Cùng với tượng Nữ thần tự do, tháp Eiffel hay tháp nghiêng Pisa…, hàng chữ Hollywood trên đồi Mount Lee phía Bắc thành phố Los Angeles (Mỹ) là một trong những biểu tượng được nhiều người biết nhất trên thế giới. Không chỉ có vậy, nó còn là biểu tượng cho đế chế điện ảnh hùng mạnh được mệnh danh “kinh đô điện ảnh Hollywood”. Sắp kỷ niệm sinh nhật 100 năm, biển hiệu Hollywood đã trải qua một thế kỷ đầy thăng trầm cùng kinh đô điện ảnh.
Ngẫu nhiên thành biểu tượng
Theo các tài liệu, biển hiệu Hollywood được khánh thành vào ngày 13/7/1923, tọa lạc tại ngọn Lee thuộc vùng đồi Hollywood của dãy núi Santa Monica nhìn xuống khu vực Hollywood của thành phố Los Angeles (Hoa Kỳ). Harry Chandler - Tổng biên tập tờ Los Angeles Time đã cho dựng biển hiệu này nhằm quảng cáo cho vùng đất mới và công ty địa ốc của mình. Tấm biển ban đầu có tên Hollywoodland (tạm dịch: Vùng đất Hollywood). 13 chữ cái làm bằng gỗ và vải, được gắn trên một khung sắt và được thắp sáng bởi 4000 chiếc bóng đèn 20 watt giúp bảng chữ này nhấp nháy trong đêm. Ban đầu, các nhà quảng cáo chỉ định để biển hiệu này trong vòng một năm rưỡi nhưng thời gian trôi qua, nó dần chìm vào quên lãng. Mãi tới năm 1945, Phòng Thương mại địa phương quyết định bỏ chữ “land”, chỉ để lại 9 chữ cái “Hollywood”. Nguyên nhân sâu xa là bởi, những nhà kinh doanh sành sỏi này nhận ra sức cuốn hút của vùng đất này giờ đây không còn là các ngành kinh doanh, trong đó có kinh doanh địa ốc nữa mà là thời kỳ vàng son của nền công nghiệp điện ảnh. Sức phát triển như vũ bão của ngành kinh doanh giải trí này đã biến Los Angeles thành một trung tâm nghệ thuật của nước Mỹ và Hollywood bỗng trở thành một địa danh tiếng tăm toàn cầu. Nằm ở vị trí thuận lợi trông thẳng xuống quận Hollywood và mặc dù có thể chiêm ngưỡng dòng chữ cái ở hầu hết các địa điểm trong thành phố, nhưng hàng năm vẫn có hàng triệu lượt khách du lịch đến tận nơi để “mục sở thị” dòng chữ.
Tuy chỉ là một biểu tượng không chính thức nhưng từ lâu, người ta đã vô tình hoặc mặc định vai trò của nó đối với Hollywood giống như là vai trò của tháp Eiffel với Paris hoa lệ hay tháp đồng hồ Big Ben với thành phố London sương phủ. Vì đã trở nên quá quen thuộc, nhiều người coi sự tồn tại của hàng chữ này là tất yếu tới mức quên luôn cả bề dày lịch sử của nó cũng như việc phải bảo dưỡng tu sửa nó hàng năm.
Số phận thăng trầm
Bởi vậy mà dù được coi là hàng chữ huyền thoại, biển hiệu này lại được hưởng rất ít sự quan tâm. Trong lịch sử 100 năm của nó, hàng chữ này mới chỉ được tu sửa vài lần. Có thời gian, nó bị bỏ quên không chăm sóc tới hàng thập kỷ.
Những năm cuối thập kỷ 1970, 9 chữ cái này bị lãng quên hoàn toàn và rơi vào tình trạng hết sức tệ hại khi mưa gió dần làm nó xiêu vẹo. Vậy là những người có tâm huyết của Hollywood lập tức tổ chức tuyên truyền, vận động gây quỹ để sửa sang lại biểu tượng thiêng liêng này. Trong đó phải kể đến những buổi biểu diễn hoành tráng của ban nhạc Fleetwood Mac rất nổi tiếng thời bấy giờ. Đến khi ông Hugh Hefner - Tổng biên tập tạp chí Playboy “vào cuộc” với một chương trình gala đặc biệt với hình thức đấu giá chữ thì 9 chữ cái này mới được “hồi sinh”. Mỗi chữ cái được định giá là 27.700 USD và những người có tiền thi nhau mở hầu bao. Kết quả là rocker kỳ cựu Alice Cooper “mua” được chữ O, một ca sĩ nhạc đồng quê được chữ “L” và Paul Williams tài trợ chữ “W”, “chủ xị” Hugh Hefner chịu trách nhiệm chữ “Y”… Phương thức gây quỹ hết sức sáng tạo này được nhiều người ủng hộ đến mức lễ khánh thành hàng chữ này được phát sóng truyền hình với số lượng người tham gia kỷ lục: 60 triệu người.
Vậy là vào ngày 14/11/1978 - nhân kỷ niệm 75 năm ra đời của Hollywood, lễ khánh thành hàng chữ trên đã trở thành một sự kiện văn hóa. Mỗi chữ cái được làm theo kích thước chuẩn quy định là 13,7m chiều cao và 10,9m chiều rộng. Hàng chữ dài 137m và nặng hơn 200 tấn. Chi phí ban đầu bỏ ra cho công tác trùng tu kiêm quảng cáo này chỉ 21.000 USD. Quá rẻ nếu so với chi phí để tạo ra một biểu tượng mang tầm quốc tế! Có lẽ cũng bởi vậy chăng, mà không thành phố nào lại thờ ơ bỏ quên biểu tượng của mình như Los Angeles.
