Thư viện Trường Đại học Mở Hà Nội, phục vụ công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học trong kỷ nguyên số

Viện Đại học Mở Hà Nội được thành lập theo Quyết định số 535/QĐ-TTg ngày 3-11-1993 của Thủ tướng Chính phủ, tiền thân của Trường Đại học Mở Hà Nội ngày nay. Đây là một trường đại học công lập hoạt động trong hệ thống các trường đại học do Bộ Giáo dục và Đào tạo trực tiếp quản lý, xây dựng xã hội học tập và hỗ trợ người dân học tập suốt đời bằng cách nghiên cứu lý luận, thử nghiệm và phát triển hệ thống giáo dục mở; thực hiện thử nghiệm tự chủ giáo dục đại học, đưa nhanh ứng dụng công nghệ vào giáo dục đại học, phục vụ người dân mọi lứa tuổi học mọi lúc, mọi nơi với mọi trình độ. Đồng thời, mở ra cơ hội học tập cho mọi người, với chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng với nhiều loại hình; chú trọng giáo dục từ xa, đa ngành, đa trình độ, phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước và hội nhập quốc tế, với mở triết lý đào tạo: Mở cơ hội - Mở trái tim - Mở trí tuệ - Mở tầm nhìn - Mở tương lai.

Kỷ niệm 30 năm thành lập Trường Đại học Mở Hà Nội (3-11-1993 – 3-11-2023)

 

1. Quá trình hình thành và phát triển của Thư viện Trường Đại học Mở Hà Nội

Thư viện Viện Đại học Mở Hà Nội ra đời ngay sau khi Viện Đại học Mở Hà Nội được thành lập (3-11-1993), với tên gọi ban đầu là Phòng Thư viện, lúc đó chỉ có vài cán bộ thư viện và số lượng sách, báo, tài liệu còn rất khiêm tốn, ít ỏi, được bố trí trong căn phòng chỉ có diện tích vài chục m².

Theo xu thế chung của thời đại, việc phát triển công nghệ thông tin và ứng dụng mạnh mẽ vào hoạt động thư viện ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới, để góp phần chuyển hoạt động thư viện từ truyền thống sang hiện đại, ngày 15-5-2009, Viện trưởng Viện Đại học Mở Hà Nội ký Quyết định số 52/QĐ-ĐHM thành lập Trung tâm Thông tin - Thư viện. Việc thành lập Trung tâm Thông tin - Thư viện Viện Đại học Mở Hà Nội là một quyết định đúng đắn, sáng suốt, đã tạo ra nhiều hoạt động thư viện phong phú hơn, các tác nghiệp thư viện nhanh hơn và nhất là các dịch vụ thông tin thư viện, giúp cho bạn đọc khắp mọi miền đất nước tra cứu tài liệu, sách, báo của Trung tâm được nhanh chóng, dễ dàng và thuận tiện hơn so với trước. Bạn đọc thư viện và sinh viên ở các đơn vị liên kết với Trường Đại học Mở Hà Nội, dù ở xa Hà Nội hàng trăm, hàng ngàn cây số, vẫn có thể đọc và tra cứu tài liệu, sách, báo của Thư viện Trường thông qua mạng máy tính và mạng intenet.

Phòng đọc Thư viện - Ảnh: Thư viện Trường Đại học Mở Hà Nội cung cấp

Ngày 9-4-2020, Trung tâm Thông tin - Thư viện Trường Đại học Mở Hà Nội tiếp tục được đổi tên thành Thư viện Trường Đại học Mở Hà Nội theo Quyết định số 1160/QĐ-ĐHM. Hệ thống Thư viện Trường Đại học Mở Hà Nội từ đó đến nay bao gồm: Thư viện Trường và các Phòng đọc khu giảng đường, phục vụ trực tiếp, trực tuyến cho người học; Thư viện mini tại các Trạm đào tạo liên kết địa phương. Thư viện quản lý về mặt chuyên môn nghiệp vụ cho 12 thư viện Khoa, Trung tâm đào tạo và 18 thư viện mini tại các Trạm đào tạo từ xa (đơn vị liên kết đào tạo). Hạ tầng cơ sở vật chất của Thư viện được đầu tư đầy đủ hơn: gồm máy chủ, máy trạm, máy tính tra cứu và nguồn lực thông tin được bổ sung đầy đủ tài liệu trong chương trình đào tạo đại học, thạc sĩ và tiến sĩ…

