Cho tới thời điểm hiện nay, chưa có văn bản nào chính thức công nhận Áo dài (nam và nữ) là trang phục đại diện cho dân tộc Việt Nam, có quy định kiểu dáng, quy định cách sử dụng. Giống như hoa sen (từng được đề xuất là quốc hoa) thì Áo dài (được nhiều ý kiến đề xuất là quốc phục) cũng đang vướng phải những vấn đề về pháp lý trong công tác quản lý. Hoàn thiện thể chế cho trang phục Áo dài là việc làm thiết thực bởi giải quyết hành lang pháp lý cho vấn đề quản lý và sử dụng biểu tượng văn hóa không chỉ tháo gỡ vấn đề bản quyền, chính danh của các biểu tượng mà còn là động lực trong việc giáo dục, quảng bá văn hóa Việt Nam.
Đại sứ Đinh Toàn Thắng trong trang phục Áo ngũ thân tại Lễ trình Quốc thư lên Tổng thống Cộng hòa Pháp Emmanuel Macron, ngày 2/11/2021. Ảnh: Bộ Ngoại giao Pháp
Bối rối chuyện Áo dài
Thời gian gần đây, cộng đồng thường xuyên phản ứng với những vấn đề liên quan tới Áo dài, như trang phục khác nhưng lại được gọi là Áo dài; phụ nữ mặc áo có tà dài với váy đụp; mặc Áo dài nhưng không mặc quần dài; chuyện nam công chức, viên chức mặc làm việc tại công sở; chuyện nam sinh mặc Áo dài đến trường, chuyện bộ lễ phục Đền Hùng…. Trong Tuần lễ Thời trang Xuân Hè 2019 tại Bắc Kinh (Trung Quốc) khai mạc ngày 25/10/2018, Ne·Tiger đã công bố nhiều bộ sưu tập thời trang trong đó có những mẫu thiết kế gây bức xúc với người Việt Nam vì những mẫu này giống với Áo dài Việt Nam nhưng lại được giới thiệu là “sự sáng tạo” của nhà thiết kế nước này.
Đặc biệt, tháng 8 vừa qua, dư luận xôn xao về một đại sứ của Việt Nam tại Israel mặc trang phục được cho là Áo dài để trình quốc thư. Nhân việc này, ông Võ Hồng Phúc, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có chia sẻ câu chuyện liên quan tới trang phục trong nghi lễ ngoại giao: “…vào tháng 10/1995 đoàn Việt Nam đi dự lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Liên Hợp quốc. Đoàn dừng ở Cuba trước khi sang New York. Mấy lần liền tôi thấy nữ cán bộ phụ trách lễ tân bận rộn điện đàm với cơ quan đại diện của ta ở New York. Tôi hỏi “Có việc gì mà căng thẳng vậy?”. Chị cho hay “lại vẫn chuyện lễ phục trong dạ tiệc chào mừng”. Chuyện là lễ tân của Liên Hợp quốc quy định hai hình thức: Quốc phục của quốc gia người tham dự hoặc lễ phục phương Tây trang trọng nhất, White tie. Phía ta không chấp nhận mặc White tie và cũng không Quốc phục vì chưa có quy định về Quốc phục. Cuối cùng phía ta đề nghị mặc bộ complet và cà vạt như thường lệ. Phía bạn không chấp nhận. Cuối cùng thỏa thuận đoàn ta mặc bộ comple sẫm màu thường mặc và thắt nơ đen. Buổi đó tôi không tham dự. Sau đó tôi hỏi nữ cán bộ bên lễ tân “Buổi dạ tiệc thế nào?”. Chị nói: “Đau quá anh ơi, đoàn ta mặc chẳng giống ai, lại gần giống đám phục vụ, họ cũng áo vét nơ đen, nhìn họ lại còn sang hơn ta vì quần áo họ may đẹp hơn ta!”. Thật là một chuyện để nhớ!”.1
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương cùng các em học sinh trong trang phục Áo ngũ thân tại Lễ tuyên dương Học sinh danh dự toàn trường tỉnh Thừa Thiên Huế, năm học 2021-2022. Ảnh: Bảo Minh
Trong phiên thảo luận của Quốc hội về các Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chủ tịch nước, Chính phủ vào ngày 29/3/2021, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội) đã đề cập vấn đề lễ phục. Cụ thể, bà cho hay “Khi đi tiếp xúc cử tri, mọi người nói với tôi “đề nghị đại biểu Quốc hội cho biết, khi mặc lễ phục thì tại sao nữ giới mặc áo dài truyền thống còn nam giới lại phải mặc complet?”. Và bà nêu ý kiến: “Chúng tôi đề nghị Bộ VHTTDL nghiên cứu trong thời gian tới đưa Áo dài ngũ thân nam truyền thống để báo cáo Quốc hội, báo cáo Chính phủ xây dựng luật về nghi lễ, quốc phục, quốc hoa; để nam giới và nữ giới đều mặc áo truyền thống, kế thừa truyền thống của cha ông ta”.2
Qua những câu chuyện trên, dư luận xã hội lại đặt ra hàng loạt câu hỏi: Số phận của Áo dài sẽ ra sao? Cơ quan nào chịu trách nhiệm quản lý trang phục Áo dài? Căn cứ pháp lý nào chứng minh Áo dài là trang phục của Việt Nam? Vì sao Áo dài chưa chính thức là Quốc phục của Việt Nam? Đâu là kiểu dáng chuẩn mực của Áo dài? Tại sao các đề án xây dựng và quảng bá thương hiệu quốc gia Việt Nam không có Áo dài?...
