Phụ nữ dân tộc Cơ Tu giã gạo chày tư
Với nền nông nghiệp nương rẫy, lúa gạo là nguồn sống chính của nhiều dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng Trường Sơn - Tây Nguyên. Sau khi thu hoạch, người ta cho lúa vào kho. Mỗi lần đồng bào lấy ra một ít lúa phơi phóng rồi cho vào cối giã thành gạo. Bát cơm gạo mới dẻo thơm cũng từ những cối gạo, nhịp chày của các chị, các mẹ mà có. Chiếc cối gỗ không chỉ là vật dụng phục vụ cuộc sống hàng ngày mà còn được đồng bào xem như người bạn thân thuộc. Nó là biểu tượng của no ấm và cái đẹp trong văn hóa của các tộc người.
Cối thường được làm từ gỗ cây dỗi già. Loại gỗ này dẽo, dai, mịn và nhẹ nên rất dễ dàng trong việc đục đẽo, tạo tác. Hơn nữa, thân gỗ này rất bền chắc, có khả năng chống được mối mọt. Lòng cối là bộ phận khó tạo tác nhất. Muốn tạo lòng cối theo ý muốn, trong lúc tạo tác, người thợ cối bỏ vào giữa, mặt trên của khối gỗ một ít than củi đang cháy để đốt làm cho lòng cối thêm độ sâu vừa phải. Nhờ vậy, người làm cối dễ dàng đục đẽo, căn chỉnh, tránh cho lòng cối bị vênh, méo. Sau đó là gọt, tỉa sao cho lòng cối được nhẵn bóng.
Giã gạo là công việc có từ lâu đời của các cư dân nông nghiệp khi con người biết trồng lúa. Trên trống đồng Đông Sơn, người Việt cổ đã chạm khắc cảnh đôi trai gái giã gạo cùng với hai người múa thổi khèn rất sinh động, như cảnh ngày mùa vui thôn trang. Tiếng chày giã gạo là nhịp điệu, âm thanh quen thuộc của mỗi buôn làng thể hiện cuộc sống no đủ, dư dật, niềm vui được mùa. Chày cối là dụng cụ gần gũi với người phụ nữ, giã gạo là công việc thiên tính nữ. Nếu ở miền núi phía Bắc, đồng bào tận dụng sức nước để giã gạo thì cư dân vùng núi rừng Trường Sơn - Tây Nguyên thường giã gạo bằng cối gỗ. Nhà nào cũng có cối, chày giã gạo đặt trước sân hoặc mái hiên. Nếu là cư dân ở nhà sàn như người Êđê, Jrai, Bhanar... thì cối gạo đặt ở sàn hiên trước hoặc sau nhà.
Mỗi sáng sớm, người phụ nữ thường thức dậy sớm để nấu cơm, nấu nước chuẩn bị đi rẫy và sau đó người ta tranh thủ giã gạo. Tuy có hơi tốn sức lực một chút nhưng giã gạo bằng chày tay lại nhanh hơn, gạo mau trắng, nấu cơm được vài ngày. Nhà đông, có nhiều lao động, nhất là con gái lớn, thường giúp mẹ giã gạo, từ đó sinh ra nhịp chày đôi, chày ba. Có khi một mình người mẹ, người bà cần mẫn giã lúa một mình với nhịp chày đơn. Trước đây, ở những vùng căn cứ kháng chiến, người ta làm chiếc cối lớn hơn và có nhiều người cùng tham gia giã gạo để huy động nguồn lương thực tại chỗ tiếp tế cho bộ đội. Bài hát nổi tiếng “Nhịp chày trên sóc Bom Bo” của nhạc sĩ Xuân Hồng ghi lại nhịp điệu, âm thanh rộn ràng của “hội giã gạo nuôi quân” của bà con dân tộc Xtiêng vùng Đông Nam Bộ trong thời kháng chiến chống Mỹ.
Cụm tượng tròn phụ nữ điệu con giã gạo của dân tộc Cơ Tu
Trong nghệ thuật trang trí của nhiều tộc người, ta thường bắt gặp hình tượng giã gạo, chày cối. Đặc biệt, trong nghệ thuật trang trí các dân tộc Tây Nguyên, hình tượng người giã gạo, chiếc cối cái chày khá phổ biến. Nó là một trong những đồ vật đẹp mắt, mang nhiều nét thẩm mỹ bởi được chăm chút nhiều đường nét hoa văn và tạo nên nhiều hình dáng đa dạng, độc đáo. Hoa văn thường bố trì bên ngoài xung quanh thân cối và trên miệng cối. Những mẫu hoa văn đủ kiểu tùy theo sở thích, cảm hứng và tài hoa của người tạo tác. Ngoài đường nét hoa văn trên cối, đồng bào các dân tộc còn sáng tạo ra nhiều dáng vẻ khác nhau như hình thon, hình trụ, hình loe trên miệng hoặc loe ở hai đầu, hình tháp cụt... Người Bhanar gọi cối giã gạo là t’pal peh ba, nét tạo hình là có thân lõm ở giữa, loe ở hai đầu...gợi tưởng đến cái eo lưng của người phụ nữ. Biểu tượng cối giã gạo, eo lưng và cách giã gạo chày đôi, chày ba, nhịp điệu diễn ra thường ngày cũng gợi tưởng đến biểu tượng người dùng chày đánh trống eo lưng trên trống đồng của cư dân Đông Sơn thuở trước. Tượng gỗ Tây Nguyên phản ánh nhiều thể tài, trong đó hình ảnh của người phụ nữ thường đậm đặc nhất. Trước tiên, ta có thể thấy loại hình biểu trưng của sinh tồn và phồn thực liên quan đến giới tính, nữ giới: phụ nữ mang bầu, cho con bú, các tượng đặc tả bầu vú, đề tài lao động sản xuất như làm nương, giã gạo...
