Trong bối cảnh giáo dục Việt Nam đang tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 Hội nghị lần thứ Tám Ban Chấp hành Trung ương (Khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, đào tạo theo hệ thống tín chỉ là một trong những nội dung quan trọng để hiện thực hóa mục tiêu trên.
Buổi thi tốt nghiệp của lớp Nhạc công, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội - Ảnh: Hồng Vân
Đào tạo theo hệ thống tín chỉ là một trong 7 bước đi quan trọng trong đổi mới giáo dục đại học của Việt Nam giai đoạn 2006-2020. Về cơ bản, các trường đại học ở Việt Nam đã và đang áp dụng thành công phương thức đào tạo theo hệ thống tín chỉ; tuy nhiên, cách thức triển khai thực hiện có sự khác nhau đối với mỗi trường và ở từng vùng miền. Bên cạnh những thành tựu đáng ghi nhận trong thực hiện đổi mới giáo dục, như: lấy người học làm trung tâm; chương trình đào tạo linh hoạt, mềm dẻo; chất lượng và hiệu quả đào tạo cao, đáp ứng nhu cầu thực tiễn… thì đào tạo theo hệ thống tín chỉ cũng tồn tại những bất cập nhất định khi triển khai thực hiện tại Việt Nam như: cắt vụn kiến thức; khó tạo nên sự gắn kết giữa giảng viên với sinh viên và giữa sinh viên với sinh viên; công tác tổ chức, quản lý, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học chưa đáp ứng yêu cầu đào tạo theo tín chỉ… Đặc biệt, với các cơ sở đào tạo năng khiếu nghệ thuật đặc thù, việc áp dụng phương thức đào tạo theo hệ thống tín chỉ còn tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc, dẫn đến chưa phát huy hết những giá trị tích cực của phương thức đào tạo này.
1. Tổ chức lớp học
Đào tạo theo hệ thống tín chỉ hướng đến tôn trọng vai trò của từng cá nhân người học trong toàn bộ lộ trình học tập của họ. Người học được chủ động quyết định việc lựa chọn môn học, thời điểm học và kết thúc môn học mà không phụ thuộc vào kế hoạch chung của tập thể lớp như đào tạo theo niên chế. Vì được chủ động quyết định lộ trình, kế hoạch học tập, nên mỗi người học đều có những lựa chọn và dự liệu riêng trong hành trình học tập của mình. Người học có thể là những người bạn cùng lớp ở môn học này, nhưng lại khác lớp đối với môn học khác. Bởi vậy, đào tạo theo hệ thống tín chỉ không hình thành nên những tập thể lớp học cố định, bất biến. Đặc điểm này, có ảnh hưởng lớn đến đặc thù đào tạo năng khiếu của các ngành/ chuyên ngành thuộc lĩnh vực nghệ thuật.
Trước hết, do số lượng người học ở các ngành/chuyên ngành nghệ thuật không nhiều, nên việc đăng ký môn học của sinh viên diễn ra rải rác, không tập trung. Khi tổ chức lớp học theo hình thức niên chế, sinh viên học tập trung theo kế hoạch và thời khóa biểu được ấn định trước, nhưng sĩ số lớp học ở một số ngành/ chuyên ngành đặc thù cũng chỉ đạt khoảng từ 10 đến 20 sinh viên đối với những môn kiến thức cơ sở ngành. Cá biệt, ở một số môn chuyên ngành, sĩ số lớp học chỉ có từ một đến hai sinh viên. Phương thức đào tạo theo tín chỉ cho phép sinh viên được chủ động đăng ký môn học theo lộ trình, kế hoạch học tập của mình, sĩ số lớp học bị phân tán hơn, dẫn đến việc tổ chức lớp học gặp nhiều khó khăn. Để đảm bảo yêu cầu tổ chức lớp học, cơ sở đào tạo buộc phải chờ đợi đến khi đủ số lượng sinh viên đăng ký mới tiến hành tổ chức lớp học. Sự chờ đợi này, vô hình trung sẽ kéo theo sự chậm trễ về tiến độ học tập của sinh viên nghệ thuật.
