Nghệ thuật hội họa và bài trí không gian trong nội thất khách sạn Hotel Des Arts Saigon - Nguồn: Nguyễn Hữu Vinh
Khách sạn 5 sao tại Việt Nam được quy định bởi hệ thống tiêu chí xếp hạng cấp quốc gia với nhiều thành phần, hạng mục. Trong đó, nội dung vị trí, thiết kế kiến trúc, trang thiết bị nội thất, bài trí - trang trí nội thất, tiện nghi nội thất luôn đứng hàng đầu. Nghệ thuật trang trí trong nội thất là hoạt động sáng tạo nghệ thuật nằm trong vùng giao thoa trải dài từ thiết kế kiến trúc, thiết kế nội thất, trang trí nội thất và trang trí mỹ thuật nên sẽ liên quan đến từng nhóm ngành riêng. Bên cạnh đó, những khách sạn được đầu tư hoặc quản lý - vận hành bởi các tập đoàn quốc tế sẽ tuân thủ theo tiêu chuẩn riêng của từng thương hiệu cụ thể. Nội dung quy định về nghệ thuật trang trí sẽ chiếm tỷ trọng nhiều hoặc ít tùy thuộc vào loại hình, mô hình kinh doanh, các xu hướng nghệ thuật và xu hướng tiêu dùng đương thời. Bài viết khái quát hệ thống cơ bản các biểu hiện, liệt kê các yếu tố thuộc hạng mục thiết kế và trang trí nghệ thuật không gian nội thất của khách sạn 5 sao.
1. Đặt vấn đề
Tiêu chuẩn Việt Nam về xếp hạng khách sạn (Hotel Classification) TCVN 4391:2015 quy định vị trí, thiết kế kiến trúc - cảnh quan - nội thất, quy mô ở vị trí đầu tiên, sau đó đến các yếu tố giao thông, chức năng tiện ích, dây chuyền công năng, dịch vụ và mức độ phục vụ, quản lý và đội ngũ nhân sự, môi trường, cho đến vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn cháy nổ, an ninh an toàn. Nội dung liên quan đến thiết kế và trang trí nghệ thuật trong nội thất cũng được quy định ở mức cơ bản. Cùng với đó, hệ thống tiêu chuẩn thiết kế của các tập đoàn khách sạn hàng đầu thế giới, đặc biệt với những thương hiệu khách sạn nghệ thuật (art hotels) và khách sạn “boutique” (boutique hotels) có những quy định, hướng dẫn khá cụ thể về từng thành phần, hạng mục của thiết kế và nghệ thuật trang trí đối nội thất. Một cách cốt lõi về khía cạnh nghệ thuật học, các yếu tố tạo hình mỹ thuật, nguyên tắc nghệ thuật thị giác, nguyên lý thiết kế kiến trúc và nội thất có những điểm giao thống nhất về một số biểu hiện cụ thể của nghệ thuật trang trí trong không gian nội thất, thường được đặt trong bối cảnh thẩm mỹ song hành với công năng.
2. Tiếp cận Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 4391:2015
TCVN 4391:2015 được biên soạn bởi Tổng cục Du lịch (nay là Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam), Bộ VHTTDL đề nghị, được công bố bởi Tổng cục tiêu chuẩn Đo lường chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định. Việc trở thành tiêu chuẩn quốc gia với sự tham gia bởi nhiều bộ, ngành cho thấy tầm quan trọng của hệ thống tiêu chuẩn khi được áp dụng vào thực tiễn. Về khái niệm, khách sạn là “cơ sở lưu trú du lịch được xây dựng thành khối, đảm bảo chất lượng về cơ sở vật chất, trang thiết bị và dịch vụ cần thiết phục vụ khách”, khách sạn nghỉ dưỡng là “cơ sở lưu trú du lịch được xây dựng thành khối hoặc thành quần thể các biệt thự, nhà thấp tầng, căn hộ, thường ở khu vực có cảnh quan thiên nhiên đẹp, không khí trong lành”, ngoài cơ sở vật chất và dịch vụ thì “phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng, giải trí, tham quan” (1).
