Nét đặc trưng canh tác vùng Đồng bằng sông Cửu Long phản ánh qua thiết kế đồ họa bao bì - Nguồn: Tác giả
1. Khái quát vai trò của thiết kế đồ họa bao bì sản phẩm hàng hóa
Bao bì là vật dụng dùng để chứa đựng, bảo vệ sản Jphẩm từ nhà sản xuất đến tay người tiêu dùng; đồng thời, phản ánh các đặc tính, giá trị của sản phẩm cũng như là một trong những điểm tiếp xúc giúp người tiêu dùng có thể nhận biết thương hiệu một cách nhanh chóng. Chính vì vậy, bao bì luôn được nghiên cứu, thiết kế không chỉ đáp ứng yêu cầu của nhà sản xuất mà còn đáp ứng nhu cầu thị trường; đồng thời, biểu đạt các giá trị thẩm mỹ và thông điệp từ sản phẩm của thương hiệu. Dưới góc độ nghệ thuật, thiết kế đồ họa bao bì được hình thành bởi các yếu tố màu sắc, hình ảnh, kiểu chữ... giúp biểu đạt cảm xúc nghệ thuật thông qua ngôn ngữ tạo hình hướng đến khách hàng.
Các biểu hiện thiết kế đồ họa bao bì không chỉ làm nổi bật sản phẩm trên quầy hàng mà còn có nhiệm vụ kết nối nội dung thông tin mô tả trên bao bì sản phẩm, gợi sự liên tưởng đến sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ, các giá trị văn hóa địa phương mà sản phẩm mang lại để tạo nên những dấu hiệu nhận biết riêng cho thương hiệu.
Với mong muốn luôn đổi khác với vẻ ngoài năng động, phù hợp nền kinh tế thị trường, ngành sản xuất và thiết kế bao bì ở Việt Nam ngày càng chú trọng thiết kế nhằm đáp ứng nhu cầu và thị hiếu thẩm mỹ của người tiêu dùng, bởi “Thiết kế bao bì tiết lộ và phản ánh các giá trị văn hóa của thị trường, nơi tập trung những cá nhân có nền tảng văn hóa và hệ giá trị khác biệt, nên thiết kế đồ họa bao bì buộc phải mang chức năng của một công cụ truyền thông đậm tính thẩm mỹ đối với cộng đồng khách hàng đa dạng” (1).
Vì vậy, khi nghiên cứu thiết kế bao bì cho sản phẩm gạo cũng cần được xem đó là một sản phẩm phục vụ đời sống vật chất cho con người, nhưng cũng là sản phẩm cần được thiết kế mang tính nghệ thuật.
2. Xây dựng biểu tượng văn hóa qua ý tưởng thiết kế đồ họa bao bì sản phẩm gạo ở Việt Nam
Khai thác đặc điểm địa lý và phương thức canh tác của từng vùng miền, địa phương
Mỗi vùng miền trồng lúa gạo ở Việt Nam đều có những sản phẩm mang tính chất đặc trưng riêng, được tạo nên bởi những đặc thù địa lý, phương thức canh tác sản xuất riêng biệt của vùng miền đó về khí hậu, thổ nhưỡng nhằm tạo ra những thương hiệu gắn liền với địa phương, khu vực. Ví như, gạo Séng Cù Mường Khương, là một đặc sản của vùng núi Tây Bắc Việt Nam với hạt gạo đặc biệt thơm ngon và dẻo. Gạo Séng Cù được trồng ở các thung lũng miền núi cao (Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái…) nơi hạt gạo được trồng trên đất đồi và tưới bằng nước suối vùng cao nên hạt gạo thơm ngon và mang hương vị đặc trưng, khi xay xát gạo có màu xanh non như cốm, hạt đều, dài và có mùi hương đặc trưng. Đây chính là điểm đặc biệt của gạo Séng Cù Mường Khương so với các loại gạo khác. Vì vậy, mẫu thiết kế bao bì gạo Séng Cù Mường Khương được lấy ý tưởng từ vùng đất nông nghiệp đặc trưng của miền Tây Bắc, nơi lúa được gieo trồng trên các thửa ruộng bậc thang và được chăm sóc bởi những người nông dân trong cộng đồng các dân tộc vùng cao Tây Bắc. Thiết kế bao bì sử dụng màu sắc là màu xanh của núi rừng của cảnh vật thiên nhiên vùng cao và màu vàng của những thửa ruộng bậc thang đang vào mùa thu hoạch, đan xen với hình ảnh người phụ nữ Dao Đỏ đang ngắm nhìn thành quả lao động là những thửa ruộng bội thu mùa lúa chín. Thiết kế bao bì gạo Séng Cù Mường Khương đại diện cho xuất xứ và nét đẹp lao động trong văn hóa cộng đồng người Việt Nam vùng cao Tây Bắc.
