Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống dịch COVID-19 diễn ra vào ngày 7-5-2021, đồng chí Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu: “Cán bộ, đảng viên, những người giữ vị trí càng cao càng phải gương mẫu trong công tác phòng, chống dịch COVID-19”. Đại dịch COVID-19 bùng phát ở Việt Nam từ ngày 23-1-2020 tới nay. Trong cuộc chiến với kẻ thù vô hình này, hơn bao giờ hết, cán bộ, đảng viên cần gương mẫu, thực hiện tốt vai trò và trách nhiệm của người đảng viên, tiên phong trong công tác phòng chống dịch COVID-19.
Theo công điện của Thường trực Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 ngày 21-7-2021, thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân đã nỗ lực, cố gắng khắc phục khó khăn, chủ động triển khai kịp thời nhiều chủ trương, biện pháp nhằm thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19. Công điện cũng nhấn mạnh toàn bộ hệ thống chính trị tiếp tục tập trung cao nhất cho công tác phòng, chống dịch. Các cấp ủy, tổ chức đảng tiếp tục quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, có hiệu quả chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và hướng dẫn của Bộ Y tế về công tác phòng, chống dịch trong tình hình mới. Đặc biệt, Bí thư các Tỉnh ủy, Thành ủy, người đứng đầu cấp ủy tập trung chỉ đạo sát sao, phát huy vai trò của các cấp ủy, chính quyền, huy động cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch (1).
Hơn bao giờ hết, mỗi cán bộ, đảng viên phải phát huy cao độ vai trò, trách nhiệm nòng cốt trong hoạt động của các tổ COVID-19 cộng đồng, tổ dân phòng tự quản, chốt kiểm soát tại địa bàn dân cư. Từng cán bộ, đảng viên phải đóng góp công sức cùng cấp ủy Đảng, chính quyền ngăn chặn, đẩy lùi bằng được, không để dịch lan rộng, bùng phát ngay từ trong từng gia đình, từng khu dân cư, tổ dân phố. Các cấp ủy Đảng, các chi bộ, đảng bộ cơ sở phải phát huy vị trí là hạt nhân chính trị ở cơ sở. Lấy hiệu quả phòng, chống dịch làm “thước đo” năng lực, uy tín của cán bộ, đảng viên và năng lực, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, nhất là người đứng đầu.
Tiên phong phòng, chống đại dịch COVID-19
Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 932.357 ca mắc COVID-19, đứng thứ 40/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 151/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 9.465 ca nhiễm). Tính từ ngày 27-4-2021 đến ngày 3-11-2021, Việt Nam có 927.494 ca mắc mới ghi nhận trong nước, trong đó có 821.989 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh (2).
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Đợt bùng phát dịch lần thứ tư (tính từ ngày 27-4-2021 đến nay) được xác định là khó khăn hơn, phức tạp hơn do sự xuất hiện của những biến chủng mới của virus. Khi đợt dịch này bắt đầu bùng phát, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, việc phòng chống dịch cần chuyển từ trạng thái chủ yếu là phòng ngự sang kết hợp hài hòa, hiệu quả giữa phòng ngự và tấn công, lấy tấn công là chủ yếu. Vũ khí để tấn công dịch bệnh chính là đẩy mạnh sử dụng công nghệ tiên tiến trong truy vết, rà soát, khoanh vùng dịch; tổ chức tiêm vắc-xin trên diện rộng… (3).
Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam cơ bản kiểm soát được tình hình dịch bệnh trên toàn quốc. Số ca khỏi bệnh tăng, số ca mắc mới và số bệnh nhân tử vong giảm, nhiều “vùng xanh” được mở rộng, từng bước nới lỏng giãn cách xã hội, tiến tới cuộc sống bình thường mới. Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, chúng ta đã kiểm soát được tình hình dịch bệnh và từng bước chuyển sang trạng thái mới, song đợt dịch thứ tư đã gây hậu quả nghiêm trọng về kinh tế - xã hội, sức khỏe và đời sống nhân dân. Vì vậy, thời gian tới đây, các nhiệm vụ, giải pháp, biện pháp được thực hiện phải rất toàn diện, hiệu quả và kịp thời để chuyển sang trạng thái mới.
