Những hình thuyền trang trí trên đồ gốm thời Lê - Nguyễn (Phần 2)

H9

Khi vương triều Minh ra lệnh cấm vận đường biển từ năm 1371- 1567, nắm độc quyền ngoại thương là một cơ hội cho hàng gốm Việt Nam xuất khẩu nhằm đáp ứng nhu cầu thiếu hụt của hàng gốm sứ Trung Quốc. Nhiều chuyến hải trình đã đưa hàng hóa gốm sứ của Đại Việt tới nhiều nước trên thế giới. Tư liệu khảo cổ học những năm gần đây càng cho biết nhiều hơn về những hàng hóa gốm sứ tương tự tàu cổ Cù Lao Chàm đã phát hiện được ở nhiều nước Đông Nam Á, Nhật Bản và Châu Âu. 

Những đồ gốm hiện do các bảo tàng và sưu tập tư nhân ở nước ngoài lưu giữ rất hoàn hảo, có chất lượng cao, thuộc dòng gốm hoa lam hay hoa lam kết hợp vẽ nhiều màu và vàng kim. Do tình hình tài liệu hạn chế, một số trường hợp đồ gốm thuộc thế kỷ 15 nhưng các tác giả công bố xếp vào thế kỷ 16. Chẳng hạn, chiếc đĩa gốm hoa lam mang ký hiệu MA 7039, tại Bảo tàng Guimet ở Paris, theo chúng tôi thuộc vào thế kỷ 15 (Hình 9). Đĩa có miệng loe ngang, gờ có rãnh lõm hình lòng máng, thành cong, lòng phẳng. Trang trí trên đĩa theo kiểu phóng bút rất linh động, không tuân thủ luật viễn cận. Giữa lòng đĩa vẽ phong cảnh cây cỏ, hình thuyền có người chèo, hình chim và mây trời bảng lảng, trong đó hình chim lớn mà con thuyền lại nhỏ. Bao quanh lòng đĩa vẽ 6 ô dải xoắn xen kẽ các ô vạch chéo. Thành trong đĩa vẽ băng hoa cúc dây. Vành miệng đĩa vẽ băng hoa dây hình sin. Men vẽ màu xanh chì, men phủ màu trắng xám.

H10

Một chiếc đĩa gốm hoa lam khác (Hình 10), thuộc sưu tập của Art Gallery ở South Australia, Adelaie được công bố trong sách Gốm truyền thống Đông Nam Á (1). Chiếc đĩa này được giới thiệu lại trong cuốn sách Gốm Việt Nam (Vietnamese Ceramics: A Separate Tradition) (John Stevenson and John Guy (Cb) 1997). Theo chú thích ảnh, các tác giả cho biết đĩa có đường kính miệng là 36cm và niên đại thế kỷ 16. Qua so sánh các tài liệu hiện biết về gốm hoa lam Việt Nam, từ kiểu dáng đến trang trí, theo chúng tôi xếp niên đại chiếc đĩa này vào thế kỷ 15 mới hợp lý. Đĩa có vành miệng loe ngang, thành cong, lòng phẳng. Lòng đĩa khuôn gọn trong 2 đường chỉ men lam, vẽ cảnh một cuộc chiến xảy ra giữa 2 chiếc thuyền với nhiều người trên sàn và cả trên các cột buồm, vẻ mặt hung dữ trong tư thế bắn cung. Phía dưới 2 chiếc thuyền vẽ các lớp sóng xen lẫn hình người đang bơi bên cạnh con cá to lớn và cả hình người đang bị cá nuốt. Phía trên là bầu trời với mây tản. Bao quanh đường tròn là băng hoa văn các dải xoắn. Thành trong đĩa vẽ băng hoa dây, kiểu hoa 4 cánh tròn trong có chấm giữa rất phổ biến trên loại đĩa và bát tàu cổ Cù Lao Chàm. Vành miệng đĩa vẽ băng dây lá hình sin. Gờ miệng đĩa không men phản ánh kỹ thuật úp miệng 2 đĩa khi nung. Men vẽ màu xanh đậm, men phủ màu trắng xanh.

