H1. Nhà mồ ở làng Rlung: (a) Ảnh chụp tại khu nhà mồ; (b) Bản vẽ của Henri Maitre (phần trích đoạn, chi ghú và phóng lớn của tác giả bài viết) - nguồn: Henri Maitre
Nhà mồ là một kiến trúc rất đặc biệt của các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, được dựng nên và sử dụng trong thời gian rất ngắn ngủi chỉ vài ngày trong lễ bỏ mả (p’thi) nhưng lại được đầu tư kiểu dáng đa dạng và tập trung nhiều loại hình nghệ thuật trang trí hơn hẳn so với những kiến trúc hướng tới mục đích sử dụng lâu dài như nhà rông và nhà ở. Sau lễ bỏ mả, những ngôi nhà mồ sẽ bị bỏ hoang theo đúng như tên gọi của nghi lễ, mối quan hệ giữa người chết với gia đình và cộng đồng bị cắt đứt. Theo quan niệm dân gian truyền thống đã được ghi lại bởi nhiều nghiên cứu trước, các dân tộc ở Tây Nguyên cho rằng, sau lễ bỏ mả, ngôi nhà mồ cùng toàn bộ những tặng vật kèm theo (thường là quần áo, công cụ lao động sản xuất và đồ dùng hằng ngày) đã đi cùng chủ nhân đến sống tiếp ở một ngôi làng mới có tên gọi là mang lung. Theo truyền thuyết phổ biến của các dân tộc Tây Nguyên, dân làng mang lung cũng có những sinh hoạt đời thường như làm rẫy, ăn uống, lễ hội, họ cũng sẽ chết đi và tiếp tục trở thành những dạng sống khác (cheo, chuột, nhện…). Do đó, ngôi nhà mồ không giống như lăng tẩm, phần mộ cần chăm sóc, thờ cúng như nhiều nhóm dân tộc khác ở Việt Nam mà chỉ mang tính biểu trưng trong thời điểm làm lễ bỏ mả. Trong rất nhiều nhóm hình tượng biểu trưng tại đây, một số hình tượng cụ thể được đề cập trong bài viết này có ý nghĩa thúc đẩy sự tái sinh của linh hồn vào cõi mang lung.
1. Hình vẽ cây cổ thụ trên mái nhà mồ
Henri Maitre là một trong những nhà nghiên cứu người Pháp đầu tiên chụp ảnh những ngôi nhà mồ của các dân tộc Tây Nguyên. Tư liệu trình bày trong tác phẩm Rừng người thượng (Les Jungles Moi) cho thấy ông đã từng có những chuyến đi thực tế khắp cao nguyên Kon Tum, Gia Lai ở phía Bắc, cao nguyên Buôn Ma Thuột, Lâm Viên ở phía Nam và một phần vùng núi tỉnh Quảng Nam. Công trình của Henri Maitre có ảnh chụp một nhà mồ roong (kiểu mái mô phỏng theo nhà roong) được ghi chú ở làng Rlung (H1a), đây là kiểu nhà mồ thường gặp ở huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai, trong khu vực cư trú của nhóm Gia Rai Aráp. Henri Maitre đã vẽ lại rất kỹ lưỡng từng chi tiết hình vẽ ông quan sát được trên mái của nhà mồ này (H1b) nhưng không nhận định gì về ý nghĩa của chúng. Dựa vào vị trí trung tâm và cao gần đỉnh mái, đây có thể là một họa tiết có ý nghĩa quan trọng trong trang trí nhà mồ và đối với lễ bỏ mả. Một số nhà nghiên cứu người Việt vào khoảng cuối thế kỷ trước cũng từng phỏng đoán về ý nghĩa của cột kút và cột klao trong khu nhà mồ mà họ gọi là “cây vũ trụ” (1), theo đó, đỉnh cột thường có các chi tiết được cho là cách điệu từ cơ quan sinh dục nữ và mặt trăng được cho là biểu tượng của nữ tính hoặc khả năng sinh sản. Tuy nhiên, bài viết này nhằm cung cấp một cách lý giải khác.