Thứ hai, do đặc thù đào tạo, số lượng giảng viên giảng dạy các môn chuyên ngành của lĩnh vực nghệ thuật không nhiều, thậm chí, ở một số ngành/chuyên ngành chỉ có từ một đến hai giảng viên giảng dạy. Với số lượng giảng viên ít như vậy, sinh viên nghệ thuật khó có cơ hội được lựa chọn giảng viên như mục tiêu tôn chỉ của phương thức đào tạo theo hệ thống tín chỉ. Những quyền lợi cơ bản của người học như chủ động đăng ký môn học, chủ động lựa chọn giảng viên… vốn được coi là những ưu việt của phương thức đào tạo theo tín chỉ khó có thể trở thành hiện thực trong đào tạo nghệ thuật.
Thứ ba, các chuyên ngành đào tạo năng khiếu nghệ thuật đòi hỏi sinh viên phải thường xuyên luyện tập, luyện tập một mình và luyện tập theo nhóm. Đặc biệt, ở nhóm ngành Nghệ thuật trình diễn, sinh viên tham dự các kỳ thi học kỳ và thi tốt nghiệp bằng tiết mục nghệ thuật. Trước mỗi kỳ thi, sinh viên phải dành nhiều thời gian để tập trung luyện tập cùng nhau, có tiết mục lên đến vài chục người. Sự luyện tập này không chỉ giúp sinh viên nhuần nhuyễn các kỹ năng biểu diễn, nâng cao bản lĩnh sân khấu, mà còn giúp họ hình thành sự phối hợp ăn ý, nhanh chóng nắm bắt và hiểu nhau, tôn vinh nhau trong sáng tạo nghệ thuật. Để thực hiện được các yêu cầu trên, sinh viên cần có thời gian biểu thống nhất, một tổ chức lớp học ổn định, mối quan hệ giữa sinh viên với sinh viên và giảng viên với sinh viên gắn kết chặt chẽ… Tuy nhiên, phương thức đào tạo theo hệ thống tín chỉ không tạo ra được sự gắn kết, bởi tổ chức lớp thiếu ổn định, sĩ số lớp học luôn thay đổi.
Như vậy, việc tổ chức lớp học đối với các ngành/chuyên ngành nghệ thuật đặc thù có nhiều khác biệt so với tổ chức lớp học của các ngành đào tạo khác. Những bất cập nêu trên đã có những tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến quyết định lựa chọn phương thức đào tạo theo tín chỉ của các cơ sở đào tạo lĩnh vực nghệ thuật hiện nay.
2. Tiến độ học tập của sinh viên
Phương thức đào tạo theo hệ thống tín chỉ cho phép người học làm chủ kế hoạch, lộ trình học tập của mình. Xét một cách tổng thể, nếu người học làm chủ tốt tiến độ học tập, có thể sớm hoàn thành chương trình đào tạo, nhận bằng tốt nghiệp mà không phụ thuộc vào tiến độ chung của tập thể lớp như đào tạo theo niên chế. Cho phép người học rút ngắn tiến độ học tập là một trong những ưu thế vượt trội của phương thức đào tạo theo hệ thống tín chỉ, tuy nhiên, đối với đặc thù đào tạo của một số ngành/chuyên ngành năng khiếu nghệ thuật đặc thù, ưu thế này không phải lúc nào cũng được phát huy một cách trọn vẹn.
Đào tạo năng khiếu nghệ thuật khuyến khích người học dành nhiều thời gian tự luyện tập, tu dưỡng, rèn luyện… để những tố chất, năng khiếu ban đầu trở thành kỹ năng, bản lĩnh sáng tạo nghệ thuật. Trong quá trình học tập tại trường, sinh viên các ngành/ chuyên ngành Nghệ thuật, đặc biệt là các nhóm ngành Nghệ thuật trình diễn luôn được sắp xếp những khoảng thời gian phù hợp để tập luyện, rèn luyện kỹ năng, bản lĩnh và phát triển năng khiếu. Nếu kiểm soát tốt thời gian, sinh viên có thể hoàn thành kế hoạch học tập của bản thân và nhà trường đề ra. Tuy nhiên, điều này không phải lúc nào cũng thuận lợi đối với sinh viên nghệ thuật.