 2. Thư viện Trường Đại học Mở Hà Nội xây dựng thư viện điện tử, thư viện số

Trong những năm đầu mới thành lập còn khó khăn, nhiều hoạt động của Thư viện phải làm thủ công như: viết phích mục lục (gồm 8 vùng mô tả sách, báo), việc quản lý thư viện bằng sổ đăng ký cá biệt, để biên mục từng đầu sách, báo, phục vụ người học tra cứu bằng tủ mục lục và quản lý kho đóng, cán bộ thư viện của trường làm việc rất vất vả, nhiều khó khăn và thiếu thốn… Sau đó, nhà trường đã quan tâm đầu tư theo hướng hiện đại, có chiều sâu và mua sắm nhiều trang thiết bị hiện đại như: máy vi tính, máy chủ, máy trạm, hạ tầng công nghệ thông tin để kết nối mạng LAN, mạng WAN, mạng internet… phục vụ thư viện và bước đầu xây dựng thư viện điện tử, thư viện số tại Trường Đại học Mở Hà Nội.

Tọa đàm Phát triển văn hóa đọc trong kỷ nguyên số do Trường Đại học Mở Hà Nội tổ chức nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2023 - Ảnh: Thư viện Trường Đại học Mở Hà Nội cung cấp

Đặc biệt, từ năm 2008, để hiện đại hóa hoạt động thư viện, phục vụ cho công tác đào tạo và giáo dục, Nhà trường đã đầu tư mua phần mềm quản lý thư viện Libol 6.0, để giúp cho thư viện ứng dụng công nghệ thông tin một cách hiệu quả hơn trong nhiều hoạt động thư viện. Năm 2012, Thư viện đã triển khai phần mềm quản lý các bộ sưu tập số Dspace để đáp ứng nhu cầu người học của Nhà trường (với hệ thống đào tạo trực tuyến hàng đầu trong cả nước). Đến năm 2014, Trường Đại học Mở Hà Nội đã xây dựng đề án Đầu tư xây dựng hệ thống thư viện điện tử tích hợp và đã đáp ứng được nhu cầu người học. Đến nay, hệ thống phần mềm quản lý này rất hiệu quả cho công việc: từ công tác quản lý, xử lý nghiệp vụ và phục vụ bạn đọc trực tiếp và trực tuyến. Ngoài ra, Thư viện đã được đầu tư máy móc, trang thiết bị máy chủ, máy scan, đầu đọc mã vạch…

3. Xây dựng và phát triển Thư viện Trường Đại học Mở Hà Nội trở thành trung tâm tri thức số

Gần ba thập kỷ qua, được sự quan tâm của Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với Trường Đại học Mở Hà Nội, nhằm mục đích đưa hoạt động giáo dục và đào tạo tới khắp mọi miền đất nước (trong đó có nhiều người, nhiều đối tượng học, do điều kiện khách quan và chủ quan, không thể đến trường học tập trung), Thư viện Trường Đại học Mở Hà Nội đã phấn đấu, đổi mới hoạt động nhiều hơn, để trở thành Trung tâm tri thức số hoạt động theo triết lý giáo dục hiện đại mà Ban Giám hiệu đã đề ra: Mở cơ hội - Mở trái tim - Mở trí tuệ - Mở tầm nhìn - Mở tương lai. Do vậy, Thư viện Trường Đại học Mở Hà Nội phấn đấu xây dựng thư viện thành Trung tâm tri thức số, để lan tỏa kiến thức và tri thức mọi mặt, để truyền tải các nội dung, chương trình đào tạo, học tập, nghiên cứu khoa học, nguồn thông tin và học liệu của Trường Đại học Mở Hà Nội tới tất cả đối tượng người học ở trong và ngoài nước. Đây cũng là nhiệm vụ cao cả, nặng nề và vinh quang của Nhà trường hiện tại, nhất là trong kỷ nguyên số.

