Trong số những cây đại thụ của điện ảnh tài liệu Việt Nam, đạo diễn Đào Trọng Khánh được nhắc tới như một người góp phần làm mềm hóa sự khô khan của phim tài liệu, định hình nên một phong cách riêng.
Là một trong những nhà thơ nổi tiếng của đất Cảng Hải Phòng, Đào Trọng Khánh cùng với các nghệ sĩ Văn Cao, Thi Hoàng, Thanh Tùng, Lưu Quang Vũ, Nguyễn Khắc Phục… đã góp phần tạo nên một trường phái thơ đặc trưng của Hải Phòng trong những năm chiến tranh chống Mỹ. Mang tâm hồn nhà thơ với những bay bổng, lai láng bước vào điện ảnh tài liệu - một thể loại tôn trọng sự chân thực của cuộc sống, Đào Trọng Khánh thật sự đã tạo nên một phong cách riêng.
Đến với thơ trước khi đến với phim, có khả năng sáng tạo trong nhiều công đoạn của một bộ phim từ viết kịch bản, làm đạo diễn, viết lời bình cho phim, Đào Trọng Khánh có thể cài cắm, cấu tứ, làm mềm đi ngôn ngữ khô khan của tài liệu. Ngay từ lúc đặt bút viết kịch bản, đặc biệt là thể loại chân dung các lãnh tụ, các vị tướng, các nghệ sĩ, nhà khoa học… ông luôn tìm thấy ánh thơ lấp loáng đằng sau những công việc tưởng chừng khô khan của người lãnh đạo, nhà cầm quân hay nghiên cứu khoa học. Chính cách nhìn rất thơ ấy mà nhiều bộ phim tài liệu về con người của ông đã đạt đến tầm cao về phim chân dung như Việt Nam - Hồ Chí Minh, 1/50 giây cuộc đời, Vũ nữ Trà kiệu, Hình bóng tổ tiên…
Đi từ góc nhìn khác biệt ấy, khi làm phim, ông đã chỉ đạo để có những góc quay vừa đạt đến độ chân thực cần có của phim tài liệu vừa đạt tới mỹ cảm của cái đẹp. Nhiều khuôn hình trong phim Việt Nam - Hồ Chí Minh đã vượt thoát khỏi những tư liệu khô khan để ánh lên nét đẹp của một nhân cách, một tầm vóc mang tính thời đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Phong cách của Đào Trọng Khánh với phim tài liệu thật giống với câu thơ ông từng viết: “Nơi tay em ôm là nơi đạn quân thù bắn tới/ Em vẫn nhìn xanh ngát tận xa khơi…”. Đặt cái thực bên cái thơ, một cái thật gần và một cái thật xa. Phong cách này được bạn bè yêu mến gọi là điện ảnh thơ khi hình thì ở thực tại nhưng tứ là cái bao quát, xa ngái...
Đặc biệt trong bộ phim 1/50 giây cuộc đời, nhiều khuôn hình lột tả được cái đẹp trong sáng tạo từ cách lấy nét, đặc tả khuôn mặt, đôi mắt… Phim Vũ nữ Trà Kiệu cái đẹp lại là sự hòa quyện giữa thiên nhiên, con người, động tác, hình thể, trang phục, vũ điệu… Tất cả làm nên nét đẹp vừa thực vừa ảo, vừa gần gũi vừa siêu hình. Xem phim, cảm giác cuộc sống là một sự kế thừa, tiếp nối, trong cái hôm nay có hình bóng của ngày xưa, trong đời sống thường nhật có sự chi phối của đời sống tôn giáo, đời sống tinh thần ẩn tàng trong mỗi vùng đất, mỗi con người tạo nên sự bí ẩn, cuốn hút, mời gọi sự khám phá từ kiến trúc, văn hóa, vũ điệu.
Tập Truyện ký Đất và người của NSND Đào Trọng Khánh
Mang trong mình sự bay bổng, lãng mạn của thơ ca nhưng cuộc đời làm phim của NSND, đạo diễn Đào Trọng Khánh lại làm rất nhiều phim về lãnh tụ, những nhà lãnh đạo của đất nước như Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thủ tướng Phạm Văn Đồng… Có cảm giác như tính xác thực của tư liệu lịch sử, những chi tiết chân thực trong đời các vị lãnh đạo, tướng lĩnh khó tìm thấy sự dung hòa trong tâm hồn bay bổng, lãng mạn của một nhà thơ. Điều băn khoăn ấy đã được chính đạo diễn giải đáp khi ông chia sẻ mỗi lần làm phim ông như có một người khác ngồi trong mình vừa xét nét, căn chỉnh để không thể làm sai, không thể vượt quá giới hạn. Cái tiết chế ấy đan cài với cái nhìn lãng mạn, nhân văn khi mổ xẻ, phân tích một nhân cách, một con người, một trọng trách lịch sử đặt lên vai các yếu nhân trong những lựa chọn sinh tử tạo nên sự hòa hợp để phim không quá lên gân, tuyên truyền cũng như thoát khỏi sự minh họa nhàm chán. Nhân vật trong phim ông, từ vị lãnh tụ tối cao đến người nghệ sĩ bình dị đều được khắc họa bởi những khoảnh khắc, chi tiết độc đáo, làm bật lên hồn cốt, nhân cách đặc biệt của nhân vật.