Đó là những cố gắng đáng ghi nhận của cả hệ thống chính trị, trong đó có sự đóng góp rất lớn của cán bộ, đảng viên từ trung ương tới địa phương, trên mọi lĩnh vực công tác ở nhiều ngành nghề khác nhau. Tầm nhìn chiến lược và việc sâu sát với thực tiễn, tư duy lãnh đạo linh hoạt trong phòng chống dịch của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 và đông đảo cán bộ đảng viên đã tạo nên sự tin tưởng, đồng thuận, cùng chung sức đẩy lùi dịch bệnh trong đông đảo tầng lớp nhân dân trên mọi miền của Tổ quốc.
Đại dịch COVID-19 bùng phát, cả hệ thống chính trị đã cùng vào cuộc, quyết tâm đảm bảo sức khỏe, tính mạng, trả lại cuộc sống yên bình cho nhân dân. Đồng hành cùng cả nước chung tay phòng, chống dịch, cán bộ, đảng viên trên mọi miền đất nước đã phát huy vai trò nêu gương, tích cực tham gia phòng, chống dịch từ các cấp lãnh đạo đến những cán bộ, nhân viên tuyến đầu như y tế, công an, quân đội, lực lượng dân phòng… Đó là những cán bộ, đảng viên ở các cơ sở luôn bình tĩnh, tuyên truyền trong nhân dân những hiểu biết chuẩn xác về đại dịch COVID-19 để có cách ứng xử phù hợp, không hoang mang, dao động. Không quản ngại khó khăn, vất vả, họ đã “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Muốn nâng cao ý thức phòng, chống dịch, cán bộ, đảng viên chính là những người đi trước, nêu gương để quần chúng làm theo… Tích cực tuyên truyền nhân dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo khuyến cáo của ngành Y tế. Đảng viên là những người chủ động chia sẻ, đóng góp và vận động các tổ chức cá nhân với tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ những trường hợp khó khăn.
Ngay khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại ở Hải Dương, đồng chí Đoàn Văn Toản, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Sa Lung, xã Phù Ủng đã vận động người dân trong thôn bình tĩnh, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền địa phương, nghiêm túc chấp hành các quy định về phòng, chống dịch. Các đảng viên trong Chi bộ thôn Sa Lung là những tuyên truyền viên nhiệt tình, trách nhiệm, giúp người dân thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19. Từ tinh thần trách nhiệm, nêu gương của các cán bộ, đảng viên, nhiều người dân trên địa bàn tỉnh đã nâng cao ý thức, thực hiện nghiêm túc các quy định của Trung ương, của tỉnh về phòng, chống dịch COVID-19, góp phần nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh, phát triển kinh tế.
Cán bộ, đảng viên ở những vùng dịch đã tổ chức thực hiện nhiệm vụ canh gác chốt kiểm dịch hiệu quả, không ngại khó khăn, gian khổ, thời tiết nắng nóng, oi bức… hoàn thành tốt nhiệm vụ. Họ còn tích cực cùng địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp triển khai lấy mẫu xét nghiệm nhanh các trường hợp hoặc ổ dịch liên quan đến bệnh nhân COVID-19. Luôn sẵn sàng, chủ động kích hoạt và thực hiện nhiệm vụ khi có các ca bệnh xảy ra.
Những người đảng viên ở vị trí lãnh đạo càng phải bình tĩnh, chủ động, dám nghĩ dám làm vì dân, linh hoạt, sáng tạo trong đại dịch và lường trước mọi tình huống có thể xảy ra để có chủ trương, biện pháp phù hợp. Bí thư Quận ủy Quận 6, TP. HCM - Lê Thị Hờ Rin là một người lãnh đạo quyết đoán vì lợi ích của dân, đã chủ động phát thuốc kháng viêm, kháng đông cho F0 điều trị tại nhà trong tình thế cấp bách. Để có quyết định này, Bí thư Lê Thị Hờ Rin đã tham vấn nhiều bác sĩ, khi phân phối loại thuốc này đến từng nhà người bệnh, phải có sự tư vấn, dặn dò, theo dõi kỹ càng của nhân viên y tế... Bà đã chủ động đề nghị bí thư 14 phường trong quận vận động để có 2 loại thuốc kháng đông, kháng viêm phát cho F0 điều trị tại nhà. Bí thư Hờ Rin đã đề nghị đổi từ “khu phong tỏa” sang “điểm phong tỏa”, phạm vi theo hộ gia đình để người dân đỡ áp lực. Nhờ sự nhiệt tình, có những quyết định sáng suốt, quyết đoán của người đứng đầu, Quận 6 đã đạt được 3 mục tiêu: phủ vắc-xin, xét nghiệm và giải tỏa tâm lý cho người dân. Trong chuyến thị sát tại Quận 6, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã biểu dương Lãnh đạo Quận 6 vì đã có những quyết định đột phá để cứu dân. Quận đã sáng tạo, vận dụng tốt các biện pháp phòng chống dịch, thể hiện được tinh thần trách nhiệm vì nhân dân.