Đặc trưng canh tác địa phương cũng được bộc lộ đầy thú vị qua thiết kế đồ họa bao bì gạo mang thương hiệu Sức sống Mekong của Tập đoàn Lộc Trời. Đây là sản phẩm mới được sản xuất từ giống lúa mùa nổi đặc sắc của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và được trồng theo phương pháp truyền thống, thuận tự nhiên, không dùng phân bón và thuốc trừ sâu. Lúa mùa là loại lúa truyền thống được người dân Đồng bằng sông Cửu Long gieo trồng từ trước những năm 1985. Với đặc tính nước lũ đến đâu, cây lúa vươn lóng lên khỏi mặt nước đến đấy, vậy nên, đây là loại cây lương thực được người dân vùng lũ khá ưa chuộng và được gọi là “lúa mùa nổi”. Đặc điểm của loại hình canh tác này là được diễn ra trong mùa lũ. Đây là mô hình canh tác hoàn toàn tự nhiên, tốt cho môi trường sinh thái và an toàn với người tiêu dùng. Câu chuyện về sản phẩm được khắc họa thông qua thiết kế đồ họa bao bì gạo đầy thú vị. Trên bao bì sản phẩm, hình vẽ minh họa khắc họa toàn cảnh quá trình thu hoạch lúa mùa của bà con nông dân vùng lũ. Phía xa là hình ảnh mặt trời đang ló rạng, trung cảnh là hình ảnh cánh đồng lúa chín vàng thời kỳ thu hoạch, điểm nhấn tập trung ở hình ảnh người nông dân chèo ghe thu hoạch lúa mùa giữa một vùng nước mênh mông rộng lớn, màu sắc như hòa quyện giữa sông nước và bầu trời để tôn lên điểm nhấn là ánh sáng buổi bình minh và hình ảnh người nông dân hăng say lao động trong cảnh sắc vụ mùa bội thu.
Dưới góc độ văn hóa, những mẫu thiết kế đồ họa bao bì gạo giúp lan tỏa các đặc điểm văn hóa vùng miền, địa phương, quốc gia. Mỗi thiết kế là một câu chuyện kể về sản phẩm, về một vùng văn hóa mang những nét đặc trưng của nền nông nghiệp Việt Nam.
Sử dụng hình tượng người nông dân
Hình tượng người nông dân luôn gắn với lịch sử của nền nông nghiệp, nền văn minh lúa nước của Việt Nam. Hình tượng người nông dân Việt Nam được khai thác và thể hiện qua nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau. Trong thiết kế đồ họa sản phẩm gạo Hoa nắng là thương hiệu gạo Việt Nam được ra đời với sứ mệnh mang sản phẩm gạo chất lượng, đẳng cấp đến tay người tiêu dùng. Sự sáng tạo đã thể hiện ngay từ bao bì, Hoa nắng đang thổi một làn gió mới, độc đáo vào thiết kế đồ họa bao bì gạo Việt Nam. Bằng cách chọn một tông màu vàng nhạt, mộc mạc bình dị cùng cách thức sử dụng hình vẽ minh họa là người nông dân Việt Nam ôm bó lúa với nụ cười trên môi, phía sau là bối cảnh lao động và hình ảnh ruộng lúa tạo nên một bức tranh sinh động về mùa màng bội thu. Sản phẩm gạo Hoa nắng đã tạo nên một bức tranh bình dị về con người và khung cảnh hăng say lao động của người nông dân Việt Nam, chăm chỉ để cho ra những hạt gạo ngon, làm cho mẫu bao bì có tính thẩm mỹ nhưng ẩn sâu bên trong là nét đặc trưng lao động sản xuất đầy thú vị.