Trước hết, do đặc thù ngành học luôn ưu tiên và phát huy khả năng sáng tạo, nên sinh viên nghệ thuật thường không có nhiều thế mạnh trong xây dựng và kiểm soát kế hoạch học tập như sinh viên ở các nhóm ngành Khoa học kỹ thuật khác. Hơn nữa, đào tạo nghệ thuật đòi hỏi những khác biệt rất lớn trong tổ chức học tập và rèn luyện của sinh viên. Sinh viên nghệ thuật có thể dành thời gian luyện tập thâu đêm, nhưng cũng có thể đi học muộn vào ngày hôm sau, hoặc thậm chí, xin nghỉ học để tham gia một bộ phim, một vở diễn sân khấu… Nhiều sinh viên chấp nhận kéo dài thời gian học tập, lùi thời điểm tốt nghiệp để không bỏ lỡ cơ hội tham gia một dự án phim dài tập. Ở đây, lý do kiếm thêm thu nhập chỉ là một phần, điều quan trọng hơn cả là cơ hội để học tập, cọ xát, thực hành nghề nghiệp, trải nghiệm thực tiễn, khẳng định bản thân… những tích lũy nghề nghiệp cần thiết mà không phải lúc nào, sinh viên nào cũng may mắn có được. Và việc chậm tiến độ học tập, không hoàn thành kế hoạch học tập theo dự kiến của sinh viên nghệ thuật là điều vẫn thường xảy ra, không phải chỉ đến khi tổ chức đào tạo theo hệ thống tín chỉ mới có. Tuy nhiên, phương thức đào tạo theo hệ thống tín chỉ với độ mở, sự linh hoạt khá lớn trong tổ chức đào tạo càng đòi hỏi sự chủ động kiểm soát kế hoạch học tập một cách chặt chẽ, khoa học của người học. Nếu không, với các quyền tự chủ đã được trao, sinh viên nghệ thuật rất dễ rơi vào tình trạng mất kiểm soát kế hoạch học tập, dẫn đến không hoàn thành chương trình, tiến độ học tập theo quy định.
3. Đánh giá năng lực người học
Đối với đào tạo nghệ thuật, việc kiểm tra, đánh giá năng lực, năng khiếu của người học không phải chỉ thực hiện qua các bài kiểm tra trên giấy, mà phải bằng sản phẩm của sáng tạo nghệ thuật. Sau mỗi môn học, kỳ học, năm học, khóa học… sinh viên phải trả bài bằng các tiết mục, tiểu phẩm, tác phẩm... với sự tham gia của một, hai hoặc nhiều sinh viên. Đây là một hình thức kiểm tra đặc biệt, thông qua bài thi, năng lực sáng tạo của từng sinh viên sẽ được thể hiện rõ nét. Giảng viên chấm thi sẽ xem xét, đánh giá khả năng của sinh viên ở nhiều góc độ kỹ năng khác nhau, đồng thời quan sát khả năng, thiên hướng phát triển của mỗi người để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng tiếp theo, cũng như có định hướng sáng tạo phù hợp.
Đánh giá năng khiếu của sinh viên qua các bài thi học kỳ, thi hết môn và thi tốt nghiệp dưới hình thức vở diễn là lựa chọn của hầu hết các cơ sở đào tạo nghệ thuật hiện nay. Vở diễn là nơi hội tụ, gặp gỡ của nhiều sinh viên với khả năng, tố chất, cá tính sáng tạo khác nhau, nhưng mỗi người phải tự điều chỉnh, tiết chế bản thân, hoàn thiện nhân vật của mình vì sự thành công của tổng thể vở diễn. Đây cũng là những kỹ năng mà sinh viên cần rèn luyện, tích lũy, để khi ra trường có thể hòa nhập được với môi trường sáng tạo tại các đơn vị nghệ thuật. Tác phẩm tốt nghiệp là thử thách, song cũng là cơ hội để sinh viên phát huy khả năng sáng tạo và bản lĩnh sân khấu, giúp cơ sở đào tạo đánh giá một cách tổng thể, toàn diện nhất về năng lực của người học. Vì thế, cho đến thời điểm hiện nay, cho dù áp dụng phương thức đào tạo theo hệ thống tín chỉ hay niên chế thì hình thức thi tốt nghiệp bằng vở diễn với sự quy tụ của tập thể sinh viên vẫn là lựa chọn của hầu hết các cơ sở đào tạo nghệ thuật.
