Trong số các nghệ sĩ sáng tác sơn mài Việt Nam từ năm 1930 đến nay, Phạm Hậu, người đã đặt nền móng cho nghệ thuật sơn mài ứng dụng Việt Nam và cũng là nhà giáo, nhà nghiên cứu có công xây dựng, đào tạo các thế hệ học trò của Trường Mỹ nghệ Việt Nam trong nhiều thập niên qua và hiện nay là Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp. Nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Trường, bài viết nghiên cứu về giá trị nghệ thuật sơn mài trang trí thông qua các sản phẩm nghệ thuật sơn mài ứng dụng tiêu biểu của họa sĩ Phạm Hậu là bắt đầu cho sự phát triển mỹ thuật ứng dụng trong dòng chảy mỹ thuật Việt Nam.
Nhà giáo, họa sĩ Phạm Hậu giảng bài cho sinh viên những năm 1954 - Nguồn: Sách Sơn mài Phạm Hậu
Năm 1925, tại Việt Nam, Trường Mỹ thuật Đông Dương được mở ra dưới sự điều hành của người Pháp về đào tạo Mỹ thuật với những tiêu chí đào tạo các loại hình nghệ thuật. Khác với trước kia, mục tiêu đào tạo phát triển là hội họa và đào tạo nghệ sĩ. Năm 1949, tại Hà Nội, chính quyền Pháp cho mở Trường Quốc gia Mỹ nghệ (1949-1954). Sự ra đời của Trường đã đánh dấu một mốc son trong sự nghiệp đào tạo chuyên ngành Mỹ thuật Công nghiệp của Việt Nam; sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc Việt Nam và bắt đầu cho cuộc chuyển giao nền hội họa Việt Nam “Pháp thuộc”, sang nền nghệ thuật tạo hình của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Bắt đầu sự hình thành của Nhà nước Việt Nam độc lập, nền mỹ thuật tạo hình Việt Nam đã ảnh hưởng lớn và chuyển sang một nền mỹ thuật mới, đó là một nền mỹ thuật ứng dụng nhằm phục vụ đời sống và đáp ứng nhu cầu xã hội.
Năm 1955, trong sự đổi thay từng ngày và từng bước đi lên, Chính phủ ta tiếp nhận và đổi tên Trường thành Trường Mỹ nghệ Việt Nam (1955-1958). Năm 1959, là Trường Trung cấp Mỹ thuật Công nghiệp. Năm 1965, trường đổi tên là Cao đẳng Mỹ thuật Công nghiệp. Năm 1984 đến nay, Trường được Chính phủ nâng cấp thành Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp.
Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp là ngôi trường duy nhất đầu tiên đào tạo về mỹ thuật ứng dụng phục vụ cuộc sống đổi mới hiện đại. Có thể nói, ở giai đoạn này, phương thức đào tạo của nhà trường như một biểu tượng liên kết giữa mỹ thuật truyền thống và mỹ thuật môi trường. Cùng tính chất đa chức năng của nghề nghiệp nên trường có mối quan hệ đa phương với các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, vừa tiếp nối yếu tố truyền thống, vừa phát triển hiện đại là phương châm trong sáng tạo và đào tạo của các ngành nghề Mỹ thuật Công nghiệp. Các giảng viên lớp trước đóng vai trò nòng cốt trong việc đảm bảo chất lượng cơ bản về tạo hình và trang trí nói chung, thì các giảng viên lớp sau lại lấy học vấn và kinh nghiệm thực tiễn để bồi đắp cho chất lượng chuyên sâu của từng ngành, để đẩy mạnh yếu tố đặc thù nghề nghiệp.
