Nghệ sĩ châu Á - đâu là rào cản phát triển?

Nhiều nghệ sĩ châu Á tuy rất nổi danh tại thị trường nội địa và trong khu vực nhưng hầu hết trong số họ lại chỉ là những tên tuổi vô danh trong thị trường điện ảnh quốc tế. Liệu có hay không tình trạng phân biệt đối xử giữa những ngôi sao Hollywood và các nghệ sĩ đến từ những châu lục khác?

Ba nữ minh tinh châu Á Chương Tử Di, Dương Tử Quỳnh và Củng Lợi trong phim Memory of a Geisha

Nghệ sĩ châu Á - các nhân tài giá rẻ

Có lẽ ở châu Á, nước “xuất khẩu” nhiều ngôi sao tài năng sang Hollywood nhất chính là Trung Quốc. Ngay từ những năm 70 của thế kỷ trước, khi vừa trở thành một hiện tượng của điện ảnh châu Á, ngôi sao phim võ thuật Lý Tiểu Long đã tìm đường phát triển sự nghiệp ở Mỹ và đã làm vài bộ phim hợp tác khá nổi tiếng. Tiếc rằng sự nghiệp của anh sớm đứt gánh giữa đường bởi cái chết được cho là đột tử nhưng vẫn ẩn chứa nhiều uẩn khúc khi mới 37 tuổi. Những năm 80, sau Trần Xung lần lượt là Thành Long, Châu Nhuận Phát, Lý Liên Kiệt và rồi đến Củng Lợi, Chương Tử Di, Lưu Diệc Phi… đều lần lượt tham gia đóng phim ở Hollywood và coi đây như là một bước ngoặt trong sự nghiệp, một bước phát triển mới của họ. Tuy ít nhiều họ đều gặt hái thành công nhất định, được khán giả toàn cầu quen mặt biết tên, song, không phải không có những cay đắng ngậm ngùi mà chỉ người trong cuộc mới biết. 

Đầu tiên là tiền cát-xê, tất nhiên tiền không phải là mục đích chính mỗi khi một diễn viên nhận lời đóng phim nhưng mức cát-xê chính là thước đo giá trị của mỗi người và nếu được trả tiền công thoả đáng hẳn sẽ là một động lực để họ làm việc. Tuy nhiên, để đòi hỏi sự công bằng trong cát xê giữa một diễn viên Hollywood và một diễn viên đến từ châu Á thì sẽ chỉ là điều không tưởng. Không ai công bố mức cát xê mà họ được lĩnh nhưng những nguồn thạo tin cho hay, nếu một ngôi sao Hollywood thường được nhận tấm séc lên đến 6 chữ số 0, tức là từ 1 triệu đô la trở lên thì một ngôi sao châu Á thường chỉ được vài trăm nghìn đô la - một sự chênh lệch ghê gớm - cho dù nhiều ngôi sao châu Á thủ vai chính trong phim. Nếu chỉ đóng vai thứ chính hoặc vai phụ thì thu nhập của họ còn thấp hơn nhiều. Trường hợp của nam diễn viên Nhật Bản Ken Watanabe từng thủ diễn trong các phim The Last Samurai cùng ngôi sao Tom Cruise, Memoirs of a Geisha bên cạnh Củng Lợi, Dương Tử Quỳnh, Chương Tử Di và Batman Begins là một ví dụ điển hình. Những bộ phim này đã giúp anh trở thành một tài tử châu Á nổi tiếng khắp thế giới, từng nhận được một đề cử Oscar Nam diễn viên phụ (cho vai diễn trong phim The Last Samurai), ngày càng nhận được nhiều lời mời chào từ phương Tây và Hollywood nhưng trong một lần trả lời phỏng vấn của báo chí phương Tây, Ken nói rằng: “Đừng hỏi tôi người ta trả thù lao cho tôi bao nhiêu trong những bộ phim ấy nếu không muốn làm tôi xấu hổ”.

Tất nhiên nếu so mức cát xê của Hollywood trả cho Ken với mức thù lao mà anh được nhận trong nước thì hẳn cũng có sự chênh lệch đáng kể bởi nhìn vào một con số so sánh: kinh phí để làm một bộ phim ở Nhật chỉ chừng 1 triệu đô la/phim, tức là ít hơn 24 lần so với cát-xê của Tom Cruise khi anh đóng cùng với Ken trong phim The Last Samurai. Thế nhưng đó là sự so sánh khập khiễng giữa những vai diễn trong các bộ phim xuất xứ từ những thị trường khác nhau, còn khi cùng xuất hiện trong một bộ phim, nếu cát-xê một người là vài chục triệu đô la còn người kia chỉ là vài trăm nghìn đô thì còn đâu sự công bằng? Nhiều người đặt câu hỏi, phải chăng đây cũng là một biểu hiện của sự phân biệt đối xử giữa những người không cùng nguồn gốc xuất xứ? 

Ngôn ngữ và sự dị biệt về văn hóa là rào cản của sự phát triển

Hollywood quả là có sức mạnh vô song trong nền công nghiệp điện ảnh khi nhiều bộ phim được mệnh danh là “bom tấn” xuất phát từ đây không chỉ là những “cỗ máy in tiền” với doanh thu không lồ mà còn có sức lan toả khắp thế giới, có thể đè bẹp không chỉ những nền điện ảnh đang phát triển mà còn đe doạ cả những nước có nền điện ảnh lâu đời ở châu Âu. Chính vì thế mà một nghệ sĩ thành công trong một phim nào đó của Hollywood có thể dễ dàng trở thành một tên tuổi lừng danh thế giới, có thu nhập cao gấp nhiều lần so với khi làm phim ở quê nhà. Đây là lý do khiến rất nhiều nghệ sĩ coi việc phát triển sự nghiệp ở Hollywood là mục đích quan trọng và việc được một hãng phim nào đó ở Hollywood mời mọc là một cơ hội ngàn vàng để đổi đời. Tuy nhiên, muốn làm được điều đó, họ phải vượt qua nhiều rào cản mà ngôn ngữ là thử thách đầu tiên. 

