Hình tượng Thiên mã trang trí trên đồ gốm xuất khẩu thời Lê Sơ

Trong số những đề tài trang trí rất phong phú trên đồ gốm thời Lê Sơ có hình tượng con người, rồng, phượng, kỳ lân, các loài động vật chim thú, các loài thủy sinh, các loài hoa cỏ, phản ánh xã hội con người và cảnh vật tự nhiên vùng đồng bằng Bắc Bộ. Trong khuôn khổ có hạn, bài viết này chỉ xin giới thiệu riêng về hình tượng Ngựa có cánh mà chúng tôi định danh gọi là Thiên Mã, trang trí trên đồ gốm xuất khẩu thời Lê Sơ (thế kỷ XV-XVI), tập trung vào đồ gốm men hoa lam và đồ gốm hoa lam kết hợp vẽ nhiều màu trên men.

Hình 1

Theo quan niệm xưa, con ngựa được coi là yếu tố dương của tự nhiên, biểu tượng cho mặt trời. Trong nhiều sử thi Ấn Độ, ngựa được dùng làm vật hiến tế thần Mặt trời. Con ngựa trong chữ Trung Quốc là Mã, người Nhật gọi là Uma, tên chữ Phạn ở Ấn Độ gọi là Asu, đều mang hàm nghĩa mau lẹ phi thường. Vì đặc tính này, ở Ấn Độ và nhiều nước khác, người ta đã thể hiện hình tượng con ngựa trong nghệ thuật với đôi cánh như thiên thần. Người phương Tây quan niệm rằng ngựa có cánh xuất phát từ con ngựa Pagasus có cặp cánh trắng trong thần thoại Hy Lạp cổ đại. Trên đồ gốm xuất khẩu thời Lê Sơ chúng tôi cũng thấy nhiều đồ gốm trang trí hình tượng Thiên Mã. Những con ngựa này có đôi cánh, được diễn tả trong tư thế đang phi nước đại như thể đang bay giữa trời mây. Khi nghiên cứu những đồ gốm phát hiện trong tàu cổ Cù Lao Chàm (Quảng Nam) và qua sưu tập tư nhân giới thiệu trên mạng Internet, chúng tôi đã gặp khá nhiều loại hình đồ gốm trang trí đề tài Thiên Mã. Đây là điều phản ánh hàng hóa gốm sứ trong tàu cổ Cù Lao Chàm được sản xuất để xuất khẩu sang các nước Hồi giáo ở Trung Đông.

Tư liệu khảo cổ học gốm sứ những năm gần đây càng cho biết nhiều hơn những hàng hóa tương tự tàu cổ Cù Lao Chàm phát hiện được ở nhiều nước Đông Nam Á và Nhật Bản. Khi vương triều Minh ra lệnh cấm vận đường biển từ năm 1371- 1567, nắm độc quyền ngoại thương là một cơ hội cho hàng gốm Việt Nam xuất khẩu nhằm đáp ứng nhu cầu thiếu hụt của hàng gốm sứ Trung Quốc. Những loại hình đồ gốm trong tàu cổ Cù Lao Chàm trang trí đề tài Thiên Mã thuộc dòng gốm men trắng vẽ lam cobalt, thường gọi là gốm hoa lam và dòng gốm hoa lam kết hợp vẽ nhiều màu trên men qua lần nung thứ hai. Thuộc dòng gốm hoa lam có các loại hình đồ gia dụng gồm ang, đĩa, bình và hũ nhỏ. Chúng tôi lựa chọn giới thiệu đầu tiên là chiếc ang gốm hoa lam, cao 13cm, đường kính miệng 9,3cm trong sưu tập độc bản tàu cổ Cù Lao Chàm, lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia. (Nguyễn Đình Chiến - Phạm Quốc Quân 2008: 125). Ang có dáng hình cầu, miệng cúp, thành cong, đáy lõm tô nâu. Giáp gờ miệng vẽ băng lá đề, giáp chân vẽ băng cánh sen kép trong có dải xoắn. Khoảng giữa thân vẽ hình tượng Thiên Mã và linh thú, xen giữa các dải mây hình khánh bằng men xanh cobalt (Hình 1).