Với khách sạn tiêu chuẩn 5 sao, về tổng thể kiến trúc - nội thất được quy định: “thiết kế kiến trúc đẹp, độc đáo”, “tiểu cảnh được thiết kế đẹp, sang trọng, tinh tế độc đáo”, “nội ngoại thất được thiết kế, bài trí, trang trí hợp lý, đẹp, sang trọng” (2). Về chất lượng trang thiết bị, bài trí, trang trí, tiêu chuẩn liệt kê ngắn gọn: “Chất lượng cao; Bài trí hợp lý; Màu sắc hài hòa; Hoạt động tốt; Đồng bộ; Trang trí nội thất đẹp; Hiện đại sang trọng; Trang trí nghệ thuật” (3). Về các yếu tố liên quan đến thiết kế trang trí còn có: vật liệu thảm trải sàn được quy định bắt buộc trong hầu hết các khối công cộng và khối ngủ của khách sạn; sử dụng vật liệu, sản phẩm, trang thiết bị thân thiện với môi trường; sử dụng ánh sáng tự nhiên.
Ngoài tiêu chí cơ bản về thiết kế và nghệ thuật trang trí nói trên, hầu hết nội dung khác của TCVN 4391:2015 tập trung vào tiêu chuẩn quy mô, diện tích, giao thông, công năng, thành phần trang thiết bị, chiếu sáng, hệ thống kỹ thuật hạ tầng, dịch vụ và mức độ phục vụ, quản lý và nhân viên, môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, an ninh, an toàn và phòng chống cháy nổ. Qua đây có thể nhìn nhận TCVN 4391:2015 không có quy định cụ thể mức độ, tính chất, biểu hiện và thành phần của nghệ thuật trang trí trong không gian nội thất. Sự khác biệt cốt lõi của tiêu chuẩn 5 sao với các tiêu chuẩn thấp hơn ở vị trí, quy mô, diện tích, tiện ích và dịch vụ, còn yếu tố nghệ thuật được khái niệm: đẹp, sang trọng, tinh tế, hài hòa, đồng bộ, hợp lý, nghệ thuật thiếu tính định lượng, một số tính từ đẹp, tinh tế, nghệ thuật khá trừu tượng và được hiểu theo năng lực, trình độ, quan điểm và thị hiếu khác nhau.
3. Tiếp cận MGallery Brand - Design Standards & Guidelines (Bộ hướng dẫn thiết kế và nhận diện thương hiệu Mgallery), Accor Group
MGallery là dòng khách sạn nghệ thuật (art hotel, boutique hotel) 5 sao thuộc Tập đoàn Accor. Bộ hướng dẫn này gồm các thư mục nội dung: Kiến trúc và Thiết kế Nội thất, Hệ thống bảng hiệu/bảng chỉ dẫn và Đồ họa, Hồ sơ kỹ thuật. Trong thư mục Kiến trúc và Thiết kế Nội thất, có các thư mục con: ASPAC Benchmark Hotels Design and Technical Services Asia Pacific (Điểm chuẩn thiết kế và kỹ thuật cho hệ thống khách sạn tại châu Á Thái Bình Dương); General (Quy định tổng thể); Brand and Design (Thương hiệu và Thiết kế); Food and Beverage (Lĩnh vực ăn uống); Consultants (Nhà tư vấn); Procduct Suppliers (Nhà cung cấp) với các văn bản quy định chi tiết. Về tổng thể những điểm chính của bộ hướng dẫn này gồm có:
Mỗi khách sạn có “Tính cách, Bản sắc và Câu chuyện riêng” được khách hàng trải nghiệm thông qua Kiến trúc, Thiết kế Nội thất và Dịch vụ, phản ánh 3 giá trị thiết yếu của thương hiệu: “Sự kỳ lạ (Singularity), Sang trọng (Elegance), Cân nhắc cung cấp dịch vụ được cá nhân hóa (Consideration by providing Personalized Service)” (4).