Tiếng Anh được nói, nghe và viết ở nhiều nơi trên thế giới và trở thành một ngôn ngữ thống trị trên phim ảnh. Muốn đóng phim Mỹ, phải nói được tiếng Anh - đó là nguyên tắc dễ hiểu. Nhưng nhiều nghệ sĩ tài năng phải khó khăn lắm mới vượt qua rào cản đầu tiên này bởi ngữ pháp tiếng Anh khác xa với những thứ tiếng tượng hình của châu Á như Trung, Nhật, Hàn, Thái, Mã… Củng Lợi từng được Hollywood săn đón ngay từ khi chị mới nổi danh ở LHP QT Berlin hồi đầu những năm 1990 thế nhưng chị đã phải bỏ qua rất nhiều cơ hội chỉ vì không thể nói được tiếng Anh trôi chảy để có thể thoại trên phim. Lần thử sức đầu tiên của chị hồi năm 1997 với bộ phim Chinese Box bên cạnh nam diễn viên Jeremy Irons đã thất bại. Mãi sau này, khi đã bỏ nhiều công sức để học tiếng Anh, Củng Lợi mới đủ tự tin để xuất hiện trong bộ phim Miami Vice, tuy nhiên lời thoại của chị trong phim này vẫn bị chê là phát âm quá nhỏ và không rõ ràng. 

Ken Watanabe trong phim The Last Samurai

Ken Watanabe cũng suýt đánh mất cơ hội khi đi casting cho vai diễn trong phim The Last Samurai, anh khiến đạo diễn Edward Zwick khá thất vọng vì ngoài việc… hơi hói đầu anh còn không thể nói được tiếng Anh cho trôi chảy. May thay nữ giám đốc phân vai Yoko Narahashi vốn là đồng hương của anh nên đã tìm cách “ứng cứu”. Chị thuyết phục đạo diễn người Mỹ hãy cho Ken thêm một cơ hội nữa rồi vội vã hướng dẫn anh nói trôi chảy nhiều câu tiếng Anh cần thiết và một vài kỹ thuật diễn xuất theo kiểu Hollywood. Nhờ vậy mà sau đó Ken đã được chọn. 

Để đạt được mục tiêu, nhiều nghệ sĩ trẻ đổ xô đi học tiếng Anh với hy vọng sẽ tìm được cơ hội để bừng sáng thành sao trên thị trường quốc tế. Nhưng tiếc cho các tài năng châu Á nói riêng bởi cơ hội được đóng phim ở nơi đây không những rất ít mà còn bị bó hẹp về nội dung do giới hạn ngoại hình của họ. Như có một thế lực vô hình nào đó bó buộc, các nghệ sĩ châu Á thường chỉ được phân những vai diễn có xuất thân châu Á như họ. Nếu các nam diễn viên thường chỉ được mời đóng trong những bộ phim võ thuật thì các nữ diễn viên lại hay xuất hiện như một bình hoa trang trí, không loại trừ trường hợp nhiều nữ nghệ sĩ còn được mời những vai diễn “bôi bác” người phụ nữ châu Á hoặc bóp méo hình ảnh họ như là một thứ để mua vui cho đàn ông phương Tây. Sau khi tham gia đóng khá nhiều phim Mỹ, nữ diễn viên Trần Xung đã quá mệt mỏi vì phải đóng mãi những vai phụ nữ Á châu na ná như nhau nên đã chuyển sang làm đạo diễn để thể hiện bản ngã của mình. Chị muốn khẳng định mình không chỉ biết diễn vai những phụ nữ châu Á mà còn có thể đóng vai một người phụ nữ trong bất cứ bộ phim nào, nhưng cho tới giờ chị vẫn chưa tìm được cơ hội đó. Chính vì không muốn làm một “bình hoa trang trí” mà Củng Lợi từng từ chối nhiều bộ phim. Chị muốn đóng những vai “không ai đóng được” đòi hỏi nội lực diễn xuất của mình nhưng cho tới nay, những vai diễn của chị vẫn bị bó hẹp trong nguồn gốc xuất thân. Ví như vai Isabella - một nữ chủ nhà băng đứng đằng sau các tập đoàn buôn lậu vũ khí và ma tuý hùng mạnh trong phim Miami Vice của chị tuy là một vai diễn độc đáo nhưng vẻ ngoài của chị vẫn luôn nhắc khán giả nhớ đến xuất thân của Isabella là người Cuba gốc Trung Hoa.  

Mệt mỏi với những bộ phim võ thuật - hành động, Châu Nhuận Phát và Thành Long đều quay lại cố hương để có được những vai diễn đa dạng hơn, hòng làm mới hình ảnh của mình. Phải chăng nếu con người có thể chọn được mảnh đất sinh ra mình, nhiều nghệ sĩ châu Á sẽ mơ ước… được làm người phương Tây để có được con đường hoạn lộ may mắn hơn nhiều?.

TRỊNH NGỌC ANH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 511, tháng 9-2022

;