Hình 2

Đáng chú ý loại đĩa gốm hoa lam có kích thước lớn trang trí trên đĩa theo kiểu hoa trắng nền xanh. Chẳng hạn, chiếc đĩa gốm hoa lam thuộc sưu tập Nguyễn Văn Dòng (TP. HCM). Đĩa cao10, 5cm, đường kính miệng 43,7cm, có cùng nguồn gốc từ con tàu đắm cổ Cù Lao Chàm. Đĩa có vành miệng loe ngang, vành miệng có rãnh hình lòng máng. Trang trí men lam cobalt giữa lòng vẽ hình tượng Thiên Mã trong tư thế khác lạ, 2 cánh trên lưng dang rộng, đầu ngoảnh lại lưng. Đuôi uốn cong, 4 chân trong tư thế chuẩn bị bay lên. Xung quanh Thiên Mã vẽ nhiều dải mây hình khánh. Bao quanh lòng điã vẽ băng cánh sen kép nghiêng, thường gọi là băng cánh sen dẹo, thành trong vẽ băng hoa sen dây (Hình 2).

Loại đĩa gốm hoa lam khác, có kích thước nhỏ hơn, vành miệng loe ngang, gờ miệng cắt khắc hình cánh hoa. Giữa lòng đĩa vẽ men xanh cobalt hình tượng Thiên Mã, bao quanh là băng cánh hoa “đặc trưng” của gốm thời Lê (Hà Văn Cẩn 1998: 414). Thành trong đĩa vẽ băng cánh sen kép, bên trong vẽ hình bông hoa. Viền gờ miệng đĩa vẽ băng lá sòi kiểu hình khánh (Hình 3a,b). Những chiếc đĩa này thuộc các sưu tập tư nhân nhưng qua đối chiếu so sánh có thể xác định là đồ gốm Việt Nam và cũng có nguồn gốc từ những con tàu cổ bị đắm, thế kỷ XV.

Chiếc bình tỳ bà gốm hoa lam, cao 31cm, thuộc sưu tập gốm của Bảo tàng Lịch sử quốc gia. (Bùi Minh Trí- Kery Nguyên long 2001: 349). Bình có dáng cây đàn tỳ bà (Yuhuchun). Trên cổ và xung quanh thân dưới bình vẽ men xanh cobalt băng cánh sen, trong có dải xoắn. Khoảng giữa thân bình vẽ 2 hình Thiên Mã trong tư thế phi nước đại. Đáy bình tô nâu (Hình 4).

Chiếc hũ gốm hoa lam, cao 21cm, đường kính miệng 8 cm, trong sưu tập Nguyễn Văn Dòng (TP. HCM). Hũ có miệng đứng, vai phình, thân thuôn, đáy bằng. Trang trí vẽ lam cobalt trên hũ theo kiểu hoa trắng nền xanh với 3 băng: vai vẽ băng cánh sen trong vẽ bông hoa, giữa thân vẽ 2 hình Thiên Mã bay trong mây cuộn, giáp chân vẽ băng cánh sen kép trong có dải xoắn (Hình 5).

Thuộc dòng gốm hoa lam kết hợp vẽ nhiều màu trên men có 4 chiếc đĩa:

 a) Chiếc đĩa gốm hoa lam và vẽ nhiều màu trên men, có cùng kiểu dáng đĩa  gốm hoa lam (Hình 3a,b), vành miệng loe ngang, gờ miệng cắt khấc hình cánh hoa. Đĩa cao 7,5cm, đường kính miệng 35,4cm, trong sưu tập độc bản tàu cổ Cù Lao Chàm, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia (Nguyễn Đình Chiến- Phạm Quốc Quân 2008: 157). Đây là loại đĩa vẽ trang trí qua 2 lần nung rất hoàn hảo, nhưng vì 500 năm nằm dưới biển nay chỉ còn rõ phần vẽ lam cobalt. Phần vẽ men màu nhẹ lửa trên men qua lần nung thứ 2 chỉ còn dấu vết men xanh lục và vàng. Phần vẽ men lam cobalt nét mảnh. Thành trong đĩa vẽ băng cánh sen kép, bên trong bổ ô hình thoi xen kẽ ô vẽ hoa lá. Lòng đĩa vẽ hình tượng Thiên Mã với đầu ngẩng cao, dương đôi cánh dài trên lưng, uốn mình, cong đuôi trong tư thế bay lên. Xung quanh Thiên Mã có những cụm mây hình khánh (Hình 6).