Nhìn chung, mặc dù hình ảnh về Tây Nguyên đã được ghi nhận rất nhiều trong thời Pháp thuộc, hình tượng thẩm mỹ trong trang trí trên các công trình kiến trúc thường không phải là đối tượng nghiên cứu chính của các nhà dân tộc học hay các nhà truyền giáo ngoại quốc trong giai đoạn này. Họ tập trung vào tín ngưỡng và các truyền thuyết nhiều hơn. J.Dournes, tác giả của rất nhiều chuyên khảo về Tây Nguyên nổi tiếng ở cả Pháp và Việt Nam cũng vậy, trong quá trình thực địa suốt gần 25 năm, ông đã ghi chép rất nhiều câu chuyện huyền hoặc, trong đó có truyền thuyết về “bà tiên cây đa” (Yă Tok Bok) với quyền năng hồi sinh cho vạn vật. Cây đa (đôi khi gọi là cây tong long) xuất hiện khá thường xuyên trong những câu chuyện dân gian của người Gia Rai, Ba Na, Ê Đê, M’nông, Srê và các dân tộc khác nữa. Sử thi Đam San của người Ê Đê có chi tiết khi vợ của Đam San ngã xuống và chết, một bông hoa trên cây đa đã cứu sống nàng. Theo một câu chuyện của người Srê, các công cụ làm nông cũng như các khớp nối trên cơ thể con người đều được làm bằng sắt lấy từ cây đa (jiri hay jori trong tiếng địa phương). Tác giả J.Dournes ghi lại trong nghiên cứu Các dân tộc miền núi ở phía Nam Đông Dương (Populations montagnarde du Sud - Indochinois), nhiều dân tộc bản địa tin rằng, đất đai là nguyên liệu chính làm nên cơ bắp của con người, cây đa cung cấp sắt làm xương, và các loại dây leo (kong-rang và rojai) giúp hình thành nên các mạch máu (2). Nói cách khác, cơ thể con người là một sản phẩm của tự nhiên được tạo thành từ đất đai và một số loài thực vật trong rừng, vì vậy, những hình tượng liên quan xuất hiện trong trang trí nhà mồ rõ ràng có ý nghĩa nhằm thúc đẩy quá trình tái sinh vào cõi mang lung. Trong tác phẩm Rừng, đàn bà, điên loạn (Forêt, Femme, Folie) (3), tác giả J.Dournes tiếp tục ghi lại nhiều câu chuyện dân gian cũng đề cập đến mối quan hệ thần bí giữa phụ nữ và thực vật, ví dụ chuyện một cô gái trẻ lạc trong rừng, cô hái một chiếc lá trên cây đa, cuộn lại để lấy nước từ hốc cây và uống vì khát, kết quả là khi về làng thì cô đã thụ thai. Ngoài ra, tác giả này còn kể về một số người phụ nữ có mang ở Tây Nguyên nói rằng họ cảm thấy mình giống như một cái cây (ngụ ý rằng họ đang tạo ra một con người mới).