Với hình thức tổ chức thi, đánh giá năng lực của người học đặc biệt như vậy, nên sinh viên các ngành/chuyên ngành nghệ thuật (nhất là nghệ thuật trình diễn) cần có thời gian để luyện tập năng khiếu, bao gồm cả tự luyện tập và luyện tập theo nhóm, theo tiết mục, chương trình và vở diễn. Phương thức đào tạo theo hệ thống tín chỉ không duy trì mô hình tổ chức lớp học kiểu truyền thống, mà mỗi sinh viên đều có kế hoạch học tập riêng, dẫn đến khung thời gian học tập bị phân tán. Cùng với đó, là thời điểm hoàn thành số lượng các tín chỉ học tập và các điều kiện dự thi của mỗi sinh viên cũng khác nhau, nên việc tập trung để luyện tập những tiết mục lớn, xây dựng các bài thi học kỳ, thi kết thúc năm học hay thi tốt nghiệp là rất khó khăn. Đây cũng là một trong những lý do khiến nhiều cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật hiện nay vẫn lựa chọn phương thức đào tạo theo niên chế để đảm bảo các điều kiện cần thiết trong giảng dạy và học tập các môn năng khiếu.
4. Cơ sở vật chất, trang thiết bị học tập
Phương thức đào tạo theo hệ thống tín chỉ trao quyền tự đăng ký môn học cho sinh viên, vì thế, trước mỗi kỳ học, sinh viên phải chủ động đăng ký trên hệ thống của trường các môn học và giảng viên giảng dạy theo quy định. Để đảm bảo cho việc đăng ký môn học của sinh viên được thuận lợi, cơ sở đào tạo phải có sự chuẩn bị chu đáo về cơ sở dữ liệu, hạ tầng kỹ thuật, nền tảng công nghệ số… Tuy nhiên, phần mềm quản lý đào tạo tại hầu hết các cơ sở đào tạo nghệ thuật hiện nay đều chưa đáp ứng được nhu cầu đăng ký học tập của sinh viên. Trước mỗi kỳ học, khi nhu cầu đăng ký môn học tăng cao, tình trạng nghẽn mạng diễn ra khiến sinh viên phải thức thâu đêm để chờ đăng ký, thậm chí nhiều sinh viên bị lỡ kế hoạch học tập cá nhân vì không thể đăng ký môn học theo đúng quy định.
Đào tạo nghệ thuật không mang tính đại trà nên trang thiết bị phục vụ học tập cũng không thể dùng chung cho tất cả các chuyên ngành. Cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ học tập của các môn năng khiếu nghệ thuật đều được các cơ sở đào tạo chuẩn bị trên nguyên tắc đảm bảo tính đặc thù, phù hợp với lộ trình và kế hoạch đào tạo của từng chuyên ngành. Về cơ bản, đó là lộ trình rèn luyện và phát triển năng khiếu với sự nâng cấp từng bước từ thấp đến cao, từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp… Qua từng năm học, độ khó của các bài học sẽ tăng dần lên. Tùy theo yêu cầu của từng ngành/ chuyên ngành đào tạo năng khiếu, các môn học được thiết kế phù hợp với sự tiếp cận của sinh viên từ năm học thứ nhất đến khi ra trường, trang thiết bị học tập cũng được chuẩn bị để đáp ứng phù hợp với lộ trình học tập ấy. Nghĩa là, một quy trình đào tạo khép kín, đã được cơ sở đào tạo căn cứ trên cơ sở đặc thù đào tạo để thiết kế và hoạch định cho sinh viên. Thực tế này đã hình thành nên những rào cản khi tiến hành đào tạo theo hệ thống tín chỉ, đối với các cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật.
