê, Thông cáo báo chí tình hình lao động việc làm quý IV và năm 2020, gso.gov.vn.
5. Nguyễn Thị Phương Châm, Biến đổi văn hóa ở các làng quê hiện nay, Nxb Văn hóa - Thông tin và Viện Văn hóa, Hà Nội, 2009, tr.109.
6. Phùng Hữu Phú, Đô thị hóa ở Việt Nam - từ góc nhìn nông nghiệp, nông thôn, nông dân, Tạp chí Tuyên giáo, số 3, 2009.
7. Nguyễn Thị Phương, Biến đổi của gia đình nông thôn trong quá trình xây dựng nông thôn mới hiện nay, tapchicongsan.org.vn, 18-12-2020.
8. Vũ Thị Phương Hậu, Một số biến đổi trong văn hóa làng ở đồng bằng Bắc Bộ, Tạp chí Lý luận Chính trị, số 8, 2017.
9. Nguyễn Văn Thắng, Biến đổi văn hóa ở nông thôn giai đoạn 2011-2020, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 321, tháng 3-2011.
10. Đỗ Phong, Người nông thôn “online” tăng vọt, tích cực mua sắm trực tuyến, vneconomy.vn, 9-4-2021.
11. Phạm Văn Quyết, Những biến đổi của xã hội nông thôn Việt Nam trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa những năm đầu thế kỷ XXI, Tạp chí Khoa học Xã hội và Nhân văn, số 28, 2012, tr.241.
Ths TRỊNH VƯƠNG CƯỜNG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 482, tháng 12-2021