Đã bao bận rời quê mà lòng tôi vẫn vẹn nguyên một nỗi rưng rưng như ngày mới xa nhà. Xe chưa đi xa mà ruột gan đã cồn cào nhớ mẹ. Có lẽ càng trưởng thành, tôi càng nhớ hơi ấm lòng mẹ. Thế gian này làm gì có nơi nào ấm áp hơn lòng mẹ mênh mông. Chuyến xe rời quê vừa lăn bánh, ngoái đầu nhìn lại, vẫn thấy dáng mẹ nhỏ gầy đứng trong chiều, ánh nhìn vời vợi trông theo. Mẹ đợi khi xe khuất bóng ở cuối đường mới trở vào nhà, quày quả nấu bữa cơm chiều, cho gà ăn, tưới rau, lầm lũi giữa bốn bề bất chợt trống trải, liêu xiêu những vệt khói. Mẹ sẽ lại bần thần ngồi nhớ giờ này hôm qua tôi đang đong đưa trên chiếc võng giữa nhà, hay đang săm soi những quả trứng gà ở hiên sau. Căn nhà vắng một tiếng gọi mẹ, một giọng nói thủ thỉ, mẹ lại trở về như mọi buổi chiều khác không có những đứa con bên mình. Ngồi trên xe, những hình dung ấy làm tôi muốn khóc…
Lúc đó tôi mới nhận ra, dù là khi đôi mươi, hay là khi tóc bạc thì trước mẹ, tôi vẫn là một đứa trẻ cần hơi ấm của người. Những ngày được trở về, tôi chỉ muốn ở nhà loanh quanh bên mẹ. Hạnh phúc trong đời giản đơn là buổi sớm mai đứng trước ngõ nhà, trông dáng mẹ về xa xa giữa những vạt nắng đầu ngày lấp lánh. Nghe tiếng bước chân thân thuộc của mẹ cũng khiến lòng nhẹ tênh. Ban mai thức dậy trong mùi nắng mới, trong tiếng nước tí tách nhỏ xuống từ cái chum lọc nước xanh rêu, gió vờn từng cơn ngoài đầu hè làm rung rinh những bông vạn thọ. Nhận ra mình lại có thêm một ngày để cùng mẹ ăn bữa cơm quê có cá đồng, rau vườn, canh bí, đến đôi đũa, chiếc bát cũng quá đỗi thân thương. Để rồi trong khói bếp bảng lảng, giữa đầm ấm bình yên, ngồi bên mẹ mà xuýt xoa lên rằng: “Không có gì bằng cơm với cá. Không có gì bằng má với con!”.
Tôi về nhà, những ngày nắng ráo, mẹ tảo tần thái mỏng chuối chín rồi phơi khô, đựng vào hũ để dành tôi mang vào phố. Mẹ bấm đốt ngón tay tính ngày tính tháng để gieo hạt. Khi tôi về, những trái khổ qua đã mướt xanh, lủng lẳng, mẹ hái vào nhồi thịt nấu canh cho tôi ăn giải nhiệt ngày nắng. Đi giữa màu xanh mỡ màng của những luống rau, hành ngò, bầu bí mẹ trồng, tôi thấy hạnh phúc khi ở trong khu vườn của mẹ. Những ngày mưa, trời lạnh, mẹ đun cho tôi nồi nước tắm, tiếng củi lửa lục bục trong lò vang lên thanh âm của yêu thương nồng đượm. Hơi ấm dìu dịu tỏa lan khiến tim tôi run rẩy. Xong bữa cơm chiều, tôi lại ngồi xoa dầu, bóp vai cho mẹ như những ngày còn nhỏ. Mùi dầu gió bềnh bồng giữa tiếng thỏ thẻ của mẹ. Ngoài trời, mưa gõ vào lòng đêm những tiếng nhớ, tiếng thương.
Nhẩm tính thời gian được về bên mẹ trong một năm, lòng ngổn ngang những dằn vặt, xót xa. Mẹ một đời lam lũ. Mỗi chuyến trở về lại thấy sau nụ cười hiền của mẹ là đôi vai gầy ê ẩm, là mái tóc pha sương, là gót chân hằn những vết rạn nhói lòng. Tất cả cứ thầm lặng, im lìm cho đến khi tôi thảng thốt nhận ra màu thời gian bàng bạc trên dáng hình của mẹ. Tấm áo treo ở góc nhà mẹ mặc đã lâu, đôi dép cũ sau hiên cũng đã mòn đế. Tôi đứng lặng nhìn mẹ chải tóc, thương dáng mẹ ngồi dâu bể phía sau lưng…
Có những ngày giữa phố lòng chênh chao không bến đậu, mơ ước còn ở phía vời xa, lại quay quắt nhớ mẹ. Ngửa mặt nhìn vầng trăng sáng trên cao, biết mẹ cũng đang nhìn trăng mà thao thức cùng đêm, trăn trở theo từng bước tôi đi trên đường đời. Tôi biết sau những cuộc gọi là dáng mẹ ngồi đằng đẵng đợi mong. Mỗi chuyến trở về, tự dặn lòng trân quý từng khoảng thời gian được ở bên mẹ. Có đi xa rồi mới thấm thía rằng: ở đâu có mẹ, ở đó có quê hương…
Tác giả: Trần Văn Thiên
Nguồn: Tạp chí VHNT số 456, tháng 3-2021