Một bức ảnh công khai năm 1929 cho sự kiện khởi công Hollywoodland cho thấy một cái cây, những con la và những người khảo sát. (Bộ sưu tập Bruce Torrence Hollywood Sing Trust)
Nó đã từng chiến thắng ngoạn mục nhiều vụ động đất và cháy rừng, từng ngạo nghễ bác bỏ ý định của vài chính khách và đại gia làm phim định quét sơn màu cờ Mỹ để ủng hộ lính Mỹ đóng quân ở nước ngoài hồi năm 2001. Thế nhưng nó hầu như đầu hàng trước sự tàn phá của thiên nhiên trong hàng thập kỷ sau đó, khi nó hầu như bị lãng quên tới mức gần như đổ nát để rồi năm 2005 mới được “thay áo mới”. Ông Chris Baumgart - Chủ tịch Hollywood Sign Trust nói: “Nhìn từ xa, 9 chữ cái ấy vẫn có màu trắng nổi bật. Nhưng mọi người khó có thể thấy được tình trạng thật của nó. Chỉ khi lại gần mới thấy xót xa. 10 năm là một khoảng cách quá dài, không những với con người mà với cả những đồ vật thường xuyên bị bào mòn bởi nắng, gió và nhiều hiện tượng thời tiết khắc nghiệt khác”.
Dường như cuộc đời bên ngoài cũng muốn tạo sóng gió như trên màn bạc cho biểu tượng danh tiếng này với nhiều thăng trầm khi nhiều phen nó còn bị chao đảo bởi mãnh lực của đồng tiền.
Từng bị chia lô và rao bán
Hồi năm 1940, ông chủ hãng phim Howard Hughes đã mua miếng đất nơi tọa lạc hàng chữ này và dự định xây nhà để sống cùng cô đào Ginger Rogers. Rất may mối tình này tan vỡ nên ngọn đồi vẫn bình yên. 60 năm sau, nhóm đầu tư Fox River ở Chicago mua lại từ người thừa kế nhà Hughes miếng đất với giá 1,7 triệu USD.
Đến năm 2008, một lần nữa hàng chữ biểu tượng này đứng trước cơn sóng gió khi mà 55 ha đất được chia thành năm lô, mỗi lô đủ chứa một biệt thự khổng lồ và rao bán. Nhiều đai gia từ khắp thế giới đã đánh tiếng mua khi nhận ra vị trí độc nhất vô nhị nhìn ra tận Thái Bình Dương này. Và tuy được trấn an rằng, không chữ cái nào bị trực tiếp che chắn bởi công trình xây dựng nhưng việc sườn đồi bị phủ bê tông khiến người dân Los Angeles “sôi máu” bởi “bộ mặt” của thành phố cũng như biểu tượng của kinh đô điện ảnh có nguy cơ bị phá nát. Sợ họ xây nhà trên đồi, thành phố Los Angeles thương lượng mua lại. Cuộc mua bán diễn ra tréo ngoe, khi thành phố vét túi chỉ có 6 triệu, còn Fox River chỉ sẵn sàng thương lượng với giá khởi điểm 22 triệu!
Tháng 12/2012, biển hiệu Hollywood một lần nữa được thay sao mới sau hai tháng trùng tu. Đây là lần bảo trì quy mô nhất nhằm tiến tới kỷ niệm “sinh nhật” lần thứ 90 của dòng chữ này. Để có thể đạt hiệu quả tốt nhất trong qua trình tu sửa, những công nhân phải làm việc một cách rất tỉ mỉ. Toàn bộ 9 chữ cái bằng sắt được đánh nhẵn cả hai mặt, sau đó được phủ hai lớp sơn. Các công nhân phải di chuyển trên các ô cửa sổ lau chùi có dạng đế bằng để sơn các chữ cái có độ cao 15 mét. Ước tính, họ phải dùng tới 1362,7 lít sơn màu trắng sáng để làm mới dòng chữ sắp kỷ niệm sinh nhật thứ 90 này. Theo nguồn tin địa phương, công tác quét sơn tốn 175.000 USD, nhưng 140.000 USD đã được chính hãng cung cấp sơn đài thọ. Phát biểu nhân sự kiện trên, giới chức thành phố tự hào khẳng định dòng chữ này còn là biểu tượng của niềm hy vọng và là độc nhất vô nhị trên thế giới, chính nó tô sáng cho bộ mặt của thành phố Los Angeles.
Hiện tại, biển hiệu do Hollywood Sign Trust - một tổ chức phi lợi nhuận, quản lý và quảng bá. Nó xuất hiện thường xuyên trong văn hóa đại chúng, đặc biệt là trong những cảnh quay của các phim và chương trình truyền hình tại Hollywood. Nhiều biển hiệu với phong cách tương tự cũng được đã dựng lên ở nhiều nơi khác nhau trên thế giới nhưng chỉ có biển hiệu Hollywood là trở thành biểu tượng của nền công nghiệp điện ảnh Mỹ, cho lối sống và khát vọng của nhiều thế hệ.
VŨ HÀ
Nguồn: Tạp chí VHNT số 508, tháng 8-2022