Từ những năm đầu tiên, Trường đã xác lập và phát triển các môn học cơ bản mang tính đặc thù nghệ thuật tạo hình, trong đó, đặc biệt là loại hình nghệ thuật trang trí… đã được các bậc nhà giáo như các họa sĩ Trần Văn Du (Hiệu trưởng Trường lúc đó), Phạm Hậu, Lê Quốc Lộc, Nguyễn Khang, Nguyễn Văn Y, Nguyễn Kim Đồng, Nguyễn Trọng Niết, Phạm Đức Cường và các nghệ nhân Đinh Văn Thành, Trần Văn Trạm đã dày công nghiên cứu, giảng dạy đào tạo ra các thế hệ họa sĩ sau này và khẳng định một nền Mỹ thuật công nghiệp với thương hiệu và nhiều thành tựu đáng tự hào. Đặc biệt tạo ấn tượng trong giới nghệ thuật sơn mài trang trí ứng dụng, có họa sĩ Phạm Hậu. Ông là một trong những giảng viên, họa sĩ tiêu biểu của Trường Mỹ nghệ Việt Nam trong những thập niên 50-60 của TK XX, đã đóng góp công sức đào tạo nhiều thế hệ họa sĩ và khởi xướng một số kỹ thuật và phong cách sáng tác mới lạ cho chất liệu sơn mài Mỹ thuật Công nghiệp và tạo ra các sản phẩm sơn mài ứng dụng độc đáo bắt đầu được hình thành từ đó.
Họa sĩ Phạm Hậu với những giá trị nghệ thuật sơn mài trang trí ứng dụng
Họa sĩ Phạm Hậu sinh năm 1903 tại làng Đông Ngạc, Hà Nội. Năm 1929, ông là sinh viên Trường Mỹ thuật Đông Dương. Năm 1959, ông đã cùng thế hệ các họa sĩ và đồng nghiệp trường Trung cấp Mỹ nghệ, trực tiếp tham gia giảng dạy xây dựng và hình thành nên những phong cách mới, kỹ thuật mới, đặc biệt là kỹ thuật vẽ trang trí dựa trên những yếu tố truyền thống dân gian Việt Nam trước đó. Tuy nhiên, với ngọn nguồn gốc tích, Phạm Hậu đã kinh qua học tập từ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương nhưng phong cách nghệ thuật phương Tây, bởi thế, họa sĩ đã được thừa hưởng phong cách Art Nouveau và Art Deco nên ông có khả năng hội nhập với phong cách châu Âu và sáng tác những tác phẩm, sản phẩm mang ý nghĩa trang trí trên tinh thần Việt. Cùng với các lớp họa sĩ cùng thời, ông được tiếp xúc với nghệ thuật phương Tây khi đó đã bước vào giai đoạn hậu hiện đại, nhưng tác động của phong cách Art Nouveau đã cho thấy rõ những ảnh hưởng, đặc biệt được ứng dụng thành công trong sáng tác của Phạm Hậu và sau này, các phong cách đó cũng là tiền đề cho các thế hệ học trò sáng tạo nên các tác phẩm hiện đại.
Vào năm 1935, sản phẩm hộp đựng thuốc lá của Phạm Hậu được Victor Tardieu đặt hàng khi ông tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương trở về quê hương Đông Ngạc và có thể gọi đây là mô hình sản xuất với xưởng sơn mài đầu tiên ở Hà Nội. Với 50 chiếc hộp đựng thuốc lá được vẽ hình một đầu con rồng xuất hiện trên nền màu đỏ làm điểm nhấn, từ những mảng nhỏ đến lớn đều tạo sắc thái với các chất màu khác nhau bởi độ sâu, đậm riêng biệt bởi chất liệu sơn mài của họa sĩ Phạm Hậu đã trở nên độc đáo như vậy. Hoặc trên các sản phẩm: hộp sơn mài trang trí và các bình phong sơn mài ra mắt công chúng từ những năm 1934 đến 1950 là kim chỉ nam, tạo nên lối vẽ và phong cách định hình cho các họa sĩ ở các thế hệ của Trường Trung cấp Mỹ nghệ với cách vẽ trang trí tả thực và lối vẽ nét tả hình rất ấn tượng. Đó là những viên gạch đầu tiên của nghệ thuật sơn mài Việt Nam, mà chính Phạm Hậu đã xây thành những bức tường nghệ thuật đáng trân quý trong dòng chảy sơn mài truyền thống của Việt Nam.