H11

Đồ gốm hoa lam Việt Nam thế kỷ 16-17 dường như không còn các loại hàng gốm chất lượng cao tham gia xuất khẩu như thế kỷ trước. Các loại hình gốm gia dụng kém dần về chất lượng. Các lò gốm chuyển sang tập trung sản xuất loại hình đồ gốm thờ phục vụ các đình, đền, chùa, miếu trong nước. Đặc biệt với các loại hình chân đèn, chân nến, lư hương có kích thước lớn, trang trí hoa văn phong phú các đề tài tứ linh, hoa sen, hoa cúc (2). Ngoài dòng gốm hoa lam còn có sự kết hợp trang trí nổi không men. Đây cũng là thời kỳ xuất hiện một số dòng men mới như men lam xám của Đặng Huyền Thông ở Hùng Thắng (Hải Dương) (3). Men nhiều màu nặng lửa, men rạn ở Bát Tràng (Hà Nội) (4). Những đồ gốm hoa lam có trang trí hình thuyền trong thời kỳ này khá hiếm.

H12

Chiếc đĩa gốm hoa lam cỡ nhỏ (Hình 11), cao 3,7cm; đường kính miệng 18cm giới thiệu trong sách Gốm hoa lam Việt Nam (Bùi Minh Trí và Kery Nguyễn Long, Nxb Khoa học Xã hội 2001) của Nhà sưu tầm Trần hạnh (Hà Nội). Đĩa có miệng loe, thành vát, đế thấp và rộng, lòng phẳng. Trong lòng đĩa, khuôn trong 3 đường chỉ men lam, vẽ cảnh người chèo thuyền kéo lưới, xung quanh có hình 3 con cá, những dải lá tre, xa xa là dãy núi non. Tác giả Bùi Minh trí xếp niên đại chiếc đĩa này vào thế kỷ 16, cùng kiểu gốm lò Chu Đậu và Hùng Thắng. 

Cũng trong sách Gốm hoa lam Việt Nam, chiếc bát gốm hoa lam (Hình 12) cao 7,2cm; đường kính miệng 16,2cm giới thiệu bát có miệng loe, thành cong, chân đế thấp lõm, đáy tô nâu. Thành ngoài bát vẽ giữa phong cảnh sông nước, cây lá xum xuê, một hình thuyền có mui ở giữa. Trên thuyền có một người chèo thuyền, một người đứng. Men vẽ màu xanh chì, men phủ màu trắng xám rạn. Tác giả Bùi Minh Trí xếp niên đại chiếc bát này theo kiểu gốm lò Chu Đậu, thế kỷ 16.

H13

Chiếc âu gốm hoa lam thuộc sưu tập Honda (Hình 13), in trong Catalogue cuộc trưng bày gốm hoa lam Việt Nam của Bảo tàng Fukuoka, Nhật Bản. Cuộc trưng bày diễn ra từ ngày 27/3 đến 5/6 năm 2001. Âu cao 21,4cm; đường kính miệng 23,4cm (5). Hình ảnh chiếc âu này được giới thiệu lại trong sách Gốm hoa lam Việt Nam. Âu có gờ viền miệng dày, thành cong, sâu lòng, chân đế thấp. Thành ngoài âu vẽ 3 băng hoa văn. Giáp gờ miệng vẽ băng cánh sen kép, cánh to xen nhỏ. Xung quanh chân đế vẽ băng cánh sen nghiêng. Băng hoa văn ở giữa rộng nhất, vẽ hoạt cảnh 2 chiếc thuyền có mui. Trên mỗi thuyền có 2 người chèo. Đáng chú ý những hình người đều quay mặt nhìn ngang, có người đội kiểu mũ có chóp, vành rộng. Men vẽ màu xanh chì, men phủ màu trắng xám. Các tác giả đều xếp niên đại của chiếc âu này là thế kỷ 16-17.

H14

Đồ gốm hoa lam dưới thời Nguyễn (1802- 1945) vẫn sản xuất ở trung tâm gốm Bát tràng. Nhiều đồ gốm hoa lam có ghi niên hiệu chế tác đời vua Gia Long (1802- 1819), hiện còn lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia như bình có nắp, hũ thấp có nắp và chậu gốm hoa lam (6). Những đồ gốm hoa lam Bát Tràng chế tác ở thời Nguyễn có vẽ trang trí hình thuyền chỉ gặp trên loại hình bình có nắp, bình hoa và bình vôi. Chiếc bình gốm hoa lam trong sưu tập của Bảo tàng Fukuoka (Hình 14) có đường kính miệng 17cm (7). Bình có gờ miệng dày, cổ hình trụ ngắn, vai phình, thân dưới choãi, chân đế thấp.Trang trí trên bình theo kiểu phóng bút. Xung quanh cổ bình vẽ mây, vai vẽ 2 băng văn lá đề, một nhỏ và một to. Phần trang trí xung quanh thân bình thể hiện phong cảnh sơn thủy, chùa tháp, cổng làng, người cưỡi ngựa qua cầu có lan can. Dưới sông có 2 chiếc thuyền nhỏ đang vận động hướng về phía trước. Men vẽ màu xanh mực, men phủ màu trắng ngà. Bảo tàng Fukuoka xếp niên đại của chiếc bình vào thế kỷ 18- 19 nhưng theo chúng tôi đó là chiếc bình gốm hoa lam Bát Tràng thế kỷ 19.