Câu chuyện thiết kế của mỗi khách sạn lấy cảm hứng từ 4 không khí nhận diện chính (Atmospheres): Nguồn gốc Di sản (Heritage Origins): “không gian chứa đầy lịch sử, bức tường kể lại quá khứ, tòa nhà và mặt tiền phản ánh một phong cách lịch sử điển hình”; Tính biểu tượng (The Signature): “Khách sạn phản ảnh một vũ trụ đầy thẩm mỹ, cùng một phong cách sáng tạo mang dấu ấn cá nhân sáng tạo hoặc trang trí cho việc tạo ra nó”; Sự yên bình/ thanh thản (Senerity): “Khách sạn là kho báu được giấu kín trong môi trường tự nhiên hoặc đô thị”; Trải nghiệm nghệ thuật (Art Experience): Khách sạn như là người yêu nghệ thuật ở mọi khía cạnh biểu thức, là một phòng trưng bày nghệ thuật đa địa điểm, giới thiệu các tác phẩm và hỗ trợ biểu đạt nghệ thuật” (5).
Bộ tiêu chuẩn quy định yếu tố thiết kế và trang trí nghệ thuật gồm có: Brand DNA (Brand Deoxyribonucleic Acid - Bản chất và giá trị cốt lõi của thương hiệu); Nhận diện thương hiệu (Brand Identifiers); Đồ nội thất (Furniture); Nghệ thuật chiếu sáng (Lighting); Bảng màu sắc (Color Palettes); Cấu trúc bề mặt (Texture); Chi tiết trang trí (Decorative Details); Đồ họa (Graphics); Bảng chỉ dẫn/ Bảng hiệu (Signage); Hoa (Flowers); Tác phẩm mỹ thuật và Đồ trang trí (Arts & Decorations) (6). Nhóm đặc điểm nhận diện này được triển khai quy định cụ thể vào từng không gian: Ngoại thất; Cổng chào; Sảnh đón tiếp; Quầy Bar; Lounge; Khối Nhà hàng và Café; Phòng họp; Phòng hội nghị lớn; Phòng tập thể dục; Spa; Khu vui chơi và giải trí; Hồ bơi; Cảnh quan; Vệ sinh công cộng; Hành lang giao thông; Cửa hàng lưu niệm; Khối ngủ; Phòng tắm.
4. Yếu tố nghệ thuật, nghệ thuật tạo hình trong nội thất
Trong tài liệu Mỹ thuật học của tác giả Nguyễn Xuân Tiên đã tổng hợp những khái niệm và phân loại một cách cơ bản và hệ thống nhất về nghệ thuật, từ đó kiến trúc và mỹ thuật ứng dụng (trong đó có Nghệ thuật trang trí trong nội thất, Thiết kế và Trang trí đồ mỹ nghệ) là nghệ thuật của không gian, sử dụng nguyên lý thị giác và nghệ thuật tạo hình để tạo ra giá trị thực dụng cho nghệ thuật.
“Phương tiện của nghệ thuật tạo hình là đường nét, màu sắc (hội họa), hình khối (điêu khắc, kiến trúc)”, những “phương tiện này thể hiện bằng đường nét, sáng tối, màu sắc, hình khối”. Đặc trưng của nghệ thuật tạo hình đều có “quan hệ đến sự thụ cảm bằng thị giác, sử dụng các hình tượng từ thế giới đưa lên mặt phẳng hoặc không gian” (7). “Nằm trong nghệ thuật tạo hình có cả kiến trúc và nghệ thuật ứng dụng”, tuy nhiên hai yếu tố “kiến trúc và nghệ thuật ứng dụng (trong nội thất) khác với hội họa, đồ họa, điêu khắc ở chỗ chúng cần được tái tạo một cách trực tiếp và chặt chẽ với thực tế” (8). Ngược lại, trong không gian kiến trúc và nội thất, các yếu tố tạo hình và nghệ thuật tạo hình cũng được sử dụng để trang trí cho không gian. Các yếu tố cơ bản của nghệ thuật tạo hình gồm có:
Yếu tố ngôn ngữ: “Dùng biểu tượng thị giác trong sáng tạo mỹ thuật”, là kết quả “tư duy nghệ thuật sử dụng hình ảnh được biểu hiện bằng biểu tượng thị giác qua ngôn ngữ hình khối, màu sắc, đường nét, chất liệu, sắc độ” (9). Từ đó khái niệm “biểu tượng” được diễn giải bằng các hình thức đa dạng, mang tính vật thể và phi vật thể, có tính ước lệ để gợi sự liên tưởng hoặc gây cảm xúc mạnh hơn.