Trong quá trình chuyển đổi số hoạt động thư viện theo Quyết định số 206/QĐ-TTg ngày 11-2-2021 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và tiếp tục triển khai thực hiện Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng theo Quyết định số 329/QĐ-TTg ngày 15-3-2017 của Thủ tướng Chính phủ, Lãnh đạo và cán bộ, viên chức, người lao động Thư viện Trường Đại học Mở Hà Nội thời gian qua đã nghiên cứu và tham mưu cho Ban Giám hiệu Trường triển khai quá trình chuyển đổi số thư viện, nhằm xây dựng Trung tâm tri thức số thiết thực, hiệu quả (về kinh phí, nhân lực, công nghệ và thời gian), đảm bảo tiến độ, phục vụ hiệu quả cho đổi mới giáo dục đại học, theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 14-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Theo đó, Thư viện dần được bổ sung nguồn tài liệu điện tử, cơ sở dữ liệu trực tuyến, các bộ sưu tập số… và máy scan được dùng scan các loại tài liệu nội sinh, là nguồn tài liệu chính phục vụ người học (ứng dụng phần mềm, xử lý, đóng cuốn lại bằng hình thức trang lật, giống như đọc quyển sách giấy). Hiện tại, nguồn tài liệu điện tử/ tài liệu số của Thư viện khá nhiều, phong phú, hằng năm Nhà trường cấp nguồn kinh phí để mua sách điện tử, bạn đọc được cấp tài khoản miễn phí để xem sách điện tử của Thư viện… Việc ứng dụng các thành tựu của khoa học công nghệ vào thư viện, trong đó có bước đầu triển khai xây dựng thư viện điện tử - thư viện số tích hợp, đã làm thay đổi nhiều hoạt động trong Thư viện theo hướng tự động hóa/ chuyển dịch từ mô hình thư viện truyền thống sang hiện đại. Sự thay đổi này mang đến nhiều lợi ích cho người dùng tin và bạn đọc.

Thống kê số lượt phục vụ bạn đọc hằng năm

Do có nhiều đổi mới hoạt động và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, hiện đại hóa thư viện, nên thời gian qua, Thư viện nhà trường đã đạt được một số kết quả khả quan: tạo lập được gần 300 bộ học liệu điện tử trực tuyến, số hóa gần 6.000 tài liệu nội sinh; bổ sung tài liệu in ấn hơn 23.000 đầu sách (gần 60.000 bản), các bài báo, tạp chí chuyên ngành và khoa học công nghệ được thu thập khá đầy đủ; hoạt động chia sẻ tài nguyên trực tuyến với một số trường đại học trong cả nước được Nhà trường ký Biên bản ghi nhớ hằng năm, tham gia là thành viên các Liên hiệp và Dự án kết nối khai thác 6 bộ cơ sở dữ liệu ngoại sinh trực tuyến các ngành đào tạo thuộc trường.