Có thể nói, giai đoạn 1930-1945 là giai đoạn hình thành và phát triển của Trường Mỹ thuật Đông Dương, hay còn gọi là “Kỷ nguyên vàng” của nền Mỹ thuật Việt Nam, khi họa sĩ người Việt hội nhập với phong cách châu Âu và tạo nên những tác phẩm mang ý nghĩa và trang trí trên tinh thần Việt, trong đó có họa sĩ Phạm Hậu. Nhờ có sự bứt phá về chất liệu sơn để đảm bảo các yếu tố về tạo hình và trang trí, sản phẩm sơn truyền thống đơn thuần từ trong các công trình kiến trúc, trong đời sống tâm linh nay cũng đã thoát khỏi yếu tố mỹ nghệ đơn thuần là đồ dùng, đồ thờ từ bao thế kỷ trước để thành các sản phẩm trong vai trò ứng dụng đời sống và thoát khỏi yếu tố mỹ nghệ thông thường. Phạm Hậu đã biến những hình ảnh đời sống, thôn quê, đồi núi thành những mảng tạo hình nghệ thuật gần gũi, giản dị thân quen để sáng tạo nên những sản phẩm sơn mài độc đáo và kế thừa ngôn ngữ trang trí của cha ông ta để lại hoặc ở những dư âm của vàng son câu đối, cửa võng… Từ đó, ông được gọi là người họa sĩ Việt đi tiên phong trong việc tổ chức, sản xuất sản phẩm sơn mài nghệ thuật ở Việt Nam.
Bức bình phong Chùa Thầy ở Bắc Bộ - Nguồn: sách Sơn mài Phạm Hậu
Nhiều tác phẩm nổi bật về thể loại Bình phong cũng được ra đời trong thời gian “Kỷ nguyên vàng” của nền mỹ thuật Việt Nam và được xem là đỉnh cao trong sự nghiệp sáng tác của ông cả về mặt lịch sử nghệ thuật và giá trị thương mại đối với các tác phẩm lớn như, bức bình phong Chùa cổ ở Bắc Bộ (1934), có kích thước 104cmx30,5cm, gồm 6 tấm sơn mài trên gỗ với hình tượng mái chùa óng ả mềm mại. Chất sơn nâu sẫm ở hình tượng cây cối trong tương quan với chất vàng ở mái chùa đã được ông xử lý bằng các kỹ thuật diễn tả công phu bởi các lớp sơn son, sơn cánh gián tạo nên độ trong vắt của màu khi được kết hợp cùng.
Bức bình phong Chùa Thầy ở Bắc Bộ (1939), kích thước 100cmx200cm, là bức khá rõ nét bằng chất liệu sơn then màu vàng óng, vẽ hình tượng “người cưỡi ngựa” với nhiều lớp sơn tạo không gian và cảnh vật rộng bao quát một cách tập trung chính giữa và hai bên. Hình ảnh ngôi chùa rõ nét chính giữa tranh, bao quanh là con sông êm đềm màu son đỏ và những rặng cây chuối được dát vàng, cùng những bụi cây tạo nên lớp cảnh vật ở gần nhất. Xa xa là nền trời được dán vàng theo cách trang trí deco phẳng, tương phản với sự xôn xao của các lớp chất liệu vàng, bạc trên những tán lá, cây và những bụi chuối.