Vậy, giải pháp nào để Áo dài của Việt Nam chính thức có giấy “khai sinh” làm cơ sở pháp lý bảo vệ, bảo tồn và phát triển, tránh tình trạng lộn xộn trong việc may, mặc, thiếu định hướng, thống nhất khi sử dụng Áo dài làm lễ phục, làm trang phục đại diện cho dân tộc?
Hoàn thiện thể chế cho trang phục Áo dài
Từ năm 2010 - 2012, Bộ VHTTDL đã thực hiện Đề án Quốc hoa Việt Nam. Năm 2012, Bộ đã báo cáo Chính phủ phê duyệt hoa sen là quốc hoa của Việt Nam. “Thế nhưng, trong hệ thống văn bản pháp quy của Việt Nam, không ai có thể phê duyệt biểu tượng văn hóa quốc gia. Cho nên Chính phủ yêu cầu, khi chưa có luật nên để nhân dân suy tôn hoa sen là quốc hoa”(ông Hồ Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ VHTTDL đã cho báo giới biết như vậy ở thời điểm năm 2013)3. Và đến nay, hoa sen vẫn chưa chính thức được công nhận là quốc hoa của Việt Nam.
Nữ sinh Trường THPT Bắc Duyên Hà, Thái Bình tự tin trong trang phục Áo ngũ thân. Ảnh: Năm Tuyền
Theo Điều 2, Nghị định số 79/2017NĐ-CP ngày 17/7/2017 của Chính phủ về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ VHTTDL, giao Bộ “Thực hiện quản lý nhà nước về biểu tượng văn hóa quốc gia theo quy định của pháp luật”. Sau đó, Bộ VHTTDL cũng đã giao nhiệm vụ này cho Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm. Nhưng hiện nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định rõ việc quản lý biểu tượng văn hóa, như: quy định tiêu chí lựa chọn, cơ quan có thẩm quyền đề xuất và công nhận, quản lý và sử dụng biểu tượng văn hóa. Do đó, giống như hoa sen thì Áo dài cũng sẽ vướng phải những vấn đề về pháp lý cho công tác quản lý. Trong khi đó, Áo dài từ lâu đã được coi như là một trong những biểu tượng văn hóa của Việt Nam, nhưng khi gặp vấn đề sử dụng không đúng, may, mặc sai, bị nước ngoài nhận là sản phẩm của họ thì chúng ta hết sức lúng túng trong việc xử lý, xác định cơ quan chịu trách nhiệm quản lý, cơ sở pháp lý, chế tài thực hiện? Không chỉ riêng hoa sen hay Áo dài, hiện nay nước ta có nhiều biểu tượng văn hóa cũng đã và đang gặp vước mắc về vấn đề quản lý nêu trên.
Giải quyết hành lang pháp lý cho vấn đề quản lý và sử dụng biểu tượng văn hóa không chỉ tháo gỡ vấn đề bản quyền, chính danh của các biểu tượng mà còn là động lực trong việc giáo dục, quảng bá văn hóa Việt Nam. Các cơ quan quản lý nhà nước cần nghiên cứu, sớm ban hành luật hoặc nghị định về biểu tượng văn hóa. Văn bản pháp lý này sẽ mở đầu cho việc lựa chọn, tôn vinh, sử dụng và quản lý các hệ thống biểu tượng văn hóa của Việt Nam, mà hoa sen và Áo dài là trường hợp cụ thể.
