Khi đại dịch lắng xuống, một hiện thực mới đặt con người đối diện với việc tìm ra ý nghĩa mới của sự sống, của việc tồn tại. Nghệ thuật cũng không nằm ngoài dòng chảy đó khi xuất hiện dòng phim chữa lành, nhân lên những điều tốt đẹp.
Phim Bambi 2 - ngay cả phim hoạt hình cũng có thể mang thông điệp chữa lành
Trong lời kết phim Blues - nơi đảo xanh (Our Blues), các nhà làm phim Hàn Quốc đã chĩa ống kính vào dòng chữ treo trên tấm biển ở cao tốc bên đường tàu điện với nội dung “Hôm nay những điều tốt đẹp sẽ đến với bạn” và “Chúng ta đều có một sứ mệnh không được quên trong đời: ta đến cuộc đời này không phải để đau khổ và bất hạnh, mà để được hạnh phúc. Mọi người hãy hạnh phúc nhé!”...
Ngày càng có nhiều những trang nhật ký, những thông điệp tích cực được cài cắm trong các câu chuyện phim. Không đi vào những tình tiết gây sốc, dòng phim chữa lành được xem là hành trình tự giải tỏa sự bức bối, xoa dịu nỗi cô đơn, chữa lành những thương tổn, lấp đầy những thiếu thốn và giải phóng chính bản thân mình. Xem phim, khán giả như được truyền thêm những năng lượng tích cực, sự bình yên, dễ chịu khi được giải tỏa, được đối diện và vượt qua nỗi đau và tìm thấy mục đích sống, được tiếp thêm những niềm hy vọng…
Theo các nhà biên kịch, các nghệ sĩ theo đuổi dòng phim này thì phim chữa lành là bộ phim phản ánh đúng những thực trạng và vấn đề tâm lý xã hội đang hiện hữu trong cuộc sống hằng ngày và ẩn trong đó là những thông điệp rất đời mà có khi mỗi người vì lý do nào đó thường bỏ qua hay lãng quên. Nếu một bộ phim đánh đúng vào tâm lý sẽ tạo được sức hút và lôi kéo đông đảo khán giả quan tâm hơn so với các phim thông thường. Tuy nhiên, những bộ phim có tính chữa lành như thế vẫn còn rất ít do chúng ta thiếu sự quan tâm đến sức khỏe tinh thần của công chúng và chính bản thân mình.
Phim Tọa độ hạnh phúc - một dự án theo đuổi dòng phim chữa lành
Theo đạo diễn Khoa Nguyễn chia sẻ trong một diễn đàn thì: “Ở phương diện chuyên môn nghề nghiệp, tôi không nghĩ phim về đề tài chữa lành là quá khó với các nhà làm phim Việt. Điều khiến cho phim về đề tài này thiếu ở Việt Nam là vì chúng ta thiếu sự quan tâm đến vấn đề sức khỏe tinh thần. “Chúng ta” ở đây là xã hội nói chung, và khán giả - nhà đầu tư - nhà làm phim nói riêng. Về mặt thị trường phim Việt, rõ ràng các bộ phim có đề tài đơn giản, nhẹ nhàng, dễ xem, dễ hiểu như: tình yêu đôi lứa, tình cảm gia đình, thanh xuân vườn trường… đang chiếm ưu thế. Và khán giả vẫn chuộng xem các bộ phim được kể “trực quan sinh động” hơn là các bộ phim đi sâu vào những vấn đề nội tâm để chia sẻ và chữa lành”.
Theo các nghệ sĩ thì điều quan trọng nhất với một bộ phim, đặc biệt là phim về đề tài chữa lành, vẫn chính là kịch bản. Đó phải là một kịch bản vừa mang câu chuyện hấp dẫn, vừa có được sự đúng đắn về mặt khoa học, ở phương diện tâm lý và chữa lành. Có được cả hai đã khó, lại phải dung hòa được cả hai càng khó hơn. Bởi khán giả cần tìm thấy sự đồng cảm sâu sắc giữa mình với nhân vật, với câu chuyện được kể, từ đó mới tìm thấy được sự xoa dịu khi xem phim. Vậy nên, chất lượng diễn xuất của diễn viên - người thổi hồn cho nhân vật và câu chuyện, sẽ là yếu tố quyết định phần lớn cho sự đồng cảm và được xoa dịu của người xem.
Ở góc độ người viết, nhà văn - biên kịch Hạnh Ngộ cho biết, chị cũng trăn trở không ít khi dòng phim chữa lành bị bỏ ngỏ. Bởi không chỉ khi đại dịch xảy đến mà trước đó, hay cả sau này, bản thân mỗi người đều có những mất mát, buồn đau, tổn thương cần được vỗ về, an ủi, mà phim ảnh có chức năng và khả năng làm tốt những điều đó. Đây cũng là một tham khảo để nhà làm phim có thể quan tâm hơn, mạnh dạn hơn, nhìn nhận đúng hơn giá trị mà dòng phim này mang lại.
