Phổ biến, giáo dục pháp luật qua hình thức sân khấu tại xã Cổ Linh, huyện Pác Nặm (Bắc Kạn) - Nguồn: baodantoc.vn
Tại Kết luận số 80-KL/TW ngày 20-6-2020 về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân. Ban Bí thư tiếp tục khẳng định chủ trương ưu tiên bố trí nguồn lực cho công tác PBGDPL đối với nhóm đối tượng là đồng bào dân tộc. Cụ thể hóa chủ trương này, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch thực hiện Kết luận số 80-KL/TW (ban hành kèm theo Quyết định số 1521/QĐ-TTg ngày 6-10-2020 của Thủ tướng Chính phủ). Theo đó, trong thời gian tới, các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần đẩy mạnh thực hiện các hình thức PBGDPL bằng tiếng dân tộc thiểu số; ưu tiên nguồn lực PBGDPL cho các nhóm đối tượng đặc thù, yếu thế, dân tộc thiểu số thông qua gắn việc thực hiện công tác PBGDPL với việc thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18-11-2019 của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi giai đoạn 2021-2030 và các chương trình, đề án liên quan.
Triển khai các chủ trương, chính sách, kế hoạch về PBGDPL, ngày 30-12-2022, Bộ trưởng Bộ VHTTDL đã ban hành Quyết định số 3853/QĐ-BVHTTDL phê duyệt Đề án Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ngành VHTTDL giai đoạn 2022-2026, trong đó, đặt mục tiêu đến năm 2026: “90% các nhóm đối tượng đặc thù: người dân ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, ven biển, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn và ngư dân được PBGDPL ngành VHTTDL” (1). Với đặc thù về điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội và đặc biệt là văn hóa dân tộc của đồng bào dân tộc thiểu số trên tuyến biên giới phía Bắc đòi hỏi phải đổi mới công tác PBGDPL về văn hóa, thể thao và du lịch, có giải pháp đột phá trong công tác PBGDPL cần bắt đầu từ nội dung, hình thức, nguồn lực đến nhận thức. Trên cơ sở khảo sát, đánh giá và tổng hợp các nội dung liên quan, Vụ Pháp chế, Bộ VHTTDL đề xuất 4 nhóm giải pháp như sau:
1. Đổi mới nội dung PBGDPL theo hướng thiết thực hóa, theo đối tượng, theo lĩnh vực, phù hợp với phương thức tuyền truyền và tính hiệu quả
Để triển khai giải pháp này, trước hết là việc biên soạn nội dung PBGDPL phù hợp đối tượng, địa bàn, thời điểm... phương pháp, cách thức PBGDPL (theo chuyên đề, dạng hỏi đáp, tình huống...) đối với đồng bào dân tộc thiểu số biên giới phía Bắc. Đa dạng hóa các loại văn bản, tài liệu hướng tới phục vụ nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu, tiếp cận pháp luật cho nhiều đối tượng. Ngoài các loại tài liệu truyền thống, nghiên cứu, xây dựng các tài liệu mới với hình thức và nội dung phù hợp với xu hướng và đảm bảo tính hấp dẫn, thiết thực, ứng dụng có hiệu quả trong hoạt động PBGDPL của ngành VHTTDL (ví dụ: các video, clip, tình huống mẫu được xây dựng theo hướng đơn giản, có được kịch bản, sân khấu hóa, ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu, bám sát những diễn biến, thay đổi trong đời sống kinh tế, xã hội, truyền tải thông điệp rõ ràng, phù hợp với tâm lý, lứa tuổi…); đồng thời, đa dạng hóa các kênh thông tin chứa đựng nguồn tài liệu bảo đảm tối đa khả năng tìm kiếm, tiếp cận của người dân. Xây dựng nội dung số trong PBGDPL của ngành VHTTDL phù hợp với đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới phía Bắc. Lựa chọn, biên tập các tài liệu, nội dung PBGDPL của ngành theo hướng vừa phù hợp đối tượng, vừa chuyển đổi thành nội dung số để thực hiện PBGDPL qua các ứng dụng (Zalo, fanpage...) và đáp ứng yêu cầu dữ liệu hóa tài liệu PBGDPL.
