Để phát triển bền vững, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, khắc phục những mặt trái, cần quan tâm xây dựng văn hóa kinh doanh. Mặc dù là một học thuyết chính trị xã hội nhưng Nho giáo cũng đề cập đến những nội dung của văn hóa kinh doanh khi nói về mối quan hệ giữa nghĩa và lợi. Để xây dựng văn hóa kinh doanh ở Việt Nam hiện nay cũng cần phải trở lại với tư tưởng Nho giáo.
Tư tưởng Nho giáo về đạo làm giàu
Pháp gia lấy lợi làm mục tiêu, hoạt động của con người. Đạo gia thì coi thường lợi, xem lợi lộc không có nghĩa lý gì. Nho giáo không xuất phát từ lợi, nhưng cũng không bài xích mọi thứ lợi. Cái lợi ở đây có thể hiểu là lợi ích về tinh thần, vật chất. Tìm kiếm lợi ích vật chất thể hiện trong nhiều hoạt động của con người, trong đó có hoạt động kinh doanh, làm giàu. Ở đây, Nho giáo bàn rộng hơn về vấn đề văn hóa kinh doanh. Nhận thức được sức cám dỗ của cái lợi, Nho giáo phân biệt 2 loại người là tiểu nhân, quân tử. Theo Nho giáo, chỉ người quân tử mới thực sự có văn hóa kinh doanh. Như vậy, Nho giáo cho thấy một thực tế là trong xã hội, còn một số lượng lớn người (tiểu nhân) chỉ biết chạy theo cái lợi vật chất đơn thuần.
Nho giáo đặc biệt phê phán những hành động chạy theo cái lợi đơn thuần, đặc biệt là lợi ích vật chất. Khi lấy tư lợi cá nhân làm mục tiêu, động lực, người ta dễ chà đạp lên lễ, nghĩa, mọi quy tắc, chuẩn mực, do đó gây nhiều tội ác chồng chất, tổn hại đến lợi ích của người khác. Khổng Tử khinh thường những người giàu có mà bất nghĩa, chỉ biết chạy theo sự giàu sang đơn thuần, thực chất là những người không có văn hóa kinh doanh: “Không có học vấn, không có chính nghĩa, coi sự giàu sang, lợi lộc là cái lợi lớn là hạng người tục” (1).
Nho giáo cho rằng quân tử, tiểu nhân ai cũng có lòng hiếu lợi, nhưng cái đạo cầu lợi thì chỉ quân tử mới có. Theo Nho giáo, đạo cầu lợi được coi là một trong những tiêu chuẩn của người quân tử. Khi đề cập đến người quân tử, Khổng Tử thường đưa ra những tiêu chuẩn khác nhau, song phải đạt 9 điều sau:
Nhìn thì phải để ý nhìn sao cho sáng
Nghe thì phải lắng tai nghe cho rõ ràng
Sắc mặt phải giữ cho ôn hòa
Tướng mạo thì phải giữ cho khiêm cung
Nói năng phải giữ bề trung thực
Làm việc phải trọng sự kính cẩn
Có điều nghi hoặc thì phải hỏi han
Khi giận thì nghĩ đến sự hoạn nạn có thể xảy ra
Thấy lợi thì phải nghĩ đến điều nghĩa (2)
Cái đạo cầu lợi mà Khổng Tử đề cao ở đây chính là thấy lợi phải nghĩ đến nghĩa, cái lợi hợp nghĩa chứ không phải vì lợi mà bất chấp nghĩa. Sang thời Tống, tư lợi là lợi, công lợi là nghĩa. Người quân tử lấy nghĩa làm cơ sở để thu nhận hoặc từ chối lợi, nếu lợi không hại đến nghĩa thì nhận, hại đến nghĩa thì chối. Như vậy, đạo cầu lợi chính là trong khi thực hiện cái lợi của mình biết tôn trọng cái lợi của người khác, tìm thấy cái lợi của mình trong cái lợi của cộng đồng, thực hiện cái lợi của mình một cách hợp đạo lý, đúng nghĩa, không mâu thuẫn với lợi ích chung. Thực chất đó chính là tư tưởng về sự kết hợp hài hòa giữa lợi ích cá nhân với lợi ích xã hội, là nội dung của văn hóa kinh doanh. Người quân tử là người có văn hóa kinh doanh vì luôn lấy nghĩa làm gốc trong các hành động tìm kiếm lợi ích: “Người quân tử lấy nghĩa làm gốc, theo lễ mà thực hiện, nói ra bằng lời khiêm tốn, hoàn thành bằng thái độ thành thực. Như vậy thật là quân tử” (3).