Yếu tố thẩm mỹ: “Tiêu chuẩn đẹp trong tác thẩm nghệ thuật tạo hình”, cũng là tiêu chuẩn đẹp trong không gian kiến trúc và nội thất. Yếu tố thẩm mỹ đạt được dựa trên các yếu tố: Bố cục (sự sắp xếp, phương pháp xếp đặt hình khối, đường nét, màu sắc, mảng miếng trên mặt phẳng và trong không gian); Hình và tỷ lệ (là ngôn ngữ tạo hình để tạo nên bố cục), tỷ lệ điều tiết sự cân đối, hài hòa cho tổng thể tác phẩm hoặc không gian, gây cảm giác chiều sâu, tỷ lệ giữa con người và không gian, con người với tác phẩm cũng đảm bảo cho yếu tố thẩm mỹ.
Yếu tố nội dung: “Tiêu chuẩn về nội dung tư tưởng, chân thực về mặt đời sống, hoàn mỹ về mặt nghệ thuật” (10).
5. Yếu tố nghệ thuật trang trí trong nội thất
Theo Từ điển Thuật ngữ Mỹ thuật phổ thông, “Trang trí là nghệ thuật làm đẹp, phục vụ cho đời sống vật chất và tinh thần của con người. Nhờ những yếu tố trang trí, các vật dụng vừa có giá trị thẩm mỹ vừa nâng cao được giá trị sử dụng, vì vậy, trang trí nằm trong nghệ thuật ứng dụng” (11), “Nghệ thuật trang trí là thêm phần trang trí cho một đồ vật đã làm xong để làm tăng thêm vẻ đẹp cho đồ vật đó” (12). Không gian nội thất còn được trang trí bằng đồ mỹ nghệ như: đồ gốm, đồ thủy tinh, đồ chạm trổ nghệ thuật, đồ mỹ nghệ kim loại, đồ gỗ, đồ thêu dệt, vải, len, đan, ren và những dòng sản phẩm mỹ hiện hiện đại mới.
Những biểu hiện và nguyên tắc/ quy luật của nghệ thuật trang trí trong không gian kiến trúc nội thất, nền tảng nhận diện các yếu tố này đều phụ thuộc vào “hình dạng không gian (Space Form) nội thất” (13), gồm có:
Đường nét: là yếu tố cơ bản có tính liên tục để phát triển từ điểm thành bề mặt cho đến cả hình khối. Đường nét giúp biểu đạt hình dạng hiện hữu và hình dạng ảo cho không gian.
Mặt phẳng: là các yếu tố được trang trí trên tất cả các biểu hiện mặt phẳng trong không gian (sàn, tường, trần, vách và mọi hình đối, đồ đạc trong không gian).
Hình khối: là biểu hiện liên quan trực tiếp đến hình dạng tổng thể không gian và hình dạng mọi thành tố trong không gian, quyết định lớn đến giá trị sử dụng không gian và cảm xúc trải nghiệm không gian. Từ hình khối sẽ biểu hiện thành các hình dạng đặc biệt của mọi đối tượng trong không gian.
Hoa văn/ họa tiết: là biểu hiện trên bề mặt hoặc có thể được tạo nên bởi hình khối, ánh sáng.
Vật liệu/ chất liệu: là biểu hiện thị giác thẩm mỹ và đặc tính công năng của nhiều đối tượng trong không gian nội thất. Sự kết hợp hoặc xử lý chất liệu có thể tạo nên những biểu hiện đa dạng cho thẩm mỹ không gian.
Cấu trúc bề mặt: liên quan đến hình dạng, vật liệu bề mặt và bên trong, cấu trúc của bề mặt mọi đối tượng trong không gian.
Màu sắc: có giá trị đi đến thị giác đầu tiên, biểu đạt tính thẩm mỹ và có công năng, tác động tâm lý, tinh thần người sử dụng.
Ánh sáng/ chiếu sáng: Cách thức khai thác nguồn sáng tự nhiên và phương pháp dùng chiếu sáng nhân tạo nâng cao giá trị thẩm mỹ và công năng cho không gian.