Như đã phân tích ở trên, phương thức đào tạo theo hệ thống tín chỉ cho phép sinh viên được quyết định lựa chọn môn học, thời điểm học và giảng viên giảng dạy. Vì thế, việc học tập của sinh viên trong cùng một chuyên ngành có thể không diễn ra đồng thời, không đồng nhất về môn học, thời điểm học, sự bắt đầu và kết thúc môn học… Như vậy, việc đáp ứng yêu cầu về cơ sở vật chất và trang thiết bị học tập cho sinh viên của các cơ sở đào tạo cần được thay đổi cho phù hợp với sự đa dạng đó. Với điều kiện thực tế như hiện nay, rất ít cơ sở đào tạo có thể đáp ứng yêu cầu này, để tiến tới tổ chức thực hiện đào tạo theo hệ thống tín chỉ. Chi phí đầu tư cho cơ sở vật chất và trang thiết bị học tập cho đào tạo năng khiếu nghệ thuật rất đặc thù và tốn kém. Nhóm ngành Múa và Xiếc cần có sàn tập đạt chuẩn, có sân khấu và nhà hát để phục vụ cho luyện tập chuyên môn, trình diễn bài thi và báo cáo tác phẩm tốt nghiệp; nhóm ngành Âm nhạc cần có phòng học cách âm phục vụ cho luyện thanh và xướng âm, phòng tập nhạc cho nhạc công, phòng hòa nhạc cho người học chỉ huy dàn nhạc, sáng tác âm nhạc, nhạc cụ (có những nhạc cụ phương Tây chi phí lên đến vài chục nghìn USD), sân khấu cho luyện tập chuyên môn và biểu diễn...; nhóm ngành Sân khấu cần có phòng tập, sân khấu và trang thiết bị âm thanh, ánh sáng để luyện tập chuyên môn và biểu diễn tiểu phẩm; nhóm ngành Điện ảnh cần có xưởng phim, phòng dựng phim, phòng chiếu phim, trường quay, máy quay phim, máy chụp ảnh...; nhóm ngành Mỹ thuật cần có xưởng họa, họa phẩm, người mẫu... Chưa kể, những yêu cầu về cơ sở vật chất và trang thiết bị học tập trên còn được phân chia theo từng cấp độ, tương đương với năm đào tạo của từng chuyên ngành nghệ thuật, có những phòng thu, phòng dựng, sân khấu biểu diễn... chỉ dành cho sinh viên năm cuối. Chi phí đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị học tập phục vụ cho đào tạo nghệ thuật rất đắt, lại không thể sử dụng chung cho tất cả các chuyên ngành nên hầu hết các cơ sở đào tạo hiện nay chỉ có thể thu xếp vừa đủ theo lộ trình học tập của các lớp đào tạo theo niên chế.
Phương thức đào tạo theo hệ thống tín chỉ tạo nên những lựa chọn đa dạng trong sinh viên về môn học, giảng viên, thời điểm học... đồng nghĩa với việc sẽ tạo ra những thách thức không nhỏ trong việc chuẩn bị cơ sở vật chất và trang thiết bị học tập của các cơ sở đào tạo. Với điều kiện về cơ sở vật chất hiện nay của các cơ sở đào tạo, việc đáp ứng nhu cầu học tập của sinh viên theo phương thức đào tạo hệ thống tín chỉ là một bài toán khó, chưa thể giải quyết trong một sớm một chiều.
5. Phương pháp đào tạo đặc thù
Đào tạo nghệ thuật mang tính đặc thù rất cao, phương pháp giảng dạy ở một số ngành/chuyên ngành mang tính truyền nghề, “bắt tay chỉ ngón”, một thày dạy một trò hoặc vài thày dạy một trò. Giảng viên là người đồng hành với sinh viên trong toàn bộ quá trình học tập, là người có ảnh hưởng lớn đến phong cách sáng tạo, lối sống của sinh viên nghệ thuật.
Đào tạo theo hệ thống tín chỉ cho phép sinh viên lựa chọn giảng viên, nhưng thực tế đào tạo nghệ thuật tại Việt Nam ở một số ngành/chuyên ngành chưa thực sự hiện thực hóa được yêu cầu này. Một phần vì số lượng giảng viên ít ỏi, sinh viên cũng không thể có thêm lựa chọn khác, một phần vì phương pháp giảng dạy kèm cặp, hướng dẫn truyền nghề nên sự gắn bó giữa người dạy và người học trở thành hiển nhiên, ít có xu hướng thay đổi.
Lựa chọn giảng viên là một trong những quyền quyết định rất lớn của người học, tạo ra bước đột phá về chất lượng đào tạo của phương thức đào tạo theo hệ thống tín chỉ. Tuy nhiên, trong đào tạo một số ngành/chuyên ngành nghệ thuật đặc thù, quyền này chưa thực sự được phát huy vì những yếu tố đặc thù. Nếu như phương pháp đào tạo nghệ thuật truyền thống vẫn tiếp tục được duy trì, thì việc áp dụng phương thức đào tạo theo hệ thống tín chỉ sẽ chưa thể dẫn đến những thay đổi về chất trong đào tạo các ngành/chuyên ngành nghệ thuật.