Bức Làng quê Bắc Bộ cũng là một trong những bức bình phong hoành tráng có kích thước 124cmx198cm. Khi xem tranh này, nhà đấu giá Sotheby đánh giá đến sự điêu luyện về tay nghề, sự vận dụng chất liệu thuần thục và hiệu quả nghệ thuật sơn mài của ông. “Dưới bàn tay của họa sĩ, các lớp sơn mài được thể hiện bình yên và tao nhã của ngôi chùa. Thêm vào đó, sơn mài còn được dùng để thể hiện chiều sâu và ánh sáng trên bức tranh đặc biệt này một cách hiệu quả nhất. Tất cả các cây chuối ở cận cảnh bức tranh đều được điểm màu vàng kim óng ánh để trở thành biểu tượng cho sự phì nhiêu và màu mỡ của nơi này” (1). Đặc biệt, về năng lực bố cục cũng như cách tạo hình phóng khoáng, rất chi tiết với cách đặc tả kỹ càng, sống động với những khung cảnh rộng mang đặc trưng phong cảnh của làng quê Việt Nam.
Có thể thấy, nhiều hơn nữa, ở các tác phẩm bình phong và đồ vật dụng được vẽ trang trí đầy ấn tượng, Phạm Hậu đã được tiếp xúc và lấy các cảm hứng từ các tác phẩm nghệ thuật của châu Âu để tạo nên những tác phẩm sơn mài với phong cảnh thơ mộng, những hình ảnh con vật như: hươu, đàn cá vàng… thể hiện không gian trên bề mặt phẳng của các vật dụng. Đó là những tác phẩm Gia đình hươu (sáng tác trong khoảng thời gian 1935-1940), Cá vàng (của những năm 1940-1945). Đây là hai bức tranh trang trí của ông được cho là sáng tạo trong giai đoạn “Kỷ nguyên vàng” của nghệ thuật Việt Nam. Hộp sơn mài Phong cảnh miền trung du, có kích thước 40cmx20cm như một bức tranh thu nhỏ với màu đỏ son được trải dài. Phải có một kỹ thuật vững vàng họa sĩ mới có thể tạo nên được những chi tiết nhỏ trọn vẹn trong một diện tích thu hẹp; hoặc các khay đựng chén vẽ Cảnh làng, cũng là một sản phẩm rất nhỏ với kích thước, diện rộng 18.5x24.5cmx2cm đó cũng đủ để họa sĩ diễn tả những mái nhà được lát rơm vàng óng theo phong cách vẽ viện cận tẩu mã đậm chất trang trí trong kỹ thuật của sơn mài; hay các hộp sơn mài Hoa cúc với kích thước 25cmx25cm và hộp sơn mài Cảnh làng quê, 25cmx35cm lớn hơn… là những sản phẩm nhỏ nhưng đầy tinh tế mà Phạm Hậu đã sáng tạo ra. Hộp sơn mài của Phạm Hậu thường tạo dáng gọn, với những hộp vuông, chữ nhật, kích thước nhỏ vừa như 25cmx25cm; 25cmx35cm; 36cmx13cmx7cm, nhưng bố cục chau chuốt như những bức tranh trên nắp hộp. Về cách tạo dáng hộp không có sự thay đổi hay đột phá so với các tạo dáng truyền thống, hoặc ở các mép cạnh hộp không có trang trí để chỉ tạo điểm nhấn ở phía trên. Phạm Hậu giữ cho các dáng hộp của mình có khối vuông hay chữ nhật như sản phẩm mỹ nghệ, song điểm nhấn là hình vẽ trang trí trên nắp. Với rất nhiều chiếc hộp được vẽ tạo hình, tạo dáng và trang trí tỉ mỉ bởi chất liệu sơn mài đã được họa sĩ Phạm Hậu tạo hình rất tinh tế trên các bề mặt hoàn hảo và rất sâu lắng đó đã khẳng định ông người đầu tiên tạo nên một phong cách đặc trưng của mỹ thuật ứng dụng Việt Nam mang phong cách truyền thống với đặc tính trang trí.
