Ông bà ta thường có câu “An cư thì mới lập nghiệp”. Cũng chính vì thế mà kiến trúc về nhà ở cùng được xem là một nét độc đáo trong bản sắc văn hóa Việt Nam nói chung, đồng bào dân tộc Chăm Islam An Giang nói riêng.
Nhà ở của người Chăm tùy theo số lượng thành viên của gia đình mà được xây dựng ngắn hoặc dài, rộng hoặc hẹp cho phù hợp. Khi xây dựng ngôi nhà, người Chăm thường dựng một cái cột chính ở giữa gian khách, thường gọi là “cột bà”.
Cộng đồng Chăm Islam An Giang quan niệm việc dựng cột nhà rất quan trọng. Khi dựng cột nhà, gia chủ chọn ngày thuận lợi nhất để khởi công. Vào khoảng 6 giờ sáng của ngày dựng cột, gia chủ sẽ mời đại diện Ban Giáo cả và các thanh niên khỏe mạnh trong làng để đến nơi dựng cột. Trước khi dựng cột nhà, mọi người tiến hành nghi thức “Hứng mạt cưa”. Những trai tráng khỏe mạnh khiêng “cây cột bà” đã được chọn tới nơi dựng cột và mời ông Giáo Cả đến thực hiện nghi thức.
Sau đó, một nam thanh niên khác sẽ đưa cho ông Giáo Cả chiếc cưa để vào một vị trí định sẵn trên đầu hoặc thân cột. Phía dưới chỗ cưa cột, gia chủ có chuẩn bị một cái mâm, phủ vải trắng, nhằm hứng mạt cưa khi ông Giáo Cả cưa đầu cột rớt xuống. Sau khi cưa tượng trưng ở cột, ông Giáo Cả lấy tấm vải trắng gói mạt cưa lại và buộc lên cột nhà. Tiếp theo, các nam thanh niên khỏe mạnh đào một cái lỗ để chôn cột, dựng cột. Trước khi dựng, người ta thì phải cắt một trái bí đao chôn dưới cột nhà với ý nghĩa mát mẻ, thuận lợi cho gia chủ.
Sau khi trái bí được đặt xuống, nhóm thanh niên bắt đầu công việc dựng cột. Họ sẽ chia thành từng nhóm để kéo dây, ông Cả thì vịn cột và tất cả cùng đọc câu kinh “Salawat Nabi Mohamach Sonlonlo, hu a lây, hi, wasalam” vừa đọc vừa kéo dây dựng cột thẳng lên với ý nghĩa cầu xin “Thượng đế” ban những điều tốt đẹp cho gia chủ.
Khi tất cả mọi người đọc xong câu kinh cũng là lúc cột nhà dựng xong. Ông Giáo cả cùng tất cả mọi người, ngồi xuống và cầu nguyện “Chúc gia chủ bình an, hạnh phúc”. Xong nghi thức dựng cột nhà, gia chủ giao phần còn lại cho thợ xây hoàn thiện ngôi nhà của mình.
Khi ngôi nhà đã được xây xong, gia chủ sẽ mời ông Giáo Cả và mọi người đến làm lễ mừng nhà mới (Lễ tạ ơn Kuột san). Buổi lễ thường được tổ chức vào đầu giờ chiều. Đây cũng là thời gian thuận tiện nhất của tất cả mọi người.
Trước khi diễn ra Lễ tạ ơn, gia chủ sẽ dọn dẹp và trang hoàng nhà cửa thật đẹp, chuẩn bị một hũ gạo, một hũ muối để trên rế và bày trí gần cột nhà. Hũ gạo hũ muối mang ý nghĩa: trong bếp nhà lúc nào cũng đầy đủ.
Khi Giáo Cả và quan khách đến đầy đủ, gia chủ tiến hành “Nghi thức vào nhà mới”. Đi đầu trong “nghi thức vào nhà mới” là bà chủ nhà trên tay ôm con mèo tượng trưng cho sự may mắn. Tiếp theo sau bà chủ là Giáo Cả, chủ nhà và quan khách.
Đến mừng nhà mới, mọi người trong làng thường mang sữa, hột vịt, bột, đường và những vật dụng gia đình với ý nghĩa tình làng, nghĩa xóm, đoàn kết chung vui. Sau khi nhận lễ vật của mọi người trong làng, gia chủ sẽ sắp xếp chỗ ngồi cho mọi người. Ông Chủ lễ (gia chủ) sẽ sắp xếp nam giới ngồi căn nhà trước, nữ giới ngồi căn sau với bà chủ (vì theo phong tục của đồng bào dân tộc Chăm thì nam nữ không được ngồi chung chiếc chiếu trừ khi đó là vợ chồng).
Sắp xếp chỗ ngồi vừa xong những người nam sẽ tham gia Lễ Tạ ơn. Mọi người ngồi thành hàng và cùng với ông Giáo Cả, gia chủ đọc kinh cầu phước, cảm tạ ơn trên đã giúp cho gia đình có được ngôi nhà mới, đồng thời cầu mong cho gia đình làm ăn thuận lợi, êm ấm và tốt lành.
Sau nghi thức Lễ Tạ ơn, gia chủ mang ra mời khách những món bánh truyền thống như: bánh Hapum, Hakalim, bánh Bakigah… và trà nước đã được gia chủ chuẩn bị trước. Mọi người quây quần cùng nhau ăn bánh, uống trà, trò chuyện vui vẻ với nhau, mừng cho gia chủ được một ngôi nhà mới khang trang.
Lễ dựng cột nhà và lễ mừng nhà mới là sinh hoạt cộng đồng, đã lưu truyền qua nhiều thế hệ, có ý nghĩa hướng về những giá trị văn hóa cội nguồn của cha ông. Trải qua nhiều biến động và hội nhập của hiện đại, những ngôi nhà hôm nay đã được xây dựng kiên cố, khang trang nhưng đa số đồng bào Chăm vẫn giữ gìn những ngôi nhà truyền thống mà người xưa xây dựng cho đến hôm nay, nhiều ngôi nhà đã hơn trăm tuổi.
Nghi thức dựng cột nhà và Lễ ăn mừng nhà mới của đồng bào Chăm Islam An Giang hiện nay chỉ được ông bà xưa nhắc lại. Nhưng những nghi thức truyền thống ấy vẫn hiện diện qua những căn nhà bằng gỗ với cái cột chính ở giữa gian khách mà người ta thường gọi là “cột bà”. Hiện nay tại làng Chăm Châu Giang (xã Châu Phong, thị xã Tân Châu, An Giang) vẫn còn ngôi nhà cổ hơn 100 năm tuổi của gia đình ông Sa Lê MoHaMed. Khi đến đây, mọi người sẽ được tắm mình trong không gian đậm đà màu sắc dân tộc Chăm cũng như nghe kể những câu chuyện về lễ dựng cột nhà hết sức đặc biệt.
Nếu người Kinh có nghi thức dỡ gỗ khi dựng nhà thì người Chăm cũng có nghi thức dựng cột nhà vừa đặc sắc vừa ý nghĩa. Nghi thức ấy bao đời đã hòa chung vào dòng chảy văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam, vừa phong phú đa dạng lại vừa đặc trưng.
Tái hiện nghi lễ dựng cột nhà của đồng bào Chăm (An Giang)
ĐĂNG NGUYÊN
Nguồn: Tạp chí VHNT số 501, tháng 6-2022