Như đã đề cập ở trên, theo quan niệm Tây Nguyên, cơ thể con người cần ba chất liệu để hình thành là đất đai (từ những ngọn núi), sắt (từ cây đa) và dây leo (tượng trưng cho thảo mộc nói chung). Tất cả những yếu tố này đều xuất hiện trên nóc nhà mồ mà Henri Maitre đã ghi nhận ở làng Rlung, trong đó, hình tượng cái cây cao nhất nằm ở trung tâm với các nhánh xòe cong ra cân đối. Chim, hoa và nhiều người đang treo mình lơ lửng trên các cành lá, cầm cung tên hoặc mang vác những con vật họ săn được. Ngoài một số cặp khối được gắn hai bên diềm mái có hình rau dớng (kotonh/ktonh) - một loại dương xỉ có thể ăn được ở địa phương, những hình vẽ một loại dây leo có gai kết thành vòng tròn cũng vươn lên hai nhánh tương tự, bên trong vòng gai là một bông hoa gợi liên tưởng đến truyền thuyết của người Ê Đê về bông hoa trên cây đa có phép thuật hồi sinh. Trên ngọn cây thần cũng có một vài bông hoa, có ít nhất 2 người đang treo mình bám lấy những bông hoa ấy. Một số hình cây được vẽ trên mái nhà mồ này cũng có hình dáng tương tự cây chính nhưng nhỏ hơn, ít chi tiết hơn, được sắp xếp lớn dần từ trung tâm lan ra hai bên. Với nghệ thuật dân gian diễn ra trong môi trường văn hóa xã hội có tính nguyên thủy thì luật xa gần (phối cảnh) thường chưa được biết đến để áp dụng, vì vậy, hàng cây này có thể là một thủ pháp đồng hiện nhằm mô tả quá trình một cái cây đang lớn dần lên. Giả thuyết này đáng tin cậy hơn vì được bổ trợ bởi nhiều chi tiết có liên quan: những đường diềm nằm ngang biểu thị cho mặt đất, trong lòng đất có những chấm tròn tượng trưng cho hạt giống; các dải hình tam giác nằm ngang nối tiếp nhau xuất hiện rải rác khắp bề mặt mái, có thể tượng trưng cho những ngọn núi, đất đai nơi cây cối mọc lên (xem các chi tiết được đánh dấu và ghi chú rõ hơn trong H1b phóng lớn).
H2. (a) Bản vẽ nhà mồ Tơlo của tác giả Phan Cẩm Thượng; (b) Bản vẽ chi tiết phần nóc của nhà mồ Tơlo của nhà nghiên cứu Từ Chi)
Một hình vẽ cây tương tự ở trung tâm nóc mái một nhà mồ Tơlo (nhà mồ đực) cũng được công bố trong nghiên cứu năm 1995 của hai tác giả Phan Cẩm Thượng và Nguyễn Tấn Cứ (H 2a) (4) và từng được vẽ lại các chi tiết trên mặt phẳng bằng màu nước bởi tác giả Từ Chi (H 2b). Giữa bối cảnh những mảng và dải hoa lá cách điệu rải rác xung quanh, họa tiết cây thần nổi bật ở trung tâm với cấu trúc chia 3 phần rõ rệt: phần dưới cùng là biểu tượng ngọn núi có hình tam giác; phần giữa là thân cây chính với những cành lá cong cong đối xứng vươn lên rồi nở hoa ở ngọn. Phần cao nhất là đường diềm nằm ngang với hình dây leo uốn lượn mềm mại. Con người và động vật (voi và chó, hoặc có thể là hoẵng) đang sinh hoạt bên dưới những dây leo này. Trong số các hình trang trí rải rác xung quanh, chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy những vòng dây gai mà bên trong đó là một bông hoa rất quen thuộc.
Nhiều trường hợp được thống kê cho thấy hình tượng cây thần thường chỉ xuất hiện ở những ngôi nhà mồ có mái cao của người Gia Rai ở huyện Chư Păh như nhà mồ Roong, nhà mồ Tơlo (H 2a, 2b), nhà mồ Giep (loại nhà mồ nhìn bên ngoài như thể có 2 tầng nhưng thực chất bên trong chỉ có 1 tầng, một phần chóp mái được đẩy lên cao để ngôi nhà trông bề thế hơn. Giep trong tiếng Gia Rai có nghĩa là “cao to”). Những nhà mồ cao lớn theo tục lệ chỉ được dựng khi lễ bỏ mả có mổ nhiều trâu bò, còn lại hầu hết nhà mồ phổ biến thường có mái thấp và có diềm nóc chỉ cao khoảng 25-30cm dọc theo đỉnh mái, trang trí dải họa tiết cảnh đoàn người đánh chiêng, đi săn hoặc nhảy múa, họa tiết cây và dây leo vẫn xuất hiện tại đây nhưng dưới dạng biến thể đơn giản, tách phần họa tiết dây leo ra hai bên. Trong nhiều trường hợp nhà mồ mái thấp chiếm đa số như ở các huyện Ayun Pa, Krong Pa, hình tượng cây thần cần được thể hiện bằng kiểu thức khác như nội dung trình bày trong phần sau đây.