Các nguyên tắc và quy luật thiết kế - trang trí cơ bản trong không gian nội thất:
Tỷ lệ (scale): thể hiện ở hai khía cạnh “tỷ lệ của bản vẽ thiết kế hình thành nên không gian” và biểu hiện thứ hai là “tỷ lệ của con người đặt trong tỷ lệ của các đối tượng trong không gian” (14).
Sự hài hòa, cân đối (proportion): đề cập đến “kích thước các thành phần không gian tương quan trong tổng thể, được cân đo bằng con mắt người sử dụng” cùng nguyên tắc hình thành “tỷ lệ vàng” (15). Từ đó hình thành nên Sự cân bằng (balance) giữa mọi biểu hiện thị giác của các đối tượng trong không gian, gồm có sự cân bằng đối xứng và sự cân bằng không đối xứng.
Tầm nhìn/ góc nhìn (vista): đề cập “tầm nhìn và thụ hưởng góc nhìn từ các vị trí trong không gian nội thất với các không gian nội thất kề cận và không gian bên ngoài, quyết định giá trị thẩm mỹ của không gian” (16).
Sự chuyển động (movement): sự kết nối và chuyển động của hình dạng không gian thông qua hình khối, kết cấu, nhịp điệu và cách sử dụng vật liệu (17).
Sự chuyển tiếp (transition): cách thức kết nối và chuyển tiếp giữa hai không gian hoặc hai đối tượng trang trí trong không gian (18).
Sự thống nhất và đa dạng (unity and diversity): sự đồng dạng và đồng bộ về ngôn ngữ tạo hình trong không gian tạo nên sự thống nhất, sự khác biệt về hình dáng, trật tự, tỷ lệ và bề mặt tạo nên sự đa dạng. Sự đa dạng có thể tạo nên xu hướng Maximalism (Chi tiết và Đa dạng).
Nhịp điệu (rhythm): sự lặp lại hoặc chuyển động, chuyển tiếp của các đối tượng có thể tạo nên nhịp điệu về vật chất và nhịp điệu tinh thần trong không gian.
Sự nhấn mạnh/ điểm nhấn (emphasis): mọi không gian đều có các đối tượng chính và phụ, thông qua tổ chức các thành tố không gian giúp xác định các vị trí trung tâm, điểm nhấn hoặc dẫn dắt về trọng tâm.
6. Khái quát biểu hiện của nghệ thuật trang trí trong nội thất khách sạn 5 sao
Câu chuyện của khách sạn: đây là mục tiêu đầu tiên và xuyên suốt trong toàn bộ giải pháp thiết kế, trang trí nội thất cho khách sạn. Câu chuyện thường dựa trên tính cách, bản sắc, không khí nhận diện chính, bản chất và giá trị cốt lõi của thương hiệu. Câu chuyện có thể được khai thác từ yếu tố tự nhiên, bản địa, văn hóa, lịch sử, nghệ thuật hay bất kỳ các xu hướng đặc biệt nào, được xem là “Ý tưởng chủ đạo tổng thể” (Master Concept) của toàn bộ dự án, quyết định nội dung, dịch vụ, công năng và phong cách, hình thức, tính nghệ thuật của không gian. Câu chuyện được kể bằng nghệ thuật trang trí không gian, có tính hình tượng, có nội dung và ý nghĩa tinh thần.
Không gian và hình dạng không gian kiến trúc nội thất: chứa đựng tất cả mọi thành phần thẩm mỹ và công năng của không gian, có liên quan đến tổ hợp mặt bằng chức năng, dây chuyền công năng và giao thông tiếp cận, định hướng tầm nhìn với ngoại thất, chứa đựng nội dung, tính hình tượng, tính biểu tượng và tính nghệ thuật. Không gian kiến trúc quy định không gian nội thất và ngược lại. Không gian và hình dạng không gian còn “tự thân được trang trí nghệ thuật”.