Hình 10

 b) Chiếc đĩa gốm hoa lam và vẽ nhiều màu trên men, thuộc sưu tập Nguyễn Văn Dòng (TP. HCM), có đường kính miệng 44,5cm (Phạm Hy Tùng, 2021: 23). Đĩa còn nguyên lành, vành miệng loe ngang có in rãnh lõm hình lòng máng. Hoa văn trang trí trên chiếc đĩa này rất đặc biệt, kết hợp vẽ lam cobalt và nhiều màu qua 2 lần nung nhưng phần vẽ lam cobalt tập trung vào hình tượng Thiên Mã trong lòng đĩa. Hình tượng Thiên Mã được mô tả thần thái sống động, ngẩng cao đầu, 2 cánh dương cao, chân trước gập, uốn mình, chân sau đạp mạnh theo tư thế bật lên, cái đuôi cong vút. Xung quanh Thiên Mã vẽ dầy đặc 6 cụm mây hình khánh xen các dải mây lửa. Gờ viền miệng và thành trong đĩa vẽ bằng men màu xanh lục và đỏ nâu, băng văn chữ “tỉnh” và 6 ô hình “mề đay” xen kẽ văn sóng nước hình vẩy cá nhưng nay đã mòn mờ (Hình7a,b). Theo suy đoán của chúng tôi khi so sánh với những chiếc đĩa khác có cùng kiểu dáng và một số hoa văn cùng màu men, chiếc đĩa này cũng thuộc nguồn gốc từ con tàu đắm cổ Cu Lao Chàm, thế kỷ XV.

c) Chiếc đĩa gốm hoa lam và vẽ nhiều màu trên men thuộc sưu tập Dr. Chester and Mrs. Wanda Chang, South and Southeast Asian Art. Theo thông tin trên https://collections.lacma.org, chiếc đĩa này cao 10,48cm, đường kính miệng 41,91cm. Đĩa có cùng kiểu dáng đĩa (Hình 7), phần vẽ men nhiều màu nhẹ lửa còn khá nguyên, gồm các men màu xanh lục, vàng và đỏ nâu.Từ viền miệng đến lòng đĩa vẽ các băng hoa văn: 

- Viền miệng đĩa vẽ băng văn chữ “tỉnh” bằng men đỏ nâu xen kẽ chấm men xanh lục.

- Thành trong đĩa vẽ băng 6 ô hình “mề đay” trong vẽ cành hoa lá. Xen kẽ các ô vẽ văn sóng nước hình vẩy cá bằng men đỏ nâu.

- Bao quanh lòng đĩa vẽ băng cánh sen dẹo. 

- Lòng đĩa vẽ hình tượng Thiên Mã, đầu ngẩng cao ngoảnh lại lưng, bờm dựng, 2 cánh và đuôi dương cao với tư thế dũng mãnh. Xung quanh hình tượng Thiên Mã vẽ 8 cụm mây hình khánh vẽ bằng men xanh lục và vàng xen kẽ nhau (Hình 8).

 Qua so sánh, chúng tôi cho rằng niên đại của chiếc đĩa này thuộc thời Lê Sơ, thế kỷ XV, cùng chủng loại đĩa gốm hoa lam và nhiều màu trong tàu đắm cổ Cu Lao Chàm.