2. Cột kút và cột klao
Từ vùng đất cao ở các huyện Chư Păh và trung tâm Plêiku xuôi xuống vùng đất thấp ở các huyện Ayun Pa, Krong Pa, hình tượng cây thần có xu hướng di chuyển hình vẽ 2 chiều trên mái chuyển sang điêu khắc 3 chiều thành các cột kút/ klao của người Gia Rai hoặc cột sik/ klao của người Ba Na sống xen kẽ trong khu vực này. Giữa hai hình thức này còn một dạng trung gian, trên bộ mái thấp của nhà mồ có một số vị trí được tạo hình nhô cao lên tạo thành một cấu trúc trang trí hình cột với họa tiết cây to được bố trí ở phần dưới cùng và hai cây đồng dạng nhưng nhỏ hơn ở phần trên, vùng giữa cột là họa tiết díc dắc tượng trưng cho dây leo. Một số bông hoa nở trên các cành lá và những mảnh gỗ tạo hình rau dớng cũng xuất hiện khá nhiều ở hai bên cột.
Trong các tài liệu lịch sử từ thế kỷ trước cũng như khi điền dã tại vùng hạ lưu sông Ayun (các huyện Ayun Pa, Krong Pa), chúng ta sẽ thấy hình thức cột kút hoặc cột klao rất phổ biến trong những nhà mồ Gia Rai và Ba Na tại đây. Ấn tượng về hình tam giác một lần nữa xuất hiện dưới dạng mái bốn mặt hoặc mái hình nón của nhà mồ kút này, cột kút trông giống như một cái cây mọc lên từ đó. Năm 2019 tại một số nhà mồ ở Mthur, xã Đăk Bang (huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) đều có cột kút ở đầu hồi, những hình rau dớng đối xứng hai bên cột, tuy không có hình tượng dây leo nhưng trên gờ nóc của nhà mồ này lại có một cây hoa nhỏ và một đôi chim ở hai bên, đặc biệt, trên đỉnh cột kút có bức tượng rất nhỏ thể hiện một người đang cưỡi ngựa.
Giả thuyết cột klao là một dạng khác của mô típ cây đa thể hiện rõ rệt hơn trong cột sik/ klao của người Ba Na. Những cột này có cấu trúc như một cây thân gỗ rất lớn đang đơm hoa kết trái, thường xuất hiện một cặp tượng nhỏ trên đỉnh. Ở góc nhìn từ đầu hồi, hai cạnh của mái nhà cũng gợi liên tưởng đến hình tam giác biểu hiện cho ngọn núi.
3. Tượng nhà mồ với đề tài sinh tồn
Một biểu tượng khác dường như không liên quan đến truyền thuyết cây đa nhưng rõ ràng vẫn nhằm thúc đẩy sự tái sinh đó là tượng sinh tồn, một trong 5 đề tài điêu khắc tượng nhà mồ ở Tây Nguyên, bao gồm tượng nam nữ phô bày cơ quan sinh dục phóng đại, các cặp đôi đang giao hoan và hình tượng phụ nữ mang thai. Diện mạo của những bức tượng này hầu như không thay đổi trong các bức ảnh chụp từ những năm 1990 cho đến thời điểm gần đây. Đặc biệt, chúng chỉ xuất hiện ở những ngôi nhà mồ có mái thấp và không có cột kút, klao, đặc điểm phân bố này cho thấy đây là các hình tượng có cùng nội dung ý nghĩa và có thể thay thế cho nhau.
