Nhiều mô hình hay trong xây dựng đời sống văn hóa ở Kiên Giang

Mỗi mô hình là nguồn lực hỗ trợ gia đình khó khăn vươn lên thoát nghèo bền vững, ổn định trật tự xã hội, xây dựng hiệu quả đời sống văn hóa trong cộng đồng dân cư.

Đoàn kết, xây dựng đời sống văn hóa, góp phần xây dựng nông thôn mới.
 

Quán triệt Chương trình hành động của Tỉnh ủy Kiên Giang thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, hoàn thành khá tốt “mục tiêu kép”, vừa triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID -19, không để lây lan ra cộng đồng, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, Ban vận động Quỹ “Vì người nghèo” các cấp đã vận động gần 11,5 tỷ đồng, cất mới 299 căn nhà Đại đoàn kết trị giá hơn 8,585 tỷ đồng, sửa chữa 14 căn trị giá 185 triệu đồng; cất mới 14 căn Nhà tình nghĩa trị giá hơn 1,404 tỷ đồng; xây mới 35 cây cầu trị giá 13,798 tỷ đồng và sửa chữa 29 cây cầu trị giá 2,5 tỷ đồng.

Đã có 113.090 suất quà, trị giá 45,134 tỷ đồng được trao cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và gia đình chính sách, gia đình khó khăn; hỗ trợ nhà bị thiên tai, cháy nổ, bệnh hiểm nghèo cho 28 hộ gia đình với số tiền 51 triệu đồng; 57 hộ nghèo bị sập nhà, cháy nhà, thiên tai, bệnh hiểm nghèo được hỗ trợ với tổng số tiền 97 triệu đồng; 12 hộ nghèo gặp khó khăn được các Ban Cứu trợ cấp huyện, cấp xã vận động cứu trợ với số tiền 24 triệu đồng.

Chương trình nhà ở “Mái ấm Công đoàn” do đoàn viên, công nhân viên lao động, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp ủng hộ đóng góp trên 1,8 tỷ đồng; đã bàn giao 40 căn nhà “Mái ấm Công đoàn”, trong đó sửa chữa 15 căn, với tổng số tiền 970 triệu đồng cho đoàn viên công đoàn có hoàn cảnh khó khăn.

Nhằm giúp phụ nữ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo, hỗ trợ vay vốn kinh doanh, xây mới, sửa chữa nhà tiêu hợp vệ sinh... đã có 554 hộ vay với số tiền 2,139 tỷ đồng; 557 phụ nữ nghèo, cận nghèo được cơ sở Hội phụ nữ trợ giúp và 6.683 lao động nữ được tổ chức tư vấn học nghề và giới thiệu việc.

Phong trào “Toàn dân đảm bảo trật tự an toàn giao thông” được duy trì với 5 mô hình điểm khu dân cư bảo đảm trật tự an toàn giao thông, xây dựng 121 mô hình đảm bảo trật tự an toàn giao thông, 183 mô hình bảo vệ an ninh trật tự, 59 mô hình về an toàn thực phẩm, 48 hòm thư và đường dây nóng tố giác tội phạm; cảm hóa, giáo dục tại cộng đồng 781 đối tượng; vận động 1.042 hộ dân đăng ký kinh doanh sản xuất thực phẩm an toàn và thực hiện tốt 23 mô hình Ngôi nhà an toàn cho trẻ em.

Phong trào “Người tốt, việc tốt” được nhân rộng qua các mô hình như: “Tổ nhân dân tự quản không tội phạm và tệ nạn xã hội”; “Cổng rào an ninh trật tự”; “Đội dân phòng cơ động”; “Đội dân phòng phòng, chống tội phạm và đảm bảo an toàn giao thông trên các tuyến xe buýt”; “Đội dân phòng nữ giữ gìn an ninh, trật tự”; “Đội xe Honda ôm phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và tham gia giữ gìn an ninh, trật tự an toàn giao thông”; “Xứ đạo an toàn về an ninh, trật tự”...

 

Đời sống văn hóa nâng lên đã góp phần đưa tổng giá trị sản phẩm của tỉnh Kiên Giang  (GDRP) trong 6 tháng đầu năm 2021 ước đạt 31.752,57 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế cơ bản ổn định. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 42,32% GDRP; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 19,86%; khu vực dịch vụ chiếm 32,12%.

 

Cùng với đó, mô hình “Thắp sáng đường quê”, “Tuyến đường kiểu mẫu”, “Đoạn đường đẹp”, “Hẻm sạch, đẹp, sáng, an toàn”, khu dân cư “Xanh, sạch, đẹp”; “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Xây dựng gia đình nông dân văn hóa”, “Nông dân thi đua sản xuât, kinh doanh giỏi”; “Dân vận khéo”, “Đổi rác lấy gạo”, “Đổi rác lấy nhu yếu phẩm”, … tiếp tục được phát huy.

Từ những gì đã đạt được, có thể thấy, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” có vai trò quan trọng trong việc hình thành nếp sống mới trong cộng đồng dân cư, làm lành mạnh môi trường xã hội, môi trường văn hóa - giáo dục, quan hệ ứng xử trong từng hộ gia đình và cộng đồng.

Xây dựng đời sống văn hóa sẽ nâng cao ý thức của người dân, nếp sống văn hóa trong xã hội từng bước được hình thành, vai trò của quần chúng được phát huy tốt hơn trong việc phối hợp với chính quyền địa phương bảo tồn, gìn giữ, phát huy các giá trị di sản văn hóa tại địa phương.

 

TRƯƠNG ANH SÁNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 474, tháng 9-2021

 

;