4. Các hoạt động khác

Bên cạnh hoạt động chuyên môn, những năm qua, các hoạt động thông tin thư viện, tuyên truyền, giới thiệu sách, tổ chức Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21-4)... cũng được Thư viện cũng đẩy mạnh với kết quả tốt. Tiêu biểu là: Thư viện đã tổ chức thành công các Cuộc thi Sinh viên với Văn hóa đọc thời đại 4.0; Xếp sách nghệ thuật HOU; Đại sứ Văn hóa đọc HOU từ năm 2020 đến nay 2023; Phát động phong trào quyên góp ủng hộ sách trong toàn Trường và thành lập Tủ sách HOU, đến nay Thư viện Trường đã quyên góp được hơn 2.000 cuốn sách có giá trị; Tổ chức, xây dựng Phòng đọc thư viện mini (tại Khu Nhà ở dành cho sinh viên: Pháp Vân, Tứ Hiệp); Trao tặng Tủ sách HOU quyên góp từ năm 2020-2021; Tổ chức cuộc thi Tác giả & Tác phẩm năm 2023; Hằng năm, tổ chức trưng bày sách, tọa đàm và các hoạt động tuyên tuyền phát triển văn hóa đọc tại các Phòng đọc/ Khu giảng đường. Đặc biệt, Thư viện đã khuyến khích, hướng dẫn bạn đọc/sinh viên tham gia cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc do Bộ VHTTDL phát động trên toàn quốc. Kết quả: năm 2020, Trường Đại học Mở Hà Nội có 2 bài thi đạt giải Ba và giải Khuyến khích; năm 2021 có 1 bài đạt giải Khuyến khích; năm 2022 có 2 bài đạt giải C và giải Khuyến khích (trong số hơn một triệu bài dự thi trên toàn quốc).

Do có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác, những năm qua, tập thể Thư viện Trường Đại học Mở Hà Nội đã vinh dự được tặng Giấy khen của Hiệu trưởng vì Đã có thành tích trong thực hiện nhiệm vụ năm học 2020-2021; Năm 2022 được Liên hiệp Thư viện các trường Đại học khu vực phía Bắc tặng Giấy khen. Đặc biệt, năm 2021, Thư viện đã đạt Giải thưởng phát triển văn hóa đọc do Bộ VHTTDL trao tặng (do có nhiều cách làm hay, mô hình sáng tạo, cùng những đổi mới trong phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam). Điều này càng thể hiện sự linh hoạt, chủ động, sáng tạo, không ngừng đổi mới và sự tâm huyết của Thư viện Trường Đại học Mở Hà Nội đối với sự nghiệp thư viện và phát triển văn hóa đọc ở nước ta.

Tóm lại, chặng đường hình thành và phát triển của Thư viện Trường Đại học Mở Hà Nội trong ba thập kỷ qua (1993-2023) là những cố gắng bền bỉ, nỗ lực không ngừng vượt qua gian khó của tập thể lãnh đạo, viên chức Thư viện qua các thời kỳ. Hoạt động thư viện luôn được Lãnh đạo, Ban Giám hiệu nhà trường quan tâm, tạo điều kiện và đầu tư cho sự phát triển, cho nhiều hoạt động, nhằm phục vụ kiến thức, tri thức cho sự nghiệp “trồng người”, đào tạo nghề nghiệp theo chức năng, nhiệm vụ của Nhà trường, cho hàng nghìn, hàng vạn sinh viên, nghiên cứu sinh, người học trong và ngoài nước. Có thể khẳng định rằng, Thư viện nhà trường thật vinh dự và tự hào đã đóng góp công sức nhỏ bé của mình cho công tác giáo dục và đào tạo của Trường Đại học Mở Hà Nội suốt ba thập kỷ qua, khẳng định thương hiệu, vị thế của một trường đại học luôn phấn đấu và hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị và công tác chuyên môn, thực hiện tốt tinh thần Nghị quyết 29/NQ-TW của Bộ Chính trị về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, góp phần đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước, xây dựng Tổ quốc Việt Nam hùng cường và giàu mạnh trong TK XXI.

_______________

Tài liệu tham khảo

1. Luật Thư viện số 46/2019/QH14 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

2. Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, quyết định số 329/QĐ-TTg ngày 15-3-2017 của Thủ tướng Chính phủ.

3. Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

4. Chương trình chuyển đổi số ngành Thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, quyết định số 206/QĐTTg ngày 11-2-2021 của Thủ tướng Chính phủ.

5. Nguyễn Hữu Giới, Suy nghĩ về Văn hóa đọc và Thư viện, Nxb Lao động, 2023.

Ths NGUYỄN THỊ THANH NHÀN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 545, tháng 9-2023

;