Lựa chọn Áo ngũ thân (Nam và Nữ) làm Lễ phục Nhà nước
Từ thập niên 90 của thể kỷ trước đến năm 2014, Bộ VHTTDL đã xây dựng và triển khai thực hiện Đề án Quốc phục, sau đó đổi thành Đề án Lễ phục Nhà nước, nhưng công việc này đã không thực hiện được bởi Ban Tổ chức không tìm ra mẫu lễ phục dành cho nam giới. Tới thời điểm hiện nay khi mà các vấn đề liên quan tới lịch sử, giá trị thẩm mỹ của bộ trang phục Áo ngũ thân (cả nam và nữ) được nhiều người biết đến, việc may, mặc Áo ngũ thân thành xu hướng đã phát triển rộng rãi thì lựa chọn trang phục này cho Đề án Lễ phục Nhà nước là vấn đề không còn khó khăn, phức tạp như trước.
Trang phục Áo ngũ thân tay chẽn (trái), Áo ngũ thân tay thụng (phải). Ảnh: Minh Đời
Thay bằng phát động thi thiết kế, nên chăng, Bộ VHTTDL nghiên cứu chọn Áo ngũ thân (cả nam và nữ), chuẩn hóa để làm Lễ phục Nhà nước.
Quy định sử dụng cho từng loại trang phục theo hoàn cảnh, bối cảnh. Áo ngũ thân tay chẽn sử dụng làm tiện phục, Áo ngũ thân tay thụng sử dụng trong các nghi lễ, nghi thức cấp Nhà nước.
Quy định mầu sắc, chất liệu theo cấp bậc, địa vị, chức danh và hoàn cảnh của người mặc.
Áo ngũ thân là tiền thân của Áo dài hiện đại ngày nay, trang phục này đã được người Việt sử dụng trong một thời gian dài. Qua mấy trăm năm, Áo ngũ thân đã được định hình cho phù hợp với khí hậu và con người Việt Nam. Lựa chọn Áo ngũ thân làm Lễ phục Nhà nước là tiếp nối và phát huy giá trị truyền thống của cha ông. Đây cũng là hướng đi “Phát triển công nghiệp văn hóa nhằm khai thác và phát huy những tiềm năng và giá trị đặc sắc của văn hóa Việt Nam; khuyến khích xuất khẩu sản phẩm văn hóa, góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới” theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 33/NQ-TW ngày 9/6/2014 của Ban chấp hành Trung ương về Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Nên xây dựng, quảng bá thương hiệu quốc gia Áo dài Việt Nam
Ở Hà Nội, Huế, Hội An, TP. HCM hoặc các trung tâm du lịch chúng ta rất dễ gặp du khách Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Nga, Mỹ, Pháp... mặc Áo dài dạo phố. Những hình ảnh Áo dài được truyền thông mạnh mẽ trên thế giới, tạo thiện cảm và thu hút khách du lịch đến Việt Nam, tạo sức hút cho các ngành dịch vụ khác. Không những thế, tạo ra chuỗi giá trị kinh tế, văn hóa cho các ngành thủ công truyền thống như dệt vải, cắt may, nguyên phụ liệu, thêu… Ngoài việc tạo ra các giá trị kinh tế cho ngành thời trang, thì Áo dài cũng đã tạo ra giá trị văn hóa, quảng bá hình ảnh đất nước, thúc đẩy các ngành Du lịch dịch vụ phát triển cho nên rất cần chuẩn hóa, nâng tầm trang phục này chính thức trở thành biểu tượng, thương hiệu quốc gia.
Đến thời điểm hiện nay, Bộ VHTTDL đã có quyết định phê duyệt Đề án xây dựng, quảng bá thương hiệu quốc gia “Du lịch văn hóa”; “Nghệ thuật Sơn mài Việt Nam”; “Festival Nhiếp ảnh quốc tế Việt Nam”; “Liên hoan phim Việt Nam”; “Giải thưởng Quảng cáo sáng tạo Việt Nam”… Nếu có thêm Đề án xây dựng quảng bá thương hiệu quốc gia Áo dài sẽ góp phần thêm vào việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Hai bạn trẻ Uyên Minh và Minh Luân chọn mặc trang phục Áo ngũ thân cho ngày cưới. Ảnh: UM
Nhìn lại thực tiễn, năm 2020, Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai Đề án Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam. Việc UBND tỉnh Thừa Thiên Huế giao cho Sở VHTT nghiên cứu, triển khai Đề án Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam là rất phù hợp với xu thế thời đại, phù hợp với chủ trương “phát triển nhanh và bền vững, dựa trên nền tảng của di sản, văn hóa và bảo tồn bản sắc văn hóa Huế” mà Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị đã chỉ rõ về con đường xây dựng và phát triển của Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VHTT Thừa Thiên Huế: Đề án này cũng rất phù hợp với Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 mà Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt ngày 12/11/2021 (Quyết định 1909/QĐ-TTg), trong đó 1 trong 5 quan điểm cơ bản là: “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, với các đặc trưng dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học”. Việc triển khai thành công đề án sẽ là một ví dụ cụ thể, điển hình về việc đóng góp của công nghiệp văn hóa cho mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước (Áo dài vừa thuộc lĩnh vực thủ công mỹ nghệ truyền thống, vừa thuộc lĩnh vực thiết kế thời trang).