Một lợi thế nữa nằm trong cách viết lời bình của NSND Đào Trọng Khánh. Với vốn từ rộng, đa nghĩa, nhiều câu văn, câu thơ của ông như có nhạc, có họa. Khi viết lời bình cho phim chất triết lý, hào sảng quyện với sự ấm áp, lãng mạn mang đến cho bộ phim nhiều tầng ngữ nghĩa mà hình ảnh không thể tải lên hết. Ngoài viết kịch bản và lời bình cho phim của mình, Đào Trọng Khánh cũng được nhiều đồng nghiệp mời viết lời bình cho phim của họ khi quý trọng một tài văn, một lối viết, một phong cách riêng của ông đối với phim tài liệu. Hai bộ phim tài liệu đình đám của NSND, đạo diễn Trần Văn Thủy là Hà Nội trong mắt ai và Chuyện tử tế gặt hái thành công vang dội cũng nhờ một phần ở lời bình được viết bởi nhà thơ, đạo diễn Đào Trọng Khánh.
Đạo diễn Đào Trọng Khánh chia sẻ: “Có lẽ chất thơ nó đã ngấm sâu trong tôi và dễ dàng bật lên khi tôi tìm kiếm một cấu tứ hay tên gọi cho phim". Điều ấy đã được minh chứng khi ngay từ cách chọn và đặt tên phim của ông cũng rất gợi, rất thơ và mang nhiều hàm xúc. Một loạt tên phim chỉ nghe đã thấy tò mò như 1/50 giây cuộc đời, Truyền kỳ sự thật, Một thế kỷ - một đời người, Lửa thiêng…
Với những sáng tạo và cống hiến cho mảng phim tài liệu, NSND, đạo diễn Đào Trọng Khánh đã giành được nhiều giải thưởng cá nhân và giải thưởng cho phim tại các kỳ Liên hoan Phim quốc gia hay giải thưởng Cánh Diều hàng năm của Hội Điện ảnh. Với gần 20 giải thưởng, trong đó có đến 7 giải thưởng dành riêng cho cá nhân ông gồm 3 giải dành cho tác giả Kịch bản xuất sắc nhất và 4 giải dành cho Đạo diễn xuất sắc nhất. Cá biệt có LHP, ông giành tới hai giải Vàng cho hai bộ phim khác nhau. Đó là LHP Việt Nam lần thứ VIII (1985), ông nhận hai giải Bông sen Vàng cho hai phim tài liệu: 1/50 giây cuộc đời và Việt Nam - Hồ Chí Minh. Năm 2000, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân.
Cảnh trong phim Một thế kỷ, một đời người
Năm 2007, ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước cho cụm phim tài liệu gồm: 1/50 giây cuộc đời, Việt Nam - Hồ Chí Minh, Vũ nữ Trà Kiệu, Truyền kỳ sự thật, Hình bóng tổ tiên, Hồ Chí Minh - hình ảnh của Người.
Ở tuổi 80, sức khỏe không còn nhiều nhưng ông vẫn khiến bạn bè và công chúng bất ngờ khi ra mắt tập Truyện ký Đất và Người. Những kỷ niệm làm phim cùng khá nhiều bạn bè văn chương đã được ông viết trong cuốn truyện ký này. Với phim ảnh, Đào Trọng Khánh vẫn còn đó sự nuối tiếc khi chưa làm hết những người ông yêu quý, trân trọng khi cuộc đời, sự nghiệp của họ đáng dựng làm phim. Tại buổi ra mắt sách, Đào Trọng Khánh tiết lộ rằng, ông có đến vài trăm cuộn băng tư liệu với hàng vạn phút phim tư liệu về các nguyên thủ, nghệ sĩ nổi tiếng. Khi làm phim về cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng ông đã quay tới hơn 700 phút phim. Nhưng khi dựng, do dung lượng hạn chế của một bộ phim mà ông chỉ lấy được có 30 phút phim. Số tư liệu chưa dùng đến vẫn còn khoảng 700 phút phim. Hiện, trong tay ông còn có nhiều tư liệu sống động về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, về Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị cũng như rất nhiều tư liệu về các văn nghệ sĩ…
Với bạn bè văn nhân một thời qua các bài báo, bài ký của ông đã phác thảo lên chân dung gần gũi và đáng kính nhất của họ. Hàng loạt nghệ sĩ, nhà thơ, nhà văn được ông viết trong cuốn sách của mình như Võ An Ninh, Nguyễn Tư Nghiêm, Hồng Sến, Lưu Quang Vũ, Ngô Kha, Nguyễn Khắc Phục…
Với những đóng góp cho thơ và đặc biệt là cho điện ảnh tài liệu, NSND, đạo diễn Đào Trọng Khánh đã chạm khắc một phong cách rất riêng cho mảng phim này.
THANH MAI
Nguồn: Tạp chí VHNT số 490, tháng 2-2022