Sử dụng hình tượng người phụ nữ
Trong đời sống của người Việt Nam, phụ nữ được coi là người nội trợ gia đình, người chăm lo từng miếng ăn, giấc ngủ cho các thành viên trong gia đình. Những phẩm chất tốt đẹp đó đã trở thành một phần trong tính cách của người phụ nữ Việt Nam. Hình tượng người phụ nữ luôn được khai thác trong các thiết kế đồ họa bao bì gạo Việt rất tiêu biểu. Những hình ảnh tảo tần, chịu thương chịu khó ấy còn toát lên qua thiết kế đồ họa bao bì gạo lứt đỏ Đan Mễ của thương hiệu gạo Mường dưới góc nhìn dung dị. Gạo lứt đỏ Đan Mễ là giống gạo đỏ bản địa của vùng đất Noong Hẹt - Điện Biên được bà con nông dân canh tác lâu đời trên những thửa ruộng bậc thang. Thứ gạo này được ưa chuộng không chỉ bởi hương vị mà còn bởi những hạt gạo tròn, lớp vỏ màu đỏ nâu và trắng ngà xen lẫn, có chứa nhiều thành phần dinh dưỡng tốt cho sức khỏe. Vì thế, những người thiết kế đồ họa đã tạo hình trên bao bì gạo một bức tranh đầy màu sắc, bằng hình vẽ minh họa thiết kế để khắc họa hình ảnh người phụ nữ dân tộc đang địu con nhỏ trên lưng nhưng vẫn miệt mài lao động trên những thửa ruộng bậc thang, gương mặt của em bé đang say ngủ trên lưng mẹ càng làm toát lên sự tảo tần, đảm đang của người phụ nữ. Cùng với cách phối màu tươi vui, rực rỡ, thiết kế đồ họa bao bì đã khắc họa nên một bức tranh lao động của người phụ nữ dân tộc vùng núi phía Bắc đậm chất Việt Nam.
Sử dụng hình ảnh nét đẹp trong văn hóa truyền thống Việt Nam
Văn hóa Việt Nam đề cao tính gắn kết cộng đồng, nên hình ảnh bữa cơm gia đình đã trở thành một nét truyền thống tốt đẹp và được xem là biểu tượng của sự sum họp, đoàn viên, sự kết nối gần gũi giữa các thế hệ. Hiểu được văn hóa truyền thống của người Việt là luôn đề cao những giá trị truyền thống, tình cảm gia đình, bữa cơm gia đình, là sự vui vẻ đầm ấm, sum họp quây quần bên nhau sau một ngày bận rộn, thương hiệu Vua gạo đã cho ra mắt dòng sản phẩm Gạo ST24 với thông điệp “Ngon hơn, trọn vị hơn”. Trên bề mặt bao bì đó, các yếu tố thiết kế ngoài việc thể hiện vị ngon của sản phẩm, nhà sản xuất muốn nhấn mạnh đến sự trọn vẹn trong tình cảm gia đình khi bên nhau trong bữa cơm, đấy là vị của tình thân, vị của hạnh phúc. Thiết kế đồ họa bao bì gạo sử dụng hình ảnh minh họa cảnh bữa cơm gia đình với ba thế hệ: ông bà, bố mẹ, con cái quây quần bên nhau với những nụ cười nở trên môi. Hình ảnh trên bao bì như nhắc nhở về truyền thống, sự sum họp của mỗi gia đình người Việt.
Bên cạnh các nét văn hóa truyền thống biểu hiện tình cảm gia đình, các đức tính được thể hiện qua tư tưởng nho giáo trong đời sống của người Việt xưa cũng là một nét đẹp được khắc họa trên thiết kế đồ họa bao bì gạo.