Hoa văn người giã gạo trên thổ cẩm Cơ Tu
Trong kho tàng nghệ thuật dân gian Cơ Tu, những hoa văn trên thổ cẩm, hình vẽ, tượng tròn, phù điêu bằng chất liệu gỗ trang trí ở nhà làng truyền thống, nhà mồ luôn tìm thấy hình ảnh người phụ nữ điệu con giã gạo, mô típ chày cối. Người giã gạo đôi chân đứng vững, đôi tay khỏe khoắn nâng cao nhịp chày, lưng hơi khòm xuống bên cối gạo, cùng với âm thanh, nhịp điệu tạo nên nét đẹp đầy hơi thở cuộc sống. Đặc biệt, trên cây nêu, cột đâm trâu (sinuar) và cột cái nhà gươl (r’mâng) ta luôn bắt gặp hình tượng chiếc cối gạo và nồi đất, nồi đồng tượng trưng cho hồn lúa (yang haroo), người mẹ, nguồn sống. Hoa văn chày (chapan), cối (tơpal) khá phổ biến trên trang phục Cơ Tu, nhất là trên váy nữ. Hoa văn chày, cối trên trang phục, cột lễ Cơ Tu là điểm nhấn miêu tả cái eo hông nhỏ thon đầy nữ tính, một phần cơ thể người phụ nữ. Cùng với hoa văn Da da, hoa văn chày cối tượng trưng cho hình ảnh phụ nữ, người mẹ.
Chiếc cối gỗ, ngoài việc dùng để giã gạo, nó còn là đồ vật không thể thiếu trong đời sống ẩm thực của các dân tộc miền núi. Đồng bào thường giã lúa bằng cối gỗ sơ qua cho bong lớp vỏ ngoài. Sau khi giã, sảy sạch trấu, hạt gạo nằm trên nia còn nguyên lớp cám bám vào nên có màu đỏ, đồng bào Cor, Ca dong, Xơ-đăng thường gọi là “gạo đỏ” hay gạo lứt. Cơm nấu từ hạt gạo này có màu đỏ nhạt đặc trưng, là món ăn chính thường ngày của gia đình cũng như trong các dịp lễ hội. Những hạt gạo rẫy khi nấu chín không dẻo, dính lại như những loại gạo ở đồng bằng mà tơi, rời ra từng hạt to tròn. Gạo đỏ hấp/độn/ghé cùng củ mì (sắn) trồng trên rẫy là món ăn chính yếu hàng ngày trong bữa cơm gia đình của nhiều tộc người. Gạo đỏ còn dùng để nấu rượu cần. Khi mới thu hoạch, đồng bào dùng cối giã cốm để ăn mừng lúa mới. Cối gỗ cũng thường dùng để giã bột nấu món canh bột gạo, bột sắn với rau và thịt, xương heo, xương bò. Món canh bột gạo, bột sắn này người Jrai gọi là tơ pung, người Cơ Tu gọi là apưr, là món ăn rất ngon lành.
Hoa văn và tạo hình trên chày cối của dân tộc Cơ Tu
Với nền kinh tế tự tục tự cấp, cái cối, cái chày là dụng cụ nông nghiệp góp phần nuôi sống con người. Ngày nay, máy xay xát đã thay sức người, nhiều nơi, đồng bào miền núi không còn nhọc công giã gạo nữa. Tuy nhiên, một số vùng cao, vùng sâu, bà con vẫn giã gạo chày tay, vẫn tạo nên âm thanh, nhịp sống hàng ngày. Các làng du lịch cộng đồng khôi phục lại nghề dệt, đan lát, điệu múa truyền thống, ẩm thực dân gian...và không quên tái hiện cảnh giã gạo chày tay như là các sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng tộc người. Những phụ nữ, thiếu nữ thoăn thoắt nhịp chày thể hiện sự khỏe khoắn, cần mẫn. Đàn gà tíu tít, quẩn quanh cối gạo nhặt thóc rơi vãi là hình ảnh bắt mắt du khách, bởi nó gợi lại hình ảnh nguyên sơ, một cảnh sống giản dị, hòa mình với thiên nhiên và tạo nên sức sống của buôn làng.
TRẦN TẤN VỊNH
Nguồn: Tạp chí VHNT số 526, tháng 2-2023