Ở Việt Nam, đào tạo theo hệ thống tín chỉ được tiến hành tương đối sớm nhưng không liền mạch, chưa đồng bộ và kết quả đạt được chưa thực sự khả quan, chưa thực sự phát huy hết giá trị khoa học của phương thức đào tạo này. Trong nhiều trường đại học, hệ thống tín chỉ đang được áp dụng như một cơ chế quản lý đơn thuần để tính đến quá trình học tập của sinh viên, nhằm đạt được tấm bằng tốt nghiệp. Đặc biệt, đối với các cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật, việc tiến hành đào tạo theo hệ thống tín đã phải đối diện với nhiều khó khăn, bất cập, trong đó có những bất cập chưa thể hóa giải. Một số cơ sở đào tạo sau vài năm tổ chức đào tạo theo hệ thống tín chỉ đã phải trở lại đào tạo theo niên chế hoặc kết hợp giữa niên chế và tín chỉ, khôi phục lại hệ thống giáo viên chủ nhiệm để đảm bảo tiến độ và nề nếp học tập của sinh viên. Nhiều cơ sở đào tạo chỉ tiến hành đào tạo theo tín chỉ cho các môn học đại cương, còn các môn chuyên ngành vẫn được tiến hành theo niên chế.
Thực tế này đặt ra nhiều câu hỏi về việc tổ chức đào tạo theo hệ thống tín chỉ đối với các ngành/ chuyên ngành thuộc lĩnh vực nghệ thuật ở Việt Nam hiện nay: Đào tạo theo tín chỉ có thực sự phù hợp với mọi mô hình và chuyên ngành đào tạo hay không? Cách thức tổ chức đào tạo theo tín chỉ đối với các ngành nghệ thuật ở nước ta đã phù hợp hay chưa, đã hiện thực hóa mục tiêu của đào tạo theo tín chỉ hay chưa?... Đào tạo theo hệ thống tín chỉ đã tạo ra một bước ngoặt lớn của giáo dục Việt Nam và thế giới, nhưng với đào tạo nghệ thuật tại Việt Nam hiện nay có lẽ cần có thêm những nghiên cứu chuyên sâu nhằm tìm ra những giải pháp phù hợp để vừa đảm bảo đổi mới giáo dục, vừa đảm bảo tính đặc thù của đào tạo nghệ thuật.
_______________
Tài liệu tham khảo
1. Quyết định số 31/2001/QĐ-BGDĐT ngày 30-7-2021 về việc thí điểm tổ chức đào tạo, kiểm tra, thi và công nhận tốt nghiệp đại học, cao đẳng hệ chính quy theo học chế tín chỉ.
2. Quyết định số 43/2007/QĐ-BGDĐT ngày 15-8-2007 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ.
3. Thông tư số 57/2012/TT-BGDĐT ngày 27-12-2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ ban hành kèm theo Quyết định số 43/2007/QĐ-BGDĐT ngày 15-8-2007 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
4. Văn bản hợp nhất số 17/VBHN-BGDĐT ngày 15-5-2014 củaBộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế Đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ.
5. Đề án Đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo các trường văn hóa nghệ thuật giai đoạn 2011-2020, (Quyết định số 1243/QĐ-TTg ngày 25-7-2011 của Thủ tướng Chính phủ).
6. Đề án Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ giảng viên có trình độ cao trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật giai đoạn 2011-2020, (Quyết định số 808/QĐ-TTg ngày 30-5-2011 của Thủ tướng Chính phủ).
7. Đề án Đào tạo tài năng lĩnh vực văn hóa nghệ thuật đến năm 2025, tầm nhìn 2030, (Quyết định số 1341/QĐTTg ngày 8-7- 2016 của Thủ tướng Chính phủ).
8. Đề án Đào tạo, bồi dưỡng văn hóa nghệ thuật ở nước ngoài đến năm 2030, (Quyết định số 1437/QĐ-TTg ngày 19-7-2016 của Thủ tướng Chính phủ).
9. Đề án Đặt hàng đào tạo 300 chỉ tiêu các ngành hiếm, khó tuyển sinh, ngành truyền thống, dân tộc và đặc thù tại các cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật trực thuộc Bộ, (Quyết định số 287/QĐ-BVHTTDL ngày 6-2-2020 của Bộ trưởng Bộ VHTTDL).
PHẠM VIỆT HÀ
Nguồn: Tạp chí VHNT số 494, tháng 4-2022