Bố cục không gian, bố cục sắp đặt: bố cục các nhóm chức năng, luồng giao thông, bố cục hình khối, tính chất đặc rỗng, bố cục của đồ đạc - trang thiết bị, mọi yếu tố có biểu hiện chiếm hữu không gian và thị giác. Tất cả được tổ hợp và biến hóa từ các nguyên tắc thống nhất, đa dạng, nhịp điệu, chuyển động, chuyển tiếp, hài hòa - cân bằng - cân đối, điểm nhấn chính phụ.
Vật liệu và cấu trúc bề mặt: dựa trên phong cách và chức năng, dịch vụ của khách sạn, các dòng vật liệu từ truyền thống đến hiện đại, từ thô mộc đến bóng bẩy, được sử dụng nguyên bản hoặc pha trộn, kết hợp với nhau để tạo nên giá trị thẩm mỹ cho không gian.
Màu sắc: được thiết kế theo phong cách chủ đạo chung, có sự thay đổi cường độ và sắc độ tùy theo từng không gian công cộng, chăm sóc sức khỏe, giải trí, ăn uống, làm việc và ngủ. Màu sắc có tính liệu pháp khoa học và phù hợp tâm lý, nhu cầu người sử dụng.
Hoa văn/ họa tiết: có liên quan đến vật liệu, cấu trúc bề mặt, màu sắc, ánh sáng. Biểu hiện của hoa văn phụ thuộc vào câu chuyện và phong cách thiết kế của dự án, mang tính thẩm mỹ trang trí cao.
Chi tiết trang trí: chi tiết có thể xuất hiện trong tất cả mọi thành tố của không gian, có biểu hiện hình khối, cấu trúc bề mặt, khắc âm hoặc đắp nổi, đường nét, hoa văn, bố cục và trật tự sắp xếp. Chi tiết trang trí được tính là các yếu tố gắn kết trực tiếp vào các bề mặt, diện phẳng và hình khối của không gian và đồ đạc nội thất. Những khách sạn nghệ thuật (Art Hotel) có xu hướng đẩy mạnh yếu tố này.
Đồ đạc - Trang thiết bị: đây là thành phần quan trọng đáp ứng tính công năng, tiện nghi, tiện ích, dịch vụ và thẩm mỹ cho không gian, gồm có: bàn ghế, tủ kệ, giường, thiết bị, máy móc, sản phẩm công nghệ. Đồ đạc được thiết kế theo chuẩn công thái học, theo tiêu chuẩn sử dụng, bảo trì và vận hành của khách sạn.
Tác phẩm mỹ thuật: gồm các tác phẩm hội họa, điêu khắc, đồ họa, sắp đặt được trưng bày đơn lẻ hoặc theo các bộ sưu tập. Nhiều khách sạn trở thành một phòng trưng bày nghệ thuật đa địa điểm, giới thiệu các tác phẩm và hỗ trợ biểu đạt nghệ thuật. Các tác phẩm có thể được sưu tầm, bán, trưng bày cố định hoặc ngắn hạn theo các hoạt động nghệ thuật chủ điểm.
Đồ trang trí: có biểu hiện đa dạng ở thể loại, chất liệu, kích thước, quy mô, số lượng, chủ đề tư tưởng, tác giả, nguồn gốc và cách thức bài trí, thường bao gồm: đồ mỹ nghệ, đồ thủy tinh, đồ gốm sứ, đồ kim loại, đồ gỗ, đồ dệt, vải, thảm, trang sức, đồng hồ, đèn trang trí, thảm, các bộ sưu tập có tính lịch sử, văn hóa, kỷ vật và đồ mô phỏng, bản sao của một số hiện vật… Tùy vào phong cách, câu chuyện của khách sạn mà đồ trang trí được bài trí phù hợp. Ngoài ra, yếu tố an toàn và tiện ích cho người sử dụng cũng như bảo trì, dọn dẹp cho nhân viên được đặt lên hàng đầu.
Ánh sáng chiếu sáng: bao gồm giải pháp khai thác nguồn sáng tự nhiên ban ngày và ban đêm, kỹ thuật và nghệ thuật chiếu sáng nhân tạo. Thiết bị chiếu sáng và công nghệ chiếu sáng được vận dụng để tạo ra hiệu quả ánh sáng giúp nâng cao câu chuyện thiết kế, tính thẩm mỹ của bề mặt, hình khối, tạo hiệu ứng chiều sâu, chiều rộng và sự chuyển động của không gian, thời gian trong nội thất. Ánh sáng công năng và ánh sáng trang trí được sử dụng phù hợp.