Việc thiết kế, biên soạn nội dung theo đối tượng, theo lĩnh vực, phù hợp với phương thức tuyên truyền và tính hiệu quả đóng vai trò quan trọng để đổi mới công tác PBGDPL. Theo đó, cần phân loại đối tượng, địa bàn đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới phía Bắc phù hợp với đặc tính PBGDPL của ngành. Nghiên cứu phân loại đối tượng, địa bàn để áp dụng các thành tố cấu thành, nội dung, phương thức PBGDPL phù hợp theo đối tượng: công chức, viên chức, người lao động trong ngành; những tổ chức, cá nhân trực tiếp tham gia các hoạt động VHTTDL; những tổ chức, cá nhân trực tiếp liên quan đến các hoạt động VHTTDL; những tổ chức, cá nhân thụ hưởng từ hoạt động VHTTDL; đối tượng đặc thù (đồng bào dân tộc thiểu số, người khuyết tật...); đối tượng vùng biên giới phía Bắc. Tiếp đó, cần đánh giá nhu cầu tìm hiểu PBGDPL của ngành từ các tổ chức, cá nhân liên quan, trọng tâm là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới phía Bắc. Khảo sát thông qua điều tra xã hội học, lấy ý kiến tại các cuộc sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, các hoạt động PBGDPL tại cơ sở để tổng hợp, đánh giá nhu cầu tìm hiểu PBGDPL của tổ chức, cá nhân. Tăng cường nghiên cứu, khảo sát, đánh giá nhu cầu của các tầng lớp nhân dân về các nội dung, kiến thức pháp luật cần được phổ biến (qua hệ thống khảo sát trực tuyến hoặc khảo sát trực tiếp qua phiếu) trước khi tiến hành các hoạt động tuyên truyền, phổ biến; từ đó, xác định các nội dung mang tính trọng tâm, trọng điểm, cần tập trung phổ biến, tuyên truyền. Đây là một trong dữ liệu đầu vào để xác định nội dung, phương thức PBGDPL phù hợp, hiệu quả. Nghiên cứu ứng dụng kết quả khảo sát của Đề tài tập trung các nội dung PBGDPL về văn hóa cơ sở (lễ hội, việc cưới, việc tang…), văn hóa gia đình, bạo lực gia đình, bình đẳng giới, bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc.
Đổi mới nội dung, truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của ngành VHTTDL. Triển khai, Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30-3-2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022-2027; tổ chức truyền thông dự thảo chính sách bằng các hình thức phù hợp đến đối tượng chịu sự tác động là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới phía Bắc. Chú trọng nội dung truyền thông PBGDPL từ sớm, từ xa, gắn với văn hóa gia đình, hương ước, quy ước của thôn, làng, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới phía Bắc, góp phần xây dựng văn hóa tuân thủ pháp luật. Rà soát bổ sung, điều chỉnh bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, các đề án, chương trình về giáo dục văn hóa, truyền thống gia đình ý thức tìm hiểu và tuân thủ pháp luật. Cập nhật, nhấn mạnh trong nội dung các hương ước, quy ước của thôn, làng, bản, ấp với tinh thần tôn trọng và thực thi đầy đủ quy định của pháp luật gắn với xây dựng đời sống văn hóa ở địa phương, cơ sở.
Đối với PBGDPL phù hợp với từng lĩnh vực của ngành VHTTDL, cần phân tích, đánh giá điểm chung, tính đặc thù của từng lĩnh vực chuyên ngành gắn với các quy định pháp luật chuyên ngành và liên quan về văn hóa (di sản văn hóa; nghệ thuật biểu diễn; điện ảnh; mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm; quyền tác giả, quyền liên quan; văn hóa cơ sở; văn hóa dân tộc; văn học; thư viện; gia đình…) về thể dục thể thao (thể thao thành tích cao, thể thao quần chúng), về du lịch là cơ sở, dữ liệu để thiết kế nội dung, đối tượng, phương thức PBGDPL phù hợp với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới phía Bắc.
2. Đổi mới phương thức PBGDPL theo hướng lựa chọn hình thức phù hợp, hình thức bám sát nội dung theo đối tượng, đa dạng hóa phương thức PBGDPL
Qua khảo sát công tác PBGDPL tại 3 tỉnh Hà Giang, Lạng Sơn, Lào Cai về các đối tượng cần tập trung PBGDPL, trong 5 nhóm được lấy ý kiến, các chủ thể cho rằng, đối tượng thanh niên cần ưu tiên hàng đầu trong PBGDPL về VHTTDL với 37,5 %, nhóm thứ hai là người có uy tín, hạt nhân văn hóa văn nghệ, người lao động tự do, người mới chấp hành xong hình phạt tù, người bị phạt cải tạo không giam giữ (từ 14,7-19%), cuối cùng là người khuyết tật, người già (8,6%) (2).