Ngoài những bức tượng gỗ trên hàng rào xung quanh nhà mồ còn có một số cặp rối gọi là bnăl (5) (trong ngôn ngữ Ba Na, bnăl có nghĩa giống như từ “dâm dục” trong tiếng Việt). Ngay tại lễ bỏ mả, một số người đàn ông đeo mặt nạ (mêu/ bram) sẽ điều khiển những con rối bnăl này thực hiện các động tác giao hợp. Việc sử dụng các đồ vật tượng trưng cho cặp đôi hoặc bộ phận sinh dục nam, nữ để thực hiện nghi lễ nhằm thúc đẩy sự sinh sôi khá phổ biến trong văn hóa của hầu hết các dân tộc ở Việt Nam nhưng thường phổ biến trong nghi lễ nông nghiệp hơn là trong tang ma hay thờ cúng như trường hợp lễ bỏ mả của các dân tộc ở Tây Nguyên. Đây là hệ quả từ điểm khác biệt cốt lõi trong quan niệm về những gì sẽ xảy ra sau cái chết giữa vùng văn hóa Tây Nguyên với những vùng văn hóa còn lại ở Việt Nam.
Lời kết
Kiến trúc, điêu khắc và trang trí nhà mồ Tây Nguyên thuộc loại hình nghệ thuật dân gian, mặc dù đã tồn tại liên tục trong lịch sử kéo dài đến hiện tại nhưng vẫn chịu ảnh hưởng của thế giới quan còn mang đậm tính chất nguyên thủy. Do đó, việc lý giải những hình tượng của các dân tộc tại đây cần thông qua góc nhìn đa chiều, không chỉ nhìn nhận bằng các lý thuyết tạo hình mỹ thuật hiện đại mà bắt buộc phải kết hợp với góc nhìn từ mỹ học dân gian và nghiên cứu thông qua các điển tích, câu chuyện truyền thuyết của người dân bản địa. Với những bằng chứng từ lịch sử và tư liệu điền dã được phân tích và so sánh, đối chiếu, bài viết này nhằm đóng góp một quan điểm và cách lý giải khác về các hình tượng có tính biểu trưng trong trang trí ở nhà mồ của các dân tộc Tây Nguyên. Kết quả thu được nhằm bổ sung nguồn dữ liệu nghiên cứu về đặc trưng văn hóa, nghệ thuật của các dân tộc thiểu số tại đây.
_______________________
1, 4. Phan Cẩm Thượng, Nguyễn Tấn Cứ, Điêu khắc nhà mồ Tây Nguyên, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội, 1995, tr.22-24, 104.
2. Jacques Dournes (bút danh Dam Bo) (Nguyên Ngọc dịch), Miền đất huyền ảo, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2003.
3. Jacques Dournes (Nguyên Ngọc dịch), Rừng, đàn bà, điên loạn, Nxb Tri thức, Hà Nội, 2018.
5. Trần Phong, Lễ hội Tây Nguyên, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2008, tr.81.
Tài liệu tham khảo
1. Hoàng Tuấn Cư, Lễ hội bỏ mả Bắc Tây Nguyên, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 1995.
2. Ngô Văn Doanh, Bơ thi, cái chết được hồi sinh, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2007.
3. Henri Maitre (Lưu Đình Tuân dịch), Rừng người Thượng, Nxb Tri thức, Hà Nội, 2008.
4. Nhan. T. T. Ho, Funeral Sculptures of the Jrai People in the Central Highlands Vietnam (Điêu khắc nhà moof của người Gia Rai ở Tây Nguyên), Proceeding of HERITECH 2021, AIP Publishing, DOI: 10.1063/5.0066494, 2022.
5. Trần Phong, Tượng gỗ Tây Nguyên, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2019.
6. Đào Huy Quyền, Tượng gỗ Tây Nguyên, Nxb Tổng hợp, TP.HCM, 2007.
7. Nguyễn Thị Kim Vân, Tín ngưỡng và tôn giáo dân tộc Bahnar, Jrai, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2013.
Ths HỒ THỊ THANH NHÀN
Nguồn: Tạp chí VHNT số 551, tháng 11-2023