7. Kết luận
Khi thưởng thức không gian nội thất, luôn cần chú ý tới “giá trị thẩm mỹ và giá trị sử dụng. Thưởng thức một không gian kiến trúc là thưởng thức tổng thể các khía cạnh như: sự chiếm lĩnh hợp lý của công trình, có thể là hình khối không gian, quy mô và tỷ lệ, hình tượng…” (19). Một điều chắc chắn, nghệ thuật trang trí sẽ luôn lấy cái đẹp làm cơ bản và trung tâm, tính hình tượng và câu chuyện thiết kế sẽ diễn giải thêm dấu ấn thương hiệu, tính thời đại. Yếu tố công năng luôn song hành nhưng được tách rời trong định hướng của bài viết này.
Những câu hỏi được đặt ra đã phần nào có lời giải đáp, sự tổng hợp các tư liệu khoa học và thực tiễn đã giúp hình thành cơ bản 11 biểu hiện của nghệ thuật trang trí trong không gian nội thất khách sạn 5 sao. Dựa trên hệ thống này, khi kết hợp định hướng của thương hiệu khách sạn, các nguyên lý thiết kế kiến trúc nội thất và quy luật sáng tạo đa chiều, cùng cách tổ hợp khác biệt mang dấu ấn cá nhân người thiết kế sẽ cho ra đời nhiều phiên bản đa dạng về hình thức biểu hiện, phong cách, đặc trưng thẩm mỹ và giá trị nghệ thuật của một công trình khách sạn.
____________________
1, 2, 3. Tổng cục Du lịch, Bộ VHTTDL, Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 4391:2015 Khách sạn - Xếp hạng (Hotel - Classification), Bộ Khoa học và Công nghệ, Hà Nội, 2015. tr.5, 9, 15.
4, 5. MGalley, Product Guidelines Asia Pacific (Hướng dẫn thiết kế sản phẩm khu vực châu Á Thái Bình Dương), Accor Group, Paris, France, 2016, tr.16, 15.
6. MGalley, Mgallery Atmospheres (Bầu không khí của MGallery), Design & Technical Service Asia Pacific, Accor Group, Paris, France, 2017.
7, 8, 9, 10. Nguyễn Xuân Tiên, Mỹ thuật học, Nxb Thông tin và Truyền thông, Hà Nội, 2014, tr.46, 46, 47, 51.
11, 12. Đặng Bích Ngân (chủ biên), Nguyễn Duy Lẫm, Nguyễn Thế Hùng, Từ điển mỹ thuật phổ thông, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội, 2012, tr.134, 108.
13, 14, 15, 16, 17, 18. Simon Dodsworth, The Fundamentals of Interior Design (Những nền tảng của Thiết kế Nội thất), AVA Publishing SA, Singapore, 2009, tr.15, 25, 29, 31, 34, 37.
19. Đỗ Văn Khang, Nghệ thuật học, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2001, tr.167.
Tài liệu tham khảo
1. Võ Thị Thu Thủy, Những vấn đề về Nguyên lý Thiết kế Nội thất, Nxb Xây dựng, Hà Nội, 2019.
2. Tạ Trường Xuân, Nguyên lý thiết kế khách sạn, Nxb Xây dựng, Hà Nội, 2011.
3. John Coles, Naomi House, The Fundamentals of Interior Architecture (Những nền tảng của Kiến trúc Nội thất), AVA Publishing SA, Singapore, 2007.
4. Richard H. Penner, Lawrence Adams, Walter Rules, Hotel Design, Planning and Development (Thiết kế, Lập kế hoạch và Phát triểnKhách sạn), Taylor & Francis, UK, 2013.
5. Wucios Wong, Principles of Form and Design (Những nguyên tắc của hình khối và thiết kế), John Wiley & Sons, USA, 1995.
Ths NGUYỄN HỮU VINH
Nguồn: Tạp chí VHNT số 548, tháng 10-2023