Trong suốt quá trình lãnh đạo sự nghiệp cách mạng đất nước, Đảng ta luôn quan tâm chăm lo xây dựng và huy động sức mạnh, sự sáng tạo của nhân dân, tạo ra nguồn sức mạnh nội sinh to lớn trong đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc, cũng như sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Đại hội XIII của Đảng trên cơ sở kế thừa, phát triển những giá trị lý luận và thực tiễn về phát huy nhân tố con người, đã tiếp tục khẳng định: Lấy con người làm trung tâm của sự phát triển nhằm khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phấn đấu đến năm 2045 Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Nhảy sạp trong ngày hội ở Đà Lạt (Lâm Đồng) - Ảnh: Hà Hữu Nết
Trong lịch sử tiến trình phát triển tư tưởng nhân loại, vấn đề con người luôn là đối tượng thu hút sự quan tâm nghiên cứu của nhiều nhà khoa học trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Sự ra đời của triết học Mác-Lênin đã luận giải sáng rõ, thấu đáo về con người và phát huy nhân tố con người, chỉ ra con người không chỉ là chủ thể của hoạt động sản xuất, mà còn là chủ thể của mọi quá trình lịch sử; con người vừa là sản phẩm của lịch sử, vừa là chủ thể sáng tạo ra lịch sử, có vai trò thúc đẩy sự biến đổi và phát triển của xã hội. Đồng thời, khẳng định: nhân tố con người là hệ thống các yếu tố, các đặc trưng quy định vai trò của chủ thể tích cực, sáng tạo của con người, bao gồm một chỉnh thể thống nhất giữa mặt hoạt động với tổng hòa các đặc trưng về phẩm chất, năng lực của con người trong một quá trình biến đổi và phát triển xã hội nhất định. Theo đó, nhân tố con người được xem xét một khía cạnh: nhân tố con người với tư cách là chủ thể hoạt động, một nguồn nhân lực mà thông qua hoạt động thực hiện các mục đích, nhiệm vụ xã hội, giữ vai trò quyết định mọi sự vận động, phát triển xã hội; nhân tố con người bao hàm những đặc trưng của con người với tư cách là chủ thể mang phẩm chất và năng lực, ý thức xã hội, của nhận thức, tư duy; nhân tố con người chỉ ra những đặc trưng của con người với tư cách là chủ thể mang giá trị xã hội và là giá trị cao nhất, thước đo của sự phát triển xã hội.
Trên cơ sở luận giải một cách khoa học về nhân tố con người, về vai trò của con người trong tiến trình lịch sử, lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin khẳng định việc phát huy nhân tố con người có ý nghĩa to lớn, tạo ra cơ hội, điều kiện để sử dụng, bồi dưỡng, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần để con người thể hiện tối đa năng lực của mình trong lao động và sáng tạo, nhằm đẩy mạnh sự phát triển kinh tế, xã hội vì sự tiến bộ và hạnh phúc của nhân loại.
Những quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin về con người và phát huy nhân tố con người là cơ sở lý luận khoa học để Đảng ta đề ra đường lối, quan điểm về xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa và phát huy nhân tố con người trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Trong thời kỳ đổi mới, Đảng ta đặc biệt quan tâm chú trọng đến vấn đề con người và phát huy nhân tố con người, nhằm tạo động lực phát triển đất nước vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”; phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu: Đến năm 2025, là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, là nước phát triển, thu nhập cao. Theo đó, để biến khát vọng thành hiện thực, Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam xác định: “Phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của sự phát triển; lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam là nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững” (1). Trong đó, coi trọng phát huy toàn diện cả về phẩm chất và năng lực theo tiêu chí: giàu lòng nhân ái, khoan dung, chân thành, tín nghĩa, trọng đạo lý, đức tính cần cù, chăm chỉ, tiết kiệm, sáng tạo, hiện đại; gắn với quá trình “đổi mới sáng tạo”, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; đề cao ý thức, trách nhiệm, đạo đức xã hội, sống và làm việc theo pháp luật.
Không chỉ phát huy những năng lực, phẩm chất cho con người mà quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân cũng được đề cao. Đại hội lần thứ XIII của Đảng chỉ rõ: “Tiếp tục phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, thực hiện ngày càng tốt hơn quyền làm chủ của nhân dân trong việc quyết định những vấn đề lớn và hệ trọng của đất nước. Tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân theo Hiến pháp năm 2013; gắn quyền công dân với nghĩa vụ và trách nhiệm đối với xã hội” (2). Tăng cường bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức và công dân, kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm pháp luật. Chú trọng thực hiện dân chủ ở cơ sở, công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình. Người đứng đầu ở nhiều cấp ủy đảng, chính quyền đã tăng cường tiếp xúc, đối thoại, lắng nghe, tiếp thu, giải quyết những bức xúc và nguyện vọng chính đáng của nhân dân.