 d) Chiếc đĩa gốm hoa lam và vẽ nhiều màu trên men thuộc sưu tập tư nhân ở Hải Phòng có đường kính miệng 33cm (Hình 9 a,b). Đĩa còn nguyên lành, vành miệng loe ngang có in rãnh lõm hình lòng máng, thành vát, đế thấp và rộng, đáy tô nâu. Lòng đĩa vẽ hình tượng Thiên Mã trong ô tròn men lam, với đầu ngẩng cao hướng thẳng lên phía trên, dương đôi cánh dài trên lưng, uốn mình, cong đuôi trong tư thế bay cao. Xung quanh hình tượng Thiên Mã vẽ 4 cụm mây hình khánh bằng men xanh đen và đỏ nâu. Bao quanh Thiên mã vẽ băng cánh hoa “đặc trưng” cách đều nhau bằng men đỏ nâu xen các chấm men xanh đen. Thành trong đĩa vẽ những cụm mây dải hình khánh. Viền quanh vành miệng đĩa vẽ băng văn chữ “tỉnh” (là 2 cặp vạch song song chéo nhau). Thành ngoài đĩa vẽ băng cánh sen kép, trong mỗi cánh vẽ dải xoắn ốc bằng men xanh đen và đỏ nâu. (Nguyễn Bá Thanh Long (Cb) 2011: 280).

Trên đây chỉ là một số trường hợp lựa chọn theo chủ quan của chúng tôi. Trong nhiều bảo tàng và sưu tập tư nhân ở trong và ngoài Việt Nam hẳn còn nhiều đồ gốm khác có trang trí đề tài hình tượng Thiên Mã này ! 

Hình 11a

Dưới thời Mạc, thế kỷ XVI, tuy không còn thấy hình tượng Thiên Mã trên loại đồ gốm xuất khẩu nữa nhưng lại thấy xuất hiện trên loại hình đồ gốm thờ và loại gạch chữ nhật trang trí kiến trúc. Đại diện là chiếc lư hương gốm hoa lam thuộc sưu tập gốm của Bảo tàng Nam Định (Hình 10). Đây là loại lư cao còn khá nguyên, cao 40 cm, do Đỗ Xuân Vy ở xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm tạo tác vào ngày 20 tháng 8, niên hiệu Hưng Trị năm thứ 3 (1590). Đặc biệt trên lư, ngoài trang trí vẽ mây và hoa lá bằng men lam còn có các trang trí nổi để mộc: hình rồng yên ngựa, kỳ lân, ngựa có cánh, diềm răng cưa (Nguyễn Đình Chiến 1999:138-139). Những viên gạch trang trí nổi hình tượng Thiên Mã thường gặp trong một số kiến trúc thế kỷ XVI như ở Chùa Ông, huyện Văn Lâm (Hình 11a) và đền Đậu An, huyện Tiên Lữ (Hình 11b) thuộc tỉnh Hưng Yên; và chùa trăm Gian, huyện Hoài Đức, Hà Nội (Hình 11c). 

Như vậy, phải chăng hình tượng Thiên Mã trong nghệ thuật cổ Việt Nam cũng hóa thân vào huyền thoại và ít nhiều mang mầu sắc tôn giáo như con ngựa trong văn hóa Ấn Độ, Trung Quốc hay tín ngưỡng phương Tây. Hình tượng Thiên Mã xuất hiện trong loại gốm hàng hóa xuất khẩu sang các nước ở Trung Đông thế kỷ 15 có thể được coi là bằng chứng sinh động về mối giao lưu kinh tế văn hóa giữa Việt Nam và phương Tây cách ngày nay hơn 500 năm trước?.

________________

Tài liệu tham khảo

1. Hà Văn Cẩn, 1998: Vành hoa văn đặc trưng Việt Nam trên đĩa gốm Chu Đậu. Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 1998, Nxb Khoa học xã hội Hà Nội.

2. Nguyễn Đình Chiến, 1999: Cẩm nang đồ gốm Việt Nam có minh văn, thế kỷ XV- XIX,  Bảo tàng lịch sử Việt Nam.

3. Nguyễn Đình Chiến - Phạm Quốc Quân, 2008: Gốm sứ trong năm con tầu cổ ở vùng biển Việt Nam, Bảo tàng lịch sử Việt Nam.

4. Bùi Minh Trí - Kery Nguyễn Long, 2001: Gốm hoa lam Việt Nam. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội

5. Phạm Hy Tùng, 2021: Cổ vật gốm sứ có trang kim, Nxb Hồng Đức.

6. Nguyễn Bá Thanh Long (Cb), 2011: Cổ vật Hải Phòng, Bảo tàng Hải Phòng và Hội cổ vật Hải Phòng.

NGUYỄN ĐÌNH CHIẾN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 508, tháng 8-2022

;