Nho giáo đề cao những người quân tử có văn hóa kinh doanh, có đạo cầu lợi, lấy nghĩa làm tiêu chuẩn cho việc tìm kiếm lợi nhuận, đồng thời quyết liệt phê phán những người thiếu văn hóa kinh doanh, chỉ biết theo đuổi lợi ích cá nhân đơn thuần, cái nghĩa không thắng được cái lợi, thậm chí vì lợi mà bất chấp nghĩa. Chính vì vậy, học giả Dương Lực ví quan niệm này của Nho giáo như là ngọn roi quất thẳng vào xu thế thấy lợi quên nghĩa của hậu thế, đã trở thành chân lý vĩ đại ngàn đời không thay đổi (4).
Nho giáo đề cao những người biết lấy lợi ích chung làm cơ sở, tiêu chuẩn, phê phán những người chỉ chạy theo lợi ích cá nhân, lợi nhuận đơn thuần, bất chấp lợi ích chung, đó thực chất là đề cao văn hóa kinh doanh. Một doanh nhân, doanh nghiệp có văn hóa kinh doanh không bao giờ làm giàu trên cơ sở làm hại đến lợi ích của cộng đồng. Họ luôn biết tôn trọng lợi ích của người tiêu dùng. Một doanh nghiệp có văn hóa kinh doanh cũng luôn tôn trọng lợi ích của người lao động, thực hiện đầy đủ các chế độ về lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, đảm bảo những điều kiện làm việc tốt nhất cho nhân viên, người lao động trong doanh nghiệp, có chế độ khen thưởng hợp lý đối với những người mang lại nhiều lợi nhuận cho doanh nghiệp. Một doanh nghiệp có văn hóa kinh doanh không làm giàu trên sự bóc lột sức lao động mà trên cơ sở đảm bảo lợi ích tương xứng với công sức mà người lao động đã bỏ ra, để khuyến khích sự sáng tạo, lòng trung thành của người lao động đối với sự phát triển của công ty. Do đó, nó sẽ hạn chế được sự phân hóa giàu nghèo của xã hội. Cùng với sự lớn mạnh của các doanh nghiệp là đời sống vật chất, tinh thần của người lao động trong doanh nghiệp cũng được nâng lên. Những doanh nghiệp có văn hóa kinh doanh luôn biết hài hòa lợi ích cá nhân với các lợi ích khác, trong đó có vấn đề bảo vệ môi trường. Những doanh nghiệp này không chạy theo lợi ích cá nhân đơn thuần mà hủy hoại môi trường, họ luôn tìm các giải pháp để trả lại sự nguyên trạng cho môi trường, đảm bảo đúng quy định của pháp luật, có hệ thống xử lý các chất thải, khí thải trước khi xả vào môi trường. Với những nội dung của văn hóa kinh doanh như trên, rõ ràng trong tư tưởng của Nho giáo đã luôn đề cao những người có văn hóa kinh doanh, đạo cầu lợi, phê phán những người thiếu văn hóa kinh doanh, chỉ biết chạy theo lợi nhuận đơn thuần.
Từ tư tưởng Nho giáo, suy nghĩ về vấn đề xây dựng văn hóa kinh doanh ở Việt Nam hiện nay
Từ một nền kinh tế nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún với những người nông dân có tư tưởng tiểu nông, bước vào kinh tế thị trường, chúng ta đang thiếu hụt văn hóa kinh doanh. Nói cách khác, sự yếu kém trong văn hóa kinh doanh của một bộ phận doanh nghiệp, doanh nhân ở nước ta đang là một thực tế. Nhiều doanh nghiệp vẫn còn lấy lối kinh doanh chụp giật, ăn xổi, chạy theo lợi nhuận trước mắt làm phương thức hoạt động của mình. Họ sẵn sàng chà đạp lên lợi ích của người tiêu dùng để có lợi nhuận như làm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, thông tin nhãn mác sai sự thật… Rất nhiều cơ sở sản xuất sử dụng chất liệu, phụ phẩm độc hại, cấm sử dụng, gây mất an toàn, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng. Thậm chí, các doanh nghiệp còn lợi dụng các kẽ hở của pháp luật Việt Nam để trốn thuế. Theo Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, Bộ Công an, tội phạm trong lĩnh vực thuế đang diễn ra ở hầu hết các loại hình doanh nghiệp với nhiều thủ đoạn trốn thuế, hành vi gian lận rất tinh vi. Nổi bật là việc các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, có vốn đầu tư nước ngoài tìm mọi cách báo cáo giảm lợi nhuận, từ đó giảm thu nhập để trốn thuế. Mỗi năm có gần 1.000 vụ doanh nghiệp trốn thuế, gây thiệt hại hàng chục nghìn tỷ đồng. Nhiều doanh nghiệp còn thiếu tôn trọng lợi ích của người lao động, nợ lương công nhân, trốn tránh nghĩa vụ đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội cho người lao động. Vì vậy, mâu thuẫn giữa người lao động với chủ doanh nghiệp còn diễn ra ở nhiều doanh nghiệp. Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, từ năm 1995 đến 2011 ở Việt Nam có 4142 các cuộc đình công diễn ra. Đặc biệt, tình trạng các doanh nghiệp chạy theo lợi nhuận gây hủy hoại môi trường diễn ra khá phổ biến. Tính đến cuối năm 2012, cả nước có 143 khu công nghiệp đã, đang xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, đạt khoảng 58% so với nhu cầu, số còn lại được xả thẳng ra môi trường. Đặc biệt là tình trạng nhiều cơ sở sản xuất mặc dù xây dựng hệ thống xử lý nước thải nhưng lại để che mắt các cơ quan quản lý nhà nước chứ không phải để hoạt động. Theo kết quả khảo sát 65 khu công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm phía Nam do Cục Bảo vệ môi trường tiến hành, có 61 cơ sở có hệ thống xử lý nước thải tập trung nhưng chỉ có 23 cơ sở hoạt động, tại thời điểm kiểm tra chỉ có 7/23 cơ sở đang hoạt động. Kinh tế thị trường với mặt trái của nó là chạy theo lợi ích vật chất cá nhân đơn thuần đang tác động mạnh mẽ làm cho một bộ phận những cá nhân, tổ chức tham gia hoạt động kinh doanh, làm giàu thiếu văn hóa kinh doanh, bất chấp, chà đạp lên lợi ích chung, chính đáng của cộng đồng. Vì vậy, Đảng ta khẳng định cần phải quan tâm xây dựng văn hóa kinh doanh: “Thường xuyên quan tâm xây dựng văn hóa trong kinh tế. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân với ý thức tôn trọng pháp luật, giữ chữ tín, cạnh tranh lành mạnh, vì sự phát triển bền vững và bảo vệ Tổ quốc” (5).
Xây dựng văn hóa kinh doanh là yêu cầu cấp thiết đảm bảo cho nền kinh tế của Việt Nam phát triển bền vững, mang định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển nhân văn vì con người. Do đó, xây dựng văn hóa kinh doanh ở Việt Nam hiện nay cần đưa tư tưởng Nho giáo về văn hóa kinh doanh, đạo cầu lợi vào trong chính tư tưởng của những người tham gia sản xuất kinh doanh. Nho giáo đã ăn sâu bén rễ vào tư duy, nhận thức của con người Việt Nam hàng nghìn năm nay, do đó cần phát huy vai trò của Nho giáo trong xây dựng văn hóa kinh doanh ở Việt Nam hiện nay. Các quốc gia ở Đông Á, đặc biệt là Nhật Bản đã biết phát huy vai trò của Nho giáo trong làm ăn kinh tế, xây dựng một đội ngũ doanh nhân theo phương châm sĩ hồn thương tài chi đạo, có tài năng của một thương gia nhưng có tấm lòng của một nhà Nho, có trách nhiệm chung với cộng đồng nên đã xây dựng được những thương hiệu Nhật nổi tiếng thế giới về uy tín, chất lượng. Vì vậy, Việt Nam trên cơ sở nhận thức được những giá trị tích cực của Nho giáo trong hoạt động sản xuất kinh doanh, cần học tập kinh nghiệm của Nhật Bản, đưa tinh thần này của Nho giáo thấm sâu vào từng người dân, từng chủ thể tham gia vào nền kinh tế thị trường.
Nho giáo mặc dù có những hạn chế mang tính thời đại nhưng là một học thuyết lớn, có nhiều giá trị tích cực cần được kế thừa, phát huy trong giai đoạn hiện nay. Trong đó, tư tưởng của Nho giáo về văn hóa kinh doanh vẫn còn tính thời sự nóng hổi cần được chúng ta nghiên cứu nghiêm túc, phát huy trong quá trình xây dựng văn hóa kinh doanh, hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
____________
1. Giản Chi, Nguyễn Hiến Lê, Đại cương triết học Trung Quốc, tập 2, Nxb Thanh niên, 2004, tr.458.
2, 3. Luận ngữ, Quý thị, Ngữ văn Hán Nôm, tập 1, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2004, tr.512, 485.
4. Dương Lực, Kinh điển văn hóa 5000 năm Trung Hoa, Nxb Văn hóa Thông tin, 2002, tr.54.
5. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Nghị quyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 9 khóa XI, 2014, tr.53.
Tác giả: Nguyễn Tiến Thư - Hà Thị Thùy Dung
Nguồn: Tạp chí VHNT số 422, tháng 8-2019