Biên kịch, đạo diễn Đặng Linh: "Phim Hai bàn tay khai thác những ký ức tuyệt hay về Nguyễn Sáng"

Bộ phim Hai bàn tay kể về cuộc đời, sáng tác của họa sĩ Nguyễn Sáng do Đặng Linh (Đặng Thị Linh) biên kịch và đạo diễn đã được trao giải Cánh diều Vàng trong giải Cánh diều lần thứ 19 năm 2021 của Hội Điện ảnh Việt Nam. Đó là một bộ phim độc đáo đã khơi mở một đề tài hấp dẫn và để lại nhiều suy nghiệm cho người xem.

Biên kịch, đạo diễn Đặng Linh

Nữ đạo diễn Đặng Linh thuộc thế hệ 8x làm việc tại Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương. Chị đã thực hiện nhiều bộ phim: Chuyện ngày hôm qua, Tuổi thác ghềnh, Hiến tạng, Cuộc di cư của bầy cừu… Đặng Linh thuộc lớp đạo diễn trẻ nhiều sáng tạo và có khát vọng trong nghệ thuật, chị đã có cuộc trò chuyện với phóng viên Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật sau khi phim Hai bàn tay được trao giải. 

Bộ phim Hai bàn tay đã giành giải Cánh diều Vàng trong lễ trao giải Cánh diều lần thứ 19- 2021, biên kịch, đạo diễn Đặng Linh có thể chia sẻ về những cảm xúc khi phim đoạt giải?

Tôi thực sự rất vui! Niềm vui đó không chỉ cho riêng bản thân, mà tôi hạnh phúc vì mọi người đã nhắc đến họa sĩ Nguyễn Sáng nhiều hơn, đồng thời tìm hiểu về con người, các tác phẩm của ông nhiều hơn. Tôi cũng tự hào thay phần của những người đã chung tay góp sức cùng mình thực hiện bộ phim này. 

Vì sao Đặng Linh lại chọn đề tài chân dung họa sĩ Nguyễn Sáng để làm phim. Trong quá trình làm phim chị có gặp nhiều khó khăn không? 

- Thực ra, hội họa là bộ môn nghệ thuật mà tôi yêu thích từ nhỏ. Tuy không có năng khiếu vẽ nhưng tôi lại rất đam mê chiêm ngưỡng những bức tranh và chiêm nghiệm về những đường nét, màu sắc, bố cục,... của các tác phẩm hội họa. Trong số các danh họa Việt Nam, tôi đặc biệt kính trọng họa sĩ Nguyễn Sáng và vô cùng yêu thích các tác phẩm hội họa do ông sáng tác. Dù ông đã ra đi từ rất lâu, trước khi tôi đủ trưởng thành để biết đến và yêu thích tranh ông. Ý tưởng làm phim về họa sĩ Nguyễn Sáng đã xuất hiện từ rất lâu nhưng mãi đến năm 2019 tôi mới thúc đẩy bản thân hoàn thành được kịch bản. Sau một năm trình duyệt và chờ đợi hoàn thiện các thủ tục, đầu năm 2022, tôi và ê-kip đã lên đường thực hiện những cảnh quay tiền kỳ cho bộ phim. Lúc đó dịch COVID - 19 đang diễn biến rất phức tạp và tình hình tài chính của Hãng phim Tài liệu và Khoa học trung ương đang gặp muôn vàn khó khăn. Chúng tôi rất khó để xin được giấy phép đi làm phim này ở các địa phương. Những nhân vật mà tôi dự định ghi hình phỏng vấn cũng rất ngại tiếp xúc với chúng tôi vì tình hình dịch bệnh trong cả nước còn quá căng thẳng, khó lường. Nhưng kế hoạch không thể không hoàn thành, anh chị em trong ê-kip chúng tôi tự xoay xở, thúc đẩy và động viên lẫn nhau để làm việc. Đến năm 2021 tôi mới bước vào giai đoạn làm hậu kỳ và cũng phải mất đến gần một năm thì việc làm công đoạn này mới hoàn tất. Như vậy, tính tổng thời gian làm bộ phim này tôi đã mất 3 năm. Nó không phải là một khoảng thời gian quá dài cho một bộ phim tài liệu, và cũng không có ai ép tôi phải làm mất nhiều thời gian như thế, nhưng có lẽ vì tôi quá đắm đuối với đề tài này nên phải cầu kỳ trau chuốt từng hình, từng câu, để bộ phim có thể kể một câu chuyện đúng với ý của mình nhất. 

Ảnh tư liệu về họa sĩ Nguyễn Sáng

Vì sao Đặng Linh lấy tên phim là Hai bàn tay?

- Ai cũng có hai bàn tay, nhưng hai bàn tay của Nguyễn Sáng thì rất thú vị và khác biệt. Khi còn sống, ông rất hay nhắc đến hai bàn tay của chính mình. Ông cũng từng làm một bài thơ lấy tựa là “hai bàn tay”. Đến khi sắp nhắm mắt xuôi tay, Nguyễn Sáng vẫn dặn dò những người xung quanh hãy đục lỗ quan tài để ông được đưa hai bàn tay của mình ra như một cách để thể hiện cái tôi sáng tạo đầy khí chất. Tên phim cũng là cách để tôn trọng đôi tay đã cùng với trí tưởng tượng siêu việt của ông tạo nên những bức tuyệt phẩm hội hoạ. Cách suy nghĩ về đôi bàn tay của Nguyễn Sáng khiến cho việc đặt tên phim của tôi rất dễ dàng. Đơn giản chỉ là tôi gọi ra những điều mà người xem sẽ hình dung được khi xem phim về Nguyễn Sáng. 