Đề án Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam đang thu hút sự quan tâm của cộng đồng, thu hút các nguồn lực may, dịch vụ du lịch cũng như quảng bá hình ảnh Cố đô Huế. Đề án này là mô hình tốt để chúng ta tham khảo cho việc xây dựng và quảng bá thương hiệu quốc gia mà Bộ VHTTDL đang triển khai thực hiện.
Áo ngũ thân luôn tạo cho các bạn trẻ thoải mái, tự tin và hiện đại. Ảnh: Phạm Hoàn
Hiện nay, trước thực trạng may, mặc Áo dài lai căng, xa rời thẩm mỹ và bản sắc văn hóa Việt Nam thì việc bảo tồn và phát huy giá trị Áo ngũ thân/Áo dài truyền thống là điều vô cùng cần thiết. Phục hồi Áo ngũ thân sẽ là bệ đỡ vững chắc để các nhà thiết kế sáng tạo, bồi đắp thêm giá trị cho Áo dài. Phát huy giá trị Áo dài ngũ thân không chỉ giữ gìn bản sắc văn hóa mà còn tạo động lực bảo tồn và làm tăng giá trị các ngành thủ công truyền thống liên quan tới Áo dài. Hiện nay, phần lớn nguyên phụ liệu liên quan tới Áo dài đều được nhập khẩu từ nước ngoài, điều này dẫn đến lãng phí nguồn nhân công trong nước, mai một nghề thủ công. Phục hồi trang phục Áo ngũ thân là phục hồi nghề thủ công truyền thống giúp tạo việc làm cho nhiều người đặc biệt là phụ nữ và giới trẻ, giữ được bí kíp trong sản xuất, khai thác được nguyên liệu trong nước. Không những vậy, còn tạo nguồn thu nhập lớn cho các ngành dịch vụ, du lịch và xuất khẩu, đáp ứng được nhu cầu trong nước, nâng cao giá trị văn hóa cho thương hiệu Áo dài Việt Nam.
Chú rể Jose Franco (Mexico) - cô dâu Quỳnh Anh (Việt Nam) cùng gia đình và bạn bè mặc trang phục Áo ngũ thân trong ngày cưới. Ảnh St
Sáng 15/10/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị đối thoại với phụ nữ Việt Nam, chủ đề Thúc đẩy bình đẳng giới và phát huy vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế - xã hội. Đặt câu hỏi với Thủ tướng, bà Nguyễn Thị Hạnh, Giám đốc Công ty May SH (Thừa Thiên Huế), đề nghị người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo cơ quan chức năng tích cực triển khai thủ tục để công nhận và ghi danh Áo dài Việt Nam là văn hóa phi vật thể quốc gia. Thủ tướng yêu cầu, nếu các quy định của pháp luật không phù hợp thì cần nghiên cứu, sửa đổi để phù hợp với thực tiễn và lòng dân. “Vướng thể chế thì gỡ thể chế, nếu vướng thủ tục thì gỡ thủ tục”, Thủ tướng chỉ đạo.4
_______________
1. Võ Hồng Phúc, 30 năm chuyện quốc phục của người Việt, Báo điện tử Dân trí, ngày 15/8/2022.
2. Thiên Anh, Có nên đưa áo dài ngũ thân nam làm lễ phục thay complet?, Báo Thanh Niên, ngày 30/3/2021.
3. Toan Toan, Vì sao hoa sen vẫn chưa chính thức là quốc hoa, Báo Tiền phong, ngày 7/8/2013.
4. Viết Tuân, Nghiên cứu ghi danh áo dài là văn hóa phi vật thể quốc gia, Báo điện tử VNExpress, ngày 15/10/2022.
NGUYỄN ĐỨC BÌNH
Nguồn: Tạp chí VHNT số 514, tháng 10-2022