Thực tế, phim Việt Nam đang khát phim tâm lý, chữa lành thế giới nội tâm bởi đa số các phim đều xoay quanh những câu chuyện mang tính bề nổi cuộc sống, ít đề cập các vấn đề tâm lý mà con người đang đối mặt. Trong khi đó, như nhận định của một số chuyên gia tâm lý, phim ảnh, âm nhạc hay các hình thức nghệ thuật cũng có những tác động tích cực tới sức khỏe tinh thần.
Phim Blues - nơi đảo xanh (Our Blues)
Có rất nhiều những ví dụ về áp lực tinh thần. Đó có thể là câu chuyện của những đứa con luôn cảm thấy áp lực đè nặng trước kỳ vọng, sức ép quá lớn từ những bậc làm cha mẹ. Biên kịch Huyền Lê (phim Hãy nói lời yêu) chia sẻ rằng việc viết một kịch bản có những yếu tố tâm lý không dễ. Nỗi đau, sự bất ổn và giằng xé về mặt tâm lý là những thứ vô hình. Việc biểu hiện những điều đó ra bên ngoài như thế nào, qua tình huống gì cũng cần phải nghiên cứu cẩn thận bởi việc đào sâu tâm lý, đẩy đến tận cùng sự thật không bao giờ là dễ.
Nói về lý do chưa có nhiều bộ phim đề cập đến những bất ổn tâm lý, nhà biên kịch Huyền Lê cho rằng không phải không có những biên kịch chạm được đến vấn đề này, mà do có thể chưa có nhiều biên kịch quan tâm đến. Trong khi đó đề tài và chủ đề về tâm lý này trong phim ảnh Việt ở giai đoạn hiện tại và sắp tới phải luôn là “hàng thiết yếu” với công chúng. Phim ảnh nói chung và phim liên quan vấn đề bất ổn tâm lý nói riêng, mới phản ánh thật sự cuộc sống, và người xem mới giải tỏa được cảm xúc khi theo dõi.
Với phim thì chỉ khi đụng vào chính cảm xúc thật của khán giả thì mới có thể xoa dịu, chữa lành. Khi xem bộ phim đề cập các triệu chứng rối loạn lo âu, căng thẳng, hoảng loạn hay trầm cảm… nếu nhà làm phim làm tốt các vấn đề bất ổn tâm lý đó, người xem sẽ thấy giống như họ đang là nhân vật trong phim, muốn theo dõi để diễn giải những vấn đề của mình. Bằng cách đó, họ có thể ngộ ra mình đang gặp trục trặc gì, đang ở giai đoạn nào của căn bệnh… Như thế, xem phim cũng là cách tháo gỡ, chữa trị vấn đề của họ và phim ảnh thì cần làm tốt hơn nữa vai trò này.
Mới đây, Tọa độ hạnh phúc - series phim du lịch mang thông điệp chữa lành cũng đi theo hướng này khi kết hợp cả 3 yếu tố: văn hoá du lịch, phim ảnh và thông điệp chữa lành. Theo đại diện nhà sản xuất, không phải những cú twist bất ngờ hay những màn rượt đuổi gay cấn mà chính sự đi sâu hơn vào cuộc sống thường nhật, từ đó nhẹ nhàng “chữa lành” những tổn thương của người xem.
Với chủ đề chính là du lịch, Tọa độ hạnh phúc hy vọng sẽ làm hài lòng những người mê xê dịch khi khắc họa vẻ đẹp của đất nước vừa thân quen nhưng cũng đầy mới lạ, lồng ghép khéo léo những nét văn hóa đặc trưng của từng vùng miền, đặc biệt là ẩm thực.
Bên cạnh những thước phim đẹp về thiên nhiên, đời sống tinh thần của người trẻ cũng được bộ phim thể hiện dưới một lăng kính gần gũi và cảm thông. Đó là áp lực công việc, trăn trở cuộc sống, cảm giác vô định - những điều không mấy xa lạ của nhịp sống bận rộn, dễ dàng “cuốn” người trẻ vào một vòng xoáy bức bối và chông chênh.
Phim Hãy nói lời yêu - một phim khai thác khá sâu về tâm lý
Thông qua những chuyến đi đến vùng đất mới, hoà mình vào thiên nhiên và những câu chuyện tình người xứ lạ, Toạ độ hạnh phúc hy vọng sẽ khắc họa rõ nét về một “chuyến đi chữa lành” - nơi người trẻ tìm về những điều đơn giản nhất trong cuộc sống để thắt chặt hơn sợi dây kết nối với chính mình. Biên kịch Khánh Hoàng cho biết: “Đó không chỉ là chuyến du lịch đơn thuần. Nó còn là hành trình về tâm thức để tự chữa lành, trở thành phiên bản tốt hơn. Tính khám phá của cá nhân trong mỗi hành trình rất quan trọng. Từ câu chuyện của nhân vật, mỗi người sẽ có trải nghiệm thú vị cho riêng mình”.
Rõ ràng, vẫn còn nhiều thách thức tuy nhiên dòng phim chữa lành sẽ là hướng đi đầy triển vọng của phim ảnh khi con người cần đến những thông điệp tích cực để vượt lên thực tại bất ổn cũng như vượt lên chính mình và hướng tới những điều tốt đẹp.
TRẦN THỦY
Nguồn: Tạp chí VHNT số 520, tháng 12-2022