Thực tiễn cách mạng Việt Nam đã chứng minh, càng trong những thời khắc “nước sôi, lửa bỏng”, trước những vấn đề phức tạp, nhạy cảm của đất nước, vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên càng được thể hiện mạnh mẽ. Từ khi đợt dịch lần thứ 4 bùng phát, rất nhiều chốt chặn kiểm soát dịch bệnh đã được dựng lên ở các địa phương. Bất chấp sự khắc nghiệt của thời tiết và cả những rủi ro khó lường, cán bộ, đảng viên vẫn kiên cường đối mặt với hiểm nguy, gian khổ trực chốt 24/24h, tạo thành “lá chắn” ngăn dịch COVID-19 xâm nhập vào các địa bàn. Tổ chức “chợ lưu động” để đáp ứng sinh hoạt hằng ngày cho nhân dân, những gói quà không đồng… thể hiện sự chu đáo, quan tâm của các chi bộ, các đồng chí đảng viên đối với nhân dân trong đại dịch, góp phần lan tỏa nghĩa cử đồng bào trong nhân dân.
Trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, mỗi cán bộ, đảng viên dù ở vai trò, vị trí công tác nào cũng nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu, là những chiến sĩ đi đầu trong cuộc chiến. Bằng những việc làm ý nghĩa, đặt lợi ích tập thể lên trên lợi ích cá nhân, sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên đã tạo được niềm tin, sự đồng thuận, hòa mình vào cuộc chiến chống dịch của người dân. Từ cuộc họp sáng ngày 9-10-2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống COVID-19 chủ trì cuộc họp trực tuyến toàn quốc của Ban chỉ đạo quốc gia với các địa phương, kết quả là đến thời điểm hiện tại, nhìn chung dịch bệnh cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc, nhiều địa phương nới lỏng giãn cách, mở cửa trở lại, các hoạt động sản xuất kinh doanh theo hướng thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh, vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội.
Một số hiện tượng tiêu cực trong công tác phòng, chống dịch COVID-19
Trong lúc toàn Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trên cả nước, nhất là lực lượng nơi tuyến đầu đang căng mình chống dịch thì thời gian qua vẫn còn một số trường hợp cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, chưa gương mẫu trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, còn tư tưởng chủ quan, lơ là.
UBND tỉnh Lâm đồng đã yêu cầu Thành ủy, UBND TP Bảo Lộc đình chỉ công tác Bí thư, Chủ tịch, Phó Chủ tịch phường Lộc Sơn, thành phố Bảo Lộc do thiếu trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn. Vào ngày 1-8-2021, lãnh đạo phường Lộc Sơn đã ký quyết định cho một gia đình từ TP.HCM được về cách ly tại nhà, thay vì quy định của UBND tỉnh Lâm Đồng là cách ly tập trung. Hậu quả khiến 5 người trong một gia đình test nhanh dương tính, không báo cáo với UBND TP Bảo Lộc, vì vậy, cả khu phố bị phong tỏa và truy vết.
Ngày 2-9-2021, UBND TP Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận ra quyết định cách chức Chủ tịch UBND phường Tấn Tài đối với ông Phan Hoàng Việt vì vi phạm các quy định trong công tác phòng chống dịch COVID-19. Cụ thể, trong khi địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội, người dân được cấp giấy đi đường khi có nhu cầu cấp thiết nhưng ông Việt đã trực tiếp chỉ đạo thu phí 10.000 đồng/ lần.