Với đặc thù về điều kiện tự nhiên, bản sắc văn hóa, kinh tế, xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số vùng biên giới phía Bắc, đồng thời, với việc đổi mới nội dung PBGDPL theo đối tượng, thì vấn đề đặt ra là đồng thời đổi mới về phương thức PBGDPL. Thời gian tới, ngành VHTTDL và chính quyền các địa phương nơi đây, cần tiếp tục đa dạng hóa các hình thức PBGDPL phù hợp với nội dung, địa bàn, điều kiện thực tiễn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới phía Bắc (qua mạng xã hội, nền tảng riêng, cuộc thi...). Áp dụng linh hoạt theo nhu cầu của từng đối tượng, phù hợp với từng địa bàn để tạo sự hứng thú, lôi cuốn các đối tượng thụ hưởng tham gia, từ đó đạt tới hiệu quả cao nhất là tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành vi pháp luật. Khuyến khích các hình thức PBGDPL dung dị, đơn giản nhưng sâu sắc và giàu thông điệp, các hình thức truyền thông đa phương tiện phù hợp với giới trẻ như ca nhạc, phim ảnh... là thế mạnh của ngành VHTTDL.
Ngành VHTTDL và chính quyền các địa phương cần tập trung triển khai một số phương thức PBGDPL được các đối tượng là công chức, viên chức và đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới quan tâm, lựa chọn: tích cực thường xuyên, kịp thời thông tin, tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật trên loa truyền thanh, báo, đài; kịp thời lồng ghép tuyên truyền thông qua các buổi họp dân, tiếp xúc cử tri; tăng cường tuyên truyền qua báo chí, truyền hình, truyền thanh, mạng xã hội; đề cao vai trò người có uy tín thực hiện tuyên truyền, phổ biến pháp luật; thường xuyên tổ chức các hội nghị tuyên truyền miệng; lồng ghép tuyên truyền trong các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch. Đồng thời, tiếp tục áp dụng các phương thức PBGDPL linh hoạt tùy vào đối tượng, nội dung, thời điểm để phù hợp đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới phía Bắc: thường xuyên tổ chức tư vấn pháp luật, tư vấn thủ tục hành chính; thường xuyên tổ chức các hội thi, cuộc thi; tổ chức các cuộc vận động, phát động trong nhân dân; thành lập các câu lạc bộ tìm hiểu pháp luật; phát tờ rơi, tờ gấp, tập san tuyên truyền pháp luật; biên tập nội dung phù hợp, sát với nhu cầu tìm hiểu pháp luật của nhân dân; nâng cao năng lực đội ngũ làm công tác PBGDPL.
3. Nâng cao năng lực đội ngũ làm công tác PBGDPL tập trung các kỹ năng, đặc thù PBGDPL trong các lĩnh vực VHTTDL cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng biên giới phía Bắc
Với những yêu cầu đổi mới về nội dung, phương thức PBGDPL như trên, thời gian tới, ngành VHTTDL và chính quyền các địa phương vùng biên giới phía Bắc cần củng cố, kiện toàn nhân lực làm công tác PBGDPL ngành, báo cáo viên Trung ương, báo cáo viên các cấp địa phương, tuyên truyền viên pháp luật ở cơ sở. Thường xuyên rà soát, điều chỉnh, bổ sung các báo cáo viên pháp luật của ngành, đảm bảo từng lĩnh vực của ngành đều có báo cáo viên pháp luật. Tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ theo định kỳ đảm bảo đổi mới nội dung, hình thức PBGDPL của ngành, tổ chức hội thảo, tọa đàm, cuộc thi chuyên môn, nghiệp vụ. Bên cạnh nội dung, kiến thức về các quy định pháp luật, chú trọng mở rộng đào tạo kỹ năng nghiên cứu, phân tích chính sách pháp luật, các kỹ năng mềm để đội ngũ cán bộ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật nâng cao khả năng tiến hành hoạt động tuyên truyền, PBGDPL cho đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới phía Bắc dưới các hình thức đa dạng, hấp dẫn, hiệu quả. Triển khai khảo sát chi tiết nhu cầu tập huấn, bồi dưỡng trong đội ngũ nhân lực thực hiện công tác PBGDPL cho đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới phía Bắc: về nội dung, hình thức, thời gian, phương thức tổ chức… để thiết kế chương trình đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với các đối tượng, đạt tới mục tiêu nâng cao chất lượng, phát huy hiệu quả tối đa của các lớp tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng.