Để thể hiện sự tri ân cũng như uy tín chất lượng của thương hiệu, với ý tưởng khai thác giá trị tư tưởng Nho giáo thông qua thiết kế đồ họa bao bì gạo, mẫu thiết kế bao bì gạo Lộc Nhân, Lộc Nghĩa, Lộc Tín cũng đã tạo ra nhân vật minh họa là hạt gạo làm trọng tâm và truyền tải cá tính, giá trị của thương hiệu thông qua những câu chuyện xung quanh hạt gạo. Những câu chuyện được truyền tải qua các hình ảnh trên bao bì như nhắc nhở những đức tính tốt đẹp của mỗi con người Việt Nam cần chuẩn mực về đạo đức trong đời sống của người Việt và lối sống quý báu đó được lan tỏa trong các mẫu thiết kế bao bì gạo: Lộc Nhân, Lộc Nghĩa, Lộc Tín. Qua hình vẽ minh họa bằng cách xây dựng hình tượng nhân vật là những hạt gạo, được nhân cách hóa có nét tính cách của con người, câu chuyện mà những hạt gạo thể hiện trên bao bì trong cảnh giao thương, trong lễ nghi với người lớn tuổi hay trong mối quan hệ chan hòa giữa con người với con người, những giá trị tư tưởng, những đức tính tốt đẹp trong đời sống của người Việt được khắc họa hiện hữu trên bao bì gạo, như nhắc nhở mỗi chúng ta luôn giữ gìn phẩm chất và phát huy đức tính tốt đẹp đó. Cách đối nhân xử thế, kính trên nhường dưới, yêu thương đùm bọc, giúp đỡ mọi người, hay luôn coi trọng lòng tin của mọi người, đó không chỉ là những đức tính cần thiết mà còn là một sợi dây liên kết con người với nhau. Dù trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, giá trị nhân văn qua tư tưởng Nho giáo không mất đi, trái lại, nó vẫn hiện hữu trong xã hội hiện đại thông qua các sản phẩm thiết kế phát triển cùng với sự phát triển của văn hóa dân tộc.
3. Giá trị văn hóa nghệ thuật trong thiết kế đồ họa bao bì gạo ở Việt Nam
Các giá trị văn hóa nghệ thuật được truyền tải trong thiết kế trên bao bì gạo có tác động rất lớn đến nhận thức của khách hàng về hình ảnh sản phẩm. Điều này vừa là động lực, vừa là thách thức với các nhà thiết kế khi phải nghiên cứu sự tương đồng và khác biệt về văn hóa, xu hướng hay các giá trị tâm lý, khi sử dụng các yếu tố đồ họa để truyền tải vào thiết kế. Những thiết kế bao bì gạo mang nét đặc trưng vùng miền, bản địa là yếu tố quan trọng tạo nên sức cạnh tranh và dấu ấn riêng cho thương hiệu sản phẩm và doanh nghiệp nhất là khi Việt Nam đang mở cửa với thế giới, đòi hỏi ở thị trường những sản phẩm có chất lượng, có dấu ấn riêng và tính thẩm mỹ cao. Việc đầu tư vào thiết kế mang bản sắc Việt giúp gia tăng nhận diện thương hiệu và giá trị của sản phẩm, cũng như giá trị tiêu dùng của sản phẩm tạo dấu ấn nhận diện giúp thương hiệu sản phẩm Việt Nam có lợi thế riêng.
Khai thác giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống trong thiết kế đồ họa bao bì sản phẩm gạo là thể hiện phong tục tập quán, canh tác, điều kiện địa lý, con người, đặc tính vùng miền, quy trình sản xuất địa phương một cách chắt lọc.
Qua các yếu tố đồ họa như màu sắc, mảng nét, tạo hình nhân vật minh họa, hình ảnh minh họa trên bao bì gạo, nhằm tạo nên những sản phẩm thiết kế hiện đại nhưng vẫn chứa đựng trong nó các đặc trưng văn hóa vùng, mang tính địa phương, là dấu ấn đặc trưng riêng của từng vùng miền, từng quốc gia. Các thiết kế bao bì gạo luôn được nghiên cứu để thu hút thị giác của người tiêu dùng và truyền tải giá trị văn hóa và thời đại. Theo khảo sát cho thấy: 88% số người được hỏi, cho rằng, văn hóa vùng miền có ảnh hưởng đến thiết kế đồ họa bao bì gạo và 42,7 % người khảo sát quan tâm đến các giá trị văn hóa vùng miền trong thiết kế (2). Như vậy, để thấy rằng khi thiết kế bao bì, cần cân nhắc đến những yếu tố biểu thị văn hóa vùng trong thiết kế và nhận diện thương hiệu cho sản phẩm.