Bất chấp yêu cầu phòng chống dịch, tạm dừng hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí ở các địa điểm công cộng, một nhóm 4 người tại TP Quy Nhơn, trong đó có Giám đốc Sở Du lịch Bình Định, ông Nguyễn Văn Dũng vẫn đi chơi golf. Nghiêm trọng hơn, cả 4 người này đều tiếp xúc gần với F0 là công nhân sân golf. Hành vi này không chỉ coi thường các quy định về phòng chống dịch mà còn làm xấu hình ảnh, đạo đức người cán bộ lãnh đạo. Xét theo nội dung, tính chất, mức độ, tác hại và hậu quả vi phạm, ngày 1-9, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành quyết định về việc thi hành kỷ luật và miễn nhiệm chức vụ Giám đốc Sở Du lịch đối với ông Nguyễn Văn Dũng.
Bên cạnh đó, có một số đảng viên lợi dụng chức vụ để trục lợi, làm ăn phi pháp, gây lãng phí, thất thoát ngân sách nhà nước, như nâng “khống” giá máy xét nghiệm COVID-19, “thổi giá” đối với thiết bị y tế…
Khi đặt lợi ích của bản thân lên trên lợi ích của nhân dân, đất nước, một vài biểu hiện “xấu” trong hành vi, lời nói… của người cán bộ, đảng viên gây sự bất bình trong nhân dân, tạo nên những dư luận không tốt về phòng chống dịch. Vì vậy, cần có những giải pháp hiệu quả, cụ thể để khắc phục những hiện tượng này làm cho dân tin, dân phục, dân yêu.
Giải pháp phát huy vai trò, trách hiệm của người cán bộ, đảng viên trong phòng, chống dịch COVID-19
“Chống dịch như chống giặc” là một chủ trương đúng của Đảng và Nhà nước ta nhằm sớm đem lại cuộc sống an toàn, hạnh phúc cho nhân dân. Hơn bao giờ hết, cán bộ, đảng viên phải tiên phong, gương mẫu trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, cụ thể như sau:
Như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”. Việc nêu gương, đi đầu của cán bộ, đảng viên nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp giữ vai trò quan trọng, tạo động lực, niềm tin trong nhân dân. Phát huy sức mạnh của nhân dân, cùng đoàn kết đẩy lùi dịch bệnh. Cán bộ, đảng viên, những người giữ vị trí càng cao càng phải gương mẫu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và có năng lực dự báo trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Những người lãnh đạo phải sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì dân. Tuy nhiên, trong quá trình dám nghĩ, dám làm đó, họ có thể gặp phải một số rủi ro. Vì vậy, phải thực hiện triệt để kết luận số 14-KL/TW ngày 22-9-2021 của Bộ Chính trị về chủ trương, khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Đảng, Nhà nước cần có các chính sách kịp thời khen thưởng, nêu gương những tấm gương đảng viên hi sinh, xả thân trong công cuộc phòng, chống dịch, những tập thể, cá nhân có các giải pháp sáng tạo, có thành tích xuất sắc, đẩy lùi dịch bệnh chăm sóc sức khỏe cho nhân dân để lan tỏa những việc làm tốt.
Kiên quyết xử lý nghiêm đối với những cán bộ, đảng viên lơ là, vi phạm trong công tác phòng, chống dịch để làm gương. Cần kiểm tra, giám sát thực tiễn tại các cơ sở một cách thường xuyên nhằm phát huy những ưu điểm của cơ sở và kịp thời ngăn chặn những biểu hiện lệch lạc vi phạm phẩm chất người đảng viên.
Cán bộ, đảng viên phải thường xuyên nắm bắt, thấu hiểu các chủ trương, chính sách về phòng dịch COVID-19 của Đảng, Nhà nước, của chính quyền các cấp. Luôn bình tĩnh, chủ động trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Mỗi người đảng viên không chỉ thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch COVID-19 qua việc tích cực thực hiện các công tác phòng, chống dịch cho bản thân, gia đình, mà còn góp phần lan tỏa đến cộng đồng dân cư, cũng như cơ quan, đơn vị công tác.