4. Tăng cường chỉ đạo, điều hành, bố trí nguồn lực ưu tiên, phù hợp, tích hợp, lồng ghép các hoạt động, ứng dụng công nghệ thông tin trong PBGDPL
Để công tác PBGDPL thực sự đổi mới từ nhận thức, đến hành động; đồng thời, với việc đổi mới về nội dung, hình thức thì yếu tố có phần quyết định là chỉ đạo, điều hành, bố trí nguồn lực, lồng ghép hoạt động và ứng dụng công nghệ thông tin. Theo đó, công tác PBGDPL có trọng tâm, trọng điểm, theo chủ đề, sự kiện, điểm nhấn là ngày Pháp luật Việt Nam hằng năm, các ngày lễ lớn của quốc gia có hoạt động của Ngành và các sự kiện VHTTDL của ngành phù hợp với đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới phía Bắc. Tăng cường thông tin, báo cáo, phối hợp, kết nối, chia sẻ dữ liệu PBGDPL; đẩy mạnh công tác kiểm tra, đôn đốc, giám sát; nhân mô hình điểm, cách làm hay, hiệu quả trong PBGDPL của ngành với sở của 7 tỉnh biên giới phía Bắc. Ngành VHTTDL và chính quyền địa phương cần tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện công tác PBGDPL theo các đề án, kế hoạch, chương trình đã ban hành; phát hiện, kịp thời đề xuất khen thưởng, khen thưởng theo thẩm quyền các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong công tác PBGDPL cho đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới phía Bắc tại địa phương.
Các cấp, ngành cần bố trí đảm bảo đủ nguồn kinh phí, cơ sở vật chất kỹ thuật đáp ứng được công tác PBGDPL. Ưu tiên nguồn lực PBGDPL trọng tâm, có kế hoạch. Ưu tiên nguồn lực PBGDPL cho đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới phía Bắc. Đồng thời lồng ghép nguồn lực PBGDPL tham gia các đề án, chương trình PBGDPL liên quan; gắn với việc thực hiện Nghị quyết 88/2019/QH14 ngày 18-11-2019 của Quốc hội phê duyêt Đề án tổng thể phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi giai đoạn 2021-2030 và các chương trình, đề án liên quan.
Đổi mới từ PBGDPL sang truyền thông chính sách pháp luật thích ứng với xã hội số thực sự là một cuộc cách mạng của ngành VHTTDL. Vì vậy, cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực. Từng bước chuyển PBGDPL trực tiếp và kênh thông tin đại chúng sang truyền thông gián tiếp (qua mạng xã hội là chủ yếu), lựa chọn, xây dựng đội ngũ blogger ở 7 tỉnh biên giới phía Bắc. Mỗi cộng đồng tộc người, hoặc mỗi huyện xây dựng một số blogger có sức thu hút xã hội lớn. Xác định nguồn nhân lực vừa là mục tiêu, vừa là phương thức để thực hiện công cuộc đổi mới truyền thông pháp luật. Toàn ngành sẽ sắp xếp các đội thông tin lưu động, chiếu bóng lưu động, truyền thanh, truyền hình, vừa đảm nhiệm vai trò truyền thông trực tiếp, nhưng chủ yếu là truyền thông trong hệ thống công nghệ số, quản lý mạng xã hội. Trong đó, chú trọng mở các lớp tập huấn ngắn ngày như mở lớp dạy về sản xuất chương trình truyền thông phù hợp với đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới phía Bắc.
Đẩy mạnh việc tích hợp, lồng ghép các hoạt động, theo hướng có cơ chế tiếp nhận, phản hồi thông tin xây dựng pháp luật với đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới phía Bắc. Thiết lập kênh đối thoại chính thức trực tuyến giữa cơ quan nhà nước với công dân, doanh nghiệp đối với những chính sách quan trọng, có tác động ảnh hưởng lớn đến xã hội của ngành, để thu thập, phân tích, xử lý và giải đáp kịp thời các thắc mắc của người dân, doanh nghiệp trong khi thi hành pháp luật liên quan đến ngành VHTTDL. Việc tổng hợp, đánh giá và phối hợp thông tin các phản hồi trong quá trình xây dựng, thực thi pháp luật là một trong những nguồn dữ liệu phục vụ công tác rà soát, kiểm tra, đặc biệt là công tác PBGDPL.