Trong phim không có lời bình, mà là những lời kể của các nhân vật có mối quan hệ thân thiết, gần gũi với họa sĩ Nguyễn Sáng. Vì sao chị chọn cách này để thể hiện bộ phim?

- Trước khi trở thành đạo diễn, tôi là một biên kịch sống bằng nghề cầm bút. Không chỉ là viết kịch bản cho phim tài liệu, tôi còn viết kịch bản phim truyện, kịch bản phim hoạt hình, viết báo và nhiều thể loại, văn bản khác. Đương nhiên là tôi đã viết rất nhiều lời bình cho phim tài liệu trong những năm qua. Nhưng bản thân tôi lại chưa bao giờ thích làm lời bình cho phim của chính mình. Tôi không có định kiến với phim dùng lời bình. Đơn giản chỉ vì tôi thích cách làm phim mà các câu chuyện được kể một cách tự nhiên, không lộ rõ ý đồ, quan điểm hay định hướng của tác giả. Tôi thích những suy nghĩ tự do, những cảm xúc phức tạp, những cảm nhận bản năng mà đôi khi rất khó lý giải. Và qua mỗi bộ phim của mình, tôi hi vọng khán giả cũng tìm thấy điều đó. 

Cảnh trong phim Hai bàn tay

Họa sĩ Nguyễn Sáng (1923-1988), ông mất đã khá nhiều năm, vậy trong quá trình tìm tư liệu của ông, Đặng Linh có gặp nhiều khó khăn không? 

Họa sĩ Nguyễn Sáng đã ra đi cách đây hơn 30 năm. Tư liệu về ông còn rất ít, chỉ là vài bức ảnh được bạn bè và những người thân quen ông lưu giữ. Chiến tranh, những lựa chọn của thời cuộc và sự nghiệt ngã của số phận đã khiến gia đình ông ly biệt từ lâu. Ngay cả các cháu họ hàng của Nguyễn Sáng sau này cũng phải đi tìm và xin ảnh để lập ban thờ cho ông. Điều may mắn đối với tôi và ê-kip làm phim là họa sĩ Nguyễn Sáng đã để lại cho cuộc đời những bức tranh tuyệt đẹp và những ký ức tuyệt hay. Bộ phim Hai bàn tay chỉ khai thác được một phần trong gia tài nghệ thuật và tư tưởng đồ sộ của ông. Nhưng tôi thật may mắn khi được gặp gỡ và lắng nghe những người từng gắn bó với họa sĩ Nguyễn Sáng kể về ông bằng những câu chuyện thú vị và xúc động, in sâu vào dòng hồi tưởng của họ. Không chỉ chia sẻ về Nguyễn Sáng, các nhân vật tham gia trong phim còn cung cấp cho tôi những tư liệu cần thiết, kết nối giúp tôi với những người có thể đóng góp tích cực cho bộ phim và góp ý giúp tôi cách thể hiện bộ phim sao cho chân thực với con người và nghệ thuật của họa sĩ Nguyễn Sáng nhất. Tôi cảm nhận rất rõ sự chân tình và nhiệt thành từ họ, những người đã ít nhiều chịu ảnh hưởng từ Nguyễn Sáng và trân quý Nguyễn Sáng vì ông là chính ông chứ không phải một người nào khác.

Là một đạo diễn nữ, nhưng Đặng Linh lại “xông pha” vào các đề tài khó. Trong những cuộc hành trình làm phim đó, bộ phim nào để lại nhiều ấn tượng trong Đặng Linh?

- Phim Cuộc di cư của bầy cừu để lại trong tôi nhiều ấn tượng, qua quá trình làm phim đã khiến tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Ban đầu, tôi chỉ định làm phim vì thích hình ảnh những con cừu đi tìm cỏ trên sa mạc. Sau đó quá trình làm phim đã dẫn tôi đến với một gia đình rất đặc biệt, nơi mà tình yêu thương đã đánh gục mọi khó khăn của đời sống và sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Khi mới bắt tay vào quay tiền kỳ, tôi dự định làm về chị Hậu - người phụ nữ đã sinh con tới 4 lần, và lần thứ 4 thì sinh cùng lúc 4 đứa con. Chị ấy quả thực rất dũng cảm và phi thường. Song, tôi lại nhìn ra bên cạnh chị ấy là một người chồng lao động đến kiệt sức để lo từng miếng cơm manh áo cho vợ con, khi mà chế độ mẫu hệ còn phủ bóng lên gia đình và cả nền văn hóa của người Chăm. Tôi quyết định đẩy người chồng, người cha ấy lên làm nhân vật chính. Tôi cũng ngạc nhiên với chính bản thân mình vì sự kiên trì, liều lĩnh và quyết liệt trong suốt ba năm làm phim, vì dự định ban đầu của tôi về bộ phim là khác hẳn. Bộ phim đã đem đến cho tôi nhiều bài học, không chỉ về nghề nghiệp tôi đang làm, giấc mơ tôi đang theo đuổi, mà còn về nhân cách làm người khi đứng giữa những nghịch cảnh và lựa chọn.

Cảnh làm phim Cuộc di cư của bầy cừu

Cảm ơn biên kịch, đạo diễn Đặng Linh về cuộc trò chuyện này!

THÁI AN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 514, tháng 10-2022

 

;