Khi sử dụng mạng xã hội cần thận trọng đưa các thông tin về dịch bệnh, nhất là tránh chia sẻ, dẫn lại những thông tin chưa được kiểm chứng. Cần chủ động đưa thông tin tích cực, có tác động lan tỏa nhận thức và hành động đúng đắn trong nhân dân. Thẳng thắn đấu tranh phê phán, phản bác các ý kiến sai lệch, sai trái, xuyên tạc về tình hình dịch bệnh, kịp thời báo cáo với tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị về những dư luận, thông tin xấu liên quan đến dịch COVID-19 để có biện pháp xử lý phù hợp.
Kết luận
Đại dịch COVID-19 và làn sóng dịch lần thứ tư bùng phát, diễn biến hết sức phức tạp đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống, kinh tế, xã hội và trở thành cuộc “thử lửa” đối với hệ thống chính trị các cấp. Biết bao cán bộ, đảng viên đã thầm lặng đóng góp sức mình trong đại dịch nhằm đem lại cuộc sống bình yên cho nhân dân. Họ sẵn sàng có mặt nơi tuyến đầu, giữa tâm dịch để chỉ đạo, động viên nhân dân bình tĩnh, đoàn kết vượt qua khó khăn. Trong cuộc chiến với kẻ thù vô hình này, càng đòi hỏi mỗi người cán bộ, đảng viên trên mọi miền đất nước phải là hạt nhân tích cực trong công tác phòng chống dịch. Đến thời điểm hiện nay, công tác phòng chống dịch trên cả nước đã đạt được những tín hiệu khả quan, tuy nhiên tình hình hiện tại vẫn không thể chủ quan, mỗi cán bộ, đảng viên càng cần nỗ lực hơn nữa để công tác chống dịch thành công.
________________________
1. Công điện của Thường trực Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19, ngày 21-7-2021.
2. Sáng 3/11: Còn 427 ca COVID-19 phải thở máy, ECMO; 12 tỉnh nào qua 2 tuần chưa có F0 lây nhiễm thứ phát?, moh.gov.vn, 3-11-2021.
3. Thủ tướng: Chuyển trạng thái từ phòng ngự sang chủ động tấn công, vtv.vn, 5-5-2021.
Tài liệu tham khảo
1. BT, Cần xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên vi phạm công tác phòng chống dịch, antv.gov.vn, 5-8-2021.
2. Chí Hòa, Mạnh Thắng, Huy Hiếu, Gác niềm riêng, tiên phong, gương mẫu, qdnd.vn, 25-6-2021.
3. Đình Nam, Linh hoạt, sáng tạo, chủ động đạt cho được các mục tiêu đề ra trong giãn cách, baochinhphu.vn, 26-8-2021.
4. Đình Thi, Lâm Đồng: Yêu cầu đình chỉ công tác bí thư, chủ tịch phường vì cho người cách ly tại nhà, nld.com.vn, 1-8-2021.
5. Hoàng Lam, Những đảng viên nơi tuyến đầu chống dịch, Đảng viên đi trước, baobaclieu.vn, 9-8-2021.
6. Huyền Trang, Cán bộ đảng viên, những người giữ vị trí càng cao càng phải gương mẫu trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, phutho.gov.vn, 7-5-2021.
7. Huỳnh Hải, Cách chức Chủ tịch phường tự ý thu 10.000 đồng/giấy đi đường, laodong.vn, 2-9-2021.
8. Lê Hiếu, Cán bộ, đảng viên tiên phong, gương mẫu trong phòng, chống dịch COVID-19, baohungyen.vn, 23-2-2021.
9. Nhóm Phóng viên Kinh tế - xã hội, Báo An ninh Thủ đô, Bản lĩnh người đảng viên trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù vô hình SARS-COV-2, xaydungdang.org.vn, 24-4-2021.
10. Trường Sơn, Cán bộ, đảng viên trách nhiệm, nêu gương trong phòng, chống dịch, baohaugiang.com.vn, 18-6-2021.
11. Xuân Nhàn, Vụ chơi golf giữa dịch ở Bình Định: Miễn nhiệm Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Văn Dũng, laodong.vn, 1-9-2021.
TS NGUYỄN LIÊN HƯƠNG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 479, tháng 11-2021