Ngày nay trong thời đại công nghệ 4.0 các phương tiện truyền tải thông tin ngày càng phát triển, hiện đại, tiện dụng đã khiến cho nhiều người nghĩ rằng những thước phim đã trở nên không cần thiết. Thế nhưng ở những bản còn gặp nhiều khó khăn, chưa có điện lưới quốc gia hoặc nằm cheo leo trên đỉnh núi; có khi phải đi bộ, trèo đèo, lội suối mất cả gần ngày đường mới tới nơi thì những thước phim lại trở nên cực kỳ quý giá.
Bộ phim “Nước mắt của rừng” thu hút khán giả
Những nỗi nhọc nhằn
Những ngày cuối tháng 11 chúng tôi có dịp đồng hành cùng Tổ chiếu phim số 2 thuộc Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh về với bà con bản biên giới Là Si xã Tá Bạ (Mường Tè) trong tiết trời se lạnh, sương mù, phủ trắng xóa cả một miền biên viễn. Người đi cách nhau khoảng 3 mét chỉ thấy mờ mờ không rõ mặt. Đoạn đường từ trung tâm xã vào bản dài 35km luồn lách, vắt xuyên rừng, nhỏ hẹp, vừa đúng một người đi xe máy. Chủ tịch xã Tá Bạ Lỳ Nhù Chừ nói với anh em trong đoàn công tác: “Đường trơn lắm anh em đi chậm, cẩn thận. Nhất là những đoạn, có vực sâu, vách đá treo leo phải từ từ bò mà đi thôi. Nếu không may gặp mưa thì phải ở lại trong bản vài ngày chứ không ra ngay được đâu đấy, với lại vắt nhiều lắm”.
Nghe vậy tôi quay lại nói với anh Vàng Văn Mạnh người có thâm niên gần 20 năm “nhọc nhằm cõng phim về nơi bản khó” rằng: Lương chỉ được khoảng 5 triệu/tháng, cộng với tiền hỗ trợ vận chuyển 165/điểm chiếu, chia cho ba người, như vậy có đáng là bao mà anh gắn bó tri kỷ đến vậy.
Nở nụ cười thật tươi anh Mạnh chia sẻ: “Giờ có xe máy cá nhân “cõng hộ” về tận bản là sướng lắm rồi. Những năm 2004 khi mới thành lập tỉnh Lai Châu mới chúng tôi đi chiếu phim nhựa, thiết bị máy móc rất cồng kềnh, xe chỉ chở được đến trung tâm xã. Muốn vào bản, phải thuê ngựa mang vác, còn mình thì dắt ngựa. Kỷ niệm buổi “cõng phim về bản khó khăn” Hà Si - Hà Nê, xã Pa Ủ (Mường Tè) vào ngày trời mưa, vắt rừng nhảy tua tủa bậu khắp người, đường thì trơn như đổ mỡ khiến cả người, ngựa và hành lý bị trượt xuống vực sâu gần chục mét. Nhưng đã may mắn thoát chết nhờ được dân bản đưa lên kịp thời”.
Được biết cả Trung tâm hiện có 01 xe ô tô chuyên dụng, nhưng đi chiếu phim lưu động vẫn chủ yếu do các đội lưu động ở các huyện thực hiện. Để có một buổi chiếu phim lưu động thì chiếc xe máy “ngựa sắt” của các anh phải chia nhau gồng gánh nhiều thứ như: Máy phát điện, loa, tăng âm, phông chiếu... đặc biệt không thể thiếu được tư trang cá nhân, hay những gói lương khô, mì tôm, cá khô… đủ dùng trong khoảng nửa tháng để phòng khi bất trắc.
Những cách làm mới
Đó là những nhọc nhằn của quá trình cõng phim về nơi bản khó. Còn khi cõng phim về rồi thì những bộ phim được lựa chọn để chiếu phải đảm bảo phù hợp với đời sống, phong tục tập quán của đồng bào, để bà con thấy đời sống của người dân mình trong đó. Bởi vậy ngoài những bộ phim về lịch sử cách mạng, về Bác Hồ thì những bộ phim tuyên truyền về nhiều chủ đề khác nhau như: bảo vệ rừng; xây dựng nông thôn mới; phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống... luôn là chủ đề không thể thiếu trong mỗi buổi chiếu.