Nhằm phát huy hiệu quả nhân tố con người Việt Nam với những đặc trưng về phẩm chất, năng lực mới, Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam xác định một số nội dung cần quan tâm thực hiện sau:
Một là, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để phát huy nhân tố con người. Đại hội nêu rõ: “Phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam; khơi dậy mạnh mẽ khát vọng phát triển của dân tộc, tinh thần yêu nước, tự hào, ý chí tự cường và lòng nhân ái, tinh thần đoàn kết, đồng thuận xã hội; xây dựng môi trường và đời sống văn hóa phong phú, đa dạng, văn minh, lành mạnh, hội nhập quốc tế; đề cao ý thức, trách nhiệm, đạo đức xã hội, sống và làm việc theo pháp luật” (3). Đồng thời thực hiện: “Xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước”; “Khuyến khích, tạo điều kiện để mọi người dân được phát huy các năng lực tự do sáng tạo trong đời sống kinh tế, xã hội” (4).
Hai là, coi trọng đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nhằm phát huy nhân tố con người bền vững. Trong đó, “Chú trọng hơn giáo dục đạo đức, năng lực sáng tạo và các giá trị cốt lõi, nhất là giáo dục tinh thần yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc tốt đẹp của người Việt Nam; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Gắn giáo dục tri thức, đạo đức, thẩm mỹ, kỹ năng sống với giáo dục thể chất, nâng cao tầm vóc con người Việt Nam” (5). Đồng thời, quan tâm bồi dưỡng thế hệ trẻ - chủ nhân tương lai của đất nước. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đặt trọng tâm: “Đẩy mạnh giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật, bảo vệ môi trường, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ” (6).
Trước tác động mạnh mẽ và ngày càng sâu rộng của Cách mạng công nghiệp 4.0 đến các lĩnh vực của đời sống xã hội, Đại hội lần thứ XIII của Đảng chỉ rõ mối liên hệ tất yếu của phát huy nhân tố con người với sự phát triển khoa học công nghệ, thực hiện “Tiếp tục đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, trọng tâm là hiện đại hóa giáo dục, nâng cao chất lượng đào tạo để đáp ứng yêu cầu phát triển trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế sâu rộng” (7), “Đa dạng hóa phương thức đào tạo dựa theo mô hình giáo dục mở, khung trình độ quốc gia, gắn với thị trường và đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Chuẩn bị nguồn nhân lực cho chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số” (8).
Ba là, thực hiện phát huy nhân tố con người thông qua quá trình: “Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; nêu cao ý chí độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế; phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất” (9). Đồng thời, nâng cao hiệu quả công tác phòng chống, phòng ngừa, ngăn chặn các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; tiếp tục nâng cao nhận thức về đổi mới công tác dân vận của hệ thống chính trị, nhất là dân vận chính quyền gắn với công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, góp phần tăng cường mối quan hệ mật thiết của Đảng với nhân dân, phát huy vai trò nhân dân tham gia xây dựng Đảng.
Cùng với các biện pháp nêu trên, Đại hội XIII của Đảng còn đặc biệt quan tâm đảm bảo an ninh con người để giúp quá trình phát huy nhân tố con người đạt hiệu quả cao. Thực hiện mục tiêu: “Giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, an ninh con người, an ninh kinh tế, an ninh mạng, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương” (10); triển khai có hiệu quả chính sách xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của con người Việt Nam.
Quan điểm Đại hội XIII của Đảng về phát huy nhân tố con người thực chất là chăm lo phát triển toàn diện các lĩnh vực của đời sống xã hội như: kinh tế, văn hóa, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, bảo vệ môi trường, thực hiện an sinh xã hội... nhằm tạo ra những điều kiện cần thiết để mỗi cá nhân thể hiện tối đa năng lực của mình trong lao động, trong hoạt động sáng tạo nhằm đẩy mạnh sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đất nước Việt Nam cường thịnh và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, vì khát vọng hạnh phúc của toàn thể nhân dân.
_______________________
1, 2, 3, 4, 5, 6. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.215-216, 71, 221-222, 116, 136-137, 143.
7, 8, 9, 10. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 2, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.127, 128, 325, 331.
Tài liệu tham khảo
1. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Trung tâm nghiên cứu quyền con người, Các văn kiện quốc tế về quyền con người, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1998.
2. C.Mác và Ph.Ăngghen toàn tập, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1995.
3. Viện Nghiên cứu quyền con người, Bình luận và Khuyến nghị chung của Ủy ban công ước thuộc Liên hợp quốc về quyền con người, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, 2008.
Ths NGUYỄN HỮU HỎI
Nguồn: Tạp chí VHNT số 497, tháng 5-2022