4. Kết luận
Thiết kế đồ họa bao bì sản phẩm là phương tiện truyền thông bằng thị giác, có tác dụng trong việc tác động vào tư duy, tâm - sinh lý của người tiêu dùng, ưu thế của sự tác động đó là dựa trên tiêu chí của cái đẹp, bằng ngôn ngữ của màu sắc, hình ảnh, của thông điệp truyền thông. Chúng thường tạo nên một sự lôi cuốn, một sự ấn tượng và gây nên một cảm xúc mạnh mẽ. Thiết kế đồ họa bao bì gạo là một sản phẩm thiết kế mới được chú trọng, tuy nhiên các mẫu thiết kế đồ họa bao bì gạo đã dần khẳng định được vị thế cũng như tính thẩm mỹ đặc thù trong dòng chảy của mỹ thuật ứng dụng tại Việt Nam. Các biểu hiện thẩm mỹ truyền tải các nét đặc trưng văn hóa vùng miền trong thiết kế bao bì gạo được tiếp cận dưới góc nhìn của đồ họa hiện đại, giúp người tiêu dùng hiểu hơn về văn hóa của từng vùng miền, đồng thời là yếu tố quan trọng tạo nên sức cạnh tranh và dấu ấn riêng cho các thương hiệu gạo Việt Nam. Các thiết kế đồ họa bao bì gạo không chỉ đơn thuần tập trung vào nhận biết và phân biệt sản phẩm, cao hơn còn là để truyền tải một thông điệp, một giá trị tinh thần và đặc trưng văn hóa giúp thương hiệu sản phẩm có dấu ấn riêng biệt, có sức hút mạnh mẽ và lan tỏa các giá trị văn hóa nghệ thuật đến cộng đồng.
_____________________
1. Klimchuck, Marianne Rosner và Krasovec, Sandrra A., Thiết kế đồ họa bao bì từ ý tưởng đến sản phẩm, Nxb Bách khoa Hà Nội, 2021, tr.41.
2. Nguyễn Cẩm Ly, Khảo sát mẫu thiết kế bao bì sản phẩm tại các tỉnh Tây Bắc, Việt Nam, Tài liệu khảo sát ngày 24-5-2023, tr.15.
Tài liệu tham khảo
1. Huỳnh Công Bá, Đặc trưng và sắc thái văn hóa vùng - tiểu vùng ở Việt Nam, Nxb Thuận Hóa, Huế, 2019.
2. Nguyễn Thị Hợp, Bao bì - Hồn của sản phẩm, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội, 2008.
3. Lê Thị Thanh Giao, Các yếu tố ảnh hưởng đến sự hình thành sắc thái các vùng văn hóa ở Việt Nam, Hội nghị thông báo văn hóa 2020, Viện nghiên cứu Văn hóa - Viện Hàn lâm KHXH, 2020, tr.10.
4. Nguyễn Mạnh Khải, Giáo trình bao gói nông sản thực phẩm, Nxb Nông nghiệp, Hà Nội, 2008.
5. Lana, Robin, Designing Brand Experiences (Thiết kế trải nghiệm thương hiệu), Nxb Bách khoa Hà Nội, 2022.
6. Nguyễn Quốc Thịnh, Nguyễn Thành Trung, Thương hiệu với nhà quản lý, Nxb Lao động Xã hội, Hà Nội, 2012.
7. Ambrose, Gavin & Harris, Paul, The Fundamentals of Creative Design (Những nguyên tắc cơ bản trong thiết kế sáng tạo), AVA Publishing, Canada, 2023.
8. Ambrose, Gavin & Harris, Paul, Packagingthe Brand: The Relationship BetweenPackaging Design and Brand Identity (Bao bì thương hiệu: Mối quan hệ giữa thiết kế bao bì và nhận diện thương hiệu), AVA Publishing, Singapore, 2011.
NGUYỄN CẨM LY
Nguồn: Tạp chí VHNT số 548, tháng 10-2023