Những năm 1950, khi nhà giáo Phạm Hậu giảng dạy tại Trường Mỹ nghệ Việt Nam (1949), những tư liệu sách báo để viết hay nghiên cứu về chất liệu sơn mài hoàn toàn không có, ông đã tự mày mò nghiên cứu và viết nên những tập bài giảng, lấy đó làm tư liệu cho sự nghiệp giảng dạy, sáng tác của mình, như cuốn Lý thuyết cơ bản về nghề sơn, Kỹ thuật nghề sơn cổ truyền và sự biến đổi của nó, Các loại vật liệu trong sơn mài và phương thức bảo quản, Các loại dụng cụ và cách thức sử dụng nghề sơn... Tất cả tuy chưa nhiều lắm, nhưng với những sự tìm tòi nghiên cứu trong suốt 15 năm (cho đến 1954) giảng dạy và thực hiện nghiên cứu về nghề sơn cũng đã khẳng định và đánh dấu một dấu ấn đầu tiên cho sự nghiệp sơn mài Việt của ông tại Trường Mỹ nghệ Việt Nam và cho đến năm 1965 khi ông kết thúc sự nghiệp nhà giáo của mình.
Đặc biệt, với các khuynh hướng sáng tác mới như Art Nouveau và Art Deco ảnh hưởng từ nghệ thuật châu Âu và gắn bó với nghệ thuật trang trí truyền thống dân gian trước đây nơi lấp lánh vàng son ở các đình chùa Việt đã thúc đẩy phong cách của Phạm Hậu chạm tới sự điển hình, độc đáo cho phong cách tạo hình sản phẩm hay những tác phẩm của Phạm Hậu. Hay nói cách khác, các sáng tác đó là sự thăng hoa giữa kỹ thuật nghề sơn với tạo hình trang trí và được kết hợp nhuần nhuyễn để có những thành tựu sáng tạo trong phong cách nghệ thuật riêng của mình. Qua các yếu tố đồ họa trang trí và thể thức bố cục có những cây lớn chiếm hết chiều cao, hai là phong độ đậm nhạt uyển chuyển, ẩn hiện của thủy mặc Trung Hoa cổ, ba là sự ảnh hưởng theo lối vẽ phối cảnh, cấu trúc không gian gần với hiện thực của hội họa châu Âu đã tạo nên sự hoành tráng nhất định trong các bức bình phong của Phạm Hậu, đó chính là sự ảnh hưởng của nghệ thuật Art Nouveau và Art Deco.
Cùng các đồng môn, đồng nghiệp trong cùng lĩnh vực đào tạo và sáng tác sơn mài, họa sĩ, Nhà giáo ưu tú Phạm Hậu đã để lại dấu ấn đầu tiên rõ nét và cống hiến nhiều công sức phát triển đào tạo và sáng tác nghệ thuật sơn mài của ngành Mỹ thuật Công nghiệp ở Việt Nam; các tác phẩm, công trình nghiên cứu đào tạo của họa sĩ Phạm Hậu mãi là nền tảng vững chắc phát triển nghề nghiệp, tiếp nối những đam mê, truyền cảm hứng cho các thế hệ Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp.
_______________
1. Phạm Gia Yên, Sơn mài Phạm Hậu, Nxb Phương Đông, TP. HCM, 2017.
Tài liệu tham khảo
1. Nguyễn Duy Lẫm, Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp với sự phát triển mỹ thuật ứng dụng nửa cuối thế kỷ XX, Trường Đại học Mỹ thuật Công Nghiệp 1949-2009, Nxb Lao động xã hội, Hà Nội, 2009.
2. Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, Họa sĩ Nguyễn Khang, Lê Quốc Lộc, Nguyễn Văn Y, những con đường kiến tạo nghệ thuật, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội, 2000.
3. Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp - Khoa Mỹ thuật truyền thống, Gốm, Sơn mài, Trang sức, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội, 2009.
Ths NGUYỄN THANH GIANG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 548, tháng 10-2023