Giám đốc Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Vương Vỹ Thọ chia sẻ: “Để đủ nguồn cung cấp cho các tổ chiếu phim lưu động thì hàng năm Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh đã chủ động triển khai nhiều nội dung công việc khác nhau như: sản xuất từ 4 đến 6 bộ phim tuyên truyền mới; lồng tiếng phim bằng tiếng đồng bào các dân tộc như: Thái, Mông, Dao, Hà Nhì; in đĩa phim; phối hợp với các cấp các ngành tổ chức giao lưu văn hóa điện ảnh... Qua đó, các nội dung tuyên truyền về chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước như: chủ quyền biển đảo, biên giới, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, phòng chống ma túy, phòng chống tội phạm, những tấm gương điển hình học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh…được lan tỏa rộng khắp trong nhân dân”.
Niềm vui của khán giả và tâm tư của những người "cõng phim"
Trở lại buổi chiếu phim ở bản Là Si xã Tá Bạ, cũng may là trời không mưa nên khán giả đến xem rất đông. Ngoài người lớn và trẻ em ngồi ngay ngắn theo những hàng ghế đã xếp sẵn. Nhiều em còn nghịch ngợm trèo lên cây, lên tường, thậm trí là lên mái nhà để xem phim theo cách của riêng mình. Đặc biệt những đoạn cao trào kèm theo đó là tiếng hò reo, vỗ tay không ngớt.
Khi bộ phim “Nước mắt của rừng”do Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh sản xuất năm 2020 về chủ đề bảo vệ rừng vừa kết thúc khán giả bàn tán rất sôi nổi. Ông Lỳ Xú Hừ Trưởng bản Là Si phấn khởi bộc bạch: “Bản mình chưa có điện, mỗi khi có đoàn chiếu phim về là bà con vui lắm, nhà nào cũng thu xếp công việc từ chiều để chuẩn bị đi xem phim. Bộ phim “Nước mắt của rừng” hôm nay nói đúng về phong tục tập quán và truyền thống của người Hà Nhì mình rồi. Vì vậy vừa nãy tôi đã nói với bà con, bản mình phải biết giữ rừng, bảo vệ rừng, để rừng sẽ che chở, bảo vệ cho chính chúng ta khỏi mưa lũ, thiên tai”.
Thực hiện Nghị quyết 18, 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) và chủ trương của tỉnh về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Từ năm 2019 3 đơn vị Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng tỉnh, Trung tâm Văn hóa Thông tin - Triển lãm tỉnh, Đoàn Nghệ thuật tỉnh được sáp nhập thành Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh. Công tác phổ biến phim và chiếu phim lưu động do Đội chiếu phim đảm nhiệm với tổng số 17 viên chức được chia thành 05 tổ, phụ trách địa bàn các huyện khác nhau. Sau sáp nhập chỉ tiêu kế hoạch chiếu phim 650 buổi chiếu/năm, giảm ½ số buổi chiếu so với khi chưa sáp nhập, do số tổ chiếu giảm chỉ còn 05 so với 09 tổ như trước khi sáp nhập.
Bên cạnh niềm vui, sự hào hứng của khán giả mỗi khi có các Tổ chiếu phim về bản thì vẫn còn đó những tâm tư, sự trăn trở của những người “cõng phim về nơi bản khó” bởi lương và các khoản phụ cấp thấp. Nhưng bằng tình yêu và sự đam mê với từng thước phim nên họ đã nguyện một đời gắn bó. “Làm nghề chiếu phim lưu động nếu không yêu nghề thì không bám trụ được. Bởi vì địa điểm chiếu phim hầu hết ở những nơi xa xôi, hẻo lánh mà các loại hình nghệ thuật khác khó tiếp cận được. Nhưng chính sự đón nhận đầy hào hứng của bà con lại cho chúng tôi thêm động lực không quản ngại khó khăn, những nỗi nhọc nhằn để tiếp tục cõng phim về nơi bản khó”, anh Vàng Văn Mạnh chia sẻ.
Tác giả: Nhật Minh
Nguồn: Tạp chí VHNT số 453, tháng 2-2021