5. Tập trung PBGDPL theo các lĩnh vực, chuyên ngành đáp ứng được nhu cầu của đồng bào dân tộc thiểu số vùng biên giới phía Bắc
Biểu đồ nhu cầu các lĩnh vực VHTTDL cần đẩy mạnh công tác PBGDPL (3)
Trong thời gian tới, ngành VHTTDL, chính quyền địa phương, bộ đội biên phòng và cơ quan chức năng cần đẩy mạnh tập trung tuyên truyền, phổ biến sâu rộng pháp luật của 12 lĩnh vực, chuyên ngành về VHTTDL; trong đó, 4 ngành thuộc lĩnh vực văn hóa được quan tâm hàng đầu là: Văn hóa cơ sở (lễ hội, việc cưới, việc tang…) (17,6%); văn hóa gia đình (14,4%); bạo lực gia đình, bình đẳng giới (14,1%); bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc (13,5%); còn các lĩnh vực, chuyên ngành khác tỷ lệ chủ thể quan tâm còn ít từ 3,1-4,5% là: Nghệ thuật biểu diễn; Mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm; Điện ảnh; Bản quyền tác giả; Thư viện (4). Qua đó, có thể nhận thấy, với địa bàn vùng dân tộc thiểu số, biên giới nội dung PBGDPL lĩnh vực VHTTDL được các chủ thể quan tâm cần đẩy mạnh tuyên truyền chủ yếu là văn hóa cơ sở, văn hóa dân tộc, văn hóa gia đình. Đây là cơ sở để các cơ quan, tổ chức quan tâm về nhu cầu của các chủ thể để có phương thức, nội dung PBGDPL phù hợp.
Nhìn chung, công tác PBGDPL góp phần nâng cao sự hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật của người dân, đóng góp tích cực vào việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phát triển văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch, tăng cường quản lý nhà nước bằng pháp luật. Thời gian tới, hoạt động PBGDPL đặt ra những yêu cầu mới, theo hướng tới truyền thông chính sách pháp luật, tạo bước phát triển mới, mang tính đột phá trong công tác PBGDPL ngành VHTTDL, bảo đảm đáp ứng tốt nhất nhu cầu PBGDPL của người dân, phù hợp với xu thế và yêu cầu của thực tiễn; góp phần tạo sự chuyển biến trong việc nâng cao ý thức pháp luật của người dân đòi hỏi sự thống nhất về nhận thức và hành động, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; trong đó, ngành VHTTDL đóng vai trò quan trọng. Đổi mới công tác PBGDPL về VHTTDL vừa là yêu cầu thực tiễn, vừa là nhiệm vụ cấp bách để đưa pháp luật cùng với cuộc sống, về cơ sở bằng cách thiết thực, sinh động để đồng bào dân tộc thiểu số vùng biên giới phía Bắc biết, hiểu, tin; để pháp luật thực sự thấm, ngấm vào cuộc sống của đồng bào vùng biên cương của Tổ quốc góp phần vững chắc cột mốc chủ quyền thiêng liêng bằng văn hóa, từ văn hóa.
__________________
1. Bộ trưởng Bộ VHTTDL, Quyết định số 3853/QĐ-BVHTTDL phê duyệt Đề án Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ngành VHTTDL giai đoạn 2022-2026, 30-12-2022, tr.2.
2, 3, 4. Nguyễn Thanh Sơn, Tài liệu khảo sát công tác PBGDPL tại 3 tỉnh Hà Giang, Lạng Sơn, Lào Cai về các đối tượng cần tập trung PBGDPL, tháng 6-2023, tr.15, 25-26.
Tài liệu tham khảo
1. Quốc hội, Nghị quyếtsố 88/2019/QH14 phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, 18-11-2019.
2. Quốc hội, Nghị quyết số 120/2020/QH14 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, 19-6-2020.
3. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 407/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022-2027, 30-3-2022.
4. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 977/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân, 11-08-2022.
5. Trần Hữu Sơn, Giải pháp đổi mới công tác PBGDPL về văn hóa, thể thao và du lịch cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng biên giới phía Bắc, Chuyên đề khoa học của Đề tài Giải pháp đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về văn hóa, thể thao và du lịch cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng biên giới phía Bắc, 11-2022.
NGUYỄN THANH SƠN
Nguồn: Tạp chí VHNT số 545, tháng 9-2023