Trong sưu tập gốm của Bảo tàng Lịch sử quốc gia VN có cặp bình có nắp gốm hoa lam Bát Tràng. Hai chiếc bình đều có kiểu dáng, kích thước, trang trí, men vẽ màu xanh mực và men phủ màu trắng xám, tương tự nhau (Hình 15). Bình cao 59,5cm, đường kính miệng 17,5cm (8). Nắp bình hình vòm bán cầu có chỏm là tượng nghê vờn ngọc, vẽ mây xung quanh. Bình có gờ miệng dày, cổ cao, vai phình, thân thuôn dài gần dáng chuông, vành đế choãi, dưới đáy lõm. Trên vai bình đắp nổi 4 đầu sư tử ngậm vòng trõn. Trang trí vẽ lam có mây dải quanh cổ bình, quanh thân vẽ đề tài phong cảnh sơn thủy, nhà cửa lâu đài, cây lá, người đội ô, người chèo thuyền. Minh văn viết bằng men lam dưới đế : Gia Long niên chế (Chế tạo trong niên hiệu Gia Long, 1802 - 1819).

H15

Loại bình vôi gốm hoa lam Bát Tràng sản xuất vào thế kỷ 19 khá phổ biến (Hình 16). Bình vôi có quai tròn cong hình vòng cung, thân hình cầu, chân đế cao.Trên đỉnh và bên dưới dải quai chạm nổi chữ Thọ tròn. Trên quai vẽ lam dải xoắn. Một mặt bình vôi vẽ lam 3 con thuyền nhỏ, mỗi thuyền có một người ngồi giữa, có vẻ như loại thuyền câu. Dưới thuyền là sóng nước và phía trên là mây trời. Trang trí vẽ lam trên loại bình vôi này theo kiểu phóng bút, tạo nét đậm nhạt. Men vẽ màu xanh chàm, men phủ màu trắng ngà, mang đặc trưng của gốm Bát Tràng.

H16

Hình thuyền trang trí trên đồ gốm xuất hiện lần đầu tiên là chiếc bát gốm men lục cuối thời Trần, thế kỷ 14, nhưng hẳn đó chưa phải là duy nhất. Trong điều kiện tài liệu hiện nay chúng tôi thấy xuất hiện nhiều hơn trên đồ gốm hoa lam từ thời Lê Sơ đến thời Nguyễn. Nước Đại Việt thời Lê Sơ là một quốc gia hùng cường ở Đông Nam Á. Đây là thời kỳ sản xuất đồ gốm đạt đỉnh cao rực rỡ, không chỉ đáp ứng phục vụ nhu cầu trong nước mà còn xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới. Với việc sử dụng bút lông thể hiện theo cách phóng bút hay công bút hoặc kết hợp cả hai, trên các loại hình đồ gốm hoa lam và hoa lam vẽ nhiều màu trên men, những nghệ nhân xưa đã tạo ra điều khác biệt kỳ diệu so với gốm sứ Trung Quốc. Hình thuyền trang trí trên các loại hình đồ gốm đích thực là những bức tranh thủy mặc mang hồn cốt Việt Nam. Thông điệp từ những loại hình đồ gốm này là ước mơ về một cuộc sống thanh bình, gắn bó hài hòa với thiên nhiên. Và không chỉ vậy, đó còn là một mảng đề tài góp phần tạo ra những nét riêng biệt truyền thống của gốm Việt Nam.

___________________

Tài liệu tham khảo 

1. Bảo tàng Fukuoka, 2001, Catalogue trưng bày gốm hoa lam Việt Nam (Chữ Nhật Bản).

2. Bùi Minh Trí - Kery Nguyễn Long, 2001, Gốm hoa lam Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

3. John Guy, 1980, Gốm truyền thống Đông Nam Á (Ceramic traditions of South East Asia), Nxb Đại học Oxford.

4. Stevenson, John and John Guy (Ed), 1997, Gốm Việt Nam: một truyền thống riêng biệt (Vietnamese Ceramics: A Separate Tradition), Chicago: Art Media Resources và Nxb Avery.

NGUYỄN ĐÌNH CHIẾN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 514, tháng 10-2022

 

;